Văn Viễn vốn một lần đã nghe các nàng tiểu thư bóng gió về việc ân sư lừa ông tập luyện thần công. Nhưng Văn Viễn vẫn bán tin bán nghi. Hơn nữa Văn Viễn sau này phát hiện ra thân phận thật sự của các nàng tiểu thư thì đã không còn tin tưởng. Giờ đại tiểu thư đang lúc gần chết cũng nói như vậy khiến ông càng ngờ vực thực hư về môn nội công Tác Quang Thiền Thổ.
Văn Viễn ngỡ đại tiểu thư đang mê sảng nên hỏi:
- Nàng đang..đang nói gì vậy?
Đại tiểu thư gắng gượng thều thào:
- Thông thường người bị Thiên Niên Trùng cắn đều chết ngay tại chổ. Nhưng kẻ không chết thì lại là cơ duyên hiếm có. Vì cứ mỗi độ tròn trăng, chất độc sẽ tái phát, tuy đau đớn cùng cực nhưng sau đó bản thân tự nhiên tích tụ được một phần nội công. Cứ tuần tự mỗi độ trăng tròn như thế chỉ cần không quá ba năm sẽ ngang bằng người tu luyện nội gia mười năm ròng rã. Chàng bị trùng độc cắn hơn năm năm, lẽ ra thân thể phải có nội công của hơn năm mươi năm tích tụ. Nhưng chàng đến giờ vẫn chỉ là văn nhân trói gà không chặt. Chẳng những như vậy, mỗi khi phát độc lẽ ra phải nhẹ đi lại càng nặng hơn. Chàng là người thông minh lẽ nào chưa từng nghĩ đến điều này?
Văn Viễn bất thần nhớ lại. Có một lần ông vì cải lời len lén đi vào rừng bị độc xà cắn phải. Mẹ ông hoảng hốt chạy đi khắp nơi cầu cạnh mới chữa được. Cha ông hay tin lại không hề la mắng ông một tiếng, ngược lại còn tát mẹ ông mấy cái. Văn Viễn bây giờ nghĩ lại liền thấy có chuyện không ổn. Cha ông bình thường nghiêm nghị rất khó gần. Hành động cư xử cũng chừng mực. Ông phạm phải lỗi gì dù lớn dù nhỏ cũng đều không oán trách. Tuy nhiên chỉ cần mẹ ông lơ đễnh không để mắt đến ông, lập tức liền bị cha nặng lời trách khứ, đôi đi còn đánh đập. Văn Viễn sống lâu chỉ thấy được tình thương của mẹ dành cho ông. Riêng cha luôn giữ khoản cách nhất định không bao giờ gần gũi.
Văn Viễn nghĩ lại mới thấy quái lạ. Rõ ràng cha ông không phải đang yêu thương mà là cố quản thúc ông. Lẽ thường trên đời cha mẹ đều muốn quản thúc con cái, nhưng quản thúc theo lối của cha Văn Viễn thật sự có phần thái quá.
Văn Viễn đang miên mang nghĩ ngợi thì đại tiểu thư bất ngờ tát một cái. Văn Viễn đau đến chảy nước mắt xoa má liên hồi:
- Sao..sao nàng lại tát ta?
Đại tiểu thư đáp tỉnh bơ:
- Tại muội thích! Muội với cô cô đều thích tát người mà! Sao cô cô tát chàng được, muội lại không được?
Văn Viễn xoa má lẩm bẩm:
- Nhưng bà bà đâu có tát ta đau như nàng!
Đại tiểu thư nhìn ông vừa xoa má vừa chảy nước mắt thì không nhịn được cười liền đưa tay xoa má cho ông:
- Chàng khờ này, chàng cái gì cũng tinh ý chỉ có tâm ý người khác là khờ khạo! Chàng ngốc!
Văn Viễn chưa kịp hiểu gì thì tự nhiên khung cảnh bắt đầu tối sầm lại. Vốn cả hai đang ở vực sâu hơn mấy ngàn trượng nên dầu chưa đến đêm nhưng chỉ cần mặt trời ngã bóng thì dưới vực liền tối đen. Văn Viễn bắt đầu nghe hàng loạt tiếng rin rít vang lên thì hốt hoảng. Ông quên cả đau vội cắn tay thật mạnh đến bươm máu. Văn Viễn liền để đại tiểu thư ngồi sát tường rồi dí ngón tay của mình xuống đất vẽ một đường tròn xung quanh. Vẽ xong Văn Viễn cũng liền bước vào bên trong vòng tròn mà ôm chặt đại tiểu thư dõi mắt nhìn bốn phía.
Dưới vực đã tối đen như mực. Trong màn đêm dày đặc chỉ thấy bắt đầu xuất hiện nhiều chấm đỏ li ti. Chỉ trong chớp mắt khắp nơi đều rộn lên tiếng rin rít nghe rợn người. Bọn Xích Trùng ngửi được hơi người liền kêu nhau tụ tập. Văn Viễn nhận thấy đại tiểu thư thu người cố nép vào lòng ông, liền trấn an:
- Nàng không cần lo sợ. Bọn trùng độc này nhất định sẽ sợ hãi mà không dám tiến vào vòng tròn!
Lũ Xích Trùng nhanh chóng kéo thành đàn nhằm hướng Văn Viễn mà bò đến. Bọn chúng vừa chạm vào vòng tròn bằng máu liên kêu rin rít tỏ ra đau đớn. Văn Viễn chưa kịp hớn hở thì liền kêu a lên kinh hãi. Lũ Xích Trùng vẫn bò qua vòng tròn. Tuy nhiên con nào qua được liền giãy giụa tức thì trắng bệch. Bọn chúng bị nhiễm chất hàn độc xung khắc nên lạnh cóng mà chết. Nhưng Xích Trùng mấy năm dài ở dưới vực đã đói lâu ngày nên dầu biết sẽ chết vẫn thi nhau bò qua vòng tròn. Chỉ chưa kịp nguội tách trà đã đếm hơn trăm xác trùng trắng bệch nằm chết xung quanh đường tròn.
Phải chi Văn Viễn là kẻ luyện võ nhìn thấy cảnh này thì hiểu chỉ cần tung ra mấy chưởng âm hàn sẽ quét sạch bọn trùng độc. Đằng này Văn Viễn vẫn chỉ là văn nhân quen kinh sách nên ông chỉ biết ôm chặt đại tiểu thư là lo lắng. Bất giác ông nhận ra đại tiểu thư bắt đầu lạnh dần. Ông liền đưa tay lên mũi nàng. Hơi thở đã đứt quãng. Văn Viễn than trời loay hoay không biết phải làm sao.
Văn Viễn đang loay hoay tự nhiên chạm phải một vật cảm thấy quen thuộc trên vách đá. Đó là một đầu rồng bằng được tạc thò ra ngoài. Ông run run xoay mạnh. Bức tường sau lưng biến mất khiến cả Văn Viễn lẫn đại tiểu thư đều té ngửa vào trong. Bức tường nhanh chóng sụp xuống lại như cũ. Văn Viễn ngơ ngác nhìn quanh. Bên trong căn phòng đá lại sáng rực như ban ngày. Ông ngước thấy khắp nơi đều có dát nhiều viên ngọc bích to bằng quả trứng gà. Chính những viên ngọc này phát quang làm căn phòng sáng tỏ. Văn Viễn tự nhiên thấy lạnh dọc xương sống. Ông lẩm bẩm:
- Căn phòng này… căn phòng này sao ta lại quen thuộc … căn phòng này…sao ta …!
Ông toan lay đại tiểu thư tỉnh dậy thì thấy mặt ngọc đã trắng bệch liền vội vàng bắt mạch. Văn Viễn hoảng hốt nhận ra mạch đại tiểu thư đã ngừng nhịp. Ông dáo dát dáo dác nhìn quanh miệng cứ lẩm bẩm:
- Nó đâu rồi? nó đâu rồi?
Ông bế đại tiểu thư chạy vào một hành lang nhỏ liền reo lên hớn hở. Ông đặt đại tiểu thư vào một hồ nước nhỏ màu đỏ. Trong phút chốc đại tiểu thư mặt mũi đã dần hồng hào trở lại.
Văn Viễn cứ đứng nhìn mà lẫm bẫm:
- Nó là hồ huyết thủy..
Rồi ông nhìn vào một chiếc rương lớn đặt ở góc phòng:
- Nó là Hồi Hoàn Mộc…
Văn Viễn lại nhìn sang bên trái thì thấy ngay sáu bức tranh lụa vẽ hình một kiếm khách đang múa kiếm:
- Đây là Lục Thất Mệnh …
Văn Viễn mồ hôi ra ướt áo mà kinh hãi:
- Ta..ta sao lại thông thuộc căn phòng này đến vậy. Ta trước giờ chưa vào đây sao lại biết rõ tên từng món đồ trong này? Ta thật sự là ai đây?
Văn Viễn hoang mang mồ hôi tuôn ra lạnh toát. Ông nghe văng vẳng bên tai tiếng rên nhẹ liền vôi vàng quay lại nhìn hồ Huyết Thủy. Đại tiểu thư có mấy phần hồi tỉnh đang gọi. Văn Viễn chạy lại bên cạnh nói:
- Ta không hiểu sao ta lại rất thân thuộc nơi này. Ta…ta…
Đại tiểu thư mỏi mệt lấy tay che miệng ông mà thì thào:
- Muội..muội không xong rồi. Chàng nếu tìm được đường ra ngoài hãy từ hướng Mai Hoa Trang đi năm mươi dặm về phía đông sẽ tới Hàng Châu. Vào tìm một quán trọ có tên Vọng Nguyệt Lâu, chàng…chàng sẽ gặp được Ác Hòa Thượng, Bạch Mi Bà Bà ở đó!
Đại tiểu thư nhìn Văn Viễn đắm đuối:
- Muội ước gì có thể được cùng chàng đi đến chân trời góc bể. Tiếc rằng đã không được nữa rồi. Chàng nhớ bảo trọng. Phàm chuyện gì cũng đừng vội tin người!
Văn Viễn nghe đại tiểu thư nói như trăn trối tự nhiên nước mắt chảy dài trên má. Ông vội nói:
- Nàng nhất định sẽ không sao! Ta sẽ đưa nàng đi tìm bà bà thần tiên!
Đại tiểu thư cười sầu thảm:
- Cái chàng khờ này! Muội tự biết đã không được nữa rồi!
Đại tiểu thư liền đưa cho Văn Viễn cây trâm màu đen nàng vẫn cầm chặt trên tay mà nói:
- Thiếp sẽ chỉ chàng bí quyết của Mai Hoa Trâm. Sau này mỗi lần phát độc chàng chỉ cần theo nó mà làm thì sẽ bớt đau đớn!
Nói rồi nàng lần lượt đọc hết phương thức cho Văn Viễn nghe. Văn Viễn tuy lòng dạ rối bời nhưng biết là tâm ý của nàng nên nhất nhất nhớ không sót một từ nào. Bất chợt đại tiểu thư ôm ngực đau đớn. Văn Viễn liền bồng nàng ra khỏi hồ Huyết Thủy. Ông đặt nàng xuống mà nói:
- Nàng mau dùng lấy nội lực bên trong người ta mà điều thương. Ta..ta thật không biết phải dùng cách nào?
Đại tiểu thư áp tay phải lên ngực ông. Văn Viễn nhận ra khí lực trong người mình ào ạt tụ lại trước ngực. Quả nhiên đại tiểu thư sắc mặt liền có đôi chút tươi tỉnh. Nàng ta vòng tay ôm chặt lấy Văn Viễn:
- Muội sống không được cùng chàng đến tóc bạc, chết đi nhất định sẽ làm hồn ma phù trợ cho chàng. Phùng lang, muội yêu chàng biết bao!
Văn Viễn nghe những lời này dù biết không phải dành cho mình song đáy lòng vẫn chùn xuống. Ông cũng ôm chặt nàng vào lòng mà nói:
- Ta thật vô dụng không thể giúp được gì cho nàng!
Bất giác Văn Viễn nhận ra khuôn mặt đại tiểu thư đang áp sát mặt mình. Khuôn nguyệt diễm lệ. Da ngọc thanh tân. Văn Viễn tự dưng không kìm được cúi xuống hôn lên môi nàng.
Đất trời như dừng lại
Tiếng thở cũng đứt quãng.
Văn Viễn như chìm vào một cõi phiêu bồng. Ông sực tỉnh lại thì má trái đau điếng. Đại tiểu thư đã tát ông một cái thật mạnh. Nàng ta khuôn nguyệt ửng đỏ thẹn thùng đưa tay xoa má ông mà nói:
- Kiếp sau muội nhất định ngày nào cũng sẽ tát chàng, lúc đấy chàng có sợ không?
Văn Viễn còn đang mơ màng trong cõi mộng liền đáp:
- Nàng dầu có đánh ta đến chết, ta cũng như mấy đấng trượng phu si tình của Cao Trang, Nhã Trang, Đào Trang không dám thống hận một lời nào!
Đại tiểu thư trong lòng sung sướng cười tươi như hoa nở. Dầu dung nhan nàng đang tiều tụy vẫn mê hoặc lạ thường. Bỗng nhiên Văn Viễn thấy bàn tay đại tiểu thư buông thỏng xuống. Đôi mắt như hồ thu sửng sốt nhìn ông rồi lạnh băng trống rỗng. Văn Viễn run run áp tay lên ngực nàng. Đại tiểu thư thật sự đã tuyệt khí.
Văn Viễn không kềm nổi bi thương thét vang một tiếng chấn động khắp gian mật thất. Ông ôm đại tiểu thư trong lòng thét như điên như dại. Nguồn nội hàn trong người theo tiếng thét gào của Văn Viễn bộc phát dữ dội:
- Tại ta! Tại ta đã hại chết nàng rồi!
Ông vốn từ lúc phát hiện sự việc bên trong Mai Hoa Trang đã liệu tính đường thoát thân cho đại tiểu thư. Nào ngờ một phút sẩy chân rơi xuống vực khiến đại tiểu thư trọng thương mà chết. Ông thương cảm nàng đến lúc nhắm mắt vẫn một hai chung tình với Cầm Điệp Cuồng Sinh. Văn Viễn tấm lòng vốn nhân hậu sao kiềm được chuyện thương tâm như vầy.
Văn Viễn cứ ôm xác đại tiểu thư trong lòng mà khóc đến cạn nước mắt. Chừng mấy canh giờ trôi qua dường như kiệt sức, ông thẩn thờ nhìn lại nàng. Mặt ngọc vẫn diễm lệ. Trên môi còn điểm nụ cười. Ông ngẫm nghĩ:
- Ta phải tìm cách an tang cho nàng. Nhưng nếu chôn cất bên ngoài lũ Xích Trùng chắc chắn sẽ mò đến. Chi bằng cứ để nàng lại trong căn phòng này!
Ông nhìn quanh rồi bế xác đại tiểu thư đặt vào trong rương Hồi Mộc Hoàn. Ông cúi đầu vái lạy mấy cái miệng khấn nguyện:
- Nàng có linh thiêng phù hộ cho Văn Viễn ta gặp được bà bà. Ta nhất định sẽ nhờ bà bà thần tiên trả thù cho nàng!
Ông dập đầu chín cái rồi bùi ngùi ngắm nhìn đại tiểu thư. Khuôn mặt nàng vẫn như đang ngủ. Ông run run đóng nắp rương lại mà nói:
- Nếu ta gặp được Cầm Điệp Cuồng Sinh nhất định kể cho hắn nghe. Hắn mà vong tình phụ bạc không đoái hoài, ta sẽ nhờ bà bà thần tiên bắt hắn đến đây mà dập đầu tạ tội với nàng!
Văn Viễn vái lạy thêm mấy cái rồi đứng dậy. Ông bước ra ngoài không dám ngoái lại nhìn. Đến sát vách tường, Văn Viễn áp tai nghe ngóng thì không còn những tiếng rin rít. Văn Viễn phỏng đoán chắc rằng bên ngoài trời đã sáng. Ông liền nắm lấy một đầu rồng bằng đá khẻ lay nhẹ. Bức tường liền bị kéo qua một bên để lộ ánh sáng chói mắt. Bên ngoài chừng giữa trưa, Văn Viễn bước ra ngậm ngùi quay lại nhìn gian phòng đá lần cuối rồi nắm đầu rồng đá mà ấn mạnh. Bức tường sụp xuống trở lại như cũ.
Ông nhìn vòng tròn bằng máu đã vẽ đêm qua thì thấy lúc nhúc xác Xích Trùng nằm ngỗn ngang bốc mùi tanh lòm. Văn Viễn bất giác bốc một con cầm lên xem. Văn Viễn mơ hồ nghe loáng thoáng bên tai:
- Chàng khờ này chỉ biết chữ nghĩa. Giống Xích Trùng nếu đem bỏ vào hồ Huyết Thủy thì tức thì sẽ lột xác thành một con trùng khác. Giống Xích Trùng chỉ có ở Mai Hoa Trang, chàng có lùng khắp thiên hạ cũng không tìm ra nơi thứ hai!
Văn Viễn liền nghiến răng nhìn qua ngôi mộ đá chôn tên xú tử:
- Ta phải kiểm chứng chuyện này!
Ông đến cạnh ngôi mộ đá mà quỳ lạy nói:
- Phùng Văn Viễn ta hôm nay có chuyện phải xin quật mồ. Mong hương hồn huynh nơi cửu tuyền chứng giám mà đại xá!
Ông vái liền chín cái rồi đứng lên hít mấy hơi thêm dũng khí. Ngôi mộ này do nhiều phiến đá xếp chồng lên nhau mà thành. Văn Viễn loay hoay gần đến chiều mới gỡ sạch xuống hết. Ông nhận ra một cổ quan tài bằng gỗ đã mục nát mấy phần. Văn Viễn dọ dự một chốc rồi liền tìm cách cạy nắp quan. Cổ quan tài đã được chôn lâu nên hư hỏng nhiều, Văn Viễn chỉ cần dùng sức một chốc là đã mở ra được. Ông sửng sốt nhìn vào trong rồi như kẻ chìm vào cơn mê sảng. Ông luôn miệng lắp bắp:
- Bà bà thần tiên ban đầu nhìn ta chính là tưởng lầm giống tên xú tử này…Ác Hòa Thượng, Bạch Mi Bà Bà nhìn ta lại lầm là Cầm Điệp Cuồng Sinh. Bốn nàng tiểu thư Mai Trang rồi bà bà thần tiên sau này cũng nhất dạ nói ta giống Cầm Điệp Cuồng Sinh…kẻ nào trong thiên hạ này cũng lầm tưởng ta là Cầm Điệp Cuồng Sinh …Cuồng Sinh tên Phùng Văn Viễn. Tên xú tử cũng là Phùng Văn Viễn. Ta đây lại cũng là Phùng Văn Viễn. Ta cuối cùng là ai đây?
Ông đứng như trời trồng tự nói một mình rồi liền kêu lên:
- Không phải! Không phải! còn có một người nhìn ta không lầm tưởng là Cầm Điệp Cuồng Sinh?
Văn Viễn như kẻ sực tỉnh khỏi giấc mộng:
- Đúng đúng! Sa tiểu thư ngay từ đầu đã biết ta rõ ràng không là Cầm Điệp Cuồng Sinh. Ả chỉ mượn thế đưa đò. Ta chỉ cần gặp được ả một phen đối chất tự nhiên sẽ thấu rõ thực hư!
Ông liền đóng nắp quan rồi hì húc xếp ngôi mộ đá lại như cũ. Bất giác Văn Viễn nhìn thấy một phiến đá như có khắc chữ. Ông vội vàng chùi sạch rong rêu. Đó là một bài cổ phong:
Trời phụ lòng chí sĩ
Đèn sách hai mươi năm hóa cát bụi
Ngậm ngùi dưới vực
Xót phận cơ cùng
Than ôi
Than ôi
Mỹ nhân mặc áo lụa
Cơm nước ngày ba lần
Vực sâu trăm vạn trượng
Có sâu bằng tấm lòng?
Văn Viễn nhìn kỹ thấy còn vết mực thì hiểu là kẻ làm bài thơ này đã dùng bút viết lên phiến đá rồi mới tuần tự theo đó mà khắc. Ông chợt giật mình mà vội vàng ném phiến đá xuống, Khắp thân người như có luồng điện chạy dọc theo sóng lưng gai ốc nổi cùng mình:
- Bài từ này chẳng phải là của ta đó sao? Nét bút này chẳng phải là của ta đó sao? Ta …ta làm bài từ đây chỉ độ chừng hai năm về trước. Sao nó lại được khắc tại nơi này?
Vừa lúc đó, dưới vực đã bắt đầu nhá nhem tối. Văn Viễn vội vàng nhìn dáo dác:
- Không được! Không được! Ta phải mau chóng tìm cách thoát ra bên ngoài!
Ông nhìn quanh thủy chung vẫn không thấy điểm khác biệt càng hoang mang tột độ. Văn Viễn suy đi tính lại chỉ còn nước quay trở vào phòng đá là an toàn. Ông chợt mơ hồ nghe văng vẳng bên tai:
- Chàng ngốc này có sợ ma không?
Một giọng nam nhân đáp lại:
- Ta đến quỷ ma nhìn còn sợ thì sao lại sợ chúng?
Giọng nữ nọ lại thỏ thẻ:
- Thiếp cũng không sợ. Nhưng chàng còn ở ngoài lũ Xích Trùng sẽ giết chàng mất!
Giọng nam nhân đáp:
- Ta hai mươi năm đèn sách một ngày hóa thành cát bụi, sống có gì vui, chết có gì buồn! Để lũ Xích Trùng giết ta biết đâu lại càng hay. Khỏi phải làm nàng ngày ngày tốn công dâng cơm hầu nước!
Giọng nữ nhân hờn dỗi:
- Nếu chàng còn nói như vậy một lần nữa thì thiếp sẽ ở lỳ ngoài này để bọn côn trùng kia hút máu cho đến chết!
Giọng nam nhân cười lớn:
- Nàng dầu ở ngoài đây đến hết kiếp cũng không có con Xích Trùng nào dám hút máu của nàng. Ta đã thấy nàng dùng tay không bắt lấy bọn côn trùng đó mà bỏ vào hồ Huyết Thủy. Nàng đừng dọa ta nữa!
Giọng nữ nhân càng hờn dỗi:
- Chàng nói nữa đi! Nếu chàng còn dám nói nữa thì thiếp nhất định sẽ phế võ công rồi ngồi đây! Lúc đó dầu chàng có muốn cứu cũng không sao cứu được nữa!
Giọng nam nhân liền van nài:
-Thôi! Thôi! Ta đã sai rồi! Ta đã sai rồi!
Văn Viễn lấy tay vỗ vỗ vào đầu mấy cái. Trong đầu ông vẫn cứ nghe văng vẳng tiếng đối đáp của đôi nam nữ nọ. Ông hoảng hốt nghĩ thầm:
- Hay là ta quật mồ, xú tử kia nổi giận mà hiện hồn lên tiếng? Không phải không phải. Ta đã quỳ lạy tạ lỗi rồi mà!
Văn Viễn hoảng sợ hướng về ngôi mộ đá mà dập đầu liên tục miệng không thôi khấn niệm:
- Vị huynh đài kia, tại hạ cùng huynh đài trùng cả tên lẫn họ chắc phải có chút lương duyên. Huynh đài không may chết thảm mất thân mất xác. Tại hạ nhất thời mạo phạm không có ý khinh miệt. Xin chứng giám lòng này!
Văn Viễn dập đầu hết thảy bốn mươi chín cái lại đứng lên vái thêm bốn mười chín cái nữa thì không còn nghe thấy tiếng nói trong tai, mới thở phào:
- Thánh hiền dạy, không làm việc gian nửa đêm không sợ tiếng gõ cửa. Ta rõ ràng làm việc sai quấy mới bị ma quỷ kêu réo. Thánh hiền dạy quả không sai!
Văn Viễn nhìn thấy trời sụp tối liền vội vã quay trở lại gian phòng đá. Ông ngậm ngùi đi men theo hành lang nhỏ đến bên cạnh rương Hoàn Mộc. Văn Viễn run run mở nắp rương nhìn vào. Đại tiểu thư khuôn ngọc vẫn diễm lệ đôi mắt nhắm hờ không khác gì đang ngủ. Ông không kìm lòng được, nước mắt ứa thành dòng lăn dài trên má. Ông ngồi xuống nắm lấy bàn tay lạnh lẻo của đại tiểu thư mà thở dài:
- Đến cả lúc nàng chết ta vẫn còn chưa biết được tên của nàng làm sao có thể lập bài vị mà cúng giỗ cho nàng được! Ta thật sự đã hại nàng rồi!
Văn Viễn khóc lóc một hồi rồi lại nghĩ:
- Đại tiểu thư oan ức mà chết đi. Ta không chôn cất cho nàng được tử tế thì cũng nên tẩm liệm đàng hoàng cho nàng. Sau kể lại cho bà bà thần tiên nghe, bà bà cũng không trách ta thêm tội!
Ông lại thở dài:
- Dầu gì nàng cũng đã chết rồi. Ở dưới vực này làm sao có đủ đồ mà tẩm liệm đàng hoàng. Ta thật là lẩm cẩm!
Văn Viễn chợt nhớ lại những gì đại tiểu thư nói với ông bèn tự nghĩ:
- Đại tiểu thư một mực lầm tưởng ta là Cầm Điệp Cuồng Sinh nên chắc rằng không bao giờ nói dối. Nếu vậy thì rõ ràng ân sư Vô Sách khi dạy ta môn nội công Thiếu Lâm Tự thật đã có lòng toan tính riêng. Ân sư lại một hai bảo ta nên đến Giang Nam một chuyến để làm rõ thân phận. Dường như hai điều trên vốn muốn ta phải hiện thân!
Văn Viễn tư lự:
- Nếu ta là tên xú tiểu tử! Thì vì sao ta lại lọt vào Mai Trang, còn được bà bà yêu thương chăm sóc? Ta trước khi đến Mai Trang ta lại là ai? Không lý nào ta tự nhiên quên hết được!
Văn Viễn cau mày nghĩ nghợi:
- Nếu ta thật sự là Cầm Điệp Cuồng Sinh thì không lý nào ta lại quên sạch không nhớ được chút gì. Ân sư một hai muốn ta vào Giang Nam tự nhiên là kế bứt dây động rừng. Ta với Cầm Điệp Cuồng Sinh cùng xú tử được chôn ngoài kia đều có cái tên là Phùng Văn Viễn, không lý nào vô cớ có sự trùng hợp như vậy. Bà bà thần tiên ban đầu nhận nhầm ta là tên xú tử hay tên Cuồng Sinh? Bạch Mi Bà Bà, Ác Hòa Thượng luôn miệng nói ta giống người mà chủ nhân họ tìm. Chủ nhân là bà
bà thần tiên hay đại tiểu thư?
Văn Viễn tự vỗ lên đầu mấy cái đau điếng mà nói:
- Ta rõ ràng đã lớn lên ở Ứng Kê Quan! Ta còn có được nhiều bè bạn đồng lưu thường xuyên đàm đạo chuyện thi thư kim cổ! Nhưng sao ta lại không nhớ được đã học chữ nghĩa ở đâu? Ta hỏi họ, họ cũng không biết được! Bọn họ chỉ nói vì nghe tiếng ta thông thạo thi thư mới tìm đến kết giao. Nhưng Ứng Kê là vùng ngoại biên hẻo lánh. Ta làm gì có được tiếng tăm nào? Ta sao không thể nào nhớ lại được!
Văn Viễn suy nghĩ không thông suốt liền thở dài. Ông nhìn đại tiểu thư lại ngậm ngùi:
- Chỉ tội nhất cho tiểu thư si tình này. Đến lúc chết cũng không gặp được tình lang để vẹn nguyện ước. Tên Cầm Sinh kia cũng thật vong bạc. Nếu y còn sống sao lại không chịu về thăm nàng? Ta mà gặp lại y nhất định sẽ thay nàng đánh mấy cái!
- Nhưng mà không được! Đại tiểu thư nơi cửu tuyền biết ta đánh hắn nhất định sẽ đau lòng! Ta nếu tìm được hắn sẽ đưa hắn đến đây! Nếu hắn nhất mực cự tuyệt, khi đó ta đánh hắn, đại tiểu thư không trách ta được!
Văn Viễn trong lòng thương cảm cứ lẩm nhẩm tự nói rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.
Ông giật mình thức dậy thì bốn bên đã im lặng như tờ. Văn Viễn nhìn đại tiểu thư lần nữa mới đóng nắp rương lại. Ông cúi lạy khấn nguyện cho đúng lễ, ngậm ngùi quay lưng đi, nước mắt lăn dài hai bên má. Ông đi đến sát vách đá, áp tai nghe ngóng kỹ lưỡng mới cầm chặt đầu rồng mà xoay nhẹ. Bức tường đá kéo lên, bên ngoài ánh nắng nhợt nhạt, hẳn là đang buổi xế chiều.
Văn Viễn vội vàng đi quanh dò xét cẩn thận. Ông đi hai ba vòng liền nhưng tuyệt nhiên mười mẫu vuông dưới đáy vực chỉ là vách đá dựng đứng không một lối thoát.
Văn Viễn nghĩ ngợi một hồi rồi đi quanh mép hồ . Ông ngước nhìn dòng thác từ trên cao đổ xuống tư lự:
- Chiếc hồ này như một thùng chứa nước. Con thác cao ngày đêm trút xuống sao lại không dâng ngập được dưới này. Rõ ràng mực nước hồ hôm qua và hôm nay vẫn như cũ!
Văn Viễn không nghĩ ngợi thêm liền nhảy ùm một cái xuống hồ. Nước trong xanh thấy tận đáy. Văn Viễn vừa bơi vừa lặn mấy bận đã ra giữa hồ. Ông nhìn thấy một khóm tảo dày mọc chen chúc liền lặn sâu xuống. Quả nhiên có một đường hầm nhỏ chỉ đủ một người bơi vào. Văn Viễn chần chừ:
- Không biết đường hầm này dẫn đến đâu và dài hay ngắn! ta có đủ sức bơi qua không?
Văn Viễn trồi lên mặt nước hít thở. Ông suy tính cẩn thận bèn hít lấy mấy hơi dài rồi lặn sâu xuống tận đáy. Ông chui người vào đường hầm lấy hết sức bình sanh cố bơi thật nhanh. Ông bơi đến hai vai rời rã lồng ngực bắt đầu thấy khó thở vẫn chưa thoát được thì than trời:
- Thôi rồi, Văn Viễn ta đã phải bỏ mạng ở chốn này!
Bất chợt từ phía sau có một lực đẩy xé nước tống mạnh lên. Văn Viễn mừng rỡ cố gắng nín hơi thuận theo lực đẩy mà bơi thật nhanh về phía trước. Ông nhận ra ánh sáng le lói thì trong lòng hoan hỷ càng cố mạng mà bơi. Quả nhiên đường hầm ăn thông đến một lòng sông khác. Văn Viễn trồi lên mặt nước vừa ho sặc sụa. Cứ ngỡ đã bỏ mạng không ngờ tự nhiên thoát được, Văn Viễn vừa mừng rỡ vừa dáo dát nhìn quanh. Khung cảnh tuy lạ lẫm nhưng thuyền bè qua lại tấp nập. Văn Viễn lớn tiếng kêu cứu.
Một chiếc thuyền gần đấy thấy ông liền chèo đến mà gọi lớn:
- Vị huynh đệ kia sao lại ở giữa sông? Có phải bị nạn hay không?
Văn Viễn nhìn thấy là chiếc thuyền lớn ra dáng thương thuyền liền gọi đáp:
- Tại hạ không may bị rơi xuống đây. Xin cứu mạng!
Mấy tên phu thuyền nghe vậy liền ném một sợi dây xuống. Văn Viễn chộp lấy rồi bơi sát đến gần mạn trái. Cả bọn hì hục kéo ông lên thuyền. Văn Viễn thở phào nhẹ nhỏm liền cúi đầu khấu tạ. Mấy tên phu thuyền liền cười hà hà nói:
- Ông không cần cảm ơn bọn ta. Hãy tìm Đại Sỹ mà cảm tạ!
Văn Viễn ngơ ngác hỏi:
- Không biết vị Đại Sỹ gì đó mà các vị nói đến là ai?
Mấy tên phu thuyền liền đáp:
- Người này đã gieo một quẻ đoán được hôm nay bọn ta nhất định sẽ cứu mạng được một người. Có như vậy mới thuận buồm xuôi gió mà đến Hàng Châu. Xem chừng chuyến này bọn ta sẽ làm ăn rất được!
Văn Viễn ngạc nhiên:
- Vị Đại Sỹ kia thật sự thần thông đến vậy sao? Thuyền này xuôi về Hàng Châu? Có thể cho vãn sinh quá giang một đoạn!
Bọn phu thuyền cười đáp:
- Được được! Ông thành điềm may của bọn ta. Ông cứ tự nhiên. Đoạn hai ngày đường thuyền sẽ đến nơi!
Văn Viễn khấu tạ cả bọn rồi bước vào bên trong. Cả khoang thuyền rộng đều chứa đầy các thùng muối lớn. Rõ ràng thương thuyền này đem muối đến Hàn Châu mà đổi lấy tơ lụa. Một tên phu thuyền liền dẫn Văn Viễn tới một phòng nhỏ. Hắn lấy cho ông bộ y phục cũ. Văn Viễn cảm tạ rồi thay y phục. Ông nhìn cây trâm tóc màu đen của đại tiểu thư liền thương cảm người ngọc nằm khô héo dưới vực nước mắt chực trào ra đau xót. Ông nhớ tới lúc tưởng bỏ mạng trong hầm nước không hiểu từ đâu lại có lực đẩy giúp sức. Văn Viễn cho rằng đại tiểu thư đã phù hộ thì luôn miệng khấn tạ.
Văn Viễn nghĩ tới các vị tiểu thư Mai trang lại căm hận tột độ. Ông chỉ muốn chạy bay đến Vọng Nguyệt Lâu để hội ngộ bà bà thần tiên, Ác Hòa Thượng, Bạch Mi Bà Bà. Ông định bụng kể hết sự tình để họ quay về trả thù cho đại tiểu thư chết oan uổng. Văn Viễn thấy bản thân nghĩ đến chuyện chém giết thì trong lòng hoan hỷ tột độ. Ông liền thở dài ngao ngán:
-Ta… ta sao lại như thế này? Chỉ vừa mới rời Ứng Kê hai ba tháng đã nhiễm phải thói ham tranh đoạt hơn thua của bọn giang hồ rồi sao? Than ôi! Là ta vì thấy đại tiểu thư bỏ mạng oan ức muốn trả thù, hay lòng ta thật sự đã ham thích chuyện chém giết?
Văn Viễn càng suy nghĩ càng thấy rối loạn. Hình ảnh đại tiểu thư nằm sầu thảm trong rương Hồi Mộc Hoàn cứ ám ảnh. Văn Viễn bèn không nghĩ đến nữa, nhưng lòng lại thấy xót xa không lời nào tả xiết.