Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 16


Truyện ngắn 16
Tối đến bà cụ Phận hay đi nằm sớm. Cơm nước xong một lúc là lên giường.

Ngồi bán nước chè cả ngày, về đến nhà chỉ muốn ngả lưng cho dãn gân cốt. Nhưng bà cụ vừa đặt mình chưa nắng chỗ đã nghe tiếng gọi, không ra lạ, cũng chẳng ra quen: "Bà ơi! Mở cửa cho chúng cháu với". Là những đứa nào mà chúng cháu ở ngoài ấy? Thôi chết, hay mấy đứa "chích choác" vào nhầm ngõ, gọi nhầm nhà cũng chưa biết chừng. Bà cụ vẫn đứng lặng bên trong, nghe ngóng. "Bà ơi, chúng cháu là Cường với Mai đây mà". Tiếng đứa con gái nghe quen quen. Bà cụ với tay bật đèn. Rồi rờ rẫm rút then cửa. Khi chiếc then vừa rút ra, tức thì hai bóng người cùng lúc đẩy cửa ập vào. Bà Phận bỗng nổi gai ốc, hốt hoảng. Nhưng chúng không kịp để bà có thời gian, vừa vào đến nhà cả hai đứa đã ào vào ôm chầm lấy bà, tíu tít:

- Bà có khỏe không, hả bà? Chúng cháu nhớ bà quá!

Bà Phận vẫn ngớ ra, chưa nhận biết đứa nào vào đứa nào. Trí nhớ của người già nhiều khi thật tai hại. Thì cả đứa con gái và thằng con trai vừa vào đã liến thoắng miệng hỏi, tay xếp đồ đạc vào góc nhà, gậm giường:

- Cô Bấy vẫn đi làm đêm, hả bà?

- Bây giờ người ta vẫn cho bà ngồi bán nước ở đấy hay sao, mà ấm chén xếp cả trong thúng thế này, bà ơi!

 

Bà cụ Phận bấy giờ mới sững sờ nắm tay đứa con gái, nói không ra hơi:

- Ơ, hai đứa mày...

Tức thì, đứa con trai vội ôm lấy bà Phận:

- Giời ơi! Cứ tưởng bà nhận ra chúng cháu rồi. Cháu là Cường, còn đây là em Mai...

Đứa con gái có tên Mai vội tranh lời:

- Hai đứa chúng cháu năm nọ được bà cưu mang đây!

Bấy giờ bà cụ Phận mới trố mắt nhìn cả hai đứa: cao lớn, bảnh bao thế này rồi cơ à!

Ừ nhỉ, chục năm rồi chứ có ít ỏi gì...

Đấy là vào buổi sớm một ngày mùa đông giá lạnh năm... Bà Phận như mọi sáng ra dọn chỗ bán hàng. Thực ra cũng không có gì phải dọn dẹp nhiều. Đấy chỉ là một gốc cây xà cừ lâu ngày, cao to đến vòng tay ôm chưa hết. Phía trong gốc cây là bức tường xây bao phía sau một công sở. Bà cụ Phận chỉ việc che tấm ni lông lên, đặt cái bàn làm bằng vỏ hòm thuốc tây vào là thành cái quán. Nói là quán, nhưng bà Phận cũng chẳng bán gì nhiều. Bao nhiêu năm vẫn chỉ bán nước chè chén. Người nào thích, hoặc trót nghiện rồi, thì uống chén nước còn thêm điếu thuốc lá hút vào thở ra, nhưng đã nhấm ngụm trà là không thể không có thuốc. Còn người nhạt miệng thì chén nước chè thể nào cũng phải thêm cái kẹo lạc cho thơm miệng. Mà nước chè ở quán bà Phận thì thôi rồi, uống một chén lại muốn uống hai. Đến một lần rồi lại muốn đến nữa. Thời còn bao cấp, hàng quán ít, sáng nào cánh nam giới đi ăn về cũng dừng lại ở quán bà Phận uống chén nước, lắm hôm đông khách, ghế hết, mỗi người bê chén nước ngồi xổm dưới gốc cây vừa uống vừa hà hít mùi chè thơm. Còn bây giờ, tuy mỗi sáng người đến quán bà Phận uống nước có thưa hơn trước, vì cà phê đang là cái mốt của chẳng những đàn ông mà cả đàn bà, nhưng bù lại, bà Phận lại được ngồi bán suốt ngày, từ sáng đến tận khuya vẫn túc tắc có người đến uống trà, hút thuốc. Nước chè ở quán bà Phận là loại chè Thái tông. Chè bà nhận của người đã quen giao hàng cho bà mấy chục năm nay, chỉ một loại chè sao suốt, cánh nhỏ và đều, dẫu đã sấy khô cong móc câu, cánh chè vẫn có màu phơn phớt xanh, chứ không đen nâu như chè ủ. Loại chè bà pha bán bao giờ bà cũng phải mua với giá cao hơn chè nâu một, hai giá. Nhưng thà được khách uống xong lại nhớ nhà hàng, chứ bà không bao giờ mua loại chè ít tiền về pha nước bán cho khách. Nên bao năm ngồi bán nước chè chén dưới gốc cây xà cừ đầu phố, bà quen khách cũng nhiều, khách nhớ bà cũng lắm, nhưng chưa lần nào như sáng hôm ấy.

Bà Phận vừa cầm cái chổi từ trong nhà ra định quét dọn chỗ bán hàng, thì đã thấy một đứa con gái chừng mười hai, mười ba tuổi đang ngồi chân co chân duỗi. Cạnh nó là một đứa nam giới dễ chỉ nhỉnh hơn nó một, hai tuổi nằm co ro, trên người phủ cái áo gió mỏng manh. Thấy thế, bà Phận sà ngay đến, một tay vén góc tấm ni lông chúng nó trải dưới gốc cây cho gọn lên, một tay đặt lên vai đứa bé gái:

- Nó bị sốt hay ngủ mà chưa dậy?

Nghe tiếng bà cụ hỏi, đứa bé gái ngẩng lên, mặt buồn rười rượi:

- Dạ, anh ấy bị sốt ạ!

Bà Phận sà xuống, tay đặt lên trán thằng bé đang nằm đắp tấm áo mỏng, buột kêu:

- Ối giời! Người nóng như hòn than thế này!

Bấy giờ, đứa bé trai mới như thức giấc, giở mình, mở mắt. Nó chừng mười bốn tuổi, nước da xám ngắt, người rét run mà sờ tay lên trán lại thấy nóng như lửa. Kiểu này trong nóng ngoài lạnh, cảm thương hàn đây. Không dài lời hỏi đứa con gái, chỉ nhìn cái hòm đựng đồ đánh giày với cái ống bơ to để trong cái nón cũ cạnh gốc cây, bà Phận cũng hiểu hai đứa này một đi đánh giày, một đi ăn xin gặp nhau trong cơn hoạn nạn, rồi dừng lại trải ni lông ngồi trông nhau qua đêm ở chỗ quán nước của bà đây. Bà bảo đứa bé gái:

- Cháu gọi anh dậy, rồi đưa vào tạm trong này.

Vừa nói bà vừa ngồi xuống, một tay luồn ra gáy lay đầu dựng đứa con trai dậy. Bấy giờ thằng bé mới như tỉnh hẳn, nhưng người vẫn run bần bật, nói líu cả lưỡi:

- Bà cứu cháu với, bà ơi!

Bà Phận an ủi thằng bé:

- Cháu chỉ bị sốt cao thôi. Cố đứng lên đi vào trong nhà bà đánh cảm cho.

Vừa lúc cô Bấy, con gái bà Phận, đi làm ca đêm về đến nơi. Bà nhìn con gái chống xe đạp trên vỉa hè, bảo:

- Hai đứa này cơ nhỡ. Thằng bé sốt cao quá. Con đưa chúng vào tạm trong nhà đi.

Cũng cảnh mẹ góa con cọc nghèo khổ từ tấm bé, cô Bấy mới chỉ nghe mẹ nói thế đã hiểu ý bà. Cô nhanh chân đến giúp đứa bé gái dìu đứa con trai đứng lên, tập tễnh đi vào ngõ.

Hai đứa trẻ ấy có cái tên nghe mạnh và sang: đứa trai là Cường, đứa gái là Mai. Nhưng có lẽ chỉ có thần hộ mệnh may mới hiểu tên tuổi có báo trước điều gì cho kẻ hạ giới hay không. Chứ ngay từ năm mười một tuổi, nghĩa là cách đây hơn ba năm, Cường đang sống với mẹ ở quê, chưa giàu nhưng cũng đủ ăn, thì bố Cường lái xe cho công ty chế biến nông - lâm sản, sau chuyến đi dài ngày lên Sơn La, nửa đêm đánh xe ghé qua nhà. Chẳng biết bố mẹ có làm gì nhau không, nhưng Cường đang ngủ bỗng giật nẩy mình khi mẹ đến dựng dậy: "Cho bố thơm con trai quý của bố một tí nào". Thế rồi bố ra xe đi. Nhưng ngay chiều hôm sau xe công an đã đỗ trước cửa nhà, đọc lệnh khám, và lôi từ dưới hòm thóc ra một cái bọc gói mấy lần giấy dầu. Bố Cường phải vào tù về tội vận chuyển và tàng trữ chất ma túy. Ít lâu sau mẹ Cường bỏ nhà đi theo một người quen vào thành phố, nghe nói đang được hắn giấu ở đâu đó làm "vợ bé". Cường bỏ làng theo mấy đứa ra thành phố đánh giày, vừa để sống, vừa có ý dò tìm mẹ. Còn cái Mai thì mẹ không bỏ đi theo trai, nhưng chính nó lại phải cắn răng bỏ mẹ đi ăn mày. Bố mẹ nó lấy nhau khi còn rất trẻ, bố hai mươi, mẹ mười tám, đã cho nó ra đời. Nhưng khi nó mới mười hai tuổi, giữa tháng mười khô hanh, bố đi đám ở làng bên uống rượu say, tận nửa đêm mới về. Đường làng phơi đầy rơm khô nỏ, nhưng chưa mang về, nhà nào nhà nấy còn đánh đống lớn đống bé ngoài đường. Bố Mai đi uống rượu về khuya, không biết vì mỏi mệt, hay đã vừa đi vừa ngủ dọc đường, rồi vấp đống rơm mà nằm ngủ luôn ở đó, để đến nỗi mẩu tàn than từ điếu thuốc lá vung ra cháy thiêu cả người. Sau cái chết oan khiên của bố đúng một giỗ, thì mẹ xuất giá lấy một ông mở quán cà phê, giải khát ở thị trấn huyện. Thế là Mai phải bỏ học ở nhà bưng bê cà phê, nước giải khát. Một ngày mùa hè trời nóng nực, mẹ về quê ăn giỗ, quán chỉ có Mai và ông bố dượng trông nom. Giữa trưa, quán vắng, ông bố dượng gọi Mai vào phòng, đưa cho cái bọc nhỏ, bảo: "Chú mua cho bộ thời trang hè, mặc vào xem có vừa không, để còn đổi". Mai cầm bọc quần áo cảm ơn, định quay ra, thì lại nghe bố giượng bảo: "Có hai chú cháu, cứ tự nhiên để chú còn ngắm cho". Con bé mười ba tuổi, chẳng nghĩ được cái gì hơn ngoài cái hồn nhiên con trẻ, nghe nói thế là cởi luôn quần áo vất ra nhà, lấy quần áo mới mặc thử. Nhưng chưa kịp, thì cả cái thân hình trắng nõn, mỡ màng non tơ của nó đã nằm gọn trong tay ông bố dượng bế bổng lên giường. Và rồi có lẽ ông ta không thể ngờ con oắt con lại khỏe đến vậy, chỉ một cú hẩy mạnh chân của nó đã làm ông lăn chỏng vó từ trên giường xuống nền nhà. Còn con bé hoảng loạn cứ tồng ngồng thế chạy bổ ra ngoài. Rồi ngay chiều hôm ấy, chỉ chờ mẹ đi ăn giỗ về để nhìn mẹ lần cuối, cái Mai bỏ nhà trốn ra phố, nhập vào đám ăn xin ở khu vực bến xe Hiệp Nghĩa. Nhưng không biết nó sinh vào giờ nào, chứ cái số của nó cũng không đến nỗi húp cháo. Một buổi trưa nó đang đi ăn xin ở mấy hàng cơm gần bến xe, thì thình lình gặp Cường. Hai đứa còn thiếu ôm lấy nhau mà khóc cười chen lẫn. Ngày còn ở làng, tiếng là không họ đương gì, nhưng cùng lối ngõ, nên hai đứa cũng chơi thân với nhau. Giờ ra giữa đô hội phố phường lại gặp được người làng thì còn gì bằng. Từ ấy, Cường đi đâu Mai đi đấy, đứa đánh giày, đứa đi xin. Người mới gặp hai đứa chúng nó lần đầu lại ngỡ anh em; nhưng khách quen Cường đánh giày thì lại nhìn hai đứa với những lời trêu đùa bóng gió.

Khi thằng Cường cất cơn sốt, bà Phận bàn:

 - Từ nay hai đứa ở đây với bà và cô. Thằng Cường đi đánh giày, còn cái Mai không đi xin nữa, cô Bấy đã hỏi cho chỗ cất bánh mì rồi đấy. Từ mai cháu đến lò nhận bánh đi bán. Chịu khó bán ban ngày, lại cả tối nữa thì cũng được ngày mươi nghìn. Không tội gì phải đi xin cho rẻ rúng người.

Thằng Cường giọng bùi ngùi:

 - Bà và cô rộng lòng với anh em cháu là quý hóa. Nhưng cháu ngại nhà chật chội, những khi cô Bấy có khách đến chơi.

Thằng bé đã mười bốn tuổi rồi, nên cũng hiểu phần nào nỗi lòng cô Bấy, một người đàn bà đã ngoài bốn mươi vẫn chưa có chồng. Thực, cũng đã có một người đàn ông bước qua đời cô. Nhưng mới ăn hỏi đầu tháng giêng, định tháng tám cưới, thì giữa tháng hai xảy ra đánh nhau ở biên giới, chú xung phong nhập ngũ ra miền Đông, rồi không trở về nữa. Hôm xã làm lễ truy điệu cho chú, cô ngất phải đưa vào trạm y tế, sau lại gọi xe cấp cứu lên bệnh viện huyện mấy ngày mới lại người. Từ hôm Cường được đưa vào nhà bà Phận thuốc thang chạy chữa, thỉnh thoảng Cường cũng thấy có người đàn ông đến chơi, cô Bấy tiếp nhiệt tình, kín đáo. Có lần Cường hỏi, bà nói thật lòng: "Chơi thì vẫn, nhưng ăn đời ở kiếp với nhau mới khó. Người mình ưng thì lại ra ý chê mình nghèo. Người mình không ưng thì lại sấn đến, cứ như thể không lấy họ thì mình chết già". Mà với cô Bấy thì có chồng cũng được, không có cũng chẳng sao. Cô muốn được phụng dưỡng mẹ già và thủ tiết với người đàn ông, dẫu chưa cưới nhau, nhưng theo tục lệ đã ăn hỏi cũng coi như là chồng. Nghe Cường nói lời e ngại ấy, cô Bấy bảo:

- Cái chính là hai đứa có muốn như chim có tổ, hay thích làm chim hoang thôi. Còn khách của cô thì ngại gì, tiếng là nhà chỉ có một gian, nhưng cũng không đến nỗi họ phải đứng. Rộng bụng còn hơn rộng nhà, các cháu ạ!

Nghe cô Bấy nói, cả Cường và Mai đều xởi lởi:

- Được vậy thì còn gì hơn với chúng cháu nữa ạ!

Từ đấy, hai đứa đã có một mái nhà, dẫu còn chật chội và có khi mưa to gió lớn còn làm tốc cả tấm giấy dầu trên mái nhà làm nước nhỏ tong tong xuống chỗ nằm. Nhưng cả bà Phận, cô Bấy và Cường, Mai đều cảm thấy ấm cúng, nghĩa tình gắn bó. Ngày ngày bà Phận ngồi bán nước chè chén dưới gốc cây xà cừ đầu phố. Còn cô con gái hôm nào cũng đi làm từ năm giờ chiều hôm trước, đến bảy giờ sáng hôm sau mới về. Cường và Mai hôm nào cũng dậy sớm mở bếp lò, nấu giúp bà mấy ấm nước sôi; rồi Mai đến lò nhận bánh mì đi bán rong đến tối ngày. Cường đánh giày không cần đi sớm lắm, nên hôm nào cũng bê giành tích, ấm chén, bàn nước ra gốc cây, rồi căng tấm ni lông che mưa nắng lên cho bà xong, mới xách hòm đi. Bốn người ở gian nhà kê cái giường đôi và chiếc giường một đi lại đã thấy vướng, nhưng chẳng mấy hôm có cả bốn người ngủ đêm ở nhà. Mưu kế sinh nhai như những cơn gió cuốn mỗi người đi một ngả.

Cho đến một hôm, bà cụ Phận dọn hàng về không thấy thằng Cường đâu. Nó hôm nào cũng về sớm, cứ lúc cô Bấy sắp đi làm ca là về. Không giao kèo, nhưng hai người gần như bàn giao nhà cửa cho nhau ở giữa hai thời điểm ngày và đêm như thế đã quen rồi. Vậy mà bây giờ đã cuối ngày, bà Phận dọn hàng về lại không thấy Cường ở nhà. Bà xới lưng cơm ăn, rồi lên giường nằm, có ý chờ hai đứa. Nhưng gần nửa đêm bà thức dậy, nhà cửa vẫn vắng tanh vắng ngắt. Cả thằng Cường và cái Mai đều không thấy đâu. Bà lịch kịch đóng cửa, rồi tắt đèn lên giường nằm. Nhưng không sao ngủ lại được nữa. Không biết đã xảy ra chuyện gì mà cả hai đứa đều không về. Cũng không một lời nhắn lại ai quanh xóm. Bà Phận cứ trằn trọc cả đêm, sáng ra muộn cũng không buồn dọn hàng. Đến lúc con gái đi làm ca đêm về, bà vẫn còn lẩn quẩn ở nhà. Nghe mẹ nói hai đứa hôm qua đi đâu không về, cô Bấy cũng thấy chột dạ, nhưng cũng không nghĩ chúng nó có thể làm điều gì bậy bạ rồi trốn đi. Mãi trưa có người đến lấy tiền hàng, bà cụ Phận bảo con gái mở hòm lấy tiền trả, mới giật nảy mình. Tập tiền gọn năm trăm nghìn đồng, tối kia còn gói giấy báo cẩn thận để cạnh chỗ tiền lẻ, thế mà giờ chỉ còn chẵn hai trăm. Đích thị chúng nó lấy, chứ không còn ai vào đây. Nhưng sao có năm trăm lại chỉ lấy có ba, còn hai trăm nghìn đồng lại gói cẩn thận để vào chỗ cũ, y nếp. Chẳng lẽ đã đánh chó còn biết nể mặt chủ. Có lẽ thế. Vì sau đó cô Bấy còn tìm thấy mẩu giấy viết vội để lại trên ban thờ, vẻn vẹn mấy dòng: "Chúng cháu không dám nói với bà và cô, vì sợ bà và cô không cho đi. Nhưng chúng cháu cũng không thể quấy quả bà và cô được mãi. Xin bà và cô lượng thứ. Vì không đủ tiền tàu xe ăn đường từ đây ra Móng Cái, nên chúng cháu vô phép mở hòm mượn của bà ba trăm nghìn đồng. Hẹn sẽ có ngày chúng cháu mang về trả tận tay bà cả vốn lẫn lãi. Chúng cháu vô cùng biết ơn bà và mong bà giữ gìn sức khỏe".

 Tuy không nói ra, nhưng cả bà và con gái đều nghĩ, chẳng bao giờ hai đứa còn trở lại nhà này nữa.

Thế mà bây giờ không những chúng trở lại, mà còn trở lại như những con cháu đi xa nhớ ngày Tết cổ truyền về thắp hương ông bà tiên tổ. Cái Mai mở bọc túi lấy ra các thứ đưa cho thằng Cường để lên bàn. Toàn những thứ mang từ Móng Cái về: mấy hộp mứt đóng hình lục lăng cầu kỳ, mấy hộp bánh xốp vuông thành sắc cạnh rực màu đỏ chói, bọc táo tươi đến mấy chục quả màu, đến bao hương cũng đóng hộp tròn như cái bánh hồng. Khi thằng Cường châm ba nén hương cắm vào bát nhang, trong nhà có ngay cái hương vị ngày Tết ấm cúng và gần gũi. Bà cụ Phận không nén được niềm vui sum họp, nhìn hai đứa hỏi líu cả lưỡi:

- Thế từ bấy đến giờ chúng mày làm gì ở ngoài ấy?

Đứa con gái lại nhanh nhảu:

- Hồi mới ra thì chúng cháu làm "cửu vạn" khuân vác hàng lên, xuống thuyền cho người buôn ở hai đầu bến sông Ca Long. Sau đi lại giữa hai bên Móng Cái và Đông Hưng đã có cầu, vả lại chúng cháu cũng gom được ít vốn, thì mở hàng cơm từ bấy đến nay. Thế bà vẫn ngồi bán hàng ở chỗ ấy, hả bà?

- Ừ, còn sáng con mắt chặt đầu gối, không bán kiếm đồng


thì làm gì. Thế từ ngày ra ngoài ấy, hai đứa đã tìm đường về quê lần nào chưa?

Thằng Cường trầm giọng:

- Dạ, năm kia bố cháu mãn hạn tù, cháu có về mấy ngày. Nhưng cả hai chiều đi về đều nhờ được xe người quen, nên không dừng chân vào thăm bà và cô được.

Cô Bấy hiểu nhanh là thằng Cường đang muốn nói gần nói xa đến món tiền năm nọ, vội gạt đi:

- Cốt là hai đứa biết dựa vào nhau mà sống, đừng có ai biết phận người nấy, là bà và cô cũng mừng cho chúng mày. Từ nay đi về sớm muộn cứ vào đây, bà và cô lúc nào cũng muốn nhà có người đi lại. Đừng ngại!

Cái Mai nhìn cô Bấy nghẹn lời:

- Chúng cháu không ngại. Vì từ lúc bà giục cô với cháu đưa anh Cường đang nóng sốt như hòn than vào nhà, chúng cháu đã coi đây như nhà mình rồi. Nhưng bà và cô thông cảm, sớm muộn ngày kia thể nào chúng cháu cũng phải về đến quê, vì hôm sau đã đám cưới bố anh Cường rồi. Thể nào hôm đi chúng cháu cũng qua đây ở lại với bà và cô vài ngày.

Bà cụ Phận vừa nghe đến đấy vội ôm vai thằng Cường xuýt xoa:

- Ôi, thế thì bà mừng cho cháu!

Cô Bấy nhìn cả Cường và Mai tủm tỉm cười:

- Thế còn hai đứa chúng mày thì bao giờ, hay định trốn cỗ bà và cô thì bảo.

 Cường còn đang lựa lời, thì Mai đã thẳng ruột ngựa:

- Anh Cường muốn bố anh lấy vợ xong, rồi chúng cháu mới tổ chức, cô ạ!

Bà cụ Phận cười vui:

- Nó ăn ở có đầu có đuôi thế là phải!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85580


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận