Nếu có thằng dở hơi nào làm một cuộc điều tra xã hội học, xem công chức nước ta ghét việc gì nhất, thế nào mục họp cũng được xếp vào hàng đầu với tỉ lệ phần trăm cao nhất. Có huyện cử hẳn ra một phó chủ tịch chuyên đi họp thay, với cấp trên thôi, chưa kể với cấp dưới và đồng cấp mà trung bình một tháng phải dự sáu mươi cuộc họp. Chả thế, những ngày đầu chính quyền Xô viết, Maiacốpski đã phải viết bài thơ Những kẻ loạn họp. Ông bị các nhà tuyên huấn thời ấy lên án kịch liệt vì tội phỉ báng những người Bônsêvích. Nếu không có Lê nin đứng ra bảo đảm về tính tư tưởng của nó, thì có khi ông đã bị đi nghỉ mát ở Sibêri chưa chừng.
Lạ thế, có nước không lập được chính phủ cả trăm ngày mà bộ máy vẫn chạy đều, đâu vẫn vào đấy. Lo gì, đến lúc mình xây dựng được một nhà nước pháp quyền đầy đủ, nền nếp, quy củ, ai nấy chỉ có việc làm theo chức phận, thì chắc đỡ phải họp. Còn bây giờ cứ phải... đời chúng ta, đâu có họp là ta cứ đi.
Có một cuộc họp hàng tháng mà Tùng rất ghét. Nhiều khi nó hình thức, vô bổ đã đành, lại còn tại người chủ trì nữa. Nếu ông trưởng chủ trì thì Tùng còn nghe và phát biểu nghiêm túc. Vì ông ấy biết lắng nghe ý kiến mọi người, biết ý kiến nào đúng thì phát triển lên. Lại còn vì, cá nhân ông ấy cũng đáng nể về hiểu biết, đáng trọng về nhân cách. Cái ông phó mà điều hành thì Tùng ngồi im tuyệt đối. Để nghĩ một việc gì đó, viết một cái gì đó. Nhưng có một lần, ông ấy nói về cái gì đó, không nghe nên không rõ. Nhưng, đoạn cuối thì anh nghe rõ mười mươi.
- Các đơn vị chúng ta phải làm sao, cùng nỗ lực phấn đấụ với tinh thần cách mạng tiến công, tương trợ xã hội chủ nghĩa, dàn hàng ngang mà tiến.
Ngứa mồm, Tùng giơ tay:
- Tôi nghĩ, đơn vị nào cũng phải nỗ lực, theo cách riêng của mình, xây dựng bản sắc riêng, thương hiệu riêng, thế nên nhanh chậm, cao thấp là tùy, chứ dàn hàng ngang mà tiến thì tôi e, sẽ thành dàn hàng tiên mà ngáng đấy.
Ông ta lập tức phê phán:
- Thế là đổng chí mắc bệnh tiền phong chủ nghĩa rồi.
Tùng định nói lái tiếp tiền phong chủ nghĩa thành tiền nghia chủ phóng để mọi người cười một thể. Nhưng không, anh nghiêm túc:
- Người ta nghiệm ra rằng, muốn đi nhanh, muốn vượt lên trước phải độc hành. Cần lắm thì chỉ một người đồng hành thôi. Thêm người thứ hai là hỏng rồi. Quy luật xã hôi đấy đồng chí ạ!
Tùng vẫn giữ thói quen viết báo. Vì không bị áp lực của tính thời sự, lại chịu đọc, chịu nghĩ, lại hay nhìn sự đời dưới góc độ quản lí nên đã phát hiện nhiều vấn đề, người khác thường bỏ qua. Đi họp đã khổ rồi, lại còn khổ hơn khi đến đúng thời gian ghi trong giấy mời, chỉ thấy lác đác mấy người dở hơi như mình. Anh chọn chỗ gần cửa ra vào... ngộ nhỡ có gì còn thoát ra cho nhanh, với lại, càng xa lửa càng đỡ rát mặt, càng đỡ chối tai (bởi hệ thống loa phóng thanh) và còn đọc báo, đọc sách nếu không cần nghe. Bởi vô số cuộc họp không cần nghe.
Chán chê mới thấy một người trong ban tổ chức lên, a lô, a lồ, thử máy, rồi để nghị mọi người ngồi dồn lên phía trên cho... đẹp đội hình, trừ hai hàng ghế đầu cho các vị lãnh đạo và khách quý vì có truyền hình về quay. Rồi người đó xuống tận cuối hội trường giục những người ngồi dưới dồn lên. Tùng hỏi anh ta:
- Vì sao quá giờ ghi trong giấy mời nửa giờ mà vẫn chưa bắt đầu hả đồng chí ?
- Còn chờ lãnh đạo đến đồng chí ạ.
- Thế lãnh đạo thì có quyền đến muộn à?
- Không phải là có quyền đến muộn mà là lãnh đạo bận hơn, nhiều việc quan trọng hơn chúng ta. Thôi, mời đồng chí lên phía trên ngồi, để người đến sau đỡ phải đi lên. Truyen8.mobi
Tùng nghiêm giọng:
- Đến trước, có quyền chọn chỗ. Ai đến muộn phải đi lên cho ngượng với những người đến đúng giờ.
Chẳng ngờ anh ta lại dỗ Tùng:
- Đồng chí ngồi lên phía trên, sắp có biểu diễn văn nghệ đấy. Ca sĩ chuyên nghiệp hẳn hoi,
Anh ta cũng không ngờ, Tùng tương một câu không nể nang:
- Tôi đến đây để họp, chứ không phải để xem văn nghệ đồng chí ạ.
Đang hát hò thì lãnh đạo đến. Chán chê mê mỏi, hết văn nghệ mới bắt đầu bằng màn giới thiệu:
- Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu, đồng chí... dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn bớt chút thì giờ vàng ngọc đến dự hội nghị chúng ta. Đề nghị chúng ta nhiệt liệt hoan hô chào mừng.
Tưởng việc giới thiệu về vị lãnh đạo ấy đến đây là hết nên có mấy người vội vàng vỗ tay hưởng ứng. Không ngờ, lúc này ban tổ chức mới giới thiệu tất cả những chức danh vị lãnh dạo kia đang nắm giữ. Tính ra là sáu chức vụ, trong đó năm chức vụ là kiêm nhiệm, nghĩa là chỉ trên danh nghĩa. Cuối cùng mới là... đề nghị chúng ta nhiệt liệt hoan hô. Người giới thiệu nhanh nhảu vỗ tay mồi, cả hội trường rộ lên, ran lên, rào rào một chập.
Người thứ hai, người thứ ba vv... Người nào cũng được giới thiệu đầy đủ chức vụ đoàn thể (nếu có), rồi đến chính quyền, chỉ sợ quên hay nhầm thì bỏ mẹ! Giới thiệu xong mỗi vị, lại vỗ tay một lượt. Danh sách quan khách dài dằng dặc. Không hưởng ứng người vỗ tay mồi thì thiếu văn hóa, Mà vỗ tay theo thì khó chịu, chán ngán. Vì thế, tiếng vỗ tay càng về sau càng nhỏ dần, thưa dần, ngắn dần... và cuối cùng:
- Đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng tất cả các đại biểu cùng đến dự hội nghị quan trọng này.
Vỗ tay! Vỗ tay cho xong việc.
Mất cả buổi sáng. Nhưng riêng chờ đợi lãnh đạo chờ đợi xem văn nghệ, chờ đợi mọi người đến đông đủ (hay tương đối đông đủ), giới thiệu và vỗ tay cũng hết non nửa thời gian diễn ra hội nghị.
Nhiều người bực tức, khó chịu. Nhưng, họ đã quen chịu đựng, biết phản ứng không ích gì nên cũng phải bán khó chịu, mua vui bằng cách nói chuyện riêng, nhẫn nại đợi hội nghị kết thúc.
Tùng không thể. Anh không thể chịu được những gì vô lí, vô duyên, vô bổ, vô nghĩa, vô ích như thế. Thời gian một đi không trở lại. Tội lãng phí thời gian không bị ai lên án thì ta lên án. Anh nghĩ cách lập luận, bố cục, nghĩ tít cho bài viết. Tuần sau, trên tờ báo của Bộ có bài viết “Về văn hóa giới thiệu'’ và trên một tờ báo của Thành phố, thiên hạ khoái chí thấy một bài có cái tít thật quái: Tra tấn bằng văn nghệ.
Truyen8.mobi tiếp tục cập nhật đến bạn đọc chương tiếp theo một cách nhanh nhất. Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!