So với năm lớp bảy và năm lớp tám thì quãng thời gian này của Tử Minh hạnh phúc hơn rất nhiều. Không chỉ bởi vì không còn bầu không khí bạo lực nữa mà cái không gian tự do cũng càng được tăng lên gấp bội. Tử Minh và cô Chu đã cùng nhau thực hiện khá tốt lời hứa: vui sống hòa bình, không ai xâm phạm đến ai. Giờ n gữ văn Tử Minh rất ít khi nghe giảng, không phải vì tâm lí phản nghịch gì, mà là nếu so sánh với việc ngồi nghe cô Chu bình giảng văn học thì Tử Minh thà tự xem sách tham khảo còn thấy thú vị hơn. Và kết quả xuất sắc sau một số bài kiểm tra đã chứng minh được khả năng tự học của cô bé cũng không tồi. Chu Nhàn đương nhiên cũng không quên ca ngợi bản thân, bởi cô ta thực sự cho rằng đó đều là những công lao của chính mình.
Mặc dù không trực tiếp nói ra, nhưng Chu Nhàn luôn luôn tự nhận định rằng mình là giáo viên ngữ văn giỏi nhất Trung Quốc. Điểm này chẳng ai dám chứng minh, nhưng nếu nói cô Chu là giáo viên tự ngộ nhận giỏi nhất Trung Quốc thì chắc tất cả học sinh của cô đều nhất loạt giơ tay tán thành. Từ cái ngữ điệu huênh hoang tự tin khi giảng bài, cái dáng vẻ ngạo mạn khi giải bài tập đến cái tư thế đánh mông khi đi lại cũng đủ để thể hiện điều đó. Càng không cần phải nói đến cái thói quen tự thổi phồng bản thân mỗi khi lên lớp. Trung bình mỗi một tiết học cô phải dành ra hai lần để tán dương mình, mà mỗi ngày có hai tiết ngữ văn, như vậy một tuần học sinh trường Thế Khải phải nghe đến hai mươi lần những bản tự ca tụng chẳng đâu vào đâu của cô chủ nhiệm, và đấy lại còn chưa tính đến những giờ tự học cô chỉ ghé qua kiểm tra sĩ số thôi mà cũng phải mang theo vài ba câu về bản thân gửi tặng học sinh để chúng hiểu rõ, hiểu đúng hơn con người mình.
Ấy thế mà cô Chu lại vẫn kiên định nghĩ rằng mình là người thông minh nhưng khá khiêm tốn, bởi khi tự tán dương bản thân, cô có bao giờ trực tiếp nói những câu đại loại như kiểu: "tôi thật tuyệt vời" nào đâu (mà hình như những người bình thường không thông minh cũng chẳng bao giờ nói vậy cả), cô Chu luôn dùng cách thức mượn lời của người thứ ba để nói về sự lợi hại của chính mình. Bình thường cô Chu hay dùng câu "không phải tôi tự khen đâu" - một câu nói vô cùng thành thật nhưng lại không liên quan gì đến nội dung bài học để làm câu mở đầu cho đề tài tán dương của mình, và tiếp sau sẽ là: "Ôi, mấy hôm nay tôi phải thức khuya đến nỗi mà hai mắt thâm quầng lại rồi. Cũng tại thành phố muốn làm một đề thi giáo viên dạy giỏi gì đó, tất nhiên làm sao có thể thiếu vai trò của trường ta được. Tôi sợ lúc đó trường sẽ tìm đến tôi, thì có (chốn) trốn tránh cũng (chốn) trốn không được, mọi người đã nói rồi, nếu không có tôi tham dự thì chất lượng của kỳ thi lần này sẽ giảm sút nghiêm trọng, người khác không thể làm nổi. Vậy các em nói tôi còn cách nào không trứ (chứ)? Đành phải tham dự và ra đề thôi. Mỗi ngày vừa phải trấm (chấm) bài rồi soạn bài, lại vừa phải ra đề, mệt không để đâu hết mệt".
Hoặc là: "Các em ai nói truyện (chuyện) riêng trong giờ thế hả? Đúng là có phúc mà không biết hưởng. Các em có biết tôi dạy thêm ở ngoài một tiếng kiếm được bao nhiêu tiền không hả? Hì hì, thôi, nói ra sợ các em ngất sỉu (xỉu) hết! Nhưng có điều là tôi lại cần món tiền đó sao? Cái tôi cần là trất (chất) lượng học tập của học sinh. Nếu học sinh không có tiềm năng thì dẫu có đưa nhiều tiền hơn nữa tôi cũng không dạy. Có một vị phụ huynh cầm tiền đến gặp tôi và nói: thưa cô Tru (Chu), cô là giáo viên ngữ văn ưu tú nhất trong thành phố này, trỉ (chỉ) có cô mới có thể cứu vớt được tiền đồ của con cái trúng (chúng) tôi thôi!".
Mỗi lần nói xong những câu như vậy, nét mặt cô Chu lại lộ ra cái vẻ khổ sở vì bị cái tiếng tăm của mình gây nên, sau đó cô lại nhanh chóng quay về với thực tại tiếp tục dẫn dắt học sinh phân tích những đề tài tiêu biểu được đề cập đến trong các tác phẩm văn học kiểu như tác phẩm của Lỗ Tấn.
Không biết là thật hay giả nhưng tất cả học sinh trong lớp Tử Minh đều tuyệt đối tin tưởng vào những lời tự tán dương của cô Chu, giống như bọn chúng đã tận mắt được chứng kiến các lãnh đạo, các bậc phụ huynh đang quỳ dưới chân cô Chu vừa khóc lóc vừa ca tụng cô ta vậy. Còn Tử Minh thì lại hoàn toàn nghi ngờ về điều đó. Mặc dù Tử Minh không có hứng thú cũng chẳng có thời gian để đi đối chiếu xem cô Chu thật sự giống như những gì cô ta đã từng nói, có thật sự là nhà giáo đặc biệt của quốc gia, có thật là người nổi tiếng trong trường, có thật là các phụ huynh nếu không có cô Chu sẽ treo cổ tự tử hay không, nhưng cô bé tin chắc rằng trong những lời cô chủ nhiệm nói ít nhất có đến 1/3 là giả dối. Ngoài khả năng bê y nguyên những bài văn mẫu trong sách tham khảo và đọc thuộc lòng các câu thơ trong sách văn học một cách nhanh chóng bằng chất giọng không phân biệt được âm uốn lưỡi đặc trưng đó ra thì cô Chu chẳng có một tài hoa gì đáng để nói cả. Giờ học của cô, đừng mong đợi một kỳ tích gì xuất hiện, nếu có thì cũng lại xoay quanh một vài câu chuyện điển cố điển tích hoặc câu chuyện lịch sử quen thuộc mà thôi. Mà nếu thật sự có nghe thấy cô giảng một đoạn nào đó hay hay, thì sau khi tan học mở thử quyển sách tham khảo ra xem, chắc chắn sẽ thấy đoạn ấy ở một trang nào đó. Thế nhưng nói thật, lớp Tử Minh lại chẳng ai cảm thấy cô Chu giảng bài không hay cả bởi trong tiềm thức của chúng, môn văn giảng hay hoặc không hay không có gì khác biệt. Nội dung của môn học này chẳng qua toàn những thứ cũ kỹ lặp đi lặp lại, nếu có thay một giáo viên xuất sắc thực thụ đến dạy thì cũng chỉ thế mà thôi. Lí do duy nhất khiến lớp Tử Minh có thái độ tích cực với môn văn đơn giản là vì bây giờ đã lên lớp chín, đây lại là giờ của cô chủ nhiệm nên ai nấy mới đều cố gắng đến nghe giảng. Còn bình thường giờ văn xưa nay vẫn chỉ là quãng thời gian để học sinh nghỉ ngơi xả hơi.
Tóm lại, lớp Tử Minh không ai ghét cô chủ nhiệm mới. Có lẽ bởi vì ấn tượng mà cô giáo chủ nhiệm cũ để lại quá lớn, nên bây giờ chỉ cần thay bằng một cô giáo khác không có thói quen đánh người thì mọi người ai nấy đều phấn khởi hồ hởi như được đón xuân về. Tử Minh cũng không hận Chu Nhàn, bởi hận sẽ phải tiêu tốn rất nhiều calo cảm xúc mà cô ta thì không đáng để phải làm vậy. Tử Minh giành toàn tâm toàn ý, trọn một lòng hướng về Diệp Bột Lãng, vì cậu ta mà tình nguyện vùi mình trong đống đề thi. Chỉ cần mọi người xung quanh không làm phiền thì hình ảnh họ trong mắt cô bé l c nào cũng xa xăm, lúc nào cũng đáng yêu đáng kính. Đỗ Binh mặc dù không thể nói là xa xăm được, nhưng cũng là một kẻ đặc biệt, đi học muộn, về học sớm, trong lớp chuyên làm việc riêng như xem sách, nghe nhạc, viết nhật ký.... Vì thế có thể hoàn toàn khẳng định rằng cậu ta cũng không muốn ai can thiệp vào cuộc sống của mình.
Một hôm, giờ văn buổi chiều bắt đầu được nửa tiếng đồng hồ thì Đỗ Binh mới thong dong tới lớp.
- Đứng lại! - Chu Nhàn đặt quyển giáo trình xuống, nhìn Đỗ Binh với vẻ mặt không hài lòng, - Tại sao lại đi muộn như vậy?
- Em đang viết văn ạ!
- Cái gì? - Chu Nhàn nghi ngờ những điều mình vừa nghe được.
- Viết văn ạ. Dùng bút, viết văn ạ! - Đỗ Binh kiên nhẫn trả lời.
- Viết.....viết văn hả? Vậy để lúc nào đó viết không được à?
- Không được ạ. Sáng sớm nay đột nhiên em có hứng ạ. - Đỗ Binh mỉm cười nói.
Chu Nhàn nhìn Đỗ Binh rất lâu như nhìn một kẻ bị mắc bệnh tâm thần. Cuối cùng, xua xua tay để Đỗ Binh về chỗ ngồi.
Tử Minh cúi đầu xuống đất, mắt nhìn thẳng lên trên để thăm dò Đỗ Binh:
- Tớ thấy nhiều lúc cậu cũng xuất thần đấy nhỉ?
- Hừ, cậu có biết vì sao cô giáo không dám động đến tớ không?
- Nếu cậu muốn nói ra thì tớ sẽ nghe.
- Hừ. Vậy tớ nói cho cậu biết. Hiệu trưởng Trương là ông của bà cô tớ đấy.
- Hả?
- Hả cái gì mà hả, chẳng có gì không thể tin cả. Tớ đâu có nói Trương Tam Phong là ông của bà cô tớ đâu.
- Vậy cậu....
- Đúng đấy, tớ vào bằng cửa sau đấy. Cậu định hỏi câu này chứ gì? Vậy còn cậu?
- Tớ?... Ừ, tớ cũng là nhờ người giúp.
- Thật ra cậu không nên vào đây, không phù hợp với tính cách của cậu. - Đỗ Binh chậm rãi nói.
- Gì? Vậy tớ nên đi đâu?- Tử Minh vẫn chưa xác định được Đỗ Binh đang khen mình hay chê mình nữa.
- Không biết. Nên học về nghệ thuật. Bức tranh cậu vẽ bị Hoàng Kim Châu xé nát thực ra mình biết cả. Thực ra mình cái gì cũng biết. Hì hì. Lật đổ Hoàng Kim Châu thực ra cũng có công lao của mình đấy. Mình đã nói tất cả mọi chuyện về cô ta cho ông bà cô của mình.
Tử Minh nhìn Đỗ Binh đầy cảm kích, không nói thêm được gì nữa.
- Cậu có thi cấp ba không? - Đỗ Binh vừa sửa bút chì vừa hỏi.
- Đương nhiên là có. Lẽ nào cậu không thi?
- Không muốn thi. Chẳng th vị chút nào. Tớ muốn làm nhà văn.
- Làm nhà văn? Chà....một chí hướng phi thường! Người nhà cậu có ủng hộ không?
- Không. Họ nói thời buổi này người người trên khắp phố phường đều tự nhận mình là nhà văn, nhưng chẳng mấy ai tự lo được cho cuộc sống của mình cả. Nói không chừng lúc đó mẹ mình lại đi tìm ông bà cô mình, dựa vào quan hệ để đưa mình vào một cái trường cấp ba chó chết nào đó.
-.....Cái đó cũng không phải là xấu.
- Hừ, mình ghét trường học, học ở đâu cũng không thành vấn đề. Bố mẹ mình chẳng qua chỉ muốn tìm một nơi nào an tâm một chút để nhốt mình ở yên trong đó. Chắc cậu không nhận ra đâu, trước kia mình chơi bời lêu lổng ở bên ngoài động trời động đất đấy. Cậu đến phố Chấn Hưng hỏi thử mà xem, chẳng ai không biết cả.
Tử Minh hơi mỉm cười:
- Quậy đến mức nổi tiếng vậy hả?
- Ối dào, cũng có lịch sử của nó đấy. Nói một cách đơn giản là một lần có một tên họ Vong đến trêu ghẹo bạn gái của nhị ca chúng tớ. Tớ dẫn một đám người đến để xử hắn. Xong xuôi, trước khi đi, tớ còn bắt bọn đàn em cậy miệng hắn ra và tặng cho hắn một bãi nước tiểu. Chuyện là như vậy. À, tớ nhớ ra rồi, thằng nhãi đó tên là Vong Đại Hải, trông hắn như thế nào ý nhỉ?.... - Đỗ Binh nói xong, chẳng cả nhìn Tử Minh, lấy quyển nháp ra tiếp tục viết văn.
Tử Minh thở nhẹ một hơi, kinh ngạc nhìn lại Đỗ Binh, rất lâu sau mới lên tiếng:
- Thế sao cậu không nhổ vào miệng hắn ta một bãi đờm để hắn ta thưởng thức?
- Bởi vì lúc đó tớ vẫn chưa được nghe câu chuyện cười đó. - Đỗ Binh lại ha ha cười khoái chí.
Tử Minh cúi đầu mở bộ đề thi, miệng đột nhiên lẩm bẩm: "Vong Đại Hải....Vong Đại Hải...".