Vũ Điểm Cô Thiên Chương 24. Tuyền Đài Oán Mộng Chẳng Tròn

Chương 24. Tuyền Đài Oán Mộng Chẳng Tròn
Đại Sỹ Thêm Một Lần Giúp

Phu phụ họ Ngô không chần chừ liền hợp lực nhằm Văn Viễn mà đánh tới. Văn Viễn cuống cuồng không  biết ứng phó làm sao. Nếu ông bây giờ bỏ mặc Ân Ân mà đánh trả thì luồng hàn nhiệt không ai khống chế sẽ khiến tâm mạch Ân Ân thương tổn. Còn nếu ông đưa lưng chịu trận tất nhiên sẽ khiến mình bị thọ thương. Phu phụ họ Ngô thấy nét mặt Văn Viễn do dự càng đắc dồn hết sức lực mà ra tay. Ngờ đâu ngay phút sinh tử cận kề, Ân Ân bất chợt vùng dậy nhoài người ôm lấy Văn Viễn mà hứng trọn hai chưởng.

Không chỉ Văn Viễn mà cả vợ chồng họ Ngô đều hốt hoảng, nhưng chưởng pháp đánh ra đâu dễ nhất thời thu lại. Văn Viễn chỉ thấy người ngọc đau đớn hộc mấy ngụm máu lớn. Phu phụ họ Ngô kinh hãi:

- Ân Ân, con…con sao lại đỡ cho hắn?

Ân Ân nào còn màng đến song thân cạn nghĩa cạn tình. Nàng run run ôm lấy Văn Viễn thì thào:

- Chàng có hận.. có hận muội không?

Văn Viễn bàng hoàng chỉ biết lắp bắp:

- Không..không! Ta chưa bao giờ oán hận muội!

Ân Ân nhoẻn miệng cười sầu héo nói:

- Muội …chàng vì muội đã mấy lần liều mạng..muội..muội không giúp được gì lại còn hại đến chàng. Muội..muội đền cho chàng một tấm chân tình đây!

Nàng nói đến đây liền nhăn mày liễu ộc ra mấy ngụm máu ướt đẫm ngực áo Văn Viễn:

- Đời này không được..cùng chàng sớm tối. Muội dưới hoàng tuyền nhất định…nhất định phù hộ cho chàng. Muội …muội yêu chàng biết bao!

Lời Ân Ân nói không khác gì đại tiểu thư trước khi chết dưới vực sâu mà hấp hối. Văn Viễn lệ tràn ngoài mắt cuống cuồng định dồn hàn nhiệt giữ khí cho Ân Ân. Chỉ thấy Ân Ân cười mỉm rồi gục đầu sang một bên, mắt khép hờ như ngủ. Văn Viễn run run bắt mạch. Nàng thật sự đã tuyệt khí thân thể lạnh dần. Văn Viễn đau đớn thét lớn. Ông bật dậy ôm Ân Ân trong lòng trừng mắt nhìn phụ phụ Ngô trang chủ:

- Các người..các người thật còn thua cầm thú!

Văn Viễn hai lần tận mắt thấy hai người vì ông mà bỏ mạng, phẫn uất không sao kể xiết. Vợ chồng họ Ngô thấy ông mắt đầy sát khí liền vội vã tháo lui ra bên ngoài. Bọn gia nô phục sẵn lại túa ra lăm lăm đao kiếm. Văn Viễn không cần nghĩ ngợi. Ông tiện tay chụp lấy cây đàn tỳ bà treo ở góc phòng. Văn Viễn dùng khinh công bế xác Ân Ân chạy ra sân rồi lại lấy đà nhảy lên mái ngói khuê phòng. Ông vẫn ôm người ngọc trong lòng mắt trừng trừng nhìn xuống bọn người Ngô gia trang mà đánh đàn.

Đàn tỳ bà so với đàn ngọc khác xa nhiều về cấu trúc nhưng thủy chung vẫn là có cùng âm luật. Văn Viễn lại thông làu cách biến chuyển nên ông dùng tỳ bà không khác gì dùng đàn ngọc của Cầm Điệp Cuồng Sinh. Văn Viễn trong lúc sát khí dâng cao tột độ đánh liền khúc nhạc gọi bướm. Chỉ trong chớp mắt ngợp trời Ngô trang đã thấy toàn bướm ngũ sắc lượn lờ quanh. Vợ chồng họ Ngô đã biết được lợi hại của Hồ Điệp Khúc nên vội vàng tháo chạy. Văn Viễn cười gằn rồi khảy đàn như điên dại. Cứ mỗi một tiếng tưng là hàng loạt cánh bướm ào ạt lao xuống. Tiếng la hét đau đớn vang vọng đến năm dặm còn nghe, lại thêm những tiếng tưng tưng khô khốc của tỳ bà, thật sự bi thảm không tả nổi.

Chừng nguội một tách trà, Văn Viễn mới dừng lại. Khoảng sân lớn của Ngô gia trang la liệt xác người nằm. Kẻ chết, kẻ bị thương, máu đỏ tanh nồng chảy tràn như suối. Hai vợ chồng Ngô trang chủ cũng ngồi bệt dưới đất không sao cử động được. Văn Viễn lúc này  đã nguôi cơn thịnh nộ. Ông cúi nhìn Ân Ân thấy nàng khuôn mặt vẫn còn đang điểm nụ cười mỉm tự giác lại bi thương mà nói:

- Ta coi như vì Ân Ân mà giữ mạng hai ngươi!

Nói rồi, Văn Viễn bồng xác Ân Ân nhằm hướng Nam chạy đi mất dạng.

Văn Viễn bế xác Ân Ân trên tay cứ nhằm bừa hướng mà đi. Thật dạ ông bi thương quá đỗi không biết muốn đi đến chổ nào. Chừng quá trưa một, lúc Văn Viễn đã thấy một bờ sông lớn trước mặt. Ông ngước nhìn quanh lại thấy gần đó có một doi đất bồi  liền vội vàng vận công cứ điểm nước mà nhảy qua sông. Doi đất này khá cao ráo lại rộng vừa phải chừng nửa dặm vuông. Văn Viễn bế xác Ân Ân đi quanh quẩn một hồi rồi chọn lấy chổ cao nhất. Ông đặt nàng xuống lại quanh quẩn tìm vật nhọn để đào mộ. Văn Viễn thật sự lúc này bi thương quá độ không còn thiết suy nghĩ điều gì. Ví như ông tĩnh tâm chỉ cần vận âm hàn đánh chưởng vài cái đã có ngay một huyệt mồ cần gì phải nhọc sức. 

Văn Viễn loanh quanh một hồi thì ngán ngẫm quay lại bên xác Ân Ân. Ông vái dài mấy cái rồi cúi xuống dùng tay không mà đào đất. Đất ở đây vừa mềm lại thêm Văn Viễn trong người nội hàn tích tụ nhiều nên chưa đầy một khắc ông đã đào xong một huyệt. Văn Viễn mồ hôi ra như tắm bèn vội vàng đến cạnh bờ đất mà gội rửa cho sạch sẽ. Ông lại nghĩ Ân Ân dầu gì cũng là khuê nữ trâm anh nếu cứ vậy an táng nàng thì có chút thiệt thòi. Ông liền xé một vạt áo sạch thay khăn mà lau vết máu trên người nàng. Văn Viễn  lúc tẩm liệm thấy trong tay áo Ân Ân có vật gì đó bèn lấy ra xem. Thì ra chỉ là son phấn thêm một chiếc khăn lụa màu đen. Văn Viễn định bụng sẽ đem chôn cất theo nàng thì bất chợt nhảy thổm người lên như bị rắn cắn. Ông run run mở khăn ra nhìn cẩn thận. Giữa khăn lụa đen được thêu hình người múa kiếm bằng chỉ trắng. Văn Viễn run run nói:

- Lục …Lục Thất Mệnh?

Văn Viễn đứng như trời trồng mắt nhìn chằm chằm vào khăn lụa. Hình thêu người cầm kiếm với sáu bức tranh được treo trong hầm mộ Mai Hoa Trang giống nhau như đúc. Ông liền hiểu ra:

- Hầm mộ Mai trang chỉ có bà bà thần tiên cùng đại tiểu thư là được vào. Thành ra Lục Thất Mệnh cũng chỉ có hai người này biết. Không phải! Không phải! Nếu bọn người Quỷ Công Tử không biết Mai trang có sáu bức tranh kia thì làm sao lại biết Ngô trang có được bức Lục Thất Mệnh này. Đến vợ chồng Ngô trang chủ cũng còn không hay biết. Chỉ có thể giải thích là Quỷ Công Tử đã biết Mai trang có tranh nhưng mấu chốt nằm ở bức tranh được thêu trên khăn lụa của Ngô gia!

Văn Viễn cẩn thận nhìn kỹ từng nét một. Hình người cầm kiếm được thêu rất khéo nhưng so với hình của sáu bức tranh kia cũng không khác biệt là mấy. Ông vò đầu bứt tóc một hồi không thông suốt được bèn nhét khăn lụa vào trong áo. Ông tiếp tục tẩm liệm thi thể Ân Ân rồi mới nhẹ nhàng đem đặt xuống dưới lỗ huyệt mà lấp đất. Ông vì thấy Ân Ân giống đại tiểu thư nên mới liều mạng mấy phen giúp sức, thực sự không hề có chút luyến ái. Thành ra Văn Viễn chôn cất Ân Ân rất gọn lẹ. Ông chớp mắt đã đấp xong nấm mồ cao rồi cúi mình quỳ lạy :

- Ân Ân cô nương dưới hoàng tuyền xin hãy an nghỉ. Tại hạ sau này nhất định sẽ xây cho nàng một ngôi mộ đàng hoàng!

Ông biết Ân Ân đến chết vẫn một lòng giữ tình ý với mình nên không khỏi có chút luyến tiếc. Ông lại nhớ đại tiểu thư dưới vực sâu lạnh lẽo chực thương cảm, thở dài tự nói:

- Ta sao dạo gần đây lúc nào cũng tơ tưởng đến đại tiểu thư? Bà bà thần tiên mà biết nhất định sẽ trách phạt!

Ông cúi lạy thêm mấy cái rồi đứng dậy cứ theo lối cũ mà điểm nước nhảy vào bờ. Văn Viễn quay nhìn ngôi mộ của Ân Ân thêm lần nữa rồi mới ngậm ngùi ôm đàn tỳ bà mà  đi.

Văn Viễn thấy bốn phía không biết nơi đâu là đâu lại không có người qua đường để hỏi bèn cứ thả bộ men theo bờ sông. Bất chợt đằng sau có tiếng gọi lớn:

- Người trên bờ có phải là Phùng công tử? Phùng đại ân nhân?

Văn Viễn nghe liền cười mỉm nói thầm:

- Nhất định không phải là kêu ta. Thiên hạ gặp ta không đòi chém giết cũng đòi bắt đi để biết bí mật Tử Hà Thần Công. Làm gì có kẻ nào gọi ta là đại ân nhân!

Văn Viễn cứ lầm lũi đi, tiếng gọi vẫn sang sảng:

- Có phải là Phùng công tử không?

Lần này Văn Viễn nhận ra giọng của Điền viên ngoại thì quay lại nhìn. Cách bờ không xa quả nhiên thương thuyền của họ Điền đang neo đậu. Văn Viễn hớn hở hỏi lớn:

- Có phải là thuyền của Điền viên ngoại cho gọi vãn bối?

Lập tức trên thuyền có nhiều tiếng reo hò mừng rỡ:

- Phùng công tử, đây là thuyền của Điền viên ngoại! Mời công tử lên thuyền!

Văn Viễn không chút nghi kỵ liền vận khí điểm nước mà nhảy đến. Ông vừa có được khinh công tuyệt thế của Ngô gia trang lại thêm nội lực trong người sung túc thành thử chỉ không quá mười lần điểm nước đã nhảy lên sàn thuyền lớn. Bọn phu thuyền thấy Văn Viễn đều cười hớn hở cúi đầu chào cung kính. Bọn chúng lần trước vẫn mang ơn việc Hoàng Kỳ ra tay dẹp hết lũ hải tặc, lại cho nhờ điềm may của Văn Viễn, thành thử cứ một câu Phùng công tử, hai câu là đại ân nhân, cung kính không sao nói hết.

Điền viên ngoại từ khoang chính bước ra cười hà hà:

- Công tử thật sự phúc đức lớn. Mới mấy ngày không gặp công tử đã có được thăng tiến vượt bậc. Điền mỗ hôm nay thật sự đã bắt đầu khiếp sợ Đại Sỹ!

Văn Viễn đang định hỏi vì sao họ Điền biết ông sẽ đi đến đây mà neo thuyền chờ sẵn, giờ nghe vậy liền hiểu ra:

- Không lẽ Đại Sỹ cũng đã bói một quẻ nói vãn bối sẽ đi ngang đây?

Điền viên ngoại định đáp thì thấy trước ngực Văn Viễn còn đỏ máu tươi hốt hoảng:

- Công tử đã bị thương?

Văn Viễn đáp:

- Vãn bối chỉ bị một chút vết thương bên ngoài không đáng ngại!

Điền viên ngoại liền hô hào bày tiệc rồi nắm lấy tay Văn Viễn dắt vào trong cho người tắm gội. Họ Điền lại còn đích thân lựa trong y phục của mình mấy bộ thượng hạng  kiên quyết bắt Văn Viễn phải mặc. Văn Viễn từ lúc vào giang nam đến giờ gặp không biết bao nhiêu biến cố vẫn cho rằng không mấy kẻ thực dạ đối đãi. Riêng Điền viên ngoại, Văn Viễn lại vô cùng cảm kích. Ông tự nghĩ họ Điền tính tình hào sảng, cho dầu có biết ông là Cầm Điệp Cuồng Sinh chưa chắc gì đã muốn hãm hại. Thành thử Văn Viễn tắm gội xong liền mặc lấy quần áo họ Điền đưa cho ông rồi an nhiên ra khoang chính nhập tiệc.

Bọn phu thuyền hầu hết đều có đủ mặt. Thấy Văn Viễn không ai là không cười lớn hớn hở. Cả bọn cùng nâng ly chúc tụng. Văn Viễn cũng uống liền mấy ly lớn không chút dè dặt. Đến hơn một canh giờ tiệc gần tàn Văn Viễn mới cung kính hỏi:

- Không hiểu Điền viên ngoại vì sao lại biết vãn bối đi ngang qua đây mà neo thuyền chờ sẵn?

Điền Nhân cười khà đáp:

- Ta ba ngày trước giao xong hàng định bụng sẽ neo thuyền mấy ngày cho phu thuyền ngơi nghỉ thì Đại Sỹ cho người đem thơ đến!

Điền Nhân lấy trong người ra phong thơ còn thoảng mùi hương khuê nữ đưa cho Văn Viễn. Ông đón lấy mở ra xem chỉ thấy viết ngắn gọn:

Muốn trả ơn người chính ngọ mùng ba

Neo thuyền Vu Gia một giờ hai khắc

Văn Viễn đọc xong mồ hôi cũng ra ướt trán mà lắp bắp:

- Hôm nay là mùng ba. Hôm nay là mùng ba. Phải chăng đoạn sông này có tên gọi Vu Gia?

Điền viên ngoại uống cạn một chung rượu lớn đáp:

- Không sai! Đại Sỹ còn dặn thêm nếu sau một giờ hai khắc mà không gặp được thì không cần đợi nữa. Lúc công tử lên thuyền thật sự là đúng một giờ hay khắc . Ta thật sự khiếp sợ Đại Sỹ!

Văn Viễn trong lòng bấn loạn:

- Kẻ này là ai lại có thể từ xa mà bói quẻ về ta không chút sai lệch? Nếu không có âm mưu thì nhất định là thần nhân!

Điền viên ngoại lại thúc ép Văn Viễn uống thêm mấy lượt rượu. Chừng tàn tiệc thì chỉ còn Văn Viễn và họ Điền. Những phu thuyền đều say sưa nằm la liệt trong khoang chính. Văn Viễn lúc này mới thở dài mấy lượt rồi uất ức bê nguyên một bình lớn hai cân rượu mà uống. Điền viên ngoại thấy vậy liền hỏi:

- Công tử dường như đã gặp nhiều chuyện thương tâm?

Văn Viễn không chút e dè đem mọi chuyện  xảy ra ở Ngô gia trang mà kể hết. Điền viên ngoại vừa vuốt râu vừa uống rượu lắng nghe không sót điểm nào. Đến lúc Văn Viễn kể Ân Ân vì ông mà chết thì họ Điền liền đập tay xuống bàn gằn giọng:

- Hơn cả cầm thú! Ta cũng vài lần giao du với Ngô Ứng Bình vẫn cho hắn là quân tử hào sảng. Nào ngờ lại dùng cách hạ tiện. Điền mỗ ta xem như đã nhìn lầm!

Văn Viễn để ý thấy Điền viên ngoại không chút mảy may tò mò về việc ông là Cầm Điệp Cuồng Sinh liền hỏi. Điền viên ngoại cười đáp:

- Công tử có phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh hay không nào có can hệ gì đến ta. Ta không thích tranh quyền đấu lợi, lại ghét mưu mô âm hiểm hại người. Thành ra công tử có là ai cũng chẳng can hệ gì. Ta chỉ thích công tử ở cái tính nhân  hậu lại trọng lễ nghĩa. Thiên hạ ai cũng đều thích những kẻ như vậy. Điền mỗ cũng không ngoại lệ!

Văn Viễn nghe Điền Nhân nói hơi thở khí huyết không đổi thì cho rằng họ Điền thực bụng liền cảm khái uống thêm mấy hồi rượu. Văn Viễn ngẫm đi ngẫm lại mấy lần do dự rồi nói hết dự định cho Điền viên ngoại nghe. Điền Nhân nghe xong liền lắc đầu:

- Không được! Không được! công tử đi đến Gia Lăng nhất định sẽ gặp nguy. Điều này nhất định không được!

Văn Viễn thở dài nói:

- Vãn bối cũng biết là hung hiểm nhưng cũng phải liều một phen. Chỉ cần thiên hạ biết tin sẽ kéo đến mà đòi mạng. Khi đó vãn bối chờ xem người nào dám ra tay ứng cứu thì sẽ biết được thân thế của mình!

Điền viên ngoại vuốt râu tư lự một hồi rồi đáp:

- Gia Lăng cách đây chỉ hai ngày đi thuyền. Tuy nhiên nếu không có kẻ nào dám ra tay cứu thì công tử nhất định lành ít dữ nhiều!

Văn Viễn nói:

- Thiên hạ có kẻ hám danh lợi thì cũng có người trọng tình thâm! Nhất định vãn bối sẽ được cứu!

Ông nói câu này tự nhiên lại nhớ đến bà bà thần tiên cùng Ác Hòa Thượng, Bạch Mi bà bà liền hỏi:

- Không biết Vọng Nguyệt Lâu nằm ở hướng nào?

Điền viên ngoại đáp:

- Cách Gia Lăng mười dặm thì sẽ gặp một trấn lớn. Vọng Nguyệt Lâu cùng Thính Vũ Đài đều là hai nơi nổi danh của trấn này!

Văn Viễn ghi nhớ trong lòng rồi nói:

- Mong Điền viên ngoại giúp vãn bối gởi một bái thiếp đến Gia Lăng hẹn hai ngày nữa sẽ đến!

Điền viên ngoại gật đầu:

- Chiều thuyền sẽ cập một bến cảng, ta sẽ cho người giúp công tử gởi đi!

Văn Viễn cảm tạ rồi lại uống rượu. Trong lòng sầu muộn thành thử rượu vào thêm mấy lượt ông đã say mềm. Điền viên ngoại phải dìu ông vào phòng. Họ Điền an trí trong liền nhìn Văn Viễn mà nói:

- Văn nhân này trải qua nhiều hung hiểm sao còn dễ tin người? Nếu Điền Nhân ta có lòng trí trá thì ngươi chẳng phải sẽ gặp hiểm nguy hay sao?

Văn Viễn nào hay biết gì nữa cứ li bì mà ngủ. Điền viên ngoại cũng ra khoang chính thúc hối mấy phu thuyền còn đang tỉnh táo dọn dẹp.

Thương thuyền nhổ neo căng buồm thuận gió mà trôi về hướng nam theo dòng Vu Gia. Chừng đến chập choạng tối đã cập một thương cảng. Văn Viễn lúc này cũng đã tỉnh rượu. Điền viên ngoại biết ông gặp nhiều phiền muộn liền ép ông cầm lấy ngân lượng mà lên bờ dạo một vòng cho khuây khỏa. Văn Viễn từ chối mấy lần không được bèn cảm tạ rồi cùng một phu thuyền tên Trương Vũ đi dạo vào trấn. Tên Trương Vũ đi với Văn Viễn mấy vòng liền cười hì hì nói:

- Phùng công tử, nơi này có một thanh lâu rất nhiều mỹ nhân đẹp!

Văn Viễn biết ý liền trút ngân lượng của Điền viên ngoại tặng chia hắn một nửa. Trương Vũ cười đáp:

- Tiểu nhân đã có ngân lượng, chỉ là mong công tử đừng nói chuyện này với Điền viên ngoại kẻo tiểu nhân sẽ bị trách phạt. Công tử cứ đi thẳng phía trước sẽ có một quán lớn có tên Vọng Âm Các.Tiểu nhân xong việc sẽ đến tìm công tử!

Văn Viễn thấy hắn nói xong việc mặt cười hớn hở thì chỉ biết cười trừ rồi vái chào. Trương Vũ nhanh chóng lẻn vào dòng người tấp nập mà đi một hướng khác.

Văn Viễn theo hướng tên phu thuyền chỉ mà đi. Thật sự trấn này không lớn nhưng rất náo nhiệt. Đèn lồng treo hai bên đường sáng rực như ban ngày. Văn Viễn cứ thong thả đi chừng một đoạn đã thấy Vọng Âm Các trước mặt. Ông vừa bước vào đã bị một tên tiểu nhị chạy ra chận đường:

- Khách quan không đi lối này được!

Văn Viễn ngạc nhiên hỏi:

- Tại hạ muốn vào uống rượu, không đi cửa chính lẻ nào lại đi cửa sau?

Tên tiểu nhị cười giả lả nói:

- Chắc khách quan là người nơi xa đến nên không biết luật lệ ở đây. Bổn quán từ mùng một đến mùng năm hàng tháng đều không mở cửa buôn bán, chỉ là tặng miễn phí rượu thịt cho khách. Tuy nhiên muốn được quán tặng rượu thịt miễn phí thì khách quan phải biết đàn một khúc nhạc!

Văn Viễn nghe thấy lý thú liền hỏi:

- Không biết là khúc nhạc nào?

Tên tiểu nhị vội dẫn Văn Viễn đi vòng qua cửa hướng bắc. Ở đó đang treo một tấm lụa lớn đề ba chữ Vọng Cầm Nhân. Văn Viễn lờ mờ hiểu ra liền không do dự bước vào. Một cô nương nhỏ nhắn nhoẻn miệng cười tươi như hoa vội vã ra nghênh tiếp:

- Công tử phải chăng là muốn đến thử đàn?

Văn Viễn đoán quán này có lệ là muốn cầu người giỏi cầm luật nên hồ hởi đáp:

- Tại hạ chỉ là muốn được ăn uống miễn phí mà thôi!

Cô nương nọ cười nói:

- Chắc hẳn công tử rất tinh thông cầm luật. Xin mời công tử!

Văn Viễn đi theo cô nương nọ vào một gian lớn chỉ thấy đặt một cây đàn ở giữa. Ông nhìn quanh. Thì ra xung quanh gian này là hơn năm tầng lầu ghỗ được dựng theo bát quái đồ. Các tầng lầu này đều đông nghẹt người đương chằm chằm nhìn xuống Văn Viễn.

Cô nương nọ đến gõ một cái chuông đồng rồi hô lớn:

- Có khách thử đàn!

Một lão chưởng quỷ tất tả chạy ra khom người thi lễ:

- Cung nghinh khách quan thử đàn. Không biết phải xưng hô thế nào?

Văn Viễn liền đáp:

- Tại hạ họ Phùng!

Lão chưởng quỷ quay lưng gọi:

- Mau mau chuẩn bị rượu thịt cho Phùng công tử!

Văn Viễn thấy lão gọi nhưng bọn tiểu nhị vẫn đứng yên thì hiểu nếu không đánh được đàn thì sẽ không có được bàn rượu thịt. Bọn tiểu nhị chắc đã bị nhiều lần dọn lên rồi lại dọn xuống thành thử cứ khoanh tay chờ. Nếu khách đánh được đàn thì dọn bàn cũng không trễ. Văn Viễn liếc thấy khách ngồi thì đông nhưng toàn trên bàn lại trống. Có mấy bàn ở lầu một được dọn rượu thịt cũng chỉ là một bình nhỏ cùng một dĩa đồ nhắm. Ông hiểu là do không đàn được hoặc chỉ đàn được một phần nên mới được như vậy.  Văn Viễn trong lòng hiếu kỳ càng muốn biết nguyên do.

Văn Viễn ngồi xuống chiếc bàn được kê sẵn. Ông thấy trên bàn đã đặt trước một cây đàn sắt. Văn Viễn gảy thử vài nhịp thì thầm khen đàn tốt. Lão chưởng quỷ mau chóng bày ra một khúc phổ. Văn Viễn nhìn sơ thì đã hiểu vì sao không ai đàn được khúc nhạc này. Có mấy trường đoạn trong khúc phổ được viết dành cho cả tiêu lẫn địch. Quán lại chỉ bày độc một cây đàn sắt thành thử kẻ nào không tinh ý đàn đến đó liền bị lạc nhịp mà không hiểu vì sao. Địch và tiêu vốn từ một gốc ban đầu tuy nhiên dần dà phân thành khác nhau. Nguyên thủy, địch đều thổi theo phương thẳng đứng. Sau đến đời Hán, Trương Khiên lại đi sứ mang về loại địch thổi ngang, cả âm và điệu đều có khác biệt. Thành ra từ đó, tất cả loại địch thổi đứng đều được gọi là tiêu. Những loại địch thổi theo phương nằm ngang mới được gọi là địch. Tiêu và địch vốn đã khác nhau một trời một vực huống hồ chi lại so với cây đàn sắt. Vọng Âm Các đem một khúc phổ có đến ba loại nhạc cụ khác nhau nhưng lại đặt mỗi cây đàn sắt. Tự nhiên không ai có thể đàn được. Dẫu có đàn được cũng phải bị lạc nhịp.

Văn Viễn thông làu cầm luật, lại rất giỏi việc biến tấu, thành thử vừa dạo đàn thì lập tức khách trong lầu Vọng Âm đều giật mình chăm chú nghe. Thật sự khúc phổ này rất diễm tuyệt giai điệu trầm bỗng mê hoặc lạ thường. Văn Viễn thả hồn theo khúc nhạc đến phân đoạn của tiêu và địch thì lại biến tấu cho phù hợp. Ông đàn một mạch đã xong khúc phổ mà người nghe còn ngẩn ngơ như còn chìm trong cung điệu.

Bỗng có tiếng vỗ tay từ sau lưng. Văn Viễn ngước nhìn chỉ thấy một thiếu phụ ăn vận kiêu kỳ đang bước xuống. Nàng ta tuy không phải là mỹ nhân tuyệt thế nhưng khuôn mặt lại có nhiều nét ưa nhìn. Thiếu phụ đến cạnh Văn Viễn vòng tay cung kính:

- Từ lúc ta mở Vọng Âm Các đến nay, công tử đây là người thứ hai đàn được khúc phổ này. Công tử quả nhiên là am tường cầm lực. Bội phục!

Văn Viễn vội vàng đứng dậy chỉnh lại y phục nghiêm trang đáp lễ:

- Tại hạ chỉ có chút hiểu biết không dám nhận lời tán dương! Không biết phải xưng hô thế nào?

Thiếu phụ nọ đáp:

- Cứ gọi ta là Châu Kiều Nga!

Văn Viễn cung kính nói:

- Tại hạ từ xa mới đến thấy quán cầu người đàn nên mới không kể cao thấp góp chút tiếng đàn. Xin Châu phu nhân bỏ qua cho!

Kiều Nga thấy ông ăn nói giữ lễ liền cười:

- Thì ra Phùng công tử đây là một văn nhân kỳ tài, thảo nào lại thông làu cầm thuật đến vậy! Không biết xuất thân từ đâu?

Văn Viễn đáp:

- Tại hạ đến từ Ứng Kê, chỉ là tự thân dùi mài chữ nghĩa không dám nhận kỳ tài!

Châu Kiều Nga liền ra hiệu. Lão chưởng quầy hiểu ý mau chóng hô hào dọn tiệc. Bọn tiểu nhị không chờ réo gọi hai lần tất bật chạy xuống bếp. Chưa đầy mấy cái chớp mắt, Văn Viễn đã được mời ngồi ở tầng thượng hạng, một bàn ê hề rượu thịt còn được đích thân Kiều Nga hầu rượu. Tầng thượng hạng này nằm cách biệt trên cùng của Vọng Âm Các thành thử ngoài Văn Viễn, cả một dãy phòng rộng lớn không có lấy bóng người. Kiều Nga ngồi cạnh bên hầu rượu không ngừng ngâm thơ đối họa. Văn Viễn trong lòng buồn bực tự nhiên gặp tri âm liền cười tươi hớn hở mà ngâm vịnh.

Chừng cạn mấy lần rượu, Kiều Nga tự nhiên thở dài thườn thượt. Văn Viễn lấy làm lạ hỏi. Nàng ta đáp:

- Không giấu Phùng công tử, cách đây mấy năm cũng có một văn nhân đến Vọng Âm Các. Hắn cũng đàn được khúc nhạc. Ta thực tình khi đó không thích tính khí cao ngạo của hắn nhưng đã đặt luật thành thử phải nhẫn nhịn mà ngồi hầu rượu. Nhưng càng nói chuyện, ta lại càng mến phục tài năng của hắn. Hắn lưu lại đây mấy ngày ta như kẻ mộng du! Hắn nói hắn sẽ lên kinh ứng thí quan trường, sau nhất định sẽ về đón ta. Cuối cùng ta đợi đến héo mòn vẫn không thấy hắn quay lại!

Nói đến đây nàng bất giác ôm mặt khóc. Văn Viễn sợ nhất là thấy nữ nhi khóc. Ông vội vàng an ủi:

- Không chừng hắn gặp chuyện gì bất trắc …

Kiều Nga liền nói cắt ngang:

- Chuyện gì bất trắc? Ta cách đây năm năm gặp lại hắn. Ta hỏi hắn. Hắn lại không nhận là quen ta. Ta không kềm được cơn giận đánh nhau với hắn. Không biết chỉ mấy năm không gặp làm sao hắn lại có được công phu đánh đàn rất độc ác. Ta không làm được gì còn bị tiếng đàn hắn đánh trọng thương. Hắn còn nói với ta thật sự hắn không hề biết ta là ai, nói ta đã nhận nhầm người!

Văn Viễn nghe đến đây tự nhiên lưng ướt đẫm mồ hôi. Ông lắp bắp hỏi:

- Hắn có phải..có phải..Phùng Văn Viễn..?

Kiều Nga lúc này tự nhiên mặt đằng đằng sát khí. Nàng ta nhanh như cắt rút một con dao được dấu sẵn trong tay áo kề vào cổ Văn Viễn nói:

- Ngươi còn dám hỏi ta sao? tên vong tình phụ nghĩa này. Ngươi đừng tưởng ngươi bây giờ từ tốn lễ nghĩa là có thể qua mặt được ta!

Văn Viễn chỉ biết than thầm trong bụng:

- Sao thiên hạ này ngoài ta, tên Văn Viễn nào cũng toàn hạng vong tình? Họa phong lưu của ai cũng nhè đầu ta mà trút xuống?

Văn Viễn hoảng loạn ngồi yên đáp:

- Mong Châu phu nhân suy xét, tại hạ cũng tên Văn Viễn nhưng kỳ thực tại hạ từ nhỏ đến lớn chỉ ở Ứng Kê, mới vào giang nam chưa hơn ba tháng thì làm sao có thể quen biết phu nhân được!

Kiều Nga cười gằn:

- Ngươi còn dám ngụy biện không nhận ta. Để hôm nay ta giết cái hạng vong tình như ngươi!

Văn Viễn thấy nàng ta sát khí đằng đằng liền không chút chần chừ dùng Du Ảnh Biến. Kiều Nga đang kề dao và cổ ông tự nhiên chớp mắt thấy ông đã đứng cách đó hơn chục bước thì ngạc nhiên. Nhưng nàng ôm hận tình mấy năm dài đâu dễ để cho Văn Viễn thoát được. Văn Viễn định quay lưng bỏ chạy thì nàng ta không biết làm cách nào đã từ phía sau ông mà đánh tới. Kiều Nga mặt loang lệ ngắn dài dùng dao công kích nhát nào cũng chí mạng. Văn Viễn biết nàng muốn giết mình thật nên cũng tận mạng mà né tránh. Kiều Nga tuy thủ pháp ra tay nhanh nhẹn nhưng cũng không làm gì được Văn Viễn.

Hai bên cứ một người đánh một người né hơn canh giờ vẫn chưa ngã ngũ. Kiều Nga đột nhiên dừng tay lại nét mặt vô cùng bi thảm nói:

- Hay lắm! Chàng cuối cùng cũng không muốn nhận ra ta. Ta có điểm nào làm chàng không ưng ý? Ta sống đến ngày nay cũng chỉ muốn được cùng chàng nên đôi lứa. Nếu chàng không cần ta thì ta sống còn ý nghĩa gì!

Văn Viễn thấy nàng kề dao lên cổ định tự kết liễu thì hồn vía đã lên chín tầng mây. Ông bất chấp sống chết lao đến chụp lấy tay nàng. Kiều Nga chỉ chờ vậy liền thuận đà điểm nay năm huyệt lớn trước ngực Văn Viễn. Văn Viễn không ngờ nàng ta còn có kế sách này, chỉ biết kêu trời trong bụng mà té bịch xuống đất.

Kiều Nga cười đắc ý:

- Ta xem  chàng còn chạy được đường nào?

Văn Viễn thấy nàng ta cầm dao, nét mặt hầm hầm sát khí thì chỉ biết than khổ:

- Ta..ta lần này khó sống nổi rồi!

Kiều Nga điểm thêm mấy huyệt khắp người Văn Viễn rồi bất thần tát ông một cái. Văn Viễn đau đến chảy nước mắt:

- Phu nhân sao lại tát ta?

Kiều Nga giận dữ nói:

- Chàng còn hỏi ta? Chàng bao năm bỏ ta vò vỏ một mình ở đây không thèm đoái hoài, lại còn không chịu nhận quen với ta. Hạng vô vình vô nghĩa như chàng đánh mấy tát vẫn còn nhẹ!

Văn Viễn cắn răng chịu đau cố dùng hàn nhiệt trong người thông tỏa các huyệt bị khống chế. Kiều Nga lại nói:

- Chàng năm xưa phong thái cao ngạo nhưng lại là kẻ chung tình. Mấy năm qua ta vẫn chờ đợi. Ngờ đâu bây giờ chỉ chờ được một tên vong bạc!

Kiều Nga nước mắt rơi lả chả chỉa mũi dao lên ngực Văn Viễn mà nói:

- Ta nhất định sẽ đâm chết chàng rồi sau đó tự vẫn. Chàng bỏ mặc ta, ta cũng không muốn sống nữa!

Văn Viễn thấy nàng ta lần này nói có cả bi thương lẫn sát khí thì biết không phải câu nói đùa. Ông dồn hết hàn nhiệt vận khí lưu chuyển hết toàn kinh mạch. Kiều Nga tuy công phu điểm huyệt cao nhưng do các huyệt đạo của Văn Viễn ứ đầy hàn nhiệt tích tụ. Thành ra nhất thời Văn Viễn bị không chế nhưng chỉ cần vận công thì hàn nhiệt kéo về đan điền tự nhiên khai giải hết.

Văn Viễn vội vàng dùng Du Ảnh Biến lách thân người khỏi mũi dao. Kiều Nga chưa kịp phản ứng thì Văn Viễn đã chạy đi mất. Ông không chần chừ dùng hết hàn nhiệt mà chạy, trong chớp mắt đã về lại bến cảng. Ông dừng  một hồi không thấy có ai đuổi theo mới an tâm lên thuyền. Điền viên ngoại nhìn nét mặt hốt hoảng của Văn Viễn liền gặng hỏi. Văn Viễn chỉ nói khéo cho qua chuyện rồi cáo lui về phòng.

Ông nằm trên giường nhớ lại lời của Kiều Nga, trong lòng cứ rối bời:

- Nàng ta gặp Phùng Văn Viễn là Phùng Văn Viễn Cầm Điệp Cuồng Sinh hay Phùng Văn Viễn Xú Tiểu Tử? Rõ ràng nàng ta yêu là xú tiểu tử, thành ra mấy năm sau gặp lại Cầm Điệp Cuồng Sinh, có chết Cuồng Sinh cũng không nhận quen biết! Nếu Xú Tiểu Tử kia gặp nàng ta trước sao cuối cùng lại gặp được bà bà thần tiên rồi thành ngôi mộ hoang dưới vực sâu Mai trang?

Văn Viễn lẩm bẩm:

- Vậy là rõ, ban đầu gặp ta, bà bà thần tiên bảo ta giống là giống Xú Tiểu Tử không phải Cầm Điệp Cuồng Sinh. Nhưng về sau các nàng tiểu thư Mai Hoa Trang lại bảo ta giống Cầm Điệp Cuồng Sinh điều này chứng tỏ các nàng ấy chưa bao giờ được gặp Xú Tiểu Tử. Tuy nhiên cả Mai Trang ai cũng biết bà bà thần tiên rất yêu chiều Xú Tiểu Tử vậy làm sao mà các nàng tiểu thư lại không gặp được hắn ?

Văn Viễn cứ tự hỏi lòng vòng một hồi thì rối như tơ vò liền  than thở:

- Ta cuối cùng là ai đây? Nếu ta là Cầm Điệp Cuồng Sinh sao lại bị trở thành một tên văn nhân ở Cối Kê? Còn nếu ta là Xú Tiểu Tử thì kẻ trong ngôi mộ chôn dưới vực sâu Mai Trang lại là ai?

Ông thở dài thườn thượt:

- Chỉ cần đến Gia Lăng thì tự nhiên ta sẽ biết ta là ai vậy thì còn gì để lo lắng!

Nguồn: truyen8.mobi/t113688-vu-diem-co-thien-chuong-24-tuyen-dai-oan-mong-chang-tron.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận