Hình Phạt Nhân Đôi Chương 6


Chương 6
Sáng hôm sau, mới chín giờ mà trong các hành lang tòa án đã có khoảng hơn một trăm người đứng chờ đến lượt.

Từ hai bên các hành lang chính rộng như đường ôtô cao tốc tủa ra các hành lang phụ chật hẹp, các cầu thang xoáy ốc dẫn đến các bậc nghỉ cầu thang bé tí, các cửa đóng chặt, các mũi tên chỉ đường, các biển thông báo cho biết những thông tin trái ngược, đường đi lối lại trong tòa án vô cùng phức tạp cốt để dân chúng hiểu rằng công lý không phải là một điều đơn giản.

 Sau khi đi lên đi xuống khoảng năm sáu lần và làm phiền một số khá lớn công dân, cuối cùng thì tôi cũng phát hiện ra phòng làm việc của bà thẩm phán Irène Kotlas.

 Đó là một người đàn bà đẹp, tóc vàng, mặc một bộ quần áo màu xanh lá cây nhạt và một búi tóc ngược tuyệt đẹp. Với gu thẩm mỹ rất tinh tế, bà đeo đôi hoa tai vàng làm tôn nước da sáng trắng của bà. So với bà thì tôi, sau buổi trực mười hai tiếng vừa rồi, có vẻ như vừa chui ra từ


thùng rác.

- Chị đến muộn. - Bà Irène Kotlas vừa nhận xét vừa ngồi xuống phía sau bàn làm việc. - Tôi đã nghĩ là chị không đến được.

 Tôi trả lời hơi sẵng:

- Tôi không thể bỏ trực với lý do có hẹn.

 Tôi không chịu được đôi hoa tai vàng. Thật ra là tôi có lý do chính đáng: Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở khu Cite des Peupliers, tôi phải xử lý hai vụ cấp cứu trong đó có một cậu vị thành niên toan tự tử bằng cách treo cổ vào một cột ăngten vô tuyến. Đã thế người ta lại cố tình làm cho tôi có cảm giác mình bẩn thỉu, xấu xí và ăn mặc tồi tàn!

 Nhưng bà thẩm phán không để ý đến tâm trạng của tôi, chỉ mở tập hồ sơ và nói:

- Chị biết là tôi phụ trách điều tra vụ sát hại Marielle Pise, nữ cai tù ở Fleury. Chị là nhân chứng trực tiếp duy nhất của vụ án mạng này...

- Hãy khoan, Marielle Pise đã chết trước khi tôi bước vào phòng giam.

- Tất nhiên rồi. Tội nhân Giselle Leguerche cũng đã nhận tội. Không, nhiệm vụ của tôi là điều tra về động cơ gây án, liệu có sự mưu tính trước hay không và liệu có thể có những tình huống giảm tội hay không. Ý chị thế nào?

- Tôi không có ý kiến gì đặc biệt. Tôi có cảm giác là Giselle Leguerche có vẻ tuyệt vọng. Cô ta ám chỉ nhiều lần về vụ sát hại con trai cô ta.

- Nhưng cô ta chưa bao giờ có con cả. Theo chị thì cô ta nói nhảm vì điên khùng hay cố ý bịa chuyện để chị thông cảm?

 Tôi không trả lời được. Tôi thử nói về Amar Zitoun, bởi tôi ngây thơ nghĩ rằng anh ta có thể đã dọa cô ta nếu cô ta ra tù. Bà thẩm phán nghe với vẻ nghi ngờ. Bà đã nghiên cứu giả thuyết liên quan đến Amar Zitoun và cho rằng đó không phải là một giả thuyết tốt.

- Chuyện Giselle Leguerche với Amar Zitoun là chuyện của quá khứ. Chuyện tình của họ kéo dài khoảng sáu tháng, và đó là cách đây...

 Bà ngó qua hồ sơ và nói:

- Cách đây mười một năm. Anh ta là người quyết định cắt đứt. Vào thời điểm đó, anh ta làm về tin học, tử tế và không có vấn đề gì. Anh ta cũng khá điển trai.

- Anh ta bỏ Giselle Leguerche bởi lý do gì?

- Bởi vì cô ta không theo đạo Hồi. Mặc dù cô ta yêu mê mệt. Theo tôi thì sau vụ cắt đứt quan hệ này, cô ta bị khủng hoảng ghê gớm. Dù sao đi chăng nữa thì từ thời điểm đó, cô ta bắt đầu có vấn đề. Cô ta gây án một năm sau đó.

Đối với bác sĩ tâm thần thì một năm cũng có nghĩa là ngay lập tức...

 

- Theo tôi thì hai việc này nhất thiết có liên quan tới nhau. Việc sát hại người bạn gái thân nhất có thể được coi là một trong những hậu quả của sự suy nhược trầm trọng sau khi cắt đứt quan hệ...

 Bà thẩm phán lắc đầu:

- Tất nhiên chúng tôi đã nghĩ đến tất cả những điều đó. Nhưng Amar Zitoun đã hoàn toàn biến khỏi cuộc đời của Giselle Leguerche sau khi cắt đứt. Về sau, anh ta gia nhập một nhóm khủng bố nhưng vào thời điểm vụ án mạng thứ nhất xảy ra thì chưa có gì báo hiệu điều đó. Lúc đó anh ta còn là một người bình thường và không có gì nổi bật.

 Thôi vậy. Tôi đành phải chấp nhận rằng có lẽ bà ta có lý. Nhưng tôi vẫn cố hỏi thêm:

- Chị nắm rõ hồ sơ của Giselle Leguerche, theo chị thì hai vụ án mạng có liên quan gì với nhau không?

- Trong cả hai trường hợp, động cơ gây án rất khó hiểu. Cô ta không chối là đã thắt cổ cô bạn gái bằng thắt lưng của bộ váy mặc nhà, nhưng hoàn toàn không giải thích lý do tại sao. Cũng giống như trong vụ án mạng giết nữ cai tù.

 Tôi dụi đôi mắt cay sè sau quá nhiều giờ trực:

- Tôi vẫn tin chắc rằng có điều gì đó rất khủng khiếp chờ cô ta khi ra tù và cô ta muốn kết thúc sự sợ hãi đó. Có ý thức hay không, giết người trước khi ra tù một tuần rõ ràng có nghĩa là không muốn ra tù…

- Cô ta sợ gì? Cô ta có nói với chị không?

- Tôi phải thú nhận là không…

- Dù thế nào đi chăng nữa thì Amar Zitoun là một giả thuyết sai lầm. – Bà thẩm phán kết luận - Hiện nay chỉ cần có một ai đó trong số người quen tham gia các phong trào của đạo Hồi là người ta có lý do để nghi ngờ họ có vấn đề với các nhóm khủng bố. Trong trường hợp Giselle Leguerche, thực tế là cách đây mười một năm, cô ta bị người yêu bỏ rơi và sau đó không bao giờ còn nhận được tin tức gì về người đó nữa. Những gì xảy ra sau đó chỉ có liên quan đến đời tư của mỗi người. Mà cô ta cũng không hề biết anh ta ở đâu, làm gì. Cô ta không bao giờ nói đến chuyện cũ cả.

 Tôi hơi nhún vai phản ứng. Tôi sẵn sàng tin rằng họ không bao giờ gặp lại nhau nữa, bởi quả thật là giữa trại giam và hoạt động khủng bố không dễ có gì liên quan với nhau. Nhưng trong trường hợp này, có gì đó trùng hợp làm tôi phải suy nghĩ. Làm thế nào mà việc họ gặp nhau lại có thể dẫn đến những hành động bạo lực như vậy?

 Bà thẩm phán tiếp tục:

- Ngoài ra chị cũng cần biết rằng Giselle Leguerche không hoàn toàn cô đơn. Bố mẹ cô ta vẫn còn sống và liên tục giúp đỡ. Họ sẵn sàng đón cô ta về nhà ở cùng…

- Nhưng có lẽ đó chính là vấn đề, - tôi nói có hơi chút đùa.

 Gia đình, ta căm thù mi, v.v và v.v. Nhưng câu nói đó không làm bà thẩm phán buồn cười tí nào.

- Tất nhiên rồi, - bà chấp nhận – Có trường hợp người trong gia đình ghét nhau thậm tệ. Chắc là ngày nào chị cũng giải quyết những trường hợp như vậy…

- Thật ra thì tôi giải quyết hậu quả của những trường hợp ấy.

- Nếu tôi hiểu đúng, - bà thẩm phán kết thúc bằng một câu hỏi – thì chị sẽ không đề nghị áp dụng Điều 122? Tôi hỏi vậy vì gia đình nữ cai tù Marielle Pise rất lo lắng. Họ sợ sẽ có sự miễn tố. Họ muốn là Giselle Leguerche phải bị đưa ra xét xử…

 Tôi chỉ nói:

- Tôi hiểu ý muốn của gia đình. Cần phải nói chuyện này với luật sư của Giselle Leguerche. Khi tôi nói chuyện với ông ấy qua điện thoại lần gần đây nhất thì ông ấy có nói đến việc có lẽ sẽ bỏ hồ sơ này. Ông ấy là luật sư được ấn định?

- Không. Ông ta được chính bố mẹ Giselle Leguerche chọn.

 Tôi quyết định:

- Tôi muốn gặp họ. Theo chị thì có được không?

 Bà thẩm phán chấp nhận đề nghị của tôi ngay lập tức.

 

Khi tôi vừa về nhà, ông hàng xóm ở căn hộ đối diện từ trong nhà chạy lao ra nhanh đến mức tôi có cảm giác rằng ông ta đã chờ tôi từ hàng giờ đồng hồ rồi. Đó là một người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi, rất cao, già trước tuổi do nhiều năm bị bệnh, gầy đến nỗi có cảm giác là ông ta dường như trong suốt, mặt đầy nếp nhăn, mái tóc dài bạc trắng buộc lỏng sau gáy.

- Véra, - ông ta thì thầm. – Không biết em hay chị của chị, lúc nãy đến xin tôi chìa khóa. Tôi rất ngại, nhưng cuối cùng thì tôi cũng đưa.

 Tôi nhìn ông hàng xóm ngạc nhiên. Karine - cô em tôi, có lúc cũng mượn căn hộ này để gặp người tình, nhưng cô ấy có chìa khóa riêng...

Tôi hỏi:

- Em hay chị nào cơ?

- Cái cô có bộ tóc nhuộm màu hung và mắt màu xanh lá cây ấy.

- Rosemarie ư?

- Cô ta đưa một lão đến. Tôi không dám tả nữa! Tóc thì bẩn, tay đầy hình xăm các loại, trông ghê hết sức! Tôi hy vọng là cô ta không đưa cho lão chìa khóa nhà chị!

- Tôi cũng hy vọng như thế.

 Tôi nói với giọng khó chịu dù không cố ý. Ông hàng xóm kêu lên vẻ thông cảm:

- Có lẽ chị phải nói với cô ấy một câu! Đã già rồi thì ít ra cũng phải giàu có chứ!

- Anh nói có lý đấy. Cám ơn anh Victor nhé.

 Ông ta nhìn tôi soi mói:

- Chị giận tôi à?

- Không, tôi chỉ mệt thôi...

 

 Máy nhắn tin xác nhận giả thuyết là có chuyện tình ở đâu đây. Mới đầu là Rosemarie cám ơn tôi với một giọng hưng phấn và xin lỗi là đã không kịp thay ga giường, sau đó là mẹ tôi nói với giọng hết sức nghiêm khắc là bà muốn nói chuyện với tôi càng sớm càng tốt. Từ khi ly dị chồng, Rosemarie cùng ba con về ở với bố mẹ tôi và dĩ nhiên là bố mẹ tôi tỏ thái độ muốn can thiệp vào đời riêng của chị ấy nhiều hơn bình thường. Chỉ thiếu điều là bố mẹ tôi đổ tội cho tôi trong việc Rosemarie bỏ nhà đi chơi nữa mà thôi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại can dự vào việc này, nhưng hình như là mẹ tôi đã có ý kiến riêng. Tôi quyết định sẽ làm như không biết chuyện này và bấm máy để nghe tin nhắn tiếp theo.

 

 Đó là một phụ nữ, giọng đứt quãng, với một vẻ lạ lùng làm tôi không nhận ra ngay người nói:

- Véra đấy à? Hugo cho tôi số điện thoại của cô… Tôi không muốn làm phiền cô… nhưng…nhưng tôi… tôi có chuyện muốn nói với cô. Nếu cô có thời gian, tất nhiên rồi…Thật ra cũng không có gì quan trọng… nhưng nếu được thì tôi rất cám ơn cô…Chỉ có thế thôi…Cô gọi điện cho tôi nhé…

 Tiếp theo là một số điện thoại. Trước khi dập máy, giọng nói còn thêm một tiếng cười có vẻ không thật: "Cô đừng nói gì với Hugo nhé. Đây là chuyện riêng."

 Đúng là Solange rồi! Vẻ bí mật này chắc chắn chỉ là do việc bí mật tổ chức một buổi sinh nhật cho đức ông chồng, hoặc bắt đầu bàn chuyện tổ chức bữa ăn tối nhân dịp Noel, lúc chị ta có dịp làm trợ thủ đắc lực cho bà mẹ của Hugo. Tính chuyện tổ chức Noel từ cuối tháng Mười trước ngày lễ Toussaint rõ ràng không phải ai khác ngoài bà này. Nhưng tôi quá mệt để có thể gọi lại cho Solange trước khi đi tắm.

 

 Từ việc nọ sang việc kia, tôi ngủ thiếp đi. Nhưng cũng chẳng được lâu. Tiếng chuông gọi cửa từng hồi dài kéo tôi ra khỏi trạng thái vô thức. Tôi cố tình không nghe thấy bằng cách trùm đầu vào chăn, nhưng tiếng chuông vẫn tiếp tục kéo dài. Tôi xiêu vẹo đi ra đến cửa và nhấc máy điện thoại dành để nói với người đứng ở ngoài cửa tòa nhà. Nhưng không có ai cả. Tôi quay về phòng thì một hồi chuông tiếp theo vang lên làm tôi hiểu ra rằng kẻ quấy rầy tôi không ở dưới đường mà đang ở trước cửa căn hộ. Làm sao có người vào được trong tòa nhà? Rất đơn giản là vì không còn bà gác cổng ở đây nữa, ông hàng xóm Victor của tôi đã tự nhận nhiệm vụ đó; vấn đề là ông ta tuân theo những quy tắc theo kiểu của mình. Ví dụ như ông ta mở cửa cho một người nào đó rất đẹp trai, hoặc giống một nữ diễn viên nào đó mà ông ta mến mộ, v.v. và v.v. Tóm lại là không có giới hạn nào cả, Victor là người rất thích được quấy rầy.

 Nhận thấy trên người chỉ mặc có mỗi cái áo phông, tôi lấy vội một cái gối trên bộ salông phòng khách để che lấy lệ đôi chân trần trước khi ra mở hé cửa.

 Victor mặc một áo kimônô bằng lụa tơ tằm màu đen thêu một con rồng đỏ chỗ quả tim. Ông ta cúi xuống nhìn tôi và vừa nói vừa đảo mắt như trong một bộ phim câm:

- Chị Véra à, tôi biết là tôi đánh thức chị dậy, nhưng bà đây nói là chị dâu của chị...

 Ông ta cố gắng ra hiệu cho tôi điều gì đó, nhưng tôi chỉ có thể giương mắt đờ đẫn nhìn ông ta và người đàn bà đứng cạnh đeo đôi kính đen to và quàng khăn trên đầu.

- Véra à, tôi rất lấy làm tiếc... tôi không nghĩ là đến vào giờ này lại làm phiền cô như vậy... Tôi nghĩ là cô đi làm... Tôi nghĩ là cô đi làm, nghĩa là cả ngày, chứ không phải nửa ngày...

 Bây giờ thì tôi nhận ra chị ta: đó là Solange!

 Tôi quay lại nói với Victor, giọng lạnh tanh:

- Thế anh không nói cho chị dâu tôi biết giờ tôi đi làm về à?

- Tôi không có thời gian nói những chuyện ấy, - ông ta đốp lại, vẻ phật lòng – trong những lúc có việc khẩn cấp thế này, nếu cô hiểu tôi muốn nói gì!

 Nhưng tôi chẳng thấy gì cả, nên ông ta quay gót và đi về phía cửa căn hộ phía đối diện, như một nghệ sĩ bị xúc phạm. Trước khi vào hẳn nhà mình, ông ta quay lại bảo tôi với vẻ giận dữ:

- Mà cô cất cái gối kia đi! Tôi đã chả nhìn thấy bao nhiêu lần rồi!

 Cửa đóng sập lại. Chỉ còn tôi đối diện với Solange. Chị ta lắp bắp:

- Xin lỗi, tôi không định làm phiền cô... Tôi sẽ lại sau...

 Tôi kịp kéo tay áo giữ chị ta lại trước khi chị ta chạy bổ xuống cầu thang:

- Chị cứ vào đây đã.

 

 Tôi mặc thêm chiếc quần jean rồi đi pha chè trong bếp. Solange vẫn đứng cạnh cửa không dám vào. Tôi cố lấy giọng nhẹ nhàng:

- Chị vào đi... Chị có uống đường không?

 Chị ta lắc đầu bối rối và ngồi ghé xuống mép ghế gần cửa nhất. Chị ta không bỏ cặp kính đen. Tôi vừa lén quan sát thái độ của chị ta vừa đưa cho chị ta chén nước chè. Solange cầm lấy một cách rón rén. Tôi có cảm giác là mỗi động tác của chị ta đều cần đến một sự tập trung cao độ.

- Chị có khỏe không?

 Chị ta gật đầu, cố mỉm cười một cách miễn cưỡng:

- Cám ơn, mọi chuyện ổn cả... tất nhiên rồi... Tôi rất lấy làm tiếc, Véra ạ, đáng lẽ tôi không nên đến.

- Nhưng chị đã đến rồi còn gì.

 Tôi nói một cách bình thường, nhưng câu nói của tôi có vẻ như một lời trách móc. Tôi cố tìm cách chữa lại:

- Có chuyện gì thì chị cứ nói cho em nào.

 Chị ta nói giọng mếu máo:

- Vấn đề không phải tôi, mà là Fabrice... Anh ấy có chuyện gì ấy, nghiêm trọng lắm...Tôi không biết làm thế nào để giúp được anh ấy... Tôi chẳng được tích sự gì cả, tôi biết thế, nhưng tôi không biết làm cách nào nữa...

 Chị ta khóc nấc lên. Tôi đứng dậy lấy hộp khăn giấy ở trên bàn và mang lại đưa cho chị ta. Khi Solange bỏ kính ra lau mắt, tôi thấy một vết tím bầm to tướng ở bên mắt phải sưng húp. Chị ta lại đeo kính vào. Tất cả chỉ xảy ra trong vòng một hai giây đồng hồ.

 Tôi đứng yên chờ chị ta hỉ mũi xong. Chị ta nói lắp bắp:

- Hôm nọ, lúc trong bếp ấy, cô rất tử tế hỏi chuyện tôi, thế mà tôi lại xử sự thế... nhưng tại vì tôi không muốn làm anh ấy buồn... Tôi cố chịu đựng, cô biết không, tôi cố tỏ
 ra thẳng thắn, mạnh mẽ... Nhưng tôi chẳng được tích sự gì cả...

 Tôi nhẹ nhàng đưa tay đến gần Solange và rất cẩn thận nhấc đôi kính đen ra. Tôi hoàn toàn không mơ ngủ. Lão chồng vũ phu đã đánh chị ấy.

 

- Solange, - tôi nói gần như thầm thì – Chuyện gì đã xảy ra thế?

 Một cái nhún vai. Chị ta mỉm cười qua hàng nước mắt:

- À, chẳng có gì đâu! Anh ấy không cố tình làm thế đâu.

- Không cố tình à?

- Anh ấy làm việc căng thẳng quá mức, anh ấy không biết mình làm gì nữa...

 Tôi ngạc nhiên đến mức có cảm giác sắp ngã. Tôi ngồi xuống ghế, ngay bên cạnh Solange. Trong một khoảnh khắc, tôi không còn nghe thấy chị ta nói gì nữa. Như một cái máy, tôi kéo nhẹ khăn trùm đầu của chị ta rơi xuống vai.

- Thế đây là cái gì?

 Trên đầu Solange có một chỗ hở trắng da, như là bị ai đó giật mất một túm tóc. Chị ta quàng ngay lại khăn và bảo:

- Không có gì đâu, nó mọc lại ngay ấy mà...

 Tôi nhìn thẳng vào mắt chị ta một lúc khá lâu:

- Solange, chị đang chơi trò gì đấy?

 Chị ta chớp chớp mắt không hiểu:

- Tại sao lại chơi?

- Chị đến đây giải thích cho tôi là điều đó không quan trọng để làm gì? Chị đã có can đảm đến tận đây, tại sao chị không nói thẳng cho tôi biết chuyện đã xảy ra?

 Vừa nói xong tôi đã cảm thấy mình có lỗi. Tại sao tôi lại bực mình với chị ta? Bởi vì chị ta đang kéo tôi vào một chuyện gia đình phức tạp ư? Hay bởi vì tôi muốn giúp nhưng không biết giúp bằng cách nào?

 Solange nhìn tôi mỉm cười van xin:

- Tôi không thông minh bằng cô... Tôi biết là anh ấy yêu tôi, vậy tại sao anh ấy lại làm thế...

- Anh ấy yêu chị à? – Tôi nhắc lại, quá ngạc nhiên. – Anh ấy đánh chị mà vẫn yêu chị à?

Thật không thể nào hiểu nổi! Vẫn cứ quanh quẩn chuyện ấy.

- Anh ấy nói với tôi thế khi chúng tôi dàn hòa...

- Để được tha lỗi à? – Tôi cười khẩy.

- Vâng, anh ấy xin lỗi. Anh ấy quả thật rất tiếc vì đã hành động như vậy. Anh ấy không biết tự kiềm chế mình... Mà thật ra là không phải lúc nào tôi cũng dễ tính...

Chỉ lát nữa thôi thì chị ta sẽ nói rằng lỗi là tại chị ta, tại chị làm anh ta nổi cáu... Tôi cố gắng đặt câu hỏi bằng một giọng bình tĩnh:

- Thế chuyện này bắt đầu từ bao giờ?

- Tôi cũng không biết nữa... Tôi nghĩ lần đầu tiên là lúc tôi đang có mang cháu Damien.

 À, thì ra là cậu bé ngoan ngoãn không nói gì ấy. Tôi có lý khi nghĩ rằng trẻ con mà quá ngoan thì chắc chắn có vấn đề.

- Anh ấy đánh cả con à?

- Không, không! Nếu anh ấy đánh con thì tôi sẽ bỏ ngay!

- Có lẽ chị nên bỏ anh ấy trước thì hơn, anh ấy đang làm hai cháu đau khổ cũng không kém gì chị đâu.

 Chị ta lắc đầu, nói như đại diện cho đạo đức bằng một giọng trách móc:

- Trẻ con nó cần bố chứ.

 Tôi phản ứng:

- Bố, chứ không phải là đao phủ!

 Có lẽ là tôi nói với một giọng quá khẳng định, hoặc tôi đã động đến lòng tin của chị, nhưng kết quả là chị ta đứng bật dậy, cứ như tôi vừa rủ chị ta sang chơi bời nhà ông hàng xóm Victor. Tôi thì như bị đóng đinh vào bộ salông, trong lòng vô cùng bực mình và bất lực, tôi có cảm giác muốn ném chị ta ra ngoài cửa sổ để kết thúc việc mà Fabrice chồng chị ta đã bắt đầu.

 Solange tuyên bố:

- Tôi nghĩ là cô không hiểu tôi. Tôi đến để nói về Fabrice, chứ không phải về tôi. Anh ấy mới là người cần được giúp đỡ.

- Chị đừng nói nữa, xin chị đừng nói nữa!

 Lần này, tôi không ngần ngại giật đôi kính đen ra và nhìn thẳng vào khuôn mặt có vết tím bầm nửa đen nửa vàng to tướng xung quanh mắt ấy.

- Chị mới là người có vấn đề! Ít nhất chị phải công nhận điều đó đã! Chị không thể tiếp tục sống như thế này! Bọn trẻ con cũng đang chết dần chết mòn! Chúng nó không nói gì bởi vì chị im lặng chịu đựng, nhưng chắc chắn ngày nào chúng cũng cầu mong chị đưa chúng đi thật xa để khỏi phải trông thấy lão vũ phu ấy nữa.

- Nhưng đó là bố các cháu.

- Vì thế mà còn nghiêm trọng hơn, còn có hậu quả lâu dài hơn!

 Thật ra nói thế là không tử tế lắm với chị ta, nhưng tôi không có ý định làm người tử tế.

 Chị ta đang bị cuốn vào dòng xoáy của quá trình tự hủy hoại bản thân mình. Ở lại có nghĩa là chị ta muốn chứng minh rằng chị ta có nghị lực hơn, mạnh mẽ hơn anh ta. Chị ta cho rằng niềm tự hào, thậm chí sức mạnh của chị ta là nằm ở cuộc đấu dằng dai, phi lý và khó chịu đó.

 Tôi cảm thấy mình như phát điên lên.

 Tuy nhiên, tôi cố gắng bình tĩnh hỏi một câu cuối cùng:

- Nếu anh ấy đề nghị ly dị thì chị có chấp nhận không?

- Tôi có thể chấp nhận.

- Vậy là... chị không yêu anh ấy nữa à? Solange à, em xin chị, chị cố thử trả lời một lần thôi nào. Chị có yêu anh ấy không?

 Chị ta lắc đầu:

- Không, tôi không còn yêu nữa.

- Vậy tại sao chị ở lại?

- Bởi vì tôi nghĩ rằng anh ấy cần đến tôi.

 Lần này tôi để chị ta ra về. Chuyện này quá sức chịu đựng của tôi.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87389


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận