Văn Viễn nằm mê mang ba ngày ba đêm mới giật mình tỉnh dậy. Ông thấy trong người mười phần hết sáu bảy đã bình thường. Văn Viễn nhìn các đại huyệt trước ngực đều ửng đỏ còn dính vết máu khô. Ông lẩm nhẩm tính toán thì ngơ ngác :
- Là Mai Hoa Trâm! Ai đã dùng Mai Hoa Trâm mà cứu ta?
Văn Viễn chỉ nhớ lúc ngất đi còn bị Quỷ Công Tử khống chế
. Ông không tài nào biết được tiểu thư áo trắng đã cứu mình thành ra dầu có vò đầu bức tóc cũng đành bất lực. Văn Viễn kiểm tra lại thì thấy lá Hắc Mai Kỳ của bà bà thần tiên, cây trâm ngọc của đại tiểu thư vẫn còn nhưng không thấy tấm khăn lụa vẽ Lục Thất Mệnh. Văn Viễn trầm ngâm một hồi liền suy đoán hoặc là bị rơi ở Gia Lăng, hoặc là Quỷ Công Tử đã lấy mất. Ông vốn không biết Lục Thất Mệnh có ý nghĩa gì nên cũng không lấy làm tiếc.
Văn Viễn vận khí thấy tinh lực dồi dào, hàn nhiệt trong người cứ cuồn cuộn tuôn trào thì an tâm. Ông chợt liếc nhìn đầu giường có đỉnh trầm nhỏ liền tò mò mở ra. Bên trong đỉnh chỉ còn lại ít tro tàn. Văn Viễn ngửi thử :
- Là Cải Mệnh Thảo! Ai lại có loại cỏ này mà đốt cho ta định thần? Không phải Cải Mệnh Thảo đã được Bạch Mi Bà Bà lấy hết cất ở Mai Hoa Trang hay sao?
Văn Viễn mừng rỡ nói:
- Có Cải Mệnh Thảo, lại biết dùng Mai Hoa Trâm mà cứu ta thì chỉ có đại tiểu thư và bà bà thần tiên. Đại tiểu thư đã không còn nữa thì nhất định là do bà bà thần tiên đã cứu ta rồi!
Văn Viễn đang vui mừng khôn xiết tự nhiên xụ mặt xuống mà lẩm bẩm:
- Không đúng! Nếu là bà bà cứu ta thì nhất định sẽ đợi ta tỉnh dậy rồi mới la mắng ta mấy trận, tát mấy bạt tai! Vậy là bà bà thần tiên đã không muốn gặp mặt ta nữa?
Văn Viễn bất giác thở dài nói :
- Ta nhất định là tên xú tiểu tử Phùng Văn Viễn mà bà bà ngày trước hết mực yêu thương. Nhưng rốt cuộc tại sao ta lại thành một tên văn nhân ở Ứng Kê? Ta không thể nào hiểu được rồi. Nhưng ít ra ta không phải là Cầm Điệp Cuồng Sinh!
Văn Viễn hít mấy hơi dài tự trấn an :
- Ta bây giờ dầu có là ai cũng mặc kệ. Ta làm Cuồng Sinh thì đã sao? làm xú tiểu tử thì như thế nào? Ân sư Vô Sách bảo ta vào Giang Nam tất nhiên là có lòng riêng. Tất cả những oán thù yêu hận với ta cũng chỉ là ngộ nhận. Nếu ta không giống Cuồng Sinh thì làm gì có những ngộ nhận đó. Ta.. ta cũng ngộ nhận ta mất rồi!
Văn Viễn trong lòng tự nhiên lại nhớ đến bà bà thần tiên thì mỉm cười nói :
- Ta thật sự đã yêu bà bà mất rồi. Nhưng như tiểu thư áo trắng đã nói, bà bà chắc cũng đã bảy tám mươi tuổi, rõ ràng có nhiều điểm bất tiện. Ta làm sao có thể yêu được đây? Thôi, ta cứ tìm đến lầu Vọng Nguyệt. Nếu bà bà thần tiên, Ác tiền bối, Bạch Mi tiền bối đều ở đó, ta nhất định sẽ mời họ về Ứng Kê phụng dưỡng như cha mẹ đến hết đời. Như vậy không phải là an nhàn thoải mái lắm sao? Ta là xú tiểu tử cũng được, không phải cũng chẳng sao. Miễn là có thể kề cận bà bà thần tiên ngày ngày hầu hạ là đủ lắm rồi!
Văn Viễn nghĩ vậy liền thấy trong lòng vô cùng thư thái. Ông đứng dậy rồi thong thả đi ra ngoài. Căn nhà chỉ có một phòng khách nhỏ nên dạo mấy bước chân, Văn Viễn đã đi hết một vòng. Ông nhìn ngắm rồi buộc lời khen gợi không ngớt :
- Kẻ nào lại ghép lau sậy mà làm được như vầy? Thật khéo tay quá!
Văn Viễn lại nhìn bốn bề đều chỉ toàn lau lách cao quá đầu nên không biết đang ở chốn nào. Ông vội vận khí nhảy lên xuống mấy cái thì đã đứng ở cạnh bờ sông. Văn Viễn đoán chừng đoạn sông này rất hoang vắng. Phóng tầm mắt xa ngút cũng không tìm thấy đâu một bóng thuyền nhỏ. Văn Viễn hít trong gió mấy lần thì biết xung quanh không có ai. Ông ngước nhìn cảnh trời nước cô quạnh bất giác lại thở dài :
- Ta vào Giang Nam chưa quá ba tháng nhưng gặp không ít biến cố lớn nhỏ. Cuối cùng điều may mắn nhất vẫn là đã chữa được độc trùng không còn lo tái phát. Tuy nhiên, chỉ vì ta mà không ít người chết thảm!
Văn Viễn trong khoảng khắc nhớ lại đại tiểu thư lẫn Ân Ân cùng đều chết trong tay mình tự nhiên lệ lại trào ra khóe mắt không sao kiềm được. Văn Viễn tủi lòng ngồi bên bờ sông mà khóc một hồi đến thỏa thê mới thôi. Ông mệt mỏi nằm lên trên phiến đá mà suy ngẫm.
Bất giác mũi Văn Viễn ngửi được mùi lạ. Văn Viễn định thần theo hướng gió mà ngửi lại thì quả nhiên có mấy người đang trên đường đến đây. Lúc này bên tai ông đã nghe tiếng vó ngựa. Vốn Văn Viễn bây giờ nội công cũng đã bằng người mấy chục năm luyện thành nên trong chu vi mười mấy dặm mọi động tỉnh đều nghe thấy. Văn Viễn không chần chừ vội vàng nhảy nấp sau một đám lau sậy. Chừng nguội một lần trà đã thấy có con ngựa chạy đến, trên lưng chở đôi nam nữ. Người nữ ăn mặc toàn gấm lụa thượng hạng đang tình tứ ngồi trong lòng nam nhân chừng hai mươi mốt hai mươi hai tuổi. Văn Viễn ngửi trong gió biết còn thêm một kẻ đang âm thầm theo sau đôi nam nữ kia nên càng nén hơi không dám thở mạnh.
Người nữ không ngừng ngoái đầu lại mà cợt nhã với nam nhân. Tên nam nhân kia lại vòng tay không thôi vuốt ve khắp thân thể người nữ. Văn Viễn nhìn người nữ tuổi tác chừng lớn hơn nam nhân nên phỏng đoán cả hai nhất định không phải là vợ chồng càng hiếu kỳ theo dõi. Tên nam nhân cười dâm tà nói :
- Muội nói thử xem nếu ông chồng già của muội biết chúng ta đang tình tự với nhau sẽ như thế nào?
Người nữ liền đáp :
- Lão già đó suốt ngày chỉ biết chuyện lo giúp đỡ người nghèo khổ. Lão đấy làm gì còn thời gian để tâm đến thiếp!
Nam nhân kéo trễ ngực áo người nữ xuống hau háu nhìn ngắm rồi đáp :
- Muội thật sự xinh đẹp biết bao. Lão chồng gìa của muội không biết thưởng thức thì để ta giúp lão ấy!
Cả hai lại phá lên cười. Văn Viễn núp nghe mà tức khí không chịu nỗi. Rõ ràng là vợ trốn chồng đi tình tự với nam nhân khác. Tên nam nhân kia lại kiềm cương ngựa ngay trước chổ Văn Viễn đang ẩn mình mà không thôi ôm lấy nữ nhân hôn lấy hôn để. Văn Viễn tức giận chỉ muốn nhảy ra giáng cho mỗi tên một chưởng nhưng nghĩ lại chuyện vô luân như vậy thiên hạ đầy rẫy, đành thôi cố nén lại xem như không nhìn thấy.
Người nữ chợt nói :
- Nhưng mà gần đây lão già đó dường như đã có ý nghi ngờ! Chúng ta phải cẩn trọng!
Nam nhân liền đáp :
- Hắn sống cũng không qua được hết tuần trăng này. Ta vừa đi đến Đường Môn một chuyến đã xin về loại chất cực độc không mùi không vị. Chỉ cần cho chuốc vào rượu, hắn uống xong sẽ lăn ra mà chết không ai ngờ được!
Người nữ nghe vậy liền phá lên cười thích thú :
- Chàng vì thiếp thật nhọc công! Thiếp phải làm gì để hậu tạ cho chàng đây?
Nam nhân lúc này đã thọc cả hai tay vào trong tiểu yếm của người nữ mà sục sạo. Hắn cười dâm dật :
- Chờ lão già đó chết đi, ta với muội không cần phải lén lén lút lút nữa!
Cả hai đang cười đắc ý tình tự thì bị một tiếng thét giật bắn người :
- Giỏi lắm! Một kẻ thông dâm mưu hại trượng phu. Một tên loạn luân lại còn tính ám hại huynh trưởng!
Tiếng thét vừa dứt đã thấy tên nam nhân kia bị trúng một quyền té từ trên ngựa xuống mặt mũi bê bết máu. Người nữ đang bàng hoàng thì má trái bị trúng một tát té lộn ra hơn năm bước. Văn Viễn nhìn thấy một cao niên ngoài sáu mươi vóc dáng vạm vỡ râu róc đều bạc trắng như cước đang nộ hung quang hầm hầm đi đến. Ông đoán chừng đây là chồng của người nữ kia. Cao niên đến trước mặt người nữ mắng :
- Tiện nhân! dám thông dâm lại còn muốn giết ta?
Lời vừa dứt thì người nữ đã bị tát tối tăm mặt mũi. Tên nam nhân kia vừa lồm cồm bò dậy thì lập tức bị trúng một cước ngay ngực hộc ra mấy ngụm máu tươi. Tên nam nhân liền quỳ lạy van xin :
- Đại huynh hãy tha cho đệ! Chỉ là đệ bị ả tiện tỳ này quyến rũ dụ dỗ! Đệ nào dám có gan lớn như vậy! Đại huynh tha cho!
Người nữ lúc này nghe vậy liền vội lếch đến ôm chân cao niên kia mà nói :
- Xin chàng tin thiếp, là hắn muốn hại chàng để dành hết gia sản nên dụ dỗ thiếp. Hắn còn lợi dụng chuốc rượu để cưỡng đoạt thiếp. Thiếp mấy lần định nói cho chàng biết nhưng chàng ngày đêm đi biệt nên…nên..!
Cao niên kia điên tiết liền đạp văng nữ nhân ra mà gằn giọng :
- Nên ngươi đã quyết định thông dâm với hắn để hại ta phải không?
Văn Viễn trong đám lau sậy nghe hai bên nói qua lại thì chỉ lắc đầu ngán ngẫm cho chuyện vô luân. Ông chỉ thở dài tự nói :
- Phàm việc gì cũng phải giữ lòng tự tôn, không để sân si cám dỗ, thì kiếp người hạnh phúc biết bao?
Ông định âm thầm bỏ đi thì tự nhiên nghe cao niên kia la lớn một tiếng. Văn Viễn tò mò nhìn lại. Thì ra tên nam nhân kia lợi dụng lúc cao niên đang đánh mắng người nữ mà bất ngờ đâm cho một dao ngay chân. Cao niên nọ giận dữ toan đánh trả . Nhưng ông ta mới giơ tay lên tự nhiên trợn mắt mà té xuống. Khuôn mặt cao niên nhanh chóng tím tái. Văn Viễn đoán là tên nam nhân thông dâm đã bôi chất độc mà hắn vừa lấy ở Đường Môn gì đó lên dao. Cao niên kia trúng dao bị độc phát tán nên chắc khó sống.
Nam nhân kia thận trọng đến cạnh bên rồi sờ lên mũi cao niên. Hắn dò mạch xong liền phá lên cười :
- Đã chết rồi! Đã chết rồi!
Người nữ lúc này cũng lồm cồm bò lại rồi mới thở phào nhẹ nhõm :
- Chất độc của chàng thật lợi hại! Lão đã chết thật rồi!
Nam nhân nọ liền dáo dác nhìn ngó trước sau rồi đáp :
- Nàng bây giờ phải mau chóng quay về trang viện kêu cứu. Cứ nói cả hai đang đi dạo thì bị cường đạo tấn công! Như vậy lát nữa bọn gia đinh tìm thấy xác lão già này về sẽ không có ai nghi ngờ!
Nói rồi cả hai vội vàng lên ngựa quay đầu chạy về hướng đông.
Văn Viễn chờ cả hai đi khuất mới nhảy ra khỏi đám lau sậy đến cạnh vị cao niên kia. Ông dò mạch thì thấy vẫn còn thoi thóp liền xé vải nơi bắp chân cao niên xem xét vết thương. Văn Viễn tuy độc dược không rành rẽ nhưng ông đoán chừng thuộc tính của độc là hỏa liền mừng rỡ. Văn Viễn cắn lấy đầu ngón tay cho tươm máu rồi nâng đầu cao niên nhỏ từng giọt vào miệng. Cao niên mấp mấy môi uống xong chừng nguội chén trà đã thấy mặt mày bớt tím tái. Văn Viễn không chần chừ dựng cao niên ngồi dậy, áp tay vào huyệt Chương Dương vận âm hàn ép độc. Cao niên kia vốn bản thân công lực thâm hậu, tuy mơ hồ chưa tỉnh nhưng biết có người đang cứu, liền theo đó ngấm ngầm vận công thông suốt toàn bộ mạch tượng.
Tàn một nén nhang, cao niên liền gầm lên dùng hai tay ép chặt vết thương trên đùi. Lập tức có một dòng máu đen tanh tưởi bắn vọt ra ngoài. Văn Viễn biết đã qua nguy kịch nhưng vẫn không dám chủ quan. Ông vội vã chạy đi mấy vòng tìm thuốc. Độc tính dạng hỏa chỉ cần có các dược liệu tính hàn thì tự nhiên sẽ áp chế được. Các dược liệu này tất nhiên mọc đầy khắp các bờ sông. Văn Viễn dùng Du Ảnh Biến lạng đi lạng lại gom về một nắm đầy cả cỏ lẫn tảo. Cao niên kia đã mở mắt thấy Văn Viễn lom khom ngồi nhai từng ngụm lớn rồi đắp lên vết thương. Văn Viễn đắp xong liền xé một vạt áo mà băng bó. Văn Viễn áp bàn tay lên trên đùi cao niên không ngừng vận âm hàn mà xoa đi xoa lại. Chỉ tàn thêm nửa nén hương, cao niên kia đã có thể đứng dậy cử động được. Cao niên liền khom người vái lạy :
- Thật sự là thần nhân. Không có ngài ta khó mà thoát nạn được!
Văn Viễn chỉ cười hì hì vái đáp :
- Tại hạ chỉ may mắn biết chút y thuật. Tiền bối xin đừng để lòng. Không biết phải xưng hô với tiền bối như thế nào?
Cao niên đáp :
- Ta họ Trương, tên chỉ có một chữ Đại. Con tiện phụ cùng tên đốn mạt vừa rồi một kẻ là vợ một kẻ là đệ đệ của ta. Thật sự xấu hổ uất hận không sao kềm được!
Văn Viễn thở dài :
- Chuyện vô luân ở đời đều như vậy. Mong Trương lão gia xử lý cẩn trọng!
Trương Đại chợt nhớ ra liền hỏi :
- Ta thấy ngài rất quen không biết xưng hô như thế nào?
Văn Viễn thật thà đáp :
- Tại hạ họ Phùng, tên Văn Viễn!
Trương Đại nghe xong liền nhíu mày nhìn ngắm Văn Viễn rồi vỗ trán nhớ ra :
- Thì ra là đại công tử của Bạch Gia Trang! Thảo nào ta lại thấy quen! Ngài thêm lần này đã thành ra cứu ta hai lần!
Văn Viễn nghe lão nói liền ngớ người hỏi lại :
- Sao lại cứu hai lần? Tại hạ không hiểu!
Lão họ Trương liền đáp :
- Cách đây mấy năm, ta bị tuyết vùi ở núi Trường Bạch. Nếu không nhờ đại công tử xả thân cả đêm tay không bới tuyết, ta làm sao còn mạng được! Công tử thật sự không nhớ hay sao? Chỉ là mấy năm không gặp không ngờ đại công tử lại thăng tiến về võ nghệ như vậy!
Văn Viễn nghe xong nói :
- Chắc Trương lão gia đã nhìn lầm, tại hạ chỉ sống ở Ứng Kê mới vào Giang Nam không lâu! Tại hạ đến địa danh Trường Bạch còn chưa nghe đến thì làm sao từng cứu lão gia được!
Trương Đại ngạc nhiên nhìn lại :
- Cả vóc dáng lẫn tướng mạo đều như khuôn đúc. Tiếng nói cũng không sai lệch. Thật sự không thể có chuyện người giống người đến vậy!
Văn Viễn mấy lần bị nhìn nhầm là Cầm Điệp Cuồng Sinh nên giờ bị Trương Đại nhìn ra kẻ khác cũng không lấy làm lạ. Ông chỉ cười trừ nói :
- Tại hạ bề ngoài còn giống một người! Lão gia đã nghe đến Cầm Điệp Cuồng Sinh chưa?
Trương Đại gật đầu:
- Ta có nghe! Hắn vừa tàn sát một trận lớn ở Gia Lăng. Khắp giang hồ kẻ nào không biết tin này!
Văn Viễn cười khổ. Ông toan định nói thật nhưng nghĩ không tiện đành thôi.
Trương Đại vận công thấy khí huyết đều lưu thông lại vái tạ Văn Viễn thêm lần nữa. Lão đùng đùng nổi giận dùng khinh công nhảy đi mất. Văn Viễn ngán ngẫm nhìn theo tự đoán nhất định đôi nam nữ kia khó mà sống được với lão. Văn Viễn lúc này mới nhớ ra liền kêu lên:
- Ta sao lại không hỏi lão Vọng Nguyệt Lâu đi đường nào?
Văn Viễn đề khí vọt theo nhưng chạy hơn mấy dặm đều không thấy bóng dáng Trương Đại liền chán nản. Ông nhìn quanh quẩn thấy xa xa có thuyền neo đậu thì mừng rỡ vội vàng chạy đến. Nào ngờ càng chạy thì thuyền lại càng cách xa. Văn Viễn chợt hiểu chiếc thuyền kia đã nhổ neo theo dòng nước mà đi. Ông suy ngẫm đoán chừng đó là thương thuyền thì chắc chắn phía trước phải có bến cảng sầm uất. Văn Viễn liền men theo bờ sông mà đi. Văn Viễn đi chừng hai mươi dặm thì quả nhiên đến bên ngoài một trấn lớn.
Ông lục lọi trong người thấy ngân lượng Điền viên ngoại đưa vẫn còn bèn tìm một quán trọ dọc đường mà ăn uống. Tên tiểu nhị thấy Văn Viễn bề ngoài nhếch nhác nên e dè đón tiếp. Ông hiểu ý liền đưa ngân lượng nhờ tìm mua mấy bộ quần áo tươm tất.Tên tiểu nhị thấy Văn Viễn nhờ mua y phục lại đưa hơn mấy chục lượng thì biết gặp mối hời. Hắn ba chân bốn cẳng chạy đi, lát sau đã đem quần áo về lại còn thêm một chiếc nón lớn. Văn Viễn cho hắn hết tiền thừa lại nhờ hắn thu xếp chổ tắm rửa. Tên tiểu nhị này lâu lắm mới gặp được khách hàng rộng rãi liền niềm nở hết sức. Văn Viễn chỉ việc ăn uống thoải mái xong thì tên tiểu nhị nọ đã chực sẵn mà dẫn lên trên gác chọn lấy phòng lớn có cả nơi tắm gội.
Văn Viễn đang ngâm bình trong bồn nước thì bên tai lại loáng thoáng tiếng người bàn tán. Ông nghe kỹ, nhận ra là mấy người khách ở cách đó ba bốn căn phòng đang thì thầm to nhỏ. Một người nói:
- Tên khốn nạn đó không những vơ vét tài bảo lại còn ăn chận ngân lượng triều đình. Ta định bụng sẽ vào ngân khố của hắn mà đoạt lại, nào ngờ bị bọn lính canh gác đánh cho thừa sống thiếu chết!
Một người khác lại nói:
- Dân chúng đói khổ đang tụ tập ở ngoại thành trông ngóng chờ hắn mở kho cứu tế. Hắn lại ngày đêm hưởng lạc trong phủ. Thật sự là tức chết đi được!
Văn Viễn lờ mờ đoán mấy người kia đang mắng chửi một tên tham quan nào đó. Bọn họ thóa mạ càng lúc càng khó nghe. Bọn họ bàn đủ cách từ đột nhập đến cải trang trà trộn. Văn Viễn thích thú dỏng tai nghe không sót chữ nào. Cuối cùng bọn người kia thở dài ngao ngán nói:
- Nhưng đám lính cận vệ của hắn vừa đông lại vừa hung dữ! Chúng ta không làm gì được!
Văn Viễn nghe đến đây chỉ toàn tiếng thở dài rồi im lặng. Ông đoán chừng bọn người kia đã chán nản bỏ đi. Văn Viễn tắm thêm một lát cũng thay y phục tươm tất rồi rời quán trọ. Ông đi chừng một dặm đã vào đến thành Hàng Châu. Hai bên đường quả nhiên có nhiều người ăn mặc rách rưới mặt mày ủ dột đang chờ đợi. Văn Viễn nhớ lại lời bọn người kia trong quán trọ thì tự nhiên thấy thương tâm. Ông định đem ngân lượng ra tặng nhưng thấy quá đông người đói khổ thì tự nói:
- Dầu có vét hết ngân lượng thì cũng chỉ giúp được không quá bốn năm người. Chi bằng ta cứ vào thử phủ quan Hàng Châu mà bắt ép mở kho cứu tế có phải hơn không?
Văn Viễn nghĩ vậy liền đi thẳng vào nội thành. Ông thấy đường phố đông đúc người qua lại, thỉnh thoảng lại có mấy kẻ mang đao vác kiếm. Văn Viễn mới gây chuyện ở Gia Lăng sợ có người nhận ra liền lấy chiếc nón lớn đội lên che đi khuôn mặt. Ông dò hỏi đến xế trưa mới đến được phủ tổng đốc Hàng Châu.
Văn Viễn đứng nhìn trang viện to lớn trong lòng có chút sợ hãi. Ông ước chừng phủ tổng đốc không năm mẫu thì cũng bảy mẫu vuông. Trước cửa lớn lại hơn mấy chục binh lính mang đao đứng gác nghiêm chỉnh. Văn Viễn liếc ngang nhìn dọc rồi ngao ngán tự nói:
- Phủ vừa rộng lại canh gác cẩn thận, ta làm sao biết kho nơi nào để tối nay mà đột nhập?
Một tên lính thấy Văn Viễn cứ đi đi lại lại trước cửa chính liền quát lớn:
- Tên kia đến đây làm gì?
Văn Viễn chưa biết trả lời thế nào đành ú ớ trong miệng. Tên kia nhìn ông dò xét một hồi liền hỏi:
- Có phải là đến bán chữ hay không?
Văn Viễn nghe vậy càng ngẩn người. Ông lúc này mới thấy bên hông cửa phủ tổng đốc đang để một biển lớn. Văn Viễn nheo mắt đọc, thì ra là cáo thị, đại khái tổng đốc Hàng Châu đang cần kẻ có tài thư họa đến để viết chữ. Văn Viễn nhìn thấy cáo thị đề rõ nếu tổng đốc Hàng Châu chọn sẽ được thưởng mười ngàn lượng vàng. Văn Viễn trong lòng hớn hở:
- Nếu ta viết chữ đẹp, có mười ngàn lượng vàng thì cần gì phải tính chuyện trộm đạo!
Văn Viễn ở Ứng Kê nổi danh Ứng Kê Tứ Tuyệt tất nhiên tài viết chữ của ông miễn phải bàn thêm. Văn Viễn trong lòng vui mừng liền gật đầu lia lịa đáp:
- Vãn sinh đến để thử tài thư họa!
Tên lính liền quát:
- Vậy thì mau mau vào trong. Tổng đốc đại nhân đang đợi!
Văn Viễn cảm tạ luôn miệng. Tên lính gác đưa ông đi thẳng. Văn Viễn liếc nhìn cơ ngơi bề thế, nơi nào cũng có binh mã đứng gác, trong lòng không dám khinh suất. Ông vừa đi vừa cố nhớ đường. Tuy nhiên phủ tổng đốc nơi nơi bài trí giống nhau, từng lối đi, từng hành lang, từng hòn giả sơn như đúc cùng một khuôn mà ra. Văn Viễn ban đầu không để ý, sau ông nhận thấy liền kêu thầm trong bụng:
- Tên tổng đốc đại nhân này rõ ràng sợ có kẻ lợi dụng trà trộn dọ thám nên mới bày ra chuyện này!
Văn Viễn nghĩ vậy thì không thèm để ý đến nữa. Ông cứ lặng lẽ theo sau tên lính, một lát đã ở trước phòng lớn. Văn Viễn bước vào thấy hơn hai mươi người đều áo gấm thư y đang tụ tập. Ông đoán chừng những văn nhân này cũng muốn đến bán chữ để cầu sự chiếu cố của tổng đốc đại nhân. Văn Viễn nhìn lên chiếc ghế lớn giữa phòng liền ngơ ngác. Tổng đốc đại nhân vừa có khí độ của mãnh tướng lại vừa có phong thái văn nhân. Văn Viễn bên ngoài nghe thiên hạ dị nghị về tổng đốc đại nhân cứ nghĩ phải là kẻ hung tàn tham bạo. Giờ ông tận mắt thấy khác xa tưởng tượng, không khỏi ngạc nhiên.
Văn Viễn thấy tổng đốc đại nhân nét mặt rạng rỡ thì tò mò tiến lại gần. Thì ra có một văn nhân đang thảo chữ. Người này viết chữ hoa, nét ngang mềm mảnh dẻ như tơ lụa mong manh ôm lấy hai nét sổ cứng cỏi. Người này viết chữ như đang vẽ cả một nhành hoa. Văn Viễn tấm tắc khen không ngớt:
- Thật là thoát tục, chỉ tiếc lại không nhìn thấy cánh hoa!
Ông buột miệng tức thời cảm thán ngờ đâu lại bình phẩm hơi lớn tiếng. Mọi người trong phòng đều nghe liền chú tâm nhìn. Văn nhân viết chữ hoa thấy Văn Viễn vừa đội nón lớn che mặt, khẩu âm khác biệt, đoán là người phương xa đến. Y trong lòng đang cao hứng vì thảo được chữ đẹp nhưng nghe mấy lời bình phẩm thì vừa khâm phục lại vừa khó chịu. Thật sự y dựa theo chữ hoa mà thảo ra được cả hình dáng nhành hoa trà nhưng đúng là thiếu mất không thấy đóa hoa trà ở đâu. Văn Viễn tuy thuận miệng, lại nói ngay đúng cái sai sót lớn, những kẻ trong phòng đều phải trầm trồ thì thầm bàn tán.
Tổng đốc đại nhân chăm chú nhìn lại rồi gật đầu:
- Văn nhân kia nói không sai! Thảo pháp chữ hoa lại không thấy ra đóa hoa thì còn gì là giá trị. Mau mau, ngươi mau thế hắn mà thảo cho ta xem!
Văn Viễn nghe vậy không do dự bước đến. Một tên nô dịch liền bày ra khổ giấy lớn. Văn Viễn thử mực, so bút rồi thảo ngay một chữ hoa khác. Lần này tất cả mọi người đều ồ lên tán thưởng không ngớt. Tổng đốc đại nhân vỗ tay một cái chát thật lớn cười khà khà:
- Chữ đẹp! Chữ đẹp lắm!
Văn Viễn thảo chữ hoa theo đúng như người vừa rồi. Tuy nhiên ông khéo léo bẻ những nét ngang mềm mại đi. Viết chữ hoa, thấy được cả cành lẫn một đóa hoa trà như mớm hé mở từng cánh. Người kia tuy trong lòng ấm ức việc Văn Viễn chiếm mất ưu ái của quan tổng đốc nhưng y nhìn cũng phải thốt lên thán phục. Y vái Văn Viễn một cái nói:
- Không ngờ huynh có thể thảo được thần hồn như thế! Quả thật tựa thánh thủ!
Văn Viễn vội vàng hành lễ lại đáp:
- Tại hạ chỉ là may mắn! Nào dám tự nhận lời tán dương quá thực học của mình! Huynh đài đã ưu ái!
Tổng đốc đại nhân càng nhìn nét thảo của Văn Viễn lại càng tâm đắc. Hắn cười lớn:
- Không ngờ trên đời này lại có kẻ viết chữ hoa đẹp đến vậy! Mau mau!
Tên nô dịch hiểu ý liền lui vào trong. Một lát sau, tên nô dịch trở ra đã mang trên tay một mâm ngọc đựng mấy mươi tờ ngân phiếu. Tổng đốc đại nhân nhìn Văn Viễn nói:
- Số này thưởng cho ngươi!
Văn Viễn mừng rỡ liền khấu đầu tạ ơn. Ông không chần chừ đem hết ngân phiếu cất kỹ trong người. Tổng đốc đại nhân lại nói:
- Nếu ngươi có thể viết thêm một lần nữa thì ta nhất định càng trọng hậu!
Nói rồi hắn vỗ tay hai cái.
Mọi người trong phòng chưa kịp hiểu thì đã thấy từ bên ngoài có hơn mười tên lính lực lưỡng è vai vác một vật được giấu trong lớp nhung đỏ. Xem chừng vật này rất trân quý. Bọn lính khiên đều cẩn trọng từng bước chân. Khi vào đến giữa phòng, bọn chúng nhẹ nhàng đặt xuống rồi lui ra ngoài. Tên nô dịch đến gần vật nọ giở tấm nhung xuống. Thì ra là một khối ngọc lớn trong suốt. Văn Viễn không rành các loại bảo thạch đá quý nhưng ông nhìn khối ngọc đồ sộ ánh màu hồng thanh tao, đoán chừng giá trị cũng hơn chổ mười ngàn ngân lượng đang cất trong người gấp trăm vạn vạn lần.
Tổng đốc đại nhân thấy mọi người đều trầm trồ trước ngọc quý thì ưng bụng mà nói:
- Ta cách đây một tháng đã đào được khối ngọc này ở huyện Tịnh Đường! Chỉ không may phải phá vỡ đê khiến mấy ngàn dân hai huyện Tịnh Đường, Cao Lâm bị lụt lội mất mùa. Tuy nhiên được bảo vật thế này thì có thiệt thòi một chút cũng rất đáng!
Văn Viễn nghe xong tự nhiên thấy máu nóng chảy rần rần trong huyết quản. Hóa ra bọn người khuất thực bên ngoài thành Hàn Châu chính là dân của hai huyện Tịnh Đường, Cao Lâm. Tổng đốc đại nhân vì khối ngọc mà phá cả đê điều khiến thường dân gặp nạn. Văn Viễn nổi giận trong lòng chỉ muốn bật ra lời nói. Tuy nhiên ông cố kiềm lại.
Bọn văn nhân được dịp liền lấy lòng quan tổng đốc. Người thì hoa tay múa chân tán thưởng, người thì đọc thơ để ví von, tiếng nịnh hót rộn ràng như chợ. Một kẻ bước lên nói:
- Đại nhân nhất định sắp có chuyện mừng nên mới được trời tặng cho ngọc quý! Chúc mừng đại nhân đại cát đại lợi!
Văn Viễn nghe thêm mấy kẻ tán tụng thì trong lòng bừng bừng lửa giận. Ông nạt lớn:
- Hồ đồ! Toàn là lời nói bậy!
Bọn văn nhân kia nghe liền giật nảy người im lặng ngoái nhìn. Văn Viễn bước lên nghiêm giọng:
- Người xưa dạy, lấy dân làm gốc. Chỉ vì một khối ngọc mà phá bỏ đê điều khiến bá tánh bị thiên tai sống dỡ chết dỡ. Tổng đốc đại nhân có thể không biết, nhưng các ngươi đều đọc sách thánh hiền, kiêm ái vạn lương dân của Mạnh Tử các ngươi đã để đâu hết rồi? Toàn loạn ngôn xu nịnh!
Văn Viễn đang bốc lửa giận nên nhìn tổng đốc đại nhân mà nói:
- Kẻ cầm quyền phải biết yêu dân như con, lo trước cái lo của muôn dân, vui sau cái vui của muôn dân. Ngài chỉ vì một khối ngọc nỡ làm mấy ngàn lương dân tan nhà nát cửa. Ngẫm về lý không có được đức độ kẻ làm quan, nói về tình chỉ là kẻ bất nhân trục lợi! Ngài còn nghe lời xu nịnh lấy làm thích thú thì không biết phân biệt đúng sai! Ngài rõ ràng chỉ là hạng hung quan vô lại!
Bọn văn nhân nghe lời lẽ Văn Viễn không chút e dè thì kẻ nào cũng sợ hãi bị va lây. Lập tức một tên quay lại nói:
- Vị nhân huynh này đã nói sai rồi! Con đê hai huyện Tịnh Đường, Cao Lâm vốn đã cũ kỹ. Tổng đốc đại nhân chỉ là sợ đến mùa bão lũ sẽ bị vỡ nên mới nhân cơ hội mà phá bỏ đi để triều đình thấy mà xây dựng lại!
Một tên khác liền thêm vào:
- Tổng đốc đại nhân chính là lo trước cái lo của thiên hạ. Tuy mấy ngàn dân hai huyện trên bị mất mùa nhưng chưa có thiệt hại về nhân mạng. Nếu tổng đốc đại nhân không phá đê thì lỡ như nước lũ cuốn trôi không trở tay kịp, thử hỏi sẽ có bao nhiêu người mất mạng?
Văn Viễn tức khí lùng bùng hai tai. Ông liền đáp:
- Các ngươi đều là kẻ đọc sách thành hiền nhưng lại nói toàn lời xu nịnh! Cái gì là lo trước cái lo thiên hạ? Rõ ràng là ngụy biện, bản chất chỉ muốn tư lợi không màng an nguy thường dân, là hạng tham quan vô lại!
Văn Viễn nhìn tên vừa nói, gằn giọng:
- Ngươi bảo chỉ mất mùa chưa thiệt hại nhân mạng, nhưng thường dân đói khổ kêu tha, quan tổng đốc lại thản nhiên ngồi đây nghe lời xu nịnh. Thử hỏi, trong vòng vài hôm không mở kho lương thì sẽ có bao nhiêu thường dân chết đói? Ngươi còn dám nói không thiệt hại nhân mạng? Một bạo quan lại thêm toàn kẻ xu nịnh, toàn hạng vô lại bất nhân!
Văn Viễn đinh ninh quan tổng đốc nghe xong sẽ đùng đùng thịnh nộ mà gọi người đến bắt. Ông đã suy tính, đợi đến khi đó, dùng Du Ảnh Biến bỏ chạy đi nhất định không ai theo kịp, thành ra nét mặt vẫn thản nhiên. Ngờ đâu tổng đốc đại nhân nghe mắng lại bật cười ha hả. Hắn vỗ bàn một cái nói:
- Mắng hay lắm! Mắng hay lắm!
Tổng đốc đại nhân nhìn Văn Viễn, cười ngạo mạn đáp:
- Ngươi mắng hay! Nhưng ngươi chỉ mắng đúng một nửa! Ta tuy là hung quan nhưng ta vẫn biết bọn kia đang nói lời nịnh nọt. Lão Trang của các ngươi không phải chủ trương thuận theo tự nhiên? Nếu đã có hung quan vô lại thì sẽ có bọn tiểu nhân vô lại vây quanh bợ đỡ. Hung quan thì cũng cần có những kẻ bợ đỡ để tăng thanh thế, đó là lẽ tự nhiên!