Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 11


Truyện ngắn 11
Chuyện tình ngày ấy

Ở làng Phương chẳng chuyện gì giấu được. Ví như chuyện bà Mây. Mấy ngày nay, khắp xóm trong ngõ ngoài cứ lao xao cả lên về chuyện bà sắp đi Điện Biên. Thật đấy. Ông Thời tháng trước phải lận đận mấy ngày, lên đâu mãi Thái Nguyên tìm gặp đơn vị cũ của bà Mây, mới xin được cái giấy xác nhận bà là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, để được ưu tiên đi máy bay đợt này, không thì đông lắm, có người chờ những mấy ngày mới mua được vé. Ứ, chiến sĩ Điện Biên thì đã có Huy hiệu ngày xưa Bác Hồ tặng, còn sao phải giấy xác nhận nữa. Những người ra chiều hiểu biết thì chành chẻ. Còn những người chẳng biết đầu cua tai nheo lại bán tin bán nghi. Huy hiệu lâu ngày cũng có thể mất chứ. Nhưng sao bảo kể cả không xin được giấy xác nhận, mà thằng con ở Vũng Tàu ra, thì dẫu vé máy bay chín trăm bốn mươi nghìn, chứ chín triệu tư cũng đi. Gì mà máu thế nhỉ? Nhưng mà này, cái anh con trong Vũng Tàu hình như không phải con chung đâu các bà ạ. Thì rõ quá rồi, còn hình như gì nữa. Một bà nói cả quyết, rồi với vẻ am tường. Chính bà Mây hồi chuyển từ ngoài phố về làng ở đã có lần nói với tôi: "Số em vất vả, có con với bố thằng Vinh đấy, nhưng có được một đêm ăn nằm với nhau đâu. Em chỉ hận là lần gặp lại đã không nói cho anh ấy biết là em tắt kinh đến tháng thứ hai, để anh ấy nhắm mắt còn kịp biết mình ra đi vẫn còn giọt máu để lại". Ơ, thế ra là chuyện thật à! Cái nhà anh Vinh nghe nói làm kỹ sư dầu khí ở Vũng Tàu, lại không phải là con đẻ của vợ chồng ông Thời ư? Thế sao từ ngày ông bà ấy về ở quê, năm nào cũng thấy vợ chồng nhà anh Vinh đưa con cái ra quấn túm ông bà như con đẻ ấy nhỉ. Rõ là rắc rối cái nhà vợ chồng ông Thời, bà Mây này. Lẽ ra như mọi nhà thì người ta cũng quên ngay những lời hư thực thực hư ấy, nhưng với nhà ông Thời bà Mây thì lại không thể quên. Nhưng dẫu không quên, cũng khó có thể lần ra ngọn nguồn, nếu không có chuyện năm nay bà Mây lên Điện Biên.

Trước ngày lên đường, ông bà làm mâm cơm thắp hương tổ tiên xin được thượng lộ bình an. Vì anh con trai đang còn làm mãi ngoài dàn khoan Bạch Hổ, chưa thể bay ra để đưa mẹ đi Điện Biên, nên ông Thời phải nhờ bà em gái đang ở với vợ chồng thằng con trai ở phố về trông nhà cho mấy hôm. Ông anh đã có lời thì cô em phải nhận, nhưng trong bụng bà Vận còn ngổn ngang bao mối tơ vò về cái đôi vợ chồng già, mà chính bà là người thay mặt họ nhà trai lên tận Viện quân y 7 cưới vợ cho anh đúng hôm giặc Mỹ lần đầu cho máy bay ra đánh phá Cửa Ông. Khi ấy bà Vận cũng được ông Thời cho biết, cô ấy đã có một đời chồng, nhưng hy sinh ngoài mặt trận, giờ chỉ còn đứa con trai mười một tuổi đang học lớp bốn. Hơn mười năm kể từ khi chồng hy sinh, cô ấy vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con, một hai thủ tiết trọn đời. Nhưng từ khi về Viện quân y 7, làm cùng khoa với anh, cô ấy bỗng thấy lời bà mẹ có lần khuyên" Gái ba mươi tuổi đang xoan", sao mà đúng thế. Nhưng suy cho cùng, con người ta có số cả em ạ. Các cụ bảo: "Có số không rủ cũng về", anh bao nhiêu năm mải đánh đấm, rồi lại mải học hành, chưa gặp được ai, giờ gặp được người thương yêu mình, thì "Yêu nhau tam tứ sông cũng lội, thất bát lục đèo anh cũng qua", chứ chả nề hà gái tơ, mẹ dòng gì đâu em ạ. Mới lại, các cụ đã bảo: "Gái hơn hai, trai hơn một", anh ba tư, cô ấy ba ba, hợp quá rồi. Anh đã nói thế thì em cũng chỉ biết về quê thưa lại với mẹ rằng thế, chứ nào biết gì hơn. Nhưng bây giờ thì rõ ràng ba mặt một lời, anh ra tận ngoài phố bảo em, cô về quê trông nhà hộ mấy hôm để anh đưa chị lên Điện Biên. Em bảo lên làm gì, muốn tham quan du lịch thì anh chị đưa nhau ra Bãi Cháy, Hạ Long một chuyến, sáng đi tối về tắc xi chỉ năm sáu trăm nghìn, sao phải đi mãi Điện Biên cho mệt người, tốn tiền. Anh chỉ khì khì cười: "Nói như cô thì, còn gì là tình xưa nghĩa cũ nữa. Thôi, cô có về trông nhà hộ hay không thì bảo". Nói thế thì em nào em không về. Nhưng bây giờ có chị đây, lại nhân thể anh chị làm mâm cơm thắp hương gia tiên để đi Điện Biên, ba mặt một lời, em hỏi thật, lời anh Thời nói với em hôm kia ở ngoài phố là thật hay bỡn. Chị cứ nói, dù bỡn hay thật em đã về đến đây là thể nào em cũng trông nhà cho anh chị đi. Nhưng em phải biết, con cháu em nó cũng phải biết, những người anh, người chị, và xa hơn nữa là ông cha mình, đã trải qua những năm tháng như thế nào chứ. Chẳng lẽ anh chị trao cho em trông nom cái nhà cao cửa rộng thế này, mà em lại không biết tí gì về những người dựng xây nên nó hay sao. Thôi thôi, cô đừng nói nữa. Bà Mây vội chen lời bà Vận. Thư thả, để thư thả xơi miếng trầu, chén nước, rồi tôi kể cho cô và mấy bá nghe ngay đây.

- Tôi người làng Hà Nam, bên huyện Tiên Lãng, thuộc tỉnh Kiến An cũ. Làng tôi lắm nghề: cấy lúa, trồng thuốc lào, lại trồng cói, dệt chiếu. Con gái làng tôi phần đông dệt chiếu, quanh năm ở trong nhà nên da dẻ cứ trắng như trứng gà bóc. Tôi hồi nhỏ chỉ được mẹ cho ngồi luồn cói. Mãi năm mười bảy bẻ gẫy sừng bò mới được cầm khung dệt. Nghề dệt chiếu không phải làm tối, nên cứ tối đến là con trai con gái lại túm năm tụm ba ở nhà này nhà kia chuyện trò chơi bời. Ngày ấy vùng tôi đã bị giặc chiếm, nhưng đồn bốt còn thưa, ít bị càn quét ác liệt như những năm sau này. Những đêm trăng sáng chúng tôi còn kéo nhau sang tận làng Vân xem hát chèo. Làng Vân có phường chèo chẳng biết từ bao giờ, khi chúng tôi lớn đã được xem phường chèo làng Vân hát suốt đêm không thiết về. Nhiều câu hát chúng tôi nghe mãi đến thuộc đến giờ: "Tưởng rằng rau cải cho xanh; thài lài, rau dệu tám dành bờ tre; lắng tai tôi nói cho mà nghe...". Có tối đang chơi vui, bỗng nghe tiếng trống chèo rung bung bên làng Vân, thế là thôi đấy, bỏ lại ráo cả: cỗ bài tam cúc với con bài lừa đi đêm còn cầm trên tay, mấy hào lẻ và tờ giấy ghi số bài nhà khác nợ. Cứ thế ù té chạy như ma đuổi sang làng bên xem hát chèo. Một tối như thế, tôi đang cùng cái Nhị, cái Sự, cái Loan vừa ở trong ngõ chạy ra, bất thần có người túm chặt cổ tay giật giật kéo lại. Linh tính như mách người kéo tay là ai, tôi không kêu, chỉ lẳng lặng dừng chân quay lại. Nhưng người ấy đã vội đưa tay bịt chặt mồm tôi, sợ tôi kêu mà. Nhát gan thế không biết. Sợ gì cơ chứ. Dễ chúng nó không có ai đấy hẳn. Lòng vả cũng như lòng sung. Giờ đi có bạn có bè với nhau thế, chứ chốc về không lại đứa nào đứa nấy lỉnh đi một mình với bạn trai ngay ấy mà. Tôi vừa thì thầm thế, Quang đã vội kéo tôi đứng nép vào gốc khóm tre bên đường. Tôi rụt ngay tay lại, giận giữ: "Làm gì mà kéo người ta thế. Nhỡ có ai đi qua nhìn thấy thì sao". Nhưng đã nghe Quang giọng đứt quãng, bảo: "Đêm nay anh đi. Em ở nhà giữ gìn, không được đi với ai đấy nhá". Mấy ngày trước Quang có bảo tôi: "Anh ghi tên tòng quân, có khi được đi đợt này". Nhưng sao nhanh thế. Tôi bỗng như người phát cuồng, không nói không rằng, chỉ gục đầu vào vai anh mà day day khuôn mặt như đã ngấn nước mắt của mình lên đó. Bỗng Quang như đẩy tôi ra, vội đứng khuất vào sau khóm tre. Cùng lúc tôi cũng giật nẩy người khi nghe tiếng ông bác gọi đúng tên mình: "Đứa nào như cái Mây hả. Muốn chết hay sao đưa nhau ra bờ bụi thế này!". Tôi vội ù té chạy đến gấp hơi tắt phía vườn chuối nhà chú Kích về nhà, lẻn ngay vào buồng nằm. Nhưng bằng người thổi chín nồi cơm cũng không thấy bên ngoài động tĩnh gì. Tôi rón rén dậy ra ngoài. Bỗng nhận ra sự hoảng hốt thái quá của mình có cơ gây ra sự đổ vỡ không gì chuộc lại được. Tôi vội vã chạy lao ra phía bờ sông, may còn được gặp Quang chăng. Nhưng chẳng mảy may hy vọng. Dưới ánh trăng hạ huyền nhạt nhòa sương bụi, chỉ còn lại cánh bãi vừa qua vụ gặt tháng mười nhấp nhô những mô rạ úp chụp như những chiếc nơm. Nhìn phóng sang tận bên kia sông mới thấy mờ mờ những bóng người lố nhố di chuyển dưới chân đê...

- Sau đêm ấy thì chị cũng trốn ra vùng tự do theo anh


Quang chứ?

Bà em gái ông Thời vừa nghe đến đấy vội cắt ngang lời bà Mây. Nhưng một bà ngồi cạnh vẻ am tường liền bảo:

- Nghe nói hồi kháng chiến, bên quê chị Mây bị địch o ép dữ lắm, ra được vùng tự do đâu phải dễ.

- Đúng thế. Em quay về (nói các chị, các cô đừng cười), nhớ anh Quang đến không ăn không ngủ được. Càng nhớ lại càng trách mình sao nhát gan quá chừng, mới nghe ông bác hỏi thế đã kinh hồn bạt vía, giờ thì không còn cách nào gặp nhau được nữa. Quang đi, không biết vào bộ đội tỉnh, huyện hay lên tận chiến khu. Mãi mấy ngày sau, có người ở bên kia sông sang chơi nhà mợ em mới thì thầm to nhỏ rằng, làng Phương đợt này có hai anh tòng quân gặp may rồi, được vào quân chủ lực lên tận chiến khu. Em cũng thấy vui trong bụng. Từ đấy hai tiếng" chiến khu" như sự mê hoặc, em đêm đêm lại thấy hiện về một nơi xa xôi nào đó, có núi có rừng mà em chưa bao giờ được đặt chân tới. Nhưng cũng phải hai năm sau mới lại có cấp trên về lấy người đi kháng chiến. Em xung phong và được trên cho ra vùng tự do ngay.

Những thanh niên ở vùng quê Kiến An, Hải Dương đi đợt ấy được ở một đơn vị hành quân đêm ngày lên thẳng Điện Biên. Đến nơi, Mây và mấy cô bạn cùng quê thuốc lào được biên chế về một tiểu đoàn dân công toàn con gái, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên một đoạn đường dài khoảng ba cây số, chạy qua thung lũng có suối nhỏ rì rào ngày đêm. Một tối vừa cơm nước xong, chị em đang ngồi quây quần quanh mấy cỗ bài tú lơ khơ, thì có mấy anh bộ đội vào gặp chỉ huy, để liên hệ cho đơn vị hành quân đi qua được nhờ bếp dân công nấu bữa cơm canh nóng cho bộ đội ăn, kẻo ăn cơm nắm lạc rang hàng tuần nay có người đi kiết ra máu rồi. Cả tiểu đoàn dân công gái hơn trăm chị em mới nghe thấy thế đã đổ xô ra khỏi lán, cô nào nấy tranh nhau nấu cơm hộ bộ đội. Khi đơn vị bộ đội đi đầu tề tựu trước dãy lán của tiểu đoàn dân công gái thì mấy chiếc nồi quân dụng, can chậu đựng nước và cả rau xanh dự trữ của các bếp, cũng đã được đưa cả ra chỗ lán cấp dưỡng. Bộ đội, dân công gặp nhau nơi rừng sâu heo hút đúng là "như cá gặp nước như rồng gặp mây" tay bắt mặt mừng không kể sao cho xiết. Mây được phân cùng mấy cô nữa quẩy ống bương ra suối gánh nước về đổ vào can, chậu cho cấp dưỡng hai đơn vị làm cơm. Cô có dịp lảng vảng ở bên ngoài, gặp anh bộ đội nào cũng hỏi: "Đơn vị đồng chí có ai ở Kiến An không?". Một anh còn trẻ tếu táo: "Kiến An có núi Ông Voi; có sông Văn Úc có đồi Thiên Văn" chứ gì". Mây vội nói: "Đúng rồi. Nhưng huyện em không có núi đồi, chỉ có thuốc lào thôi". Anh bộ đội đi trước quay lại: "Có đấy. Nhớ ai như nhớ thuốc lào, cậu gì ở Tiên Lãng lúc nào cũng có cái điếu cày con giắt hông đấy nhỉ". Một anh bảo: "Thế thì ở đại đội ba, còn đi sau". Thế là từ đấy, Mây không còn để tâm trí vào nước nôi nữa, vai quẩy ống bương mà chân bước cứ ríu lại, vấp lia lịa, nước sóng sánh cả ra ngoài, về đến lán chả còn được là bao. Được vài chuyến thì Mây đang từ dưới suối đi lên, gặp một đoàn bộ đội đi tới, Mây quen mồm lại đánh tiếng hỏi. Tức thì, tiếng Mây vừa dứt, một anh từ cuối hàng quân chạy lao lên như tên, miệng kêu như hổ gầm: "Mây ơi, anh đây!". Mây vừa kịp vất cái đòn gánh nước trên vai xuống, liền bị hai bàn tay như hai gọng kìm của Quang ôm chặt hai vai đến nghẹt thở. Không cần biết hàng quân đã đi hết hay chưa, cũng không cần nhớ mình đang đi lấy nước về để cấp dưỡng nấu cơm cho bộ đội, Mây cứ thế kéo Quang xuống bờ suối khuất. Dưới ánh trăng lu bên góc rừng có con suối nhỏ rì rào phía trước, bao sự kìm nén chất chứa trong người bấy nhiêu năm Quang và Mây giãi bày cùng nhau, gửi trao cho nhau tất cả, không giấu giếm, không giữ gìn. Đấy là lần gặp nhau thứ nhất giữa chiến trường Điện Biên, đơn vị của Quang đang rút khỏi Điện Biên hành quân sang phía tây. Nhưng đấy là điều mãi sau này gặp nhau ở đồi C2 Mây mới được Quang nói cho biết; chứ khi ấy, thực Mây cũng không hỏi Quang ra hay vào, mà chỉ biết được gặp nhau thế này là bõ bao ngày đêm âm thầm mong đợi, nhớ thương đến hết nước mắt rồi, nên Mây cứ mặc cho Quang vần vò, sục sạo khắp cơ thể, cho đến khi Mây chợt nhận ra tình yêu là thế đấy, thì cả hai chỉ còn biết nhìn nhau cười.

Nhưng đến lần gặp nhau thứ hai thì không thể cười được nữa. Cuối tháng ba, Mây đã là trung đội trưởng cứu thương, dẫn chín chị em theo đường hào băng lên trận địa đồi C2 để đưa thương binh về tuyến sau. Đồi C2 là chốt điểm quan trọng án ngữ phía đông sân bay Mường Thanh mà cả ta và địch đều quyết chiếm giữ. Mấy ngày trước, cả hai bên đều trong thế thăm dò, nhưng từ nửa chiều, địch liên tục cho xe tăng và bộ binh, có đại bác từ Mường Thanh yểm trợ, tấn công lên định chiếm giữ đồi. Đơn vị ở trên đó mấy lần điện về trung đoàn yêu cầu cho cứu thương lên đưa thương binh nặng về phía sau, nhưng cũng phải chờ đến đêm cứu thương mới lên được. Khi Mây dẫn trung đội lên đến nơi thì đêm đã khuya lắm rồi. Trong đường hào chỉ nhạt nhòa ánh sáng nhờ vào những đường đạn của cả hai bên bắn lên. Hàng chục thương binh, người đã được băng bó, người mới còn băng tạm đang nằm trong một ngách đường hào. Mây và người chỉ huy đơn vị bộ đội trên đồi C2 đang dàn xếp những thương binh nào được đưa ra trước, thì từ phía cửa đường hào có mấy anh xách súng chạy vào, một anh giọng bực dọc: "Những ngần ấy thương binh mà chỉ lên được chín người thì thà đừng lên". Mây bỗng giật mình quay lại, nhận ra Quang. Mây cố nén giận, gọi đúng tên, bảo: "Anh Quang thông cảm cho chúng em. Thực trung đội em giờ chỉ còn ngần này người thôi. Nhận được lệnh là chúng em đi ngay đấy". Bấy giờ Quang mới nhận ra Mây: "Trời, Mây! Em chuyển sang cứu thương từ khi nào?". "Đã đi phục vụ chiến dịch thì dù là dân công vận tải, mở đường hay cứu thương cũng đều là nhiệm vụ cả thôi. Anh cứ bình tĩnh để em và đồng chí chỉ huy đơn vị xem xét từng trường hợp cụ thể đưa ra người nào, để lại người nào đêm mai đưa tiếp, đừng làm em rối trí Quang ơi". Mây mới kịp nói với Quang như thế, thì phía ngoài có tiếng gọi Quang giật giọng. Quang vội xách súng lao ra cửa đường hào. Hình như địch tập kích vào ngách hào nào đó ngoài kia.

 Cuộc gặp kỳ ngộ trên đồi C2 giữa cái đêm địch mấy lần bất ngờ tập kích vào trận địa, làm đơn vị cứu thương của Mây mãi gần sáng mới tìm được đường đưa thương binh nặng về tuyến sau, không ngờ lại là cuộc gặp cuối cùng của Mây và Quang. Bao điều muốn nói, muốn hỏi, cả điều hệ trọng nhất của tình chồng vợ là giọt máu đang mang, cũng đều phải gói lại, vĩnh viễn không bao giờ mở ra cùng nhau mừng vui, chia sẻ, cảm thông được nữa.

Tiếng chuông điện thoại từ gian nhà trong bỗng vang lên cắt, ngang câu chuyện của bà Mây với bà Vận và mấy người ở gian ngoài. Ông Thời từ nãy vẫn bắt sâu, tưới cây cảnh ngoài thềm, vội chạy vào nhấc ống nghe. Tiếng ông nói với người trong máy vọng ra gian ngoài nghe rất rõ: "Ừ, bố đưa mẹ đi. Có. Sáng mai sáu giờ em Thành thuê tắc xi ngoài phố về đón, rồi đưa thẳng bố mẹ lên sân bay Nội Bài... Sao, đón con à?... Ừ, bố sẽ bảo em Thành liên lạc với con qua di động". Nói xong, ông đặt máy, quay ra bảo bà Mây:

- Vinh nó gọi điện về, mai nó bay thẳng từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, bà ạ.

Bà Mây nói như reo:

- Thế hả! Con nó cũng đi với chúng mình lên Điện Biên thật
hả ông?

- Thì tôi vừa nghe điện mà. Con nó ở ngoài dàn khoan vào đất liền rồi. Ừ, giờ đang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mua được vé máy bay ra là điện về nhà ngay đấy.

 

Bà em gái ông Thời nghe thế cũng vội nói:

- Thằng Vinh kịp đi với mẹ lên thắp hương bố Quang dịp này là phải lắm rồi.

Bỗng bà chị họ bỏ vội miếng trầu đang nhai ra cầm tay, nhìn ông Thời hỏi:

- Thế có cháu Vinh ra đưa mẹ lên Điện Biên thì chú ở nhà chứ?

Ông Thời nhìn bà chị họ nói trong tiếng cười vui:

- Thế bà quên câu các cụ dạy rồi à? "Đi đâu có anh có tôi, người ta mới gọi là đôi vợ chồng", sao lại để bà ấy đi một mình với con lên thăm mộ ông Quang được nhỉ. Thế chẳng hóa ra tôi là kẻ phụ nghĩa bạc tình người đã khuất ư.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84822


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận