Vũ Điểm Cô Thiên Chương 18. Kiếm Lộng Trổ Hết Hết Uy Thần

Chương 18. Kiếm Lộng Trổ Hết Hết Uy Thần
Họa Đâu Mà Cứ Đeo Thân Kề Kề

Văn Viễn thay xong y phục đang đứng sầu nảo thì đã nghe bên ngoài có tiếng sang sảng hỏi:


- Kẻ các ngươi vừa cứu lên thuyền đâu rồi?

Văn Viễn bước ra thấy tên phu thuyền vừa rồi dẫn theo một người tướng tá phương phi ra dáng phú hộ. Người này tuổi ngoài năm mươi nhưng tóc râu đen ghì, cằm vuông mắt sáng tinh anh không có vẻ gì gian hiểm. Người này chăm chú nhìn Văn Viễn từ đầu đến chân rồi lại bắt ông xoay mấy vòng. Người này cười lớn tỏ vẻ rất ưng bụng:

- Thật sự rất hay! Ta chuyến này về phải đem vàng bạc tạ Đại Sỹ mới được!



Văn Viễn chưa kịp hiểu gì thì người này đã nắm lấy tay ông dắt đi lên khoang chính miệng không ngừng ra lệnh:

- Thả neo! Thết tiệc để chúng ta đón khách quý. Tất cả thuyền nhân đều được tham dự! Các ngươi nhanh tay nhanh chân lên!

Bọn thuyền nhân nghe vậy liền reo hò phấn khích. Bọn chúng biết nhờ có Văn Viễn nên mới được một buổi tiệc lớn nên thấy ông đi qua liền cúi đầu chào cung kính. Văn Viễn vội vàng cúi đầu chào đáp lễ. Ông đành để mặc người kia lôi đi qua một hành lang nhỏ hẹp. Vừa vào tới khoang chính, Văn Viễn đã thấy bàn tiệc đã được bày ra gần xong. Người này cười hà hà đẩy Văn Viễn ngồi xuống ngang hàng mình. Y ngồi xuống cạnh bên không ngừng nhìn ngắm Văn Viễn luôn miệng tấm tắc khen. Y một tiếng Đại Sỹ thế này, hai tiếng Đại Sỹ thế kia khiến Văn Viễn không khỏi hiếu kỳ hỏi:

- Không biết phải xưng hô với tiền bối ra sao ?

Người kia cười đáp:

- Ta họ Điền tên chỉ một chữ Nhân!

Văn Viễn liền cung kính:

- Vãn bối xin đa tạ ơn cứu mạng của Điền viên ngoại. Không biết vị Đại Sỹ kia đã gieo một quẻ thế nào ?

Điền viên ngoại nói:

- Ta ban đầu cũng không tin lắm, nhưng nghe thương nhân đồn đoán nên khi thuyền cập bến Ngư Gia đã vội lên bờ mà tìm gặp ? Vị Đại Sỹ này chuyên bán chữ! Ta xin mua một chữ Nhân. Đại Sỹ viết xong liền nói chuyến đi này của ta gần đến Hàn Châu sẽ cứu được người lâm nạn. Đại Sỹ còn miêu tả rất chi tiết. Ông có phải vừa ba mươi lại là văn nhân?

Văn Viễn hơi có chút giật mình, đáp:

- Vãn bối thật sự đã tròn ba mươi lại là một văn nhân!

Điền viên ngoại vuốt râu cười lớn, hỏi tiếp:

- Tên của ông có phải có một chữ Viễn?

Lần này Văn Viễn phải la hoảng trong bụng mà trả lời:

- Vãn bối họ Phùng tên Văn Viễn, quả nhiên có một chữ Viễn!

Điền viên ngoại càng thích chí cười lớn hơn, nói:

- Đại Sỹ còn đoán ông vừa trải qua một chuyện thương tâm!

Văn Viễn tự nhiên đổ mồ hôi lạnh lưng. Ông sửng sốt hỏi:

- Vị Đại Sỹ kia sao chỉ một chữ nhân mà đoán ra nhiều chuyện như vậy ?

Điền viên ngoại diễn giải:

- Lúc Đại Sỹ viết chữ Nhân vô tình một con bướm bay ngang qua làm lem vết mực. Đại Sỹ liền nói: “ Bướm là phúc lẫn họa, nói rằng chuyến đi này của ta sẽ gặp chuyện chẳng lành ”. Quả nhiên ta mới nhổ neo liền bị hỏng mất cột buồm phải mất ba ngày sửa chữa. Đại Sỹ khi viết nét đầu tiên chữ nhân liền dừng lại mà nói với ta rằng, nếu muốn đi bằng đường bộ thì sẽ mất sạch, nếu đi bằng đường thủy thì an nhiên cập bến. Đại Sỹ nọ viết tiếp một nét còn lại liền thở dài liên tục rồi nói với ta, ta chuyến này gần đến Hàn Châu sẽ cứu một người bị nạn trên sông. Ta lúc đó tỏ ra nghi ngờ. Đại Sỹ liền thuận tay viết thêm một chữ Tâm. Đại Sỹ nói chữ tâm có hai nét chấm bên trên ý chỉ đoạn trường luân lạc. Lại nói có một nét nghiêng bên trái hàm ý hướng ngoại nên đoán người ta cứu tự nhiên sẽ có một chữ Viễn trong tên gọi. Đại Sỹ viết xong chữ tâm liền tấm tắc khen người ta cứu có tấm lòng lương thiện chắc chắn là một văn nhân ưa đèn sách. Ta lúc đó không tin lắm nhưng Đại Sỹ nói nếu đoán không đúng bận về ta cứ đến mà phá bảng hiệu. Ta hôm nay thừa nhận Đại Sỹ thật sự là thần nhân!

Văn Viễn nghe Điền viên ngoại nói tự nhiên cũng buột miệng khen tấm tắc:

- Quả nhiên là thần nhân. Vãn bối nghe cũng vô cùng khâm phục! Không biết có thể cho vãn bối xem bức viết chữ của Đại Sỹ ?

Điền viên ngoại cười hà hà mở chiếc rương nhỏ bên cạnh lấy ra hai tờ giấy thượng hạng. Một viết chữ Tâm một viết chữ Nhân. Văn Viễn đón lấy rồi chăm chú nhìn ngắm. Ông thấy đường nét thoáng đạt thanh cao liền tấm tắc khen luôn miệng. Văn Viễn nhìn chằm chằm hai vết chấm bên trên chữ Tâm mềm mại, liền hỏi:

- Điền viên ngoại, vị Đại Sỹ kia là nữ  nhân ?

Điền viên ngoại liền cười đến run cả bàn tiệc:

- Không sai không sai! Đại Sỹ thật như thần, đoán rằng nếu ta đưa cho ngươi xem chữ ngươi sẽ đoán ra Đại Sỹ là nữ! Đại Sỹ là một khuê nữ, ta không thấy mặt vì lúc nào cũng ngồi trong một chiếc kiệu bằng lụa nhưng giọng không quá hai mươi! Thật sự là một kỳ nữ!

Văn Viễn nghe càng thêm tính hiếu kỳ. Không ngờ chỉ một chữ Tâm mà đoán được ông trải qua nhiều chuyện như vậy. Điền viên ngoại liền nâng ly lên hối thúc:

- Chuyến buôn bán này nhất định sẽ có lời lớn. Chúng ta cùng nâng ly cho vị văn nhân này!

Bọn thuyền nhân đều nhất nhất nâng ly chúc tụng. Văn Viễn thấy cả bọn đều sảng khoái liền cùng nâng ly mà uống cạn. Tiệc tùng rôm rã đến giữa đêm mới dứt. Văn Viễn lòng vốn nặng trĩu chuyện đại tiểu thư nên uống như rồng khô gặp nước, không biết đã đổ bao nhiêu cân rượu qua cổ họng.

Văn Viễn tỉnh dậy thì trời quá nửa đêm. Ông thấy mình nằm trong một phòng khang trang bên cạnh là Điền viên ngoại vẫn đương ngáy lớn. Văn Viễn liền vội vàng rón rén bước xuống giường nhìn Điền viên ngoại mà cười nói:

- Vị viên ngoại này thật sự rất tốt bụng. Vừa gặp mặt không biết ta như thế nào mà vẫn để ngủ chung giường. Thật sự đáng quý! Ta đến Hàng Châu nhất định sẽ vái tạ vị viên ngoại tốt bụng này!

Văn Viễn nào hay Điền viêng ngoại tuy làm bộ ngáy lớn nhưng vẫn nghe không sót một từ nào. Họ Điền thầm nghĩ trong bụng:

- Tên Văn Nhân này quả nhiên như Đại Sỹ nói. Tuy nhiên ta vẫn không nhìn ra dáng một kẻ có tuyệt học trong người. Làm sao có thể giúp ta giải quyết hậu hoạn ? Đại Sỹ đã đoán từ đầu đến cuối không sai một chút nào, hi vọng lúc này cũng vậy!

Văn Viễn nhẹ nhàng đẩy cửa bước ra ngoài. Ông đi ngang qua phòng tiệc liếc nhìn thì thấy bọn phu thuyền đều nằm nghiêng ngửa mà ngủ say li bì. Văn Viễn ngước nhìn mặt sông phẳng lặng. Trăng chính tuần treo cao tuôn muôn ánh vàng xuống nước. Văn Viễn chợt nhớ đến khuôn mặt diễm lệ của đại tiểu thư lại nghĩ cảnh nàng nằm lạnh lẽo dưới vực, lệ lại tràn qua khóe mắt mà lăn hai dòng dài trên má. Ông vội vàng bước vào phòng tiệc lấy một chiếc đàn cầm của bọn ca nữ mà đem ra khoang trước. Ông ngồi tựa vào thân thuyền đặt đàn lên hai chân thong thả so phím.

Là bản Tương Tư Phổ của Quách An thời Tây Tấn. Giai điệu da diết toàn nhịp trầm. Người nghe không khỏi chùn lòng thổn thức. Quách An sinh thời vốn si mê một nàng khuê các. Tuy nhiên họ Quách cả đời thanh bạch sao với đến lầu son cho được. Thành ra Quách An ngày một tương tư đến sầu thảm. Họ Quách cuối cùng thành kẻ si tình đến chết. Một đời tài danh chỉ để lại ba mươi sáu khúc Tương Tư đến ngàn đời sau hậu nhân còn thấy ngậm ngùi. Văn Viễn trong lòng tưởng nhớ đại tiểu thư một nhưng lo âu về tông tích bà bà thần tiên thì hơn mấy phần thành ra đàn ngân theo lệ rớt. Sầu thương không tả nổi .

Người ngọc nơi lầu cao
Áo lụa che ánh mắt
Tiếng đàn theo lệ rớt
Giai nhân nét ngà chau?

Văn Viễn chua xót thuận miệng làm một bài ngũ ngôn không đầu không cuối lạc vần trái điệu. Nào ngờ gần đấy có người buột miệng:

- Thơ hay lắm!

Văn Viễn ngơ ngác nhìn qua thì thấy bên mạn thuyền có một chiếc bè nhỏ. Một người đội nón tre lớn đang thong dong buông câu. Bên cạnh là một vò rượu lớn đang uống dang dỡ. Người này liếc nhìn Văn Viễn bằng ánh mắt nhờ nhợ rồi lại rót một chén rượu nói:

- Ta nửa đêm thiếu mất bạn uống rượu. Ngươi có muốn uống cùng ta ?

Văn Viễn ngửi thử nhận ra là rượu hảo hạng:

- Có phải là Huyết Tửu của Phan Gia vùng Tây Bắc ?

Người kia cười đáp:

- Cũng là kẻ biết rượu!

Lời vừa dứt người kia liền nhún một cái đã từ bè nhỏ nhảy vọt lên đứng cạnh Văn Viễn. Văn Viễn còn ngơ ngác chưa kịp hiểu vì sao người này có thể nhảy lên mạn thuyền cao hơn tám trượng thì hắn đã rót ra một chén lớn mà nói:

- Ta uống trước!

Văn Viễn nhìn kỹ hắn chừng đã ngoài bốn mươi. Cằm nhọn mặt xương râu hàm lún phún. Ông nhìn đôi mắt người này cứ phát ra ánh nhờ nhợ không tỏ vẻ gì hơn người. Văn Viễn cung kính:

- Vãn bối họ Phùng, tên Văn Viễn xin tham kiến tiền bối. Không biết tiền bối xưng danh thế nào ?

Người kia đặt chén rượu xuống đáp gọn:

- Ta họ Hoàng!

Rồi rót rượu ra chén. Văn Viễn nhận lấy chén rượu cung kính:

- Đa tạ Hoàng tiền bối, vãn bối xin được hầu rượu!

Kẻ họ Hoàng nhìn Văn Viễn uống rượu xong mới hỏi:

- Ngươi là người nơi khác đến?

Văn Viễn đáp:

- Vãn bối đến từ Ứng Kê Quan!

Kẻ họ Hoàng nói tiếp:

- Ta nghe tiếng đàn sầu muộn chồng chất, có phải Tương Tư Phổ thời Tây Tấn? Gã họ Quách đến cuối đời vẫn chỉ là con ma si tình nhưng hậu nhân ngàn đời sau nào biết họ Quách hạnh phúc biết bao trong cõi si ấy!

Văn Viễn nghe liền a lên mừng rỡ:

- Tri âm, tri âm, thật sự là tri âm! Vãn bối hơn tháng nay nếu không nghe người bàn tán mưu đồ thì cũng toàn mắt thấy cảnh giết chóc. Hôm nay nghe tiền bối nói như tri âm lâu ngày!

Văn Viễn tự rót thêm một chén rượu uống cạn rồi so phím. Thanh âm du dương như tiếng gió thổi trên tầng trời xuân xanh biếc khiến lòng người lâng lâng cảm khái. Tiếng đàn như vẽ trước mắt người nghe đồi cỏ rộng lớn. Cảm chừng thấy cả hơi nóng ấm nhẹ của từng sợi nắng miên mang. Họ Hoàng lắng nghe liền thuận tay rút ra một cây sáo nhỏ họa cùng. Một đàn một sáo quyện lẫn vào nhau trãi dài trên sóng nước .

Văn Viễn ngưng đàn rót một chén lớn cho người họ Hoàng rồi cầm lấy vò rượu uống một ngụm nói:

- Tiền bối thổi sáo thật sự hiếm có!

Người họ Hoàng cũng khề khà nói:

- Ta vẫn cho bằng hữu cũ của ta là kẻ đánh đàn hay nhất trong thiên hạ. Nay mới biết hắn chỉ đứng thứ hai. Hắn nhờ đàn tốt. Còn ngươi dầu cây đàn tạp vẫn có thể đánh lên giai điệu diễm tuyệt, Ngươi mới thật sự thiên hạ đệ nhất cầm nhân!

Văn Viễn cười hì hì định đáp lời chợt thấy bên hông người họ Hoàng đeo lủng lẳng thanh kiếm chạm đầu con phượng rất cầu kỳ. Người họ Hoàng liếc thấy liền nói:

- Cũng là bạn hữu của ta, đã theo ta hơn hai mươi năm!

Văn Viễn ngửi ra mùi máu tanh thoang thoảng liền nhăn mặt buột miệng:

- Sát khí thật nặng!

Kẻ họ Hoàng cười vang ngạo nghễ:

- Kiếm là dùng để giết người, tất nhiên phải có sát khí, bằng không đâu gọi là kiếm! Sát khí nặng nhẹ chẳng qua là do dụng như thế nào!

Văn Viễn chưa kịp đáp thì ba bên không biết từ đâu có  đuốc thắp sáng trưng, tiếng la hét vang dội khắp mặt sông:

- Đúng là thuyền của lão họ Điền! Mau mau!

Điền viên ngoại cũng đã nhổm dậy mặc nhanh y phục rồi vội vã ra ngoài. Ba bề hàng loạt chiếc thuyền nhỏ đã vây kín thành nửa vòng tròn. Đếm chừng gần trăm tên gươm đao sáng choang hò hét:

- Con rùa họ Điền đâu? Mau ra đây!

Văn Viễn hốt hoảng đứng dậy. Người họ Hoàng vẫn điềm nhiên ngồi im uống rượu. Điền viên ngoại bước đến sát mạn thuyền mà nói:

- Điền mỗ ở đây! Có phải là người của Uy Vũ Bang ?

Chỉ thấy đám thuyền nhỏ dạt ra hai bên để một chiếc thuyền đầu hổ đi lên. Bên trên đang có ba tên trung niên mặt mày dữ tợn. Một tên chỉa đao về phía Điền viên ngoại thét lớn:

- Lão họ Điền kia! Món nợ với Uy Vũ Bang chúng ta đã đến lúc phải thanh toán cho sạch sẽ!

Uy Vũ Bang là một nhóm hải tặc tụ tập lại mà thành. Bọn chúng hoành hành một vùng rộng lớn của Thái Hồ. Quan binh triều đình nhiều phen đánh dẹp không được đành phải để mặc. Thương nhân hay đi đường thủy muốn yên ổn buôn bán đều phải đóng lệ phí cho chúng bằng không khó mà làm ăn được.

Văn Viễn nhìn thấy tình hình căng thẳng liền nói:

- Điền viên ngoại, bọn chúng dường như không có ý tốt!

Điền viên ngoại đáp:

- Ta cách đây hai năm đã đánh chết một tên đầu lĩnh của bọn chúng. Món nợ này cũng đã đến lúc phải thanh toán!

Văn Viễn định chạy đi đánh thức đám phu thuyền thì Điền viên ngoại nói:

- Ngươi không cần nhọc công, rượu bọn họ uống đều pha mê dược. Chỉ có ta với ngươi uống rượu là bình thường. Ta không muốn bọn họ phải mất mạng vì chuyện này. Ta nhờ ngươi một việc. Nếu ta có mệnh hệ gì, ngươi hãy thay ta đưa thuyền đến Hàng Châu mà bán hết chổ trà. Sau đó phân phát ngân lượng cho họ! Điền Nhân ta nhất định không quên ơn!

Lúc này chiếc thuyền tạc đầu hổ đã cập sát mạn. Ba tên trung niên nhảy vọt lên trên khoang. Một tên cười hinh híc nói:

- Họ Điền ngươi coi như cũng là một hào kiệt. Bọn ta theo quy chiếu giang hồ một chọi một. Nếu ngươi đánh bại được ba anh em bọn ta coi như thù cũ xóa sạch. Bằng ngược lại thì để cái mạng già đó!

Văn Viễn nghe liền lên tiếng:

- Không phải, không phải! Các ngươi ỷ đông hiếp yếu. Sao không cử một người đại diện ra đấu với Điền viên ngoại ? Các ngươi xa luân chiến như vậy hòng làm Điền viên ngoại kiệt sức, sao gọi là anh hùng cho được ?

Điền viên ngoại thấy Văn Viễn không biết võ công nhưng nói năng cứng cõi không tỏ vẻ gì sợ hãi thì tự nhiên khâm phục:

- Nói hay lắm!

Tên kia múa đao cười gằn:

- Được! Vậy để ta đấu với ngươi trước!

Hắn dứt lời liền nhảy bổ vào Văn Viễn công kích nhanh như chớp. Văn Viễn luống cuống lùi lại thì thấy khủy chân mình như bị ai đánh trúng phải quỳ sụp xuống sàn thuyền. Quả nhiên tránh được một đao chí mạng .

Tên kia thấy Văn Viễn né được một đao liền không dám khinh địch. Y múa đao bổ xuống hai nhát. Văn Viễn đang quỳ trên sàn chưa biết phản ứng thế nào thì lại cảm thấy có một nhu kình kéo ông ngược ra sau. Lại tránh được hai đao hiểm ác .

Tên kia ba đao liên tục không chạm được đối thủ liền nghiến răng ken két. Y vận khí nhảy vọt lên không. Đao trong tay hóa thành muôn ánh bạc đan nhau như một cái lưới lớn mà chụp xuống Văn Viễn. Y vốn là Định Thanh Nhàn, nổi danh với bộ Thập Hợp Lục Đao. Tính ra trong giới cao thủ dùng đao có chút danh tiếng. Nguyên Thập Hợp Lục Đao chỉ có mười chiêu. Tên Định Thanh Nhàn về sau tự chế thêm sáu thức để gia tăng chiêu số. Tên họ Định này bản chất tay chân mau lẹ thành ra múa đao thật sự rất nhanh. Một lần đánh là dùng cả mười sáu chiêu công kích địch .

Văn Viễn thấy lưới đao ảnh chụp xuống chưa biết làm cách nào thì nghe keng một cái. Tên họ Định té bịch xuống sàn la hét đau đớn. Thanh đao trong tay hắn đã bị chém gãy làm hai đoạn. Tên họ Định ngực cũng bị một vết cắt sâu máu tuôn xối xả .

Điền viên ngoại quan sát từ đầu cũng không tận mắt thấy được vì sao họ Định lại bị như vậy. Ông liếc nhìn người họ Hoàng đang uống rượu gần đấy thấy y vẫn điềm nhiên. Thanh kiếm vẫn nằm yên không có vẻ gì vừa được sử dụng, càng lấy làm lạ .

Định Thanh Nhàn lồm cồm đứng dậy hét lớn:

- Cao nhân phương nào sao còn dấu mặt?

Bốn bề vẫn không một tiếng đáp trả. Hắn gằn giọng nhìn Điền viên ngoại:

- Hay lắm! Quả nhiên ngươi có viện binh. Hôm nay bọn ta nhất định một phen sống chết với ngươi!

Hắn nói rồi liền phất tay ra hiệu. Đám hải tặc trên các thuyền đồng loạt la hét rồi ào ạt chèo thuyền tiến sát đến. Điền viên ngoại cùng Văn Viễn chưa biết làm sao thì kẻ họ Hoàng đã đặt chén rượu xuống. Y tung người vọt đến mấy chục chiếc thuyền của đám thổ phỉ.

Kiếm tuốt khỏi bao. Trùng trùng sát ảnh .

Tiếng la đau đớn. Mười dặm còn nghe .

Họ Hoàng như cuồng long quá hải cứ dùng chân điểm nước mà nhảy qua nhảy lại giữa các thuyền. Thanh kiếm đầu phượng trong tay dưới ánh trăng chỉ còn một quầng kim quang nhạt. Kiếm đến đâu máu tuôn đến đấy. Chưa nguội tuần trà họ Hoàng đã điềm nhiên về lại chổ cũ. Bọn hải tặc trên mấy chục chiếc thuyền đều kêu cha mắng mẹ không còn ra hàng ngũ gì nữa. Tên nào không đứt tay cũng bị tiện lìa một chân thay nhau ôm vết thương mà khóc lóc .

Nhìn lại họ Hoàng đang ung dung lấy một vạt áo rách mà lau kiếm còn đầm máu đỏ. Một trong ba tên đầu lĩnh liền la hoảng. Hóa ra ngực áo của y đã bị cắt một mảng lớn. Chính là vạt áo họ Hoàng dùng lau kiếm .

Tất thảy mọi người trên thuyền đều toát mồ hôi sợ hãi. Họ Hoàng sau khi đánh chém bọn hải tặc thuận tay trong lúc trở lại thuyền mà vung kiếm cắt vạt áo trước ngực một tên đầu lĩnh. Kiếm chỉ vừa qua lớp vải thì dừng. Tên đầu lĩnh nọ bị đối phương cắt mất áo mà không hay không biết thì hồn vía cũng đã lơ lửng chín tầng mây mà run giọng:

- Các hạ…các hạ là …?

Người họ Hoàng đáp:

- Ta họ Hoàng tên chỉ một chữ Kỳ!

Cái tên Hoàng Kỳ vừa xướng không chỉ ba tên đầu lĩnh, Điền Viên ngoại cùng Văn Viễn cũng giật mình chăm chăm nhìn. Văn Viễn đã được nghe Sa tiểu thư ca tụng kiếm pháp Hoàng Kỳ, giờ tận mắt thấy mới hiểu mấy câu sát khí trùng trùng chiêu nhanh như gió đuổi là như thế nào.

Ba tên đầu lĩnh biết hôm nay gặp phải đại sát tinh liền nhanh như chớp nhảy vọt trốn đi. Cả ba tên còn đang lơ lửng trên không thì thấy họ Hoàng vung kiếm một cái rồi điềm nhiên tra kiếm vào vỏ. Ba tên đầu lĩnh đã thành sáu khúc rơi tõm xuống sông chìm mất xác không nghe một tiếng la trối. Bọn hải tặc thấy đầu lĩnh bị giết liền hè nhau chèo thuyền chạy đi để cứu lấy mạng mình. Trong phút chốc khúc sông trở lại yên bình như cũ .

Điền viên ngoại lúc này mới trấn tỉnh mà nói:

- Được cao nhân tương cứu, Điền mỗ cảm kích bất tận!

Hoàng Kỳ đáp:

- Ta trả ông cái ơn ngày trước. Ông không thân thuộc nhưng đã ra tay cứu ta lại còn cung phụng cho ta điều thương trong trang suốt sáu tháng như thượng khách. Ta vô tình ngang qua nghe bọn Uy Vũ Bang bàn cách mưu hại ông nên thuận đường trả lại cho ông cái ơn cũ!

Điền viên ngoại nghe vậy cố nhớ lại. Tuy nhiên, họ Điền thường nhật tính tình hào sảng nên quả thật không thể nhớ ra được đã cứu Hoàng Kỳ lúc nào. Điền viên ngoại đáp:

- Điền mỗ có tuổi, không nhớ được đã cứu cao nhân lúc nào. Nhưng ơn gia cứu hôm nay, Điền mỗ không dám quên. Không biết cao nhân có phải là Vô Tình Kiếm Hoàng Kỳ ?

Họ Hoàng đáp:

- Kẻ đang bị giang hồ đuổi giết chính là ta!

Văn Viễn nghe xong nửa mừng nửa sợ. Ông chăm chú nhìn kỹ. Họ Hoàng bề ngoài thật sự không thể nhìn ra được là kẻ có tuyệt học hơn người. Hoàng Kỳ lúc này cũng nhìn Văn Viễn rồi nói:

- Ngươi với ta bèo nước tương phùng. Nhưng miếu quan âm dám vì ta mà lên tiếng bên vực. Đền thổ thần cũng lại vì ta mà chuốc họa vào người. Xem ra cũng một kẻ đa sự có chí khí. Có một vị bà bà nhờ ta chuyển cho ngươi cái này!

Văn Viễn ngạc nhiên đón lấy một phong thư.

Ông mở ra thì thấy một lá Hắc Mai Kỳ cùng mảnh giấy trắng nét chữ mềm mại:

Tên ngốc đa sự!

Ngươi nếu thoát được khỏi Mai Hoa Trang đến được Vọng Nguyệt Lâu thì nhất định sẽ gặp Ác Ma Song Tẩu. Hai kẻ này tự nhiên sẽ kể cho ngươi biết mọi chuyện. Nghe xong, ngươi hãy cùng họ mà rời khỏi Giang Nam quay về Ứng Kê sống đời an nhàn. Bà bà ta giao họ cho ngươi. Hai kẻ này tuy là ma đầu nhưng nhất dạ trung thành  theo ta tận tụy hai mươi năm không một tiếng oán. Mai Chiêu Anh ta mong ngươi niệm tình đã được ta mấy phen cứu mạng mà phụng dưỡng họ như song thân đến cuối đời.

Mai Chiêu Anh thủ bút!


Văn Viễn đọc xong biết là di bút của bà bà thần tiên liền hốt hoảng:

- Không biết bà bà đã như thế nào?

Hoàng Kỳ đáp:

- Lúc ta gặp thì bị thương rất nặng, không rõ sống chết! Bà ta đoán được ta sẽ gặp ngươi trước nên căn dặn ta phải tận tay đưa ngươi vật này rồi nói đưa ngươi đến quán trọ Vọng Nguyệt!

Văn Viễn không nghĩ ngợi nhiều liền quay lại nói với Điền viên ngoại:

- Vãn bối có chuyện phải đi trước. Xin tiền bối bảo trọng!

Nói rồi ông liền bị Hoàng Kỳ nhấc bổng lên nhảy xuống chiếc bè nhỏ. Họ Hoàng nhổ sào chỉ chống mấy cái thì chiếc bè đã lao đi vun vút. Điền viên ngoại đứng trên thuyền lớn vòng tay cung kính đến khi chiếc bè mất dạng mới thở khoan khoái:

- Đại Sỹ quả nhiên đoán việc như thần. Ta lúc về nhất định phải ghé mà tạ trọng lễ!

Lại nói Văn Viễn ngồi trên bè mà lòng như lửa đốt. Ông định mở miệng hỏi nhưng thấy Hoàng Kỳ chỉ chú tâm chống bè đi thật nhanh nên ngần ngại đành im lặng. Văn Viễn ngẫm nghĩ:

- Không đúng! Nếu kẻ này là Hoàng Kỳ thì tại sao không nhìn lầm ta là Cầm Điệp Cuồng Sinh? Hoặc giả y không là Hoàng Kỳ? Hoặc giả y đã biết ta vốn không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh! Nhưng bà bà đã thủ bút thì y nhất định không phải là kẻ giả mạo. Vậy là thêm một kẻ biết ta không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh!

Văn Viễn thở dài:

- Bà bà từng nói nếu thiên hạ này có kẻ tốt với ta thì chỉ có gã Hoàng Kỳ đây. Thôi thì ta cứ nghe theo vậy!

Văn Viễn mệt mõi ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết

Văn Viễn thức giấc đã nghe tiếng người lao xao bàn tán. Ông mở mắt đã thấy bè cập vào một bến đông đúc. Văn Viễn liền hỏi:

- Không biết có phải đã đến Hàng Châu ?

Hoàng Kỳ đáp:

- Phải một ngày đường đi ngựa! Ta có chút chuyện phải giải quyết nên ghé vào đây!

Văn Viễn vội vàng theo họ Hoàng lên bờ. Hoàng Kỳ tìm một chổ nài ngựa mà mua lấy hai con ngựa tốt. Y trao cho Văn Viễn một con rồi tự mình cưỡi một con ra roi chạy dọc theo bờ sông vừa rồi hướng về nam. Văn Viễn từng nhiều phen bị con Ô Phong Mã hành hạ nên cũng có chút thành thạo về thuật cưỡi ngựa. Cả hai chạy chừng mười dặm đường thì thấy một bãi cỏ lớn. Vì đang chính thu nên cây cỏ héo rũ rất thảm nảo. Họ Hoàng kiềm cương rồi nhảy vọt xuống. Y đi thẳng về phía có mấy tay kiếm tụ tập. Văn Viễn thấy những kẻ kia sát khí hừng hực biết chuyện chẳng lành nên liệu thân ngồi yên trên ngựa không dám lại gần.

Hoàng Kỳ cứ điềm nhiên đi thẳng đến rồi chống kiếm xuống đất mà hỏi:

- Các ngươi báo danh đi!

Ba trung niên tuổi chừng ba mươi lăm đáp:

- Tung Sơn Tam Kiếm!

Thêm sáu trung niên vận đạo bào đáp:

- Võ Đang Lục Hiệp! Không biết có phải là Vô Tình Kiếm Hoàng Kỳ?

Họ Hoàng đáp:

- Chính là ta! Món nợ cũ cần phải thanh toán cho sạch sẽ! Các ngươi lên một lần hay đánh riêng lẻ?

Sáu trung niên vận đạo bào lưỡng lự nhìn nhau dò hỏi. Một trung niên tên Phó Vương Ôn bước ra:

- Bọn ta không ỷ đông hiếp yếu . .

Hắn vừa nói đến đó thì thấy bên tai trái ran rát. Hắn đưa tay lên sờ thử liền kêu hoảng. Một bên tai của hắn đã bị cắt đứt. Họ Hoàng vẫn ung dung chống kiếm như không có chuyện gì. Cả bọn đều biết họ Hoàng vừa ra tay nhưng không tên nào tận mắt nhìn thấu được. Hoàng Kỳ nói:

- Các ngươi không muốn uổng mạng thì mau mau phế bỏ tay phải. Ta xem như là đã trả sạch món nợ phục kích điệt nhi của ta ngày trước. Một tay đổi một mạng, các ngươi còn lời chán!

Một tên trong Tung Sơn Tam Kiếm tên Ôn Nghiêm Chính bước ra nói:

- Ngươi giết huynh giết bạn để độc chiếm bảo đồ nhơ danh chính phái. Hôm nay bọn ta nhất định không để cho ngươi sống sót!

Nói rồi cả chín tên đồng loạt rút kiếm nhằm Hoàng Kỳ mà đánh chém xối xả. Họ Hoàng vẫn chống tay lên kiếm. Y chờ cả chín lưỡi kiếm vừa đến gần liền lắc nhẹ tay một cái. Những tiếng leng keng vang lên, chín đoạn kiếm bị chém gãy rơi xuống đất. Bọn kiếm thủ bị kiếm ảnh quét trúng ép phải lùi trở lại. Họ Hoàng một chiêu đã chém gãy kiếm đối phương, rõ ràng quá chênh lệch về thực lực .

Bọn Tung Sơn Tam Kiếm, Võ Đang Lục Hiệp không nói không rằng cắm đầu chạy thục mạng. Họ Hoàng nhanh như cắt lao theo bén gót:

- Chạy đâu cho thoát!

Chỉ nghe những tiếng la oai oái nối tiếp nhau. Chín tên té bịch xuống đất ôm tay phải đã bị chém sát đến tận nách kêu la đau đớn. Hoàng Kỳ thu kiếm trở lại rồi ung dung đi về phía Văn Viễn. Văn Viễn thấy Hoàng Kỳ ra tay tuy không lấy mạng người nhưng thần sắc bình thản thì đã ớn lạnh không dám liếc nhìn. Họ Hoàng chỉ cười nhạt rồi lên ngựa chạy thẳng về hướng nam. Văn Viễn lủi thủi thúc ngựa theo sau. Ông liếc nhìn chín cánh tay còn đang tươm máu đỏ nhớ đến xác người nằm ngổn ngang trong miếu quan âm lúc trước thì lẩm bẩm:

- Kẻ này thật sự rất thích chuyện giết chóc. Ta không nên dây dưa. Không biết bà bà thần tiên đã như thế nào ?

Văn Viễn lẻo đẻo cưỡi ngựa theo Hoàng Kỳ đến quá trưa tính ra cũng đã hơn ba bốn mươi dặm. Người ngựa cũng đã mỏi mệt. Họ Hoàng liền tấp vào một quán nhỏ ven đường mà kêu gọi đồ ăn uống. Văn Viễn có lòng sợ hãi phòng bị nên ông chỉ im lặng cắm cúi mà ăn. Bất giác Văn Viễn ngửi được một mùi hăng nồng. Ông vội vàng liếc nhìn thì chỉ kịp thấy một ánh bạc đang len lỏi giữa đám cỏ gần đó rồi nhắm hướng họ Hoàng mà phóng vọt lên. Văn Viễn chưa kịp la lớn thì họ Hoàng đã đặt tay lên kiếm. Ánh bạc nọ liền đứt làm hai đoạn rơi ngay xuống bàn. Đó là một con rắn nhỏ toàn thân trắng toát. Văn Viễn liền kêu lên:

- Tiểu Bạch Xà, tiền bối, tiền bối thật hoang phí ?

Họ Hoàng liền hỏi:

- Hoang phí thế nào?

Văn Viễn đáp:

- Con Tiểu Bạch Xà thật sự rất trân quý. Nó là đế vương trong các loại độc xà. Kẻ nào đang hấp hối nếu được uống mấy giọt máu nóng của nó thì tác dụng con hơn cả nhân sâm ngàn năm. Tiền bối lại một kiếm chém chết nó thành ra hủy hoại hết. Uổng phí biết bao!

Vừa lúc đó là tiếng bước chân hấp tấp có vẻ đang tìm kiếm:

- Đâu? đâu rồi?

Chỉ thấy một a đầu chừng mười bảy mười tám dùng một gậy sắt nhỏ lùng sục trong vệ cỏ. A đầu này mặt mày lanh lợi, mắt sáng trán cao nhìn rất bướng bỉnh. Nàng ta vô tình liếc nhìn lên bàn ăn của Hoàng Kỳ và Văn Viễn liền la lên thảm thiết. A đầu này chạy đến nhìn hai đoạn xác của Tiểu Bạch Xà mà khóc rống lên:

- Ngươi chết thật là thê thảm! Ta đã nói ngươi về với ta, ta nhất định sẽ chăm sóc chu đáo, ngươi lại không nghe, cuối cùng bị người ta nhẫn tâm một kiếm chém làm hai khúc. Ngươi là độc vương mà chết cũng không được vẹn nguyên thân xác!

Nàng ta khóc lóc thê thảm như người thân bị mất. Bọn khách ăn uống gần đấy hiếu kỳ bèn đến gần nghe ngóng. Biết nàng ta đang khóc thương con rắn, một tên lớn tiếng chọc ghẹo:

- Mỹ nhân, hay nàng mang ta về nhà mà phụng dưỡng cơm nước! Có hơn con rắn này không?

Hắn cười ha hả. Thêm mấy tên hùa theo cười nhạo. Nàng ta liền nín khóc quay lại nhìn cả bọn rồi khoang tay trước ngực chờ đợi. Chừng chớp mắt vài cái, mấy tên kia liền la hét tự cào cấu vào mặt mình đến rách nát. Cả bọn thất khiếu đồng loạt ra máu mà chết tại chổ. Văn Viễn hốt hoảng đánh rơi cả đũa. Ông biết bọn họ rõ ràng là bị trúng độc. Ông liền nhìn nàng a đầu mà kinh hãi. Hoàng Kỳ nhìn thấy tàn cuộc liền tự hỏi:

- Con bé này là ai đây?

Bọn thực khách thấy mấy tên kia còn đang cười nói tự nhiên ngã vật ra chết như trúng tà liền hè nhau mà chạy tán loạn. A đầu thấy vậy liền thích chí cười khanh khách rồi chống nạnh quay lại nhìn Hoàng Kỳ và Văn Viễn. Nàng ta thấy cả hai vẫn ngồi yên liền hỏi:

- Sao hai ngươi không chạy?

Hoàng Kỳ không thèm đếm xỉa tiếp tục uống rượu. Văn Viễn lại càng không dám dại dột mở miệng cứ cúi mặt xuống bàn mà ăn. Nàng ta nhìn thấy thanh kiếm đầu phụng của họ Hoàng liền a lên:

- Ngươi chính là kẻ chém chết Tiểu Bạch Xà của ta?

Họ Hoàng vẫn thản nhiên không đáp. Nàng ta càng nổi điên:

- Lão già ít râu kia, sao ngươi không lên tiếng? Ngươi dám chém chết Tiểu Bạch Xà của ta. Ta mất ba ngày mới tìm được nó. Vậy mà lão già ngươi…!

Nàng ta một tiếng lão già này, hai tiếng lão già nọ thật sự rất khó nghe. Hoàng Kỳ đặt chén rượu xuống bàn rồi tiện tay tát một cái. Nàng ta thấy tay họ Hoàng vừa lay động liền né tránh nhưng má trái vẫn bị đánh chát đau điếng đến rơi nước mắt. Họ Hoàng điềm nhiên rót rượu ra chén mà nói:

- Không phân lớn nhỏ!

Nàng ta liền dẫm chân giãy nãy mà vừa la vừa khóc:

- Gia gia! Gia gia ơi! có người ăn hiếp con! Gia gia đâu rồi?

Nàng ta vừa la vừa khóc một hồi thấy họ Hoàng vẫn bình an vô sự liền ngạc nhiên:

- Ngươi…. ngươi làm sao lại không sao? Ngươi…. ngươi không thấy khó thở? Ngươi…ngươi sao lại không chảy máu? Ngươi .. . ngươi làm sao lại không sao?

Vốn nàng ta đã âm thầm phóng độc. Nhưng họ Hoàng trúng phải lại không xảy ra biến sự gì. Họ Hoàng nghe nàng ta nói vậy liền giật mình mà hít sâu mấy cái. Quả nhiên thấy huyết khí có mấy phần nhộn nhạo liền cau mày:

- Con bé này đã hạ độc lúc nào? 

Văn Viễn thì ngửi thấy trên người Hoàng Kỳ có mùi tanh nồng liền la hoảng:

- Tiền bối! vị tiểu cô nương này đã dùng độc của cây Huyết Thiên Niên mà hạ độc. Độc này thấy máu sẽ bộc phát ngay tại chổ. Tiền bối cẩn thận!

Nguồn: truyen8.mobi/t113406-vu-diem-co-thien-chuong-18-kiem-long-tro-het-het-uy-than.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận