Tình Thế Hiểm Nghèo Chương 13


Chương 13
Bắt Đầu

Thung lũng Santa Ynez nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi, đắm mình trong ánh mặt trời và vẻ duyên dáng vốn có của mình. Được thiên nhiên ưu ái dành cho không chỉ khí hậu mát mẻ quanh năm mà còn cả những hàng nho trải dài phủ kín các triền dốc, vùng đất ấy không ít lần bị người ta lầm tưởng là chốn thiên đường. Những nơi nho không mọc thì táo lại sinh sôi, nảy nở. Những ngọn đồi trông thật mềm mại và dịu dàng, cả đại dương băng giá buổi sáng cũng thế. Khách du lịch kéo về thung lũng này vì rượu, thức ăn, những kiến trúc cổ xưa, bầy ngựa và có thể là cả những giấc mơ ban ngày mà tất cả những điều ấy tạo nên.

Hầu hết, các thị trấn tô điểm cho vùng này đều được du khách ưu ái như Solvang, Buelton, Ballard và Los Olives. Sau đó mới đến Ojo Negro. Cái tên Ojo Negro được đặt theo những mầm cây đen, sắc cạnh của một vùng trồng bồ đề bị bỏ hoang. Nằm ở khu tam giác có khí hậu khắc nghiệt, vùng đất bị lãng quên ấy chỉ cách Los Alamos một trăm lẻ một dặm, Ojo Negro từng là trạm nghỉ trên đường cao tốc. Sự thịnh vượng cũng có mặt trái của nó, lượng khách bộ hành đến đây giảm xuống chỉ còn một nửa, đó là hệ quả tất yếu của một xu hướng sớm nở tối tàn. Nhưng người dân ở đấy sống nhờ vào nó. Khi đường


cao tốc đổi lộ trình về phía bắc vài dặm, Ojo Negro đã bị khai tử.

Wendell Salmey cũng tương tự như vậy, vị cảnh sát trưởng đã điều tra vụ án Bright-Tranh, chín năm về trước. Milo đã tìm ra điều đó khi xem các dữ liệu hành pháp. Anh cũng sắp xếp cho tôi cuộc hẹn lúc mười một giờ sáng với George Cardenas, cảnh sát trưởng mới.

"Đừng kì vọng nhiều quá Alex ạ. Anh ta chỉ mới nhậm chức độ mười tám tháng. Nếu anh đánh hơi được cái gì hay ho thì tốt quá rồi. Có thể, anh sẽ tìm ra một tâm hồn đơn côi khát khao được trò chuyện không chừng."

Trên tấm bản đồ đi đường của tôi không có nơi nào tên là Ojo Negro nên tôi chuyển qua dò tìm trên mạng. Kết quả chỉ ra đó là một vùng không được đánh dấu, cách đường Baca Station khoảng bốn phẩy ba dặm.

Mười giờ đêm, Milo lại gọi cho tôi. Anh đang ngồi trong xe, theo dõi đối tượng được ba tiếng rồi và không có gì bất thường xảy ra ở khu nhà của Tony Mancusi.

Tôi hỏi, "Khát khao được trò chuyện hả?"

"Khát khao nhịp tim của chính tôi thì có. Tôi mới nói chuyện với thám tử của cảnh sát trưởng quận Santa Barbara, người cùng với Salmey điều tra vụ Bright-Tranh. Ông ta nói rằng vụ đó từng là một câu chuyện trinh thám không có hồi kết. Nhưng giờ ông ấy đã về hưu và chán ngán rồi nên ông sẽ cho cậu ân huệ được gặp ông ấy. Tên ông ta là Donald Bragen, sống ở Buelton. Từng là một hạ sĩ cảnh sát, tôi nghe có vẻ như ông ta nắm vấn đề đấy. Ông ấy sẽ đi chuyến bay trưa nay, đến Seatle rồi chuyển tiếp qua Alaska để câu cá. Nếu anh đến được Santa Barbara lúc chín giờ, ông ấy sẽ dùng bữa sáng với anh ở Moby Dick trên cầu cảng Stearn.

"Tôi sẽ đem cây lao đâm cá theo."

"Chào nhé. Tôi phải trở về với lon Red Bull và cái bánh kẹp đây."

"Ồ, anh và Tony ăn cùng một món hả?"

"Không những thế mà còn dùng chung một cái muỗng dính đầy mỡ nữa kìa."

"Đồng cảm hả?"

"Đồng khẩu vị!"

 

*

 

Tôi bắt đầu buổi sáng hôm sau vào lúc bảy giờ sáng, chịu đựng đám đông xe cộ chen chúc khi đi từ Encino đến Thousand Oaks, rồi phóng ẩu một chút khi đi trên đoạn vắng Camarillo và gần đến Santa Barbara lúc tám giờ bốn mươi. Còn vài dặm nữa là đến Cabrillo thì Milo gọi tôi, anh thông báo Donald Bragen đã bắt chuyến bay sớm và hủy buổi hẹn ăn sáng.

 

Tôi hỏi, "Không có hứng thú kể về thất bại đã qua à?"

"Hoặc là con cá hồi đã quyết định xuất hiện sớm, những con xấu xa cứ hay tự lừa dối mình."

"Mấy con cá đó hả?"

"Chúng cứ bơi ngược dòng như thể mọi người sẽ ấn tượng lắm ấy."

Giờ tôi đã cách thành phố biển ba mươi dặm, qua khỏi cột mốc 101, nối vùng nội địa và phương bắc không còn thấy mặt biển xanh nữa. Con đường nhỏ không được đánh dấu hiệu chỉ còn cách sáu dặm nữa. Chạy băng băng trên một con đường được tu sửa sơ sài, tôi phóng xe ngang qua một rừng bạch dương, khu rừng nhỏ kết thúc đột ngột như những cuộc hôn nhân ở Hollywood. Khung cảnh hai bên đường nhuốm một màu vàng nhợt, cỏ dại cao đến thắt lưng và rải rác theo đó là những thân cây xám bạc, uốn lượn theo con đường. Santa Ynez đã hé lộ một phần từ phía bắc trước mặt nhưng vẫn còn giữ khoảng cách, kiểu như các ngôi sao điện ảnh triển vọng vậy. Những hố đất trồng bồ đề khi xưa xuất hiện trước tầm mắt, tôi chạy chầm chậm để nhìn. Sợi dây căng ngang với những tấm nhựa nhăn nheo che gần hết miệng hố nhưng qua những khoảng trống giữa các tấm nhựa, tôi có thể nhìn thấy được lòng hố đen. Những tấm biển cảnh báo nguy hiểm hình đầu lâu và hai khúc xương bắt chéo cho thấy khu vực xung quanh không có vẻ thân thiện cho lắm. Khi tôi bắt đầu lái tiếp, một sự dịch chuyển làm tôi chú ý. Đó là một con sói dơ bẩn đang lẩn vào đám cỏ, làm lay động cỏ cây rồi chạy biến mất.

 

Chỉ có cỏ dại um tùm và vài lùm bạch dương, Ojo Negro giờ đây đã trở thành một nơi đổ nát, thâm sơn
cùng cốc.

Đi thêm nửa dặm nữa, tôi nhìn thấy một phụ nữ mảnh mai, tóc đen đang đi dọc bên đường, mang theo một cái lồng sắt to. Cô ta sử dụng cả hai tay để xách cái lồng, lưng quay về phía tôi. Tiếng động cơ xe của tôi làm cô quay lại nhìn nhưng vẫn tiếp tục đi về phía một chiếc xe jeep màu nâu, đậu cách đó chừng mười mét.

Tôi lái xe đến cạnh cô. Cô nhanh chóng quay lại, giữ cái lồng trước mặt. Đó là một cái bẫy thú có cửa chốt, đủ nặng để làm oằn vai cô gái. Những vết gỉ sét bao phủ dưới đáy lồng.

"Anh cần gì à?" Cô ta khoảng ngoài hai mươi, người La-tinh, mặc một chiếc áo thun trắng, quần jean và mang giày bốt. Mái tóc dày, đen óng được cột gọn gàng phía sau. Trán rộng, phẳng mịn. Cô ấy có cặp mắt nâu vàng, sóng mũi thẳng và một cặp môi mỏng. Một người phụ nữ đẹp hiếm có; mọi góc cạnh đều toát lên nét sắc sảo.

"Tôi đang tìm cảnh sát trưởng Cardenas."

Cô hạ cái bẫy xuống "Anh cứ đi đi. Cậu ấy đang ở trong thị trấn."

"Thị trấn cách đây bao xa?"

"Qua đoạn rẽ đầu tiên là đến rồi."

"Cảm ơn nhiều."

"Anh là bác sĩ từ Los Angeles đến phải không?"

 

"Tôi là Alex Delaware."

Cô nói, "Cậu ấy đang mong anh đấy."

"Cô làm việc cho anh ta à?"

Cô mỉm cười "Tôi là chị gái cậu ấy, Ricki."

Tôi chìa tay định bắt tay cô. "Anh không muốn chạm vào tôi sau khi tôi đã chạm vào thứ này đâu."

"Cô bắt con gì thế?"

"Một con sói. Là một người dân của thị trấn, George đặc biệt chăm lo cho mọi thứ ở đây. Lũ sói cứ đến làm tung tóe các túi rác ngoài nhà của bà ấy nhưng bà vẫn không bẫy được chúng. Bà ấy đã tám mươi chín tuổi rồi nên khi bà nghe tiếng động hay muốn đuổi chúng đi thì bà lại gọi cho Goerge. Công việc thu giữ thú vật này quả không dễ dàng chút nào."

"Cô tình nguyện à?"

"Tôi đến đây chơi khoảng một tuần, cũng không có mấy việc để làm." Cô nâng cái bẫy lên "Nó là một con sói con, đang hoảng sợ nên kêu la thống thiết lắm."

"Tôi cũng vừa nhìn thấy một con to hơn gần hố
bồ đề."

"Chúng có mặt ở khắp nơi."

"Ở Los Angeles chúng tôi cũng có," tôi bảo, "những con thú nhỏ ranh mãnh."

"Nếu tinh ranh thế thì chúng đã không chui vào cái bẫy toàn là thức ăn cho mèo. George có đủ thứ ở đây. Linh miêu, gấu mèo, rắn chuông. Cậu ấy cũng từng nghe người dân báo cáo là có sư tử núi nữa nhưng chưa thấy con nào. Dù sao đi nữa, tôi cũng phải hoàn tất công việc này cái đã. George đang ở trong văn phòng. Anh có thể theo tôi."

Cô cất cái bẫy vào xe jeep rồi lái đi. Ngã rẽ chỉ cách chừng một dặm về phía trước. Quanh khúc cua có ghi là đại lộ Ojo Negro với những khoảng trống để đỗ xe. Bốn chiếc xe cả thảy trong tất cả mười hai bãi đỗ xe. Ba chiếc cam nhông nhỏ không mui và một chiếc Bronco trắng mui đỏ. Ricki nhá đèn rẽ trái rồi tiếp tục lái đi. Con đường đột nhiên dốc xuống theo một ngọn đồi trọc và vài cây sung dâu xơ xác. Tôi đậu xe vào kế bên chiếc Bronco. Phần đường đi bộ bị rạn nứt và lún xuống, cỏ dại mọc đầy trong những vết nứt lỏng lẻo. Hầu hết các cửa hàng đều tối đèn. Một vài cửa hàng treo biển đóng cửa. Những nơi duy nhất còn sáng đèn là phòng cảnh sát trưởng quận Ojo Negro với một cái biển trắng sơn chữ in hoa, một thanh xi măng sơn màu xanh két với dòng chữ The Limelite, một cửa hàng trái cây và sản phẩm sấy khô thực hiện nghĩa vụ truyền thống như một nơi môi giới bảo hiểm, một bưu điện Mỹ, một hiệu cắt tóc, làm đẹp với dòng chữ phai màu trên cửa sổ, và cửa hàng thức ăn chăn nuôi duyên dáng với cái bảng hiệu "Chăm sóc cho đàn thú của chúng ta." Món đặc biệt mỗi tuần ở cửa hàng là yến mạch, cỏ khô hay thỏ giống từ "Bỉ, châu Âu."

Khi bước vào sở cảnh sát, tôi nhìn thấy một cậu trai trẻ, đầu hói, mặc bộ quần áo kaki ngồi bên bàn phím máy vi tính. Bên cạnh anh là buồng giam - một phòng cũng "trống vắng" như đầu của anh. Bốn bức tường dán những tấm hình truy nã, thông cáo và những dụng cụ phòng vệ.

"Bác sĩ Delaware phải không? Tôi là George Cardenas."

"Chào buổi sáng, cảnh sát trưởng."

Anh chàng bắt tay tôi một cách nồng nhiệt và cười toe toét, không cần giữ ý. Da anh cũng mịn như người chị, đôi mắt cũng có màu vàng nâu. Nhưng gương mặt của anh lại tròn, nét mặt mềm mại, không có vẻ sắc sảo như chị. Gương mặt trẻ thơ, nhưng vì ít tóc quá mà trông già đi.

"Anh uống cà phê không?"

"Cho tôi cà phê đen nhé, cảm ơn."

Cardenas rót đầy hai ly cà phê và mời tôi ngồi xuống. "Anh đến hơi sớm nhỉ?"

"Cuộc hẹn trước của tôi bị hủy."

"Thám tử Bragen đổi ý hả?"

"Anh biết ông ấy à?"

"Sáng nay, tôi mới nói chuyện với ông ta lần đầu. Tôi sớm biết là ông ấy sẽ làm như vậy mà."

"Sao lại thế?"

"Nói chuyện về vụ án xưa làm ông ấy bực mình. Ông ta gọi đó là một thất bại thảm hại và có vẻ ông ấy không muốn khơi gợi lại nữa."

Kế bên máy tính của anh là một tập giấy tờ. Anh gỡ tờ đầu tiên ra rồi đưa cho tôi. Đó là tổng kết của cảnh sát trưởng Wendell Salmey về vụ án mạng Bright-Tranh. Tôi biết được thêm vài điều mà DV Zapper chưa kể: Cửa hàng làm đẹp của Leonora Bright tên là Stylish Lady. Khi bị giết, cô ba mươi ba tuổi. Vicki Tranh, vừa đến từ Anaheim, chỉ mới mười chín tuổi. Cả hai vẫn còn đeo nữ trang trên người và tiền thu được của ngày hôm đó vẫn còn, như vậy có thể loại trừ khả năng họ bị cướp.

Chính tả của ngài Salmey có khá hơn thằng nhóc kia, nhưng cũng chỉ khá hơn một chút thôi.

George nói "Tất cả chỉ có thế thôi."

Anh phủi phủi quần "Khi tôi nhận nhiệm vụ, tất cả tài liệu của cảnh sát trưởng Salmey đều được cất giữ trong những chiếc hộp đặt ở một nhà kho ở Los Alamos. Tôi bắt đầu đọc qua những tài liệu ấy, cố gắng cảm nhận về thị trấn. Hầu như, ông ấy chỉ giải quyết những vụ cỏn con như: táo bị hái trộm, mất chó, những vấn đề trong gia đình. Ông ấy thích đối ngoại hơn là cưỡng chế."

"Mọi việc ở địa phương cũng nhẹ nhàng nhỉ?"

Cardenas chống tay vào song sắt của buồng giam "Người trong vùng bảo với tôi rằng cái buồng giam này chỉ hữu ích khi khách trọ say xỉn cần một nơi để ngủ. Vợ của ngài cảnh sát trưởng đã mất mười một năm về trước, sau đó một năm con trai của ông cũng qua đời vì tai nạn giao thông ở cột mốc 101, gần Buelton. Từ đó cảnh sát trưởng cũng sống khép kín."

"Mười năm về trước là đúng ngay trước khi vụ án mạng xảy ra," tôi nói "Anh nghĩ là cảnh sát trưởng đã không nỗ lực hết sức à?"

 

Cardenas ngồi xuống, bắt chéo hai chân. "Tôi không muốn xúc phạm người đã khuất, mọi người đều nói cảnh sát trưởng là một con người rất tốt. Nhưng Ojo Negro kể từ khi đường cao tốc dời đi đã ảm đạm hơn nhiều. Tôi thì không sao, chỉ lo cho người dân."

"Anh thích sự yên tĩnh à?"

"Đôi khi bận quá tôi có gọi chị tôi đến giúp đỡ một thời gian. Chúng tôi là chị em song sinh, chị ấy làm y tá bệnh viện Cottage ở Santa Barbara, chị hay có nhiều thời gian rỗi. Nhưng hầu hết khi tôi làm việc, sự yên tĩnh vẫn tốt hơn cả."

"Làm việc về các vụ án à?"

Anh đưa mắt nhìn máy tính. "Điều này có thể hơi ngốc nghếch, nhưng tôi đang viết lách hoặc ít nhất là tập tành viết lách."

"Tiểu thuyết hả?"

Ngoảnh mặt đi, anh ta nhìn vào biển cảnh báo cháy nổ và nói "Bắt đầu bằng những mẩu chuyện ngăn ngắn rồi tôi đọc một số tạp chí văn học mà không ai để ý đến, từ đó bắt đầu thử viết tiểu thuyết. Cũng chưa bắt đầu, chỉ đang tìm kiếm cái mà người ta gọi là quan điểm sống của cá nhân."

"Tiểu thuyết cảnh sát à?"

"Tuỳ thuộc vào những gì tôi nghĩ ra khi trong đầu hình thành được câu chuyện." Anh nói, "Tôi học cả hai ngành ở Đại học New Mêhicô, khoa tiếng Anh và khoa Xét xử tội phạm, không thể chọn cái nào tôi yêu thích hơn nên tôi quyết định làm việc để có kinh nghiệm của cảnh sát, có thể điều đó sẽ giúp ích cho cuốn sách của tôi. Tôi làm cảnh sát ở bang vài năm rồi chuyển đến Ojo Negro. Lúc đó, họ không tìm được cảnh sát trưởng mới trong hơn năm năm và họ còn dành ra một khoản trợ cấp hai năm cho người đảm nhiệm. Chị tôi và các cháu cũng không sống xa tôi lắm, chị đã li hôn và chồng cũ không còn dính dáng gì đến cuộc sống của chị nữa." Anh nhún vai "Nên tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt."

"Tôi cũng từng nói chuyện với vài thám tử ở Sở cảnh sát Santa Fe là Steve Katz và Darrell Two Moons."

"Tôi biết, tôi có thấy họ nhưng chưa từng làm việc chung. Phần lớn thời gian tôi làm ở Albuquesque, ở phòng ngăn chặn băng nhóm tội phạm. Chính điều đó giúp tôi có cơ hội tiếp xúc với các vụ án mạng, xem xét những chứng cớ thu thập được, cũng chẳng dễ như uống trà ăn bánh. Không may là tôi không thể giúp nhiều được cho anh trong vụ này. Tờ giấy đó là tất cả những gì tôi tìm được."

"Tôi có thể nói chuyện với ai đã sống ở đây chín năm về trước không?"

"Mọi người ở đây vẫn sống ở Ojo Negro từ chín năm về trước. Hầu hết người dân của tôi đều là bậc trưởng bối nên họ không muốn hoặc không kham nổi việc chuyển đi. Cửa hàng rau chỉ nấu súp rau củ khi có người đặt hàng
và ngày trọng đại ở đây là khi tổ chức Bảo hiểm xã hội
ghé qua."

 

"Anh có thể gợi ý cho tôi nên bắt đầu từ ai không?"

Anh duỗi chân ra "Trung úy Sturgis thật sự nghĩ là điều này có thể có liên quan đến một vụ ở Los Angeles à?"

"Cũng khó nói được lắm. Manh mối chính là chiếc xe đen bị đánh cắp."

"Mercedes và Bentley, vâng, anh ấy có kể cho tôi. Còn vụ chiếc Lincoln thì nằm trong thẩm quyền của Santa Barbara vì chiếc xe bị đánh cắp từ đó mà. Tôi đã xem lại và đúng là có dữ liệu về việc đó. Tất cả những gì tôi có thể tìm ra là một bản báo cáo cơ bản về việc trả lại chiếc xe bị đánh cắp. Cùng lúc đó, tôi nhìn thấy tấm hình của một người lang thang, kiểu như Clint-Eastwood. Chiếc xe sau đó đã được rửa sạch và cho thuê, mới chạy hơn một trăm dặm. Không có cách nào xác định được các nguồn tin ấy có đáng tin cậy không nên cứ chấp nhận thế thôi. Để phòng trường hợp có ai đó còn nhớ về vụ án, tôi đã dò hỏi xung quanh và đương nhiên bất kì ai khi được yêu cầu đều có thể hồi tưởng lại vụ án. Đó là vụ án mạng duy nhất trong suốt hơn bốn mươi năm mà. Nhưng không ai nhớ bất kì chi tiết nào về người lảng vảng gần cửa hàng, ngoại trừ đó là một người đàn ông da trắng, cao, mặc áo khoác dài và đội mũ cao bồi. Và tôi không tìm được người nào thật sự đã nhìn thấy hắn."

"Một người lạ mặt bí ẩn".

"Chúng tôi không có nhiều du khách lắm và chín năm qua cũng vậy, bởi vì mọi thứ vẫn tiêu điều như thế kể từ khi đường cao tốc dời đi. Cũng không có mối liên hệ thật sự nào giữa người lạ ấy và tên sát nhân, ngoài việc anh ta cứ đi lang thang và không ai biết anh ta là ai."

"Áo khoác và chiếc mũ chắc hẳn là đặc điểm nhận dạng của anh ta." Tôi nói.

"Tôi cũng đoán thế."

"Dù sao thì có khi nào anh ta là người dân địa phương này không?"

"Không đâu bác sĩ. Đây thật sự là một thị trấn nhỏ."

Anh nhấp một ngụm cà phê. "Tôi ghét phải nói ra nhưng mọi thứ cứ như đang đóng băng với tôi. Có thể tôi sẽ tự tạo ra một đoạn kết rồi đưa vào tác phẩm của mình."

"Phóng tác từ thực tế à?" Tôi hỏi

Anh gõ gõ bàn phím. "Việc anh làm có vẻ hay hay. Biết đâu tôi có thể thu thập được gì đó từ suy luận của anh."

"Ừ. Tôi đã thấy một hiệu làm đẹp bên đường. Đó có phải là tiệm trước kia của Leonora không?"

"Không, Cozy Coiffure đã xây dựng một nhà hàng thế vào chỗ đó, tôi nghĩ vậy. Gia đình Ramirezz đang kinh doanh hiệu làm đẹp mà anh nhìn thấy. Estella và Ramon, không có con cái. Họ từ Ventura đến đây ba năm về trước sau khi Leonora bị sát hại. Cũng phải mất chừng ấy thời gian để thị trấn có thêm người đến hay đặt quảng cáo trên báo của những thị trấn khác. Trước đó, người dân đã phải chuyển đến Los Alamos để ổn định lại cuộc sống. Cảnh tượng tội ác là điều cuối cùng đọng lại trong họ trước khi rời khỏi thị trấn. Anh muốn xem thị trấn không? Tôi sẽ đi cùng anh."

 

Chúng tôi rời văn phòng, băng qua bên kia đường. Tôi hỏi anh về chính quyền địa phương ở Ojo Negro. Anh bảo, "Không thị trưởng, không hội đồng thành phố, chúng tôi chỉ trông cậy vào tỉnh trên. Cơ bản là mọi thứ chúng tôi có ở đây đều là do tỉnh lị cấp cho, chúng tôi giống một đứa con ghẻ của Los Alamos hay bất cứ ai sẽ sở hữu chúng tôi."

"Ở đây anh có bao nhiêu cư dân?"

"Thống kê là một ngàn người nhưng thực chất thì ít hơn nhiều. Tôi đoán chừng hai trăm. Cứ cái đà này, chúng tôi sớm muộn sẽ chẳng còn ai. Được rồi, chúng ta đến
rồi đấy."

Anh dừng lại trước một trong những cửa hiệu đóng cửa. Lớp sơn màu nâu bị bong ra, loang lổ những mảng sơn cũ màu hồng, bức tường nhìn chắp vá và loè loẹt như nước da người bệnh.

"Ai sở hữu nơi này?"

"Nó bị tỉnh niêm phong, mà tỉnh cũng chả bao giờ ghé xuống đây để tổ chức đấu thầu nên có vẻ cũng không ai muốn sở hữu nó cả."

Trong ổ khóa của tay nắm cửa có cắm một chiếc chìa khóa. Cardenas xoay nắm cửa, cánh cửa mở tung ra.

Tôi hỏi, "Cửa không bao giờ khóa à?"

"Đúng là vậy", anh trả lời "Nhưng mà nó cũng chẳng đóng chặt gì mấy. Sáng nay tôi đã mở nó bằng một chiếc kẹp tăm đấy. Ta vào thôi."

 

Những gì còn sót lại trong cửa hàng Stylish Lady là một căn phòng trống rỗng với những tấm hình nhăn nheo trên bức tường loang lổ. Một cửa sổ trên cao bị những tấm ván gỗ và những miếng vải dầu bẩn thỉu che kín, ánh sáng lờ mờ lọt qua làm căn phòng thêm u ám. Cardenas đứng phía trước, tựa người vào cánh cửa để giữ cho nó mở ra.

"Nếu mà nó đóng lại anh sẽ thấy không khác gì một
cái hang."

Tôi cảm ơn anh rồi bắt đầu cuộc khám phá. Bên dưới cửa sổ là cửa sau của tiệm, cánh cửa mỏng và lõm. Tôi bước đi nhẹ nhàng. Những bức tường bê tông làm cho nơi này cách âm rất tốt, nên tôi chợt nghĩ đến khoảnh khắc hai người phụ nữ bị hành hung, có thể tiếng kêu la của họ đã không được nghe thấy.

Trong phim ảnh, những tay thám tử cừ khôi thường đến hiện trường bị lãng quên của những vụ án mạng để tìm kiếm dấu vết tội ác. Đó là một thứ không gian im lặng và chết chóc. Còn tôi thì không dám phát ra dù chỉ một tiếng động nhỏ.

"Cánh cửa sau này dẫn tới đâu vậy?"

"Một con hẻm. Chúng ta đi xem nào."

Cạnh cửa hiệu là một hẻm nhỏ đầy đất đá, song song với đại lộ Ojo Negro, vừa đủ rộng cho một chiếc xe hơi. Ngõ cụt ở phía nam còn đường ra ở phía bắc.

Tôi trở vào cửa hiệu, xoay qua Cardenas "Tôi có thể kết luận rằng ngày hôm đó Leonora đã cho đóng cửa tiệm để dọn dẹp, làm vệ sinh."

 

"Có lí", anh nói.

"Trong thị trấn yên tĩnh này, Leonora cũng không có lí do gì phải khóa cửa trừ phi cô ta rời khỏi cửa hiệu."

"Người dân ở đây vẫn không khóa cửa nhà, bác sĩ ạ. Năm ngoái, khi tôi vừa chuyển đến đây, một con linh miêu đã nhảy vào nhà bà Wembley, chui vào tủ lạnh và chén sạch món sà lách cá hồi của bà. Bà đã tám mươi chín tuổi, tôi phải cố gắng thay đổi thói quen của bà."

"Đó là bà lão và con sói đó hả?"

"Sao anh biết?"

"Tôi đã gặp chị anh khi đang lái xe đến đây. Cô ấy đem một cái bẫy sói từ nhà một bà lão tám 12ac mươi chín tuổi, đi phóng thích con vật."

"Ricki thả nó ở đâu?"

"Cách thị trấn vài dặm."

"Vậy là nó sẽ sớm quay lại thôi." Anh nhún vai, "Nếu là tôi thì tôi đã bắn nó rồi. Ricki đang hoạt động cho tổ chức bảo vệ quyền động vật. Vâng, bà ấy chính là bà Wembley đấy. Mấy con thú yêu thích bà lắm vì bà không hay cất đồ ăn vào tủ."

"Có phải bà ấy là một trong những người anh đã nói chuyện sáng nay không?"

"Không, bà đang thiu thiu ngủ ngoài hành lang khi tôi đến lấy cái bẫy. Chúng ta có thể ghé qua chỗ bà ấy nếu anh thích. Đó là một phụ nữ luôn có ý kiến về mọi thứ."

"Tuýp phụ nữ tôi thích."

 

"Vợ cũ của tôi cũng thuộc tuýp đó", anh nói, "đầu tiên tôi nghĩ như thế thật là thách thức nhưng sau đó thì quá mệt mỏi vì cứ bị thách thức."

Tôi cười.

Anh kể "Ricki và tôi li hôn cách nhau ba tháng. Cha mẹ tôi chia tay khi chúng tôi lên chín, rồi mới đây em trai của chúng tôi cũng nói muốn li hôn vợ. Tôi đoán mấy chuyện hôn nhân này không phải là gene di truyền của gia đình chúng tôi. Nếu không còn gì nữa thì tôi đóng cửa lại đây, bác sĩ."

Chúng tôi ngồi vào chiếc Bronco của anh, anh đánh xe một vòng chữ U rồi chạy về phía đường mà tối qua người chị rời khỏi trung tâm thị trấn. Chúng tôi đến một dãy nhà dân thưa thớt, đa số là nhà đúc sẵn, chia thành từng lô.

Con đường vắng, xung quanh không có ai nhưng Cardenas vẫn lái xe từ từ, nhìn khắp phía, cách mà cảnh sát hay làm.

"Thế..." anh hỏi "...anh có ý kiến gì khi nhìn thấy cảnh tượng này?"

"Chỉ là... sao mà nơi này vắng thế, nhất là buổi tối."

"Vậy thì sao?"

"Kẻ sát nhân có lẽ đã đi vào cửa trước rồi ra bằng cửa sau. Mọi người có giả thuyết gì về ai mới là mục tiêu chính của tên sát nhân không?"

"Ý anh là giữa Bright và Tranh à? Tôi không nghe nói thế. Tôi cho rằng chắc là Bright, vì kẻ lạ mặt là người da trắng, không phải người châu Á, mà hầu hết những tay cuồng sát hay giết người cùng chủng tộc mình. Nhưng cũng có thể đó chỉ là cách nhìn thiển cận của tôi thôi."

"Anh có ý kiến gì về lí do Vicky chuyển đến đây không?"

Anh cười, "Ý anh là sao, cô ấy lại chọn chuyển đến cái nơi khỉ ho cò gáy này chứ gì? Tôi cũng không rõ. Chúng tôi cũng có dân nhập cư đến đây sống, đa số là người Tây Ban Nha. Xung quanh đây có nhiều trang trại và vườn nho nên sẽ là nơi lí tưởng cho những ai muốn làm việc chăm chỉ và không thích bị soi mói."

"Bị ai soi mói?"

"Tổ chức INS chẳng hạn. Cứ như gia đình Ramirezz ấy, khi họ mới đến đây, ít khi nào họ nói tiếng Anh lắm nhưng có ai hỏi visa El Sanvador hay bất cứ thứ gì khác đâu? Họ cắt tóc rất đẹp, mọi người đều vui khi có họ ở đây." Khẽ ngượng ngùng, anh tiếp "Nhưng tôi thì không phải chuyên gia về mấy cái vụ tóc tai ấy."

Anh quay đầu xe một cách dễ dàng, hướng về phần đường lớn, rồi lái xe đến một nơi xung quanh mọc đầy cỏ dại. "Đây là nơi ở của bà Wembley. Kìa, bà ta đó."

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83588


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận