Lời nói gió bay
(Tục ngữ)
Dĩnh với Lân là anh em "cọc chèo", như cách mấy ông bà ở làng vẫn gọi hai anh em rể. Cũng kể như gần, vì vợ Dĩnh với vợ Lân là chị em gái ruột. Nhưng nói có giời làm chứng, đúng là từ năm làng dồn điền đổi thửa, cách đây gần chục năm, vợ chồng Lân ra ở ngoài đê cho tiện trông nom mấy sào bãi hết cấy lúa, trồng ngô lại dưa cà thì đến mãi tầm trưa hôm ấy, chẳng biết cơn gió nào đưa chân mà chiếc ô tô con màu lông quạ của Ủy ban huyện lại đưa Dĩnh đỗ ngay bờ đê lối rẽ xuống bãi nhà Lân.
May, hôm ấy có vợ Lân và thằng con trai với hai đứa con gái đang hì hục dọn thân ngô trên đám bãi gần chân đê; chứ không, hỏi được đường vào nhà Lân cũng trưa tặt. Khi ấy ba mẹ con nhà Lân đang dọn thân ngô, không hiểu sao lại dừng tay, ngẩng cả lên đê, thấy mấy người trong xe bước ra cứ chỉ chỉ trỏ trỏ như tìm đường hỏi lối vào nhà ai. Vợ Lân giữ ý, hay không muốn để mang tiếng "thấy người sang bắt quàng làm họ", vội giục thằng con hỏi xem mấy người định đi đâu, hay đến nhà ai? Nhưng thằng con vô tư, lại tự tin, cứ gọi thốc gọi tháo: "Bác Dĩnh ơi, vào nhà cháu uống nước đã". Dĩnh vừa theo chân Rục, chủ tịch xã Giang Biên, lững thững đi trên đê, nghe tiếng gọi chưa trả lời ngay, vội kéo tay Rục, hất hất cái cằm nhọn trên khuôn mặt lưỡi cày, ra ý hỏi, đứa nào gọi đấy? Rục đã
quen cử chỉ hỏi cấp dưới của Dĩnh, vội đáp: "Dạ, là con nhà Lân, mà anh định "ra xem vợ chồng con cái hồi này thế nào", đấy ạ!". Dĩnh à lên một tiếng, rồi lững thững theo chân Rục xuống con dốc chân đê vào xóm trại.
Đến nhà Lân khoảng tầm trưa. Dẫu chủ tịch xã Giang Biên một mực bảo: "Trước khi lên xe đưa chủ tịch huyện ra đây, tôi đã cho người phóng xe lên nhà hàng Hương quê bảo chuẩn bị rồi, cô chú cứ để tôi đưa anh Dĩnh đi nhà hàng". Nhưng vợ chồng Lân vẫn níu kéo bằng được bác Dĩnh ở lại ăn với chúng em bữa cơm, chứ nhà hàng, khách sạn với chủ tịch huyện còn lạ gì. Lời qua tiếng lại, mãi đến khi vợ Lân nửa giận nửa đùa: "Hay chủ tịch huyện chê cơm đồng bãi nhà em, thì bác chủ tịch xã cứ dẫn bác Dĩnh đi nhà hàng!", thì Dĩnh mới ra chiều thân tình, bả lả, ôm vai cô em vợ, nói liến thoắng: "Gớm, dì làm gì mà đay đưa anh ghê thế. Ăn thì ăn chứ sao. Nhưng này, đừng bày vẽ gì đấy. Có gì ăn nấy, chú Lân nhá". Lân vâng dạ ông anh "cọc chèo", rồi ra hiệu cho thằng con đi với bố ra sau nhà.
Ở đấy, nhà Lân có khu vườn rộng đến mươi thước hầu như không trồng loại cây nào ra tiền, mà lại nuôi toàn gà. Một đàn gà ta dễ có tới gần trăm con, toàn loại gà choai choai, đầu nhỏ, chân ngắn, lông vàng nhạt. Bốn góc vườn là bốn cái chuồng gà như cái lều coi đồng, nhưng trong mỗi lều đều gác tre thành hai, ba tầng làm chỗ cho gà đậu. Cậu lái xe theo bố con Lân ra vườn bắt gà, vừa ngắm nhìn vườn tược, vừa luôn miệng bảo, em lái xe cho chủ tịch huyện đã mấy năm nay, không kể nhà hàng ở huyện này, huyện này chả có nhà hàng nào ăn ra cái gì, chỉ kể những nhà hàng ở thành phố, thị xã có trương biển quảng cáo to tướng gà quê, gà đồi, gà nuôi nhốt, gà nuôi thóc, ăn bao nhiêu, thích con nào tùy khách vào tận chỗ nhốt gà mà chọn, cũng chưa thấy đâu có đàn gà trông ngon như gà vườn nhà anh thế này.
Nhưng giá lời cậu lái xe có cánh bay vù thì hay biết mấy. Đằng này, khi thằng con lớn của vợ chồng Lân bưng mâm cơm dưới nhà ngang lên đến cửa, lại chính cậu lái xe, rồi sau là chủ tịch xã, chủ tịch huyện, đều quên béng mình là khách, buột kêu lên: "Ối dà, mùi thịt gà gì mà thơm ngon quá nhỉ!". Liền sau đó, chẳng hiểu vì quá bữa, hay vì món thịt gà thơm quyến rũ, mà không đợi Lân mời, chủ tịch xã vội lên tiếng, như thể chính ông mới là người thết đãi chủ tịch huyện trưa nay: "Nào, mời anh Dĩnh với các anh! Ta ngồi gọn một mâm, chú Lân nhỉ?". Lân ở dưới bếp tất tưởi đi lên, đứng ngay lối cửa bước vào, hai tay xoa xoa nhau, giọng kính cẩn: "Chẳng mấy khi bác Dĩnh với mấy anh trên huyện, lại thịnh ngộ có cả bác chủ tịch xã, quá bộ đến nhà em nơi chợ xa bãi vắng, giờ cũng trưa rồi, mời hai bác với mấy anh dùng tạm với vợ chồng em lưng cơm rau mắm". Mọi người ngồi quanh cái mâm đặt trên hai chiếc chiếu ghép liền nhau ở giữa nhà. Chủ tịch xã gần sáu mươi nhưng tính tình còn xởi lởi, vừa ngồi xuống mâm đã cầm chai rượu rót lượt ra mấy cái chén, nói liến thoắng: "Cơm gà cá gỡ thế này, chú còn bảo rau mắm. Có rau mắm mà ăn mãi thế này, có khi nông thôn lại hơn thành phố đấy nhá". Nghe chủ tịch xã chưa uống đã bốc, chủ tịch huyện vội lên tiếng: "Chắc hôm nay có bác với em, vợ chồng chú Lân mới sửa mâm cơm như mâm cỗ thế này, chứ ngày thường cũng tiết kiệm, chú Lân nhỉ". Vợ Lân như thay lời chồng, vội nói: "Tiết kiệm thì bao giờ cũng tiết kiệm. Nhưng nói có hai bác với mấy chú, vợ chồng em ở ngoài này vắng vẻ, chỉ mong thỉnh thoảng có các bác, các chú ở trên xã, trên huyện qua lại cho vui cửa ấm nhà". Lân nghe giọng vợ vẫn còn hậm hực ông anh rể dễ gần chục năm mới đến nhà em vợ mà chèo kéo mãi mới chịu ở, sợ vợ nói dai nói dài nhỡ có gì thất thố, vội nhổm người, quỳ hai chân xuống chiếu, tay cầm chén rượu giơ ra: "Thôi nào mẹ nó, để tôi mời hai bác với mấy chú một chén mừng cuộc hội ngộ hôm nay. Nào, em mời bác Dĩnh, bác Rục, anh mời ba chú! Trăm phần trăm nhá. Không, rượu nhà em nấu bằng ngô, uống chỉ có đậm và êm, chứ làm gì có chuyện sốc với say mà bác cứ sợ". Nói thế thì hết đường, Dĩnh sau giây lát lưỡng lự, lại cầm chén rượu đã đặt xuống mâm lên, hướng về phía Lân, chưa uống, mà lại huơ huơ chén rượu trên mâm, hỏi: "Chú vừa nói rượu nhà nấu, thế còn những thứ này. Cả một mâm đầy ụ, toàn thịt gà là thịt gà, nào luộc, nào rang, nào xào lòng mề giá đỗ, cứ thơm phưng phức. Dễ đến mấy con gà mới làm được mâm cỗ to thế này. Chú nói thật đi, chú bắt dì với cháu đi mua gà ở đâu về làm thịt thết đãi anh thế? Chú nói xong, anh với chú cạn chén. Nhưng anh nhắc lại, phải nói thật, bằng không, chú dì có giận anh cũng về ngay tức thì". Dẫu là anh nông dân, mới học xong lớp chín, nhà nghèo, ở nhà làm ruộng nuôi mẹ, nuôi em, rồi lấy vợ, Lân cũng không đến nỗi bỗ bã, thẳng ruột ngựa. Nghe giọng ông anh "cọc chèo" vẻ gay gắt, Lân cũng "vỏ quýt dày, móng tay nhọn", ngước đôi mắt vằn những tia đỏ rần rật trong con ngươi về phía Dĩnh: "Vậy em cũng hỏi thật bác, hôm nay bác ăn miếng thịt gà ở nhà em, bác thấy thế nào? Có giống, hay khác thịt gà bác vẫn ăn ở nhà hàng, hoặc bác gái mua ngoài chợ về không?". Dường như câu hỏi của Lân không làm ai ngẫm nghĩ lâu, nên Lân vừa ngừng lời, không chỉ riêng Dĩnh mà cả bốn vị kia, chỉ trừ mỗi cậu lái xe, còn cả chủ tịch xã, chánh văn phòng ủy ban và trưởng phòng nông nghiệp huyện đều như cùng lúc buột miệng: "Ừ nhỉ, cái thịt gà này khác thịt gà vẫn ăn ở nhà hàng quá, các ông ạ!". Dứt lời, Dĩnh quay sang Lân nói không chút khách khí: "Thịt gà ngon thật. Thơm, lại rắn thịt, chứ không nhão như thịt gà ăn ở nơi khác. Kể cả ở nhà cũng không mấy khi chị mua được gà ngon thế này. Không, anh nói thật đấy. Mà chú cũng phải nói thật nhá: thịt gà này là ở đâu thế?". Không để Lân kịp lên tiếng, cậu lái xe vội thể hiện sự thông tỏ ngõ ngàng của mình: "Báo cáo chủ tịch, vợ chồng anh Lân có cả một khu vườn sau nhà nuôi tới trăm con gà cơ ạ". Tức thì, cả chủ tịch huyện, chủ tịch xã, chánh văn phòng và trưởng phòng nông nghiệp đều hếch khuôn mặt rân rấn đỏ về phía vợ chồng Lân, hỏi dồn: "Thật à! Gà nhà chú nuôi thật à? Nuôi giống gà gì mà thịt ngon thế hở?". Vợ Lân đang ngồi ăn với hai đứa con ở mâm bên cạnh, vội quay sang nói: "Bác Dĩnh có khi lạ, chứ bác Rục thì còn lạ gì cái giống gà ta nữa. Tiếng là không to, chăm bẵm mấy mỗi con cũng chỉ cân, cân rưỡi; nhưng thịt lại thơm ngon và mắn đẻ bằng mấy cái giống gà tam hoa hay gà công nghiệp của mấy ông khuyến nông đưa về". Vừa nghe vợ nói "mấy ông khuyến nông", Lân sợ làm trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phật ý, biết đâu lại cả chủ tịch huyện cũng không thích cái kiểu nói "rứt dây mơ động bờ lá nớn" ấy, Lân vội cầm chén rượu giơ lên, vừa cười vừa bảo Dĩnh: "Nào thôi, bác với em thế là hòa một một. Bác thật lòng, em cũng thật lòng với bác. Giờ bác cạn với em chén này, rồi anh em ta ăn cơm, bác nhá". Lần này thì dường như Dĩnh cảm thấy mình không nên khước từ, mà còn như thấy có cái gì chộn rộn trong đầu, liền cầm chén rượu lên kề vào môi dốc ực một cái. Úp cái chén xuống mâm, Dĩnh quay lại nhìn Lân, rồi nhìn cả trưởng phòng nông nghiệp, chánh văn phòng ủy ban và chủ tịch xã Giang Biên, đột ngột hỏi: "Vậy thì có thể lập trang trại nuôi gà vườn được không?". Câu hỏi không dành cho đích danh người nào, nhưng ai cũng ngầm hiểu là hỏi Lân. Nhưng lại chính Lân cũng còn đang chần chừ, không biết ông anh "cọc chèo" hỏi mình hay hỏi chủ tịch xã, hoặc trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, nên hết đưa mắt nhìn người này lại liếc nhìn người kia. Thấy mọi người im lặng, Dĩnh để miếng thịt gà đang ăn dở vào bát, cầm khăn ướt lau tay, rồi giơ ngón tay trỏ về phía Lân đang ngồi đối diện bên kia mâm, hỏi với giọng trịch thượng: "Thế nào chú Lân? Liệu có lập được trang trại nuôi gà ta trong vườn, như nhà chú đang nuôi, thì huyện ưu tiên dự án đầu tư cho vợ chồng chú xây dựng cơ sở chuyên nuôi gà vườn. Vừa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, vừa bảo tồn được giống gà ta, biết đâu vài năm nữa lại là loại ẩm thực đặc sản của huyện mình ấy chứ". Chủ tịch huyện vừa dứt lời, cả chánh văn phòng và trưởng phòng nông nghiệp huyện đều sốt sắng bảo: "Được đấy, được đấy anh Lân ạ. Anh Dĩnh với anh là chỗ người nhà, mới được ưu tiên đặc biệt thế, chứ có phải ai muốn mà được đâu". Lân bao năm xoay xở vật lộn với mấy sào bãi ven sông mà nghèo vẫn hoàn nghèo, nên mới nghe ông anh "cọc chèo" nói lập trại nuôi gà ta trong vườn thì huyện ưu tiên dự án đầu tư cho, là như chết đuối vớ được cọc. Đặt vội cái bát đôi đũa xuống mâm, Lân nhìn Dĩnh săn đón hỏi: "Bác nói ưu tiên đầu tư là ưu tiên thế nào? Đất em có được cấp thêm để mở rộng chỗ nuôi gà không? Chứ chỗ vườn gà sau nhà mà chú lái xe vừa ra, trông thế nhưng chỉ có gần mười thước thôi đấy. Bây giờ mà làm trang trại, thì có bác chủ tịch xã đây, ít ra em cũng phải xin cấp thêm gấp ba, bốn lần cái vườn sau nhà thì mới mở rộng vườn chuồng được". Dĩnh có lẽ cũng thực lòng muốn giúp vợ chồng chú em "cọc chèo" thoát nghèo, nên Lân vừa dứt lời vội huơ tay về phía chủ tịch xã: "Ông Rục làm ngay thủ tục cấp đất cho chú Lân lập trại gà nhá. Mặt bằng phải đi trước một bước". Dĩnh vừa dứt lời, vợ Lân từ mâm bên cạnh nói với sang: "Bác ưu tiên cho nhà em thế thì tốt quá rồi. Nhưng em muốn hỏi bác, còn khoản tiền làm chuồng và mua gà giống? Mà cái giống gà ta lại không thể mua một lúc hàng trăm con như gà công nghiệp được đâu nhá, phải đi mua nhặt ở các chợ, thậm chí vào tận nhà người ta may mới mua được năm, mười đôi chứ không dễ đâu. Vì bây giờ ai cũng thích tăng trọng, tăng sản nên cái gì cũng chỉ muốn lai, lúa lai, lợn lai, đến gà, vịt, chó má đều lai tuốt tuồn tuột, thế nên tìm mua giống gà ta bây giờ khó lắm. Cái đàn gà nhà em đang thả ngoài vườn sau nhà, mà ban nãy bắt mấy con vào thịt, là vợ chồng em với hai đứa con gái phải sang mãi bên Tò Tó mới mua được mấy chục con về nuôi, định để Tết bán. Vâng, từ ngày ra đây, năm nào nhà em cũng gơ đàn gà năm, bảy chục con để Tết bán mới ra tiền. Vậy mà không được ưu tiên vay tiền nhà nước với lãi suất thấp để mua gà giống và làm chuồng đêm hôm cho nó đậu, thì dẫu ngay ngày mai được cấp đất chúng em cũng đến chịu". Vợ Lân vừa dừng lời, ông anh rể quay ra cười khơ khớ, bảo: "Tưởng dì yêu cầu những gì nữa, chứ mỗi việc vay tiền với lãi suất thấp, thì huyện có chủ trương rồi, hễ vay tiền ngân hàng lập trang trại là đều được hưởng lãi suất có bốn phần trăm một năm thôi". Dĩnh nói đến đấy, vợ Lân vội à lên, thế thì được. Nhưng Dĩnh không biết có để ý nét mặt rạng rỡ của cô em vợ khi nghe ông anh rể trả lời một câu xanh rờn, lại quay sang nói như ra lệnh cho chánh văn phòng ủy ban và trưởng phòng nông nghiệp huyện: "Hai ông quan tâm trường hợp này nhá. Văn phòng thông báo cho các ngành ý kiến chỉ đạo của chủ tịch huyện về xây dựng trang trại nuôi gà ta trong vườn, để trở thành một đặc sản của huyện. Còn phòng nông nghiệp cử người xuống khảo sát, lập dự án và giúp vợ chồng chú Lân về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gà. Làm sao trong vòng năm rưỡi, hai năm trang trại của vợ chồng chú Lân đây phải trở thành điển hình về chăn nuôi gà ta trong vườn không chỉ của huyện, mà còn của cả tỉnh".
Chủ tịch huyện có ý kiến chỉ đạo dứt khoát thế, chánh văn phòng ủy ban và trưởng phòng nông nghiệp huyện cũng chỉ còn biết răm rắp thi hành. Ngay hôm sau, chánh văn phòng ra thông báo ý kiến chỉ đạo của chủ tịch huyện về xây dựng trang trại nuôi gà ta ở xã Giang Biên. Câu chữ trong thông báo do đích danh chánh văn phòng viết và ký, yêu cầu các ban ngành có liên quan như phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm thú y, phòng tài nguyên và môi trường, ban quản lý dự án đầu tư, chi nhánh ngân hàng nông nghiệp huyện, vân vân và vân vân, cử ngay cán bộ xuống làm việc cụ thể với chủ trang trại. Có đến hàng tháng trời, chẳng mấy ngày vợ chồng Lân không tất bật đón tiếp hết đoàn này đến đoàn khác của các ban ngành ở huyện về làm việc, nắm tình hình, tìm hiểu yêu cầu của đối tác (dẫu sao vợ chồng Lân cũng là một đối tác dự án trang trại gà ta đầu tiên của huyện, chứ chả bỡn). Dồn dập và khẩn trương, tưởng mười mươi chỉ ngày một ngày hai là đất được cấp, tiền được vay, chuồng trại thì có ngay những bản thiết kế xây dựng thoáng mát, bảo đảm môi trường, lại vẫn giữ được phương thức nuôi gà vườn tự nhiên như lâu nay nhà Lân vẫn nuôi. Đoàn nào sau khi ăn uống xong, ra xe về cũng nói chắc như đinh đóng cột yên trí, yên trí, chủ tịch huyện đã có ý kiến chỉ đạo là phải làm ngay tắp lự.
Nhưng tắp lự đâu chưa thấy, chỉ thấy khổ cho đàn gà gần trăm con, như lời vợ Lân nói với ông anh rể, vợ chồng em với hai đứa con gái sang mãi bên Tò Tó mới mua được về nuôi định để Tết bán, thì cứ theo nhau lên đĩa cho các đoàn thưởng thức cái món gà ta chính tông nuôi trong vườn chỉ toàn bằng thóc, ngô và cám gạo giã, chứ không hề có thứ thức ăn hỗn hợp, dinh dưỡng nào, mà không phải vào nhà hàng, khách sạn ở đâu bây giờ cũng muốn là có. Thế nên, chẳng mấy hở mà cái vườn ồn ã tiếng gà đập cánh, bay nhảy, đuổi bắt mồi và rộn rã tiếng gáy ò ó o như bản nhạc quê tươi vui, thánh thót đã trở nên vắng lặng như vườn hoang, đến nỗi ngay cả Lân có khi cũng mấy ngày không bén mảng ra cái vườn sau nhà nữa. Bởi không ra thì thôi, chứ hễ ra đến sau nhà, nhìn cái vườn chỉ còn trơ ra vài cây chuối khẳng khiu là Lân lại thấy trống vắng, hụt hẫng như người vừa bị mất của.
Mà mất của thật. Nhất là cữ gần Tết, những lái gà quen năm nào cũng ra nhà Lân ngoài bãi mua gà mang lên phố bán cho người có tiền, lại rành ăn, chỉ thích loại gà ta, đắt mấy cũng mua, nhưng phải đúng là gà ta nuôi trong vườn, cho ăn thóc, ăn ngô, chứ còn cái thứ gà nhốt, nuôi thức ăn hỗn hợp, béo thì béo thật, nhưng ăn thịt nhão nhèo. Thế mà dạo Tết, hết cánh lái này đến cánh lái khác phóng xe ra tận bãi nhà Lân, lại tiu nghỉu phóng xe về. Còn vợ chồng Lân thì đến cả mấy ngày Tết mặt vẫn héo như dưa, vì tiếc đàn gà lẽ ra Tết bán, rẻ như năm ngoái năm kia cũng hàng chục triệu, không những Tết, mà cả năm tiêu pha đều trông cả vào tiền bán gà. Thế mà năm nay tuyệt không được một đồng bán gà, thì nhẽ nào mặt chả héo như dưa cả mấy ngày Tết. Mấy lần vợ giục chồng, chồng giục vợ lên huyện hỏi xem cái dự án trang trại gà nhà em mà chủ tịch và các phòng ban trên huyện đã về tận nơi xem xét liệu có được không, bao giờ thì được, để nhà em còn biết đường mà liệu, chứ không, cứ rày ngóng mai trông mãi thế này, không khéo chúng em chỉ lo nghĩ buồn phiền cũng sinh ốm mất. Nhưng cứ vợ giục chồng, chồng giục vợ thế, chứ không người nào lên. Vì lên biết gặp ai, văn phòng ủy ban, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay những đẩu đâu đâu nữa. Bởi tất cả có bao nhiêu đoàn, ở những ban ngành nào về, vợ chồng Lân cũng không sao nhớ hết, thì đúng là có lên huyện cũng chẳng biết vào đâu mà hỏi. Hay là mình thử đánh bạo lên gặp bác Dĩnh xem, hôm ăn cơm ở nhà ta bác ấy nói mạnh thế cơ mà. Có khi bận nhiều việc bác ấy quên thì sao, giờ mình lên hỏi có khi bác ấy lại nhớ ra đấy. Nhưng vợ Lân cũng thuộc loại cứng đầu, không thích cái kiểu thấy người sang bắt quàng làm họ, nên hồi nọ rõ ràng nhìn thấy Dĩnh cùng mấy người từ trong xe bước ra đứng chỉ trỏ trên đê, vẫn giục thằng con hỏi xem họ đi đâu hay vào nhà ai, chứ không ra mặt gọi hỏi trước. Giờ nghe chồng giục lên gặp bác Dĩnh hỏi xem thế nào, thì vợ Lân liền xẵng: "Ông đi mà hỏi. Mình đã không muốn luồn lụy xin xỏ, lại còn đẩy người ta". Thế là hai vợ chồng Lân chỉ còn biết âm thầm rày ngóng mai trông, mà càng ngóng trông càng biệt vô âm tín.
Còn Dĩnh, thực tình không có vợ nhắc thì cũng quên từ tám hoánh ý kiến chỉ đạo xây dựng trang trại nuôi gà ta, do mình phát kiến trong bữa cơm thịt gà ở nhà vợ chồng cậu em "cọc chèo". Nhưng nghe vợ nói: "Hôm qua tôi về quê ăn giỗ, gặp dì Liên, vợ chú Lân, dì ấy bảo, dạo nọ anh về chơi hứa ưu tiên cho vợ chồng dì ấy cái dự án trang trại nuôi gà ta, mà suốt từ bấy đến nay chẳng thấy tăm hơi gì", thì Dĩnh chẳng biết có nhớ ra, còn nói xẵng: "Cô buồn cười, vợ chồng nhà chú ấy là cái gì mà tôi phải hứa. Có thì giải quyết cho, không có thì thôi, chứ hứa hứa cái gì". Dường như cô vợ cũng đang có gì cấn cá chưa có dịp cởi bỏ, nghe chồng nói thế cũng đánh bài ngửa cho nhẹ lòng, kẻo lại mang tiếng đặt điều cho chồng, liền bảo: "Ừ, thì anh không hứa. Nhưng đi đến đâu, động đến cái gì là anh cũng nói chắc như cua gạch rằng tôi sẽ thế này, tôi sẽ thế kia, thì ai nghe chẳng tưởng là thật quá rồi. Như cái hôm anh xuống dự khai giảng năm học ở trường tiểu học Trà Sơn đấy. Anh hứa, ừ thì anh không hứa, mà nói trước giáo viên, học sinh rằng trang bị cho trường một phòng học vi tính. Nhưng đến giờ vẫn chỉ là vi vô. Mỗi lần họp hội đồng, họp công đoàn là lại có người nhắc đến cái phòng vi tính đồng chí chủ tịch huyện bảo trang bị cho trường, sao ban giám hiệu không tích cực làm việc, mà để lâu thế". Cô vợ nói tưởng gấp hơi, Dĩnh mới nhớ ra. Rồi như để lấy lòng vợ, Dĩnh quay lại cái bình phía sau rót cốc nước lọc đưa cho cô giáo, nói mà như hỏi: "Dì ấy có nói gì về trang trại gà nữa không?". Vợ Dĩnh đón cốc nước, chưa kịp uống, nghe chồng hỏi liền buột miệng: "Gà qué trang trại nào mà nữa. Mấy người nói một tấc lên đến giời, làm vợ chồng nó tưởng thật, giết hết đàn gà thết đãi các phòng ban của huyện về làm việc. Đến nỗi Tết vừa rồi cái bánh chưng cũng không gói được, tối ba mươi bác trưởng còn phải bảo con mang ra cho cặp bánh thờ". Dĩnh nghe cô vợ nhà giáo vốn nói năng từ tốn, nhẹ nhàng mà giờ lại băm bổ, chát chúa, tự nhiên như người mất thăng bằng, đang ngồi trên xa lông bỗng đổ người ra phía sau, mặt xám xịt như miếng thịt trâu thiu, mắt rần rật những tia vằn đo đỏ. Chẳng biết là bực dọc hay sao lại đờ đẫn người ra thế. Nhìn chồng ngồi ật ra ghế, vợ Dĩnh nghĩ ngay đến chứng tim mạch của chồng lại có vấn đề, vội từ ghế bên kia đi sang cầm hai tay chồng để buông xuôi.
Hải Phòng, 3-2011