Em Còn Muốn Chừng Nào Anh Còn Nhớ Chương 4

Chương 4
Cẳng chân của Mado đỏ hồng lên và mềm đi dưới các ngón tay của chị.

Đấy không thực sự là cẳng chân vì nó chỉ dừng lại dưới đầu gối và đồng thời vừa lõm vừa phồng giống như một cái thìa vậy. Nó bao lấy và trợ giúp bàn chân thật, mắt cá thật, những bộ phận vẫn mảnh khảnh như của trẻ con. Ngoại trừ bố chị, không một ai từng nhìn thấy ống chân chị được lắp bộ phận giả như thế, loại chất dẻo nhạt hơn màu da một chút nhưng vô cùng nhẵn nhụi.

Mado quấn ba lớp vải xung quanh bắp chân, rồi đi vào đôi tất dày cao đến tận gối. Chị đi hơi khập khiễng và khi chị đi đôi tất ấy, không ai có thể đoán ra dị tật của chị, nhưng bản thân chị lại không bao giờ quên nó; từ thời thơ ấu, lúc ngồi im một chỗ, chị đã mang nỗi sợ dai dẳng bị ngã. Ngày mới đã lên, nhưng do giàn nho phủ lên các ô cửa sổ, nên gian phòng vẫn chìm trong bóng tối màu xanh, làm cho chị nhớ lại những ngày xưa, khi chị giấu mặt trong đám cỏ của một mảnh vườn ngày nay đã biến mất. Chị ngồi trước bàn trang điểm và lấy lược từ một trong ba ngăn kéo có tay nắm bằng đồng được trang trí bằng những dải màu khác nhau. Mỗi buổi sáng, chị đều nóng lòng chờ đợi giây phút này. Từ khi mang chân giả, chị chưa bao giờ ngừng cảm thấy xấu hổ, nhưng khoảnh khắc này đây, chị lại đang tràn ngập lòng tự hào. Chị thích nhìn những sợi tóc mình chảy giữa các ngón tay, dài bất tận và có màu hung lông cáo. Chúng dường như được ban cho một cuộc sống riêng, chúng bắt nguồn từ đầu chị và chảy xuống đến tận thắt lưng. Bố chị gọi đấy là mái tóc màu da cam và không bao giờ ông bắt chị phải buộc mái tóc lại, ông thích nhìn chúng nhảy múa trên lưng chị. Chị thừa hưởng mái tóc ấy từ mẹ, mẹ đã ra đi khi chị lên ba tuổi. Chị ngồi ngắm nghía và chải tóc cho đến khi mái tóc phát ra tiếng nổ lét tét nho nhỏ, rồi chị tiếc nuối đặt chiếc lược xuống, tết thành hai bím dài, vấn xung quanh đầu rồi cố định lại bằng những chiếc kẹp mạ bạc. Trong vài phút, những bím tóc đè lên đầu chị, ấm áp, mềm mại và đầy sức sống. Trong lúc chờ đợi để quen với trọng lượng của chúng, với sức căng trên trán và hai bên thái dương, chị ngồi bất động trước gương, nhìn sâu vào đôi mắt màu nhạt đang nhìn lại chị chòng chọc không cảm xúc.

Thời gian này, mỗi buổi sáng, chị nhớ đến ngày mà bố chị lần đầu tiên lắp chân giả cho chị và giải thích rằng nó sẽ giúp chị đi lại; rằng từ đây, chị sẽ có thể đi được xa như mong muốn, chị không còn phải ngồi im một chỗ nữa. Chị đã bật khóc và ông bố tưởng rằng đó là những giọt nước mắt vui sướng, nhưng đó lại là những giọt nước mắt của nỗi buồn và sự chống đối: chị không mong muốn đến một nơi nào, chị bằng lòng ở yên trong thế giới nhỏ xíu mà ông đã dạy chị phải phóng to ra vô cùng tận và nghiên cứu tỉ mỉ từng chi tiết bé nhất của nó, và chị không có ý muốn rời xa thế giới ấy.

Cái thế giới nhỏ xíu này, ông gọi như thế, ông đã tạo ra để xoa dịu chị trước khuyết tật buộc chị phải nhảy lò cò một chân hay phải bò mà kéo lê cái chân bệnh tật. Đó là một mảnh đất vuông với hàng rào bao quanh bằng những cây con mà chị lựa chọn giống trong một cuốn bách khoa toàn thư, rồi giúp bố trồng xuống. Bên trong hàng rào là các hình trang trí được phối hợp từ những thứ mà ông nhặt nhạnh ở đây đó qua các lần dạo chơi trong phố. Mado nằm trên lưng bố, hai tay ôm cổ bố: những chiếc nắp chai xinh xắn, một cái hoa tai, một cái nhẫn bị rơi mất viên đá, các đồng xu lẻ, có cả chiếc cánh khô của một con chim cổ đỏ và cái sọ bé tẹo của con chuột nhắt rừng mà hai bố con để phơi nắng cho đến khi nó trắng như ngà voi. Ở chính giữa là một ô cỏ vuông màu xanh lục, ngắn và mềm như nhung - loại cỏ Anh quốc, bố chị luôn giơ ngón tay ra chỉ, như thể đấy là loại cỏ vô cùng quý hiếm đến từ những vùng xa xôi nhất của Ấn Độ hay Iran, và mỗi lần như thế, Mado cười vuốt ve thứ cỏ mềm mại ấy dưới bàn tay chị. Dành cho chị và chỉ dành cho chị, bố chị đã tạo ra bức tranh ấy, ông đóng thật cẩn thận từng chi tiết xuống đất để chúng khó có thể bật lên và làm chị bị thương, đồng thời thêm vào các vật mềm, những mẩu đường đỏ, miếng bánh sinh nhật cắt thành nhiều mẩu nhỏ xếp lại theo cách đánh vần tên chị. Ông chắc chắn với chị rằng thế giới ấy cũng đẹp như thế giới bên ngoài kia, thế giới rộng lớn của tất cả mọi người.

Để tránh cho chị khỏi sự trêu chọc của những đứa trẻ khác, ông thuê một cô giáo đến nhà dạy học cho chị. Ông đã tặng chị chiếc máy ảnh đầu tiên khi chị lên năm. Ông nói, cái đẹp không lớn cũng không nhỏ, bất kể nó cử động hay đứng im. Ông vừa nói những lời ấy vừa giơ ngón tay như khi ông chỉ ô cỏ Anh quốc, như là phát biểu một sự thật mà chỉ hai bố con biết. Khi ở giữa ô vuông đó, chị có thể với tới các góc nếu nằm xuống và xoay xung quanh như chiếc kim la bàn, Mado đã học chụp ảnh những vết nứt nhỏ nhất của các viên đá, hạt cây rêu, cái mai nổi hạt của những con bọ hung đi ngang qua miếng tranh ghép và ảnh phản chiếu của mắt chị trong ánh của các mảnh thủy tinh.

Ông dạy chị cách rửa phim trong gian bếp mà ông đã sửa thành một phòng tối. Ông sơn các cửa sổ thành màu đỏ đến khi trong phòng tối hoàn toàn. Ông để chị tự do cho ông xem các bức ảnh của chị, cắt xé chúng hay giữ chúng làm bí mật, xếp trong hộp các tông mạ bạc mang nhãn hiệu của một người thợ giày, MELVIL, và đã từng chứa đôi giày khiêu vũ của mẹ chị. Mado tưởng tượng rằng cái tên ấy bị thiếu mất một vài chữ, và đó là cái tên của một thành phố. Có thể đó là nơi bố chị muốn gửi chị đến, có thể ông hy vọng rằng chị được chữa khỏi một cách thần kỳ ở đó, như ở Lourdes chẳng hạn, hay chị sẽ gặp lại mẹ, người mẹ có mắt cá chân và bàn chân xinh xắn. Nhưng hẳn là ông đã quên mất cái tên đầy đủ của thành phố ấy, bởi vì mỗi lần Mado hỏi, ông lại đầm đìa nước mắt mà nói đi nói lại: "Bố không biết nữa, bố không biết nữa", như thể sự quên ấy gây ra cho ông một nỗi đau không thể xoa dịu vậy.

Khi uống hơi quá, ông thường lấy ra một bức chân dung đen trắng từ chiếc tủ trong phòng ông. Mado có vẻ không thừa hưởng được gì từ nhan sắc của mẹ. Chị không thích khuôn mặt mình, chị không thích từ hình dạng của nó, hai bên quai hàm mà chị cho là quá vuông, đến hai mắt quá cách xa nhau, cái mũi khoằm. Nhưng vào một hôm chán nản, chị nằm dài trên bãi cỏ, tay cầm máy ảnh và chụp ảnh khuôn mặt mình, từng chi tiết một, từ trán đến cằm. Khi rửa phim, chị ngạc nhiên nhận thấy rằng đôi môi ấy, cái mũi ấy và cặp lông mày ấy chính xác là của mẹ chị. Tổng thể gương mặt thì không có gì thừa hưởng từ vẻ đẹp của người mẹ vắng mặt, nhưng từng chi tiết thì lại là những sao chép trung thực. Chị đã giấu những bức ảnh ấy dưới đáy cái hộp MELVIL; đây là bí mật quý giá nhất, đáng giữ gìn nhất của chị.

Từ ngày bố chị lắp cho ch ị chân giả, chị phải làm quen với việc đi lại, ban đầu là bám vào tay bố, sau đó phải tự đi một mình. Lần đầu bố bắt chị bước đi, chị đã khóc, giãy giụa, tay bấu lấy bàn chân. Nhưng bố chị ngồi xuống trước mặt chị, nhìn thẳng vào mắt chị và nói rằng chị phải học đi lại một mình, rằng cuộc đời không phải là một con đường dài mà một con người có thể đi hết nếu mãi nằm trên lưng của bố và rằng đã là khá muộn để họ sửa chữa. Chị phải học sống một mình, bố chị nói vậy, và đó là lần đầu tiên ông nói với chị bằng giọng nghiêm nghị đến thế, không một chút dịu dàng hay một cái mỉm cười. Nỗi sợ hãi xâm chiếm con người chị và chị cảm thấy mình quá mong manh và yếu đuối, chị nhắm mắt để bố chị không thể đọc thấy điều đó trong mắt chị. Thật kỳ lạ, nỗi sợ ấy khuất phục chị và khiến cho chị ngừng khóc. Chị để bố lau sạch hai má và mở cánh cổng, chị đi ra đường, vừa đi vừa đếm mười lần đến 100 rồi mới quay trở lại.

Hôm sau, bố chị một lần nữa đưa chị ra đến cổng và lần này chị không hề khóc. Chị thầm nguyền rủa cái ống chân nhựa màu hồng, cái món quà chết tiệt bị đầu độc ấy lôi chị đi xa khỏi bố chị và tuổi thơ của chị như thể ai đó đã đọc lời ếm chị vậy, như thể đôi chân không còn nghe theo lời chị nữa mà đưa chị đến một nơi chị không hề có ý muốn đến. Ngày trước, chị thường tự nhủ rằng cái chân giả ấy là sự nguyền rủa, là sự phù phép, thì bây giờ, chị hiểu rằng hoàn toàn ngược lại và thường tự hỏi trong giấc mơ, phải chăng chị đã không buộc chặt nó để thoát khỏi nỗi sợ hãi và sự cô đơn

Mỗi ngày, bố chị lại đẩy chị vào với thế giới sau khi đeo cho chị máy ảnh lên cổ. Và các cuộc dạo chơi của chị mỗi ngày một dài hơn. Chị đi theo các con đường đất chật hẹp, đi vội vã giữa các hàng rào không gây một tiếng động nhỏ, và khi chị xuống phố thì lúc đó trời chỉ mới hửng sáng, trước khi các con phố có đông đúc người qua lại. Chị lẩn trốn mỗi khi nghe thấy những giọng nói hay những bước chân, khi thì nấp sau gốc cây, lúc thì ngồi thấp dưới mấy thùng rác. Ngay cả khi chị lên mười tuổi, rồi mười hai, rồi lớn hơn nữa, chưa bao giờ thế giới hết làm chị sợ sệt. Vào năm học sau, bố chị đã cho cô gia sư nghỉ việc và dẫn chị đến đăng ký học ở trường làng.

Ông đã không bao giờ hiểu được vì sao chị vẫn tiếp tục mang cái chị vẫn gọi là những tấm hình nhỏ xíu khi mà giờ đây chị có thể khám phá thế giới. Trong niềm hy vọng chị sẽ học sống bên ngoài bản thân chị, ông bắt đầu đưa chị tiền để đi xe bus hay tàu hỏa mà quên mất rằng chị vẫn còn quá ít tuổi để có thể đi xa một mình. Buổi tối, ông giở tấm bản đồ dưới bóng đèn để chỉ cho chị các di tích lịch sử, các tòa lâu đài và các hồ nước trong vùng. Biển chỉ cách hai giờ đồng hồ đường bộ, ông nói, và, vừa chỉ tay lên khoảng màu xanh trải dài, ông vừa nhìn con gái với một nụ cười nôn nóng và vui sướng, như thể chính ông đang cháy lên ham muốn nhảy lên tàu và đến lao mình giữa sóng nước. Rồi ông gật đầu như là mọi việc đã xong xuôi; ông đi tìm cuốn sổ tay mà ông đã mua cho chị và ghi chép một cách tỉ mỉ hành trình phải theo, từ số tàu hỏa, chiều dài quãng đường, tên nhà ga mà Mado coi như phải xuống khi bảy, tám hay mười hai tuổi, và tên địa điểm mà hai bố con đã cùng nhau lựa chọn. Ông để cuốn sổ tay vào ngăn trong chiếc balô, và chiếc ví nhựa trong suốt màu vàng hoa cúc mà ông đã mua tặng chị vào ngày chị bắt đầu bước đi, ông để tiền vào, quá nhiều tiền đối với một đứa bé gái vẫn chỉ biết náu đi mỗi lần thấy một chiếc ôtô hay một người đi ngang qua. Sáng hôm sau, Mado mặc chiếc áo mưa, cho dù lúc ấy trời không hề mưa.

- Chính nó mới cần thiết đấy, bố chị dặn đề phòng.

 

Mado khoác hai dây quai balô lên vai và ra đi, vừa đi vừa quay lại vẫy tay chào bố. Bố chị cũng vẫy tay chào ở ngưỡng cửa, cũng vẫn với nụ cười vui sướng và nôn nóng mà ông đã có tối hôm trước, khi hai bố con chúi đầu trên tấm bản đồ.

Khi đã đi đủ xa để bố không thể nhìn thấy nữa, chị trèo lên một bờ dốc rồi đi theo một lối mòn hẹp không kém các lối mòn của những con thỏ hoang và mở ra một con đường giữa những cây dại cho đến một khoảng trống xung quanh toàn những cây đào gai. Chị để tuột balô xuống đất và ngồi lên thảm cỏ. Khi trời đổ mưa, chị giăng chiếc áo mưa bên trên đầu rồi cuộn tròn trong chiếc khăn tắm mà bố chị đã không quên để dưới đáy balô. Khi trời đẹp, chị mặc chiếc áo tắm và nằm dài trên thảm cỏ không động đậy, hai mắt nhắm lại, thở thật khẽ, kể cả lúc trời nóng đến mức những giọt mồ hôi ròng ròng lăn trên da làm chị nhột. Khi nghe thấy tiếng chuông mười hai giờ từ nhà thờ, chị lấy ra chiếc bánh sandwich mà bố chị đã chuẩn bị trong lúc chị ăn sáng, một phần tư cái bánh mỳ baguette với jambon thái nhỏ và bơ Con bò cười, rồi chị nhấm nháp thanh sô-cô-la trong gói giấy bạc của nó, cố nhấm nháp lâu nhất có thể. Trong suốt những ngày dài ấy, chị chụp những tấm ảnh mà chị nghĩ là chúng sẽ kể về những chuyến đi chơi của chị; một vũng nước bị gió làm cho gợn sóng sẽ là một cái hồ, những viên đá phủ đầy rêu sẽ là những vết tích của một tòa lâu đài, một con cá nhỏ xíu trong vũng nước sẽ trở thành con cá đàn lia bên bờ biển.

 

Không bao giờ chị biết được bố chị có tin không khi chị trở về nhà mỗi buổi tối, nhợt nhạt và rũ rượi, kiệt sức vì đã trải qua cả một ngày dài không động đậy và cô đơn, rồi kể cho bố nghe về chuyến đi chơi của mình. Không bao giờ ông đi cùng chị hay bí mật theo chị đến nhà ga, cũng không bao giờ chất vấn chị khi mà do chán nản quá, chị về nhà trước cả giờ tàu, và cuối cùng chị tự hỏi, bằng những lời nói dối ấy, chị bảo vệ cho ai, cho chị hay cho bố. Chị thấy rất rõ là những tấm ảnh của chị làm bố buồn. Ông xem chúng không nói một lời trong khi ngày xưa, ông thường ngạc nhiên về tư chất mà chị có để làm nổi bật lên cái đẹp. Ông đã muốn chị chụp ảnh tất cả sự mênh mông của thế giới, ông đã muốn chị ngẩng cao đầu và thôi cúi gằm xuống chân, nhưng ông không hiểu rằng ông đã buộc chị cả cuộc đời đương đầu với lòng hoài cổ về cái thế giới nhỏ xíu nơi cuối vườn.

Nguồn: truyen8.mobi/t86416-em-con-muon-chung-nao-anh-con-nho-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận