Văn Viễn tất nhiên hiểu chổ khó xử của Đại Sỹ. Thành ra một đêm ông đường đột gõ cửa phòng nàng. Đại Sỹ thấy đêm khuya thanh vắng, Văn Viễn đến tìm thì ngại ngùng. Nàng cứ ngập ngừng bên cửa, nửa muốn mở ra, nửa lại không muốn. Văn Viễn đứng bên ngoài cửa liền nói:
- Tiểu thư không cần phải mở cửa, tránh có lời dị nghị không hay!
Đại Sỹ nghĩ thầm trong bụng:
- Cái chàng khờ này, nửa đến đến phòng khuê nữ còn sợ miệng đời dị nghị!
Nàng ta hỏi:
- Không biết ngài có chuyện gì đến tìm tiểu nữ?
Văn Viễn cung kính đáp:
- Để tiểu thư phải chịu thiệt thòi! Tại hạ thật lòng không hề muốn! Tuy nhiên, cha mẹ tại hạ đều đã cao tuổi! Xin tiểu thư mở rộng lòng đừng chấp! Xin đợi đến thời điểm thích hợp, tại hạ nhất định sẽ nói rõ để tiểu thư không khó xử!
Rõ ràng Văn Viễn đang nói đến chuyện Tam Ác Thánh một hai coi Đại Sỹ nghiễm nhiên là con dâu của mình. Đại Sỹ nghe vậy bèn hỏi:
- Ngài là văn nhân lại hay đọc lời thánh hiền! Thánh hiền có dạy để vui lòng cha mẹ phải làm người khác bị ức hiếp hay sao?
Văn Viễn bị Đại Sỹ làm khó. Ông vẫn cười hì hì đáp:
- Thánh hiền không dạy điều đó! Chỉ là thánh hiền luôn đặt nặng trung hiếu làm đầu, phận con cái nhất định phải lấy sự an vui của cha mẹ làm trên hết! Tại hạ xin đền bù thiệt thòi cho tiểu thư vậy!
Đại Sỹ đang thẹn nên liền hừ nhạt:
- Ngài lấy gì để đền bù cho tiểu nữ!
Văn Viễn đáp:
- Tiểu thư rất muốn quạt lụa của Thái Tử Đan là gì? Tại hạ đã xin mẹ lớn để đến tặng cho cô nương!
Vốn lúc lấy được quạt lụa từ tay Sa tiểu thư. Văn Viễn đã định đem tặng cho Đại Sỹ. Tuy nhiên, ông lại bị Phùng Bất Nghiêng kéo đi uống rượu thành thử vẫn giữ quạt lụa trong người. Đại Sỹ nghe vậy liền vội vàng mở cửa. Nàng thấy Văn Viễn trên tay quả nhiên đang cầm quạt lụa. Đại Sỹ hỏi:
- Ngài đã mở quạt lụa ra xem chưa?
Văn Viễn thật thà đáp:
- Tại hạ vẫn chưa xem qua!
Đại Sỹ vôi vàng kéo Văn Viễn vào trong phòng. Nàng ta ngó trước nhìn sau cẩn thận mới đóng cửa lại. Văn Viễn chưa biết chuyện gì thì nàng ta nói:
- Ngài mau mở quạt lụa ra xem!
Văn Viễn mở rộng quạt lụa. Trên nền quạt chỉ vẽ một nữ nhân đang múa, ngoài ra không có gì khác. Văn Viễn lật ngược mặt sau của quạt thì không hề có vẽ hình hay họa chữ gì. Đại Sỹ lúc này mới lấy trong tay áo ra một khuôn lụa đen. Văn Viễn ngó thấy nhận ra ngay lập tức:
- Cái này …cái này làm sao tiểu thư có được?
Vốn khuôn lụa này trong người Ngô Ân Ân. Lúc Văn Viễn tẩm liệm nàng để chôn bên bờ sông mà lấy được. Ông giữ trong người sau khi náo loạn ở Gia Lăng đã làm mất. Văn Viễn ngờ ngợ nhớ lại liền reo lên:
- Tại hạ ngỡ đã bị mất ở Gia Lăng, hóa ra nằm trong tay tiểu thư! Phải chăng chính tiểu thư đã cứu tại hạ khi đó?
Đại Sỹ chỉ cười mỉm không đáp. Văn Viễn lập tức hỏi:
- Tiểu thư khi đó làm sao lại biết dùng Mai Hoa Trâm cứu tại hạ, lại còn có cả Cải Mệnh Thảo để đốt! Tiểu thư thật sự là ai?
Đại Sỹ nhìn vẻ mặt Văn Viễn có ý nghi ngờ liền nổi giận:
- Tiểu nữ cứu ngài, ngài không cảm tạ sao còn quay trở lại gặng hỏi?
Văn Viễn lắc đầu đáp:
- Mai Hoa Trâm chỉ người của Mai Hoa Trang mới biết! Riêng Cải Mệnh Thảo, lần đó Bạch Mi Bà Bà đã gom hết về dành để chữa thương cho tại hạ! Tiểu thư làm sao mà có được! Trừ khi tiểu thư là…
Một ý nghĩ lóe qua tâm trí Văn Viễn. Ông miệng nói tay nhanh như chớp chụp lấy khuôn mặt Đại Sỹ. Văn Viễn đã thuần thục vận dụng hàn nhiệt nên động tác nhanh nhẹn khác thường. Đại Sỹ chưa kịp phản ứng thì hai tay Văn Viễn đã ôm lấy khuôn mặt của nàng. Khi Phùng Nghi Văn ở đại sảnh lột mặt nạ Sa tiểu thư, Văn Viễn đã ngấm ngầm để ý đến. Ông cho rằng phàm hóa trang tinh xảo đến thế nào thì lớp hóa trang cũng phải có sự lồi lõm nhất định. Vì vậy, ông cứ xoa lấy khuôn mặt Đại Sỹ. Ai ngờ, nước da Đại Sỹ trơn láng như ngọc. Văn Viễn sờ một lúc không hề thấy có tỳ vết nào khác thường. Đại Sỹ ngượng quá, khuôn mặt đỏ hồng lên. Văn Viễn lẩm bẩm:
- Nếu khuôn mặt này là giả trang thì làm sao đỏ hồng lên như vầy được?
Ông vẫn không ngừng vuốt ve hai tay dọc theo gò má nàng ta. Đại Sỹ mím môi hỏi:
- Ngài…ngài đã sờ đủ chưa? Tiểu nữ tưởng ngài là kẻ biết lễ nghĩa! Thì ra nửa đêm đến tìm tiểu nữ toan tính trò sằng bậy!
Văn Viễn hoảng hồn vội rụt tay lại:
- Tại hạ thật đường đột đã mạo phạm tiểu thư! Chỉ là…chỉ là không biết vì sao tiểu thư có Cải Mệnh Thảo, lại rành cả Mai Hoa Trâm?
Đại Sỹ hừ nhạt:
- Cha và mẹ của ngài không kể cho ngài biết hay sao! Âm Dương Thủ Trương Phi Yến vốn là họ hàng xa với Mai Hoa Trang! Tiểu nữ tất nhiên phải biết Mai Hoa Trâm! Còn Cải Mệnh Thảo là do mẹ tiểu nữ để lại! Tiểu nữ luyện Tán Cốt Thủ nếu không có Cải Mệnh Thảo để định thần thì nhất định sẽ bị tẩu hỏa nhập ma mà phát điên!
Nàng ta nói trơn tru không chút vấp váp. Văn Viễn liền cho là thật. Ông vội vàng vái lễ:
- Tại hạ thật ngu si đường đột, đem dạ tiểu nhân đo lòng quân tử của tiểu thư! Xin tiểu thư rộng lượng bỏ qua!
Đại Sỹ hừ nhạt không thèm đôi co. Nàng ta liền hỏi:
- Có phải ngài đã từng trông thấy sáu bức Lục Thất Mệnh ở cấm địa của Mai Hoa Trang?
Văn Viễn gật đầu:
- Tại hạ quả thật có thấy qua! Không biết sáu bức vẽ Lục Thất Mệnh lại có can hệ gì?
Đại Sỹ lúc này đã mở rộng quạt lụa. Nàng ta lại dùng khuôn lụa vẽ Lục Thất Mệnh của Ân Ân mà che đằng sau quạt lụa. Đại Sỹ giơ cao lên trước đèn mà nói:
- Ngài mau xem đi!
Văn Viễn căng mắt nhìn. Ban đầu khuôn lụa đen che kín hết ánh sáng không thấy được điều gì. Nhưng chỉ một lúc sau, hình thêu kiếm khách trên khuôn lụa đen bỗng nhiên phát sáng. Ông nhìn ra thanh kiếm trên tay kiếm khách đang hoành ngang kết hợp với hình nữ nhân trên quạt lụa lờ mờ hiện chữ. Văn Viễn cùng Đại Sỹ chăm chú nhìn rồi đồng thanh kêu lên:
- Là chữ Hồ!
Văn Viễn tâm cơ hiểu biết sâu rộng. Ông đoán chừng hình thêu kiếm khách trên khuôn lụa màu đen là dùng một loại chỉ phát quang mà thêu. Loại chỉ này bình thường không có gì lạ. Tuy nhiên, nếu đem rọi dưới ánh lửa nhất định sẽ phát sáng. Bức họa nữ nhân trên quạt lụa cũng là dùng loại mực có tính phát quang tương tự. Văn Viễn vội vàng lấy giấy mực. Ông theo trí nhớ lần lượt họa lại cả sáu bức Lục Thất Mệnh ở cấm địa của Mai Hoa Trang. Văn Viễn tinh ý không vẽ chi tiết hình ảnh kiếm khách. Ông chủ yếu vẽ lại tư thế cầm kiếm trong từng bức Lục Thất Mệnh. Văn Viễn suy đoán, hình vẽ nữ nhân trên quạt lụa nếu kết hợp với từng thế kiếm của kiếm khách trong Lục Thất Mệnh sẽ hiện ra các chữ khác nhau. Ông tỉ mĩ họa xong liền cùng Đại Sỹ suy đoán.
Cả hai cau mày nhăn mặt hơn hai khắc mới đồng loạt reo lên mừng rỡ:
- Dưới đáy hồ nước có bí ẩn!
Hóa ra đem sáu bức Lục Thất Mệnh nơi cấm địa Mai Hoa Trang cùng khuôn lụa của Ân Ân ráp với quạt lụa thành ra dòng chữ. Văn Viễn hồ hởi nói:
- Tại hạ lúc thoát khỏi vực sâu Mai Hoa Trang chính là nhờ ở dưới hồ nước có một đường hầm thông ra đáy sông bên ngoài! Nếu như các bức họa này là đúng, thì trong đường hầm phải có sự bí ẩn nào đó!
Đại Sỹ liền hỏi:
- Ngài khi đó bơi qua đường hầm, không phát hiện điều gì khác lạ hay sao?
Văn Viễn gãi đầu gãi tai xấu hổ:
- Tại hạ khi đó bơi được nửa đường đã đuối hơi! Làm sao còn có tâm trí để nhìn xem đường hầm có gì! May mắn khi đó tự nhiên phía sau phát sinh lực nước đẩy tới, tại hạ mới thoát thân được! Cũng nhờ tiểu thư khi đó đã bói cho Điền viên ngoại một quẻ mà cứu tại hạ thoát khỏi chết đuối!
Đại Sỹ che miệng cười khúc khích. Nàng thấy Văn Viễn tròn mắt ngơ ngác liền dùng quạt lụa gõ nhẹ lên trán ông một cái, nói:
- Ngài vẫn tin tiểu nữ có tài đoán chữ thần thánh như vậy ư?
Văn Viễn chột dạ liền hỏi:
- Lẽ nào bên trong còn có điềm trí trá?
Đại Sỹ cười một hồi liền đáp:
- Điền viên ngoại vốn có thù oán với bọn thủy tặc, ai ai cũng biết! Lúc thuyền của Điền viên ngoại cập bến Liễu Châu! Tiểu nữ khi đó vô tình phát hiện có mấy thuyền nhỏ thám thính nên biết là bọn thủy tặc dò thám để tìm cơ hội trả thù! Vì vậy, quẻ bói chữ cho Điền viên ngoại, thực ra toàn là lời trấn an lão! Còn chuyện tiểu nữ đoán sẽ cứu được người bị hại chẳng qua là thuận miệng nói ra cho thêm huyền bí! Ai ngờ lại cứu được ngài!
Văn Viễn trầm ngâm nói:
- Nhưng quẻ bói thứ hai, tiểu thư lại đoán tên của tại hạ không hề sai lệch!
Đại Sỹ không nhịn nổi cười khanh khách thành tiếng:
- Tiểu nữ bói quẻ thứ hai thì quả thật là dựa vào chữ viết mà đoán! Tuy nhiên, cũng chỉ là trùng hợp mà thôi! Ngài nghĩ thử xem, nếu quẻ bói đầu của tiểu nữ mà đúng thì tất nhiên Điền viên ngoại kiểm chứng quẻ thứ hai dầu có sai lệch cũng không nghi ngờ nhiều! Còn nếu quẻ thứ nhất đã sai thì quẻ thứ hai cũng đâu có giá trị gì? Thú thật, tiểu nữ bói xong cũng âm thầm đi theo Điền viên ngoại! Lúc thấy, Điền viên ngoại cứu được ngài, rồi nửa đêm lại xuất hiện Vô Tình Kiếm Hoàng Kỳ giúp đánh bại đám thủy tặc, tiểu nữ đều quan sát được hết!
Văn Viễn hoảng hồn bèn hỏi:
- Vậy chuyện tiểu thư bói quẻ để Điền viên ngoại đợi tại hạ ở bến sông Vu Gia, rồi lại chờ tại hạ ở ngã ba đường đến Gia Lăng, đều là do tiểu thư đã tiên liệu trước ư?
Đại Sỹ gật đầu thừa nhận:
- Tiểu nữ đã biết chuyện U Minh Cung muốn đến Ngô Gia Trang để đòi khuôn lụa có thêu Lục Thất Mệnh, cho nên đã âm thầm bên ngoài trang quan sát! Tự nhiên tiểu nữ sẽ biết được mọi chuyện mà thôi!
Văn Viễn lẩm bẩm:
- Vậy ra khi ta nhờ bói chữ, tiểu thư đây nói ta nên đề phòng người cố tình thân cận! Thì ra là muốn ta để bụng phòng bị tiểu thư đây! Xem ra, nàng ta không hẳn là người có ý xấu! Nếu ta cứ cố tình gặng hỏi, khác gì đẩy tiểu thư vào thế khó! Chi bằng cứ làm ngơ cho xong!
Ông bèn hỏi:
- Nếu tiểu thư đã biết chuyện U Minh Cung muốn chiếm Lục Thất Mệnh chắc hẳn sẽ hiểu được bí ẩn bên trong! Tại hạ thật sự không nghĩ ra vì sao Lục Thất Mệnh đã ở cấm địa Mai Hoa Trang lại còn lưu lạc một bản nơi Ngô Gia Trang, chưa kể có can hệ gì đến quạt lụa của mẹ lớn tại hạ?
Đại Sỹ đáp:
- Theo chổ tiểu nữ được biết, Lục Thất Mệnh bao gồm có hai phần! Một phần là sáu bức họa treo ở cấm địa Mai Hoa Trang, một phần được thêu trên khuôn lụa đen! Sau có một hậu nhân Mai Hoa Trang tên Mai Liễu Hạnh được gả cho nhà họ Ngô, bà ta đã mang khuôn lụa đen này ra ngoài! Truyền đến đời của Ngô Ứng Bình đã là ba đời! Bà ta chưa từng mở miệng nói về bí mật của Lục Thất Mệnh, thành ra, nhà họ Ngô không hề biết đến! Ai cũng nghĩ chỉ là một chiếc khăn lụa bình thường! Chuyện này, chỉ có người của Mai Hoa Trang biết mà thôi!
Văn Viễn liền trầm ngâm:
- Nếu chỉ là người của Mai Hoa Trang mới biết, không lẻ nào U Minh Cung lại rành rẽ, còn biết đích xác nhà họ Ngô có khuôn lụa?
Văn Viễn sực nhớ ra:
- Không đúng! Mai Phương Anh, Mai Kim Anh liên kết với Sa tiểu thư đầu vào trướng tam đường chủ Vương Tố Tâm, thì tự nhiên U Minh Cung cũng sẽ biết chuyện này!
Đại Sỹ gật gù chưa kịp lên tiếng thì Văn Viễn lại tự lắc đầu:
- Không phải! Ở Mai Hoa Trang ta đã phát hiện ra, là bọn người Vương Tố Tâm muốn âm thầm qua mặt U Minh Cung Chủ để chiếm bí mật Tử Hà Thần Công, không lý nào lại chịu để lộ chuyện Lục Thất Mệnh được!
Đại Sỹ liền nói:
- Còn một chuyện tiểu nữ muốn chắc chắn với ngài!
Văn Viễn vội hỏi:
- Không biết tiểu thư muốn tại hạ chắc chắn chuyện gì?
Đại Sỹ đáp:
- Hắc Quan Âm thật sự đã chết cách đây tám năm! Lần đó, tiểu nữ cũng đã về dự tang lễ! Chính mắt tiểu nữ đã nhìn di hài Mai cô cô bị hỏa thiêu! Làm sao Mai cô cô còn sống để ngài gặp được!
Văn Viễn lúc nghe Phùng Bất Nghiêng nói bà bà thần tiên đã chết cách đây tám năm, trong lòng còn bán tín bán nghi. Giờ đây, ông lại nghe Đại Sỹ khẳng định chắc chắn thì mười phần hết tám chín đã tin là thật. Văn Viễn liền nổi gai óc cùng mình:
- Vậy người tại hạ gặp là ai? Lẽ nào là hồn ma của bà bà hiện thân?
Đại Sỹ đáp:
- Tiểu nữ nghe chuyện Mai Cô Cô xuất hiện ở miếu thổ thần rồi lại có ở Mai Hoa Trang thì rất đỗi ngạc nhiên! Nhất định có kẻ mạo danh cô cô để mưu tính chuyện gì đó! Nhưng chắc chắn một điều, Mai Cô Cô không thể nào đội mồ sống dậy được!
Văn Viễn nhất thời rối rắm khó thông suốt được mọi chuyện. Ông thở dài nảo nề:
- Tại hạ cũng không hiểu được! Tại hạ đến giờ chỉ nhớ được phần ký ức lúc làm Bạch công tử rồi trượt chân nơi triền núi, tỉnh lại thành một văn nhân Phùng Văn Viễn ở Ứng Kê! Phần ký ức ở giữa đó, tại hạ không sao nhớ ra được! Tại hạ lẽ ra phải còn một thân phận là xú tử Phùng Văn Viễn! Tuy nhiên, tại hạ cũng chỉ nhớ lờ mờ không chút rõ ràng!
Đại Sỹ ngơ ngác:
- Xú tử Phùng Văn Viễn…xú tử Phùng Văn Viễn…không phải là kẻ bị đại tiểu thư đánh chưởng chết vì đã xâm nhập cấm địa hay sao?
Văn Viễn đứng phắt lên kinh hãi:
- Sao…sao lại là đại tiểu thư? Là…bà bà thần tiên đã đánh chết tên xú tử kia mà?
Đại Sỹ ngạc nhiên:
- Không! Người dùng chưởng đánh chết xú tiểu tử là đại tiểu thư Mai Thiên Anh! Mai cô cô lúc đó đã chết rồi làm sao có thể ra tay được!
Văn Viễn lẩm bẩm:
- Đại tiểu thư tên…Mai Thiên Anh ư? Chính miệng đại tiểu thư dưới vực sâu Mai Hoa Trang đã nói là bà bà thần tiên đánh chết xú tiểu tử! Lẽ nào đại tiểu thư khi đó thần trí mê mang nên nhớ sai?
Đại Sỹ nghe vậy liền nhủ thầm:
- Gã khờ này đến tên của đại tiểu thư còn không biết, vậy mà lại dốc lòng dốc sức báo thù! Hắn khờ quá hay là tấm lòng quá đổi si tình đây?
Nàng ta bèn kể:
- Trong bốn tiểu thư Mai Hoa Trang thì đại tiểu thư Mai Thiên Anh xa cách nhất! Thông thường chỉ có Mai Kim Anh, Mai Phương Anh, Mai Vương Anh, ba tiểu thư này hay chơi đùa với nhau mà thôi! Tiểu nữ ngày trước chưa bao giờ thấy đại tiểu thư cười! Tuy nhiên, có một năm, đại tiểu thư lại đi ra ngoài hơn hai tháng mới trở lại Mai Hoa Trang! Lúc trở về, đại tiểu thư còn đem theo một văn nhân bị thương rất nặng! Lão trang chủ nhất định không chứa chấp người này! Đại tiểu thư đã tranh cãi với lão trang chủ mấy bận rồi giấu văn nhân kia đi đâu không rõ!
Văn Viễn nghe Đại Sỹ kể liền cố sức nhớ lại. Nhưng thần trí ông như bị một lớp màn sương che mờ ảo. Ông đôi khi lại ngờ ngợ nhận biết, đôi khi lại thấy xa lạ khôn cùng. Ông đành phải lắng nghe Đại Sỹ kể tiếp:
- Nhưng chừng một năm! Lão trang chủ phát hiện ra chuyện động trời! Vốn đại tiểu thư đã giấu tên văn nhân đó ở cấm địa Mai Hoa Trang để chăm sóc! Gia pháp Mai Hoa Trang cấm người lạ vào cấm địa! Tên văn nhân kia buộc phải bị giết đi! Chính đại tiểu thư khi đó đã dùng Hắc Mai Thủ mà đánh một chưởng lên ngực hắn! Tiểu nữ còn nghe nói, đại tiểu thư đã chôn hắn ở cấm địa! Mỗi đêm, đại tiểu thư đều ở đó mà khóc lóc rất thê lương! Sau đó, đại tiểu thư càng lúc càng xa cách với mọi người!
Văn Viễn liền hỏi:
- Vậy tên xú tử đó chết xong là Cầm Điệp Cuồng Sinh đến Mai Hoa Trang?
Đại Sỹ nhớ lại rồi đáp:
- Phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh đến, độ tám chín ngày sau lão trang chủ mới phát hiện ra chuyện đại tiểu thư giấu tên văn nhân kia ở cấm địa! Tính ra, văn nhân kia chết sau khi Cầm Điệp Cuồng Sinh đến! Tuy nhiên, có một chuyện lạ tiểu nữ đến giờ vẫn không hiểu!
Văn Viễn vội hỏi:
- Tiểu thư đã nhớ ra chuyện lạ gì?
Đại Sỹ đáp:
- Đại tiểu thư ban đầu không hề thèm tiếp Cầm Điệp Cuồng Sinh! Nhưng sau khi tên văn nhân kia chết, đại tiểu thư lại gần gũi có phần còn nặng tình với Cuồng Sinh vô cùng!
Văn Viễn thở dài nói:
- Chuyện này có gì đâu mà lạ! Văn nhân xấu xí kia tên Phùng Văn Viễn! Cầm Điệp Cuồng Sinh cũng tên Phùng Văn Viễn! Đại tiểu thư vừa mất tên văn nhân, gặp phải Cuồng Sinh nên tình cũ lưu luyến hóa thành tình mới mà thôi! Nhưng nếu tại hạ là xú tiểu tử kia vì sao lại không nhớ được mọi chuyện! Ngôi mộ của hắn, tại hạ lúc ở vực sâu đã quật lên mà xem!
Đại Sỹ không nén được tò mò bèn hỏi:
- Ngài quật mộ tên văn nhân đó ư? Ngài đã thấy gì?
Văn Viễn lắc đầu đáp:
- Tại hạ chỉ thấy một cỗ quan tài trống rỗng! Khi đó tại hạ còn nghĩ thân xác hắn đã bị Xích Trùng rúc rỉa đến khô cạn! Nhưng giờ này nghĩ lại thì thấy không thỏa, ví như Xích Trùng rúc hết máu thịt, ít ra phải còn xương cốt! Hắn chỉ chết chưa được năm năm, làm sao lại có thể tan thành tro bụi nhanh đến vậy?
Đại Sỹ chưa từng được xuống cấm địa Mai Hoa Trang nên không kềm nổi hiếu kỳ cứ hỏi tới. Văn Viễn cũng không giấu. Ông kể một mạch hết những nghi vấn trong lòng cho nàng ta thông tỏ. Đại Sỹ tâm tư sắc sảo. Nàng nghe Văn Viễn kể liền mường tượng trong đầu mọi chuyện. Văn Viễn vốn là kẻ trong cuộc nên không tránh được cái nhìn có phần phiến diện. Đại Sỹ thì thông thoáng hơn. Cho nên nàng ta chưa đợi Văn Viễn kể dứt đã nói:
- Tiểu nữ xin đưa ra một phỏng đoán! Ngài bị Quỷ Tỳ Bà Bà xô xuống núi, vô tình đại tiểu thư đi ngang qua cứu về Mai Hoa Trang chăm sóc! Sau đó, vì chuyện giấu ngài nơi cấm địa bị bại lộ, đại tiểu thư buộc phải đánh chết ngài theo gia pháp! Liền lúc ấy, Cầm Điệp Cuồng Sinh vì Lục Thất Mệnh đã thông đồng với Sa tiểu thư để gần gũi đại tiểu thư! Riêng ngài không hiểu vì cớ gì không bị chết, còn bị kẻ khác phục diện khuôn mặt trở lại bình thường, dùng mê tông pháp làm mất sạch trí nhớ để hóa thân thành một văn nhân Phùng Văn Viễn ở Ứng Kê! Đại Sư Vô Sách vô tình thấy ngài ở Ứng Kê liền bày mưu dẫn dụ ngài vào giang nam, đúng lúc, Cầm Điệp Cuồng Sinh đã mất tích! Như vậy là ngài xuất hiện, đã khiến bao nhiêu kẻ muốn tìm Cầm Điệp Cuồng Sinh đều phải hiện thân!
Văn Viễn gật đầu:
- Tiểu thư suy đoán đúng lắm! Tuy nhiên, còn vài nghi vấn chưa được làm rõ! Chỉ cần làm rõ rồi thì mọi chuyện đều thông suốt hết!
Đại Sỹ trầm ngâm rồi đáp:
- Thứ nhất, vì sao ngài lại không chết, còn bị dùng mê tông pháp để sai khi tỉnh lại tưởng nhầm mình là Cầm Điệp Cuồng Sinh?
Văn Viễn tiếp lời:
- Thứ hai, nếu rõ ràng đại tiểu thư đã chính tay đánh chết tại hạ, vì sao nàng ấy vẫn nhất mực nói là do bà bà thần tiên? Lẽ nào nàng ấy muốn che giấu chuyện bà bà thần tiên đã chết?
Đại Sỹ lại nói:
- Nghi vấn thứ ba, Cầm Điệp Cuồng Sinh bị Sa tiểu thư cùng Phương Anh, Kim Anh tiểu thư bắt đi để tra khảo! Nhưng theo lời Tam Ác Thánh, ngài từ lúc mất tích chừng một năm sau đã quay trở lại Bạch gia trang cùng ba nữ nhân! Nhất định đó là Cầm Điệp Cuồng Sinh đã mạo danh ngài! Ba nữ nhân kia là Sa tiểu thư, Mai Phương Anh, Mai Kim Anh! Như vậy chứng tỏ, bọn họ đã biết chuyện Cầm Điệp Cuồng Sinh có khuôn mặt giống hệt ngài! Nhưng rõ ràng khi ngài xuất hiện ở Mai Trang, vì ngài bị Quỷ Tỳ Bà Bà xô xuống núi nên gương mặt đã bị biến dạng! Làm sao bọn họ biết được diện mạo thật của ngài?
Văn Viễn liền lắc đầu:
- Không đúng! Không đúng! Phải là Quỷ Tỳ Bà Bà là đồng bọn của Vương Tố Tâm cùng Sa tiểu thư! Bọn họ ban đầu đã có ý muốn đoạt quạt lụa của mẹ lớn tại hạ! Thành ra, Quỷ Tỳ Bà Bà xô tại hạ xuống núi thật tình là muốn giết chết! Sau đó sẽ để Cầm Điệp Cuồng Sinh đóng giả tại hạ về Bạch gia trang tìm cách lấy quạt lụa! Ngờ đâu, Cuồng Sinh kia về đến Bạch gia trang đã tìm cách bỏ trốn! Vậy là Vương Tố Tâm, Sa tiểu thư, Mai Kim Anh, Mai Phương Anh không sao có thể lấy được quạt lụa và bí ẩn của Tử Hà Thần Công!
Đại Sỹ tức thì tiếp lời:
- Bọn họ đành bất lực quay về, vô tình phát hiện, ngài trúng chưởng của đại tiểu thư vẫn chưa chết! Vậy là bọn họ đồng mưu lén đem ngài ra ngoài mà khôi phục lại khuôn mặt, sau đó dùng mê tông pháp để khiến ngài lầm tưởng mình là Cầm Điệp Cuồng Sinh! Bọn họ lại tạo ra cha mẹ giả để quản thúc ngài nơi Ứng Kê, đợi thời cơ chín muồi sẽ đưa về lại trung nguyên!
Văn Viễn gật đầu:
- Tiểu thư suy đoán theo hướng này rất hợp lý! Tại hạ ở Ứng Kê vô tình gặp được Đại Sư Vô Sách! Đại Sư Vô Sách biết tại hạ mất trí nên đã dẫn dụ tại hạ vào giang nam! Tại hạ không nén được tò mò bèn nghe theo! Đã vô tình khiến tất cả những ai muốn tìm Cầm Điệp Cuồng Sinh đều từ từ xuất hiện! Nhưng rốt cuộc Cầm Điệp Cuồng Sinh là ai? Hắn vì sao lại biết được bí ẩn chứa trong Tử Hà Thần Công mà phao chuyện để thiên hạ đua nhau tranh đoạt?
Văn Viễn cùng Đại Sỹ đồng loạt im lặng. Cả hai tự thấy bên trong còn nhiều ẩn khúc không thể sáng tỏ được. Văn Viễn thở dài thườn thượt:
- Chỉ vì bí ẩn Tử Hà Thần Công, đã khiến bao nhiêu kẻ bán mạng để tranh đoạt! Tại hạ không muốn quan tâm đến nữa!
Văn Viễn nói vậy nhưng ánh mắt lại sầu nảo vô biên. Đại Sỹ hiển nhiên là biết, Hắc Quan Âm có vị trí rất quan trọng trong lòng Văn Viễn. Văn Viễn miệng nói buông xuôi, thực chất, đang rối bời ruột gan. Ông cứ hể không nhắc đến thì thôi, chỉ cần vô tình khơi chuyện cũ, lại nhớ bà bà thần tiên day dứt, nửa luyến tiếc ảo nảo, nửa chua xót bi lụy. Ông tự nhiên cười thảm:
- Tại hạ thật si khờ! Ngày trước tại hạ còn tính chuyện, khi mọi việc xong xuôi sẽ rước bà bà thần tiên về Ứng Kê để hầu hạ đến cuối đời! Hỡi ôi! Nếu lời tiểu thư và cha tại hạ nói đúng, chẳng phải tại hạ đã yêu nhầm bà bà thần tiên giả rồi ư?
Văn Viễn tự vò đầu ảo nảo:
- Tại hạ vẫn không sao nhớ được từ lúc bị Quỷ Tỳ Bà Bà đẩy xuống núi đã xảy ra chuyện gì! Nếu nhớ được lúc này, nhất định sẽ khơi mở được nhiều bí ẩn!
Đại Sỹ nhìn Văn Viễn càng lúc càng thương tâm bèn bắt ông nằm dài xuống giường. Nàng lấy trong người ra một túi vải nhỏ. Văn Viễn ngửi ra được mùi của Cải Mệnh Thảo. Ông nằm trên giường khuê nữ không khỏi ngại ngần nhưng thực tâm vẫn muốn có thể phục hồi hoàn toàn trí nhớ. Đại Sỹ mở túi bỏ vài sợi cỏ khô vào trong đỉnh trầm nhỏ. Tức thì mấy làn khói mỏng tỏa lên, cả gian phòng đều có hương thơm dịu nhẹ thoang thoảng. Văn Viễn nhắm mắt thả lỏng toàn thân để định thần. Đại Sỹ liền ngồi xuống bên cạnh. Nàng dùng cả hai bàn tay không ngừng xoa các huyệt đạo khắp khuôn mặt Văn Viễn, miệng thủ thỉ những lời không rõ đầu đuôi. Văn Viễn chẳng hiểu những lời đó có nghĩa gì. Nhưng ông nghe một lúc, tự nhiên thiu thỉu ngủ.
Đại Sỹ bắt đầu xoa dần các huyệt đạo dọc hai bên cổ Văn Viễn. Văn Viễn lập tức chìm sâu vào giấc ngủ mê. Thủ pháp của Đại Sỹ chuyên dùng để thư giản trí óc, chưa kể tác dụng an thần của Cải Mệnh Thảo. Nàng ta thấy Văn Viễn cứ buồn bực về trí nhớ chưa được khôi phục nguyên vẹn nên mới nhọc công chạy chữa. Cứ mỗi nửa khắc, Đại Sỹ lại ngừng tay chờ đợi. Qua chừng nửa khắc, nàng tiếp tục xoa nắn các huyệt đạo của Văn Viễn. Đại Sỹ vận công xuống các đầu ngón tay. Mỗi lần nàng ấn vào huyệt đạo hai bên cổ Văn Viễn, Văn Viễn tự nhiên ú ớ mê sảng giật nảy người. Đây là phương pháp chấn động gây thức tỉnh, như các nhà sư khi ê a đọc kinh lại có tiếng chuông điểm hóa. Văn Viễn đã ngủ mê nên tâm trí đều trống rỗng. Đại Sỹ vận công tác động tuần tự vào từng huyệt đạo khiến ông bị chấn động, hi vọng có thể làm phần ký ức bị mất thức dậy.
Tuy nhiên, Văn Viễn đã bị người khác dùng Mê Tông Pháp tẩy sạch đầu óc lâu năm. Dầu Phùng Bất Nghiêng chữa khỏi tác hại của U Hồn Chỉ, còn thêm Đại Sỹ dốc lòng cứu chữa, rốt cuộc cũng không giúp ích được gì. Văn Viễn càng lúc càng ú ớ kêu đau đớn. Đại Sỹ thử thêm hai khắc, liền dừng lại. Nàng ta thở dài lẩm bẩm:
- Cách này không dùng được rồi! Ta chẳng thể nào giúp tên khờ này nhớ lại mọi chuyện!
Đị Sỹ nhìn Văn Viễn ngủ ngon, khuôn mặt hiền lành lạ thường. Nàng ta ngẫm lại bao nhiêu chuyện xảy đến cho Văn Viễn, không khỏi ngậm ngùi. Bỗng nhiên, nàng nghe mê huyệt nhói một cái. Có người đứng bên ngoài phòng phóng chỉ nhắm vào Đại Sỹ. Người này chờ nàng ta bất tỉnh mới nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào. Hóa ra là Phùng Nghi Văn.
Phùng Nghi Văn trước khi ngủ hay đi một vòng khắp Bạch gia trang để thám thính động tĩnh. Bà từ lúc gả cho Phùng Bất Nghiêng đã bắt đầu tập tính này, đến giờ thành thói quen. Dầu chẳng có ai dại dột xâm nhập vào trang kiếm chuyện nhưng Phùng Nghi Văn không vì vậy mà chểnh mảng. Năm xưa lúc Hắc Quan Âm phục kích đánh lén Văn Viễn, cũng chính nhờ Phùng Nghi Văn phát hiện kịp thời mà ngăn cản. Bây giờ Văn Viễn đã về lại, Phùng Nghi Văn sợ diễn lại chuyện cũ nên càng tích cực đi tuần.
Bà đi một vòng tiền viện, liền theo hành lang vòng sang hậu viện. Thấy phòng Đại Sỹ vẫn chong đèn, bà tò mò dừng lại bên ngoài, theo khe cửa sổ nhìn vào trong. Bà thấy Văn Viễn nằm dài mê ngủ, Đại Sỹ ngồi bên cạnh không ngừng xoa nắn huyệt đạo thì đoán được phần nào nguyên nhân. Phùng Nghi Văn tánh tình vô cùng cương liệt. Bà ta cũng chẳng bao giờ xét nét khi hành xử. Cho nên thường ngày, những chuyện lớn nhỏ trong trang tuy do Phùng Ân Khổ giải quyết nhưng đến những lúc gặp tình huống khó khăn, Phùng Nghi Văn liền can dự. Bà ta hễ không làm thì thôi, đã làm thì làm cho kỳ được bất chấp có dùng phương thức, thủ đoạn gì.
Phùng Nghi Văn trong lòng đã coi Đại Sỹ là con dâu từ lâu. Nghiệt nỗi, Văn Viễn từ lúc về Bạch gia trang nếu không theo Trương Thị Song Hùng, Bạch Đầu Tứ Yêu săn bắn thì cũng cùng Phùng Bất Nghiêng uống rượu luyện quyền. Tuy Văn Viễn vẫn dành thời gian cận kề Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn để đánh đàn họa chữ, những lần đó đều có Đại Sỹ tham gia, nhưng tính ra cả hai cứ cố giữ khoản cách. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn không tiện lên tiếng ướm lời được đành cứ để theo tự nhiên. Hai bà đều mong mỏi đến ngày có được con dâu đích thực. Riêng Phùng Nghi Văn đã mưu tính trước. Bà ta biết tính cách Văn Viễn ưa theo khuôn khổ nề nếp nên có chờ đến chết cũng chớ hề dám lời ong tiếng ve với Đại Sỹ. Thành thử, bà toan lấy cớ sắp đặt chuyện đã rồi. Nhưng Văn Viễn hể sụp tối, sau khi thỉnh an Tam Ác Thánh thì ngoan ngoãn về phòng không hề có ý lân la tìm Đại Sỹ. Phùng Nghi Văn một bụng mưu kế cũng đành vô phương. Lần này vô tình được cơ hội tốt, bà ta đâu dễ bỏ qua.
Phùng Nghi Văn bước vào phòng liền lẹ làng đến bên giường. Bà cẩn thận điểm lê mê huyệt Văn Viễn một cái. Sau đó, bà bế Đại Sỹ đặt vào lòng Văn Viễn. Hiển nhiên nam đơn nữ chiếc chung chạ trên giường, dầu không làm gì nhưng so ra cũng là chuyện lớn đến tiết hạnh. Phùng Nghi Văn mỉm cười đắc ý định quay ra ngoài nhưng tức thì lẩm bẩm:
- Không được! Nếu sáng mai ta cùng chị cả vào làm lớn chuyện, hai đứa nếu nhất định chối cải thì coi như chẳng nên tích sự gì! Chi bằng làm đến tận cùng!
Phùng Nghi Văn quay lại giường. Bà ta nhanh tay cởi hết y phục của Văn Viễn lẫn Đại Sỹ ném hết xuống sàn. Bà biết hai đứa nhỏ này đầu óc đều minh mẫn, nhất định cả hai lúc tỉnh táo, dầu hổ thẹn nhưng sẽ tự hiểu rõ nguồn cơn. Cho nên, Phùng Nghi Văn còn cố làm rối bù đầu tóc của Đại Sỹ lẫn Văn Viễn. Bà ta tiện tay bày bừa giường chiếu như thể đã trải qua một cuộc mây mưa. Xếp đặt xong xuôi, Phùng Nghi Văn mới đắp chăn lên người Văn Viễn, Đại Sỹ. Bà nhìn Đại Sỹ mà nói:
- Con dâu chớ trách mẹ nhỏ ta đây làm càn! Họ Phùng lâu lắm đã trông ngóng hỷ sự! Chỉ vì con vừa xinh đẹp lại ôn nhu, vừa bụng ta lắm! Ta sau này sẽ làm một người mẹ chồng tốt mà yêu chiều con hết mực!
Phùng Nghi Văn buông rèm lụa che kín giường. Bà ta chốt chặt cửa chính rồi thổi tắt nến. Bà theo lối cửa sổ nhảy ra ngoài. Phùng Nghi Văn chỉ đóng một cái cửa sổ, để chừa một cánh. Núi Trường Bạch quanh năm lạnh giá, ban đêm gió tuyết thổi ù ù rét tê người. Phùng Nghi Văn để cửa hở cốt yếu cho khí lạnh tràn vào trong phòng. Tấm chăn mỏng bà ta đắp lên người Văn Viễn cùng Đại Sỹ không che nổi hơi rét. Hai người đều không mang y phục, trong chốc lát tự nhiên ôm chặt lấy nhau để tìm hơi ấm. Phùng Nghi Văn đứng ngoài quan sát một lúc liền hể hả trong bụng. Bà ta nhẹ nhàng theo hướng hành lang trở về phòng riêng, miệng cười mỉm ý nhị.