Đằng nào thì tôi cũng không bắt buộc phải ở lại cũng như phải giải quyết mọi vấn đề. Mà nhà giam Fleury thì có vô khối vấn đề, trong đó một phần lớn không có gì liên quan đến tâm thần học, mà chủ yếu là điều kiện sống trong trại giam ở nước Pháp tươi đẹp của chúng ta, và những gì tôi vừa chứng kiến làm tôi không chịu nổi. Chính vì vậy mà tôi tìm cách bỏ đi rất nhanh, đồng thời lại tự cảm thấy lương tâm cắn rứt vì mình có một cuộc sống đầy đủ, có bạn trai và luôn gặp may mắn.
Tôi đến giữa buổi dạ hội tổ chức ở nhà bố mẹ Hugo, để kỷ niệm đến lần thứ không biết bao nhiêu ngày cưới của họ. Tôi làm như thế là không cẩn thận. Đáng lẽ tôi phải về Trung tâm viết báo cáo và trao đổi với một đồng nghiệp. Xác chết của người nữ cai tù vẫn lởn vởn trước mắt tôi, trơ trọi với bộ quần áo lót, vết máu đọng đen trên ngực, cổ bị cắt đứt. Thật là hoàn toàn không nên chuyển nhanh như thế từ một vụ giết người sang một buổi dạ hội với những cô gái mặc váy áo đẹp đẽ đang đi lại một cách duyên dáng trên sàn nhà gỗ bóng loáng của gia đình Markovich. Không phải bởi những lý do về mặt đạo đức mà bởi cái xác chết cứ lởn vởn quanh những người sống.
Trong khi ngắm những người đang khiêu vũ mà không nhìn rõ họ, tôi có cảm giác đây không phải là hiện thực. Họ dường như đeo mặt nạ, những nụ cười đông cứng. Tôi nhận ra một bác sĩ nội trú thỉnh thoảng chơi bi-a với Hugo. Anh ta ra hiệu cho tôi nhưng tôi không đủ sức mỉm cười trả lời...
...Hugo đang nhảy với một cô đẹp như một pho tượng cổ đại. Tôi có cảm giác cô ta là một phiên bản của Giselle Leguerche, nhưng theo kiểu búp bê Barbie. Đó là Sarah, một trong những cô bạn thân nhất của tôi. Sarah nói gì đó trong khi hướng về tôi và tôi có cảm giác nhận ra một cách vô cùng rõ ràng gò má cao của Giselle Leguerche, cũng như bộ ngực ngồn ngộn trong chiếc váy hở ngực. Dường như một Giselle khác được trang điểm và sức nước hoa đến tận đây, trong một chiều không gian khác của cuộc đời tôi, chỉ để trêu tôi từ xa. Tôi quay đầu làm như không nhìn thấy
Ở buổi dạ hội nhà Markovich, mọi người đều khiêu vũ, vui vẻ nói cười, xúm quanh bàn tiệc đứng kiểu Nhật Bản đắt tiền hoàn toàn phù hợp với khung cảnh rất thiền trong nhà. Toàn bộ căn nhà đã được sửa lại theo lời khuyên của một chuyên gia nội thất, và bà Markovich - mẹ của Hugo, thường gọi thân mật là Lili, đi đi lại lại với vẻ tự hào kín đáo bởi trong số mới nhất của tạp chí Elle Déco có cả một bài về căn nhà dễ thương của bà.
Bên cạnh tôi là Rosemarie vừa lấy thêm một ly sâmpanh trên khay của một người bồi bàn tóc bạc chải ngược ra đằng sau với hàng kí gôm xịt tóc. Bà chị tôi đặt lên khay cái ly rỗng và nói:
- Thật chẳng có gì để uống trong cái này...
- Cô đừng lo, - anh bồi bàn nói rất chắc chắn - Tôi ở quanh đây thôi mà.
- Anh thật tốt bụng. Anh biết không, ở đây tôi chẳng quen ai cả, tôi cảm thấy mình rất cô đơn.
Ấy thế có phải chết không. Anh bồi bàn vừa quay đi chỗ khác là tôi tấn công ngay:
- Chị mà không làm dáng kiểu ấy thì tốt hơn đấy.
- Chị á, làm dáng là thế nào? – Rosemarie tức giận.
- Chị vừa chèo kéo anh bồi bàn còn gì nữa!
- Nhưng em làm sao thế? Em không thấy anh ấy dễ thương à?
Tôi nhìn kỹ anh (phải nói là ông thì đúng hơn) bồi bàn thấp mập, tóc mai quá dài trên đôi má hơi sệ xuống và tôi cố gắng hiểu câu nói của bà chị.
- Chị phải khuyên ông ấy cắt tóc đi, - tôi đưa ra lời khuyên một cách mỉa mai - Tóc dài vểnh hết lên, chẳng có gì xấu hơn.
Bà chị tôi nhìn tôi nhưng không trả lời. Tôi nhận thấy quanh mắt chị có thêm một vài nếp nhăn mới làm cho có vẻ buồn buồn, thậm chí là già.
- Anh ấy tóc quá dài thì đã làm sao nào? Em tưởng đó là điều quan trọng thật à? Tóc của một người đàn ông ấy?
- Thôi, chị đừng có xuyên tạc.
- Véra, em thay đổi nhiều rồi đấy, - Rosemarie tuyên bố và lắc đầu vẻ nghĩ ngợi. – Mà chị cũng thế thôi. Chúng ta không còn tiếng nói chung nữa, như người ta vẫn thường nói...
Không để tôi có thời gian phản đối, Rosemarie quay gót đi sang phía "ông" bồi bàn. Hôm ấy bà chị tôi mặc một bộ váy dài, thật rộng, tầng tầng lớp lớp, búi tóc thì chỉ chực xổ ra, không kể vô số vòng tay, vòng cổ chân và hoa tai, thật dễ làm người ta chú ý. Bình thường tôi thích kiểu ăn mặc của Rosemarie, có vẻ như một nữ nhân vật trong các bộ phim cao bồi. Nhưng tối nay thì không. Tối nay đáng lẽ chị ấy phải mặc một bộ váy áo màu xanh nước biển sẫm với một cái ruybăng buộc tóc bằng vải nhung. Tối nay đáng lẽ chị ấy phải làm sao thật kín đáo. Để không gây chuyện gì cho tôi.
Mẹ của Hugo đột nhiên hiện ra trước mặt tôi. Tóc bạch kim, dáng người thanh thoát, quần ống rộng bằng vải tơ tằm đen, áo của nhà tạo mốt Christian Lacroix, giày cao gót hai mươi phân, bà hỏi tôi:
- Sandra này, chị có thấy Fabrice không?
- Cháu là Véra, bác Lili à. Không, cháu không thấy Fabrice.
Fabrice là anh của Hugo, là sếp lớn trong một công ty dầu hỏa.
Bà mẹ Hugo nhìn một vòng quanh gian phòng, vẻ thỏa mãn:
- Hôm nay thế là thành công đấy chứ nhỉ?
- Vâng ạ.
- Chị của cô tử tế với Maurice quá.
- Maurice là ai ạ?
Tôi vừa thấy bà chị Rosemarie đang nói chuyện tâm đầu ý hợp với Maurice. Bà mẹ Hugo vừa vuốt ve cổ áo vừa giải thích:
- Maurice trước là tài xế xe tải, một trong số đàn em của Mino. Anh ta không có lương hưu, vì thế thỉnh thoảng Mino tìm việc vặt cho anh ta làm.
Mino là đức ông chồng của bà Lili, nghĩa là bố của Hugo. Cả năm chắc ông ta cũng không nói đến một trăm từ, chính vì vậy mà mỗi khi ông nói thì tất cả đều lắng nghe...
...Ông ta là đại gia trong ngành vận tải, rất tự hào về bà vợ của mình, cũng như hai con trai (đặc biệt là anh con trai cả), và lần nào gặp tôi cũng hỏi xem tôi có còn là y tá ở khoa của Hugo nữa hay không. Đối với ông, tôi là một loại phụ nữ đáng thương hại đã bỏ bùa con trai ông ta, nhưng tôi không có đủ can đảm để giải thích với mọi người như vậy.
Đúng lúc đó Hugo xuất hiện, sơmi cởi cúc, cà vạt gần như sắp rơi, vẻ vô cùng hạnh phúc. Hugo khoác tay lên cổ bà mẹ và nói:
- Thế nào, mọi người đang nói chuyện à?
Bà Lili bảo:
- Mẹ đang tìm Fabrice.
- Con thấy anh ấy lên gác cùng chị Solange.
Solange là vợ của Fabrice. Một bóng đen lướt nhẹ qua bộ mặt trang điểm rất kín đáo của bà Lili. Tôi không biết bà bao nhiêu tuổi, nhưng rõ ràng là bà rất đẹp. Bà quay sang hôn lên má con trai và bảo:
- Mẹ đi đây. Các con vui đi nhé.
Bà mẹ đi rồi thì Hugo mới vòng tay quàng lấy tôi:
- Việc xảy ra thế nào?
Tôi chỉ trả lời bằng cách nhăn mặt bởi không đủ sức để nói về vụ lúc nãy. Hugo hiểu ngay:
- Em có muốn mình cùng về không?
Tôi mỉm cười, thật sự xúc động:
- Không, anh cứ ở lại đây đi. Còn bố mẹ anh, khách khứa nữa. Với lại, em phải đưa Rosemarie về trước khi quá muộn.
Chúng tôi đang hôn nhau thì Sarah chạy xô tới, mái tóc dài màu nâu chảy dài trên vai. Cô bạn có vẻ đặc biệt hưng phấn, tuyệt đẹp. Nhưng tôi lại chỉ thấy hình ảnh trong phòng giam nhà tù lúc nãy, vũng máu và sợi dây thòng
lọng quanh cổ đứa bé. Tôi rùng mình. Đã đến lúc tôi phải ra về rồi.
Thật lạ, tôi không thấy Rosemarie ở đâu cả. Ngoài trời khá lạnh, nếu không thì tôi đã nghĩ là Rosemarie đang ở đâu đó trong một bụi cây ngoài vườn với anh chàng lái xe tải. Tôi đã định hỏi người phụ trách buổi tiệc xem anh ta có thấy họ ở đâu không, nhưng rồi lại thôi vì tôi không muốn Maurice bị đuổi việc. Tôi chẳng có gì để phàn nàn về anh ta cả, mà vấn đề là bà chị của tôi. Chủ yếu là vì Rosemarie ham vui chơi mà không để ý đến bàn dân thiên hạ xung quanh làm cho tôi càng có cảm giác là mình có vấn đề. Mặc dù đó là sự thật, nhưng tôi rất ghét có người nhắc về chuyện ấy.
Vừa nghĩ về tất cả những điều đó, tôi vừa đi theo cầu thang trải thảm rất dày lên đến tầng hai. Tôi đủ biết Rosemarie để có thể đoán rằng chị ấy đã chọn vào phòng đẹp nhất.
Tôi ngó vào phòng trước kia là phòng của Hugo nhưng nay đã được chuyển thành phòng tập thể dục với đủ thứ xe đạp, thuyền chèo và thảm tập. Bên cạnh phòng thể dục là phòng làm việc nhìn ra ban công lòa xòa cành cây. Lá cây bay la đà ngoài cửa kính. Âm thanh ngày hội từ phía dưới vọng lên đến tận nơi tôi đứng.
Tôi đang tiếp tục đi theo hành lang về hướng phòng của ông bà Markovich thì đột nhiên có tiếng rên rỉ vọng ra từ nhà tắm mở hé cửa.
Rosemarie ư?
Tình cờ tôi nhìn thấy trong gương bóng của Solange, chị dâu của Hugo, đang cúi xuống bồn rửa màu xanh. Solange mặc áo hở vai màu đen, váy dài màu đỏ, bám lấy bồn rửa như chuẩn bị ngã. Đôi vai trần run rẩy, mái tóc che hết mặt, dường như chị ấy đang khóc. Phía đằng sau, bóng một người đàn ông cao to đứng sừng sững.
Tiếng bà Markovich gọi từ phía sau lưng làm tôi giật thót mình:
- Véra! Cô ở đây à? Chị của cô đang tìm cô khắp nơi! Tôi cứ tưởng là cô đã bỏ về trước.
Cánh cửa phòng tắm đột nhiên mở toang và Fabrice, anh trai của Hugo, bước ra, vẻ không bình thường.
- A, mẹ đấy à, - anh ta bảo khi nhìn thấy bà Markovich.
- Con ở đây với Solange à?
- Vâng, bọn con đang bàn chuyện.
- A thế à. Nhưng… con có chắc là mọi việc đều ổn cả không? Con có cần đến mẹ không?
Anh ta mỉm cười:
- Không, mẹ đừng lo. Mọi chuyện rồi đâu vào đấy cả thôi.
Anh ta làm như không nhìn thấy tôi, nhưng tôi quen với điều đó rồi. Fabrice thuộc loại đàn ông hoàn toàn không quan tâm đến đàn bà, ngoài chuyện tình dục….
… Trong các bữa ăn gia đình mà tôi có mặt, anh ta không bao giờ nói chuyện với tôi, trừ khi cần phải nhờ tôi chuyển đĩa thức ăn và anh ta chắc không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể đánh giá anh ta là kẻ thô bỉ hoặc đơn giản là kém giáo dục. Sự thật là anh ta kiếm tiền như rác bằng việc bán chác dầu khí.
Tôi cố tình chào anh ta với giọng ngọt ngào:
- Chào anh Fabrice.
Bà Markovich không để cho anh ta có thời gian trả lời, nắm lấy tay tôi và kéo tôi đi về phía cầu thang, vẻ tâm tình:
- Cô lại đây với tôi, để hai vợ chồng nó bàn việc riêng.
Và bà hạ giọng nói thêm:
- Dạo này Solange khủng hoảng tinh thần lắm. Khổ thân Fabrice! Nó đau khổ lắm…
Sau khi quay lại mỉm cười với tôi như một đồng minh và nắn nhẹ tay tôi, bà biến mất giữa đám đông khách khứa.
Ngoài sân, Hugo bảo tôi là Rosemarie đã đi về cùng Maurice. Hình như chị ấy đã nhắn tin vào điện thoại di động của tôi. Tôi kéo vạt áo khoác sát người và hít thật sâu không khí trong lành từ công viên ngay gần đó, nhưng tôi chỉ thấy mùi mồ hôi và mùi nước rửa Javel của nhà giam. Hugo lạnh run người trong chiếc áo sơmi mỏng, anh đẩy tôi vào xe và đóng cửa. Anh vẫy tay chào tôi lần cuối rồi quay vào nhà phía đèn hoa sáng chói.