Phùng Nghi Văn về đến phòng riêng thì Phùng Bất Nghiêng đang đánh dỡ ván cờ với Phùng Ân Khổ. Cả hai thấy bà cười mỉm đắc ý không khỏi ngạc nhiên. Phùng Nghi Văn thong thả ngồi xuống uống một ngụm trà rồi nói:
- Chúng ta ngày mai chuẩn bị gấm lụa là vừa! Chắc phải đãi tiệc suốt ba ngày ba đêm mới được!
Phùng Ân Khổ liền mừng rỡ hỏi:
- Phải chăng muội đang nói chuyện Phùng nhi chúng ta kết hôn?
Phùng Nghi Văn bèn kể lại mọi chuyện đã xếp đặt. Phùng Ân Khổ nghe xong gật gù:
- Tuy cung cách có hơi thủ đoạn nhưng tính ra nếu để sổng con dâu tốt như vầy nhất định chúng ta sẽ phải hối tiếc suốt đời!
Phùng Bất Nghiêng liền nghiêm nét mặt:
- Không được! Con bé kia dầu gì cũng là khuê nữ! Chúng ta phận trưởng bối sao có thể bày ra trò hạ tiện như vậy để ép uổng! Ví thử con bé đó cam chịu mà không hề có tình cảm với Phùng nhi, thử hỏi phần đời còn lại của nó sống đau khổ thế nào? Mau mau thừa lúc cả hai còn chưa tỉnh dậy, chúng ta đến đó mà dọn dẹp!
Phùng Bất Nghiêng tánh tình cương trực. Lão thường ngày tuy hay chiều chuộng hai phu nhân nhưng hễ khi lão nghiêm giọng, hai bà đều phải nghe theo. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn biết lão một khi đã quyết thì dầu trời sập đất lở cũng nhất định không chịu thay đổi. Phùng Nghi Văn thấy Phùng Bất Nghiêng toan đi đến phòng Đại Sỹ, liền ôm mặt khóc òa lên:
- Không hiểu số của chị em ta sao lại chịu khổ sở như vầy!
Phùng Ân Khổ biết ý liền cùng khóc òa phụ họa. Phùng Bất Nghiêng thấy cả hai bà tự nhiên than khổ sở liền nói:
- Ta bao nhiêu năm qua nhất mực yêu thương các nàng! Nào để các nàng phải sầu lo nghĩ ngợi chuyện gì? Hay là các nàng sợ ta sẽ phá hỏng chuyện hỷ sự nên mới giả vờ khóc lóc để làm ta đổi ý?
Phùng Nghi Văn mếu máo:
- Chàng đã quyết, bọn thiếp nào dám cản ngăn! Nhưng quả thật chị em bọn thiếp thật là kẻ khổ hạnh! Chỉ vì si mê chàng đã bỏ nhà để làm con dâu Phùng gia, chịu mang tiếng đời lăng loàn vô đạo!
Lời này đã đánh trúng vào ruột gan của Phùng Bất Nghiêng.
Vốn Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn là chị em ruột. Cả hai đều là đương kim tiểu thư của Phùng gia trang ở Liễu Châu. Đương khi xuân sắc, Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn nức tiếng nhan sắc mê đắm lòng người. Phùng Bất Nghiêng khi đó còn là thiếu niên đầy ngạo khí lăn lộn giang hồ. Một hôm không may bị kẻ thù vây công đánh đến trọng thương rơi xuống sông Thanh Trì. May mắn thay, Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn đang neo thuyền trên sông để thưởng ngoạn thấy được, liền cứu chữa. Trai anh hùng, gái thuyền quyên giáp mặt, tự nhiên sanh tình. Phùng Bất Nghiêng được hai chị em chăm sóc tận tụy, lúc bình phục, đã phải lòng cô chị Phùng Ân Khổ. Tuy nhiên, Phùng Ân Khổ đã có hôn ước từ trước với công tử của Bích Liễu Trang ở Tô Châu. Bích Liễu Trang thanh thế lớn mạnh, đâu dễ gì chịu từ hôn. Thành ra, Phùng Nghi Văn liền thế chị để gả đến Bích Liễu Trang còn thu xếp cho Phùng Ân Khổ lén lút trốn đi với Phùng Bất Nghiêng. Phùng Bất Nghiêng biết chuyện bội phục nghĩa cử của Phùng Nghi Văn vô cùng. Lão ngang nhiên đến thẳng Bích Liễu Trang để cướp kiệu hoa. Lão dùng quy ước cũ của giang hồ, thách đấu giành phu nhân. Bích Liễu Trang người đông thế mạnh, gặp phải lúc đó Phùng Bất Nghiêng còn chưa có tên tuổi, thành ra đồng ý. Ai dè, Phùng Bất Nghiêng dùng Cuồng Tâm Pháp đánh bại hết thảy người của Bách Liễu Trang, ung dung cõng Phùng Nghi Văn từ trong kiệu mà đi thẳng.
Bích Liễu Trang đầu dễ dàng nuốt nổi cái nhục lớn đến vậy. Bọn họ liền cho người theo truy sát. Bấy giờ, Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn bản lãnh còn non kém hiển nhiên không thể giúp ích được gì. Nhưng một mình Phùng Bất Nghiêng đánh liền năm trận lớn chấn động hết thảy giang hồ. Lão còn trẻ nên sát chí rất cao. Cuồng Tâm Pháp lại là ma công giết người như rạ. Cho nên trong năm trận đấu, số người chết không biết bao nhiêu kể xiết. Bích Liễu Trang phần vì hao tổn nhân lực, phần vì khiếp đảm nên đành để sổng mất con dâu.
Phùng Bất Nghiêng cứu Phùng Nghi Văn, thật tâm chỉ vì muốn tạ ơn nàng ta đã tác hợp chứ không hề có tư tình. Chẳng ngờ, Phùng Nghi Văn tận mắt thấy lão tung hoành mấy bận đơn thân đánh bại nhiều người đã ngưỡng mộ trong lòng. Phùng Bất Nghiêng định cõng Phùng Nghi Văn về lại Phùng gia ở Liễu Châu. Dọc đường, Phùng Nghi Văn đã thổ lộ tâm ý. Phùng Ân Khổ cũng nói thêm vào. Phùng Bất Nghiêng thầm nghĩ đã lỡ cướp cô dâu, có trả về lại Phùng gia thì Phùng Nghi Văn nào còn có ai dám đến xin cưới. Thành ra, lão cũng đành cùng hai chị em bén duyên kết tình. Phùng Nghi Văn lý ra phải gọi Phùng Bất Nghiêng là tỷ phu, phút chốc lại thành phu quân. Hiển nhiên miệng lưỡi người đời ưa dèm pha, dễ dầu gì buông tha cho được. Tam Ác Thánh sau này lừng lẫy, ai ai cũng khiếp sợ nhưng sau lưng vẫn không ngừng mắng mỏ vô luân vô đạo. Phùng Bất Nghiêng vì chuyện này đã gây ra nhiều cuộc giao tranh đẫm máu. Nhưng đến cùng, đâu thể bắt bẻ người khác ngừng dèm pha.
Phùng Bất Nghiêng trong đời luôn hối hận về chuyện này. Vì rốt cuộc, bao nhiêu tiếng chửi mắng đều nhằm vào Phùng Nghi Văn. Phùng Nghi Văn về sau lại không sanh được con, mấy lần thụ thai đều bị sẩy. Phùng Bất Nghiêng càng ăn năn không dứt. Lão bây giờ nghe Phùng Nghi Văn nhắc lại, không khỏi mềm yếu trong lòng. Lão bước đến ôm lấy hai phu nhân mà ngậm ngùi:
- Ta cả đời vẫn rất hối hận về chuyện để nàng bị mang tiếng nhơ! Thật sự, ta đau đớn lắm!
Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ thấy lão đã trúng kế càng đồng thanh khóc kể:
- Hai chị em thiếp theo chàng không kèn không trống! Bọn thiếp nào dám kêu ca điều gì! May mắn có được Phùng nhi an ủi! Ai ngờ nó lại bị người ta hại phải ly tán mất năm năm!
Phùng Bất Nghiêng nghe vậy càng thêm đau lòng:
- Là do lỗi của ta không bảo vệ được Phùng nhi! Hai nàng trách ta đúng lắm!
Phùng Nghi Văn òa khóc nghẹn ngào:
- Giờ đây hai chị em thiếp đầu tóc đều đã bạc trắng, tuổi tác lại hơn bảy mươi, đã là gần đất xa trời nhưng chưa hề được phúc phần ẳm bồng cháu chắt! Hai thiếp thật sự bất hạnh! Chưa kể Bạch gia trang nào có kẻ nối dõi tông đường!
Phùng Ân Khổ cũng liền phụ họa:
- Chỉ sợ khi chúng ta nằm xuống, chẳng còn có ai để thắp nén hương an ủi! Hai chị em ta thật là mệnh khổ! Bạch gia trang thật là mệnh khổ!
Phùng Bất Nghiêng bị hai phu nhân thay nhau làm mình làm mẩy. Lão cũng đành thở dài ngao ngán:
- Thôi được! Ta chiều ý hai nàng lần này! Tuy nhiên, nếu con bé kia không chịu thì không được ép buộc thêm! Dầu gì nó cũng là con ruột của Trương Phi Yến, chúng ta không nên làm khó dễ!
Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn chỉ chờ có vậy liền nhoẻn miệng cười tươi vâng dạ ngoan ngoãn. Đêm đã khuya thành thử cả ba nhanh chóng thổi nến đi nghỉ. Tuy nhiên người nào cũng háo hức chờ đến trời sáng.
Trời đêm ở Trường Bạch gió tuyết thổi mù mịt. Rét buốt theo cảnh cửa sổ để hờ tràn vào càng lúc càng lạnh lẽo. Văn Viễn cùng Đại Sỹ thần trí đều mơ màng tự nhiên ôm chặt lấy nhau không buông. Văn Viễn công lực cao hơn nên dầu bị Phùng Nghi Văn điểm trúng mê huyệt nhưng chừng đến canh ba đã dần hồi tỉnh. Tuy nhiên, do hít quá nhiều khói cỏ Cải Mệnh, cho nên ông vẫn mơ màng. Văn Viễn đã cảm nhận được đang ôm lấy một nữ nhân. Nữ nhân này cũng không hề mặc y phục trên người. Văn Viễn khí lực sung mãn nên thỉnh thoảng khi ngủ vẫn hay mơ bậy bạ. Ông lúc này cứ cho rằng đang trong cõi mộng nên không hề ái ngại. Đại Sỹ nội lực yếu hơn nên vẫn cứ mơ màng. Nàng tuy cảm nhận được có nam nhân kề cận những vẫn nghĩ chỉ là ảo giác viễn vông. Nam thanh nữ tú đang tuổi tráng niên, ai lại chẳng đôi lần mộng mị bậy bạ. Ấy là vì khí lực sung mãn trong người mà nên.
Thành ra, Văn Viễn cùng Đại Sỹ quấn quýt lấy nhau mà vuốt ve ôm ấp đều vẫn tưởng đang trong cơn mộng, cho nên chẳng hề có chút e dè.
Đến gần trưa hôm sau, cả hai mới tỉnh giấc. Tuy nhiên, cả hai đều có cảm giác lâng lâng thích thú nên chưa vội mở mắt. Ai nấy đều thầm nghĩ:
- Giấc mộng đêm qua thật đẹp!
Cả hai nhận ra vẫn còn đang được ôm ấp vuốt ve, không khỏi lẩm bẩm:
- Giấc mộng thật lạ, đã tỉnh ngủ mà vẫn còn cảm nhận được!
Văn Viễn thích thú vuốt dọc theo phần bụng thon thả của nữ nhân đang ôm ấp. Ông đặt tay lên khuôn ngực mềm mại bỗng nhiên giật nảy người kinh hãi. Đại Sỹ lúc này cũng đang đặt tay lên ngực Văn Viễn. Cả hai đồng loạt nhận ra nhịp tim của đối phương liền hiểu không phải là giấc mộng.
Văn Viễn và Đại Sỹ cùng lúc hé mắt ra nhìn. Cả hai người không khỏi hoảng hốt vội hất tung chăn mà nhỏm dậy. Lúc này ai nấy mới biết trên người đều không có một mảnh vãi che đậy càng hoảng hốt la to, bất đắc dĩ phải ngồi xuống giường kéo chăn quấn lại. Đại Sỹ nhớ tới đêm qua thản nhiên để Văn Viễn vuốt ve hết nội thể xấu hổ đến chết đi được. Nàng ta liền bật khóc mà tát Văn Viễn một cái. Văn Viễn không dám chống trả ngoãn ngoãn chịu trận:
- Ta sao lại làm ra chuyện đồi bại này? Ta…ta thật đáng chết!
Văn Viễn tự tát mình một cái mà hối hận. Ông nhớ đêm qua hít khói cỏ Cải Mệnh rồi chìm vào giấc ngủ say, không hiểu làm sao lại thành ra cởi sạch hết y phục của Đại Sỹ mà vuốt ve ôm ấp cả đêm. Đại Sỹ nghĩ tới chuyện đêm qua Văn Viễn ôm ấp mình thì ít, lại nghĩ đến việc bản thân cũng vuốt ve ông là nhiều. Càng nghĩ vậy, nàng càng không khỏi hổ thẹn mà khóc lóc tức tưởi.
Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ đã đợi sẵn bên ngoài. Hai bà chỉ chờ nghe tiếng la liền làm như đến thăm Đại Sỹ mà đẩy cửa vào. Văn Viễn cùng Đại Sỹ thấy hai bà liền sợ hãi. Phùng Ân Khổ lập tức dậm chân than trời:
- Đứa con hồ đồ của ta đang làm chuyện khờ dại gì vậy? Sao con dám…
Văn Viễn thấy Phùng Ân Khô la lớn càng thêm hoảng loạn. Nhưng ông trên người không một tấm vải che thân nào dám đứng lên để cải chính. Ông đành im lặng cúi đầu nghe Phùng Ân Khổ trách mắng. Phùng Nghi Văn thấy Đại Sỹ khóc kể, bèn đến bên cạnh ôm nàng vào lòng mà an ủi:
- Con dâu đừng lo lắng! Để mẹ nhỏ đòi lại công bằng cho con!
Bà ta nói lời này hoàn toàn là thật lòng.
Phùng Nghi Văn tuy đầu têu bày ra chuyện này, nhưng nhìn Đại Sỹ khóc kể, bà ta cũng thương cảm vô hạn. Hiển nhiên, có khuê nữ nào chịu được tự nhiên bị một nam nhân chung giường chiếu lại không có gì che thân. Đại Sỹ càng khóc lóc, Phùng Nghi Văn càng thấy hối hận. Bà ta liền nghiêm giọng với Văn Viễn:
- Con đã làm hoen ố tấm thân của tiểu thư này dầu có chết cũng không thể đền hết tội!
Văn Viễn từ lúc nhớ lại thân phận Bạch công tử, lúc nào cũng được Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn yêu chiều hết mực. Lần đầu tiên ông thấy hai bà nổi giận quở trách không khỏi sợ hãi trong bụng. Ông cúi đầu im thin thít không dám hó hé nửa câu.
Phùng Nghi Văn ngó chừng mọi chuyện đều diễn biến thuận lợi. Bà ta liếc nhìn Phùng Ân Khổ. Phùng Ân Khổ liền giả như đắn đo:
- Chuyện đã lỡ dầu có oán thán cũng không được gì! Hơn nữa tiểu thư này vừa xinh đẹp lại biết phép cư xử rất vừa bụng mẹ! Cho nên, chỉ có cách tác hợp để thành con dâu chính thức của Bạch gia trang! Coi như mọi chuyện đều êm xuôi! Tiểu thư có được danh phận cũng không hề thua thiệt! Con lại đền được tội của mình!
Văn Viễn còn cách nào khác chỉ biết vâng dạ luôn miệng. Đại Sỹ tuy vẫn khóc lóc nhưng nghe lời này, nàng liền đoán ra được phần nào. Đại Sỹ nhớ lại, đêm qua có người lén đánh vào mê huyệt khiến bản thân bị ngất đi. Nàng liếc nhìn Phùng Nghi Văn vừa lúc bắt gặp ánh mắt ôn nhu đầy hối hận của bà ta nhìn, càng chắc thầm chuyện này có mờ ám. Nàng tự nhiên vừa giận vừa thẹn. Phùng Nghi Văn như đọc được tâm trạng của Đại Sỹ. Bà ta nói:
- Con an tâm! Ta sẽ làm một người mẹ chồng tốt! Ta thay mặt Phùng nhi mà tạ tội với con!
Phùng Nghi Văn nói xong liền đứng dậy toan xá một cái. Hiển nhiên cái xa này thật ra là bà ta muốn tạ tội vì đã ép Đại Sỹ. Tam Ác Thánh người nào cũng đã cao tuổi lại có địa vị trọng yếu trong giang hồ, hạ mình với một cô bé mười tám, còn gì mà trọng thể hơn được nữa. Đại Sỹ vội vàng nắm tay Phùng Nghi Văn mà giữ lại. Nàng sao có thể nhận nổi cái xá của bà ta được. Đại Sỹ tuy còn giận nhưng nghĩ lại Phùng Nghi Văn xuống nước cũng nguôi ngoai không còn oán trách. Nàng nghĩ lại dầu gì cũng đã chung giường chung chăn với Văn Viễn, còn ôm ấp nhau cả đêm, thì làm sao có cách nào từ chối chuyện hôn ước. Đại Sỹ khẻ liếc nhìn Văn Viễn một cái mà thẹn hồng hai má:
- Ta sau này nhất định sẽ hành hạ chàng mới được!
Nàng ta bụng nghĩ vậy nhưng thật sự cũng không biết sẽ hành hạ thế nào.
Đại Sỹ từ lúc được Văn Viễn đứng che mũi kiếm của Vương Tố Tâm, đã có ý mến mộ. Nàng ta nghe ông kể rõ mọi chuyện càng thêm thương cảm, tự nhiên sự mến mộ kết tinh dần thành tình ý. Mấy tháng lưu lại Bạch gia trang, nàng đều thấy ông khiêm nhường ôn nhu, xử việc tuy hay theo quy củ nhưng bản tánh rất thoáng đạt. Tâm tình con người kỳ lạ vô cùng. Có thể ban đầu hoàn toàn xa lạ không hề có chút liên kết gì. Chỉ cần một sự gắn kết, sẽ như ngọn lửa ngấm ngầm cháy bừng tình ái khi nào chẳng hay biết. Đại Sỹ với Văn Viễn chính là như vậy.
Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn từng trải, ngó thấy ánh mắt liếc của Đại Sỹ đã thấy rõ ngay tâm ý bên trong. Hai bà vui mừng khôn kể xiết, chỉ cần Văn Viễn ngoan ngoãn đồng ý xem như là viên mãn. Hai bà tự động nhìn chăm chăm vào Văn Viễn chờ đợi. Đại Sỹ lúc này bụng cũng nghĩ:
- Ta…ta thật sự có ý thích hắn! Nhưng hắn có thích ta không? Hắn lúc nào cũng chỉ có bà bà thần tiên giả mạo kia đó thôi!
Đại Sỹ cũng nhìn Văn Viễn hồi hộp chờ đợi.
Cả ba nữ nhân đều chăm chú vào Văn Viễn. Ai dè, câu đầu tiên ông mở miệng:
- Con sao có thể lấy tiểu thư đây được?
Cả ba người đều chán nản ra mặt. Đại Sỹ không nhịn nổi ấm ức liền khóc òa nghẹn ngào. Phùng Nghi Văn vội vàng dỗ dành nàng ta. Phùng Ân Khổ thì quát:
- Con lẽ nào muốn chối bỏ trách nhiệm hay sao?
Văn Viễn gãi đầu gãi tai đáp:
- Không, không! Con nào có ý đó! Con chỉ là không xứng để lấy tiểu thư này thôi! Con sao dám tay thấp với cao cho được! Tiểu thư vừa đoan trang lại thông minh xinh đẹp! Nếu phải bắt nàng ấy phải kết duyên khác gì khiến nàng phải cam chịu hạ thấp!
Đại Sỹ nghe xong tự nhiên thấy ấm áp trong lòng. Phùng Nghi Văn liền thở phào nhẹ nhỏm. Bà cứ tưởng Văn Viễn chê trách Đại Sỹ, hóa ra là ông tự chê trách mình. Phùng Ân Khổ cũng trút được âu lo. Bà ta nói:
- Con là Bạch công tử của Bạch gia trang, ai nói thân phận thấp kém! Sánh với tiểu thư đây đúng là một cặp trời sanh vẹn bề đề đẹp! Con chớ nghĩ quẩn! Mau mau nói xem, con có chịu hôn ước này hay không?
Văn Viễn bất giác liếc nhìn Đại Sỹ. Ông thấy trên mặt nàng vẫn còn ướt đẫm nước mắt tự nhiên cũng mềm lòng. Nghĩ lại chuyện xúc phạm thân thể nàng đêm qua, ông bèn ngượng ngùng đáp:
- Con chỉ sợ tiểu thư đây không đồng ý!
Hai bà liền quay sang Đại Sỹ chờ đợi. Hiển nhiên, Đại Sỹ ngượng chín mặt làm sao có thể trả lời được. Nàng cứ cúi đầu ấp úng không thôi. Phùng Nghi Văn liền cười khanh khách:
- Vậy để hai thân già này quyết định ngày lành tháng tốt cho hai con!
Phùng Ân Khổ cũng chỉ chờ có vậy mà tiếp lời:
- Ngày mai lại đúng buổi đẹp trời! Chi bằng cứ tổ chức là hợp ý nhất! Đã lâu Bạch gia trang chưa có hội tiệc gì linh đình náo nhiệt!
Hai bà người tung người hứng khiến Văn Viễn cùng Đại Sỹ càng nghe càng ngượng ngùng. Cả hai vô tình lại chạm thân thể vào nhau, tức thì cảm giác vai kề má ấp liền hiện hữu trong tâm trí. Văn Viễn bạo gan lần mò nắm lấy tay Đại Sỹ khiến nàng hơi giật mình. Ông truyền âm nói:
- Ta thật không tốt đã làm nàng phải chịu thiệt thòi! Ta nhất định sẽ…sẽ yêu thương nàng thật tâm!
Ông nói đến đây tự nhiên lại nhớ đến Cao Bạch Vân ở thủy trại Phi Hổ. Văn Viễn từ lúc vào giang nam gặp qua nhiều nữ nhân. Tuy trong bụng ông hết mực chung tình với bà bà thần tiên nhưng rốt cuộc, Cao Bạch Vân lại là người ông mở miệng thổ lộ luyến ái đầu tiên. Ông ngay giờ khắc này nhớ lại cảm giác ôm ấp nàng trong phòng thuốc của thủy trại Phi Hổ, tức thì day dứt khó tả.
Đại Sỹ nghe lời truyền âm của Văn Viễn, trong lòng hoan hỷ tột độ. Nàng khẽ gật đầu một cái ngoan ngoãn nắm chặt lấy tay ông như hẹn ước. Tuy cả hai đều lén lút thập thò dưới chăn nhưng sao qua nổi mắt của Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn. Hai bà mặc kệ vội vàng chạy đi ra ngoài hô hào sắp đặt hỉ sự. Khắp Bạch gia trang tức thì náo loạn tiếng chân như có chiến sự. Tiếng reo hò tức thì vang dội trong trang. Chuyện Bạch công tử thành thân, người nào cũng vui mừng hể hả. Nhất là Tam Ác Thánh, vừa có lại đứa con còn thêm dâu tốt. Bọn họ miệng cười hết cở cùng ngồi xuống bàn bạc thết tiệc.
Đại Sỹ bớt ngượng ngùng mới bạo gan hỏi Văn Viễn:
- Chàng thật lòng thật dạ yêu thích ta thật ư?
Văn Viễn không dám giấu bèn nói thật lòng:
- Ta…ta đã có ý thích nàng từ lâu! Nhưng không hiểu sao lúc này ta lại nghĩ đến Cao Bạch Vân! Ta…không phải cố ý xem thường nàng! Nhưng thật sự ta nhớ Cao Bạch Vân vô cùng! Nàng ấy tuy không có kiến thức bằng nàng nhưng lại cho ta cảm giác rất an tâm! Nàng thì lại khiến ta khâm phục trí tuệ! Ta…ta thật sự là kẻ không ra gì! Ta vừa thề thốt yêu thương nàng thật lòng làm sao lại còn nghĩ đến người khác!
Đại Sỹ ban đầu nghe lời này hiển nhiên thấy ghen tức trong bụng. Nhưng nàng ngẫm lại thì tự nhiên càng thêm yêu thích Văn Viễn. Chẳng có ai dại dột đem chuyện này để nói với hôn thê tương lai. Điều này chứng tỏ Văn Viễn không hề muốn dối gạt. Đại Sỹ nhìn ông khổ sở tự trách mắng bản thân liền nhoài qua ôm chặt lấy ông:
- Chàng khờ này thật là tham lam! Nhưng thiếp lỡ đồng ý gả cho chàng rồi thì phải cam chịu! Nhưng nếu sau này chàng lạnh nhạt hất hủi, thiếp nhất định sẽ mách với mẹ lớn, mẹ nhỏ trách tội chàng!
Văn Viễn cứ tưởng sẽ bị Đại Sỹ oán trách. Ông không ngờ nàng ta chẳng những không trách móc lại còn bỏ qua liền cảm kích vô cùng. Ông ghì chặt lấy Đại Sỹ thủ thỉ:
- Nàng thật sự là người có tấm lòng rộng lượng! Ta nhất định sẽ không bao giờ dám khinh mạn mà bạc đãi nàng!
Cả hai tâm ý đều thông suốt nên không kềm được tự động cuốn quýt ngọt lịm môi hôn.
Tuyết bên ngoài càng lúc càng rơi dày nhưng nào có lạnh nổi hai thân thể đang rạo rực lửa tình trong phòng.
Tam Ác Thánh cho người trang hoàng đèn lồng khắp thảy Bạch gia trang. Lụa đỏ, rèm hoa nhanh chóng được bày biện. Nhưng người ở Bạch gia trang nếu không phải là cao thủ nhất hạng thì cũng đều là kẻ bản lĩnh đầy người. Hiển nhiên thân thủ của bọn họ nhanh nhẹn không sao tưởng nổi. Lúc Văn Viễn nắm tay Đại Sỹ ngượng ngùng bước ra thì từ đầu cổng đến tận hậu viện đều đã bài trí gần như xong xuôi. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn tức thì túm lấy cả hai bắt phải thử quần áo. Hai bà tất bật như thể sợ không còn dịp để thấy hôn lễ được diễn ra. Phùng Bất Nghiêng đã cho người đi loan tin khắp nơi về hôn lễ. Tuy nhiên, để tránh xảy ra chuyện ngoài ý muốn, lão không hề gởi thiếp mời cho bất kỳ kẻ nào. Những người nhận tin liền hiểu Tam Ác Thánh chẳng hoan nghênh khách khứa đến viếng đông đảo. Bọn họ vội vàng chuẩn bị quà mừng cắt cự cho người gấp rút mang đến Bạch gia trang.
Tam Ác Thánh uy danh khiến hai phía chánh tà đều kiêng nể. Thành thử kẻ nào cũng tranh thủ lấy lòng. Đến xế chiều đã có mấy đoàn ngựa xe lũ lượt kéo lên núi Trường Bạch. Gặp đúng dịp tuyết rơi dày, xe ngựa không đến nơi được. Bọn họ liền dựng lều nghỉ lại, cho người lên Bạch gia trang gởi bái thiệp. Trương Thị Song Hùng, Bạch Đầu Tứ Yêu đành phải xuống tận nơi để nhận quà mừng. Cứ thế kéo dài đến quá nửa đêm, quà mừng càng dồn dập. Rốt cuộc cả thảy mọi người trong Bạch gia trang đều lần lượt thay phiên xuống núi nhận quà. Đại sảnh của Bạch gia trang rộng lớn vẫn không đủ để chứa hết lễ vật của các nơi viếng tặng. Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ bỏ cả đêm bên cạnh Đại Sỹ mà tỉ tê tâm sự. Hai bà sợ nàng tủi thân nên nhất mực dặn dò trìu mến càng làm nàng thêm quý trọng. Văn Viễn tất nhiên là bị Phùng Bất Nghiêng bắt nói chuyện cả đêm. Phùng Bất Nghiêng đem đạo vợ chồng, đem luân lý ra giảng giải. Văn Viễn chỉ nghĩ lão là võ phu cương trực, không ngờ về chữ nghĩa cũng cao thâm như võ học. Ông càng nghe càng nể phục.
Đến sáng hôm sau, Bạch gia trang như mở hội. Tuy cả thảy chỉ có trên dưới ba mươi người nhưng không khí vô cùng náo nức. Tất cả đều là người giang hồ nên không câu nệ lễ nghi rườm rà. Căn bản chỉ thắp hương để vái tổ tông, sau đó Văn Viễn cùng Đại Sỹ quỳ xuống mà dâng trà cho Tam Ác Thánh. Phùng Ân Khổ, Phùng Bất Nghiêng nghe Đại Sy gọi mẹ lớn, mẹ nhỏ thì sướng vui tột độ. Mọi người lại lũ lượt chúc tụng tân lang, tân nương. Văn Viễn tuy trong lòng rất đỗi hân hoan nhưng cũng kịp ngó thấy Phùng Bất Nghiêng lặng lẽ bê mấy bài vị của tổ tiên đi đâu mất hút. Tuy nhiên, ông cũng nhanh chóng bị kéo vào các cuộc rượu. Đại Sỹ cũng bị ép uống rượu không ngớt. Phùng Bất Nghiêng liền đứng ra uống thế cho con dâu. Văn Viễn nhờ có độc của Thiên Niên Trùng nên uống bao nhiêu rượu đều bị trung hòa mà bốc ngược hơi ra ngoài. Riêng Phùng Bất Nghiêng là thật bụng uống. Lão tửu lượng như rồng, lại đang lúc có chuyện vui nên qua hai canh giờ, đã đổ gần hai phần ba rượu mừng qua cuống họng.
Quá trưa, Văn Viễn cũng đã say ngà, Đại Sỹ tuy chỉ nhấp môi nhưng cũng đã chếnh choáng. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn vội vàng nắm tay đưa cả hai vào tân phòng. Phùng Nghi Văn sợ Đại Sỹ tủi thân nên dọc đường không thôi thì thầm dỗ dành. Đại Sỹ chưa biết sau này Văn Viễn sẽ yêu thương đến đâu. Tuy nhiên, về chuyện được mẹ chồng quý mến, nàng ta vô cùng cảm kích trong bụng. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn đưa cả hai đến tận cửa phòng mới cười tươi ưng ý vội vàng quay ra đại sảnh để tiếp tục nhập tiệc. Văn Viễn ngồi bên Đại Sỹ trong tân phòng. Cả hai đều không khỏi liên tưởng đến chuyện đêm trước còn tưởng cơn mộng mà vai kề má ấp.
Tân phòng tuy rộng
Chứa nào đủ sóng tình
Mấy ngày sau, Bạch gia trang vô cùng yên ấm. Đại Sỹ cùng Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn thêu thùa may vá, đôi khi lại luận thơ xướng họa. Văn Viễn lại theo Phùng Bất Nghiêng cùng Trương Thị Song Hùng, Bạch Đầu Tứ Yêu săn bắn. Đôi lúc, Văn Viễn lại dẫn Đại Sỹ đi cùng. Toàn núi Trường Bạch chỉ có tuyết trắng nhưng cả hai đều thấy khung cảnh nên thơ kỳ lạ. Âu cũng vì lửa tình nồng đượm, nên sỏi đá vô tri hay băng tuyết lạnh lùng, nhìn đều thấy có sức sống.
Phải trúng dịp tuyết tự nhiên rơi dày liên tục mấy ngày, một tuần có liền bốn năm trận bão tuyết, Văn Viễn không thể đi săn bắn đành ở nhà cùng Tam Ác Thánh và Đại Sỹ bày đủ trò tiêu khiển. Từ đánh cờ, họa chữ đến xướng ngâm thi phú, mãi mê hơn nửa tháng ròng, bao nhiêu hứng thú cũng nhạt, ông tự nhiên lại muốn đánh đàn. Bộ cầm thư của Cầm Điệp Cuồng Sinh, Văn Viễn đều thuộc làu. Ông nhân lúc rảnh rỗi bèn luyện lại hết thảy. Văn Viễn từ lúc về Bạch gia trang thường được Phùng Bất Nghiêng chỉ điểm về nội công. Bản thân ông có được hàn nhiệt sung mãn nên dễ dàng tiếp thu, tiến triển nhanh chóng. Bây giờ ông dồn tâm trí luyện đàn, tự nhiên phát hiện thêm nhiều điều kỳ diệu. Vì vậy, cầm nghệ liền có tiến triển.
Tuy nhiên, ông bỗng nhiên lại nhớ bà bà thần tiên da diết.
Văn Viễn từ lúc kết duyên với Đại Sỹ, suốt ngày quấn quýt mặn nồng nên bao nhiêu chuyện cũ đều dần phai nhạt. Chẳng ngờ rổi rảnh chơi đàn, khiến những thương tâm dần dần gợi lại. Có lần ông thuận tay đánh khúc nhạc Ai Lệ của Minh Khổ thời hậu Hán, tự nhiên rơi nước mắt theo tiếng đàn. May mà không có ai trông thấy. Văn Viễn tuy khổ não nhưng đều giấu kín trong bụng. Tam Ác Thánh cùng Đại Sỹ thấy ông vẫn tươi cười nên đều không quan tâm đến. Duy chỉ có Phùng Nghi Văn vô tình nghe tiếng đàn của Văn Viễn thống thiết, bèn lưu tâm. Bà ta không nói cho Phùng Ân Khổ, Phùng Bất Nghiêng biết, âm thầm theo dõi Văn Viễn. Bốn năm lần, bà ta thấy ông đánh đàn xong đều chống tay trầm tư, liền đoán ra được phần nào.
Văn Viễn càng ngày càng chất chồng tâm sự. Đến một lúc ông không thể chịu nổi bèn đến tìm Phùng Nghi Văn. Ông dầu do Phùng Ân Khổ sanh ra nhưng từ nhỏ đã gần gũi Phùng Nghi Văn. Cho nên những lúc gặp chuyện không thể nói cho ai biết, ông liền nói cho bà ta nghe. Văn Viễn cứ gục trong lòng Phung Nghi Văn mà kể lễ hết nổi niềm. Một người ba mươi tuổi khóc lóc chẳng khác gì con trẻ mách chuyện ấm ức với mẹ đã hơn bảy mươi. Con cái càng lớn càng phải giữ tôn nghiêm nên dần dà sanh cách biệt với cha mẹ, không mấy ai được như thơ bé, chuyện buồn vui gì cũng đem kể lễ với thân sinh. Hiển nhiên, Phùng Nghi Văn đến ngần này tuổi vẫn được cơ hội dỗ dành Văn Viễn, trong lòng hạnh phúc vô kể. Bà ta lựa lời an ủi để Văn Viễn nguôi ngoai. Văn Viễn khóc kể một trận cũng khiến lòng dạ nhẹ nhỏm. Ông hôm đó ngủ quên trong lòng Phùng Nghi Văn lúc nào không hay biết.
Từ khi đó, Phùng Nghi Văn càng thấy lo lắng bất an. Thành ra, bà ta không thôi ngó chừng Văn Viễn.
Một đêm gió tuyết nổi lớn, Văn Viễn đang ngủ cùng Đại Sỹ bị tiếng gió đập vào cửa sổ khiến giật mình thức giấc. Ông nhẹ nhàng bước xuống giường toan đóng chặt cửa lại. Đột nhiên, ông nghe ra mùi hương quen thuộc. Tuy bên ngoài đang có gió tuyết thổi mạnh khiến mùi hương bị tản mác chỉ thoang thoảng. Nhờ khứu giác cực kỳ nhanh nhạy, Văn Viễn vẫn ngửi được. Ông run rẩy lắp bắp:
- Bà bà…bà bà thần tiên ư?
Văn Viễn tức thì mở cửa nhìn nhìn ra bên ngoài. Trên lớp tuyết dày bao phủ ở bờ tường hướng nam, đang có một người mặc y phục màu đen đứng đợi. Người này thấy Văn Viễn liền quay lưng bỏ chạy. Văn Viễn vội vàng dùng khinh công đuổi theo. Chớp mắt ông đã chạy ra khỏi Bạch gia trang hơn mười dặm. Người kia có ý dẫn dụ nên giữ khoảng cách nhất định để Văn Viễn không lạc mất. Chẳng ngờ, Văn Viễn giờ đây khinh công đã tiến triển vượt bậc, mấy lần gần bắt kịp. Người kia hoảng hồn vội vàng gia tăng cước lực cố thoát. Dè đâu chừng được năm dặm đường tuyết, Văn Viễn đã phóng người nhảy lên đoán đầu.
Văn Viễn lúc này đứng đối diện với người kia chỉ cách mười bước chân. Ông liền nhận ra đó là nam nhân. Người này mặc y phục dạ hành che kín mặt mũi. Hắn đang cầm trên tay một khuôn lụa đen lớn. Văn Viễn chính là bị mùi hương từ khuôn lụa này tưởng lầm là bà bà thần tiên.
Văn Viễn liền hỏi:
- Không biết vì sao nửa đêm lại rình mò ở Bạch gia trang?
Người kia cười ha hả:
-Ta chỉ tiện đường ngang qua định tìm chổ trú tuyết! Còn Bạch công tử, sao nửa đêm không ngủ lại chạy theo ta làm gì? Có phải vì khuôn lụa ta đang cầm trên tay hay là không?
Văn Viễn nghe giọng nói đoán chừng người này đã gần bảy mươi tuổi. Văn Viễn cung kính hỏi:
- Tiền bối mang theo khuôn lụa của Hắc Quan Âm, rõ ràng có ý để tại hạ theo ra ngoài! Không biết có phải muốn báo tin?
Người kia gật gù:
- Bạch công tử rất thông minh! Ta có tin về Hắc Quan Âm muốn báo! Tuy nhiên, ta cũng muốn biết công tử sẽ hậu tạ như thế nào!
Văn Viễn liền hiểu ngay hàm ý bên trong:
- Thì ra tiền bối đến để mặc cả! Nếu là tin về Hắc Quan Âm, dầu trao đổi thế nào, tại hạ cũng nguyện chấp nhận! Không biết, Hắc Quan Âm sống chết thế nào!
Người kia hừ nhạt:
- Bạch công tử đã cưới được vợ đẹp, sao còn quan tâm đến lão bà hơn bảy mươi làm gì? Có tham lam quá không?
Văn Viễn thản nhiên đáp:
- Là chuyện riêng của tại hạ! Không biết tiền bối đến báo tin hay đến để hỏi chuyện riêng người khác!
Văn Viễn vì bị người kia nói trúng ruột gan nên không kềm được giận. Ông tuy biết người kia cao tuổi nhưng nhất thời khó chống chế, ăn nói chẳng thèm cung kính. Người kia nhận ra, liền cười hà hà:
- Phải! Phải! Ta đã nhiều chuyện! Ta hôm nay muốn làm một cuộc trao đổi với Bạch công tử! Bạch công tử đây được Tam Ác Thánh yêu chiều hết mực, ta tất nhiên không ngu dại mà trêu đùa! Cho nên, tin ta đem đến là thật! Bạch công tử có thể an tâm!
Văn Viễn hỏi:
- Không biết tiền bối muốn trao đổi như thế nào?