Tình Thế Hiểm Nghèo Chương 14


Chương 14
Làm Việc

Trước mặt chúng tôi là một hành lang được mái hiên nhôm che mát, một người phụ nữ hồng hào, phốp pháp, ngồi trên ghế tựa, ngước mắt lên nhìn. Khi chúng tôi chỉ còn cách chừng năm mét nữa thì cái miệng trên gương
mặt bánh kem dâu ấy há to ra và vẫy vẫy tờ tạp chí chào chúng tôi.

"Cứ tăng tốc lên đi, George. Anh là luật pháp rồi, còn ai dám bắt bẻ gì anh nữa."

Cardenas trả lời "Không dám làm chết cỏ của bà đâu, bà Wembley ạ."

"Cứ cho chúng chết đi," bà bảo, "Có thể sẽ chừa chỗ cho thứ khác mọc lên."

Chúng tôi đậu xe trên đám cỏ khô. Cụ bà Wembley vẫn không rời khỏi chiếc ghế đang ngồi. Bà mặc một chiếc áo thun ôm, màu hồng với dòng chữ LasVegas: Fun Fun Fun! Đôi vớ màu xám bó lấy đùi bà. Bà ngồi trên ghế, đu đưa hai chân. Thân hình phốp pháp của bà tràn cả ra ngoài chiếc ghế.

 

Khi Cardenas bắt đầu giới thiệu chúng tôi với nhau, bà nhe hàm răng giả sáng lóa ra cười "Tôi là Mavis, Missus là mẹ chồng tôi, và tôi không muốn nhớ lại những chuyện không vui về bà."

Những ngón tay mũm mĩm của bà nắm lấy tay tôi và siết chặt. Bà nói "Anh là một người dễ mến đấy."

"Vâng, cảm ơn bà."

"George cũng đáng mến nữa. Đó là lí do vì sao mỗi khi biết chắc có con vật nào vào nhà là tôi lại muốn gọi chàng hiệp sĩ mặc áo giáp kaki này đến, nhưng lần này cậu lại cử người chị đến, Goerge, tại hơi thở của tôi nặng mùi hả?"

"Không phải đâu thưa bà, Ricki có thời gian rảnh nên..."

"Ta nói giỡn thôi mà chàng hiệp sĩ bàn tròn. Thật đấy. Vậy anh nói ta biết đi, con sói xấu xa ấy, chị anh đã thả nó ra xa chưa?"

"Đủ xa rồi ạ."

"Tôi nghĩ là chị anh bực mình với tôi vì tôi cứ gọi anh suốt."

Bà vén nhẹ mái tóc và chùi chùi cái mũi cà chua. Đôi má bà ửng đỏ như một đứa trẻ. Quả thật mập mạp là cách hay nhất để ngăn ngừa nếp nhăn.

Cardenas vội nói "Không, đương nhiên chị ấy không có ý đó đâu."

Mavis Wembley bảo, "Chắc chắn là có mà" rồi chùi chùi tay vào ghế. Chiếc ghế được phủ bằng một tấm vải in hình những chú vịt màu trắng và xanh biển, giống trên tờ tập san Hamptons. Những thứ còn lại trên hành lang là những ống nhôm và dây nhựa.

"Bọc ghế mới hả bà?" Cardenas hỏi

Mavis Wembley đập đập tờ tạp chí lên đầu gối, "Thích không?"

"Đẹp lắm."

"Pottery Barn đó George. Tôi thích mấy mẫu trong catalog lắm, giống như cả thế giới đang mở ra trước mắt mình vậy. Đặc biệt có những thứ phù hợp cho cuộc sống ở những đô thị sầm uất như tờ này chẳng hạn." Bà lại đập đập một tờ tạp chí khác. Lần này là tờ Người New York.

Cardenas nói, "Tôi không biết là bà có đặt mua


chúng đấy."

"Tôi đâu có mua. Họ gửi cho tôi như kiểu ưu đãi đặc biệt đó mà. Miễn phí trong bốn tháng đầu, rồi những tháng tiếp theo tôi muốn đề nghị dừng cũng được, không tính tiền. Tôi nghĩ họ phải ngừng gửi rồi chứ. Họ đã gửi tặng cho tôi lâu quá rồi, mà anh đừng có bắt chước cái cách này khi anh viết sách nhé, George, viết sách là cách để giao tiếp với người khác chứ không phải để vênh váo. Nhưng mà mấy tờ báo đó cũng có nhiều chuyên mục hay lắm. Như tờ này nè, trong đó có câu chuyện về một anh Do Thái sống ở New York, anh ta chuyên may áo khoác lông cho những rapper Negro. Mấy kẻ lắm chuyện to mồm cứ gào lên là anh ta ngược đãi động vật nhưng anh Do Thái kia vẫn tiếp tục may áo lông chồn và nhiều thứ tương tự. Một anh chàng có nghị lực đó chứ."

 

Cardenas bảo bà "Cứ để thức ăn bên ngoài đi, bà Mavis ạ, chúng ta có thể gửi cho anh ấy cả bọc da thú ấy chứ."

"Áo khoác da sói nhỏ nhắn, xinh xắn cho mấy tay rapper à?" bà cười khúc khích, "như thế chẳng đáng yêu lắm sao. Anh bạn đáng mến này là ai thế? Cảnh sát hay nhà
văn đây?"

"Anh ấy là bác sĩ tâm lí bà ạ."

Bà nhìn tôi chằm chằm "Tôi biết người cần đến khả năng của cậu đấy. Như mấy bà mẹ chồng chẳng hạn. Anh đến đây làm chi vậy?"

"Tôi đang tìm kẻ đã giết hại Leonora Bright và Vicky..."

"Tranh. Ừ, cậu tìm đúng người rồi đấy, vì tôi đây biết ai đã làm việc ấy."

Cardenas nắm chặt ống quần. Khẩu súng ngắn rung lên "Thật không bà?"

"Thật mà George. Ngay từ đầu tôi đã kể với Wendell Salmey rồi. Vậy mà ông ta chẳng chịu làm gì cả."

Rồi bà xoay qua nói với tôi "Trầm uất kinh niên, chính nó đấy. Và ông ấy còn lười nhác hơn cả mấy tay phúc lợi lừa đảo. Luôn luôn ở tình trạng lề mề, chậm chạp, bước đi lầm lũi với cặp mắt nhìn xuống, cứ như dưới đất có gì cho ông ta khám phá vậy."

Bà lấy tờ tạp chí quạt quạt "Sau khi đứa con trai của ông ta uống say rồi tự gây tai nạn cho mình trên đường cao tốc, ông ta thậm chí còn trở nên tệ hơn nữa, suốt ngày chỉ ngồi lì và không làm gì hết. Trước khi lập gia đình, tôi từng đi dạy học và Wendell là một trong những học trò của tôi. Một anh chàng thà để xe tuột dốc chứ không chịu lái xe lên. Lí do duy nhất mà ông ta nhận làm cảnh sát trưởng là vì ông ta biết không có gì cần phải làm ở cái nơi này - không một bóng tội phạm, George ạ." Bà lại nhe răng ra cười "Một cái lợi khi ta đã chín mươi tuổi là có thể nói bất cứ điều gì ta muốn và sau đó quên ngay."

"Tôi không biết là sinh nhật bà qua rồi, Mavis."

"Tôi chỉ nói nhanh thêm một chút thôi. Nhân tiện, ngày trọng đại ấy là vào tháng sau, ngày mười sáu, để nếu anh có ý tặng hoa cho tôi, George nhỉ. Wendell Salmey chết trẻ. Bị ung thư máu ở tuổi năm mươi chín. À, nhà
tâm lí thì có gì để làm với vụ Leonora và cô gái phương Đông vậy?"

"Vụ án mạng của họ có liên quan đến một vụ vừa xảy ra ở Los Angeles"

"Anh trả lời câu hỏi của tôi đi chứ."

"À, đôi khi tôi tư vấn cho cảnh sát."

"Một số nhà tâm lí có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác, như trên Tivi phải không?"

"Không hẳn đâu thưa bà..."

"Tôi đùa thôi. Tôi biết công việc của một nhà tâm lí là gì mà. Thật là, chẳng lẽ mọi người ở thế hệ chúng tôi đều là thứ quỷ tha ma bắt hết hay sao mà hắn phải giết ai đó
khác nhỉ?"

"Ai?"

 

"Anh của Leonora đó. Anh cùng cha khác mẹ. Chính hắn đã giết cô ấy và người thợ làm móng. George ơi, anh vui lòng vào nhà lấy cho tôi một lon fresca và một miếng phô mai Mỹ được không? Lấy hai lát nhé, cái gói nằm trên kệ bếp ấy, kế bên bộ dụng cụ xinh xắn mua từ cửa hàng The Sharper Image đó."

Cardenas đi vào và lấy theo yêu cầu của bà.

Tôi kéo một cái ghế lại để ngồi.

Mavis Wembley nhấm nháp miếng phô mai của bà, hớp một ngụm từ lon fresca. Xong, bà đưa cái vỏ rỗng cho Cardenas, chùi miệng rồi nhìn ra cái sân đầy cỏ dại, có vẻ không hài lòng. "Tôi biết chính người anh là thủ phạm vì Leonora đã nói riêng với tôi vài tuần trước đó, bảo là cô đang lo sợ về ông anh. Họ là anh em cùng cha, khác mẹ, người cha giàu có lắm và ông ấy đã mất vài tháng, trước khi cô nói riêng với tôi là cô đang "sống trong sợ hãi"."

Tôi nói, "Lo lắng về chuyện thừa kế à?"

"Không phải lo lắng mà là sợ hãi. Đó là từ mà chính miệng cô ấy nói."

"Tên người anh là gì?" Cardenas hỏi.

"Không biết, cô ấy không bao giờ nhắc đến tên, chỉ luôn gọi là "ông anh cùng cha khác mẹ". Cô còn nhấn mạnh chữ "cùng cha khác mẹ" để khẳng định là hai người chẳng thân thiết gì."

Tôi hỏi, "Cô ấy kể với bà lúc nào?"

 

"Lúc cô ấy đang nhuộm tóc cho tôi và cứ làm thuốc nhuộm bết bệt. Vụng về như thế không giống cô ấy chút nào, cô luôn là một phụ nữ khéo léo mà. Đôi tay thần kì, tôi vẫn gọi cô ấy như thế. Đôi khi cô mát xa đầu, cổ cho tôi, thế tốt hơn... Dù sao đi nữa thì khi cô ấy chuyển từ Frisco đến đây, tất cả phụ nữ trong vùng đều thấy rất vui. Trước đó, chúng tôi có thợ làm đẹp tên là Sarah Burkhardt, cô ta sinh ra và lớn lên ở đây, tự học nghề qua mấy quyển sách, cả tạo mẫu và đua xe. Chúng tôi chịu đựng cô ta là vì ngoài cô ta ra chúng tôi chẳng còn thợ làm đẹp nào khác. Ơn Chúa là sau đó cô ta lấy một gã tài xế xe tải rồi chuyển đi luôn, và chúng tôi lại có Leonora. Cô này thì học nghề ở Frisco, từ một nhà tạo mẫu hàng đầu đấy."

"Đôi tay thần kì" tôi nói, "nhưng ngày hôm đó lại trở nên vụng về."

"Cô ấy cứ lóng nga lóng ngóng, nên tôi hỏi cô ấy có chuyện gì vậy. Cô bảo là không có gì. Tôi nói, thôi nào, đừng có giữ trong lòng hoài chứ, ở đây còn ai nữa đâu. Khi ấy thật sự chỉ có tôi và Leonora trong cửa hiệu. Cô ấy giỏi thật nhưng không mấy người đến làm, đàn ông ở đây cứ nghĩ là chỉ cần Toni và hộp đồ nghề là tốt chán. Nếu anh thấy họ, anh sẽ buồn cười ngay."

Bà lại nhờ Cardenas lấy một lon fresca khác.

Khi anh quay đi, bà nói "Chúng ta chờ George trở ra đã, để tôi khỏi phải kể lại."

"Vâng, tôi cũng nghĩ vậy."

 

"Vậy anh nghĩ đó là một manh mối tốt chứ, chuyện về người anh ấy?"

"Tốt lắm bà ạ."

Cardenas trở lại và khui lon nước cho bà.

"Cảm ơn George nhé. Lại kể về Leonora hôm đó. Tôi chắc là cô ấy thật sự muốn kể lắm nên tôi giục cô cứ kể đi. Cô nói là cha cô có một tài sản kếch xù, mẹ thì qua đời rồi, còn bà mẹ kế thì ốm đau. Nên số tài sản chắc là sẽ chia đôi cho cô và người anh cùng cha khác mẹ. Với cô như thế là đã tốt rồi nhưng người anh có vẻ không hài lòng chỉ với nửa gia tài. Tôi mới hỏi, cái gì, anh ta ích kỉ thế ư? Khi đó cô ngồi thụp xuống và khóc. Nói rằng, "Ôi, Mavis ơi, phải chi bà biết được. Anh ta làm như mình tốt bụng nhất trên đời, luôn muốn giúp đỡ mọi người, cứu trợ từ thiện người vô gia cư, cười đùa với trẻ nhỏ, còn cho chúng kẹo nữa. Nhưng tất cả chỉ là cái vỏ bọc thôi. Thâm độc, đó mới chính là anh ta, luôn thế, tôi chỉ biết anh ta sẽ không để tôi yên với số tiền đâu, nên tôi sợ lắm."

Bà nhấp một hớp fresca, nước nhỏ xuống cằm bà, bà nhanh chóng chùi đi.

"Tôi mới hỏi, chuyện nghiêm trọng đến mức nào? Cô bảo, tôi không biết, tôi sợ lắm, bà không hiểu nổi anh ta dám làm gì đâu. Tôi khuyên cô nếu sợ thế thì báo cảnh sát đi. Cô nói họ sẽ cười nhạo cô mất vì cô chẳng có bằng chứng gì, chỉ là cảm giác thôi. Tôi mới bảo, vậy ít nhất thuê luật sư đi. Cô trả tiền trước cho họ, họ chẳng dám cười đâu. Nhưng có vẻ cô ta để ngoài tai, cứ nói đi nói lại là người anh cùng cha khác mẹ đang âm mưu hại cô và không ai biết thật sự anh ta là người thế nào. Cuối cùng tôi nói, nếu cô muốn tố cáo thì ít nhất cũng cho tôi biết ý cô là sao. Cô bảo, bà không muốn biết đâu, Mavis. Tôi mới nói nếu không muốn biết tôi đã chẳng hỏi làm gì."

Bà lại đưa lon fresca thứ hai cho Cardenas. "Giờ tôi no rồi. Cậu cứ đổ bỏ đi, George hoặc là cậu tự uống hết đi." Ánh mắt bà tinh nghịch "Đừng lo, tôi không có rận đâu."

Cardenas bảo, "Tôi sẽ không đi đâu nữa đâu, Mavis. Câu chuyện hay quá."

"Đó không phải là câu chuyện, George à. Đó là sự thật."

"Như vậy thì còn hay hơn."

"Sẽ còn hay hơn nữa khi tôi kể cho anh nghe cô ta đã nói gì. Cô nói ông anh tự tập bẻ khóa, cô chỉ biết là nhằm mục đích đột nhập vào đâu đó. Mà trên hết là anh ta tra tấn và giết thú vật. Đầu tiên là côn trùng, sau đó đến những động vật nhỏ, rồi sẽ đến lượt người-mà-ai-cũng-biết-đấy. Anh ta vẫn làm cái trò dã man đó từ khi còn nhỏ. Leonora yêu động vật lắm. Cô có hai con Bichon Freez hay cái gì đó mà cô ta gọi hai con chó. Sau khi cô bị sát hại thì hai con chó cũng biến mất luôn. Vậy anh đoán xem."

Tôi nói, "Cô ta có đưa hai con chó đến cửa hiệu với mình không?"

"Nhiều khi cũng có đem chúng theo, nhiều khi lại để ở nhà nhưng vấn đề chủ yếu là không ai nhìn thấy chúng nữa. Tôi đã kể rõ ràng như vậy với Wendell nhưng ông ta không quan tâm. Chính vì thế mà tôi bảo ông ta lười nhác. Một người phụ nữ bị giết và cô ta có nuôi chó và mấy con chó không còn trong nhà, chuyện ấy không làm cậu tò mò sao, George?"

"Hẳn rồi."

"Wendell thiếu một chút tò mò đó. Chứng trầm cảm đúng không bác sĩ?"

Tôi gật đầu.

Bà bảo, "Tôi biết là tính tò mò có thể giết chết mèo, hay thậm chí là cả chó. Nhưng sự thỏa mãn khi biết được sự thật về bí mật cũng có thể làm chúng sống dậy. Wendell đã không quan tâm và tay thám tử từ Santa Barbara được cử đến cũng vậy."

"Donal Bragen", tôi nói.

"Chính anh ta đấy", bà bảo. "Nam nhi đại trượng phu cả, như Broderick Crawford trong phim Highway Patrol vậy, trước thời hai cậu đấy chứ. Tối ngày cứ "Vâng thưa bà, cảm ơn thưa bà", rồi ghi chép mọi thứ vô một cuốn sổ bé tẹo. Nhưng ít nhất thì Broderick còn chịu lắng nghe. Còn gã Bragen là một thằng ngốc, không có thời gian cho bất cứ ai. Anh nói xem có phải nghi vấn chính là ở chỗ động cơ giết người vì tiền, việc tra tấn động vật và chuyện hai con chó biến mất, đúng không?"

"Quả thật là như vậy." Tôi trả lời.

Mavis Wembley đặt một tay lên đầu gối của tôi. "Tôi thích tác phong của anh."

 

Cardenas và tôi ở lại chơi với bà thêm nửa tiếng đồng hồ, phần còn lại của buổi trò chuyện toàn là tôi nói, cố moi thêm ít chi tiết nữa về người anh đáng sợ của Leonora. Nhưng tôi chỉ biết lờ mờ thêm là anh ta đến từ San Francisco vì Leonora cũng từ đó đến.

Tôi cảm ơn bà rồi ra về.

Bà chào, "Rất vui được gặp anh", và nắm lấy tay áo của Cardenas "George ơi, tối qua tôi nghe có tiếng con gấu mèo cào cào gần bọc rác. Nhân tiện cậu đặt giùm tôi vài cái bẫy nha."

"Anh thấy bà ấy có đặc biệt không?" Cardenas hỏi tôi khi anh lái xe trở về đoạn đường khi nãy. "Anh biết không, bà ấy coi việc xào bài là một kiểu tập aerobic, nhưng được cái là không bao giờ ốm đau gì cả. Nghe bảo mẹ của bà sống đến tận một trăm lẻ bốn tuổi cơ đấy."

"Gen di truyền tốt thật," tôi bảo, "Trong khi những người còn lại như chúng ta lại phải ra sức chạy bộ để phòng tránh bệnh tật."

"Anh nói phải. Anh có thấy ông anh thiên thần kia đáng theo đuổi chứ?"

"Đó là tất cả những gì ta có mà".

"Những gì bà ấy kể về Wendell đều trùng khớp với lời những người khác nói với tôi. Nhưng tôi vẫn không muốn xúc phạm đến người đã khuất."

"Không sao. Giờ ông ấy không phải là vấn đề."

"Vậy giờ anh tính sao?"

 

"Trở về Los Angeles thôi, trừ phi anh có gợi ý gì khác."

"Tiếc là không. Anh muốn tôi làm gì nữa không?"

"Nếu anh có thời gian tìm hiểu địa chỉ của Leonora ở San Francisco thì tốt quá."

"Chắc chắn rồi," anh nói, "Tôi cũng nghĩ là ta nên tìm giấy khai tử của người cha, xem thử có tên ông anh đâu đó không. Việc Leonora lo sợ về rắc rối thừa kế ngay trước khi cô chết có thể giúp ta thu hẹp khoảng thời gian lúc người cha qua đời."

"Ý hay đấy. Tìm theo cáo phó người chết có thể là cách dễ dàng nhất. Bright có phải tên thời thiếu nữ của cô ấy không?"

"Tôi nghĩ vậy." Anh ngồi thẳng lên rồi tăng ga. "Như thế này thật khác biệt."

"Khác thế nào?"

"Tôi đang được làm việc."

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83589


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận