Văn Viễn nghe quan tổng đốc nói lý lẽ thì cũng chỉ lắc đầu ngao ngán hỏi:
- Đại nhân tự thân đã biết là hung quan, cũng biết bọn người kia xu nịnh, sao lại không cố sửa đừng làm hung quan, đừng nghe lời xu nịnh?
Tổng đốc đại nhân cười ha hả:
- Ngươi đọc sách thánh hiền lẻ nào không rõ cái đạo lý thịnh suy thời cuộc? Thời đại này làm gì có chổ cho thanh quan? Triều đình trên thì vơ vét cho đầy kho lẫm, dưới thì bóc lột muôn dân cùng đinh. Quan lại kẻ nào không dùng tiền mua lấy chức vị? Tự nhiên khi công thành danh toại sẽ vơ vét để bù lại! Ngươi hỏi ta tại sao không thay đổi để không làm hung quan tham bạo, nhưng khắp thiên hạ đều biết ta như vậy, khắp thiên hạ này đâu đâu cũng toàn hạng quan lại như vậy, ta còn thay đổi làm gì?
Văn Viễn nghe quan tổng đốc nói bảy tám phần là chua chát thì liền nguôi ngoai lửa giận trong lòng. Ông ngẫm ra tổng đốc đại nhân chưa hẳn là hạng tham tàn nên mới thấy được căn nguyên bên trong của thời cuộc. Văn Viễn nói:
- Đã như vậy sao còn muốn giữ lấy hư danh? Sao không như con bướm con ong thoải mái thong dong nơi đồng vắng?
Tổng đốc đại nhân nghe Văn Viễn đem lời Trang Tử ra khuyên bảo thì phất tay một cái. Bọn văn nhân đang nơm nớp đứng lo sợ vội vàng khấu đầu bước ra ngoài. Đợi chỉ còn mình Văn Viễn, quan tổng đốc mới đáp:
- Tổng đốc trước đây của Hàng Châu trong ba năm đã vơ vét mấy ngàn vạn lượng, dân tình đói khổ kêu la khắp nơi. Tổng đốc kế nhiệm lại cũng vớ vét mấy chục ngàn vạn lượng, dân tình chết đói tha phương cầu thực hết ba phần. Đến lượt ta làm tổng đốc. Ta cũng vơ vét mấy trăm ngàn vạn lượng kim ngân, dân tình lại an cư lạc nghiệp, tiếng kêu than đói khổ cũng ít đi. Ta vơ vét nhiều hơn các tổng đốc trước nhưng dân tình lại không còn cảnh tha hương cầu thực. Bần nông thì đủ ăn, đủ mặc. Trung nông thì có của thừa thải. Phú nông thì giàu lại càng giàu. Ta hỏi ngươi vì sao lại như vậy?
Văn Viễn không cần suy nghĩ, liền đáp:
- Các tổng đốc trước đều chỉ biết vơ vét bào mòn tài lực của dân. Ngài cũng vơ vét nhưng là làm cho tài lực của dân dư thừa mới vơ vét. Cho nên dầu vơ vét nhiều hơn các tổng đốc tiền nhiệm nhưng dân tình lại không còn đói khổ!
Văn Viễn nói đến đây tự động a lên một tiếng . Ông hiểu ra thì giật mình nhìn trân trân quan tổng đốc. Quan tổng đốc cũng đang cười mỉm mà nhìn ông.
Văn Viễn vòng tay xá mấy cái nói:
- Khâm phục! Khâm phục! Vãn sinh đã ngu muội mất rồi!
Quan tổng đốc đáp:
- Ngươi không ngu muội, kẻ sĩ nào cũng như vậy, sao lại nói là ngu muội! Ngươi ngu muội chổ nào?
Văn Viễn nói:
- Vãn sinh đã hiểu! Ngài không phải là hung quan vô lại! Ngài chỉ là hung quan đại hiền mà thôi!
Quan tổng đốc Hàn Châu nghe vậy thì thích thú, hỏi:
- Cái gì là hung quan vô lại, cái gì là hung quan đại hiền?
Văn Viễn đáp:
- Hung quan vô lại chỉ biết vơ vét bóc lột thường dân! Các quan tổng đốc tiền nhiệm chính là hạng này! Ngài dùng tiền tài mua chức tước, cũng đi vơ vét của dân. Ngài vẫn là một hung quan tham bạo! Tuy nhiên, ngài trước hết làm cho dân có tiền của dư dả, sau lại theo cái dư dả đó mà vơ vét. Dân chúng tuy bị vơ vét nhưng vẫn đủ ăn đủ mặc, thậm chí còn tích trữ thêm được. Ngài biết lo trước cái lo kẻ khác, biết vỗ về an dân nên ngài là hung quan đại hiền!
Quan tổng đốc thích chí vỗ bàn cười vang:
- Đại hiền và Tham Quan cách khác xa nhau như trời cao đất thấp. Cổ kim có lẻ chỉ mình ngươi là đem cả hai trộn lẫn lại được! Thật khiến ta mở rộng tầm mắt!
Văn Viễn liền đáp:
- Vãn sinh chỉ thuận ý mà suy diễn. Cổ kim có lẻ chỉ mình ngài làm tham quan nhưng vẫn có được lòng của đại hiền. Ngài giữa bùn nhơ thời cuộc vẫn giữ được lòng kiêm ái. Người xưa thường cho đại hiền luôn giữ thanh cao, hạng tham quan cái nhìn hung bạo thô cạn. Tuy nhiên ngài đã chứng mình trong tham quan vẫn có tham quan đại hiền. Cổ kim có lẻ chỉ mình ngài làm được như vậy!
Quan tổng đốc gật gù:
- Miệng lưỡi của ngươi cũng giống như tài thư pháp, đều hơn ngươi!
Văn Viễn nghe quan tổng đốc khen nhưng lại không để ý đến. Ông suy ngẫm một hồi liền nói:
- Không biết đại nhân có thể khai mở cho vãn sinh một vấn đề?
Tổng đốc đại nhân gật đầu:
- Ngươi cứ nói!
Văn Viễn liền hỏi:
- Ngài nếu có được cái đức độ của đại hiền thì sao còn cố sức vơ vét tiền của thường dân? Trong lòng ngài đều muốn trăm họ cơm no áo ấm? Sao không bớt vơ vét để nhà nhà được sung túc hơn?
Tổng đốc đại nhân nhìn Văn Viễn, cười mỉm mà đáp:
- Ta dầu có lòng đại hiền vẫn cũng chỉ là tham quan đại hiền! Ta có lòng tham trước mới có lòng đại hiền sau. Làm sao có thể không vơ vét cho được!
Văn Viễn nghe quan tổng đốc đáp thì thở dài tiếc nuối. Ông cho rằng người này nhất định là bậc kỳ tài, chỉ là đi sai đường lối để lòng tham lấn át làm hỏng mất. Văn Viễn tính mở miệng khuyên can nhưng bất ngờ giật nảy người một cái. Ông nghe lại lời nói quan tổng đốc mười phần hết năm sáu là chua chát, còn hàm ẩn thêm thâm ý khác. Văn Viễn liền nói:
- Đúng là không thể không vơ vét! Đúng là không thể không vơ vét!
Tổng đốc đại nhân thấy ông tự lẩm bẩm một mình càng thích chí chờ đợi.
Văn Viễn liền cười ý nhị nói:
- Vãn sinh đoán, tiền của ngài vơ vét nhất định đã được dùng đút lót cho các thượng thư bộ để họ khỏi chuyển ngài đi nơi khác! Cái ngài sợ là quan tổng đốc tiếp theo lại giống các quan tổng đốc trước đây chỉ biết chăm bẳm vơ vét tài lực của dân mà không chăm lo cho dân giàu mạnh! Thà để tự ngài vơ vét nhưng dân tình no đủ hơn là để kẻ khác vơ vét mà dân tình đói khổ kêu than!
Tổng đốc Hàn Châu thấy Văn Viễn chỉ nghe một câu hỏi mà diễn giải thấu đáo mọi chuyện liền cười hà hà nói:
- Kẻ thừa chữ thừa nghĩa ta gặp cũng nhiều, nhưng thừa chữ nghĩa lại biết phân phải trái như ngươi thì quả nhiên hiếm có!
Văn Viễn ngẫm nghĩ một lúc lại hỏi:
- Tuy nhiên nếu ngài đã có lòng như vậy thì sao nỡ vì một khối ngọc mà khiến mấy ngàn người phải chịu đói khổ? Điểm này vãn sinh thật không nghĩ ra!
Quan tổng đốc đáp:
- Ta chủ tâm là phá đê, không phải là đào ngọc. Nào ngờ lúc phá xong đê vô tình lại phát hiện khối ngọc bên dưới! Mấy ngàn người bị lũ lụt nằm ngoài dự liệu của ta!
Văn Viễn nghe vậy càng thấy khó hiểu. Ông cung kính hỏi thì quan tổng đốc đã xua tay:
- Thuật làm quan trị dân cũng như tướng điều khiển binh mã nơi chiến trận, không thể nói hết nguyên nhân bên trong! Ta trọng ngươi không chỉ là vì ngươi viết chữ đẹp mà còn là kẻ ngay thẳng không có lòng xu nịnh úy kỵ! Tấm lòng ấy quý lắm!
Quan tổng đốc nói đến đây thì bên ngoài đã văng vẳng tiếng kêu oai oái đau đớn. Văn Viễn liền biết bọn văn nhân nịnh hót vừa rồi đang bị phạt đánh côn vào lưng. Ông thầm nghĩ, nếu bản thân vừa rồi cùng hùa theo thì nhất định đã bị ăn mấy gậy. Văn Viễn ngẫm lại thấy quan tổng đốc bề ngoài và cách xử việc bên trong đều khác xa nhau.
Ông mỉm cười tự nói:
- Thánh hiền dạy không được nhìn bên ngoài mà phán đoán. Ta mấy tháng nay đều bị cảnh chém giết làm bấn loạn hết tâm trí không còn biết đến tự răn mình nữa! Quan tổng đốc này thật sự khiến ta phải ngưỡng mộ!
Quan trường vốn là nơi của danh và lợi. Kẻ làm quan đa phần cũng chỉ vì một trong hai thứ này. Người liêm trực vì dân vì nước để chuyên tâm làm quan thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quan tổng đốc là kẻ ham mê danh lợi, nhưng đứng trong ham mê mà vẫn còn biết cách vỗ về dân chúng cơm no áo mặc, nếu không phải là kẻ có thuật răn mình tốt nhất định không làm được.
Quan tổng đốc lúc này nói:
- Ta muốn nhờ ngươi viết lại chữ hoa vừa rồi lên trên khối ngọc! Nhất định ngươi phải viết cho thật đẹp. Ta nhất định sẽ trọng thưởng!
Văn Viễn tuy lấy làm lạ trong lòng nhưng vẫn tuân lệnh. Ông ngồi xuống ngắm nghía khối ngọc tàn một nén nhang mới lựa chọn được phương vị để viết chữ. Văn Viễn cẩn thận không dám cẩu thả viết bừa. Ông cầm bút viết thử mấy lần vào không khí. Tổng đốc đại nhân cũng lo âu không kém. Hắn im lặng không dám nói lời nào sợ kinh động đến Văn Viễn. Nửa canh giờ sau Văn Viễn mới viết xong. Tổng đốc đại nhân liền đến khối ngọc nhìn ngắm luôn miệng khen không ngớt.
Tổng đốc đại nhân chờ nét mực cứng lại đôi chút liền hô lớn. Mấy chục tên thị vệ lập tức bước vào. Quan tổng đốc nói:
- Các ngươi mau đem khối ngọc này đến chổ thợ làm kim hoàn. Nội trong một canh giờ phải theo đúng chữ trên đây mà tạc cho ta! Nếu chậm trể ta nhất định sẽ luận tội!
Bọn thị vệ dạ lớn xong lục đục khiêng đi. Văn Viễn đoán chừng quan tổng đốc muốn tạc chữ tặng ai đó nên cũng không tiện hỏi.
Quan tổng đốc quay lại nói với ông:
- Ngươi cứ đến hậu viện nghỉ ngơi một đêm. Ngày mai ta nhất định làm tiệc hẳn hoi để tạ ơn!
Văn Viễn vái lễ nói mấy câu sáo ngữ rồi theo một tên nô dịch đi ra hậu viện. Hóa ra phía sau phủ tổng đốc lại là khung cảnh hết sức thơ mộng, có hồ, có liễu, có yến oanh đua nhau hót líu lo. Văn Viễn ngắm nhìn thì tin quan tổng đốc nhất định là kẻ rành chữ nghĩa. Ông ngó thấy cả một bức họa Lão Tử cưỡi trâu về tây ẩn mình thì trầm trồ đứng lại ngắm. Nét vẽ như liêu trai kỳ ảo, tuy nhiên Văn Viễn thấy nét mặt vẽ Lão Tử lại trầm tư u uất trái với phong thái bình thản. Ông đoán chừng người này trong lúc vẽ tranh đang đem tâm trạng mình lồng vào nên khuôn mặt thánh nhân mới thành ra như vầy.
Văn Viễn nhìn ở góc trái bức tranh có đóng dấu triện tên người vẽ. Ông đọc được ba chữ Văn Thiên Tú liền nhảy nhổm vội hỏi tên nô dịch:
- Văn Thiên Tú đã từng ghé đây mà vẽ tranh ư?
Bình thời văn nhân không kẻ nào lại không danh Văn Thiên Tú. Hắn mười hai tuổi đã lén giả dạng nho sinh, lại đút lót quan chủ khảo để được vào kinh ứng thí. Quan chủ khảo thấy hắn còn nhỏ, nghĩ rằng hắn có thi cũng chưa chắc đỗ đạt được cơm cháo gì. Quan chủ khảo còn đút được số ngân lượng lớn vào túi riêng nên ưng thuận. Văn Thiên Tú như vậy đã đường hoàng vào khoa trường. Ai dè năm đó hắn không những đỗ đạt mà còn đỗ đạt làm trạng nguyên của cả văn lẫn võ. Hoàng đế bao năm ngong ngóng người hiền nghe tin mừng lắm, đích thân ngự giá đến nơi xem xét, hóa ra chỉ là đứa trẻ mới lớn. Khỏi nói cũng biết hoàng đế giận đến thế nào. Quan chủ khảo mặt cắt không ra giọt máu tưởng phen này toàn gia phải bị tội chém đầu.
Ngờ đâu Văn Thiên Tú lúc đó lại làm một bài thơ cổ phong có tựa Thuật Hoài. Hắn đứng trước hoàng đế cùng bá quan văn võ, đem đại chí hoài bão của bản thân đọc ra, làm trên dưới đều tấm tắc khen. Hoàng đế nghe xong nguôi giận nên chỉ trách phạt rồi đuổi đi. Từ đó thành một giai thoại kinh điển của văn nhân.
Giai thoại trên xảy ra đã rất lâu. Văn Viễn sau này được nghe kể lại còn được một đồng hữu chép tặng bài Thuật Hoài của họ Văn. Ông mỗi lần đọc lại vẫn vô cùng kính nể thi phú cùng chí lớn lớn trong thơ nên vẫn ghi nhớ cái tên Văn Thiên Tú trong lòng.
Hai câu thơ, đại ý, muốn san bằng Thái Sơn nhưng trời cao cho là vô đạo làm loạn, muốn lấp cạn Hoàng Hà nhưng trời cao nghe trái tai không màng, trở thành hai câu được truyền miệng nhiều nhất trong các cuộc trà dư tửu hậu. Thành ra Văn Thiên Tú lại được tặng thêm ngoại hiệu là Nghịch Thiên Tiên Sinh. So với một đứa trẻ mới lớn, thành tựu như vậy phải nói là to lớn vô cùng. Văn Thiên Tú sau chuyện đó đã được các văn nhân xa gần vô cùng kính ngưỡng. Văn Viễn tuy ở Ứng Kê xa xôi nhưng trong lòng vô cùng mến mộ họ Văn, vẫn thầm ước được một phen cùng người này bàn luận chuyện cổ kim trong thiên hạ.
Ông bây giờ thấy bức tranh vẽ đóng triện Văn Thiên Tú, nét mực vẫn chưa phai nhạt mấy, đoán chừng chỉ vừa được hoàn thành cách đây vài tháng. Ông mừng rỡ nghĩ biết đâu họ Văn còn lưu lại trong phủ tổng đốc nên lòng náo nức muốn được diện kiến.
Tên nô dịch nghe Văn Viễn hỏi liền trợn mắt nhìn như đoán xem Văn Viễn đang thật lòng hay đùa cợt. Tuy nhiên Văn Viễn vẫn đội chiếc nón lớn che đầu nên hắn không thấy được nét mặt của ông như thế nào. Văn Viễn nóng lòng hỏi thêm mấy lần, tên nô dịch liền đáp:
- Tiên sinh chắc đang hỏi đùa! Lẻ nào ngài không biết Văn Thiên Tú là tên của tổng đốc đại nhân!
Văn Viễn sửng sốt:
- Tổng đốc đại nhân là Văn Thiên Tú ư?
Tên nô dịch nói:
- Tiên sinh không biết thật hay sao? Nếu không phải là Văn Thiên Tú tiếng tăm thì thử hỏi hơn mười năm dài, đại nhân chúng tôi làm sao có thể ngồi yên ở cái ghế tổng đốc Hàng Châu cho được!
Tên nô dịch nói xong liền giục Văn Viễn đi tiếp. Văn Viễn lũi đũi theo sau hắn, trong lòng lẫn lộn cảm xúc. Ông than thầm:
- Lẻ ra lúc tổng đốc đại nhân hỏi, ta phải để ý! Đã là tham quan mà còn biết làm giàu cho người khác rồi mới vơ vét, hạng túi áo túi cơm sao có thể nghĩ ra được! Than ôi! Ta còn ngông cuồng bình phẩm tham quan vô lại , tham quan đại hiền, mượn ý mà đánh thức lương tri, chắc đại nhân lúc đó trong bụng đã cười ta múa rìu qua mắt thợ! Ta thật là sơ suất ngông cuồng quá!
Tên nô dịch đưa Văn Viễn đến một phòng lớn rồi cho người bày biện đủ mọi thứ mới bỏ đi. Văn Viễn ngồi trong phòng trước mặt đầy rượu ngon, sơn hào hải vị nhưng không còn tâm trạng ăn uống. Ông chỉ muốn chạy ngược ra để gặp tổng đốc đại nhân, nhưng nghĩ đi nghĩ lại đều thấy không tiện đành thôi.
Văn Viễn rót rượu uống liền mấy ly liên tục. Ông chợt nhớ ra, tự nói:
- Tổng đốc đại nhân bảo cố tình phá đê chứ không phải chủ ý muốn đào ngọc! Ta có hỏi nhưng đại nhân không chịu nói, phải chăng đang có ý thử ta? Nếu ta thông suốt được điều này, nhất định đại nhân sẽ vừa bụng, biết đâu còn cho phép ta đàm luận văn Chương thi phú. Được như vậy thì diễm phúc biết bao!
Nghĩ vậy, Văn Viễn liền bình tâm. Ông hít dài mấy hơi sâu rồi nhắm mắt định thần. Tuy nhiên hơn một canh giờ trôi qua, Văn Viễn không tài nào suy đoán ra được. Ông chán nản uống thêm mấy chung rượu rồi vào giường nằm nghỉ. Văn Viễn trong người thấy mệt nên mới chợp mắt đã ngủ say.
Không biết bao lâu, Văn Viễn còn đang ngon giấc thì bên tai lại nghe có tiếng động. Ông lúc này hàn nhiệt trong người sung mãn nên bất kỳ âm thanh khác lạ dù nhỏ đến đâu cũng đều lọt vào tai. Văn Viễn không mở mắt, nằm yên nghe ngóng. Tiếng động phát ra từ mái nhà. Ông đoán có kẻ đang dùng khinh công đạp ngói mà đi. Văn Viễn ngửi thử không thấy mùi son phấn, đoán chừng người này là nam. Ông bụng bảo dạ, người này chắc là đang tìm cách đột nhập vào kho của phủ tổng đốc để trộm vàng bạc cứu tế cho những lê dân đói khổ ngoài kia.
Văn Viễn định không màng tới nhưng ông lại lo sợ người này không rành đường lối, không may rơi trúng bọn cận vệ nhất định sẽ nguy hiểm tính mạng. Văn Viễn nghe thấy tiếng chân dừng ngay trên nóc phòng mình. Chắc người này đang dừng lại quan sát. Văn Viễn chợt ồ lên trong bụng:
- Ta sao lại không nghĩ ra? Chỉ cần đứng trên mái nhà có thể thấy hết bài trí trong phủ, sợ gì đi lạc?
Văn Viễn thầm khen người đột nhập đầu óc nhanh nhạy. Ông đợi người kia đi rồi mới nhẹ nhàng nhổm dậy nghe ngóng. Văn Viễn dùng Du Ảnh Biến nhảy ra khỏi cửa sổ rồi vọt lên nóc nhà không một tiếng động. Bên ngoài trời đã sụp tối, khắp phủ tổng đốc đều thắp đèn sáng rực. Văn Viễn nhìn thấy người đột nhập đang nhằm hướng đông mà đi. Ông liền âm thầm theo sau dọ xét. Khoảng cách chỉ mấy chục bước chân nhưng người kia vẫn không hề biết Văn Viễn ở sau lưng. Hắn nhảy qua nhảy lại các nóc nhà lựa toàn những nơi không có ánh đèn mà đi.
Văn Viễn thấy vậy thì biết hắn rất thông thuộc đường lối trong phủ liền lấy làm lạ. Ông đoán tên này nhất định không phải đến kho trộm vàng bạc để cứu tế. Văn Viễn cứ lẳng lặng theo sau. Cuối cùng, ông đã theo kẻ đột nhập đến một căn lầu rộng nằm biệt lập trong phủ tổng đốc.
Người đột nhập dừng lại ngó trước ngó sau cẩn thận. Hắn tung người một cái đã nhảy hơn mười trượng đặt chân lên nóc lầu. Văn Viễn ước lượng thân thủ đoán hắn tập luyện võ công đã lâu nên mới có khinh công giỏi đến vậy. Ông nấp bên mái nhà này quan sát động tĩnh. Tên đột nhập gõ mấy cái lên mái ngói, lập tức cửa sổ được mở ra. Hắn vội vàng theo cửa sổ mà vào phòng. Văn Viễn kịp liếc thấy một đôi tay trắng ngà khép cửa sổ lại, máu nóng liền chạy lên đến mặt.
Văn Viễn đoán chừng đây là phòng của một thê thiếp nào đó của quan tổng đốc. Nửa đêm có kẻ đột nhập mà thê thiếp còn tận tình mở cửa thì nhất định chỉ có làm chuyện vô luân. Văn Viễn ở đoạn sông vắng tận mắt thấy vợ của Trương Đại lão gia thông gian còn mưu giết chồng, trong lòng đã căm giận, giờ lại thấy cảnh này thì nghiến răng ken két:
- Trên đời này sao lắm kẻ bại hoại không ra gì!
Văn Viễn hậm hực trong lòng bèn dùng khinh công nhảy lên nóc lầu. Ông chưa kịp yên vị đã nghe tiếng nữ nhân trong phòng hoảng hốt hỏi:
- Chàng sao lại đến lúc này? Không phải đã hẹn ngày mười lăm hay sao?
Văn Viễn nghe tiếng nam nhân đáp:
- Ta không muốn nàng ở lại với tên quan chó má kia phút giây nào nữa! Mau mau thu dọn hành trang theo ta!
Văn Viễn lại nghe tiếng lục đục thì đoán chừng người nữ đang gói ghém đồ đạc. Ông hừ thầm trong bụng:
- Dám ngang nhiên bỏ đi theo người khác, thiên hạ loạn thật rồi, còn gì là cương thường nữa!
Một lúc sau Văn Viễn nghe người nữ nói:
- Thiếp phải nói với đại nhân một tiếng, không thể âm thầm mà đi được! Dầu gì hơn năm năm qua, đại nhân đối xử với thiếp rất tử tế!
Người nam liền nạt:
- Hắn chỉ muốn lấy lòng nàng thôi! Hắn vừa rồi vì một khối ngọc mà phá đê làm mấy ngàn người lâm vào cảnh lũ lụt đói khát! Ta hận chỉ muốn đâm hắn một kiếm!
Người nữ nghe vậy liền kêu lên thảng thốt:
- Nhất định có hiểu lầm! Đại nhân là người tốt không bao giờ làm chuyện như vậy!
Văn Viễn càng nghe càng thấy không giống việc vợ qua mặt chồng lén lút theo nhân tình. Ông nghe nữ nhân hết lời thanh minh dùm cho tổng đốc đại nhân thì lấy làm lạ. Văn Viễn đoán nữ nhân này nhất định không phải là thê thiếp của quan tổng đốc. Văn Viễn hiếu kỳ nhẹ nhàng giở một viên ngói nhìn xuống. Nữ nhân chỉ vừa quá hai mươi sáu, khuôn trang diễm tuyệt, nét ngài ôn nhu rất thiện cảm. Tên đột nhập mặc bộ quần áo màu đen bó sát thân thể đang đứng bên cạnh nàng. Hắn dùng khăn vuông che mặt chỉ để lộ đôi mắt sáng rực giận dữ. Y nghe người nữ luôn miệng bên vực quan tổng đốc thì hừ một tiếng nói:
- Nàng đã có tình ý với hắn?
Người nữ giật mình liền đáp:
- Xin chàng đừng hiểu lầm! Thiếp chỉ vì không tin đại nhân làm ra chuyện đó nên mới nói như thế!
Tên nam nhân gằn giọng:
- Khắp nơi ai ai không biết chuyện này, sao có thể giả được! Hơn mấy ngàn người đang kéo về chờ hắn mở kho cứu tế, hắn lại cho mời mấy tên thư sinh về bán chữ, thản nhiên cười đùa như không. Hạng tham quan vô lại như hắn sao có thể là người tốt cho được! Bỏ mười ngàn lượng vàng chỉ để mua một chữ, thử hỏi trên đời còn có chuyện gì ngông cuồng đến thế?
Nữ nhân nghe vậy thì chỉ biết thở dài. Tên nam nhân được dịp mắng thêm một tràng toàn lời lẽ thô tục. Nữ nhân không biết đối đáp làm sao đành phải nghe. Hắn đang mắng ngon trớn tự nhiên run giọng sợ hãi:
- Hắn..hắn đến rồi!
Quả nhiên dưới lầu có tiếng bước chân. Văn Viễn ngửi trong gió biết là quan tổng đốc. Ông đoán chừng tên kia không sao trốn kịp. Quan tổng đốc mà bắt gặp nhất định sẽ có chuyện xảy ra. Văn Viễn nghĩ thầm, chuyện riêng về gia đạo người khác không nên can thiệp vào. Tuy nhiên, quan tổng đốc đã đến gần cửa phòng. Lúc này Văn Viễn đường đột bỏ đi, lỡ như bị phát giác nhất định sẽ sinh chuyện hiểu lầm. Văn Viễn đành ngồi yên trên nóc lầu không dám cử động. Ông nhìn xuống thấy tên nam nhân cũng vội nhảy đến sau bức màn lụa mà nấp.
Quan tổng đốc trên tay cầm khối ngọc tạc chữ hoa, khuôn mặt rạng rỡ bước đến cạnh cửa phòng. Hắn gõ cửa mấy cái rồi hỏi:
- Không biết nàng đã nghỉ chưa?
Nữ nhân liền đáp vọng ra:
- Đại nhân sao lại đến đây vào giờ này?
Quan tổng đốc nói:
- Ta vừa đào được khối hồng ngọc, may mắn lại tìm được kẻ viết chữ rất đẹp nên nhờ hắn viết chữ hoa lên ngọc. Tên của nàng là Tử Hoa, khối hồng ngọc này lại tạc thành chữ hoa, có phải là cơ duyên hay không? Ta vui mừng quá nên khi ngọc làm xong liền đến tặng cho nàng!
Văn Viễn nghe quan tổng đốc nói mới hiểu vì sao lại bỏ ra mười ngàn lượng vàng chỉ để mua một chữ hoa. Hóa ra tổng đốc đại nhân cũng chỉ vì người nữ này mà không tiếc tiền của. Rõ ràng là tâm tư của kẻ si tình. Văn Viễn nghĩ thầm, nếu quan tổng đốc biết nữ nhân chuẩn bị đi theo kẻ khác thì tâm trí sẽ thê lương biết bao. Ông len lén nhìn xuống thấy nữ nhân nét mặt ra vẻ xúc động. Tuy nhiên nàng ta lại nói:
- Ngài chỉ vì khối ngọc đó mà nỡ làm mấy ngàn người lũ lụt mất nhà mất cửa! Thiếp bao năm qua vẫn cho rằng ngài là người tốt. Không ngờ ngài lại làm ra chuyện như vậy! Thiếp thật sự đã nhìn lầm ngài rồi!
Quan tổng đốc liền đáp:
- Ta chỉ chủ tâm phá đê vô tình lại được ngọc quý. Chuyện mấy ngàn người lụt lội chỉ vì dòng nước thay đổi bất ngờ. Tuy nhiên ta ngày mai sẽ mở kho cứu tế, nhất định không để bất kỳ kẻ nào phải đói khát!
Nữ nhân liền nghiêm giọng:
- Thiếp chỉ là thân cá chậu chim lồng. Ngài cần gì phải khách khí! Ngài đã dám làm sao không dám nhận? Thì ra ngài phá để để dân chúng đói khát, có cớ mở kho cứu tế mong lấy tiếng thơm. Ngài…ngài..!
Nữ nhân giận quá nói không tròn câu. Quan tổng đốc vội vàng đáp:
- Mong nàng hãy nghe ta nói! Đoạn đê ở hai huyện Tịnh Đường Cao Lâm đã quá cũ kỹ. Ta năm lần bảy lượt xin triều đình cấp phí để xây dựng mới. Tuy nhiên gian thần lộng hành khiến quốc khố như thùng cạn đáy. Ta nếu tự bỏ ngân lượng ra thì những tên vô lại sẽ được dịp nhỏ to dèm pha. Ta đành dùng hạ sách này. Đê bây giờ đã vỡ, ta có thể danh chính ngôn thuận mở kho cứu tế, rồi tự đem vàng bạc ra mà sửa lại. Ta sẽ nói kinh phí là thuế thu trước của dân. Như vậy trong một năm tới, bần nông khắp các huyện lân cận không cần phải nộp thuế. Con đê mới xây dựng xong cũng không lo cảnh lũ lụt hàng năm!
Người nữ nghe vậy liền thở phào nhẹ nhỏm. Nàng ta hỏi, giọng đã ôn nhu:
- Có thật như vậy không?
Quan tổng đốc đáp:
- Có trời đất chứng giám, Văn Thiên Tú ta không dám gian dối nửa lời!
Nữ nhân nói:
- Nhưng ngài đã khiến nhiều người mất nhà cửa, lâm vào đói khát! Ngài không nên đem tính mạng dân chúng ra đánh cược!
Quan tổng đốc đáp:
- Ta sau này nhất định không dám cẩu thả hành động tùy tiện! Xin nàng yên tâm!
Văn Viễn ẩn thân trên nóc lầu nghe không sót từ nào. Ông hiểu vị tổng đốc đại nhân này đang giữa chốn quan trường hỗn loạn mà tự thực hành đạo an dân của riêng mình. Ông cảm khái nghĩ:
- Quan lại liêm khiết thời nào cũng có. Tuy nhiên vào lúc rối ren, kẻ liêm khiết thường chán nản mà ẩn mình chờ đợi, đành bỏ mặc dân chúng rên xiết. Âu cũng là do cái đạo quân sư phụ kềm kẹp. Duy chỉ có người này vẫn nương theo thời cuộc mặc kệ tiếng đời dèm pha, vẫn cố sức lo lắng cho dân. Thật sự trong bùn nhơ giữ được thanh cao, đáng quý lắm!
Nữ nhân lúc này liền bước ra mở cửa. Quan tổng đốc hớn hở đưa khối ngọc cho nàng ta xem. Quả nhiên đã dựa vào chữ hoa mà Văn Viễn viết rồi tạc lại, khối ngọc lớn chỉ còn vừa một bàn. Nữ nhân nhận lấy rồi cúi đầu vái tạ:
- Đại nhân vì Tử Hoa mà cực khổ, lại mang tai tiếng vào thân, Tử Hoa vô cùng cảm kích!
Quan tổng đốc định đáp lời nàng nhưng tự nhiên nhìn chằm chằm vào bức màn lụa. Hắn thình lình nhảy vào phòng quát lớn:
- Kẻ nào đang lấp ló ở đó?
Tên nam nhân kia từ đầu đến giờ vẫn nấp sau tấm màn lụa. Hắn trong lòng sợ hãi không dám gây tiếng động. Vừa lúc nữ nhân mở cửa phòng, hắn không may thở mạnh một cái đã làm lộ. Hắn thấy đã bị phát hiện, chi bằng động thủ trước để chiếm lợi thế. Quan tổng đốc vừa quát hỏi, hắn lập tức rút thanh kiếm đeo trên lưng xông ra đâm thẳng một nhát. Văn Viễn trên nóc lầu nhìn thấy kiếm pháp nhanh nhẹn thì la hoảng trong bụng. Tuy nhiên, quan tổng đốc chỉ khẻ chùng người xuống dùng vai hất lưỡi kiếm chếch lên rồi tiện tay chộp lấy khăn bịt mặt của tên nam nhân kia. Kẻ đánh nhanh ,người đỡ đòn cũng thần tốc.
Tên nam nhân hoảng hốt lùi lại. Khăn che mặt của hắn đã bị quan tổng đốc lấy mất. Quan tổng đốc nhìn thấy rõ mặt mũi tên kia liền nghiến răng căm giận:
- Là ngươi!
Tên nam nhân kia mặt tái xanh. Y sau khi đánh một kiếm đã biết không phải là đối thủ của quan tổng đốc thì sợ hãi liếc nhìn nữ nhân cầu cứu. Nữ nhân chưa kịp mở lời, tự nhiên nét mặt cũng thoáng sợ. Vốn nàng ta nghe lời nam nhân nên đã gói ghém hành trang trong một túi vải đặt ở góc phòng. Quan tổng đốc bây giờ nhìn thấy hành trang liền cười một tràng thê lương thảm nảo:
- Tử Hoa ơi là Tử Hoa!
Tất nhiên là quan tổng đốc đang gọi tên nữ nhân. Quan tổng đốc quay lại nhìn nàng mà nói:
- Nàng đến cùng vẫn một lòng muốn đi theo hắn phải không? Bao năm qua ta có điểm gì bạc đãi nàng mà nàng lại muốn bở ta đi?
Tử Hoa sợ hãi cúi quỳ xuống nói:
- Đại nhân đối với thiếp hết lòng giữ lễ, lại cung phụng không thiếu sót điều gì. Chỉ là thiếp với Công Tôn Bàng huynh đã có thề non hẹn biển từ trước. Xin đại nhân rộng lượng thành toàn!
Tổng đốc đại nhân Văn Thiên Tú ngửa mặt lên cười chua chát:
- Muốn ta thành toàn cho nàng? Thề non hẹn biển từ trước ư? Nàng đến giờ vẫn một mực cho rằng tên vô lại này thực tâm yêu thương nàng? Nếu hắn yêu thương nàng, năm xưa sao lại nỡ để nàng tự bán mình vào chốn thanh lâu?
Văn Viễn trên nóc nhà nghe thấy ba người có quan hệ rối rắm càng chăm chú không dám thở mạnh