Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 8


Truyện ngắn 8
Khách lạ

An đi làm về muộn. Bà mẹ như biết tính con, sắp sẵn mâm cơm chờ. Vừa thấy An dắt xe đạp về đến cửa, thay cho câu hỏi thường ngày, bà nói ngay:

- Có hai anh chị người đâu, lạ lắm, đến hỏi con, lại mang cả bánh chưng, rượu ngoại đến chúc Tết, rồi còn mừng tuổi mẹ những trăm nghìn. Mẹ còn để cả trên bàn thờ kia.

An nghe, bỗng giật thột, nói như gắt:

- Ấy chết, sao mẹ lại nhận.

- Nào tao có nhận. Nhưng họ cứ đặt lên bàn thờ, rồi đi ngay. Có kịp hỏi han gì đâu.

An vội đi lại bên bàn thờ. Nhìn cặp bánh chưng, chai rượu ngoại với một tập tiền để trên chiếc bánh, lòng dội lên sự hổ thẹn xen nỗi tức giận. Thoáng trong đầu lại hiện lên người đàn bà kiêu sa với chiếc nhẫn vàng óng ánh. Bà ta là giám đốc một công ty trách nhiệm "vô hạn" nào đó. Mới mấy tháng trước, con trai bị đưa vào trại cải tạo những người nghiện hút và gái mại dâm được vài ngày, thì không biết bằng "cầu "nào, bà ta lại tìm đến An khẩn khoản:

- Em cũng là đàn bà. Em hiểu cho lòng chị thương con đến mức nào. Chị xin em giúp chị cho cháu về. Thôi thì tình nghĩa chị em còn lâu dài, hôm nay chị chỉ có chút quà nhỏ gửi em làm kỷ niệm cho buổi gặp đầu tiên giữa chị em mình.

Đoạn, bà ta nhanh tay tháo chiếc nhẫn dễ đến ba chỉ đặt xuống bàn, trước mặt An, giọng thảm thiết:

 

- Em cố giúp chị cho cháu ra ngay, chứ không cháu còn ở trại thì chị không còn mặt mũi nào đi đây đi đó nữa.

- Chị đã biết con cái hư hỏng thì dù bố mẹ có chức quyển đến mấy, cũng không che giấu được sự chê cười của thiên hạ, sao còn làm ngơ cho con nghiện ngập như vậy?

- Khổ quá em ơi. Chẳng qua là chị bận nhiều công việc nên ít có thì giờ bảo ban cháu, mới ra nông nỗi này. Mà thực tình, cháu nó cũng mới đua đòi theo mấy đứa đi tiêm chích có vài lần, chứ đã lâu gì cho cam.

- Không phải là vài lần, mà chính cháu nhận đã tiêm chích mấy tháng nay rồi. Có điều chị thương con, nhưng không hiểu con. Nó xin tiền lúc nào chị cũng cho ngay lúc ấy, nên vô tình chị đã mở đường cho con thành người hư hỏng.

Nghe An nói, bà Hòa hiểu rất nhanh mình đang ngồi trước một con người thế nào, nên muốn suôn sẻ chỉ có cách nhún nhường.

- Ừ, thì "con hư tại mẹ", chị xin em. - Rồi rất nhanh, bà ta cầm chiếc nhẫn dúi vào tay An:

- Em cầm lấy cho chị vui lòng.

An giữ chặt tay bà ta, nét mặt bình thản, cái nhìn sắc lạnh:

- Chị cất ngay chiếc nhẫn này đi, không tôi lập biên bản.

- Kìa em!

- Chị về đi. Bao giờ con chị cai được, tự khắc chúng tôi phải


cho về.

Lần ấy không biết là lần thứ bao nhiêu, An phải tiếp khách lạ đến nhà "tặng" quà kiểu như vậy. Chỉ biết hơn chục năm trong ngành công an, An chưa từng chìa tay ra cầm của ai một cái gì, dù là năm bảy chục ngàn, chứ chưa nói tới dăm trăm, một chỉ. Vậy vợ chồng nhà nào lại biết đường tìm đến nhà An giữa cái ngày năm cùng tháng tận, mà lại khinh An đến nước này. An không có nhà cũng cứ để tiền và quà tố lô ra đấy, rồi về. Họ nghĩ An cũng giống một số người nào đó chăng, cứ đút lót thứ gì, dẫu không đáng chục ngày lương với đôi lời hứa hẹn hậu hĩnh, là sẵn sàng đánh tuột nhân phẩm, biến mình thành lá chắn cho lỗi lầm của họ. Càng nghĩ, An càng thấy giận vợ chồng người khách nào đấy qua chừng. Định vứt tung các thứ ra vườn, nhưng nghĩ đến cái Tết đang ùa vào cửa, An nhét vội nắm tiền, cặp bánh chưng, chai rượu vào túi ni lông đưa cho mẹ:

- Mẹ cất những thứ này vào tủ, để rồi con dò la xem của ai.

Nhưng An chẳng mất công dò la. Ngay sau đó bằng người nhai giập miếng trầu, hai vợ chồng người kia đã đèo nhau đến. Bà mẹ ra mở cổng, vội nói vọng vào cho con gái:

- Anh chị ấy đến đây này con ơi!

An quay ra đã thấy hai người vào đến cửa. Trong khi người đàn ông còn đang lúng túng tìm chỗ dựng xe, thì người đàn bà đã tự nhiên như người quen thân lâu ngày, bước xộc vào nhà, nhìn An cười nói xởi lởi:

- Chị An không nhận ra em à? Em là Vui. Vui Định mà!

Một thoáng ký ức vụt qua trong trí nhớ.

Hôm ấy là một đêm cuối tháng, trăng mờ như một màn sương trắng bạc. An đến phiên trực trại. Đài tắt từ lâu mà không chợp mắt được, An trở dậy đi rảo xuống dãy nhà của trại viên. Đầu này, hai phòng nữ đều im ắng. Có lẽ mấy cô nàng sau những ngày tung tẩy, vật vờ lững lờ đến phờ phạc ở ngoài, khi vào trại tĩnh tâm lại mới thấy thấm mệt, cô nào cô nấy ngủ như chết. Chỉ còn đầu kia, mấy phòng trại viên nam, có hai gã nghiện hút mới đưa vào chiều qua, có lẽ lên cơn nghiện đang lảm nhảm cái gì rồi cười khanh khách với nhau như hai thằng điên. An ngó đầu nói qua song cửa: "Ngủ đi mấy em, khuya rồi đấy". Một giọng khê nồng vọng ra: "Thưa cán bộ, chúng em còn chờ...". An lại cứ ngỡ mấy đứa đang vật vờ với cơn nghiện nổi lên vào đúng cái giờ thường ngày ở ngoài chúng vẫn hút, phải chờ qua cái thời khắc khốn khó đó mới có thể tạm quên đi cái cảm giác khoái cảm chết người. Nên không hỏi gì thêm, An lẳng lặng quay lại phòng trực. Nhưng ra đến đầu sân, không hiểu sao An lại rẽ sang khu nhà bếp. Mới đến đầu hồi nhà, An bỗng giật thột khi nhận ra đâu đây tiếng người rên không ra rên, cười không ra cười, cứ "ư ư, ừ ừ, hừ hừ, hự hự...". An nhón chân nhẹ bước vòng ra sau bếp. Bỗng sững người khi nhìn dưới ánh trăng hạ huyền mung lung, có hai người không còn một mảnh vải che thân đang nằm đè lên nhau. Tiếng hỏi sắc lạnh của An làm hai kẻ si tình như bừng tỉnh trong cơn hoan lạc: "Ai đấy?". Gã nam giới vơ vội mảnh vải ở bên, lăn vào vườn chuối, định chạy. An xẵng giọng: "Đứng lại. Chạy tôi bắn!". Tức thì, tiếng cô gái gọi thét lên: "Anh Định! Đừng chạy!". Thế là rõ cả. Gã nam giới đang lẻn vào vườn chuối kia là Định, một tay thợ xây sa vào nghiện ngập mới bị đưa vào trại vài tuần nay. Còn cô gái đang trần truồng lom khom tìm quần áo đây, cứ nghe cũng biết là Vui, mới bị đưa vào trại trong vụ công an quận bắt ổ gái mại dâm và chủ chứa ở ngõ Đá. An thấy cục giận đầy lên đến cổ, nhưng vẫn cố nén, nhẹ nhàng bảo Vui: "Em mặc quần áo, rồi vào phòng trực chị chờ". Đi được mấy bước, An mới sực nhớ đến câu nói của cái gã ở phòng trại viên nam khi nãy "Chúng em chờ". Thì ra chúng nó chờ thằng Định, cũng có nghĩa chúng nó biết thằng Định đi tằng tịu với cái Vui, hay là yêu cái Vui? An quay phắt lại, nhưng phải khó khăn lắm mới lấy được cái giọng nhẹ nhàng như người chị nói với em: "Cậu Định đâu?". Định từ sau khóm chuối bước ra, mặc độc mỗi cái quần cộc, trông vừa giận vừa thương, cất giọng bẽn lẽn: "Dạ, em đây ạ". An nói nhỏ, chỉ đủ cho ba người nghe: "Cả cậu nữa, lên ngay phòng trực nhá".

Mấy phút sau, cả hai kẻ tòng phạm trong vụ tình lén lút đã ngồi trước mặt An, trên chiếc ghế băng trong phòng trực. Không chờ An lục vấn ai trước ai sau, vừa ngồi xuống ghế Vui đã nhìn An, nói chân thành:

- Chị cũng là đàn bà, mong chị thông cảm cho em. Năm nay em đã hăm nhăm hăm sáu tuổi rồi. Em trót lầm lỡ, tưởng không có người đoái thương tới. Nhưng trời Phật còn thương em, vào trại em gặp ngay anh Định.

An ngắt lời:

- Hai người quen nhau từ trước à?

Vẫn Vui mau miệng:

- Dạ, chúng em cùng làng, lại cùng học với nhau một lớp. Đang học dở trung học phổ thông thì mẹ anh Định ốm liệt giường, chạy chữa mấy tháng trời không khỏi. Bây giờ bà cụ vẫn còn liệt, ăn đâu nằm đấy, không đi lại được. Anh Định phải bỏ học theo ông chú đi xây để lấy tiền thuốc thang nuôi dưỡng mẹ. Còn em trượt tốt nghiệp, nghĩ chán đời cũng bỏ nhà ra phố trông cháu cho bà chị họ. Rồi một hôm gặp đứa bạn rủ rê...

An nói xen ngang, giọng nhỏ nhẹ:

- Định đi làm lấy tiền nuôi mẹ ốm đau mà còn nghiện thì lấy đâu ra tiền nuôi mẹ, hả em?

Bây giờ Định mới ngẩng đầu lên bẽn lẽn:

- Dạ thưa chị, em cũng không muốn ra nông nỗi này. Mấy tuần không có việc làm, buồn chán, bạn bè rủ nhau đi chơi định giải sầu sơ sơ, không ngờ...

Giọng An chân thành:

- Em đã hăm nhăm hăm sáu tuổi rồi mà còn nông nổi quá. Ai lại đi giải sầu bằng hút hít thì chỉ có mà sầu não thêm, chứ giải cái nỗi gì! Thế bây giờ cậu định thế nào?

Vui nói như đã sắp xếp ý nghĩ từ trước:

- Chúng em quyết lấy nhau, nhưng không biết làm thế nào để sớm được ra trại. Nên bàn nhau chỉ có cách làm sao em có thai, để trại biết chúng em yêu nhau thực lòng mà cho chúng em về chung sống với nhau thôi. Được vậy thì anh Định vẫn cứ đi xây thuê. Còn em ở nhà trông nom mấy sào ruộng. Nhưng cái chính là để có người chăm sóc bà cụ yếu đau nằm liệt giường không có người nâng giấc sớm khuya thôi.

 

Định tiếp lời, mắt nhìn thẳng vào An như van xin, cầu khẩn:

- Vâng, đúng thế ạ. Chúng em yêu nhau từ thời còn đi học. Bây giờ cả hai lại trót lỡ lầm, nhưng tình yêu sẽ giúp chúng em đứng dậy. Không tin chị cứ về quê hỏi xem, không mấy ai không biết chúng em yêu nhau, nhưng lại bị gián đoạn...

Ngay hôm sau, An xin nghỉ một ngày đạp xe về quê Vui và Định. Đúng là mẹ Định bị bệnh liệt không đi lại được. Mọi việc giặt giũ, cơm cháo đều do người con gái, dưới Định, lấy chồng người cùng xóm ngày ngày tranh thủ chạy sang trông nom. An đến nhà, bà cụ vẫn tỉnh táo nhưng chỉ ngồi dậy, chứ không đi lại được. Trong lúc trò chuyện với An, chốc chốc bà cụ lại đưa tay lên mắt, không biết chùi gỉ hay lau đi những giọt nước mắt rân rấn lượn vòng đôi tròng mi. An chỉ thấy hai mắt bà cụ hum húp, đỏ ngầu, có lẽ vì thương nhớ con và chán cảnh thân già cố tật mà sinh ra thế. Ngồi nói chuyện với bà cụ hơn một giờ đồng hồ mà An cảm thấy như mới có vài giây. Nếu không vì lý do cầu phà chậm trễ, về đến nội thành quá khuya thì An còn ngồi lại với bà cụ không biết bao lâu nữa.

Hôm sau đến cơ quan, việc đầu tiên là An gọi Vui và Định ra, bảo mỗi người viết một lá đơn để An mang lên trình bày tường tận sự việc với trưởng trại xin cho hai người ra. Khi nhận đơn, An nói với Vui và Định: "Chị lấy danh dự bảo đảm cho hai em, nhưng hai em về phải sống thủy chung, chăm chỉ làm lụng phụng dưỡng mẹ già". Vui và Định không nén nổi xúc động, ôm chầm lấy An: "Chúng em hứa làm theo lời khuyên nghĩa tình của chị".

- Từ bấy đến nay hai em làm ăn sinh sống ra sao?- An như khép dòng ký ức, nhìn Vui và Định hỏi.

- Chúng em vẫn nhớ lời chị khuyên, chăm chỉ làm lụng. Vợ chồng em mới sửa lại được mấy gian nhà, chứ không lụp xụp như hồi chị về thăm.

- Còn bà cụ dạo này sức khỏe có khá hơn không?

Giọng Định xởi lởi:

 

- Mẹ em vài tháng nay cũng đã chống gậy đi lại được. - Rồi chợt cậu ta chuyển giọng như giãi bày, mong có sự cảm thông- Chúng em cũng định vào thăm gia đình chị từ lâu. Nhưng mắc cái sửa xong nhà thì nhà em lại nằm cữ. Đành bảo nhau, thôi để Tết này đến thăm và chúc Tết cụ với anh chị và các cháu luôn một thể. Tuy bây giờ mới đến cảm ơn chị được, nhưng từ ngày ở trại về, vợ chồng em không lúc nào quên những lời khuyên bảo chân tình và tấm lòng bao dung của chị dành cho vợ chồng em.

An bỗng thấy xốn xang trong lòng một niềm tin yêu da diết. Bỗng An lại nghĩ đến cái đêm trăng hạ huyền hôm ấy, nếu An cứng nhắc xử phạt thật nặng, thậm chí sỉ nhục họ ngay trước mặt các trại viên như một hình phạt cả thể xác lẫn tinh thần, làm cho Vui và Định không còn mặt mũi nào nhìn lại những người thân thương, thì dẫu có được ra trại, chẳng biết họ có còn dám trở về quê hương sống thoải mái và bình đẳng giữa những người lương thiện, hay lại đi biệt nơi nào như một kẻ tha hương. Chỉ có lòng vị tha mới là sự cảm hóa bền chặt, níu kéo những người lầm lỗi trở lại với cuộc sống yên bình. An vừa chợt nghĩ đến đấy mà lòng thấy nhẹ lâng lâng. Chị bất chợt nhìn ra ngoài, cây đào đầu sân đã nở những nụ hoa tươi thắm. Mùa Xuân đã về!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84076


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận