Hình Phạt Nhân Đôi Chương 4


Chương 4
Từ khi Hugo xuất hiện trong cuộc đời tôi thì điện thoại ở nhà tôi ít nhấp nháy đèn báo có tin nhắn hơn.

Dường như sự hiện diện của một người đàn ông đã tạo ra một rào cản làm cho người thân trong gia đình tôi ít có lý do để quan tâm đến tôi hơn. Mọi người không tránh né tôi, nhưng sự thật cũng không khác là mấy. Có lẽ tôi phải cố gắng tìm cách đưa Hugo đến nhà bố mẹ tôi thường xuyên hơn, vì đó là "trung tâm đầu não" của gia đình Cabral. Nhưng thực sự là tôi không thấy lý do phải làm thế. Tôi hoàn toàn không có ý định chịu đựng những cái nhìn lén lút, những câu bình luận nửa chừng, hoặc tệ hơn nữa là các lời chỉ trích của gia đình. Tại sao tôi lại không có quyền tận hưởng tình yêu với Hugo một cách ích kỷ và hạnh phúc nhờ việc xóa bỏ tất cả những gì có thể trở thành vật cản giữa chúng tôi?

 

 Thật tiếc là Hugo không làm như thế được. Tối thứ hai, sau buổi dạ hội, tôi thấy mình ngồi trong phòng ăn của gia đình Markovich với cảm giác là mình đã đến nhầm địa chỉ. Tôi ở đây làm gì? Tôi có nhiệm vụ gì? Người ta giao cho tôi vai trò, chức vụ gì?

Từ bữa ăn tuần trước cho đến nay, không có gì tiến bộ đặc biệt trong buổi trò chuyện quanh bàn ăn. Đến lượt mình, mỗi người phát biểu ý kiến riêng một cách lịch sự và không ai có ý định ngắt lời người đang nói. Mọi người bình luận về chất lượng của món yakitoris Nhật Bản trong buổi dạ hội, các vụ ùn tắc giao thông từ khi có đường xe buýt mới, và việc Paris đấu thầu tổ chức Thế vận hội Olympic. Các đề tài rất riêng tư đó được đề cập với một giọng từ tốn, đem lại cảm giác rõ ràng rằng người nói đã phải cố gắng hết sức....

...Fabrice, anh của Hugo, đóng vai một người đàn ông năng động và có trách nhiệm; Solange, vợ anh ta, đóng vai một người phụ nữ mẫu mực, trong khi hai đứa con của họ ngoan ngoãn ăn hết đĩa thức ăn không một lời kêu ca. Hugo được giao vai cậu con trai nổi loạn. Anh phê phán cải cách ba mươi lăm giờ làm việc ở bệnh viện và đưa ra những luận điểm mà tôi đã nghe đến hàng trăm lần. Sắp tới sẽ đến lượt ông bố Hugo hỏi ý kiến của tôi với tư cách là y tá. Mọi người sẽ im lặng một cách ngượng ngùng vì ông Markovich vẫn không hiểu tôi làm gì và bà Markovich sẽ chuyển đề tài nói chuyện sang các đường dành riêng cho xe buýt. Kết quả là bên món cà rốt nạo và đĩa thịt nguội, tôi thế nào cũng tự hỏi mình tại sao một bữa ăn gia đình lại mệt mỏi đến thế. Hay là họ muốn tránh một đề tài nào đó?

 Bà Markovich rất lịch sự trong bộ quần áo len casơmia màu be, đưa cho tôi một chồng đĩa bẩn để mang vào nhà bếp. Tôi nhanh nhẹn đứng dậy, cùng một lúc với Solange đang vội vàng cầm lấy cái đĩa to đã hết thức ăn như sợ bị tôi tranh mất việc.

 Bình thường thì những lúc ở nhà bếp là những lúc người ta tranh thủ cười nói. Nhưng chúng tôi thì chỉ im lặng xếp bát đĩa vào máy rửa bát một cách rất cẩn thận. Có lẽ là không nên nói đến việc tôi đã nhìn thấy chị ấy khóc ở trong nhà tắm. Thật ra thì tôi cũng không hoàn toàn tin rằng tôi thật sự đã thấy điều đó. Có lẽ là chị ấy không khóc. Có lẽ là chị ấy chỉ không muốn nói về chủ đề đường dành riêng cho xe buýt. Có thể vấn đề chỉ đơn giản là tôi mà thôi.

 Mải mung lung suy nghĩ, tôi không nhận thấy ngay vết tím bầm ở thái dương Solange đã bị một lọn tóc che khuất. Điều làm tôi ngạc nhiên đầu tiên là tóc của chị ấy cũng cùng màu bạch kim như bà Markovich, một màu rất quý tộc chứ không như mái tóc màu hung đỏ của tôi. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi đặt câu hỏi:

- Chị bị thế này là do đâu?

 Solange như hóa đá. Tôi lại hỏi:

- Vết tím này này. Chị bị ngã trong nhà tắm à?

- Sao lại trong nhà tắm?

- Em thấy chị qua gương nhà tắm. Tối hôm thứ bảy ấy, chị có nhớ không? Em lên trên gác mà.

 Solange rửa qua một cái đĩa trong chậu rửa.

- Không.

- Lúc ấy em đi tìm bà chị.

Solange quay lại đối mặt với tôi, vẻ căng thẳng:

 

- Dù sao tôi cũng có quyền bị trầy xước mà không bị đưa lên mặt báo chứ, đúng không?

 Tôi còn chưa kịp hết ngạc nhiên thì chị ấy đã bước ra khỏi nhà bếp.

 Trên đường về, tôi tranh thủ giải quyết mọi chuyện. Tôi tấn công ngay từ khi Hugo còn chưa kịp nổ máy:

- Em không hiểu mọi người trong nhà anh lúc ngồi ở bàn ăn, nhưng em có cảm giác là mọi người đọc thuộc lòng phần tin tức trên báo!

Hugo bực mình đáp trả:

- Anh xin lỗi hộ gia đình nhà anh. Lần sau anh sẽ nói thẳng là họ khiến em khó chịu.

- Vấn đề là em nói thẳng những gì anh chỉ dám nghĩ thầm! Em biết anh chứ, làm sao anh có thể vui vẻ nói chuyện thời tiết tầm phào với những người anh yêu mến và quý trọng!

- Thế em tưởng đến nhà em thì hơn à? Em có biết là hôm nọ anh cũng phải chịu đựng cả một buổi tối ở nhà em, thật là ồn ào và thiếu lịch sự!

 Tôi cười khẩy:

- Vì thế mà em không mời anh đến nhà bố mẹ nữa! Cơn cớ gì mà chúng ta phải chịu đựng gia đình của nhau? Phải tách nhau ra thôi, anh yêu ạ!

 Thật là sôi nổi! Các cổ động viên cho phái Chúng ta sống riêng của tôi vỗ tay rầm rập cổ vũ... Hugo không trả lời, chắc là thất vọng vì đã nghĩ là chủ nhật nào chúng tôi cũng sẽ cùng nhau đến ăn cơm ở biệt thự gần công viên Saint- Cloud. Trong suốt đoạn đường còn lại, anh để tôi tự triết lý về văn hóa gia đình.

 Đến cửa ngôi nhà nhỏ của tôi ở khu Monmartre, anh dừng lại nhưng không tắt máy. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Anh không đỗ xe à?

- Không, anh buồn ngủ lắm. Anh về đây.

 Lần này thì tôi thật sự phật lòng.

- Thế thì chúc anh ngủ ngon!

 Tôi chưa kịp mở cửa nhà thì xe của Hugo đã biến mất ở góc phố.

 Hôm sau, tôi đến Trung tâm khoảng 6h chiều, sớm hơn giờ bắt đầu buổi họp về các kỹ thuật can thiệp mới nhất.

 Sheila vẫn còn chưa đến, giỏ của Kiki trống không. Trong số tin nhắn cho tôi có tin nhắn của bà dự thẩm Irène Kotlas. Tôi chạy vào phòng làm việc để gọi lại trước khi vào họp, hy vọng sẽ được thỏa mãn trí tò mò.

 Giọng khá lạnh lùng, bà Irène Kotlas cho tôi biết rằng sáng mai tôi được gọi lên Tòa án để làm chứng về vụ sát hại nữ cai tù trong nhà giam Fleury. Tôi trả lời rằng tôi sẽ có mặt và nhân tiện xin đến gặp Giselle Leguerche.

- Cô Leguerche hiện đang ở khu cách ly. Như thế tốt cho cô ta hơn. Các nữ tù nhân không hiểu lý do tại sao cô ta lại bắt con của một người cùng cảnh làm con tin. Hơn nữa, nữ cai tù bị sát hại là người được tất cả tù nhân quí trọng.

- Thậm chí cả bản thân cô Leguerche à?

 

- Đúng thế. Chính vì vậy mà nữ cai tù đã vào phòng giam mà không hề nghi ngờ gì. Chị ấy biết nữ tù nhân Leguerche từ lâu, đã giúp đỡ và động viên cô ta trong suốt những năm vừa qua. Tôi có cảm giác là trường hợp này không bình thường. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra.

- Vậy tôi có được phép đến gặp cô Leguerche không?

- Điều này phụ thuộc vào bác sĩ Ballisti. Nếu bác sĩ đồng ý thì tôi cũng vậy.

 Tôi tắt máy điện thoại và suy nghĩ mông lung. Hai nạn nhân của Giselle Leguerche đều là những người thân thiết với cô ta, ít ra là nếu nhìn từ bên ngoài.

 Tôi gọi điện cho bác sĩ Ballisti ở nhà giam Fleury để thông báo về cuộc nói chuyện điện thoại với bà dự thẩm. Nhưng trước hết, tôi hỏi thăm tình hình công việc. Ông trả lời ngắn gọn:

- Cũng không có gì đặc biệt. Giselle Leguerche được chuyển sang trạm xá trước đây mấy giờ... Cô ta vẫn chưa hồi tỉnh.

- Sao lại ở trạm xá? Người ta nói với tôi là cô ta đang ở khu cách ly cơ mà! 

- Về lý thuyết thì như vậy. Nhưng các nữ cai tù cho rằng trước khi sang đó, cô ta cần phải đi tắm đã... Tình cờ hoặc không tình cờ, nhưng kết quả là một số nữ tù nhân muốn trả thù cho cô cai tù lại có mặt ở đó. Tôi cũng đoán là họ sẽ tìm cách trả thù và thế nào họ cũng sẽ đạt được mục đích. Thật là khó hiểu.

- Thế bây giờ tôi viết báo cáo thế nào?

- Báo cáo nào nhỉ?

- Báo cáo giám định tâm thần. Tôi là người phải viết mà.

Bác sĩ Ballisti thở dài:

- À, đúng rồi. Lại phải làm lại từ đầu. Án mạng mới, điều tra mới, báo cáo… mới. Chị cần những gì nhỉ?

- Tất cả các loại thông tin có được từ gia đình, bác sĩ, cảnh sát hoặc tòa án. Tôi sẽ nói chuyện với Giselle Leguerche khi cô ta hồi phục…

Bác sĩ Ballisti hứa sẽ gửi hồ sơ cho tôi và sẽ gọi điện cho bà dự thẩm.Trước khi kết thúc, ông nói thêm:

- Từ thứ bảy vừa rồi, tôi đã tiến hành một cuộc điều tra nho nhỏ. Tôi muốn tìm hiểu tại sao cô ta chưa bao giờ đến khám bệnh. Kết quả là cho đến hôm vừa rồi, cô ta vẫn là một người không có vấn đề gì. Không đánh nhau, không hỗn láo, không nghiện hút gì, không rượu, ma túy hay thuốc là gì cả. Cô ta chỉ có một sở thích duy nhất là mô hình máy bay. Hình như cô ta xếp mô hình rồi bán lại cho tù nhân…

 Tôi nhớ lại đôi mắt nâu, cái mũi khoằm, đôi mắt như vô hồn, như bằng chất lỏng, giống như hai mặt hồ tròn trên đỉnh núi lửa đã tắt. Tôi vừa suy nghĩ vừa trả lời:

- Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Tôi không nghĩ rằng cô ta có cảm giác về một điều gì đó…Dường như cô ta bị tiêm thuốc mê. Dường như là khi sát hại nữ cai tù, cô ta chỉ làm một việc bình thường cần làm mà thôi…

- Như vậy thì cô ta có thể tái phạm bất kỳ lúc nào, - bác sĩ Ballisti kết luận.

 Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ông.

…Đêm xuống trong lúc chúng tôi đang họp, một màn đêm ấm áp và ẩm ướt đang chuyển dần sang màu ghi, nâu và da cam. Không đủ sức để tập trung vào những gì đang xảy ra xung quanh, tôi quay sang ngắm nhìn những vệt màu da cam vắt trên đám mây. Điện thoại di động của tôi đột nhiên reo, làm cả phòng họp phản đối.

- Này, tắt ngay cho tôi nhờ! – Antoine gầm lên.

 Bà trưởng khoa của chúng tôi tiếp tục trình bày với vẻ bực mình không cần che giấu. Phải nói thêm là bà ấy mới bị nhổ răng khôn cách đây hai ngày và chỉ được phép ăn xúp lỏng mà thôi. Như thế đủ để biến một người tuyệt vời thành một mụ phù thủy độc ác.

 Tôi vừa vội vàng xin lỗi, vừa tranh thủ liếc vào màn hình, trên đó hiện lên dòng tin nhắn sau: “Tối nay em làm gì? Hugo”

 Tôi mỉm cười một mình. Sao bắt đầu xuất hiện trên nền trời. Cơn dông đã tan.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86452


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận