Em Còn Muốn Chừng Nào Anh Còn Nhớ Chương 3

Chương 3
Người bác gái có cái tên dài và phức tạp nên bọn trẻ đã gọi tắt lại là Nala.

Năm ba mươi tuổi, bà theo chồng, một người làm về xây dựng trong thành phố này nhưng bị ôtô cán chết hai năm sau đó. Vài tuần sau tai nạn đó, bà kiếm được một công việc lậu trong một xưởng may dưới tầng trệt tòa nhà nơi bà ở. Mặc dù đôi khi bà có làm cháy vải do tàn thuốc bidi trên môi rụng xuống, nhưng bà vẫn là người thợ may khéo nhất thành phố. Dù ông chủ vẫn đe dọa sẽ cho thôi việc, nhưng bà chỉ nhún vai mỉa mai, bà biết mình khó mà bị mất việc.

Bà đã không bao giờ tái hôn, thậm chí không bao giờ đi gia hạn giấy phép tạm trú. Khi người em trai ép bà làm việc đó, bà nhún vai như thể đó là công việc rất không quan trọn g, tạm trú là một cái gì đó ngắn ngủi, bà nói như vậy lúc đang dùng răng cắn sợi chỉ một cách dứt khoát, nên không cần quan tâm đến những giấy tờ vô ích ấy làm gì.

Những buổi tối và dịp cuối tuần, giống như mẹ và bà đã làm ở đất nước quê nhà trước đây, bà xem bói cho những người phụ nữ Ả Rập hay Ấn Độ của khu phố để đổi lấy vài chục đồng franc. Ngay cả nhiều phụ nữ người Pháp của khu nhà vườn cũng đến nhờ bà xem với cặp kính râm và khăn mỏ quạ bịt đầu, trông giống như các nữ diễn viên điện ảnh, để mọi người không nhận ra họ, bà vẫn cười nói như vậy.

Julide là đứa cháu bà yêu quý nhất, là đứa con mà bác sẽ có nếu như chồng bác còn sống, bà vẫn thường nói như vậy. Và để chứng minh, bà thường chỉ vào đôi bàn tay của đứa cháu gái, dài và mảnh dẻ, không dày như đôi bàn tay bà mẹ, không xương như đôi bàn tay ông bố; đó là đôi bàn tay của bà, đôi mắt của Julide cũng là đôi mắt của bà, đôi mắt màu vàng hơi lo lắng. Bà thường để Julide tham dự vào các buổi xem bói, mặc cho cô bé một chiếc váy phù thủy màu đen rộng quá khổ và đánh phấn mắt cho cô bé. Julide phải im lặng và nghiêm trang, phải trộn bài, rót cà phê ra các tách để Nala  bói qua bã chè, phục vụ trà và phân phát kẹo gừng, thứ kẹo làm những người phụ nữ đến xem bói phải há mồm và nhòa mắt, bất luận thầy bói có phán gì chăng nữa. Sau khi những người khách ra về, cô cháu gái chia bài và bịa ra những câu chuyện hoàn toàn khác với những gì Nala vừa kể. Cô bé thích những que hương mùi hoa sen, thích quả cầu thủy tinh mà có lần Nala thừa nhận đã mua trong một cửa hàng tạp hóa khi đến đất nước này ba mươi năm trước. Cô bé thích nhất là chơi với những quân bài tròn đã cũ mà Nala được bà ngoại để lại; mặt lưng những quân bài ấy in hình những con vật và đồ vật kỳ bí: một con cá, một con rùa, một cái rìu, một con ngựa, một thanh kiếm và một người lùn. Một vài quân bài đã cũ đến mức hầu như không còn phân biệt được hình vẽ của nó nữa và Nala cho phép cô bé tô lại viền ngoài các hình bằng bút phớt màu.

Một hôm, bố mẹ của Julide đã bất ngờ có mặt tại một trong những buổi xem bói ấy và cấm cô bé quay trở lại. Người bác gái vẫn chỉ nhún vai theo thói quen, môi của bà có điệu bộ giống như là cắn sợi chỉ, và khi nhìn bác, Julide có cảm giác trông thấy sợi chỉ thật, một sợi chỉ dài ở góc môi bà. Tối hôm đó, khi Julide đang cởi chiếc váy phù thủy và đánh dầu lên mắt để xóa đi lớp phấn. Nala châm một điếu bidi và nhìn cô bé với vẻ nghiêm trang. Bà đã nói: Con có cơ duyên, giống như bà, mẹ bác và bác. Và Julide, vẫn không ngừng đánh dầu lên mắt để lộ dần những sợi mi đen, đã có lòng dũng cảm mà chỉ Chúa mới biết từ đâu đến để bật lên điều mà cô bé có lẽ không bao giờ dám nói: "Nhưng bác không nói thật tương lai, bác kể chuyện, bác chỉ kể những câu chuyện, và những người đàn bà tin bác". Nghe vậy, người bác gái phá lên cười, tiếng cười vang như sấm và có đầy sung sướng mà Julide chỉ nghe hai hay ba lần trước đây, và bà nói: Con thấy không, con gái, đó chính là điều mà bác nói, con có cơ duyên. Con sẽ biết kể những câu chuyện, con cũng vậy, nếu như đó là điều con muốn.

Julide lạnh lùng nhìn người bác ruột và hỏi: "Nhưng, đó không phải là những lời nói dối sao?" Nala quay lại nhìn cháu gái với sự dịu dàng ít thấy, cũng ít thấy như điệu cười lúc trước, và lần này làn khói thuốc bidi đã vẽ thành sợi chỉ thoát ra từ khóe môi bà.

 

- Không phải thế, con gái, bà dịu dàng trả lời, đó không phải là những lời nói dối, đó là những câu chuyện giúp người ta không phải sống cô độc.

 

Trong suốt thời gian sống ở nước Pháp, Nala chỉ có duy nhất một người bạn gái, người phụ nữ ấy sống ở khu nhà vườn; bà làm quen với chị bởi vì bà gặp chị vào mỗi sáng sớm, từ rất sớm, khi bà dắt con chó già đi dạo, một con chó Bắc Kinh mù lòa và hôi hám được bà nhặt về khi thấy nó đi lang thang trong thành phố với một vòng cổ giả ngọc tinh xảo đến mức khiến người ta nhầm tưởng đó là những viên kim cương thật sự. Một hôm, trong thời gian đứa cháu gái vẫn còn giúp bà sắp xếp bàn với đĩa nến, cốc đựng kẹo gừng và các quân bài, Nala đã thổ lộ với cháu rằng chị hàng xóm ấy làm nghề chụp ảnh, nhưng không chụp bất cứ thứ gì, mà chỉ chụp những bức ảnh về những thứ nhỏ bé. Lần đầu tiên, khi nhìn thấy chị quỳ gối trên đất, hai khuỷu tay như mọc lên từ vỉa hè, bà lại gần để hỏi xem liệu chị có cần giúp đỡ, hay có bị ngã, bị đau gì không. Con chó Bắc Kinh già cố liếm khuôn mặt đang quay sang một hướng khác, mái tóc dài tết thành các búi nhỏ trên gáy của chị hàng xóm. Nhưng người phụ nữ ấy lóng ngóng đứng dậy và lắc đầu.

- Không, không! Cảm ơn. Chị nói với vẻ khó chịu, rồi đi rất nhanh.

Vài ngày sau, Nala lại nhìn thấy chị trong tư thế giống hệt và bà vẫn không thể ngăn mình đến gần hỏi, để chắc chắn chị không gặp phải vấn đề gì. Khi ấy, cuối cùng chị hàng xóm cũng trả lời rằng chị đang làm việc, và Nala lịch sự gật đầu, mặc dù bà không hiểu vì sao người ta lại có ý muốn chụp ảnh một vết nứt trên vỉa hè, một khóm cỏ bị đen sạm hay một mẩu xích bị rơi từ rất lâu nay và đã bị đế giày của những người qua lại ấn sâu xuống lớp nhựa rải đường.

Sau đấy, bà thường xuyên dừng lại đứng cạnh người phụ nữ quỳ gối bên đường ấy khi tình cờ họ gặp nhau; bà hút một điếu bidi trong khi con chó Bắc Kinh già tè lên vỉa hè, bà nói về trời mưa, về thời tiết đẹp hoặc chỉ im lặng. Bà rất quý người phụ nữ này, và nhất là - nhưng bà chỉ nói điều này với Julide rất lâu về sau - bà đã sớm hiểu rằng số phận của chị gắn liền với số phận cháu gái mình.

- Đúng vậy, bà nhắc lại trước vẻ ngạc nhiên của Julide, số phận của hai người gắn liền với nhau, bác không thể nói với con vì sao, như thế nào nhưng nó là như thế, người này không có người kia thì hai người tồn tại giống như tay trái không có tay phải, bà nhấn mạnh thêm khi giơ hai bàn tay ra trước mặt.

- Làm thế nào bác biết điều đó? Julide hỏi và Nala đáp:

- Bác đã nhìn thấy điều đó trong các quân bài.

- Nhưng bác luôn nói rằng các quân bài chỉ kể những câu chuyện, Julide cãi lại.

Người bác gái lắc đầu không trả lời, một nụ cười trong đôi mắt. Rồi bà nói tiếp:

- Và cháu biết không, điều ngạc nhiên nhất, đó là chị ấy thực sự bị thương, đúng hơn là chị ấy bị bệnh hay từng bị bệnh, cái căn bệnh viêm tủy xám ấy, một chân chị nhỏ hơn chân kia và hai bàn tay cũng yếu, và đều vụng về. Các buổi sáng, chị ấy ra khỏi nhà sớm như thế là bởi vì chị ấy sợ mọi người, bà nhún vai nói như thói quen, chính vì nguyên nhân đó, chị ấy thấy xấu hổ về chân tay của mình. Đúng thế, chính như thế mới là cuộc sống.

Thế rồi ánh mắt của bà trở nên bối rối, bà vùi điếu thuốc bidi trong cốc kẹo gừng và ôm ghì Julide trong vòng tay.

- Hãy nghe lời bác, bà nhắc lại. Đừng để chị ấy ra khỏi cuộc đời con. Nếu con làm như vậy, cả hai người sẽ không còn gì, con hãy nghe bác, nếu hai người tách rời nhau, cuộc sống của hai người sẽ như một mảnh vải bị kéo cắt làm đôi. Hãy hứa với bác! Người bác gái cao giọng nói, và Julide đã hứa.

 

Vài tháng sau, vào một buổi sáng, cả gia đình đã bất ngờ khi nhìn thấy nhiều thùng các tông chồng lên nhau trên lối vào tòa nhà, và xếp ở giữa hai thùng các tông là chiếc đèn cũ bằng sứ mà Nala rất trân trọng. Họ nhìn thấy mấy người đàn ông đẫm mồ hôi đi xuống chiếc cầu thang chật hẹp cho dù không khí buổi sáng mát mẻ, và nghe thấy cả giọng nói khỏe khoắn của bác Nala trong cầu thang. Họ đi lên, ông bố, bà mẹ và ba đứa con gái, hướng về phía giọng nói của Nala, và khi lên đến nhà bác, họ nhìn thấy qua cánh cửa mở một căn hộ trống rỗng, con chó Bắc Kinh bị buộc ở lò sưởi, có một tô nước để cạnh nó.

Nala tươi cười đón tiếp họ, không bất ngờ và vẻ như không biết đến sự ngạc nhiên trên gương mặt họ.

 

- Ừ, bác đi đây, bà nói, thời điểm đã đến. Ồ, bác đã đọc được thời điểm này qua các quân bài, bà cười đáp, và chúng không tiên đoán thời gian dài phía trước, nhưng thật vô ích nếu tranh luận với các quân bài ấy. Bác trở về nước.

Bà mặc chiếc măng tô da thỏ màu xám, bà đã mặc nó khi đến đây và đã không thể vứt nó đi sau khi ôm hôn ông bố, bà mẹ và hai đứa em gái, với giọng ra lệnh, bà nói với Julide:

- Con, con đi với bác đến nhà ga.

Bà cởi dây cho con chó già, nó đang đứng dậy một cách khó nhọc để đi theo, rồi hắt chỗ nước còn lại qua cửa sổ, bà đưa cái tô đựng cho Julide. Sau đó, bà cầm cái túi bằng da sâu như một cái hòm và nhăn nheo như một khuôn mặt già, bà đã đến Pháp cùng với nó ba mươi năm trước, rồi hướng ra phía cửa. Julide ngoan ngoãn đi theo, cái tô cầm trên tay. Người bác ngồi ghế trên của chiếc xe chuyển đồ, con chó Bắc Kinh nằm trên hai đầu gối, gần người tài xế đang chảy mồ hôi đầy ngăn lái, Julide lóng ngóng len đến sát bên bác. Khi đến ga, Nala chỉ dẫn cho người lái xe rồi ra hiệu cho Julide đi xuống. Chiếc xe nổ máy trở lại gần như ngay sau đó, mang theo những thùng các tông và cây đèn cũ bằng sứ. "Chúng sẽ đi bằng đường biển", Nala nói một cách bí hiểm. Sau đó, bà đến sân ga, ở đó một con tàu đã chờ sẵn. Julide tự hỏi, làm thế nào người bác vốn chưa từng ra khỏi thành phố lại chuẩn bị chu đáo như vậy cho chuyến đi của bà.

Nala nhìn đồng hồ rồi thông báo: Tàu sẽ khởi hành trong một phút nữa. Julide đưa cho bà chiếc tô đựng nước cho con chó, nhưng bà không cầm; thay vào đó, bà cuộn sợi dây buộc chó đang quàng quanh cánh tay đưa cho cháu gái:

- Bác giao nó cho con, bà nói, nó quá già để có thể đi xa.

Bà cúi xuống hôn lên má và trán Julide:

- Chớ quên điều bác nói với con. Chớ quên chị Mado. Chị ấy sẽ cần con. Chị ấy… Bà ngập ngừng, mắt nhắm lại, rồi nói tiếp: Chị ấy như một cốc nước tự khô đi, con hiểu không? Bởi một lỗ hổng, một vết nứt rất nhỏ, và nếu con không lo làm đầy cho "cốc nước" ấy, chị ấy sẽ biến mất hoàn toàn.

Trước khi Julide kịp có thời gian để hỏi, bà xoa cái đầu tròn của con chó, rồi một lần nữa hôn đứa cháu vào giữa hai mắt - đôi mắt đẹp giống như của bà.

- Này, cầm lấy cả cái này nữa, bà nói thêm. Bác ra đi và sẽ không cần đến nó.

Bà đút vào trong túi Julide một hộp các tông dày và cứng, rồi quay đi và bước lên tàu mà không quay đầu lại, không mang gì ngoài chiếc áo măng tô màu xám và chiếc túi màu đỏ đeo trên vai.

Julide cúi xuống bế con chó lên tay và tiến lại gần ô kính tàu hỏa, lấy tay che mắt để nhìn sâu vào trong. Cô bé không nhìn thấy Nala, chỉ thấy những chiếc ghế ngồi cũ bọc nhung màu xanh đã sờn và có vài hành khách đã quay lại nhìn nó. Nó đi dọc con tàu, áp trán vào cửa kính giống như đã làm trước cửa sổ phòng ngủ ngày trước, nhưng dường như Nala đã biến mất. Một vài giây sau, khi đoàn tàu chuyển bánh, Julide đứng bất động trên sân ga, gần như chắc chắn rằng bác gái chỉ đùa giỡn với nó và sẽ bước xuống từ một cánh cửa khác, rằng nó sẽ sớm nhìn thấy hình dáng quen thuộc của bác, điệu cười của bác, điếu thuốc bidi như cái sẹo ngang mặt bác. Cô bé kiên nhẫn chờ đợi, thọc tay vào túi áo mân mê thứ mà người bác đã dúi vào trong đó. Không cần sờ thì cô bé cũng nhận ra những quân bài kể chuyện của Nala, những quân bài cũ như bôi dầu và mềm như miếng da cũ vì đã bị chia, bị đảo đi đảo lại quá nhiều lần.

Nhưng các đường ray vắng lặng như sa mạc , sân ga vắng lặng như sa mạc; Nala đã thật sự ra đi rồi.

Trong nhiều năm liền, Julide thường tự hỏi tại sao nó đã không nhảy lên tàu khi người trưởng ga thổi hồi còi cuối cùng, tại sao nó đã không nhanh nhẹn nhảy lên ba bậc thang dẫn lên toa, với con chó Bắc Kinh trên tay, để đi theo người mà nó yêu quý nhất trên đời. Nó cần một thời gian dài để hiểu được rằng, những lời của người bác đã buộc nó với cuộc đời ấy - đến số phận đã định trước - cũng chắc chắn như bà đã buộc dây dắt con chó quanh cổ tay nó.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t86415-em-con-muon-chung-nao-anh-con-nho-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận