“Chị nhấn nút này để bật đèn, mở nắp xe chỗ này. Em đã nạp đầy nước chống đông rồi, đủ cho chị dùng hai tuần. Chị nhấn vào đây để bật đèn đi sương. Đề phòng có chuyện gì, chị gọi vào số của xưởng sửa chữa ô tô này, giấy bảo hành và đăng ký xe đây. Tất cả chị cất vào một chỗ cho em. Số điện thoại bác sĩ nha khoa đây, phòng khi Piotrus bị đau răng. Còn đây là số điện thoại trường thằng bé, số điện thoại nhà riêng của cô giáo chủ nhiệm nữa. Chị gọi vào số điện thoại này của bố mẹ Arek, vì Piotrus chơi thân với thằng Arek. Đây là số điện thoại của câu lạc bộ, các thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần cháu tập thể thao ở đó, nhưng chị nhớ gọi điện hỏi trước vì có khi người ta hoãn tập. Piotrus bị dị ứng với lạc, chị phải chú ý chuyện này. Nó sợ phải ăn hành hoa và thìa là, cho nên chị đừng ép cháu. Piotrus chúa ghét rau dền tây, chị đừng dỗ cháu ăn. Nếu cần chị gọi pizza cho cháu. Hai tuần lễ ăn không hợp khẩu vị không làm nó chết đói được đâu.” Grzesiek đứng trên giá để hàng trên chiếc xe mới cứng tuyệt đẹp của mình, lôi ra mấy chiếc túi đựng đồ của Piotrus. “Ngay sau khi máy bay hạ cánh bọn em sẽ gọi điện cho chị. Chị chớ để cháu ngồi quá lâu trước máy tính. Đừng cho nó xem ti vi sau hai mươi giờ, tối thứ Sáu thì được. Nó phải đọc cuốn Trên sa mạc và trong rừng thẳm, chị có cuốn đó không, hình như em quên không mang theo. Để cho quen với xe, chị nên cầm lái khi ra sân bay. Em sẽ ngồi ghế trước và dặn chị cặn kẽ mọi thứ. Chị có bằng lái xe mà đúng không? Ô tô chỉ là ô tô, cái nào cũng giống cái nào cả thôi.”
Tôi cất giấy tờ và danh sách liệt kê các số điện thoại, Piotrus khoác túi lên vai, đi vào nhà. Tôi bước theo thằng bé.
“Chào Grzes!” Krzys hô to từ bên kia hàng rào.
“Xin chào!” Grzesiek hô to, bước lại sát hàng rào. Anh chàng lộ vẻ hồ hởi vì chẳng mấy khi có dịp trò chuyện với ông bạn vàng.
Tôi vào nhà, mấy con mèo chạy quẩn dưới chân. Tôi mở cửa vào phòng ngủ.
“Piotrus, đây sẽ là phòng cháu. Bàn này của cháu. Bác đã dọn ba ngăn trong tủ để quần áo. Mấy chiếc khăn tắm to để sẵn trong nhà tắm, cái nào màu đỏ là của cháu. Ngăn phải này phần cháu, OK chứ?”
“Bác yên tâm đi!” Thằng bé trả lời, vẻ thờ ơ không mảy may quan tâm lời tôi nói. “Cháu chơi máy tính một chút được không?”
Máy tính? Không sao.
“Con trai ơi, hôn mẹ đi nào!” Agnieszka bảo con.
“Để cho con yên.” Thằng bé nói, y hệt như bố nó. Piotrus bước lại chỗ mẹ, không mặc áo rét. Agnieszka hôn con trai, Piotrus đưa tay chùi má, tay nó đã cầm sẵn mấy đĩa mềm.
“Cháu chơi máy tính được chứ?”
“Chơi được. Nhưng đừng mở cửa cho ai vào cháu nhé, một giờ nữa bác về.”
“Bác yên tâm đi.” Piotrus nói và đi vào trong nhà. Còn tôi ngồi sau tay lái chiếc ô tô vừa mới lại vừa đẹp.
Một giai đoạn mới trong đời tôi bắt đầu.
* * *
Thứ Ba, tôi rời khỏi giường lúc sáu rưỡi sáng, đánh thức Piotrus. Tôi không thích ngủ trên đi văng trong phòng khách, chật chội quá.
“Dậy đi cháu ơi, sáu rưỡi rồi!” Tôi gắng nói thật dịu dàng.
“Cháu đang dậy rồi đây.” Piotrus đáp. Tôi nghĩ bụng, thằng bé này không đến nỗi nào. Tosia không chịu dậy, tôi phải dùng biện pháp té nước vào người nó.
Tôi quay vào bếp đặt nước pha trà và lấy bơ trong tủ lạnh. Tôi dỏng tai nghe xem có động tĩnh gì không. Tôi hơi ngại không muốn vào phòng đàn ông, cho dù “người đàn ông” này mới mười hai tuổi. Tôi làm hai suất bánh mì kẹp thịt ngon lành và gói vào giấy bóng mờ. Bên trong cánh cửa lặng như tờ. Tôi gõ nhẹ, không thấy động tĩnh gì. Tôi vào phòng. Piotrus vẫn ngủ như chết. Tôi lay vai nó.
“Dậy đi cháu ơi, bảy giờ mười lăm rồi!”
“Cháu dậy rồi đây,” Piotrus nói, mơ màng nhìn tôi.
“Cháu ra khỏi giường ngay đi!” Tôi ra lệnh như một người giàu kinh nghiệm, am hiểu trẻ con tuổi đến trường.
“Cháu tỉnh rồi đây.”
“Bác đang đợi cháu ăn sáng. Cháu cần vào nhà tắm không?”
“Cháu có.” Piotrus nói.
Tôi thả con Borys, nó ngạc nhiên nhìn cửa ra vườn mở toang. Không bao giờ tôi thả chó vào buổi sáng. Đằng Đông trời sáng dần. Mấy con mèo không buồn ngóc đầu dậy. Tôi pha trà cho tôi và Piotrus rồi vào nhà tắm. Sáng sớm thường khó lòng lôi Tosia ra khỏi nhà tắm, nhưng con trai là con trai. Chắc chỉ rửa vội cái mặt, thế là xong. Tôi bước vào chỗ vòi hoa sen. Xong xuôi tôi sấy tóc và mặc quần áo, đã bảy giờ ba mươi.
Tôi quay ra nhà bếp, bữa sáng vẫn chưa ai đụng tới, trong nhà im re. Không gõ cửa, tôi lao thẳng vào phòng thằng bé. Nó vẫn ngủ như chết, hai chân thả xuống nền nhà.
“Piotrus! Bảy rưỡi rồi!” Tôi thét to.
Thằng bé bật dậy, nhìn tôi với vẻ trách móc.
“Sao bác đánh thức cháu muộn như vậy?”
Tôi vội vàng gói bữa sáng lại rồi cho vào túi sách của nó và lái xe ra cổng. Đã tám giờ kém mười. Khi tôi lùi xe, Ula lúc đó đang chạy ra ga xe lửa nội đô liền vẫy tay nhắc:
“Đuôi xe của cậu chỉ có một đèn sáng thôi!”
Khỉ thật, tôi chúa ghét những chiếc ô tô mới, vừa dùng được chút thời gian là ngay lập tức hỏng hóc cái gì đó. Xe không có đèn hiệu có khác gì người tàn tật. Chẳng những tôi sẽ gánh chịu nguy cơ bị cảnh sát giao thông phạt (cầu Chúa phù hộ con không bị phạt), mà còn phải đối phó với lũ ngốc qua lại nhan nhản trên đường. Đó là lũ đàn ông chuyên săn tìm bắt nạt đàn bà liễu yếu đào tơ, nhất là kiểu đàn bà ngồi trong xe không phải của mình. Những kẻ lơ đễnh khác thì dễ dàng lao vào đuôi xe tôi khi thắng gấp. Đơn giản vì khi đó chúng không tập trung và buồn ngủ! Và cũng có thể chúng không nhận ra tôi vẫn còn một đèn đang sáng!
Thả Piotrus trước cổng trường, tôi dặn thằng bé tan học hãy đợi tôi, đúng ba giờ chiều tôi sẽ đến đón. Sau đó tôi đi thẳng đến xưởng sửa xe mà Grzesiek đã để lại địa chỉ. Khỏi phải nói thêm, tôi tốn bao thời gian vì xưởng sửa chữa nằm tít tận đầu kia ngoại ô thành phố. Tôi lao vào xưởng quát ầm lên, xe đang còn hạn bảo hành mà đèn đã hỏng, tôi yêu cầu họ chữa ngay lập tức.
Một gã thanh niên lịch thiệp bước ra từ sau bàn làm việc, hắn hỏi tôi có phải là chủ xe hay không. Tôi đáp mình chỉ sử dụng chiếc ô tô của em họ thôi, cô nàng đã gửi con cùng chiếc ô tô này cho tôi và đừng hòng tôi để chiếc xe này ở lại xưởng cả ngày, tôi ở tít tận trong làng nhưng làm việc trong thành phố nên cần xe ngay, và nhất định tôi sẽ không mua xe hãng này dẫu nó có dễ chịu đến mấy chăng nữa, tôi thấy lạ, tại sao cô em họ tôi lại đi xúi chồng mua chiếc xe này…
Tôi nói liền một mạch từ A đến Z khiến gã thanh niên không thể ngắt lời. Gã lịch thiệp cầm lấy chìa khóa từ tay tôi, rồi đi ra chỗ ô tô. Mười giờ. Một lát nữa thôi đến giờ họp ban biên tập mà tôi bắt buộc phải có mặt.
“Đèn nào bị hỏng hả chị?” Người thanh niên điềm đạm hỏi.
“Đèn phía sau.” Tôi đáp, có phần ít điềm đạm hơn.
“Thế nhưng đèn nào ạ? Đèn lùi hay đèn phanh?”
Tôi điên tiết. Làm sao tôi có thể vừa ngồi sau tay lái vừa nhìn được đèn ở đuôi xe! Làm sao tôi biết được đèn nào không sáng?
“Một trong những chiếc đèn ở phía sau.” Tôi trả lời lịch sự. “Tôi có thể cho xe chạy còn anh quan sát, chứ tôi sao mà biết được vì còn phải ngồi sau vô lăng.”
“Không quan sát sao chị biết đèn hỏng?”
“Chị láng giềng nói cho tôi.” Tôi bực mình. “Cô bạn thân! Người luôn lo lắng cho tôi! Cô ta không muốn tôi chết nên báo cho tôi biết! Anh có chữa được hay không nào?”
Anh chàng lịch thiệp ngồi vào trước vô lăng và lái xe đi ra phía cổng sắt óng ánh rồi lùi từ từ. Chỉ có hai đèn đỏ và một đèn trắng hoạt động. Ula nói đúng.
Sau đó anh chàng đi ra và trả chìa khóa cho tôi.
“Mọi thứ đều ổn!” Anh ta nói. “Bạn chị đã nhầm.”
Cô ấy không nhầm đâu, gã đần ạ! Chính anh mới nhầm! Các người đều vô trách nhiệm, bỏ mặc tính mạng người khác đang bị đe dọa! Các người hãy trả lại tiền mua xe ngay bây giờ đi! Các người là một hãng tồi, coi thường người tiêu dùng thế là đủ rồi!
Tôi mở mắt, dứt khỏi dòng suy nghĩ.
“Chỉ có một đèn hoạt động, chính mắt tôi thấy.” Tôi vênh mặt cãi lại.
“Đời xe này chỉ có một đèn lùi thôi chị ạ. Nghĩa là tất cả các đèn đều hoạt động. Mọi thứ đều ổn. Lần sau có gì xin chị lại đến.”
Tôi cười gượng, nhanh chóng ngồi vào xe. Gã thanh niên nhìn theo tôi, trong cái nhìn của anh ta chẳng thấy chút thiện cảm nào.
* * *
Tôi đến tòa soạn sau khi ban biên tập đã họp xong. Cởi áo khoác ở phòng gửi đồ của nữ xong, tôi lao vào phòng thư ký. Nắm chặt bài báo trong tay, tôi nói “chào” theo phản xạ với Jaga rồi đi thẳng vào phòng ông tổng. Và người đầu tiên tôi chạm trán là Artur Kochasz. Ông Artur Kochasz tôi mới quen cách đây một tuần. Hôm đó ông ta đi ra từ phòng ông tổng, miệng cười dễ thương và chìa tay cho tôi.
“Rất hân hạnh được làm quen với chị. Tôi là…” ông ta mặt mày hớn hở, “Artur Kochasz. Hiện là người tạm quyền.”
“Tôi đến gặp ông tổng.” Suýt nữa ông ta làm tôi bật cười.
“Không có, không có, tạm thời vắng mặt. Tôi có thể giúp gì được chị nào?”
Giúp với tư cách là người tạm quyền hay sao? Đợi một hồi, ông tổng cũng về tòa soạn, thấy ông ta đứng sau lưng Kochasz, tôi nhăn mặt. Kochasz và ông tổng cùng nhìn tôi với cái nhìn chẳng báo hiệu điều gì tốt lành.
“Cô Judyta...”
“Tắc đường.” Tôi nói lí nhí trong họng.
“Thời gian tắc đường phải cộng vào thời gian đi đường. Tất cả mọi người chúng tôi đều đến đúng giờ,” Artur Kochasz nói.
Và ông ta nói đúng. Tôi nộp bài, rồi rút lui.
Tôi không biết làm cách nào để báo cho ông tổng rằng lúc hai giờ chiều tôi phải về để kịp đến trường lúc ba giờ, vì thằng cháu nhỏ đang đợi tôi, nó còn bé nên không thể đi xe lửa nội đô, cho dù chẳng bao lâu nữa nó sẽ to cao vượt cả tôi. Chỉ hai hoặc ba năm nữa thôi.
* * *
Tosia đi tham quan về, con bé nói là rất thích Praha và thích cả chuyện Piotrus đến ở nhờ. Ngay lập tức nó dắt thằng bé lên phòng. Ít ra hai đứa không ngồi trước ti vi trong phòng tôi. Nhờ đó tôi có thể làm việc trong tĩnh lặng. Tôi được giao viết hai bài báo ngắn (ba ngàn ký tự - ông Kochasz lại tính theo số ký tự) và một bài dài cho số tháng Giêng. Thư từ tạm thời để đó đã, Kama xếp chúng lại thành chồng và đưa cho tôi. Hình như có tổng cộng chín mươi hai lá thư, trong đó có ba mươi thư mới, và trên sáu chục thư tồn từ hai tuần trước. Ông tổng có lý, tôi không ôm xuể cả hai việc. Đã tám giờ tối, đúng ra giờ này là giờ nghỉ. Tại sao tôi phải làm việc? Tuần tới tôi còn phải xin nghỉ phép vào dịp các ngày lễ cuối năm. Tôi phải thuyết phục bằng được ông tổng để được nghỉ phép. Ban thư ban đọc sẽ thiếu người vì Kama cũng sẽ xin nghỉ phép vào dịp này, gia đình cô ta ở tận thành phố Szczecin.
Tôi đã đăng ký tên mình và Tosia xin phỏng vấn cấp thị thực vào thứ Tư tuần tới, cho dù tạm thời Tosia cứ khăng khăng một mực rằng nó không đi đâu cả. Một tháng nữa thôi là tôi được gặp anh Xanh Lơ rồi! Chỉ có điều này giúp tôi thêm nghị lực.
Tôi chữa bài đến chín giờ rưỡi mới nhận ra mình đã quên khuấy mất Piotrus. Cửa phòng Tosia đóng kín, tôi đứng lặng im bên ngoài, chỉ nghe thấy mỗi giọng Tosia vọng ra.
“Lúc đó Stas quyết định, phải cứu tính mạng cô gái, và thế là cậu bé lao về phía ngọn lửa. Ở đó cậu gặp một người đàn ông, người này đưa cho cậu bé thuốc ký ninh. Chính thứ thuốc này đã cứu sống Nel, vì cô đang lên cơn sốt rét, còn người đàn ông kia đã chết vì bị hoại tử. Stas chôn cất người này cẩn thận. Cậu lấy vũ khí và thực phẩm dự trữ của ông ta để có thể tiếp tục đi tìm người da trắng. Cậu bé mới mười bốn tuổi nhưng rất can đảm. Ngày mai chị đọc tiếp, thôi, em ngủ đi.”
Tôi nhảy ra khỏi cửa, Tosia bước ra ngoài, tỏ vẻ rất bằng lòng.
“Rất tiếc là con không có anh chị em.” Con bé nói với tôi và mỉm cười.
“Con đừng đọc cho em nghe truyện Trên sa mạc và trong rừng thẳm, truyện này nó phải tự đọc chứ.” Tuy ra vẻ trách móc, nhưng thực ra tôi rất mừng khi thấy Tosia biết chăm sóc em.
“Nó không kịp đọc. Ngày mai con sẽ kể nốt, nếu nó ngoan.”
Tôi không muốn nhắc Tosia, rằng em ruột thì con có đấy chứ. Có đứa em trai bé bỏng và kháu khỉnh mà bố đã kiếm cho con đấy còn gì. Tôi thở dài, vì gần đây Tosia có quan hệ rất mật thiết với bố nó. Tôi cũng phải thực lòng công nhận, rằng cái gã đang ở với Jola càng ngày càng khá lên trông thấy. Tosia thường xuyên gọi điện cho gã, cả cho Jola nữa, họ thì thầm với nhau chuyện gì đó, còn tôi lẽ dĩ nhiên biến thành một người mẹ tồi. Tôi có cảm giác Tosia tâm sự với bố nhiều chuyện mà nó không thèm kể cho tôi.
“Có gì uống được không ạ?” Piotrus mặc bộ pyjama xuất hiện trong nhà bếp.
Uống xong hai cốc nước ngọt, thằng bé nói “Chúc bác ngủ ngon.” Sau đó nó thỏ thẻ rất đáng yêu: “Cháu thích đọc cuốn truyện này lắm, vì một cậu bé mười bốn tuổi mà giết được sư tử thì thật đáng khâm phục. Cháu cũng muốn làm được như vậy. Mặc dù các tình tiết của mối tình khờ dại trong truyện là ngu xuẩn. Mà cháu sẽ không bao giờ lấy vợ đâu. Cháu chẳng hiểu sao Stas lại lấy Nel dở hơi.” Sau chót thằng bé tuyên bố, nó không phải là một đứa trẻ con, và nó đi ngủ.
“Tosia, con muốn uống trà không? Hai mẹ con mình nói chuyện được không?”
“Mẹ ơi, mẹ sao vậy… Có chuyện gì à?”
“Phải có chuyện gì đó thì mẹ mới muốn uống trà với con gái mình hay sao?” Tôi cười gượng. “Chẳng có chuyện gì cả... Chỉ là chuyến đi tham quan Praha như thế nào con đã kể cho mẹ đâu.”
“Mẹ ơi, con chỉ có thể nói với mẹ là tuyệt vời. Mẹ biết không?” Tosia tươi tỉnh hẳn lên. “Bố bảo, bố có thể đưa con đi Praha lần nữa vào dịp cuối tuần. Vì mẹ có biết không, đi với cả lớp chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa, con chẳng nhớ được gì cả. Và bố có thể đưa cả mẹ cùng đi nữa. Nếu được thế thì hay quá, đúng không nào?”
“Thế Jola nói sao về chuyện này?” Tôi hỏi một cách ác ý. Khả năng sắp được chơi khăm Jola làm tôi thấy vui trong bụng. Tôi không phải người đàn bà dịu dàng, nhân hậu, rồi ả sẽ biết tay tôi.
“Với Jola thì... không thật tốt.” Tosia tựa lưng vào tường, ngước nhìn đâu đó phía trên. “Bố yêu cầu con giữ kín chuyện này, nhưng với mẹ thì con có thể tiết lộ. Hai người đã quyết định ly thân một thời gian. Nghĩa là không hoàn toàn chia tay, dĩ nhiên, nhưng là để kiểm tra. Jola đã đi Krakow, đến ở nhà bố mẹ cô ấy. Mẹ biết không, kiểu ra vẻ vẫn tiếp tục học khóa tại chức, nhưng có lẽ bố đã tiếp tay cho chuyện này.”
“Tosia!” Tôi hạ giọng. Có tiếng ầm ầm, thằng cháu nhỏ chắc đang nhảy trên giường. “Con nói gì lạ vậy?”
Con mèo Potem ngồi trên tủ bếp nhìn tôi, nó tỏ ra không thích giọng điệu tôi vừa nói. Đoạn nó lại rúc cái đầu đen xuống ngang tầm cái đuôi và nheo mắt lại.
“Chuyện bình thường.” Con gái tôi nhún vai. “Đời là vậy. Người ta đến với nhau, chia tay nhau, rồi lại đến với nhau. Bố tâm sự với con rất nhiều về chuyện này, không như mẹ.”
Chuyến đi Praha cùng bố của Tosia nhưng không với mục đích chơi xỏ Jola bỗng trở nên không còn thú vị nữa. Tôi vốn hèn như vậy đó. Thậm chí tôi thấy hơi thương cái gã ở với Jola. Nhưng tôi kịp nhớ lại hắn ta đã đối xử với tôi như thế nào. Đàn ông không thay đổi nhiều như vậy đâu. Một khi anh ta đã hành hạ người vợ thứ nhất, nhất định anh ta cũng sẽ hành hạ người vợ thứ hai. Tuy vậy, xét cho cùng, đây là bố của Tosia, cho nên tôi cố kiềm chế không nói ra lời ác độc.
“Con gái của mẹ ơi, con khỏi lo!” Tôi nói. “Jola còn trẻ, cô nàng sẽ có nhiều thời gian tiếp nhận mọi thứ. Bố con làm việc nhiều nên cần được thông cảm, rồi Jola sẽ hiểu. Chắc Jola chỉ đến thăm bố mẹ cô ta một thời gian rồi về. Còn thằng bé thế nào?”
“Mẹ nghĩ thế sao?” Tosia chăm chú nhìn, tôi không nhận ra ý tứ trong cái nhìn của con bé. Tôi chẳng biết mình nói thế là khiến nó vui hay đã làm nó buồn. Nhưng sau đó tôi thấy mặt nó tươi hẳn lên. “Tuyệt vời! Con vừa gặp nó dịp nghỉ cuối tuần vừa rồi, bữa đó Jola về nhà. Thằng nhóc tuyệt vời mẹ ạ. ‘Em quý chị Tosia!’ Nó còn nói với con như thế.”
Tôi hơi thót tim. Chúng tôi mà là đôi vợ chồng may mắn thì chắc đã có nhiều con hơn. Tosia từng dễ thương như vậy khi còn nhỏ. Bây giờ em trai của nó không phải là con tôi, mặc dù vẫn là con của bố Tosia, nó còn nói với chị nó rằng “em quý chị.”
Những bạn đọc đã gửi thư tâm sự với tôi quả có lý. Đời chẳng công bằng chút nào, biết làm sao. Tosia đi lên phòng mình trên lầu. Tôi cho thêm nước nóng vào cốc và trở lại bàn máy tính. Suýt nữa tôi hại chết con Borys. Mặc dù trong nhà hãy còn ít nhất bốn mươi mét vuông rộng rãi, không hiểu sao con chó luôn nằm ngáng đường tôi, nhất là những lúc tôi đang cầm vật gì đó nóng. Sao nó không xuất hiện dưới gầm bàn hoặc dưới chân cửa sổ, cạnh ghế đi văng, thậm chí các góc phòng, nơi hiếm khi tôi lui tới khi cầm vật nóng trên tay.
Tôi nhận được thư của Xanh Lơ. Xem ra, tôi không cần phải sợ những người phụ nữ đem nhan sắc của mình đi khoe khắp thế gian. Suốt buổi chiều tôi ngồi viết thư hồi âm. Piotrus đứng đằng sau xem tôi viết.
“Bác ơi, sao bác lại sử dụng chương trình Word?”
Viết trên giấy hơn gõ màn hình ở chỗ có thể dùng bàn tay che lại, thậm chí tôi có thể ngồi vào góc khuất và yên trí viết thư cho người yêu. Còn màn hình thì không thể dùng tay che lại được.
“Để viết thư.” Tôi giải thích ngắn gọn.
“Thế bác dùng hòm thư gì vậy?”
Tôi nhẫn nại trả lời, không hề nóng nảy, thằng cháu tôi vẫn là trẻ con mà.
“Thế bác dùng chương trình nào để nhận thư?”
May sao, đó là điều hiếm hoi mà tôi biết về công nghệ thông tin. Tôi bèn nói cho thằng bé.
“Thế thì chậm lắm!” Piotrus chê. “Cháu có thể nâng cấp cho bác. Máy sẽ chạy nhanh hơn.”
“Để khi khác.” Tôi thận trọng đáp và bảo thằng bé đi học bài.
“Thế thì bác phải cho cháu bật ti vi,” Piotrus đòi, tò mò cúi nhìn máy tính của tôi.
“Cháu học đi đã rồi hãy xem ti vi.” Tôi nhắc khéo.
Thằng bé lôi ra đĩa phim Trên sa mạc và trong rừng thẳm.
“Cháu xem cái này là để chuẩn bị bài mà.” Nó thở dài.
Tay cầm bài báo cần sửa, tôi tắt màn hình rồi đi vào nhà bếp. Tôi không định tranh luận hay thuyết phục thằng bé rằng đọc sách khác với xem phim. Không đâu, làm thế để làm gì. Tôi có trách nhiệm dạy bảo con tôi thôi, còn Piotrus thì bố mẹ nó đi mà lo.
Krzys cùng Ula qua chơi. Krzys mượn chiếc cưa nghiêng của tôi. Hì hục mãi tôi mới tìm được chiếc cưa dưới gầm chậu rửa. Adam mà ở đây chắc cũng cho anh ta mượn. Sau đó Krzys ra về, Ula ngồi lại với tôi, cả hai cùng bóc lạc.
“Adam thế nào?” Cô bạn hỏi lấy lệ.
“Làm việc chăm chỉ. Viết thư đều.” Tôi trả lời, cũng lấy lệ.
“Người yêu của Isia cũng từng viết thư đều cho con bé, cậu nhớ không?”
“Ula!” Tôi thở dài. Hồi đó Isia mới mười bốn tuổi. “Mà Adam đâu phải là người yêu của Isia.”
“Chính thế. Một số người viết thư nhưng không nói ra tất cả. Thằng người yêu của Isia cũng đâu có viết là nó ngồi trong trại cải tạo.”
“Phải chăng cậu nghĩ Adam đang ngồi trong trại cải tạo chứ không phải ở Mỹ?” Tuy miệng hỏi nhưng mắt tôi vẫn chăm chăm nhìn vào bài báo, rà soát từng con chữ. Ula ngồi bóc lạc trông rất đáng yêu. Con Zaraz lao vào, bới đống vỏ lạc ra khắp nhà bếp và đùa giỡn, nó tạo ra tiếng sột soạt nghe rất khó chịu.
“Cậu ơi, hay là người đàn ông mới đó chính là chồng cậu?”
“Người đàn ông mới nào?” Tôi hơi ngạc nhiên trước ý nghĩ của Ula. Ngay sau đó tôi chữa từ “tràng ngập” thành “tràn ngập”. “Cựu chồng chứ.” Tôi chữa cả cho Ula nữa.
“Thì chuyện thầy bói đã nói ấy!” Ula nhắc tôi.
“Thầy bói nói về một người đàn bà mới.” Tôi nhớ lại. “Chứ không phải người đàn ông mới.”
“Đó mới là vấn đề!” Ula nói, đoạn đứng lên quay về nhà mình.
Cửa kêu đánh sầm, Tosia bước vào, giậm chân:
“Lạnh quá!” Nó nói. “Con đói!”
Tôi chìa tay đưa cho con bé nắm lạc Italia mà Ula vừa bóc. Từ phòng bên vang vọng tiếng voi gầm.
“Có chuyện gì ở phòng bên vậy?” Tosia hỏi, với tay mở tủ lạnh rồi nói tiếp: “Tại sao chẳng có gì ăn cả?”
Nghe vậy tôi bèn đứng dậy.
“Piotrus đang chuẩn bị bài.” Tôi nhìn vào tủ lạnh. “Con xem này, trong tủ có pho mát vàng, pho mát trắng, sữa chua, xúp từ hôm qua, hai viên thịt băm, con để lại cho Piotrus một viên ngày mai ăn, có cả bắp cải.”
“Chẳng có gì ăn.” Tosia lại thở dài. “Con đang giảm cân. Không có món gì cho người đang giảm cân ăn cả. Chẳng có thứ thực phẩm nào không chứa...
“Rượu cồn chăng?”
“Mỡ.” Con gái tôi đáp, đoạn nó ra ngồi cùng Piotrus.
Mười giờ tôi vào phòng, cả hai đang ngồi trước máy tính của tôi. Tosia mặt tái mét, còn Piotrus mặt đỏ bừng.
“Hai đứa làm cái trò gì vậy!” Tôi quát, vì tôi chúa ghét có người lục lọi máy tính của tôi.
“Cháu muốn khiến bác bất ngờ.” Thằng bé đỏ mặt nói lí nhí trong họng. “Cháu đã xóa sạch...”
Trong giây lát, tôi như nhìn thấy tất cả các vì tinh tú trên trời cao, mặc dù vướng trần nhà.
“Những gì đã bị xóa rồi hả?” Tôi tru tréo.
“Hòm thư của bác.” Piotrus đáp. “Nhưng bây giờ cháu sẽ lập cho bác một hòm thư mới, lúc đó bác sẽ có thể truy cập nhanh hơn. Sẽ không có khó khăn gì, không cần bổ sung và...”
“Piotrus, đi ngủ!” Tôi nghiêm khắc ra lệnh.
“Thế thì cháu đi làm bài vậy.” Thằng bé nói, đoạn đi vào phòng.
Tôi ngồi cùng Tosia trước màn hình, cố thuyết phục máy tính của tôi để nó khôi phục lại hộp thư cũ. Nhưng chiếc máy không chịu nghe.
“Nhưng mẹ ơi, không có tin gì 2aca mới đâu, việc gì mẹ phải lo nào?” Tosia tìm cách động viên tôi.
Điện thoại réo chuông, tôi nẩy cả hai chân lên. Trạng thái tâm lý của tôi vẫn còn nhiều bất ổn.
“Con chào mẹ!” Tôi nói vào ống nghe.
“Tình hình con thế nào, mọi thứ ổn cả chứ?”
“Tuyệt vời.” Tôi nói dối để chiều lòng mẹ.
“Con ơi, con trai lúc nào cũng lắm chuyện. Chẳng hạn thằng em con…” Tôi chăm chú lắng nghe giọng nói của mẹ. Tôi thấy mừng khi mình đang ở nhà, sắp leo lên giường đi ngủ. Giờ Tosia đang ở nhà chứ không gọi điện về từ chỗ bố nó để báo rằng mai sẽ là ngày dành cho các sinh viên tương lai của trường đại học, rằng nó sẽ ngủ lại chỗ bố, và rằng hãy an tâm, thằng bé chẳng sao đâu. “Cho nên con phải cảnh giác...” Miên man theo dòng suy nghĩ, tôi chỉ nghe được mấy lời cuối cùng của mẹ.
“Mẹ ơi, ở đây mọi chuyện đều ổn.”
“Giọng con hôm nay nghe khang khác thế nào ấy, con có chắc là không sao?”
“Con đang mệt, con và các cháu vừa mới về.” Tôi không nói dối, nhưng cũng không nói đúng hoàn toàn.
“Thôi, con đi ngủ đi, mẹ không quấy rầy nữa.” Mẹ tôi nói, còn tôi lê gót ra tiền sảnh, treo chiếc áo khoác của thằng cháu vứt vạ vật dưới nền nhà, cất đôi giày vào tủ.
Ngày mai tôi phải gọi người đến xem hộ máy tính. May phúc cho tôi, thằng bé không xóa các dữ liệu khác của tôi, nó mà xóa hết chắc tôi phải giết nó mất. Đúng là trẻ con luôn dễ đụng mặt với tử thần.
* * *
Mười một giờ đêm, thằng bé thò đầu ra ngoài phòng mình. Đúng lúc tôi đang lật đi văng ra nằm.
“Bác ơi, cháu đi ngủ đây, chúc bác ngủ ngon.”
“Chúc cháu ngủ ngon!” Tôi nói. “Bác cũng đi ngủ đây.”
“Cháu có thể tự tắm được không?” Thằng bé rụt rè hỏi. Tôi nhận ra, nó đang muốn làm cho tôi cảm thấy thoải mái thay vì khiến tôi căng thẳng như vừa rồi.
Tôi đã kết thúc hai cuộc điện thoại. Một với Kama, người báo cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra sau khi tôi ra về, và cuộc thứ hai với ông tổng, người tôi đã báo cáo tại sao tôi về sớm. Tôi rất hối lỗi, thằng cháu tôi chắc phải nghe thấy và đi đến kết luận nó chính là thủ phạm của những rầy rà tôi gặp phải trong công việc trên cơ quan và ở nhà.
“Bác đồng ý!” Tôi trả lời nhẹ nhàng. Vì điều vô cùng quan trọng trong cách giáo dục trẻ em là đừng cáu gắt, phải cho phép đứa trẻ tự sửa mình.
“Cháu sẽ tự bật máy mát xa, cái máy làm thư giãn ấy.” Thằng bé nói, còn tôi hài lòng với ý tưởng thư giãn với bong bóng xà phòng trong bồn tắm.
Tôi mở toang cửa ra vườn, con Borys lăn mình về phía lò sưởi, hai con mèo mừng rỡ chạy ra sân, tiếng nước trong nhà tắm và tiếng ầm ì của máy mát xa vang tới tai tôi. Tôi rót một ly Cognac rồi ngồi xuống đi văng. Ít ra ngày hôm nay sẽ kết thúc một cách thoải mái. Tôi sẽ ngủ như chết cho mà coi. Chỉ còn mười ngày nữa thôi, mười ngày nữa Agnieszka sẽ về và thằng cháu suốt ngày ngồi ôm chiếc máy tính và xóa đi hàng loạt file cũng sẽ không còn ở đây. Tôi nghĩ mà thấy nhẹ cả người, mặc dù thực tế tôi đang bị thằng bé lấn lướt, nhưng với một khoảng cách nhất định thì chắc không sao.
“Bác ơi!” Piotrus đứng giữa cửa, tôi nhanh chóng giấu ly rượu xuống cạnh ghế. Không nên để thằng bé nhìn thấy bác nó đang chữa bệnh tâm lý bằng rượu. “Bác ơi, nước ở trong kia đang chảy, thôi cháu đi ngủ...”
“Vậy cháu đi ngủ ngay đi. Bác cảm ơn.” Tôi nói và mỉm cười, thằng bé như trút được nỗi lo. Nó vươn thẳng hai vai, chạy lại và hôn vào trán tôi.
Để cho Piotrus vui chẳng cần gì nhiều nhặn, tiếc rằng không giữ được như thế mãi mãi. Tôi uống một ngụm Cognac và bật ti vi. Trên màn hình, từ nhà vệ sinh, một anh gửi cho một chị tấm ảnh qua di động, trong ảnh cho thấy anh chàng đang cần giấy vệ sinh. Một cô nàng mặt mày đang ủ dột, khi nhìn thấy tấm ảnh cô liền hiểu rằng vì không có giấy cho nên anh chàng mới cáu giận chứ không phải tại người đàn bà khác. Cô nàng hớn hở mặt mày chạy lại đưa giấy vệ sinh cho anh chàng. Sau đó tôi mới hiểu là màn quảng cáo điện thoại di động chụp ảnh kỹ thuật số. Hình như màn quảng cáo này không hề có ý nói xấu đàn bà. May thay tôi không có điện thoại di động, nhất là loại điện thoại để một anh chàng chỉ cho tôi thấy anh ta đang ngồi trong toa lét và hết giấy vệ sinh. Khiếp quá đi mất. Tôi thấy tởm lợm quá chừng. Đúng lúc này tôi sực nhớ ra nước vẫn đang xả vào bồn tắm.
Vừa mở cửa nhà tắm, tức thì làn sóng bọt trắng thơm mùi vân sam bay vào người tôi. Tôi lao tới chỗ vòi nước khóa van lại, tiếp đó là chạy tới chỗ công tắc điện để tắt máy mát xa. Sau đó tôi ngồi ngâm chân trong nước và khóc òa.
Thằng cháu bé bỏng của tôi không hề biết rằng không được bật chế độ làm bọt cùng lúc đổ xà phòng đầy bồn tắm.
Tôi lau nhà đến tận nửa đêm. Rủi ro đang đè nặng lên nền nhà của tôi. Mới vài tuần mà đã phải ba lần cọ rửa cật lực. Có khi cái nền nhà này không chịu nổi mất thôi. Bọt xà phòng bay vào nhà bếp, vào phòng tôi nơi thằng bé đang ngủ như chết. Cái may duy nhất chính là chai Cognac đã cạn kiệt, bởi vì nếu hoàn toàn tỉnh táo chắc chắn tôi sẽ không thể lau chùi suốt đêm như thế này. Bây giờ nền nhà sạch tinh tươm, thơm nức mùi vân sam, điều này quả chưa từng có. Tôi nằm vật xuống đi văng lúc một giờ sáng và ngay lập tức ngủ như một tên cu li. Ba giờ sáng chuông điện thoại đánh thức tôi. Tôi uể oải nhấc ống nghe.
“Judyta, có chuyện gì với em vậy hả?” Tôi nghe thấy giọng Xanh Lơ.
“Mấy giờ rồi?” Tôi hỏi một cách vô nghĩa, vì làm gì đã đến giờ phải dậy. Lạy Chúa tôi!
“Judyta, anh đây, Adam đây!” Giọng xa xôi theo đường dây vọng lại, còn tôi, dẫu đã có phần tỉnh táo, nhưng chưa thể trò chuyện được vì vẫn còn đang ngái ngủ.
“Có chuyện gì vậy em?”
“Chẳng có gì…” Tôi nói làu bàu vào ống nghe. “Mọi thứ đều ổn. Anh thế nào?”
“Em xin được thị thực chưa? Hai mẹ con sẽ sang đây chứ?” Adam hỏi một cách lạc quan. “Sao em không viết thư cho anh?”
“Em không biết… Em không hiểu. Em phải đi đâu đó sao? Hôm nay? Lúc nửa đêm?”
“Sao giọng em nghe lạ thế… Chắc chắn mọi việc ổn cả chứ?”
“Vâng… vâng!” Tôi thều thào với chỗ hơi sức còn lại. “Hòm thư của em bị xóa mất rồi, ngày mai em sẽ gửi email cho anh ở cơ quan.”
“Sao? Sao em lại xóa?” Xanh Lơ muốn biết, nhưng hai mắt tôi cứ nhắm nghiền lại vì quá mệt, rõ ràng tôi đã coi thường cái chai Cognac cạn kiệt. Sao lại không được chứ, một khi anh có một thằng cháu có tài, mọi chuyện đều có thể.
“Ngày mai đến tòa soạn em sẽ viết thư cho anh!” Tôi thều thào vào ống nghe.
“Vậy thì anh hôn em.” Xanh Lơ yêu thương hôn tôi để chúc ngủ ngon.
“Em nhớ anh!” Tôi nói rồi ngã vật ra giường, ngay bên cạnh con mèo Zaraz đang nằm kề bên gối.
* * *
Tại sao giờ ở Mỹ lại khác giờ ở Ba Lan? Không thể lý giải sự khác biệt thời gian này theo khoa học mà vẫn làm chiều lòng mọi người được hay sao. Liệu có tốt hơn nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm trái đất là một chiếc đĩa phẳng được mấy con voi đứng trên lưng những chú rùa nâng đỡ? Có thể lắm. Nhưng mà không, Kopernik phải phát hiện ra rằng quả đất hình cầu. Thế nên khi tôi đang ngủ đêm thì tình yêu duy nhất đời tôi lại đang làm việc vào ban ngày. Sáng hôm sau, khi ngủ dậy, tôi không hiểu tại sao ống nghe lại ở trên giường, trên lưng con Borys. Tôi có cảm giác hình như đêm qua Adam đã gọi điện và tôi rất lấy làm tiếc rằng tôi không còn nhớ được gì từ giấc chiêm bao này.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!