Khi con hiện diện trong cơ thể mình, tình yêu của mẹ dâng lên từng ngày...
Đi qua hai mùa, hạnh phúc được mang hình hài con lớn lên từng ngày, mẹ vượt qua nặng nhọc, mệt mỏi, đớn đau, để sinh con ra với tất cả yêu thương. Sinh con ra, mẹ hiểu thế nào là tình mẫu tử, càng thấy thương yêu hơn cha mẹ hơn.
Con nặng 3 kilôgam, là một thiên thần nhỏ. Con tròn trĩnh, ngón tay bé tí, hồng xinh như những búp măng tí hon. Mẹ lặng ngắm con hàng giờ say mê... Kinh nghiệm ít ỏi của cô gái trẻ lần đầu tiên làm mẹ, thêm các quan điểm nuôi con của bà ngoại, bà nội áp đặt, mẹ nuôi con vô cùng chật vật. Tháng đầu tiên con lên được có 0.4 kilôgram!
Mẹ tìm mua và cố gắng đọc tất cả các loại sách nuôi con, chăm sóc em bé của nước ngoài và trong nước để áp dụng. Nhưng con càng ngày càng biếng ăn. Cả ngày con không có nhu cầu ăn uống, ăn được một chén cháo mất hai giờ đồng hồ, mẹ phải làm cho con khóc để con nuốt (rất nguy hiểm).
Đúng một năm con mới mọc được hai chiếc răng cửa tí xíu (trẻ bình thường sáu tháng đã mọc răng) và biết đứng trên đôi chân gầy khẳng khiu. Mẹ mừng vô cùng khi thấy con bước những bước chập chững đầu tiên vào đời. Sau đó con không hề tăng cân, ngày càng gầy gò, có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Mẹ buồn lắm. Nước mắt mẹ lặng thầm rơi, tự trách mình kém cỏi, không biết nuôi con.
Mẹ lặn lội đưa con đi khám khắp nơi, từ các bệnh viện cho tới các thầy lang ở xa cách hàng trăm cây số, rồi tìm mua các loại thuốc cam Hàng Bạc, cháo cóc... với hy vọng con sẽ khá hơn, nhưng không được là bao.
Những đêm con sốt cao li bì, hết thuốc hạ sốt nhiệt độ lại lên 40 độ C, mẹ không dám ngủ, thức chong chong. Sợ mẹ thiếp đi khi con bị co giật nguy hiểm. Con tỉnh dậy, ngước đôi mắt tròn xoe ngây thơ nhìn mẹ. Trái tim mẹ thắt lại, xót xa. Mẹ đánh vật với những chén thuốc, những thìa cháo đút vào nôn ra, những trận ốm nằm viện hàng tuần. Hết tiêm chích, xông họng, tắm nước nóng, chụp phim, thử máu, truyền nước biển... Ai nhìn thấy mẹ chắc chắn không thể nhận ra, mẹ suy sụp cả tinh thần lẫn
Thời gian trôi, mẹ cố gắng hoàn thành việc công, việc nhà, thời gian còn lại dành cho con. Có những khi mẹ đã thử để cho con nhịn một ngày, hy vọng con đói và đòi ăn... nhưng không, con vẫn chơi bình thường và không hề có nhu cầu phải ăn để sống!
Ai đó nói rằng cần phải cho con đi học, phải thay đổi cách chăm sóc. Mẹ xin cho con đi nhà trẻ, những ngày làm quen lớp con khóc sưng húp mắt, khản đặc tiếng. Tháng đầu con sút cân, những tháng sau thì viêm họng, sốt và viêm phế quản triền miên. Đi học một năm nhưng mỗi tháng con đến lớp chưa đến một tuần. Mẹ lại khóc.
Ai đó nói với mẹ cần phải kiên trì. Câu danh ngôn nào đó nói rằng đừng tuyệt vọng. Mẹ nghe lùng bùng bên tai, con đứng đó, gầy tong teo, bé nhỏ, cặp mắt nhìn mẹ vẫn cười...
Ba năm trôi qua với bao phiền muộn. Bà nội trách: “Mẹ nó không biết nuôi con”. Mẹ buồn và rất đau khổ... Không ai hiểu nỗi lòng của mẹ. Sau này mẹ mới phát hiện ra sai lầm khi đã tuân thủ kỷ luật thép (ba giờ cho con bú một lần ngày mới chào đời)! Con bị đói triền miên dẫn đến mất cảm giác thèm ăn. Rút kinh nghiệm, em của con từ khi chào đời được thỏa thuê bú mẹ bất kể thời gian. Bụng em lúc nào cũng tròn căng và lên hai kilôgram ngay tháng đầu tiên.
... Một ngày kia, đi học về con cất giọng ngọng nghịu đọc thơ :
Mẹ đi chợ, về cho bé, một quả cà
Mẹ bảo bé, con thường... xên (xuyên)
Cắt ăn nhé, vì rất ngan (ngon), v rất bỏ (bổ)...
Thế rồi con đòi ăn thật, con thích những món ăn và hoa trái có màu sắc tươi sáng, con đòi ăn trứng chiên, chịu nhấm nháp thử từng chút ít những món ăn mẹ nấu.
Thời gian đã không phụ lòng mẹ. Con dần cao lớn kịp các bạn, con thông minh và ngoan ngoãn, học rất giỏi. Đến hôm nay thì con đã trở thành một chàng trai bản lĩnh, tự tin, đáng yêu, có lòng nhân hậu...
Con viết bài văn tả về mẹ được cô giáo chấm điểm 9 với câu kết bài : “Tôi yêu mẹ tôi nhất trên đời”...