Tôi có cảm giác kỳ lạ, dường như tôi đang về nhà sau một thời gian dài vắng mặt, đến mức tôi có ý muốn xuống xe để đi dạo trên thảm cỏ ẩm ướt.
Đến Trung tâm, tôi sang phòng làm việc của Antoine để trao đổi về cảm giác nặng nề hôm thứ bảy.
- Thú thực là trong tình hình đó thì có thể nói là kết quả không đến nỗi tồi tệ. Ít ra là cứu được đứa bé…
- Điều quan trọng không phải là mức độ bạo lực, - Antoine nhắc nhở tôi - Người ta không thể lường trước được mọi việc, bởi không ai biết bên trong mỗi một con người như thế nào. Chúng ta chỉ có một ý tưởng lờ mờ về con người mà thôi…
Antoine là người làm việc lâu năm nhất ở đây, trong số chúng tôi. Cao, hơi gù, anh có dáng người khá trẻ trung, có lẽ là nhờ cách ăn mặc: áo phông và áo len cổ lọ bó sát người, toàn là do anh người yêu, “người đàn ông của đời tôi”, mua cho cả. Nếu là trước đây, có lẽ đôi mắt màu xanh lá cây dưới đôi lông mày rậm này đã có thể làm tôi cảm động… Antoine đã đến nhà giam ở Fleury, thành ra tôi không cần mất công miêu tả. Chân gác lên thành bàn, Antoine nhấm nháp tách cà phê và chúng tôi cùng im lặng ngắm cảnh công viên giữa mùa thu vàng.
Cuối cùng, Antoine phá vỡ sự yên lặng:
- Theo những gì cô nói thì cô ta bị bệnh loạn tâm thần?
- Thật ra thì không đơn giản như thế. Em có cảm giác là cô ta đi ngược lại thời gian về một thời điểm nào đấy rất xa, nhưng có thật…Dường như cô ta là một cái máy được khởi động lại ấy, anh có hiểu không?
Antoine nhìn tôi với vẻ nghi ngờ. Nhưng tôi chỉ có thể giải thích như thế là rõ ràng nhất, mặc dù cả ngày chủ nhật tôi đã cố gắng hết sức để tìm hiểu nhân cách của người đàn bà bán khỏa thân đã hành động một cách vô cùng tàn bạo và lạnh lùng này.
- Có thể ở lần gây án đầu tiên, cô ta chỉ mới chớm bệnh thôi, - Antoine thử đưa ra một giả thuyết. – Nhưng dần dần, những năm trong tù, bệnh cô ta nặng lên nhưng không ai để ý.
Tôi nghĩ kỹ trước khi trả lời:
- Phải báo cho bác sĩ Ballisti. Cô ta có thể tái phạm.
- Bác sĩ Ballisti là người rất có kinh nghiệm, chắc chắn ông đã lường đến những khả năng có thể xảy ra. Cô ta sẽ được chuyển sang khoa tâm thần.
Thật ra thì tôi không biết nói gì với bác sĩ Ballisti. Đôi khi tôi có cảm giác người nữ tù này là người điên, bị bệnh tâm thần. Nhưng ngay sau đó tôi lại cảm thấy như cô ta là một người gian xảo và rất nguy hiểm.
Tôi cố nói thêm, như người đau răng lay cái răng đau:
- Cô ta không điên đâu... Cô ta có ý thức về điều mình làm, nhưng bởi những lý do rất sâu xa khó có thể hiểu được.
- Có lẽ đó là trường hợp của phần lớn tội nhân giết người, - Antoine nói một cách mỉa mai. – Hành động bởi những lý do khó có thể hiểu được!
Giọng mai mỉa của anh ta làm tôi bực mình. Đáng lẽ ra anh ta phải nghe tôi nói chuyện một cách nghiêm túc và tôn trọng. Nhưng có lẽ đòi hỏi điều đó ở một đồng nghiệp đang mệt mỏi là quá đáng. Tôi chuyển đề tài:
- Thế nào? Tình hình dạo này thế nào?
Antoine lầm bầm:
- Cũng tạm. Chỉ có điều là Christophe không chịu được mấy đứa con tôi.
- Và con của anh cũng không chịu được Christophe...
- Sao cô lại nói thế?
Tôi nhìn anh ta cười:
- Bởi vì điều ấy rõ như ban ngày, anh bạn của tôi à. Anh bắt những con người chỉ có một điểm chung, đó là anh, phải sống với nhau. Làm sao anh lại có thể nghĩ là họ sẽ chung sống hòa bình? Như thế là quá nhiều và quá ít. Họ sẽ chứng minh cho anh là điều đó không thể trở thành hiện thực. Và nếu anh tiếp tục gây áp lực thì họ sẽ làm anh rất đau khổ...
Dạo này, trong Trung tâm có hai khuynh hướng đang được đem ra bàn luận. Vấn đề là làm sao có thể hòa hợp các mảnh đời riêng và chung của những cuộc đời phức tạp như cuộc đời của mỗi chúng tôi. Hai khuynh hướng ấy hoàn toàn đối lập với nhau: một bên là những người theo phái Chúng ta sống chung, và bên kia là phái Chúng ta sống riêng. Những người theo phái Chúng ta sống chung cho rằng cần phải hòa nhập tất cả những yếu tố cấu thành cuộc đời, ví dụ như đi chơi cùng đồng nghiệp, đi nghỉ hè cùng con cái của người yêu và đón Noel cùng những người gần như không quen biết. Tất nhiên là họ không bao giờ phải nói dối, nhưng thường xuyên ở bờ vực chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Ngược lại, phái Chúng ta sống riêng cho rằng cần phải tách rời các phần. Không lẫn lộn cuộc sống riêng tư và công việc, không bắt người này với người yêu người kia phải chịu đựng nhau, đón Noel ở nhiều nơi, tóm lại là trong cuộc đời có chỗ cho tất cả mọi người và mỗi người có một vị trí riêng. Khuynh hướng này cho phép xóa bỏ xung đột, nhưng có cái khó là phải hết sức cảnh giác ở mọi nơi mọi lúc. Riêng bản thân tôi thì do rất ghét xung đột, cũng như tính cách thích ẩn mình, tôi là người hoàn toàn ủng hộ phái Chúng ta sống riêng.
Việc con của Antoine không chịu được Christophe, anh bạn của Antoine, cũng như Christophe không muốn gặp chúng, là một chiến thắng rực rỡ cho phái chúng tôi. Tôi kết luận trước khi ra khỏi phòng:
- Anh nhớ bỏ mười euro vào quỹ chung nhé.
Đó là số tiền phạt mỗi khi có một phái chiến thắng. Số tiền này sẽ được dùng để tổ chức liên hoan hòa hợp vào hè sang năm. Từ giờ tới đó, chắc chắn Antoine sẽ tiếc là người ta không giữ tôi lại trong phòng giam nhà tù Fleury.
Dù tôi có muốn hay không, sự thật là Sheila, bà thư ký điều phối của Trung tâm nặng tới tám mươi kilôgam thịt trắng phớ và chắc nịch, trừ ở chỗ ngực vừa mềm mại đủ độ, không quý tôi. Đến gần đây, tôi vẫn nuôi hy vọng là dù sao thì bà ta cũng không quý ai, nhưng sự thật là tôi đã nhầm to. Thật vậy, có một sinh vật được Sheila yêu quí, đó là con chó cảnh của bà ta tên là Kiki. Vấn đề là Kiki đang ốm nặng. Tôi không thể nào hiểu được làm sao bà ta lại được phép mang giỏ mây nặng mùi của Kiki vào văn phòng để có thể liên tục chăm sóc nó, đó là một sự bí ẩn. Nói thật là sự khoan dung của ban lãnh đạo làm tôi bị sốc, mặc dù đây chỉ là một bệnh viện tâm thần và trung tâm chúng tôi chỉ là một bộ phận bé tí ở đằng sau cánh cửa gắn thép tầng một mà thôi.
Tôi tỏ thái độ không đồng tình bằng cách từ chối không chào Kiki, cũng như không hỏi han về tình hình sức khỏe của nó, hoặc thể hiện dưới bất kỳ hình thức gì việc tôi có ý thức về sự hiện diện của nó. Có lẽ bây giờ cần phải nói thẳng rằng Sheila không phải là không quí tôi, mà bà ta bắt đầu căm thù tôi.
Khi tôi hỏi bà ta rằng tại sao tôi lại phải trực ba đêm liên tục ngay sau khi vừa được điều đi ra ngoài bệnh viện, có nghĩa là ở nhà giam Fleury, thì bà ta trả lời mà không thèm nhìn tôi:
- Tôi làm sao biết được! Cô hỏi Monique ấy!
Monique, bà thư ký trực ban ngày, là người phụ trách việc lên kế hoạch. Khi Monique đến làm việc vào lúc 9 giờ thì các bác sĩ tâm thần trực đêm đã về rồi, và rõ ràng là bà ta phải dựa theo các chỉ dẫn của Sheila. Tất nhiên, bất kỳ ai cũng hiểu là thái độ của tôi đối với con chó Kiki chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Nhưng tôi thì không. Tôi có nhược điểm là tin vào các giá trị của nền cộng hòa, vào công việc, vào gia đình, và với tư cách là một đại diện của thế hệ người di cư thứ hai, tôi tin vào quan hệ tốt đẹp giữa Pháp và Bồ Đào Nha. Nếu như đúng là người ta vẫn thường nói về dân Bồ Đào Nha ở châu Âu cũng như dân Bretagne ở Pháp là dân cứng cổ, thì Sheila có thể tiếp tục hành hạ tôi, tôi sẽ không bao giờ đầu hàng. Con chó này không có lý do nào để có mặt trong một trung tâm tâm thần! Và bởi không có ý định trả giá cho cái niềm tin vững chắc của mình, tôi quyết định chờ Monique ở một nơi ít thù địch hơn.
Vào lúc sáng sớm này, quán cà phê rất nhộn nhịp. Những người mới đến và những người chuẩn bị ra về trao đổi tin tức, các loại tin đồn và chuyện tiếu lâm. Tôi ngạc nhiên thấy Hugo ngồi ở chỗ thường ngày, gần cửa sổ. Tôi lao đến và ôm hôn anh thắm thiết:
- Thế nào? Buổi dạ hội kết thúc tốt đẹp chứ? Anh có mệt lắm không?
Tôi cảm thấy mình có lỗi vì đã để Hugo một mình cả tối thứ bảy ở buổi dạ hội tại nhà bố mẹ, vì thế tôi tỏ ra quan tâm và hỏi han kiểu: "Anh có mệt vì phải uống rượu suốt cả buổi tối không?". Hugo khá vui vẻ công nhận là mệt thật và nói thêm:
- Bố mẹ anh rất thất vọng là em về sớm thế...
Tôi cảm thấy như thế là hơi quá, vì ông bà ấy gần như không biết tên tôi, nhưng tôi chấp nhận luật chơi:
- Em cũng thế, em tiếc lắm. Anh đã giải thích là em không hoàn toàn có lỗi chưa?
- Tự em sẽ giải thích cho bố mẹ. Bố mẹ mời em đến ăn cơm, sau buổi dạ hội còn nhiều thứ lắm...
Tôi có cảm giác ngạt thở:
- Tối nay à? Nhưng... hình như em phải trực thì phải.
Đến độ này thì tôi có cảm giác là tôi đang vượt quá biên giới.
Hugo hỏi một cách châm biếm:
- Vẫn là chuyện bà điều phối à?
Thôi, đến thế thì tôi đành phải cố gắng giữ quan hệ Pháp - Bồ Đào Nha.
- Em sẽ nói với bà thư ký, - tôi vừa nói vừa lấy bánh sừng bò trên đĩa của Hugo. – Bà ấy phải thay đổi kế hoạch thôi.
Hugo ngả người sang hôn tôi:
- Em thấy không, lúc nào em muốn là được mà...
Nguyên tắc đầu tiên của lý thuyết sống riêng là không bao giờ có người tình ở nơi mình làm việc! Không bao giờ! Nếu tôi trung thực thì đáng lẽ tôi phải tự phạt mình mười euros!
Tôi vui vẻ đi ra khỏi văn phòng của bà thư ký trực ngày. Thôi thì cũng đành phải đi ăn ở nhà bố mẹ Hugo vậy, nhưng sau đó thì chúng tôi có thể về nhà anh ấy hoặc về nhà tôi. Cuộc đời thật đẹp làm sao!
- Véra, chị có điện thoại! Luật sư của Giselle Leguerche...
Tôi lao bổ vào phòng làm việc.
- Bác sĩ Cabral? Tôi là luật sư Revil. Tôi gọi cho bác sĩ về việc hôm tối thứ bảy. Tôi định sử dụng Điều 122 trong vụ án mạng nữ cai tù. Ý kiến bác sĩ thế nào?
Ý kiến của tôi ư?
Trong luật hình sự, Điều 64 mới được sửa thành Điều 122 nói rằng: Người khi hành sự bị rối loạn tâm thần hoặc bệnh thần kinh dẫn đến việc mất ý thức về hành động của mình thì không bị coi là có trách nhiệm hình sự.... Nói khác đi thì người nào được công nhận là ở trong trường hợp Điều 122 sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và được chuyển sang bệnh viện tâm thần.
Đối với một bác sĩ tâm thần thì trường hợp này rất khó xử. Làm sao có thể chắc chắn là mình không đẩy một người bệnh vào nhà tù và ngược lại, không cho phép một kẻ sát nhân trốn được luật pháp.
- Bác sĩ Cabral? Chị có nghe thấy tôi nói gì không?
- Vâng, tôi có nghe thấy. Nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý... Bà Leguerche...
- Cô Leguerche thì đúng hơn. Cô ta chưa bao giờ lấy chồng.
- Theo tôi thì cô Leguerche hoàn toàn tỉnh táo. Cô ta đã hành động một cách có ý thức.
- Bác sĩ làm tôi rất ngạc nhiên. Cô ta có thái độ lạ lắm, chắc chắn bác sĩ cũng đã thấy rồi...
Tôi cảm thấy là cuộc nói chuyện không đi đến đâu. Tôi cố lấy giọng dứt khoát:
- Tôi chỉ tiếp xúc với cô Leguerche trong một thời gian rất ngắn, không đủ để có thể đưa ra nhận định chính xác về trạng thái tâm thần của một bệnh nhân. Tôi chỉ có thể đưa ra một ý kiến nhỏ về ý thức của cô ta trong lúc hành động. Đứng từ góc độ này thì tôi hoàn toàn có thể khẳng định rằng cô ta có ý thức về hành động của mình và thậm chí tôi có thể nói rằng cô ta có ý thức về nguyên nhân của hành động đó.
Luật sư Revil phản ứng:
- Tôi vô cùng tôn trọng bác sĩ, nhưng trong trường hợp này, bác sĩ đã hoàn toàn sai lầm! Tôi vừa đến gặp cô ta sáng nay, nhưng cô ta thậm chí không nhận ra tôi! Cô ta như đang ở đâu đó! Ở đâu thì tôi chịu, có lẽ bác sĩ biết hơn tôi...
Dù sao thì tôi cũng không thể nói rằng Giselle Leguerche là một người hoàn toàn bình thường trong khi chính tôi nghĩ điều ngược lại. Nhiều phút trôi qua trong im lặng trước khi tôi quyết định thử đưa ra một giải pháp:
- Tôi có thể làm chứng rằng cô ta đã tự quyết định không giết đứa bé và tự nộp mình cho cảnh sát. Theo anh thì như thế có được không?
Ở đầu dây bên kia không ai trả lời. Từ góc độ một luật sư thì rõ ràng đề nghị của tôi là quá ít ỏi và chỉ có thể được coi là tình huống giảm nhẹ. Anh ta thở dài:
- Tôi thật không may mắn! Tại sao cô ta lại tái phạm vài ngày trước khi ra tù cơ chứ... Thật là điên khùng! Bây giờ thì chắc chắn là tù chung thân rồi...
- Liệu hành động của cô ta có liên quan gì đến cái chết của con trai cô ta không?
Luật sư Revil cười khẩy:
- Thế thì cô ta phải có con đã chứ!
Tôi có cảm giác từ trên trời rơi xuống và mất mấy giây để phân tích hậu quả của thông tin này. Liệu Giselle Leguerche có thật tỉnh táo như tôi phán đoán hay không? Hay cô ta là một kẻ huyễn hoặc, xảo trá hoặc điên khùng?
- Anh muốn nói là cô ta chưa bao giờ có con à? – Tôi hỏi một cách ngờ vực.
- Nếu có thì tôi đã biết chứ! - Luật sư Revil gầm lên, có vẻ hoàn toàn mất kiên nhẫn. – Bác sĩ thấy không, trường hợp này phức tạp lắm. Mà tôi thì chẳng làm giàu được đâu, có lẽ tôi sẽ không nhận hồ sơ này nữa...
Ai là người quan tâm đến trường hợp Giselle Leguerche? Ai là người quan tâm đến việc một nữ cai tù bị sát hại trong một phòng giam vào một tối trăng rằm? Không ai cả! Mà đó là điều bình thường ở Fleury thôi...
Tôi ngạc nhiên nghe thấy giọng mình đang nói:
- Anh xin cho tôi được gặp cô Giselle. Tôi sẽ xem có làm gì được không.