- Con mọt sách ngươi đem một bụng kinh thư bôn tẩu giang hồ, bà bà ta xem thử bao nhiêu lời Tử dạy có cứu được kiếp nạn của ngươi không?
Văn Viễn liền biết có hàm ý ẩn trong đó vội vòng tay cung kính nói:
- Xin bà bà chỉ giúp cho vãn bối một con đường để đi!
Bà bà lại cười thêm một tràng nữa rồi từ tốn:
- Ta có chỉ ra đường chưa chắc ngươi có thể đi được. Thiên hạ kẻ nào cũng đương ôm bá mộng, con mọt sách như ngươi bụng dạ thật thà sao có thể là đối thủ của bọn chúng. Con người ngươi nhìn ai cũng đều là quân tử trước sau gì cũng sẽ chuốc họa. Chi bằng ta tặng ngươi một món quà. Khi nguy cấp ngươi cứ đem ra sử dụng tất nhiên sẽ hiệu quả!
Bà bà áo đen cười xòa:
- Chỉ là giang hồ đồng đạo thuận miệng gọi thành ra cái danh đó!
Văn Viễn định hỏi thêm nhưng nhớ lại khuôn mặt khiếp đãm của bọn Phi Hồ Tứ Quỷ khi gặp bà bà tự dưng chột dạ nghĩ:
- Thần tiên bà bà hẳn uy danh ghê ghớm! Không biết bản sự thế nào nhưng xem ra có lá cờ này thì nguy nan tất nhiên sẽ được hóa giải không ít!
Văn Viễn cất kỹ vào trong người rồi vòng tay khấu tạ. Bà bà nọ lại biến mất chỉ còn vang vọng lại tiếng nói trong gió:
- Nếu không phải nguy cấp ngươi không được sử dụng Hắc Mai Kỳ bừa bãi. Bằng không họa lại càng thêm họa!
Văn Viễn đứng thất thần suy ngẫm:
- Phải chăng ân sư có dụng ý riêng nên mới bắt ta phải tự thân xuống Giang nam một chuyến? Bà bà hỏi ta thấy ân sư là người như thế nào, phải chăng ám chỉ nên đề phòng? Còn gã Hoàng Kỳ nọ, ta nghe cái tên thật sự rất quen nhưng lại không nhớ ra đã từng nghe ở đâu? Thật sự thân thế ta như thế nào đây? Là phúc thì không thể là họa. Đã là họa vị tất tránh được. Thôi thì tùy mệnh trời vậy!
Ông thở dài nhặt cây đàn gói ghém cẩn thận rồi leo lên Ô Phong Mã mà cười nói:
- Mã đại ca! Chỉ có huynh là khiến ta yên tâm. Nhưng oai phong thần mã như huynh vào tay văn nhân ta thì thật uổng phí!
Ông xoa bờm con hắc mã mấy lần rồi giật cương. Ô Phong Mã quay đầu thẳng tiến về Ngô Phong trấn.
Độ chừng chưa tàn quá hai lần hương, Văn Viễn nhận ra con lộ quen thuộc. Ô Phong Mã chạy qua miếu Quan Âm rồi lại đến ngay đoạn đường Văn Viễn bị hai tên Hắc Bạch Song Sát đời lấy mạng. Ông cau mày nhìn một khoản đất rộng còn đỏ lòm máu tanh. Mấy tên ăn mày vừa thu dọn tàn cuộc vừa khóc kể liên hồi thê lương vô cùng. Văn Viễn thấy mấy lão ăn mày bốn túi và hơn mấy chục tên mình đầy máu đang thoi thóp tịnh dưỡng ven đường liền sanh lòng từ tâm mà nghĩ:
- Bọn này tuy hàm hồ nhưng cũng đã bị nạn. Cái Bang thành lập hơn mấy trăm năm nào chỉ là phường tiểu nhân ô hợp. Ta có lẻ nên giúp bọn họ một tay!
Ông liền xuống ngựa chọn một tảng đá mà ngồi xuống lại đem đàn đặt lên đùi thong thả so dây. Bọn ăn mày chưa biết dụng ý của Văn Viễn liền bu lại quanh ông mà chỉ trỏ bàn tán. Văn Viễn mặc kệ cứ thản nhiên dạo đàn.
Tiếng đàn nhẹ nhàng như gió lùa qua tán lá, nghe như tiếng suối róc rách len lõi từng vách đá êm. Tiếng đàn chợt chùn xuống tựa hồ thu phẳng lặng lại vút cao thành cánh thiên ưng đang đảo gió dời mây. Lúc trầm lúc bổng, lúc ôn hòa lúc hối hả. Cả bọn ăn mày đang dưỡng thương bất giác không còn thấy đau đớn. Mấy lão ăn mày bốn túi hiểu ngay tác dụng của tiếng đàn vội vàng điều hòa kinh mạch, cứ theo tiết tấu cầm khúc mà dẫn công điều thương. Chừng nửa canh giờ, các vết thương lớn nhỏ trên thân thể họ đều không còn ra máu. Kẻ nào mười phần cũng đã đỡ đi ba bốn. Văn Viễn nhìn bọn họ mà mừng thầm trong bụng:
- Thì ra khúc cầm này có tác dụng trị thương. Cầm phổ không gạt ta! Thật sự là khúc nhạc diệu kỳ!
Mấy lão ăn mày liền vội vàng đến khấu tạ Văn Viễn:
- Đa tạ đại hiệp đã ra tay giúp đỡ! Tiếng đàn thật chẳng khác thuốc thần!
Lão ăn mày đá Văn Viễn một cước ở miếu Quan Âm cũng chấp tay tạ tội:
- Lão khiếu hóa ta đem dạ tiểu nhân đo lòng quân tử. Nay huynh đài không màng hiềm khích cũ mà ra tay giúp đỡ. Cái Bang phân đà Hàng Châu vô cùng cảm kích!
Văn Viễn vội cất đàn rồi hành lễ:
- Chỉ là chút tài mọn không dám nhận đại lể các vị trưởng bối! Xấu hổ! Xấu hổ!
Ông lại lấy trong người ra một lọ nhỏ mà đưa cho mấy lão ăn mày:
- Tại hạ y thuật có chút am hiểu, đã điều chế ra loại thuốc chuyên trị nội thương. Mong sẽ giúp các vị được ít nhiều!
Mấy lão ăn mày nhận lấy rồi chia cho các tên ăn mày bị thương nặng đang nửa mê nửa tỉnh. Bọn chúng uống vào trong chốc lát sắc mặt hồng hào trở lại, hơi thở cũng đều đặn không còn khó nhọc như trước. Mấy lão ăn mày lại thi nhau vái tạ Văn Viễn không nguôi. Ông thấy bọn họ tính tình hào sảng tự nhiên bao nhiêu điều nghi kỵ trong lòng đều tan biến. Một lão ăn mày hỏi:
- Không biết công tử tên gọi là gì để bọn lão hữu biết ?
Văn Viễn định xưng danh nhưng sực nhớ cái tên của mình đã gây ra nhiều rắc rối liền nói:
- Chỉ chút việc mọn đâu dám để danh tánh! Tại hạ có chút việc riêng không dám làm phiền các vị!
Mấy lão ăn mày nghe vậy cho rằng Văn Viễn đáng mặt quân tử, ra tay nghĩa hiệp không cầu báo đáp. Cả bọn lại cảm kích mà vái tạ. Một lão ăn mày đưa cho ông túi gấm nhỏ:
- Công tử thật lòng dạ đại lượng. Xin công tử nhận vật này! Chỉ cần gặp chuyện gì bất trắc, xin công tử cứ đến các phân đà Cái Bang mà đưa tín vật. Huynh đệ Cái Bang dù chết cũng sẽ giúp công tử!
Văn Viễn từ chối mấy lần nhưng thấy các lão ăn mày đều nài nĩ hết mình bèn nhận lấy. Ông khấu tạ họ rồi lên ngựa thẳng về trấn Ngô Phong. Văn Viễn cất túi gấm vào người,cười nói:
- Thánh nhân dạy không sai! Nạn lớn không chết tất gặp hậu phước. Ta tưởng đã mất mạng không ngờ được Thái phu nhân nhà họ Phương tặng ngựa tốt cùng kim bài để thoải mái ăn uống dọc đường. Quan Âm bà bà lại tặng thêm một lá Hắc Kỳ hộ thân. Nay tự dưng thành thượng khách của Cái Bang. Một nạn hóa thành ba hỷ sự. Tái Ông Thất Mã, thật đúng là Tái Ông Thất Mã!
Văn Viễn hứng chí đọc liền một bài từ:
Ba đào sóng trước dội sóng sau
Hồ đồ chìm đắm giữa bể dâu
Vó ngựa phiêu bồng cùng mây nước
Trời xanh cánh nhạn lượn sát đầu
Ông đang cao hứng thi phú thì nghe tiếng niệm kinh theo gió thoảng thoảng bên tai. Văn Viễn liền kìm cương cho Ô Phong Mã phi nước kiệu. Ông nhận ra là Từ Bi Kinh của nhà phật. Hiếu kỳ, Văn Viễn thúc ngựa đi theo tiếng tụng niệm thì tới một miếu nhỏ thờ thổ thần. Ông ngửi trong gió nhận ra rất nhiều mùi khác nhau đoán chừng có một tốp người đang tụ tập bên trong. Văn Viễn lấy làm lạ tự hỏi:
- Miếu hoang này sao lại có nhiều người đến mà nghe giảng kinh phật? Thật sự quái gở!
Ông liền xuống ngựa bước vào. Ngôi miếu thổ thần bên ngoài nhìn chật hẹp nhưng bên trong lại có một khoản sân rộng trước gian thờ chính. Hơn ba mươi người kẻ đứng kẻ ngồi đang xì xào bàn tán. Văn Viễn thấy bọn họ ai ai nét mặt cũng hân hoan thì đoán thầm không phải chuyện xấu. Ông nghe ngóng một hồi lờ mờ hiểu, bọn này đang đợi người nào đó xem chừng rất có vai vế.
Cả đám người lao nhao bàn luận ồn ào nhưng tiếng niệm kinh vẫn nghe rõ mồn một. Văn Viễn liền len lõi vào gian thờ chính. Chỉ thấy một vị sư già ốm tong teo như tre đang vừa quét dọn bụi bặm vừa không ngừng lẫm nhẫm đọc Từ Bi Kinh. Văn Viễn hiểu vị sư già đang có ý trách bọn người ô hợp bên ngoài làm loạn nơi tôn nghiêm. Văn Viễn nhìn kỹ lại thì cả kinh. Hóa ra cứ một nét chổi đưa, vị hòa thượng đã viết một dòng thư pháp. Văn Viễn ở Cối Kê cũng được liệt vào hàng tài danh thi phú nhưng cũng phải không ngừng tấm tắc khen:
- Thư pháp tuyệt diệu! Thư pháp tuyệt diệu!
Vị sư già nhận ra có người đang đứng ngắm nhìn nhưng vẫn thản nhiên như không hay. Ông ta dùng một cây chổi lông lớn quét bụi bám trên thân tượng thờ. Miếu hoang lâu năm nên bụi dày đến mấy lớp. Trong chớp mắt, gian thờ chính đã mịt mù bụi bay. Văn Viễn ho sù sụ mấy lần nhưng vẫn căng mắt nhìn. Mỗi nhát chổi lông quét bụi như thư họa vào khoảng không. Cả đời Văn Viễn chưa bao giờ thấy được thư pháp kỳ lạ như vậy nên tự nhiên buột miệng đọc theo:
Tượng vàng tượng đất
Thích Ca đều cười
Miếu hoang điện ngọc
Cũng là chùa thôi
Ra là vị sư già đang thảo một bài kệ. Cây chổi lông trong tay ông ta quét qua lớp bụi rơi xuống tạo ra những nét chữ thoát tục đến siêu phàm. Văn Viễn đọc xong bài kệ khen nức nở:
- Thư pháp tuyệt diệu! Thơ lại thanh cao! Vãn bối vô cùng bội phục!
Ông nhìn nhà sư vẫn điềm nhiên quét bụi liền giật mình nghĩ:
- Không xong! Vị hòa thượng đang có ý trách người mộ đạo sao lại phân biệt tượng vàng tượng đất, miếu nhỏ với chùa lớn. Tượng nào cũng là tượng Phật, nơi nào lại chẳng là nơi thờ phụng Phật ? Chẳng phải đang trách bọn người ồn ào ngoài kia sao ? Ta nhất định không thể để hòa thượng này xếp ta ngang hàng với hạng vô tâm được!
Văn Viễn vội vàng xắn tay áo mà lấy một cây chổi to bên hông cửa quét dọn sàn. Một người quét bụi xuống. Một người quét bụi đi. Chừng nửa tuần trà gian điện thờ đã sạch sẽ. Vị sư già thắp một lượt hương trầm khắp nơi rồi nhìn Văn Viễn y phục cáu bẩn đang thành tâm khấn lạy, cười nói:
- Thiên hạ hiếm kẻ có lòng! Khả kính! A di đà phật!
Văn Viễn chấp tay hành lễ đáp:
- Vãn bối chỉ bỏ chút sức mọn phụ đại sư! Nào dám nói đến lòng thành! Không biết pháp hiệu đại sư là gì ?
Vị sư già đáp:
- Bần tăng không phải đại sư nên không có pháp hiệu. Sư phụ điểm hóa ngày trước chỉ gọi một cái tên là Huyền Không!
Văn Viễn từng được Vô Sách Đại Sư nói về các bậc tu hành. Thiếu Lâm Tự chia ra hai dạng tăng tu đạo. Một dạng chuyên tu ở chùa. Một dạng lại đi khắp nơi mà phát dương phật pháp gọi là Hành Giả. Pháp danh chư tăng cũng chia ra năm thứ tự là Nhất, Phương, Ngã, Vô, Huyền. Văn Viễn nghe vị sư già xưng hiệu là Huyền Không thì biết rằng ông ta là cao tăng của giới Hành Giả. Văn Viễn liền cung kính:
- Thì ra là Huyền Không đại sư! Vãn bối thật thất kính! Không biết những người kia sao lại tụ tập bên ngoài làm náo loạn nơi này?
Huyền Không Đại Sư từ tốn nói:
- Bọn họ đang chờ Sa tiểu thư!
Văn Viễn liền thuận miệng nói:
- Vị tiểu thư này hẳn vai vế rất cao mới khiến nhiều người chờ đợi như vậy.
Huyền Không nhìn Văn Viễn chăm chú từ đầu đến chân. Bất chợt, nhà sư vung tay đánh một chưởng ngay ngực ông. Văn Viễn hoảng sợ kêu thất thanh. Nhà sư lấy làm lạ. Chưởng vừa đến ngực Văn Viễn kình lực liền bị thu hồi lại bảy tám phần. Tuy vậy, Văn Viễn vẫn trúng chưởng ngã ngửa xuống sàn nhăn mặt đau đớn. May mà nhà sư kịp thời nương tay, bằng không, ông khó lòng sống nổi.
Nhà sư Huyền Không vội vàng dìu Văn Viễn đứng dậy:
- Hóa ra thí chủ không phải là kẻ luyện võ. Bần tăng thất kính! Tội lỗi! Tội lỗi! Thí chủ thật giống một người! Giống như tạc!
Văn Viễn biết lại thêm một kẻ nhận lầm ông là Cầm Điệp Cuồng Sinh nên chỉ thở dài ảo não,nói:
- Vãn bối thật sự là xui xẻo!
Vị sư già nói:
- Ý trời đã định! Xem ra thí chủ lần này phải hóa giải nghiệp ác cho người! Tội lỗi! Tiếc thay…
Văn Viễn nghe Huyền Không Đại Sư bỏ lửng câu nói cứ lắc đầu liên tục, liền hỏi:
- Không biết đại sư nuối tiếc điều gì ?
Vị sư già cười mỉm:
- Là nghiệp của thí chủ! Cũng là duyên của thí chủ! Về sau tự nhiên thí chủ sẽ hiểu được! Kẻ này tác nghiệp chuốc oán với người nhiều e kiếp nạn thí chủ gặp phải sẽ không ít! Thiện tai! Thiện tai!
Văn Viễn đã được bà bà thần tiên nói rõ nên ông nghe Huyền Không Đại Sư nhắc nhở cũng không lấy làm lạ:
- Số vãn bối có lẻ đã được định phải khổ nạn! Đa tạ đại sư quan tâm! Nhưng Sa tiểu thư là người như thế nào mà lại có những kẻ kia chờ đợi như vậy ?
Vị sư già đáp:
- Thí chủ không phải là kẻ luyện võ nên tất không rõ về Sa tiểu thư! Người này nổi tiếng là am hiểu tất cả võ học trong thiên hạ! Được nàng ta chỉ điểm còn hơn khổ luyện mấy chục năm ròng! Thử hỏi kẻ tập võ nào không muốn mau chóng thăng tiến đến cảnh giới thiên hạ vô địch! Thành ra Sa tiểu thư rất được giang hồ hai phe hắc bạch của võ lâm trọng vọng!
Văn Viễn ngạc nhiên:
- Làm thế nào mà một vị tiểu thư lại nắm được tất cả võ học trong thiên hạ? Thật sự vãn bối không tin được!
Huyền Không đại sư diễn giải:
- Tổ phụ Sa tiểu thư là người chuyên sưu tầm các tích lạ trên giang hồ rồi ghi chép tỉ mỉ thành các bộ sách phân chia lợi hại! Tất nhiên các môn võ công thượng thừa cũng được biên soạn kỹ lưỡng! Lúc thì dùng thế lực, lúc lại không ngừng bỏ ra tiền bạc mua chuộc! Thành ra võ học thiên hạ nhà họ Sa nắm giữ trong tay hầu như đến ba phần! Sa tiểu thư từ nhỏ đã am tường chữ nghĩa! Kiến văn lại thâm sâu hơn người thường, nên đến năm hai mươi tuổi, Sa tiểu thư đã có thể thông thuộc hết yếu nhược các môn võ bang phái Trung Nguyên!
Văn Viễn hiểu bọn người kia chính là đang trông chờ sự chỉ điểm của tiểu thư họ Sa nên kẻ nào kẻ nấy mặt mũi cũng vô cùng hớn hở. Ông thầm nghĩ:
- Nếu tiểu thư này tinh thông võ học các nhà thì tất nhiên sẽ am hiểu được điều quái lạ trong bộ cầm phổ mà ta đang giữ! Chi bằng ta nhân cơ hội này mà hỏi cho rõ ràng thật hư! Lại cái gã Cầm Điệp Cuồng Sinh, ta cũng phải hỏi cặn kẻ! Dẫu có chết cũng không làm con ma hồ đồ!
Bọn người tụ tập bên ngoài bỗng nhao nhao lên:
- Tới rồi! Tới rồi!
Chỉ thấy một cổ xe sáu ngựa kéo trang trí vô cùng sa hoa chạy thẳng vào sân. Tên mã tài vội vàng kìm ngựa nhảy xuống. Y nhanh chóng đặt một thùng gỗ lớn trước mặt mà dõng dạc:
- Sa tiểu thư đã nhận lời các vị. Chiếu theo lệ cũ, một câu hỏi là ngàn lạng vàng. Một câu chỉ điểm là năm ngàn lạng. Kẻ nào muốn hỏi cứ theo đó mà dâng lễ!
Văn Viễn nghe y nói xong liền kêu trời trong bụng:
- Thôi rồi! Ta làm gì có đủ vàng mà dâng lễ. Vị tiểu thư này thật biết làm ăn!
Bọn người tụ tập quanh không ai bảo ai liền đem vàng bạc ra bỏ vào thùng. Đầu tiên là một thanh niên tuổi chừng hai mươi chín. Hắn hướng về cổ xe ngựa vái lạy rồi hỏi:
- Tại hạ Trịnh Thiên Hải phái Tung Sơn, xin được tiểu thư chỉ dạy về kiếm!
Trong xe vang ra giọng nói nhu mì:
- Không biết Trịnh công tử muốn hỏi về Tung Sơn Thất Thập Lục hay Tung Sơn Hỏa Phong Bát ?
Trịnh Thiên Hải nghe vậy giật mình mà nói:
- Tại hạ nhập môn chưa tới hai mươi năm nên không dám với cao hỏi Tung Sơn Hỏa Phong Bát, chỉ là đã luyện Tung Sơn Thất Thập Lục mười tám năm ròng nhưng vẫn không vượt qua chiêu thứ năm mươi. Xin tiểu thư chỉ điểm đôi chút!
Trịnh Thiên Hải bỏ ra một lượng vàng lớn trong bụng không khỏi tiếc rẻ. Y hỏi Sa tiểu thư chỉ điểm kiếm pháp nhưng lại chẳng nói là kiếm pháp nào. Mỗi bang mỗi phái dùng kiếm thường có bí truyền riêng, huống hồ gì phái Tung Sơn đã lập hơn trăm năm, kiếm pháp của họ thì muôn trùng vạn nẻo. Trịnh Thiên Hải xưng danh môn vốn để xem thử kiến thức của Sa tiểu thư đến đâu, chẳng ngờ nàng ta mở miệng đã nói ngay hai bộ kiếm pháp thượng thừa. Tung Sơn Thất Thập Lục cùng Tung Sơn Hỏa Phong Bát là tuyệt học trấn phái chỉ truyền cho đệ tử đã nhập môn lâu năm. Sa tiểu thư tuy ngồi trong xe nhưng nghe hô hấp của Trịnh Thiên Hải thì đoán thầm y tu luyện không dưới hai mươi năm ròng. Nàng theo đó biểu lộ một chút hiểu biết đã làm họ Trịnh không còn dám để bụng nghi ngờ.
Thông thường nhập môn chỉ tính là một hai năm, chẳng ai lại tính đến gần hai mươi năm như Trịnh Thiên Hải. Y nói vậy có phần kiêng cưỡng chính là để tự hạ thấp mình trước Sa tiểu thư, cũng là một phần tạ tội với nàng vì đã mạo phạm. Sa tiểu thư nghe vậy rất ưng bụng. Nàng ở trong xe lại nói vọng ra:
- Trịnh công tử có phải thấy hai huyệt Nhai Phạm và Tiêu Thương trên vai trái luôn đau nhói ?
Trịnh Thiên Hải tái mặt:
- Sa tiểu thư thật sự bất phàm! Năm năm nay hai huyệt này cứ đau liên tục mỗi khi tại hạ luyện kiếm! Xin tiểu thư giúp đỡ!
Trong xe vang ra tiếng cười khanh khách như họa mi khiến người nghe dù biết có phần chế giễu nhưng lại không phật lòng:
- Do Trịnh công tử vội vàng tu luyện nên đã tự gây tổn hại cho mình. Nếu cứ luyện theo kiểu của công tử chừng năm nữa sẽ không thể nào cầm được kiếm. Ta chỉ cho công tử một khẩu quyết luyện công!
Tên tài mã vội vàng chạy đến bên rèm cửa xe nhận lấy một mẫu giấy. Văn Viễn đứng trên thềm cao nên kịp thấy bàn tay trắng muốt liền chắc rằng tiểu thư này cũng vào hàng khuynh nước khuynh thành. Trịnh Thiên Hải cầm lấy mảnh giấy ghi khẩu quyết theo đó mà thử vận công dẫn khí. Y bất thần xuất một chiêu kiếm liền thấy hai huyệt Nhai Phạm và Tiêu Thương đã đỡ đau mấy phần. Y hớn hở vái tạ không thôi. Sa tiểu thư nói:
- Trịnh công tử cứ theo khẩu quyết này mà luyện trong vòng một năm tự nhiên kiếm pháp sẽ tiến triển!
Trịnh Thiên Hải vái tạ lần nữa rồi đi vội không thèm chào từ biệt bạn hữu. Một kẻ đứng tiếp sau liền đem vàng bỏ vào thùng gỗ rồi nói:
- Tại hạ Đỗ Thành, phái Côn Lôn muốn hỏi về Côn Lôn Thần Chưởng!
Sa tiểu thư từ trong xe lại cười một tràng dài đáp:
- Côn Lôn Quỷ Thức, ta có nghe! Côn Lôn Thập Bát Đạo, ta cũng có nghe! Côn Lôn Khoái Đao, ta cũng có nghe! Riêng Côn Lôn Thần Chưởng gì gì đó ta chưa nghe bao giờ! Đỗ công tử nhớ nhầm chăng ? Không biết Đỗ công tử muốn hỏi có phải là bộ chưởng pháp độc môn Côn Lôn Quỷ Tán Chưởng ?
Đỗ Thành nghe vậy liền đỏ mặt xấu hổ. Bọn người tụ tập xung quanh biết gã họ Đỗ nói Thần Chưởng cho đỡ ngượng miệng nên hùa theo cười nhạo loạn xạ. Đỗ Thành sượng sùng đáp:
- Chính là bộ chưởng pháp tiểu thư vừa nói! Tại hạ luyện mãi nhưng vẫn không có tiến triển. Độc công ngày càng ngấm sâu vào cơ thể! Xin tiểu thư chỉ giáo!
Gã họ Đỗ nói rồi vận công, bàn tay trái của gã chợt đen sạm. Mùi xú ếu nồng nặc. Tiếng Sa tiểu thư từ trong xe lại vang ra:
- Cho hỏi Đỗ công tử là đệ tử thứ mấy của Độc Ông Thiên Phạt ?
Gã họ Đỗ ngập ngừng:
- Tại hạ là đệ tử thứ hai của Thiên Phạt Lão Ông!
Sa tiểu thư cười giễu cợt:
- Theo ta biết Độc Ông Thiên Phạt không hề nhận đệ tử. Ngoài một cô cháu gái Tiểu Nha Đầu ra, ta chưa hề nghe Độc Ông có truyền võ công cho ai. Đỗ công tử xem ra tâm tư trí trá, lời không thật lòng. Ta không giúp được rồi!
Gã Đỗ Thành vốn là học trộm tuyệt kỹ của Độc Ông. Hắn tự mình mày mò tập luyện nào ngờ đi sai đường lối, vô tình để độc nhập thân. Côn Lôn Quỷ Tán Chưởng là chưởng pháp tối độc bậc nhất thiên hạ. Kẻ muốn luyện tập trước hết phải sưu tầm các loại thảo dược côn trùng độc bào chế thành một loại biệt dược. Sau đó cứ mỗi lần luyện công thì dùng chất này bôi vào lòng bàn tay để mau thành độc chưởng. Tuy nhiên, gã họ Đỗ lại nôn nóng tập luyện lại vừa sai cách thức. Độc tính quay sang ngấm sâu vào cơ thể. Mỗi lần vận công là gã đau nhức hai tay đến ngỡ như bị ngàn vạn nhát dao tùng xẻo.
Đỗ Thành nghe Sa tiểu thư nói vậy mồ hôi lấm tấm trán. Gã không thể trước mặt nhiều người mà thừa nhận mình học lóm. Nhưng nếu chậm trể điều trị e độc sẽ bộc phát mạnh hơn trước sau gì cũng xông tim mà mất mạng, gã hoảng sợ nói:
- Tại hạ luyện công sai quy cách mong Sa tiểu thư chỉ dẫn!
Sa tiểu thư từ trong xe từ tốn nói:
- Quy tắc của Sa gia, không chỉ điểm cho những kẻ học trộm võ công người khác. Hạng vô sỉ như vậy, ta không có hứng tiếp đón!
Gã họ Đỗ chưa kịp phản ứng gì thì đã bị tên mã tài túm lấy mà đá một cước. Gã chỉ kịp kêu oái oái thì đã bị văng ra khỏi đền thờ thổ thần. Văn Viễn tròn xoe mắt kinh ngạc nhìn gã mã tài. Gã này tay chân cục mịch có phần chậm chạp nhưng xuất thủ lại nhanh như chớp. Ông chợt hiểu ra mà à một tiếng. Gã này vừa làm mã tài tất nhiên kiêm luôn hộ vệ cho tiểu thư nọ. Chủ nhân võ học uyên bác thì nô bộc tài giỏi hơn người là lẻ thường.
Gã mã tài lại dõng dạc nói:
- Các ngươi nhìn tên vô lại vừa rồi mà làm gương! Kẻ nào mang tâm dạ bất chính mà đi hỏi tiểu thư nhà ta đều bị như vậy!
Bọn người tụ tập sợ hãi không dám bàn tán. Văn Viễn nhìn thấy phân nửa vội vã chuồn ra phía sau rồi đi mất. Sân miếu còn không quá hai mươi người nán lại.
Một trung niên khác tuổi chừng hơn ba mươi bước lên nói:
- Tại hạ họ Phàm tên Cô Phù muốn thỉnh giáo với tiểu thư về đao pháp!
Phàm Cô Phù đem hơn sáu ngàn lượng vàng bỏ vào trong thùng gỗ. Tên này bỏ ra một số kim ngân lớn mà mắt không hề chớp chắc hẳn thường ngày phóng tay rất thoáng đạt.
Sa tiểu thư ngồi trong xe ngựa liền cất tiếng hỏi:
- Không biết Phàm công tử muốn hỏi bộ đao pháp nào ?
Phàm Cô Phù cười nhạt rồi rút một thanh khoái đao trong người ra múa liền sáu chiêu liên hoàn. Đao ảnh ngợp trời, chiêu trước nối chiêu sau không một khe hở. Bọn người giang hồ lập tức trầm trồ tán thưởng không ngớt.
Sa tiểu thư vẫn điềm nhiên nói:
- Thì ra là cao đồ của Bá Đao Trang. Thất lễ! Phàm công tử phải chăng là người đứng đầu trong Bá Đao Tam Tuyệt ngoại hiệu Truy Phong Đao?
Phàm Cô Phù gật đầu:
- Tiểu thư kỳ thực kiến văn uyên bác. Tại hạ bội phục. Truy Phong Đao chính là tại hạ!
Có mấy kẻ ở mạn Bắc đang cùng bọn người tụ tập xung quanh nghe danh Truy Phong Đao liền giật thót. Bá Đao Trang lừng lẫy thiên hạ về thuật dùng đao. Mấy năm nay, bọn họ lại xuất được Bá Đao Tam Tuyệt tung hoành ngang dọc thiên hạ không mấy người địch nổi. Phàm Cô Phù đứng đầu Tam Tuyệt tất nhiên thuật dùng đao của hắn càng tinh diệu. Nay phải đi cầu cạnh Sa tiểu thư khiến người xem càng hiếu kỳ.
Phàm Cô Phù hỏi:
- Không biết trong thiên hạ có được bao nhiêu cao thủ dùng đao?
Sa tiểu thư nói:
- Thành danh về Đao thì nhiều vô số kể, không biết công tử muốn hỏi cao thủ dạng nào?
Phàm Cô Phù ưỡng ngực đáp:
- Ta muốn hỏi những kẻ thắng được Truy Phong Đao ta đây!
Sa tiểu thư bật cười khanh khách:
- Vậy thì không đếm xuể!
Phàm Cô Phù nghe tiểu thư họ Sa đối đáp liền hiểu hàm ý chê đao pháp của mình thấp kém. Y sa sầm nét mặt đanh giọng:
- Phải chăng tiểu thư chê Phàm mỗ Đao Pháp thô sơ?
Sa tiểu thư thản nhiên đáp:
- Đao pháp của công tử có chút thành tựu nhưng nếu đem so với cao thủ dùng đao phương Nam còn thấp vài bậc!
Phàm Cô Phù bừng bừng lửa giận:
- Là cao thủ dùng đao phương Nam nào?
Sa tiểu thư thủng thẳng hỏi:
- Phàm công tử so mình với Khoái Đao Dương Hổ, Quỷ Đao Bạch Từ Chi, Thiên Phong Đao Dư Vũ thì thế nào?
Phàm Cô Phù nghe tiểu thư họ Sa nhắc toàn cao thủ dùng Đao lừng danh liền ngập ngừng rồi nói:
- Chưa có dịp lãnh giáo nên không dám quả quyết nhưng ba gã kia chưa chắc đánh bại được ta!
Sa tiểu thư nói:
- Không sai! Phàm công tử so đao với Dương Hổ, Bạch Từ Chi hay Dư Vũ đều coi là kẻ tám lạng người nửa cân bất phân thắng bại! Nhưng nếu cả ba người hợp công, Phàm công tử ước lượng thắng được mấy phần?
Phàm Cô Phù đắn đo nghĩ ngợi rồi đáp:
- Ba kẻ đó liên thủ ta chỉ nắm được ba bốn phần thắng!
Sa tiểu thư cười hỏii:
- Vậy ta đem công tử so với kẻ đánh bại cả ba cao thủ thành danh về đao kia mà nói kém một phần có hợp lý chăng?
Phàm Cô Phù giật mình hỏi dồn:
- Kẻ nào thắng được ba tên đó? Mong tiểu thư chỉ dẫn!
Sa tiểu thư ung dung đáp:
- Ngoại thành Dương Châu cách đây năm năm, Dương Hổ, Bạch Từ Chi, Dư Vũ cùng chết thảm khi truy sát một kẻ cũng dùng đao. Cả ba người liên thủ vẫn chỉ đỡ không quá năm chiêu. Ta cho rằng người này mới đích thị là cao thủ hạng nhất về dùng Đao!
Bọn người tụ tập cùng Phàm Cô Phù nghe đều la hoảng trong bụng. Khoái Đao Dương Hổ, trại chủ Hổ Uy Sơn nổi danh về việc dùng đao nhanh như chớp mắt. Quỷ Đao Bạch Từ Chi ngang dọc Tây Nam chưa có người địch nổi ba chiêu. Thiên Phong Đao Dư Vũ ra đao như gió cuốn. Ba kẻ này đều được liệt vào hạng nhất nhì về đao thuật trong võ lâm. Nhưng cả ba tên liên thủ lại đỡ không nổi năm chiêu dẫn đến chết thảm thì kẻ đánh bại họ đao pháp còn tinh diệu mấy phần. Phàm Cô Phù gắt hỏi:
- Là kẻ nào?
Sa tiểu thư đáp:
- Đệ tử phái Hoa Sơn, đứng thứ ba trong Hoa Sơn Thất Hiệp có tên gọi Bách Tửu Độc Hành Tiêu Hàn!
Phàm Cô Phù nghe cái tên Tiêu Hàn liền cười vang:
- Ta còn tưởng cao nhân nào, chỉ là con chuột trốn chui trốn nhủi phái Hoa Sơn. Mấy chiêu kiếm không ra kiếm, đao không ra đao của hắn lại được Sa tiểu thư ca tụng mà sánh hơn Phàm mỗ thật sự không khác con nít lên ba đang đấu láo!
Cách đây vài năm Phàm Cô Phù đã cùng cao thủ hai phái Võ Đang, Nga Mi phục sát Tiêu Hàn. Họ Phàm cũng đã giao thủ qua nên tự thị gã Tiêu Hàn chỉ được cái hư danh. Hơn nữa phái Hoa Sơn từ lâu đều nổi danh về kiếm thuật. Sa tiểu thư lại nói môn đồ của họ giỏi dùng đao không khỏi làm người nghe phì cười nghi hoặc.
Giọng Sa tiểu thư vẫn điềm nhiên:
- Cách đây năm năm phải chăng Phàm công tử đã từng có dịp giao thủ với Tiêu Hàn ?
- Không sai! – Phàm Cô Phù thừa nhận – Ta cùng Võ Đang Thập Khách, Nga Mi Tứ Tuyệt vây hắn hơn một ngày trời. Hắn toàn thân đầy thương tích. Bọn ta cứ ngỡ đã là cá trong chậu chim trong lồng. Không ngờ hắn dùng xảo kế mà thoát được. Kẻ vô dụng như vậy sao đáng so đao thuật với Phàm mỗ ta!
Văn Viễn từ đầu đã không ưa thái độ kiêu thị của Phàm Cô Phù. Giờ lại thấy họ Phàm một hai đều dìm kẻ khác xuống đáy tự đưa mình lên cao, không kìm được liền nói chen vào:
- Không phải! Không phải! Lời nói đã sai rồi!
Cả bọn người đứng trên sân miếu thổ thần đều quay đầu lại nhìn. Văn Viễn hơi giật mình nhưng vẫn nói:
- Tại hạ không biết đao pháp Phàm huynh như thế nào nhưng lời lẻ Phàm huynh đã có phần không đúng!
Phàm Cô Phù nhìn Văn Viễn rõ ràng chỉ là một văn nhân nên khinh khỉnh hỏi lại:
- Không biết Phàm mỗ đã nói sai chổ nào?
Văn Viễn liền đáp:
- Phàm huynh lời nào cũng chê người họ Tiêu là vô dụng, nhưng Phàm huynh đã nói cùng nhiều cao thủ vây đánh, nếu họ Tiêu thật sự vô dụng sao nhiều người cùng nhau đánh cả ngày cũng không hạ được?
Phàm Cô Phù nghe vậy cũng sựng người lại không biết làm sao đối đáp. Bọn người tụ tập quanh đó liền xì xào bàn tán:
- Rất có lý, bao nhiêu cao thủ vẫn không đánh bại được Tiêu Hàn. Gã này tất nhiên cũng có bản sự!
Thật lòng, Văn Viễn không hề muốn bênh vực cho người có cái tên Tiêu Hàn. Nhưng ông thấy họ Phàm cứ vênh vênh tự đắc lòng sanh bất nhã mà hạ bớt ngạo khí của hắn. Sa tiểu thư ngồi trong xe nghe xong bật cười khanh khách:
- Vị văn nhân kia nói không sai. Tiêu Hàn thật sự thân ẩn tuyệt học. Y bình sinh rất ít dùng đao. Kẻ thấy y dùng đao lại không được toàn mạng mà kể lại. Giang hồ ít biết về đao thuật của y cũng là chuyện thường! Không biết Phàm công tử đã nghe qua cái danh Đoạt Mệnh Đao?
Phàm Cô Phù như nghe phải tiếng sấm dội trời quang. Phàm Cô Phù lắp bắp:
- Sa tiểu thư vừa hỏi phải chăng Ẩn Khách Đoạt Mệnh Đao?
Sa tiểu thư đáp:
- Thiên hạ vị tất có hai Đoạt Mệnh Đao. Núi Trường Bạch đánh bại Thập Bát Thiên Hồ, ải Ngọa Long một mình chém sáu tướng Tây Hạ. Hình như Bá Đao Trang của Phàm công tử từng được Đoạt Mệnh Đao thăm viếng!
Giọng nói Sa tiểu thư nửa phần trần thuật nửa phần chế giễu nhưng Phàm Cô Phù không còn tâm trí để bụng. Vết thương bên vai trái họ Phàm tự nhiên giật giật mấy cái đau nhói.
Vốn cách đây mấy năm, Phàm Cô Phù cùng Thiếu Trang Chủ Bá Đao Trang Ôn Vân Bách truy lùng dấu vết Thập Bát Thiên Hồ. Khi lần đến núi Trường Bạch thì chỉ kịp thấy mười tám thi thể còn đỏ máu tươi. Mười tám tên yêu ma đã bị người khác giết sạch. Trên người bọn chúng có cùng một vết thương giống nhau, tất nhiên, kẻ ra tay chỉ một chiêu là đoạn mạng. Ôn Vân Bách cả đời luyện đao nên chỉ cần nhìn vết thương là biết người ra tay cũng là cao thủ nhất nhì về đao pháp. Song họ Ôn vẫn không nhận ra được môn phái xuất thân của người này.
Sau, Bá Đao Trang lại nghe tin Tây Hạ xua quân lấn ải liền vội vàng huy động nhân mã xuất hành. Nào ngờ đến ải Ngọa Long thì thấy mấy vạn hùng binh Tây Hạ đều bỏ chạy tán loạn. Hóa ra sáu đại tướng quân Tây Hạ chỉ còn là cái xác không đầu vắt vẻo trên mình ngựa. Phàm Cô Phù lúc đó kịp thấy một gã thân cao dong dỏng, đầu đội nón tre rộng vành đang cầm sáu chiếc đầu người mà tung hoành giữa loạn quân. Đại Tống không mất một mũi tên nào lại đẩy lui kỵ binh hùng mạnh Tây Hạ tránh được họa binh đao công đầu tất nhiên thuộc về gã nọ. Ôn Vân Bách nhìn thấy đao pháp của gã đã không thôi ngớt miệng khen vội vàng thốc nhân mã dọn tàn cuộc. Quân Tây Hạ bị đẩy lùi, Ôn thiếu trang chủ Bá Đao Trang liền nài gã kia một cái hẹn tỷ thí. Đôi bên định ước mười lăm tháng đó hội ngộ tại Nhạn Hương Lầu.
Thật sự, Ôn Vân Bách vốn chú ý đến bảo đao của gã kia muốn đoạt làm của riêng. Hội ngộ tại Nhạn Hương Lầu tỷ võ lại đem bảo đao ra làm điều kiện đánh cược. Ngờ đâu Ôn Vân Bách kỳ thực không đỡ nỗi quá năm chiêu của gã, cả ba hiệp đều thua sạch sẽ. Họ Ôn liền sắp đặt kế hiểm cho người theo dõi trộm đi bảo đao. Kế sự không thành, gã kia phát hiện đùng đùng nổi cơn thịnh nộ mà thân hành đến Bá Đao Trang hỏi chuyện.
Ôn Vân Bách cậy thế hàm hồ. Gã kia không nhịn được mới một đao chém chết thiếu trang chủ Bá Đao Trang. Chính Phàm Cô Phù cũng đã bị nhát đao kia sợt qua người để lại vết thương dài trên vai trái. Trang chủ Ôn Thiếu Thiên xót con dùng đơn đao đấu một trận sống chết. Ôn Thiếu Thiên vang danh Bắc Hiệp Bá Đao nào ngờ không làm gì được. Bá Đao Trang người chết như rạ trong khi gã kia càng đấu lại càng thắng thế. Ôn Thiếu Thiên rốt cuộc cũng bị bại dưới đao đối thủ. Họ Ôn vừa mất con lại mất luôn danh tiếng bao năm gầy dựng, hận không nuốt trôi nổi. Nhưng hận nhất vẫn là bộ đao pháp mà gã giấu mặt dùng, kỳ thực là kiếm pháp song thật sự lại là đao. Ôn Thiếu Thiên hỏi, gã đáp là Đoạt Mệnh Đao. Họ Ôn sau đó bỏ hết tâm huyết để nghĩ ra cách khắc chế nhưng không thành, ôm hận chết đi. Phàm Cô Phù cũng chính vì ẩn khúc này mà xuôi nam tìm hiểu thực hư.