Sống Từng Ngày Chương 6


Chương 6
O.K. Sleep. Go.

Từ khi mua nhẫn, có gì đó trong cô biến đổi. Nó có một ý nghĩa thực sự đối với cô. Tôi ngạc nhiên. Tối đến, cô hỏi tôi có muốn làm quen gia đình cô không. Vừa hỏi cô vừa mỉm cười nhìn tôi đầy hy vọng và cắn vào môi dưới. Tôi lưỡng lự không trả lời. Không lẽ tôi tiến đến trước mặt mẹ cô và nói: “Tôi là Benjamin, và chắc bà cũng đoán được là tôi làm quen con bà ở đâu.” Nhưng đó là một kiểu câu hỏi khó có thể từ chối. Cô vẫy một chiếc xe ôm lại.

Trời đã tối. Người lái xe ôm đi về hướng Nam, vòng qua Đài kỷ niệm Độc lập rồi về hướng sòng bạc. Tôi ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà hộp với nhiều ngăn kéo hiện ra trong bóng tối. Chúng tôi rời đường nhựa, rẽ vào một ngõ lầy lội chạy dọc dãy nhà. Xe máy dừng trước một đường lên cầu thang. Sreykeo xuống xe, đếm vài đồng tiền nhàu nát trong ánh đèn pha và đưa cho người lái xe. Một lũ trẻ con chạy lại phía chúng tôi, chựng lại cách mấy thước và tò mò quan sát tôi. Cạnh đường có một nồi canh sôi sùng sục trên bếp lò làm bằng thùng tôn xếp đầy củi. Tôi thấy mình như một vật thể lạ với túi đeo ngực đầy séc du lịch và cuốn Lonely Planet trong túi quần. Đây không phải là thế giới Tây ba lô.

Sreykeo đi lên một cầu thang tròn, rẽ phải ở lầu hai vào một cửa hành lang tối mò không cửa sổ và biến mất trong đó. Tôi lúng túng sờ lần dọc bờ tường. Rồi tôi cảm thấy tay cô kéo mình vào hành lang. Tôi nghe cô đập ầm ầm lên một cánh cửa gỗ. Một then cửa được kéo ra rin rít âm thanh kim loại, trong bóng đêm hiện ra một khe sáng. Tôi bước vào và đạp lên một đống dép tông.

Gia đình cô tụ họp trước một màn hình ti vi nhiễu nhằng nhịt. Đang có một phim võ thuật. Bà mẹ ngồi xếp bằng tròn và ăn cơm với cá khô. Sreykeo bảo tôi cùng cô quỳ xuống chắp hai tay chào mẹ. Tôi thấy khó chịu khi phải quỳ - tôi tin là bất kỳ người Âu nào cũng cảm thấy thế. Nhưng tôi vẫn quỳ.

Bà nhìn tôi qua mép gọng kính. Tóc bà ngắn và bạc, hai nếp hằn bên miệng khiến cho mặt bà luôn mang vẻ cau có. Bà không có vẻ là một người lớn lên trong cảnh bần hàn như tôi thấy xung quanh. Ở Campuchia người ta nhận ngay ra ai ở tầng hạ lưu: nếu không có làn da cháy nắng và hàm răng xấu thì cũng có dáng đi sợ sệt. Nhưng mẹ Sreykeo ngồi thẳng lưng. Bà chào tôi không hề vồn vã và thử bắt chuyện bằng vài câu tiếng Pháp bập bõm. Sự hiện diện của tôi hình như không hề làm bà ngạc nhiên.Truyen8.mobi 

Tôi vụng về ngồi xuống đất, lòng đầy bối rối. Bà mẹ đưa tôi một điếu thuốc lá tự cuốn. Sreykeo toan ngăn tôi, nhưng tôi nghĩ từ chối là bất lịch sự. Tôi rít một hơi. Khói thuốc đắng nghét và cay, tôi không thể hít được đến khí quản. Tôi ho sù sụ, chảy cả nước mắt. Tất cả cười. Một tình cảnh hi hữu đối với tôi. Tôi sửng sốt khi được người ta đối xử một cách thường tình. Chính vẻ thường tình đó làm tôi ngại ngùng. Tôi tự hỏi, liệu gia đình có biết Sreykeo làm gái mại dâm?

Tôi ngó quanh. Sau khi nhìn tường ngoài nham nhở, căn hộ tương đối chỉn chu làm tôi bất ngờ. Tường sơn màu da cam sáng, nền nhà lát gạch men sạch sẽ.

Tôi ngồi trong phòng sinh hoạt chung, nhìn qua bao lơn có mái ra đường. Bao lơn đồng thời là bếp. Như đa số nhà cửa ở châu Á, ở đây hầu như không có đồ gỗ: trong phòng ngủ hẹp có một giường đôi cho bà mẹ, ở phòng khác là tủ đựng quần áo. Trên tường phía trên ti vi treo một bàn thờ sơn đỏ chót có ba nén nhang tỏa khói.

Nak, em trai Sreykeo ngồi dựa vào tường một cách thiểu não và bàng quan, cậu cười ngượng nghịu khi gặp ánh mắt tôi. Tôi đoán cậu chừng mười tám tuổi. Sreykeo còn hai chị em gái nữa. Cô em gái tên là Cheamney, vẻ thờ ơ ngang tàng đặc trưng như trẻ con mới lớn khắp thế gian này. Cô đắp mặt nạ bằng kem làm trắng da và đang chải mái tóc nâu dài, đặt bé Rottana ngồi trong lòng. Tóc con bé được chải ngược lên và thắt thành một búi theo phong tục ở đây.

Djiat, chị Sreykeo, ngồi xếp bằng tròn trên nền nhà và trang điểm theo thị hiếu của người Khmer: cô làm trắng da mặt bằng kem có kẽm và xoa phấn quanh mi mắt. Sau đó cô đứng dậy và mặc một chiếc áo dài đến mắt cá. Tôi hỏi Sreykeo, giờ này Djiat đi đâu, cô nói là “đi làm.” Trông Djiat mệt mỏi tàn tạ, mặt cô hóp vào, nhiều sẹo trứng cá, tóc thưa. Ít khi cô cười, nếu cười thì cũng giả tạo và vô cảm. Cô hỏi xin tiền Sreykeo đi xe ôm rồi biến mất.

Mẹ cô đặt một đĩa cơm trước mặt tôi, vỗ vai tôi và nói: “Ăn đi! O.K! Ngủ đây! O.K?”_(1) Sreykeo lại cắn môi dưới và tôi lại biết là không có lựa chọn nào khác. Tôi chuyển đến ở gia đình Sorvan như thế đấy.

Sreykeo sửa soạn chiếc giường đôi, mắc màn, bế Rottana lên giường đặt nằm cạnh tôi. Rồi cô lấy tờ hóa đơn mua nhẫn trong túi ra, vo viên và lấy đà ném nó ra cửa sổ. Cô nhào vào giữa tôi và con bé, giang tay ôm cả hai chúng tôi và vừa cười vừa nói: “Bây giờ em có hai em bé!” Một chiếc quạt chạy phành phạch bên cạnh, đèn trong chân quạt tỏa sáng đỏ cả căn phòng. Cô áp mặt vào cổ tôi và thiếp đi. Tôi nằm thức một hồi lâu và lắng nghe tiếng động của đêm. Tiếng thở pho pho của Rottana trộn với tiếng động cơ xe máy ngoài phố và nhạc từ quán karaoke. Nhà trọ của tôi lùi xa lắc xa lơ. Tôi suy nghĩ khi quay về Đức sẽ kể với các bạn về buổi tối này ra sao. Và tự hỏi, liệu sẽ có còn gặp lại Sreykeo nữa không sau khi đã về đến nhà. Tôi cố quên ý nghĩ đó đi.

Buổi sáng hôm sau, khi thức dậy tôi thấy Rottana ngả đầu lên ngực tôi ngủ. Sreykeo đang đánh răng. Có gì đó nằng nặng dưới gối. Tôi thọc tay xuống xem và nhận ra con dao rựa với lưỡi hình chữ nhật rộng bản mà người ta thường dùng để chặt xương. Nó được cuốn trong khăn ăn bằng giấy hồng và qua đó trông càng tàn bạo hơn. Nếu giả sử không đang ở Campuchia thì chắc tôi sẽ hoảng lắm.Truyen8.mobi 

“Của nợ gì thế này?”

“Dao cắt ác mộng.”

Cô cần nó để cắt các giấc mơ dữ, như cắt đi một đoạn phim tám li vậy. Đối với cô, các giấc mơ không phải sản phẩm ngẫu nhiên của bộ óc mà báo trước tương lai. Sáng hôm đó cô tranh luận với chị và em gái về một giấc mơ. Cô kể là trong mơ có một con hổ vào nhà. Nếu người ta bị hổ cắn trong mơ thì có nghĩa là một bất hạnh lớn, bệnh tật hay thậm chí chết. Nhưng con thú đã chạy mất khi thấy chiếc nhẫn.

Cả nhà đã dậy. Họ ngủ trên nền gạch men trần. Hai nhà sư trẻ đứng ở cửa và tò mò quan sát tôi trong khi Djiat và Cheamney quỳ trước mặt họ và áp trán ba lần xuống nền đất.

Tôi sống một tuần tại gia đình này ở Phnom Penh. Ngoài Sreykeo, không ai biết tiếng Anh. Djiat mỉm cười làm hiệu cho tôi là cô chỉ biết trần xì ba chữ Anh là “okay”, “sleep” (“ngủ”) và “go” (“đi”). Tôi ghét ở một nước nào mà không hiểu ngôn ngữ của họ. Người ta là một vật thể lạ, hoàn toàn bất lực và chỉ còn cách liên tục tỏ vẻ ngạc nhiên như một du khách. Tôi cảm thấy như mình đeo một vòng ngắm bia sau lưng. Phần nhiều thời gian tôi ngồi ngơ ngáo dưới nền nhà giống Nak, lắng nghe thứ ngôn ngữ kỳ lạ với những chữ “R” uốn lưỡi và quan sát mọi sự diễn ra quanh mình. Mấy hôm ấy Sreykeo không đi làm. Tôi cùng cô đi chợ và trả 50 đô la tiền trọ, 30 đô la điện nước, 40 đô la sữa bột cho Rottana.Truyen8.mobi 

Khi mọi người nói chuyện, tôi không hiểu chữ nào nên chỉ dựa vào những gì Sreykeo kể lại. Tôi hỏi bố cô đâu. Cô nói “ở riêng.” Ông sống với vợ mới ở thành phố khác. Trong nhà treo ba tấm ảnh chụp Djiat lồng khung bay bướm. Trên một tấm cô mặc áo dài giống như áo cưới châu Âu, một ảnh khác cho thấy cô mỉm cười hờ hững khoác ô che nắng kiểu Nhật trên vai, còn trên ảnh thứ ba một nhà sư đang trao cơm cho cô. Em gái Sreykeo cũng có một tấm ảnh không lồng khung. Tôi không thấy ảnh Sreykeo ở đâu cả.

Cô luôn nhắc đến mẹ cô với vẻ cay đắng và chỉ nói khi bà không có mặt. Trong mắt cô, bà là nguyên nhân mọi vấn đề trong gia đình. “Mẹ không cho em đến trường. Mẹ không bao giờ âu yếm em,” cô nói. Thậm chí có lần: “Có thể không phải mẹ thật của em.” Cô kể cho tôi biết ngày xưa bà cấm cô đi học, do đó cô chỉ học đọc và viết hai năm nhờ được ông bác cho cô tiền đóng học phí. Ông dặn cô đừng cho mẹ biết. Sau này, khi cả nhà từ nông thôn chuyển tới Phnom Penh, cô làm việc tại một cây xăng để lấy tiền đi học tiếng Anh. Cô phải giấu sách không cho ai thấy. Dù vậy, cô luôn có một cảm giác nghĩa vụ đối với mẹ, tuy cảm giác đó không mang tính thân thiện. “Vì đó là mẹ em,” cô giải thích. “Mẹ đã cho em bú.” Sữa mẹ. Đó là lời biện bạch cho mọi lầm lỗi của người mẹ.

Tôi không hiểu ngôn ngữ của cô, nhưng cũng không nhất thiết phải hiểu để nhận ra những chuyện gì không được nói ra trong nhà. Khi một cô con gái về, bà mẹ không khi nào hỏi từ đâu về, và khi ai ra khỏi nhà bà cũng chẳng cần biết đi đâu. Đơn giản là bà không muốn biết, hay bà sợ phải biết sự thật?

Sreykeo có sẹo trên lưng. “Mẹ đánh em,” cô kể. Hồi đó tôi không biết những sẹo nhỏ là do roi quật. Nhưng khi biết rồi, dễ nhận ra những vết sẹo do đòn roi ở nhiều trẻ con Campuchia. Sẹo ở tay vì chúng đưa tay lên che đầu.

Thoạt tiên tôi tưởng bà mẹ đánh Sreykeo vì cô đi làm ca ve. Nhưng ít lâu sau tôi biết thế là sai. Vì chị cô, Djiat cũng làm thế, chỉ ở hình thức khác. Cô chị hy sinh vì mẹ mình. Cô không đi đến các quán bar phương Tây vì không biết tiếng Anh. Sáng sớm cô về nhà và nộp phần lớn tiền cho mẹ. Cô không uống rượu, không hút thuốc, cô buông tay chấp nhận mọi chuyện xảy ra, xong việc thì về nhà với mẹ. Ngược lại, các quán bar là nơi Sreykeo thoát khỏi sự tù túng trong gia đình. Đôi khi cô ở lại mấy tuần với khách, sống trong khách sạn loại sang, đi với khách đến Angkor Wat và ra bãi tắm ở Sihanoukville. Cô uống rượu và hút thuốc với họ, hy vọng một ai đó trong số họ lôi cô ra khỏi vũng bùn này. Khi về nhà cô chỉ nộp cho mẹ một phần tiền kiếm được. Đó là lý do biến cô thành con chiên ghẻ của gia đình.

Niềm vui của Djiat là chơi bài. Thường ngày cô cùng mẹ biến xuống căn hộ tầng dưới với nhiều phụ nữ của khu nhà chơi bài ăn tiền. Khi tôi nói là Djiat hy sinh, đó không phải là cách nói hoa mỹ. Bộ dạng tiêu điều của cô có lý do. Một đêm có muỗi vo ve trong tai, tôi chụp được và bóp chết nó. Tôi xòe tay ra và thấy một vết máu trên ngón tay. Tôi chỉ cho Sreykeo xem và bảo: “Muộn rồi, nó đã đốt anh hoặc em.” Mặt cô trắng bợt đến mức mà một người Khmer có thể hiện ra màu trắng. Cô lấy siêu nước nóng và rửa tay tôi bằng xà phòng. Tôi hỏi tại sao. Cô đáp: “Vì chị em. Chị ấy bị HIV.” Ba chữ cái ấy vấn vương trong đầu tôi. Do cô phát âm tiếng Anh nên một hồi sau tôi mới hiểu. Cho đến thời điểm này HIV chỉ là một chữ tắt mà tôi chỉ nghe trong chương trình thời sự, một khái niệm xa xăm và phi thực. Sreykeo kỳ cọ các ngón tay tôi đến khi ửng đỏ.Truyen8.mobi 

Sau đó cô kể chuyện về chị gái mình. Khi bỏ nhà ra đi, bố cô đem theo Djiat và Cheamney. Bà mẹ kế hay đánh hai đứa trẻ, do đó chúng quyết định trốn về với mẹ đẻ. Dọc đường chúng bắt gặp một phụ nữ, người này hứa đưa chúng về với gia đình. Nhưng thay vào đó, bà ta bán chúng vào một nhà thổ ở Poipet là địa phương giáp cửa khẩu quan trọng nhất sang Thái Lan. Poipet là một đô thị tanh tưởi. Người Thái đến đây để nướng tiền trong các sòng bạc gần cửa khẩu. Vì thế ở đây cũng có nhiều nhà thổ. Poipet là thương cảng của giới buôn lậu, ma túy và buôn người. Djiat bị nhiễm HIV trước khi có kinh lần đầu.

Một khách làng chơi rủ lòng thương, trả tiền chuộc cô ra và đem về gia đình. Djiat tiếp tục hành nghề mại dâm - đằng nào thì cuộc đời của cô đã chấm dứt. Cô không còn đường quay lại nữa. Có lần Sreykeo hỏi cô cảm thấy gì khi cô làm lây bệnh đó qua một người đàn ông. Djiat trả lời, cô rất vui.

HIV. Buôn người. Ngày xưa trong chương trình thời sự trên ti vi hay có các phóng sự về trẻ con da đen đói, ruồi nhặng bâu đầy mặt, bám vào khóe mép và mi mắt để hút nước bọt và nước mắt. Cuối phim là lời kêu gọi quyên góp cho tổ chức “Bánh mì cho thế giới” hay “Bác sĩ không biên giới”. Tôi khó thấu hiểu số phận những người ấy. Họ là một đám đông vô danh, thường là đen. Nỗi khốn khó của họ vượt quá khả năng tưởng tượng của tôi, nằm ngoài chân trời kiến thức của tôi. Có thể những khốn khó ấy đối với họ không tồi tệ như đối với tôi. Có thể họ đã quen. Có thể họ không bám lấy sự sống như tôi.

Tất nhiên tôi quá rõ. Nghe rất ngu xuẩn, vì đó là một chuyện cực ngu xuẩn, và không phải là sự an ủi khi biết tôi không phải là người duy nhất suy nghĩ như vậy. Nhất định nhiều người có cảm giác đó. Thật khó khăn khi thấu hiểu một sự việc nhãn tiền. Hoàn toàn có thể Djiat là một trong đám người trên ti vi. Trong giây phút ngồi trước mặt cô, tôi ước gì chưa bao giờ từng suy nghĩ như thế. Dĩ nhiên cô bám lấy sự sống hệt như tôi. Từng ngày một. Cô muốn làm tất cả để sống. Đúng hơn, cô đang làm thế.

Tôi hỏi Sreykeo, mẹ cô có biết cô làm ca ve không.

“Có.”

“Mẹ bảo em đi làm à?”

“Không.”

“Mẹ em nghĩ gì về chuyện này?”

“Mẹ chỉ dặn em cẩn thận, nhớ dùng bao cao su.”

Tất nhiên ở nhà không ai đụng đến đề tài này. Tôi hỏi, bao nhiêu cô gái ở La Building làm ca ve. Cô đoán “80 phần trăm”. Tất nhiên không ai thấy họ khi ra khỏi nhà vào buổi đêm và quay về khi trời còn tối, giống Sreykeo. Ở tầng trệt có vài cửa hiệu xập xệ, họ vào đó để trang điểm và làm tóc trước các chuyến săn đêm. Sreykeo cho rằng ngoài gia đình cô không ai biết cô làm nghề mại dâm. Tôi tin rằng đó là một hình thức tự dối lòng. Gái ca ve sống cả đời trong đám ca ve vì họ không được cuộc đời nhìn nhận thân thiện. Tôi buồn bã khi nghe nhân viên phục vụ ở các cửa hàng chửi “fuck you” với Sreykeo vì cô đi cùng một người da trắng, hoặc ở hàng phở một người đứng dậy khi cô ngồi vào bàn. Ở Campuchia đàn ông mua dâm là chuyện thường tình - đa số trả tiền mua những kinh nghiệm tình dục đầu đời. Dù vậy, người Campuchia coi ca ve là cặn bã, dùng xong là vứt bỏ. Những người duy nhất có thiện cảm với ca ve là khách làng chơi và gia đình người làm ca ve.Truyen8.mobi 

Mỗi lần cãi nhau với mẹ, Sreykeo ra quán cà phê internet và ngồi đó cả buổi chiều. Cô mở bừa bãi đủ thứ trang mạng và viết thư cho các “khách hàng” cũ. Cô mơ thấy “thế giới” - đó là tất cả những gì bên ngoài Campuchia. Mơ được một trong những người đàn ông ngoài thế giới ấy còn nhớ đến mình. Đôi khi cô đến Sharky’s, một trong những quán bar cho loại phụ nữ gọi là tự hành nghề. Ở đó họ tự tìm cách kiếm tiền, đi và đến lúc nào thì tùy. Do tụ tập quá đông nên khả năng được khách bắt chuyện rất hiếm. Bù lại quán này có một bao lơn, có thể thoải mái ngồi một mình nhìn xuống đường phố nhộn nhạo và suy ngẫm.

Em gái cô không tham dự những vụ cãi vã. Nak, em trai Sreykeo, suốt ngày chán chường ngồi dựa tường. Cheamney cũng giống Sreykeo, có vẻ như cô thầm phác kế hoạch biến khỏi gia đình, nhưng ở dạng khác. Trong La Building có một trường dạy vũ đạo Khmer truyền thống do một tổ chức phi chính phủ lập ra. Cheamney tập chăm chỉ ở đó và kiếm được chút ít trong các buổi diễn ở khách sạn, đóng vai quần chúng trong phim nội địa hoặc phim nền karaoke. Cô hãnh diện khoe tôi rằng cô bẻ được ngón tay vuông góc với mu bàn tay mà không phải lấy tay kia trợ lực - dáng tay của vũ nữ Apsara thần thánh. Cô muốn thành ca sĩ, tôi thường nghe tiếng cô vang khắp nhà khi vừa giặt vừa hát những bài ca Campuchia. Nak mơ làm sư. Chỉ mình Djiat là không mơ gì nữa, tôi tin vậy.

Gia đình này có một chỗ bám để không chìm đắm vào bất hạnh: Rottana, con bé một tuổi nhắng nhít, lúc nào cũng cười khàn khàn và ở tuổi này đã bướng bỉnh kinh người. Bà mẹ mua lại nó từ một người quen sau khi người này bị chồng bỏ rơi và toan giết con bé sau khi ra đời. Bà muốn có một đứa cháu. Do cô con gái đầu bị bệnh không sinh nở được, bà chộp lấy cơ hội này. Danh chính ngôn thuận thì mẹ Sreykeo đứng trong sổ hộ khẩu với tư cách mẹ nuôi, nhưng thực tế Rottana có bốn mẹ, nó gọi bà là “mẹ bà”, Djiat “mẹ Dji”, Cheamney là “mẹ-dì” và Sreykeo là “mẹ”. Kể ra cũng hợp lý khi ít lâu sau nó gọi tôi là “bố”. Ba chị em cùng chăm sóc nó, quấn tã, đút thức ăn, mặc quần áo, trang điểm bằng dây buộc tóc và vòng tay, tối đến họ tranh cãi để có nó nằm cạnh mình. Đôi khi một cô bế Rottana biến mất cả buổi chiều để được có nó một mình. Chẳng có gì lạ khi Rottana phát triển một ý thức tự thân bất ngờ. Có lẽ con bé là cá thể duy nhất có ý nghĩa trong cuộc sống của gia đình này.

Đồng thời Rottana cũng là đề tài gây ra tranh cãi ầm ĩ giữa Sreykeo và chị. Sreykeo đổ cho chị và mẹ hay đánh cháu khi cô vắng nhà. Cô quát mắng cả hai và buộc tội họ sẵn sàng bán Rottana khi cần tiền. Hầu hết những cuộc cãi vã ấy chấm dứt bằng tiếng sập cửa khi Sreykeo biến về phòng ngủ, cài then, ngồi khóc ở mép giường và hét lên căm giận pha lẫn tuyệt vọng: “Rồi đời nó cũng như em thôi.” Sreykeo luôn sống trong nỗi lo rằng Rottana và em gái cô sẽ thành ca ve - một nỗi lo rất có cơ sở.Truyen8.mobi 

Tôi ưa quan sát Sreykeo khi cô bên cạnh Rottana. Tôi thích vẻ tự tin và tự nhiên khi cô đối xử với con bé. Cô luôn đem nó theo, bế bên nách, đặt lên vai hay để ngồi trên lòng, tuy nhiên không để cho Rottana vào vị thế trung tâm quá đáng. Cô chơi với nó nhưng không lộ tính trẻ con. Cô dịu dàng và chu đáo với nó mà không đội nó lên đầu. Khi cần, cô cương quyết và nghiêm khắc mà không xúc phạm hay lăng mạ.

Tôi khâm phục Sreykeo. Cô không hề biết là con người đã lên mặt trăng, những cuộc đấu vật trong ti vi chỉ là diễn trò, có lần cô hỏi tôi nước Liên hợp quốc nằm đâu và họ cử lính sang nước cô làm gì. Nhưng xét cho cùng, cô hiểu nhiều về cuộc sống hơn tôi. Những gì cô biết là do cô học từ quan sát, từ đau đớn, chứ không từ điểm ghi trong học bạ. Cô đã trưởng thành trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Cô không bao giờ tự hỏi mình là ai và vị trí của mình ở đâu, vì cô luôn được cần đến. Cô học cách đứng dậy sau mỗi lần ngã mà không đánh mất niềm kiêu hãnh của mình. Cô chưa bao giờ muốn có một thử thách, vì cô đã vượt qua nhiều thử thách, nhiều hơn sức cô đáng lẽ chịu nổi. Tất cả những thử thách ấy không làm cô cay đắng. Cô vẫn còn chơi được với trẻ con và cười như một đứa trẻ. Cô theo đuổi giấc mơ của đời mình, một giấc mơ giản đơn đến kinh ngạc mà vẫn không đạt được: lấy chồng và sinh hai đứa con. Để đạt giấc mơ ấy, cô chống lại mẹ, hứng chịu chửi mắng và roi vọt, không từ bỏ hy vọng.

Ba chị em rất thích thú đón nhận tôi - ngày giờ ở La Building rất tẻ nhạt, và họ xem tôi như một thứ đồ chơi mới để chăm chút. Dáng người khẳng khiu của tôi là đề tài tranh luận kịch liệt và lý do thường trực gây lo ngại cho cả gia đình. Do vậy họ quyết định vỗ béo tôi. Từ giờ trở đi tôi bị xới những bát cơm tú hụ. Khi tôi không thể ăn thêm nữa, Sreykeo âu yếm giật lấy thìa như một người mẹ lo lắng, xúc một thìa đầy cơm dứ trước mặt tôi, làm như tôi là một đứa trẻ cứng đầu không chịu uống dầu cá. Cô nhìn tôi khích lệ và nói: “Ăn thìa này là béo đấy.” Thỉnh thoảng cô bấu vào bắp tay xem tôi đã lên cân chưa. Tôi hiểu, cô làm thế vì lo lắng, nhưng thực sự tôi có cảm giác như một con lợn sữa sắp lên thớt.Truyen8.mobi 

Một đề tài tranh luận khác là mái tóc dài và xoăn của tôi. Tôi luôn phải chống cự để không bị cắt hay chải tóc.

Một hôm Sreykeo nói, cô đã mời một vị sư già đến thăm. Hôm đó cô mua chuối, vải và chôm chôm đầy ngoài chợ. Cô xếp hoa quả vào đĩa và cắm nhang lên. Ở ki ốt tầng dưới cô mua một lọ nước hoa nhỏ. Vị sư đã già, răng đen thui vì nhai trầu. Ông lấy tay ra hiệu là tôi có nhiệm vụ bưng đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ. Ông rắc cánh hoa nhài và hoa sen lên mặt nước pha nước hoa. Sreykeo và tôi cởi đồ ra, quấn vải bông mỏng quanh người. Chúng tôi quỳ cạnh nhau trên nền nhà và chắp tay. Vị sư cầm một nhành cọ nhúng vào nước rồi vẩy lên chúng tôi, vừa làm vừa ngân nga tiếng Pali, thứ ngôn ngữ đã bị tuyệt diệt của các học giả Phật giáo. Rồi ông rắc cánh hoa và đổ hết chỗ nước còn lại lên chúng tôi. Tôi không biết nghi lễ này có ý gì, nhưng biểu tượng đã rõ. Tôi cảm thấy nước chảy dọc lưng, nhìn những cánh hoa trôi trong nước dưới chân và tự hỏi, liệu mình có vừa hứa một điều mà sẽ không giữ được.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25558


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận