Chuyến bay nối tới Hamburg bị muộn vì mưa to. Tôi ngồi xuống chiếc ghế giả da trong phòng đợi, sốt ruột mà không rõ vì sao. Trên chiếc cốc giấy đựng cà phê trong tay tôi in quảng cáo cơ quan tôi đang làm việc, một tờ nhật trình. Nước Đức. Cái gì cũng khẽ khàng, sạch sẽ, nghiêm túc. Đó là quê hương tôi, nhưng bây giờ tôi thấy nó như một đất nước mà mình lần đầu đặt chân tới. Tôi ngắm một thùng rác bằng thép không gỉ đánh bóng, cực đẹp mắt. Nó có đáy hình bầu dục và chia làm nhiều ngăn đựng thủy tinh, giấy lộn và các thứ rác khác. Quá tinh xảo để Sreykeo nhận ra là một thùng rác.
Tôi vẫn vận trên người những đồ như khi lên máy bay ở Thái Lan: T-shirt, quần bò, giày thể thao. Vừa ra khỏi máy bay, tôi bất ngờ vì lạnh. Khi rời Đức trước đây ba tháng, khắp nơi còn thơm mùi hoa cỏ. Tận đáy lòng tôi vẫn nghĩ rằng thời gian ở đây ngừng trôi cho đến khi tôi quay về. Một mùa hè quá đẹp và vô ưu.
Mùa xuân năm ấy Sascha chuyển đến ở cùng tôi sau khi bị bạn gái tống ra cửa vì cậu ta luôn nhẵn túi. Không ai còn nhớ rõ cậu ta xuất hiện trong đám bạn bè chúng tôi ra sao. Chính Sascha kể lại thế này: cậu đến thăm một người quen cùng nhà với Sebastian, thấy một cánh cửa mở và tò mò đi vào - và ngạc nhiên vì không thấy ai ngạc nhiên lúc cậu xuất hiện. Đơn giản là Sebastian và những người ở cùng không chú ý đến cậu. Nghe thì khó tin, nhưng họ có quá nhiều khách nên coi đó là chuyện thường tình khi một người lạ giữa trưa ngồi ở xô pha đọc sách và lấy thuốc lá của họ hút. Ai cũng nghĩ Sascha là một người trong bọn, và ít lâu sau đó là sự thực.
Hồi hè Sascha làm quen Lulu, một phụ nữ sống thực tế đến phát khiếp nếu so với tính mơ mộng của Sascha. Lulu thành người yêu của Sascha, cô còn có một bạn gái tóc đen xoăn tít bất kham, đẹp đến ngỡ ngàng. Bốn chúng tôi luôn có cát ở bãi sông Elbe giữa các ngón chân, bao thuốc lá nhàu nhĩ trong túi quần bò và chai vang nổ hay mấy lon bia trong ba lô. Chúng tôi nằm trong cát ấm, nghe tiếng động cơ của các tàu chở dầu rời cảng, đọc sách cho nhau nghe và vẽ kế hoạch.Truyen8.mobi
Bà hàng xóm than phiền với chủ nhà rằng chúng tôi hay “rượu chè” trên mái nhà kho dưới sân. Dĩ nhiên bà ta cường điệu. Ngày đó tôi hy vọng cuộc sống cứ thế tiếp diễn: bám chặt lấy khoảnh khắc hiện tại, mặc cho thời gian qua đi, hệt như trôi theo sông vào một ngày hè. Nhưng bây giờ đã là tháng Mười, trời lạnh, cốc cà phê đã cạn và loa báo chuyến bay nối.
Ở Hamburg tôi được anh chị tôi là Tillmann và Annette đón. Hai người ấn vào tay tôi một đóa hướng dương. Họ phải chờ ba tiếng vì chuyến bay bị trễ. Tôi luôn mừng khi gặp anh chị. Chẳng có lý do gì đặc biệt, đơn giản họ là anh chị tôi. Chúng tôi cùng đi taxi về nhà tôi. Tôi trèo xuống và họ đi tiếp.
Căn hộ của tôi và Sascha ở lầu một. Cửa sổ ra phía đường không đóng. Tôi ném sỏi qua cửa sổ, không thấy phản ứng gì. Tôi bực mình đi quanh nhà vào vườn, trèo qua tường, nhảy xuống đống cành cây ủ của hàng xóm, rón rén đi qua thảm cỏ nhà họ, bám ống máng leo lên mái nhà kho rồi trèo từ đó lên bao lơn của căn hộ mình. Tôi đập cửa rầm rầm cho đến khi cả nhà thức giấc.
Trừ Sascha.
Tôi hay rời các cuộc liên hoan một mình về nhà vì Sascha say rượu và còng queo ngủ thiếp đi dưới sàn, ngáy như kéo bễ, mắt chỉ còn thấy lòng trắng, bắt chủ nhà tuyệt vọng tìm cách dựng cậu dậy để tống khỏi nhà. Tôi không muốn để cậu ngủ lại trên nền gạch men nhà lạ, nhưng sau mấy năm quen nhau tôi biết mọi cố gắng đánh thức cậu dậy đều vô ích. Vài cái bạt tai hay đấm đá có thể để lại vết bầm, nhưng cậu vẫn ngủ tiếp. Chỉ còn cách mặc xác cậu ta và hy vọng lúc thức dậy cậu còn biết mình ở đâu.
Nửa tiếng sau Lulu loạng choạng ngái ngủ đi vào bếp và mở cho tôi. “Về rồi à?” cô hỏi. Chắc cô đã dọn đến đây ở.
Thường là người ta đi du lịch về và thấy nhà mình không thay đổi. Lần này thì khác. Phòng tôi trông không giống như lúc tôi rời khỏi. Tôi đã cho thuê lại, và người thuê đã đưa đồ đạc của tôi xuống tầng hầm. Bây giờ chỉ còn mỗi tấm đệm.
Cô của Sreykeo ở Baray cho tôi một tấm hình lồng khung mà bà treo khá lâu trong túp lều của mình. Đó là hình Sreykeo mặc trang phục vũ nữ Apsara thêu đầy kim tuyến. Cô đánh phấn dày, mất tự nhiên. Nhưng tôi biết cô thích thế, do đó tôi đặt tấm hình lên bậu cửa sổ cạnh giường. Tôi giữ luôn miếng san hô Sreykeo định gửi cho mẹ tôi.
Sebastian không ở Hamburg, hiện cậu đang thực tập ở tờ Neue Zürcher Zeitung. Hôm sau tôi gọi điện lúc cậu đang đi trên tàu điện. Cậu hỏi tôi làm quen Sreykeo như thế nào. Với cậu thì tôi nói sự thật được. Cậu cười phá lên, không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Mấy năm sau tôi hỏi cậu nghĩ gì lúc đó, và cậu đáp: “Benjamin sang Đông Nam Á và yêu một cô ca ve, một chuyện thường xảy ra ở đó. Chuyện rất bình thường, và rồi sẽ qua mau.” Có lẽ phần đông mọi người cũng nghĩ vậy.Truyen8.mobi
Ông anh Tillmann của tôi rất thích dây chuyền vỏ ốc. Tôi không nhớ anh nhận xét Sreykeo ra sao. Tôi tin là anh mừng gặp lại tôi, đơn giản thế thôi, và đoán giống tất cả mọi người khác rằng chuyện nghỉ hè của tôi sẽ không có đoạn tiếp theo. Lulu bảo yêu ca ve là điên. Cô không có ý gì chê trách, chỉ nhận định một cách khách quan. Điên không nhất thiết là xấu.
“Cô ấy tin vào ma quỷ và những thứ tương tự,” tôi nói.
“Thì sao? Càng hay chứ sao.”
Cả Sascha cũng không lấy làm ấn tượng lắm. Cuộc sống riêng của cậu ta đã quá điên để một cô ca ve và ma quỷ đủ gây ấn tượng.
Tối hôm sau tôi đến một quán bar vì một bạn gái của chúng tôi có sinh nhật. Quán ấy tên Spacer Club. Trên quầy treo loạt đèn kiểu thập kỷ bảy mươi, trần dát kín các hình tháp phát sáng, và đầu hồi là các hình lập phương thay nhau lóe đèn đủ màu. Một người nào đó có dính dáng đến “nghệ thuật tạo hình” bật nhạc điện tử. Ai có điều kiện thì lập tức khoe là bạn của DJ. Một trong những quán bar làm nơi trò chuyện về các “dự án”. Ai có máu mặt ở Hamburg thì phải làm một “dự án” nào đó dính dáng đến điện ảnh, văn học, nghệ thuật, tạo hình hay thời trang, và tuyệt đối không dính dáng đến “thương mại”. Nếu qua đó kiếm được chút tiền - trường hợp rất hi hữu - thì cũng nên nói là làm việc đó “không vì tiền”. Quan trọng là người ngoài không được hiểu rõ công việc ấy, không thì dễ bị công kích. Và quan trọng hơn cả là dự án không bao giờ được hoàn thành - nếu hoàn thành thì không phải là dự án. Dự án của tôi là một kịch bản không ai muốn và không ai cần. Tôi trò chuyện với một người “làm gì đó bên quảng cáo”.
“Nghe nói cậu vừa quậy bên châu Á về?” anh ta hỏi.
Tôi kể chút ít về nhà sàn, chùa và quán đèn đỏ.
“Ừ,” anh nói.
Và mệt mỏi đế thêm: “Khiếp thật.”
Không phải anh ta bàng quan hay lạnh nhạt, đơn giản là không hiểu tôi nói gì. Đó là tình thế kinh điển của các buổi thuyết trình du lịch: người thuyết trình nhìn mặt trời lặn và cảm thấy gió biển mát rượi, khán giả thấy màn ảnh và nghe máy chiếu chạy ro ro. Tôi sẽ còn nhiều lần nữa trải nghiệm cảm giác không thể kể ra những cảm xúc của mình, vì không ai xung quanh từng chứng kiến chuyện giống như tôi. Nó làm người ta phát điên lên.Truyen8.mobi
Một cô gái hỏi tôi: “Làm sao có thể yêu say mê một người vô học như thế được?“ Cô không có ý triết luận, mà thực sự tò mò muốn biết. Cô không hiểu nổi vì sao người ta lại yêu một người chưa tốt nghiệp trung học. Tuy không nói gì nhưng tôi tức sôi máu. Sao có thể đánh giá một người chỉ qua bằng cấp?
Tôi kể với một người khác, Sreykeo là gái mại dâm.
“Khủng khiếp. Cậu đừng kể cho ai biết nhé.”
“Vì sao?”
“Hừm, vì không lãng mạn lắm. Cậu nghĩ xem, cô ấy sẽ xấu mặt ra sao.”
Rồi anh ta nghĩ ngợi một lát: “Mặt khác thì cũng giống Pretty Woman_(1) đấy.”
Tôi phát điên. Tôi háo hức muốn kể với mọi người các trải nghiệm của mình, tôi là nhà báo và cho rằng mình có thể diễn tả mọi chuyện thành lời. Nhưng không phải. Tôi đi châu Á để có thể kể một câu chuyện. Giờ thì tôi biết là không ai hiểu nổi tôi. Tôi có một câu chuyện, nhưng tôi mang nó trong người như thai nghén một đứa bé không muốn chào đời.
Hôm sau tôi phải trả lời các câu hỏi “ở đấy thế nào” ở ban biên tập. Tôi không kể gì về Sreykeo. Ở văn phòng, tôi ngồi đối diện biên tập viên khoa học Christian. Tôi rất quý anh vì anh hầu như không bao giờ nói về công việc, chỉ kể chuyện hai đứa song sinh ở nhà. Chúng tôi rất khác nhau, không chỉ về tuổi tác. Trên bàn anh có miếng bìa lót in số điện thoại của ban biên tập, cạnh đó là một chậu cây tươi tốt và ảnh vợ cùng hai đứa con. Trên bàn tôi không có gì, cùng lắm là mấy tập giấy và thanh sô cô la. Hằng ngày anh đến sớm mấy phút trước mười giờ là lúc bắt đầu làm việc. Còn tôi thường đến ban biên tập lúc mười một giờ hoặc chậm hơn - thời điểm sát nút để chưa bị gọi là trốn việc vô kỷ luật - với tóc tai bù xù và một cốc giấy đựng cà phê trong tay. Anh hoàn thành trang của mình đúng giờ như chiếc đồng hồ, tôi thì chỉ nộp bài khi số máy của tổng biên tập nháy nhiều lần trên điện thoại di động. Anh về sớm để chơi với các con. Tôi chiến đấu cật lực với các con chữ li ti đến giây phút cuối cùng, không phải vì tôi kỳ vọng cao, mà vì quá ẩu.
Ông anh Tillmann nhà tôi đã mối cho tôi việc này, văn phòng anh ấy chỉ cách phòng tôi một cửa. Trong nghề phóng viên, anh chiếm được một trong những vị thế ngon lành nhất ở tòa báo mà một nhà báo có thể với tới được. Anh nhuộm tóc hồng, trên giá sách sau bàn giấy có Karl Marx và Engels toàn tập. Anh làm việc cho một tờ báo kêu gọi cử tri đi bầu cho Stoiber(1)_ lên ghế tổng thống. Nhưng người ta để anh yên vì anh giỏi. Anh mối cho tôi một chỗ thực tập, sau đó người ta lôi tôi lên chức biên tập viên với hy vọng tôi là một Tillmann thứ hai. Anh luôn là thầy tôi. Tôi chưa học trường nhà báo nào, tất cả những gì tôi biết thì chủ yếu học được của Tillmann.
Anh vẫn tin là một ngày nào đó tôi sẽ làm được việc lớn. Đôi khi chúng tôi ngồi uống với nhau vài cốc bia, lần nào anh cũng nhắc lại câu ấy. Một tuần trước ngày khởi hành đi châu Á chúng tôi cũng gặp nhau ở một quán bar. Anh nói: “Anh biết, khi nào từ Campuchia về cậu sẽ chạy hết công suất.“ Anh luôn mong tôi thức dậy từ giấc ngủ li bì để làm một việc khiến mọi người sửng sốt. Tối hôm đó anh cho tôi vay 500 euro để tôi mua vé cho bạn gái. Thật lạ là anh nhắc đến Campuchia, vì hôm ấy tôi vẫn không chắc có tới đó không.
Sau giờ nghỉ trưa mẹ tôi gọi vào điện thoại di động cho biết Sreykeo vừa gọi từ một quán cà phê internet và hỏi tôi đã về đến nơi chưa. Do thẻ sim của tôi chưa kích hoạt lại, cô không gọi thẳng cho tôi được, và trước khi bay tôi đã cho cô cả số điện thoại của bố mẹ tôi. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi biết cô gọi mẹ tôi. Sreykeo hoàn toàn không nhút nhát. Mẹ tôi nói, giọng cô rất băn khoăn, gần như lo sợ. Cô cũng viết cho tôi một email. Khi bức thư hiện lên trên màn máy tính của tôi ở phòng biên tập, tôi cứ ngỡ như tín hiệu từ một nền văn minh khác vừa đi ngang qua dải Ngân Hà đến với tôi. Tôi không kể cho ai ở ban biên tập biết bí mật riêng này của mình.Truyen8.mobi
“chào anh anh có khỏe không? bây giờ anh đang làm dì? khi nào về nhà thì anh gọi cho em nhé em rất nhớ anh đêm nay em đến heart fo Darkenes nhưng người ta không cho em vào bây dờ em chỉ đi nhảy thôi vì em mất ngủ! và hôm nay em đi làm ở một nhà hàng mới mở được 1 tuần, họ trả mỗi ngày 1 $
em đợi anh gọi điện em nhớ anh em iêu anh lắm anh gọi em nhé
em không thể ngừnh ngĩ đến anh”_(1)
Rõ ràng cô rất sợ tôi sẽ quên cô ở nước Đức xa xôi này. Cô lấy chỗ tiền tôi cho để đăng ký học một lớp tiếng Anh, hằng ngày từ 11h30 đến 12h30, buổi chiều học thêm máy tính. Cô nói tiếng Anh đúng kiểu ca ve - từ vựng tiếng Anh theo ngữ pháp Khmer - mà cô học ra từ những cuốn từ điển nát bét, theo băng karaoke và do quan hệ với khách hàng. Với mớ ngôn ngữ hổ lốn ấy cô có thể giao lưu rất tốt.
Tôi biết, cô sống nhờ khách hàng Tây yêu cô và gửi tiền cho, do đó tôi đã có một thỏa thuận với chính mình: khi nào quay lại Campuchia, tôi sẽ kiểm tra cô đã làm gì với tiền của tôi. Sau đó tôi mới quyết định sống với cô hay không. Về tình cảm, tôi coi cô là “bạn gái” theo định nghĩa của phương Tây - một quan hệ nhất thời, mỗi bên đều có quyền tự do nhất định và có thể chấm dứt bất cứ lúc nào không cần nêu lý do. Ngày ấy tôi chưa biết là ở Campuchia không có hình thức ấy. Đây là một kiểu chung sống đặc trưng ở phương Tây, và chỉ có thể thực thi bởi thực tế là ai ai ở đây cũng có bảo hiểm y tế và hưu trí. Thế mà chẳng hiểu sao tôi cho rằng mọi người trên thế giới này đều sống như chúng tôi.
Tôi gọi điện cho cô từ một cửa hiệu Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ ở quận Altona. Những cửa hiệu này thường có tên “Telecafé” hay “Callshop”. Cô gái ngồi nhai kẹo cao su bên quầy hỏi tôi mấy lần liền cách viết chữ “Campuchia” rồi mới tìm ra giá gọi điện mỗi phút sang đó. Máy điện thoại lắp trong những ca bin nhỏ có cửa kính, bên trong chỉ có một ghế nhựa và một tấm ván bên tường để kê viết.
Có tiếng loẹt xoẹt trong dây trước khi đường nối được thông. Sau đó có tiếng Sreykeo, do bị chênh pha nên nghe nhỏ, kèm tiếng vọng như vẳng từ rất xa. Tôi không nhớ hôm đó trò chuyện những gì, chỉ nhớ là tôi không biết nên nói gì với cô. Cũng giống như không thể kể cho các bạn tôi về cuộc sống ở Campuchia, tôi không thể nói chuyện với Sreykeo về cuộc sống ở Đức. Làm sao tôi có thể nói chuyện với cô về công việc, khi cô không biết một tờ báo là gì?
Một lúc nào đó tôi nói với cô là phải cúp máy. Tôi nói “Good-bye,” nhưng cô kêu “Không, không! Đừng bao giờ nói good-bye với em.” Chúng tôi thỏa thuận từ giờ trở đi sẽ nói “Chúc ngủ ngon” khi chia tay - đến hôm nay chúng tôi vẫn làm thế, kể cả lúc sáng sớm.Truyen8.mobi
Khi ra ATM kiểm tra số dư tài khoản, tôi nhận thấy còn khá ít. Tôi giật mình tính lại, liệu sẽ có vấn đề khi các biên lai tiêu thẻ tín dụng sắp gửi về.
Trong cuộc sống trước chuyến đi này, ít khi tôi nghĩ ngợi chuyện tiền nong. Tôi ưa sống xông xênh, mời bạn bè và dự hội hè. Quan điểm của tôi là: “Tiền trong tài khoản có ích gì khi không có ký ức đẹp?”
Trước chuyến đi này tôi vay bố mẹ ít tiền để trang trải. Tôi có việc bán thời gian ở tòa báo. Tôi được nhận làm biên tập viên rất trẻ, hoàn cảnh kinh tế của báo và công việc của tôi không cho phép thu nhập cao hơn. Tôi phải kiếm giải pháp khác mới được.
Hôm sau, trước khi đi làm tôi ra ngân hàng để gửi cho Sreykeo 150 đô la tiền tháng Mười như đã thống nhất. Tôi định gửi số tiền đó qua Western Union, một dịch vụ chuyển tiền với thủ tục dễ dàng. Ở nhà băng tôi xếp hàng cùng người châu Phi, người Nga và người Thổ đi gửi một phần lương về gia đình trong nước. Tôi phải đọc từng chữ cái để nữ nhân viên nhà băng viết chữ Phnom Penh. “Ở đây chưa bao giờ chuyển tiền đi Campuchia cả,” bà ta nói và ngắm tờ giấy như con tem cho bộ sưu tầm của mình. Khi điền đơn, bà ta đương nhiên tin rằng tôi gửi tiền cho một phụ nữ. Do Sreykeo không có thẻ căn cước lẫn hộ chiếu, cô phải trả lời một câu hỏi đã định trước để nhận dạng, sau đó mới được lĩnh tiền. Câu hỏi của tôi là: “Anh thích ăn món gì nhất?”
Cả thời gian ở Campuchia tôi chụp rất ít ảnh. Chiếc máy ảnh trong tay đem lại cảm giác là một khách du lịch và đẩy tôi ra xa những ấn tượng mà tôi muốn nắm giữ. Bây giờ, khi đem rửa ảnh kỳ nghỉ thì tôi hối tiếc đã không chụp nhiều hơn.
Tôi chỉ có đúng ba tấm ảnh của cô. Một tấm chụp cô đứng dưới thác nước trong rừng rậm gần Angkor Wat. Trong rừng phải mở ống kính lâu, do đó nước chảy từ thác xuống bị mờ. Cô rụt cổ lại vì nước lạnh và cười. Một tấm nữa cho thấy cô đứng trong dòng nước xanh xanh chảy xiết của một con sông gần Kompong Som. Cô vòng tay tự ôm quanh mình, tựa như ôm tôi trong tưởng tượng. Và trên bức ảnh thứ ba Sreykeo ở một ngôi đền Angkor, mồ hôi đầm đìa chảy xuống cổ vì leo bậc thang. Ảnh này tôi dựng trên bậu cửa sổ cạnh giường. Tôi hay viết email cho cô và thỉnh thoảng gọi điện. Nhưng “thỉnh thoảng” là quá ít đối với cô. Cô đòi tôi phải gọi hằng ngày, đòi bằng được.
“hôm nay anh có khỏe không anh yêu anh làm em phát điên sao anh không gọi điện cho em hôm nay là ngày nghỉ em đợi điện thoại của anh đến phát điên em nhớ anh anh yêu em xin anhhhh...! gọi em đi hôn anh, sreykeo”
Cô là người đầu tiên nghĩ ra gửi SMS. Kiểu nhắn tin ngắn này trở thành nghi thức hằng ngày của chúng tôi. Cô gửi tôi một tin trước khi đi ngủ, do lệch giờ nên tôi nhận được vào buổi chiều. Tôi nhắn tin trước khi lên giường, lúc thức dậy cô mới đọc. Qua đó chúng tôi luôn giữ kết nối, cho dù không có mấy sáng tạo trong viết lách. Thường chỉ là những dòng đại loại “Chào anh yêu, em đi ngủ đây. Mơ đẹp nhé” kéo theo những thề thốt yêu đương trao đi đổi lại. Sreykeo ưa sến, tôi không thể nói khác được. Nhưng nội dung chỉ là thứ yếu, quan trọng là chúng tôi nhớ đến nhau hằng ngày.
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!