Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 10


Truyện ngắn 10
Tự biết mình

Bây giờ thì nàng đang nằm trên chiếc giường trong căn phòng rộng tới hai mươi mét vuông, nhưng lại không có một thứ gì có thể gọi là đáng giá được bày đặt trong phòng. Mọi thứ đã tẩu tán hết. Cái thì bán đi chia tiền, cái thì chồng nàng sau khi chia tay, khuân về nhà bố đẻ. Duy còn căn phòng, không hiểu sao hắn ta không đả động gì đến. Thậm chí cũng không bảo nàng đưa lại chìa khóa phòng mà những ngày chung sống với nhau mỗi người vẫn giữ một chiếc. Thế lại may, hôm nay nàng mới có chìa khóa vào phòng. Không, chưa biết nàng giờ đang ở đâu.

Cách đây bảy tháng, vợ chồng nàng còn đoàn tụ với nhau trong căn phòng này. Nguyên là dãy phòng học xây cấp bốn, được ngăn lại thành từng căn hộ cho những cặp vợ chồng đều là giáo viên. Nàng không phải là giáo viên. Nhưng chồng nàng là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, vì cảnh dì ghẻ con chồng, không thích ở chung với gia đình trên phố, hơn chục năm nay anh vẫn ở trong khu tập thể. Nên khi xây dựng gia đình được ưu tiên đưa vợ vào ở. Vợ chồng nàng sống với nhau hơn chục năm trong căn phòng ấy, nói là tràn trề hạnh phúc cũng chưa hẳn đúng, còn lục đục triền miên cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng giá có cuộc thi vấn đáp các bà vợ về tình yêu và lòng chung thủy với đức lang quân, thì có lẽ nàng cũng rất khó trả lời cho suôn sẻ. Nàng chỉ cảm thấy khi thì kính nể, khi thì khinh nhờn chồng, y như tấm màn nửa sáng nửa tối rất khó tách bạch. Chồng nàng là

 

một người đàn ông hiền lành, trung thực, vị tha đến có lúc nàng không thể nín nhịn. Ai đời, là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, mà mấy tháng hè không dám dạy thêm một học sinh nào. Chỉ khi thì kèm cặp một hai đứa cháu con ông anh, bà chị; khi thì phụ đạo mỗi tuần nửa ngày chủ nhật cho con của những ông bạn "đồng môn" chẳng biết từ bao giờ. Có nói thì lại cười trừ: "Mình là thầy giáo, được cả xã hội kính nể. Chứ có phải con buôn đâu mà mở quán bán chữ tại gia". Nghe tức anh ách. Đã nghèo lại làm bộ. Đến có cái quán cà phê, thỉnh thoảng bảo ra trông cho người ta chạy nhoáng đi đằng này một tí, cũng nhất định không ra. "Mình là thầy giáo, lại đứng ra bán quán. Thiên hạ người ta nhìn vào còn ra cái gì". Ra cái gì thì quả là chưa ra, nhưng cứ cam sống cảnh nghèo thì nàng không thể chịu. Với thân phận của nàng, đẹp lộng lẫy kiêu sa thì chưa tới, nhưng xấu như Lọ Lem thì lại còn lâu. Nàng vào loại con gái "thường thường bậc trung", nhưng lại đứng ở cái "số đào hoa", tự dưng của trời mang đến. Có lẽ ở nước da trắng trẻo, đôi mắt to lúc nào cũng mở thao láo nhìn xoáy vào người đang nói chuyện với mình, nửa như mời chào, nửa như thách thức. Chẳng biết có phải nhờ đôi mắt ấy, nàng đã lọt vào "mắt xanh" của một anh chàng tự giới thiệu là nhà biên kịch kiêm luôn cả đạo diễn, quay phim của "hãng Thanh Xuân" nào đấy chăng?

Chỉ biết chiều hôm ấy, như bao buổi chiều mùa đông ảm đạm khác, cái quán cà phê "Hồng Loan" kiêm cho thuê sách truyện và báo cũ của nàng vắng đến lạnh người, thì một cô bạn thân từ hồi học lớp 12 dẫn vào một anh chàng đi chiếc cup 90. Xa người bạn gái lâu ngày mới gặp, nàng còn đang vồn vã nức nở khen: "Chị vào Sài Gòn mới hai năm mà đẹp hẳn ra. Từ thân hình đến nước da, quần áo cứ như đi Tây về", thì đã nghe tiếng anh chàng ngọt xớt: "Em mà vào đó ít lâu cũng chẳng khác Thanh Thúy đây". Nàng nhìn xéo người khách Thanh Thúy vừa dẫn đến, nói khiêm nhường: "Em có vào ít lâu, chứ vào cả đời cũng không bằng chị Thúy". Khách lướt nhanh nhìn cô chủ quán từ nửa người trở lên, rồi dừng lại rất lâu trên khuôn mặt có đôi mắt to nửa như mời chào, nửa như thúc giục. Bắt gặp cái nhìn chằm bặp ấy, nàng hơi cúi xuống như giấu đi chút thẹn thùng, nhưng trên môi lại nở nụ cười tươi tắn, mà có lẽ từ ngày lấy chồng chưa bao giờ nàng có nụ cười như thế ban phát cho anh. Chàng biên kịch kiêm đạo diễn, quay phim nhìn nụ cười của nàng thì như lại "phát hiện" thêm một vẻ đẹp "trời trao" tiềm ẩn sau dáng hình không lấy gì làm lộng lẫy kiêu sa kia. Với "tư duy thị trường", thoáng trong đầu chàng nảy ra một kế hoạch, mà nếu biết cách khai thác cũng không phải không mang lại một nguồn lợi đáng kể. Chàng nói lấp lửng nhưng đầy giọng thúc giục:

- Hồng Loan cứ thử coi, vào đó ít lâu xem có bằng Thanh


Thúy không?

Cô bạn cũng tiếp lời ngay, như thể kẻ tung người hứng, vẻ
hối thúc:

- Đi đi em. Ở trong đó làm hái ra tiền. Chứ ở ngoài này bán
cái quán cà phê tẻ ngắt, với mấy cuốn sách cũ cho thuê thế này,
ăn nhằm gì!

Nàng buông một câu thật lòng, đến mức không cần nghĩ ngợi, nhưng bây giờ nằm trên chiếc giường vợ chồng từng chăn gối ái ân này, nàng mới thấy hối về câu nói thiếu đắn đo khi ấy:

- Em vào trong đó biết làm gì?

Chàng tức thì giơ cả hai tay về phía nàng, vẻ điệu đà rất nghệ sĩ:

- Ô hô hố... Người đẹp của tôi! Không thiếu gì việc cho em
làm. Chỉ sợ có lúc em lại từ chối cả lời mời kèm theo hợp đồng hàng "cây" thôi.

- Chị quên giới thiệu với em về anh Hùng Cường. - Cô bạn nối lời, bàn tay thon thả điệu đà hướng vào chàng - Anh Hùng Cường đây ra chuyến này chỉ với mục đích là đi tìm một người đóng vai chính cho một bộ phim anh ấy làm biên kịch, đạo diễn và quay phim theo hợp đồng trọn gói của một công ty du lịch tầm cỡ ở trong ấy. Vì nhân vật chính là người ngoài Bắc mới vào, nên anh Hùng Cường phải ra ngoài này tìm người sắm vai. Chị ra cũng là theo yêu cầu của anh, mọi chi phí xe cộ, máy bay, ăn nghỉ khách sạn anh ấy bao hết. Một bộ phim video làm trọn vẹn là có hàng chục cây vàng. Chị ở cái nơi gọi là "thủ đô phim ảnh" ra chị biết, chứ không có ít xít ra nhiều đâu. Em nghe chị, vào trong đấy ít lâu. Bọn mình hợp thành một ê kíp, không giàu cũng rủng rỉnh tờ xanh tờ hồng, em ạ. Tội vạ gì cứ ngồi chết gí ở cái quán cà phê tẻ ngắt, với mấy cuốn sách cũ mối xông này. Vào trong đó với bọn này, chỉ ít bữa là em sẽ mở mày mở mặt ra ngay.

Mở mày mở mặt đến đâu thì chưa thấy, chỉ thấy một nỗi đớn đau ê chề vò xé tâm can mà cho đến bây giờ, khi đã trở lại nằm trên chiếc giường trong căn phòng thoang thoảng mùi mồ hôi bốc ra từ bộ quần áo của chồng thay ra bao giờ còn bỏ đó, nàng vẫn thấy ớn lạnh khắp người. Nàng nằm duỗi dài đôi chân cho đỡ mỏi, sau hai ngày một đêm ngồi tàu tốc hành từ Sài Gòn ra, hai tay lùa xuống mái tóc sau gáy làm gối, đôi mắt to thao láo nhìn trân trân lên trần nhà. Dáng nằm ấy gợi nàng nhớ lại cái giường, căn phòng và tiếng máy quay phim chạy xè xè ở một góc khuất nào đó.

Đấy là một cảnh quay mà theo nhà biên kịch kiêm đạo diễn, quay phim Hùng Cường là "đắt nhất" và dặn đi dặn lại: "Em phải thể hiện hết mình". Tiếng chuông gọi phòng vừa dứt, Hồng Loan trong bộ quần áo dài trắng muốt trong vai cô phục vụ bước vào. Đèn phòng lập tức từ màu vàng chuyển sang màu xanh nhạt, rồi xanh thẫm, lạ kỳ, mờ ảo. Tiếng đạo diễn Hùng Cường phát ra từ đâu đó nghe rất nhỏ và giọng hơi lạc đi rất khó nhận: "Chuẩn bị. Vào cảnh...". Đèn phòng vụt tắt. Nàng trút bỏ cái quần, rồi áo dài trắng. Đèn lại lóe sáng. Nhưng lần này là một màu phơn phớt hồng. Phút chốc nàng cảm giác như mình vừa lạc sang một thế giới khác, với một tấm thân hoàn toàn như không còn là mình nữa. Tất cả những gì mà tạo hóa ban phát cho riêng đàn bà, thường ngày được che kín thì bây giờ đều phơi ra dưới ánh đèn màu hồng nhạt. Dù đã được Hùng Cường dặn dò cặn kẽ, nàng vẫn chưa lường hết các pha "thể hiện hết mình" này. Nàng cứ đứng ngây ra bên chiếc giường trải ga trắng muốt, mà hình như có người đàn ông đang nằm quay vào, phủ tấm chăn mỏng tới vai. Như không còn biết phải làm gì, như không nghe thấy tiếng đạo diễn hướng dẫn. Cho đến khi Hùng Cường quát lạc cả giọng: "Sao đứng như phỗng thế? Lên giường. Nhập vai!". Thì nàng như người thình lình gặp hổ, chỉ kịp vơ vội cái áo dài che thân, bổ nhào ra cửa.

Nàng về, đóng trái cửa phòng nằm lì suốt ngày, người bơ phờ mệt mỏi. Bệnh tình thì không thấy đau ở đâu, mà trong người cứ gây gây như lên cơn sốt. Mãi đến sáng hôm sau mới thấy Hùng Cường đến. Nhà biên kịch kiêm đạo diễn, quay phim vẫn còn bực bội về cái pha "thể hiện hết mình", nhưng vẫn cố nén bực dọc, giọng ngọt xớt:

- Anh đã điện cho Thanh Thúy về chăm sóc em. Cô ấy mang băng ra Đà Nẵng chào hàng, chỉ sớm muộn hôm nay sẽ về. Em chịu khó nghỉ ngơi ăn uống ít ngày, rồi chúng mình lại tiếp tục.

- Hừ, tiếp tục...- Nàng trở mình, buông câu nói lửng, rồi vội xoay người quay mặt vào tường. Chàng lại hiểu nàng còn đang mệt mỏi, cần phải thổi vào con tim dễ yếu mềm kia một luồng nhiệt năng mới. Giọng chàng xởi lởi, ngọt ngào:

- Bọn mình không thể bỏ bộ phim hấp dẫn này được, em ạ. Năm trăm triệu đồng chủ bao tiêu hàng đã ứng trước cho rồi. Phim cũng đã quay xong phần ngoại cảnh, chỉ còn vài pha ngăn ngắn nữa là hoàn tất. Mà mấy pha ấy, phần quyết định lại ở em có thể hiện hết mình hay không.

Chợt nàng bật ngồi dậy, đôi mắt thao láo trừng trừng nhìn như phóng dao vào giữa tim chàng. Giọng nàng rít lên như con mãnh thú, làm một người từng trải như Hùng Cường cũng phải bối rối:

- Thôi! Tôi đến phát điên vì cái "thể hiện hết mình" của anh
rồi đây!

Chàng kéo ghế ngồi lại gần giường, giọng dỗ dành:

- Em yên tâm đi. Lần đầu chưa quen thì lần sau, lần sau nữa sẽ quen thôi. Dù quay một hai lần, chứ có phải quay tới mười lần cái pha "thể hiện hết mình" của em, anh cũng sẵn sàng vứt đi mấy cuốn băng để quay bằng được.

Nàng chồm lên như định sấn tới cào cấu cắn xé Hùng Cường ngay tức khắc:

- Không! Không bao giờ tôi phơi mình trước ống kính của anh lần nữa. Thế là quá đủ sự ê chề đối với một người đàn bà như tôi rồi.

Nàng thở dốc, ngẩng đầu dậy ngó nghiêng khắp phòng. Chỉ thấy thoang thoảng mùi mồ hôi quen thuộc bốc ra từ những chiếc quần áo mà chồng nàng thay ra vứt đâu đó chưa kịp giặt. Mình tỉnh hay mê? Chẳng lẽ đã trở về đúng căn phòng mà mấy tháng trước nàng vùng vằng ném tờ giấy ra trước mặt chồng:

- Đây, đơn ly hôn tôi đã viết sẵn. Anh có đồng ý hay không, tôi đã ký rồi!

Hắn ta nhìn xéo tờ đơn trước mặt như một thứ giấy lộn, rồi bỏ ra ngoài. Người đâu gan lì. Đã thế nàng đi thật. Đi cho mở mày
mở mặt.

Thế mà bây giờ, nàng lại trở về đúng cái căn phòng hôm chia tay nàng nhặt nhạnh không sót một cái áo cũ. May khi ấy hắn ta không đòi lại chiếc chìa khóa phòng. Mà cũng lạ, suốt mấy tháng trời nàng đi không biết bao nhiêu nơi ở Sài Gòn, Vũng Tàu. Quên lãng, mất mát cũng nhiều thứ. Thế nhưng chiếc chìa khóa phòng vẫn dính chặt vào chùm chìa khóa, nằm gọn trong góc túi xách.

Có tiếng vặn nắm đấm cửa làm nàng bừng tỉnh. Nàng nhìn đồng hồ tay. Mới mười sáu giờ mười năm phút. Chẳng lẽ hắn ta đã về. Mà hắn ta về thật. Giọng nói quen thuộc, nhẹ êm lọt qua khe cửa: "Ai lại mở cửa phòng tôi mà vào thế nhỉ". Nàng choàng dậy, không kịp xỏ dép vào chân, rón rén bước ra. Cánh cửa nhẹ mở, hai cặp mắt nhìn nhau một thoáng. Giọng người đàn ông nhỏ nhẹ cất lên, không ngỡ ngàng cũng không chằm bặp:

 

- Cô lại quay về à?

- ..........

- Cô về thăm lại nơi xưa chốn cũ, hay.....

Nghe giọng nói, nhìn khuôn mặt tỉnh khô, hiền hậu của anh chàng nhà giáo giữa thời "loạn dạy thêm" mà chỉ nhận dạy học sinh là con em bạn bè, chú bác, bỗng nàng như người đi đường nắng gặp bóng cây xanh. Nàng bỗng thấy hai mắt cay cay, vội giấu mặt, nói chậm rãi:

- Tôi về để xin anh...

- Cho cô đơn.......

Nàng vội cắt ngang, như chỉ sợ cái câu chàng sắp nói ra sẽ là lời tàn nhẫn đến vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau:

- Không, anh Hồng, em không có ý định đó nữa.

Nghe giọng nói hụt hẫng và nhìn vẻ mặt bối rối, phờ phạc của nàng, bỗng chàng như chợt hiểu ra tất cả. Chàng mỉm cười, nói một câu vẻ như bông đùa, nhưng lại xua đi nỗi phấp phỏng chờ mong đang đè nặng trong lòng nàng:

- Cũng may là tôi chưa ký, và cũng không bao giờ nỡ đặt bút ký vào lá đơn ly hôn của cô. Bởi là chồng cô, lại là giáo viên dạy Văn trung học phổ thông, tôi biết cô không thể làm cái thứ nghệ thuật như thế. Nhưng cô muốn, tôi cũng không nỡ cản. Có điều mỗi người cần tự biết khả năng đích thực của mình.

Không thể nén chờ được nữa, nghe chàng nói, nàng chỉ lắp bắp được hai tiếng: "Anh Hồng", rồi đổ nhào vào lòng chàng van lơn,
chờ đợi.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84084


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận