“Mẹ…” Tosia vào bếp, ngồi đối diện với tôi.
Tôi mang mười bảy bức thư từ tòa soạn về nhà (một số đã được bóc ra) và vứt chỏng chơ ở đó. Còn giờ tôi đang bận bịu với công việc hiệu quả hơn, nghĩa là xả đá tủ lạnh. Hiệu quả hơn bởi công việc này đem lại kết quả ngay lập tức, ngược lại với việc trả lời mười bảy bức thư kia.
“Mẹ ơi...”
“Có gì vậy con gái?” Tôi dịu dàng hỏi, trong lòng háo hức vì con gái tôi có việc cần tôi không thể chậm trễ được.
“Con tổ chức lễ sinh nhật được không hả mẹ?” Bánh mì cắt lát kẹp thịt, pho mát vàng và kem mayonne dừng lại ngay trước miệng tôi.
“Con định mời những ai?” Tôi hỏi.
“Thì người thân thôi,” Tosia ngạc nhiên trả lời.
Con gái tôi sắp tròn mười tám. Nhưng đến sinh nhật nó còn những ba tuần nữa.
“Mẹ quên đúng không?”
Làm sao tôi quên được. Không người mẹ nào lại quên ngày sinh của con mình. Tôi chỉ đang không rõ Tosia muốn tổ chức ra sao, trong nội bộ gia đình hay mời thật đông. Không biết nó có định mời cả cái thằng Jakub chết tiệt đã bỏ rơi nó hay không.
Khi Tosia chào đời, gã hiện ở với Jola vẫn còn là một người chồng biết chăm lo cho gia đình. Lúc đêm thâu, khi bụng đau dữ dội, tôi đánh thức anh ta và nhận được câu nói:
“Anh đang nằm canh cho em ngủ đây rồi còn gì.” Nói đoạn anh ta lật mình, quay người sang phía bên kia. Thế đấy, thử hỏi sao tôi có thể quên được cái đêm Tosia sắp chào đời? Không bao giờ!
Tôi tự gội đầu lấy, vì tôi nghĩ, khi sinh nở nên giữ cho tóc tai sạch sẽ. Trước rạng đông, bụng tôi lại đau quằn quại, trong khi “Cựu Chồng tương lai” đang ngáy khò khò bên cạnh. Khi không chịu được nữa, tôi bèn lay anh ta dậy và báo rằng cứ một phút tôi lại lên cơn đau quặn, anh ta nhảy khỏi giường như người bị bỏng, miệng quát tháo om sòm, mặt mày thì tái mét, nhìn anh ta lúc đó gần như ngất xỉu. Tôi gọi điện cho bố mẹ. Bố tôi thậm chí không kịp khuyên tôi nên làm gì, vì hình như ông cũng sắp ngất. Cuối cùng, mẹ tôi gọi taxi và người ta đưa tôi đến bệnh viện. Lúc chín giờ sáng Tosia khóc oa oa báo mọi người rằng nó đang hiện diện trên thế giới này. Còn “Cựu Chồng tương lai” ngồi ngoài phòng đợi đến tận hai giờ chiều bởi không một ai thông báo cho anh ta là việc sinh em bé mất tới ngần ấy thời gian. Ôi, cái thời...
Chuyện này xảy ra cách đây đã gần mười tám năm, vậy mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Bây giờ đang ngồi trước mặt tôi là một cô gái sắp đến tuổi trưởng thành, nhưng bên trong vẫn hoàn toàn trẻ con. Tôi đang ngờ rằng con bé muốn mời đến nhà một lũ vừa trẻ người non dạ vừa bướng bỉnh như nhau. Sẽ có chừng năm mươi con ngựa non háu đá kéo đến ngôi nhà này và tôi sẽ phải cho chúng ăn. Nhất định chúng sẽ mang rượu đến, ngụy trang trong các túi khác nhau để che mắt tôi. Và lạy Chúa, thậm chí rất có thể chúng sẽ mang cả ma túy đến. Chúng sẽ phá phách ngôi nhà nhỏ bé của chúng tôi, khiến tôi điên đầu.
Năm ngoái, mấy đứa bạn gái của Tosia tổ chức sinh nhật lần thứ mười tám (cô con gái tội nghiệp của tôi là một đứa bé có tiềm năng, tôi cho nó đi học sớm một năm vì nó chán học mẫu giáo) và ở đó đã xảy ra vô số chuyện lộn xộn. Bố mẹ của một cô bé bạn nó đã tổ chức lễ sinh nhật cho con gái tại khách sạn Brostal và tốn những ba mươi ngàn zloty. Chẳng lẽ Tosia cũng muốn tổ chức lễ sinh nhật tại khách sạn? Mới đây thôi tôi vẫn nghĩ rằng mình có một đứa con khôn ngoan. Hay là nó chỉ muốn phá tan nhà mình thôi?
Tôi thở dài não nuột.
“Con định mời bao nhiêu người?”
“Chính thế đó, mẹ ơi...”
Tôi mơ hồ dự cảm rằng, nó sẽ mời không chỉ lớp nó (gồm hai mươi học sinh) mà có lẽ cả mấy lớp cùng khối, vì Tosia có rất nhiều bạn bè. Nhất định nó đã nghĩ tới sáu đứa bạn hồi tiểu học, bởi từ đó đến nay chúng vẫn thường xuyên gặp nhau. Mỗi bạn gái lẽ dĩ nhiên kèm theo một bạn trai, gộp lại cũng phải hơn chục đứa nữa. Tất nhiên còn chưa kể lũ bạn cùng tham gia chuyến đi Thụy Điển với con bé và những đứa bạn nó quen ở bên đó. Thêm cả những đứa bạn ở trại hè cũng khoảng ba mươi tên. Rồi còn họ hàng và hàng xóm. Giá vẫn đang mùa hè thì có thể tổ chức tiệc ngoài vườn, nhưng giờ trời đã lạnh sáu độ. Ba tuần nữa trời sẽ xuống âm sáu độ. Lúc đó mà tổ chức tiệc ngoài vườn thì chẳng hợp lý chút nào, chẳng thà cứ báo trước cho hai trăm khách là họ hãy ăn no trước đã, đến chúc mừng xong là ra về luôn. Bằng cách đó, Tosia có thể đứng bên cổng, tay cầm ly sâm banh và chào từng người khách đi qua.
“... cho nên con không muốn.” Tôi nghe đoạn cuối câu nói của Tosia.
“Con không muốn cái gì?” Tôi trở lại với việc dọn dẹp bếp núc đã bị quyên khuấy.
“Tại sao mẹ không nghe con nói?”
“Mẹ đang nghe đây, mẹ chỉ đang tính nên tổ chức như thế nào.”
“Mẹ ơi, năm ngoái Konrad tổ chức sinh nhật lần thứ mười tám, lũ bạn vì quá say nên đã ném chiếc ti vi nhà anh ấy qua cửa sổ. Còn tại nhà Ania thì đến lượt Konrad quấy phá cùng anh bạn thân nhiều hơn vài tuổi, nghe đâu anh bạn của Konrad bị đuổi học cách đây hai năm…” Tosia ngập ngừng giây lát, tôi bắt đầu điên tiết. Con bé giải thích, vẻ dè chừng trước nét mặt của tôi. “Anh ta có bố làm cảnh sát, nên biết cách ngắt bảng điện giao thông. Anh ta lấy trộm bộ đồng phục cảnh sát của bố, mặc vào rồi ra đứng ở ngã tư. Ngắt điện chỗ đèn hiệu xanh đỏ xong, anh ta bèn đứng ra tự mình điều khiển giao thông. Thế là anh ta bị bắt giam. Hôm đến nhà Ania, Konrad và anh bạn này đã vặt sạch đèn điện ở tầng mười sáu...”
“Đèn điện? Đèn điện nào?” Tôi hốt hoảng hỏi. Giờ tôi mới được biết, con gái tôi đã làm gì ở các buổi tiệc sinh nhật của bạn bè.
“Chuyện thường thôi mà mẹ.” Tosia nhún vai, với tay cầm lấy chiếc bánh mì kẹp thịt tôi chưa ăn hết. “Thực ra các anh ấy chỉ ném có hai bóng đèn, lại là loại bóng không đắt…”
“Tosia! Con hãy thương mẹ! Các con chơi đùa như vậy à? Thế mà con bảo các bạn con là những người bình thường.”
“Ôi, mẹ. Con có kết bạn với Konrad đâu. Con chẳng ném gì qua cửa sổ.” Tosia cười, rồi nghiêm sắc mặt. “Tại nhà Arek, đám con trai đập vỡ sạch bộ cốc pha lê chạm cảnh săn bắn mà bố anh ta sưu tầm được. Arek yêu cầu chúng nó đừng có đụng vào, nhưng mẹ biết đó, bọn con trai mà say bí tỉ thì chẳng gì ngăn nổi chúng nó. Lúc còn tỉnh, Arek theo dõi và canh chừng chúng nó. Nhưng về sau chính anh chàng cũng say mềm đến không biết trời trăng gì nữa, đến nỗi cho cả tàn thuốc vào túi áo sơ mi của chính mình, vì anh ta không nhúc nhích được gì nữa.”
“Tosia!” Rốt cuộc tôi trấn tĩnh lại. “Tại sao con lại có thể thản nhiên kể những chuyện như thế? Có hay ho gì đâu! Con chơi với những hạng người nào vậy?”
“Mẹ thấy không, chính vì thế mà con không thể trò chuyện thật lòng với mẹ được. Nói ngắn gọn, mẹ không chịu ghi nhận, cuộc sống là như thế.”
“Cuộc sống của ai?” Tôi đùng đùng nổi giận. “Của các bạn con hay của con?”
“Ý con không phải thế, nhưng những chuyện như vậy vẫn thường xảy ra. Và chắc chắn cả với mẹ nữa, chỉ có điều tất cả mọi người đều giả dối. Bố cười khi con kể cho bố nghe những chuyện như vậy.”
Tôi lặng im. Như vậy là tôi đã biết, con gái tôi có những đứa bạn nổi loạn mà có khi không lâu nữa sẽ ngồi tù. Đó là chưa kể chúng còn nghiện rượu. Rõ ràng đám thanh niên ngày nay uống rượu và nghiện hút, trong khi chúng ta, tức đám thanh niên hồi xưa không hề hay biết. Tosia muốn chia sẻ với tôi cảm xúc của mình về các buổi sinh nhật lần thứ mười tám của bạn bè nó. Nhưng mặt khác nó cũng muốn nói, khi con cái nói thì bố mẹ chớ nên mắng át ngay lập tức. Thực ra, bản thân tôi cũng đã từng tham dự những lễ sinh nhật như vậy. Và tôi vẫn còn nhớ như in chuyện gì đã xảy ra ở đó.
Nhìn con gái, tôi thầm nghĩ, mình đang làm một điều không nên. Đó chính là cái điều tương tự tôi từng gặp phải hồi mười tám tuổi. Hồi đó, khi mẹ tôi ngồi trước mặt và nói điều tôi đang nói bây giờ, tôi đã trịnh trọng thề với mình rằng, sẽ không bao giờ, không bao giờ tôi lại nói như vậy với con mình.
“Hồi mẹ ở tuổi con…” Tôi nói, Tosia trợn tròn hai mắt, tôi để ý ngay, “mẹ cũng đã từng nhiều phen gặp phiền toái. Lễ sinh nhật cuối cùng bà cho phép mẹ tổ chức ở nhà cũng đã có kết cục không hay...” Tôi đăm chiêu, còn Tosia nhìn tôi đầy hy vọng. “Trong số các bạn đến dự hôm đó có một anh chàng tên là Srednik. Ai cũng biết, chỗ nào Srednik đến là y như rằng ở đó có chuyện. Mẹ không quen Srednik, nhưng anh ta chơi thân với Zbyszek, anh chàng mẹ từng phải lòng. Khi bà đồng ý cho mẹ tổ chức lễ sinh nhật tại nhà, mẹ đã hứa là sẽ không có một giọt rượu nào. Mẹ đã yêu cầu bạn bè đừng ai dẫn Srednik đến. Bạn bè của mẹ đến đông đủ, cực kỳ nghiêm chỉnh, còn ông bà ngoại rủ nhau đi xem hát. Thế rồi, lúc tám rưỡi tối chuông cổng vang lên. Người thợ sửa ống nước xuất hiện trước cửa, anh ta thông báo rằng nước chảy sang mấy nhà hàng xóm. Mẹ đành cho anh ta vào nhà tắm. Thậm chí mẹ không hề để ý rằng anh ta cứ ngồi lì trong đó, còn lũ con trai thì lần lượt biến vào trong nhà tắm mãi sau mới ra, càng lúc thái độ của chúng càng kỳ cục. Mẹ sinh nghi và đoán chắc chúng nó mang lén rượu vang đến, nhưng một chai vang thì thấm tháp gì nên mẹ không quan tâm nữa. Sau đó tay thợ ống nước đi sang nhà bếp, anh ta nói trong nhà bếp cũng đang có gì đó trục trặc. Ngày hôm sau, khi nấu cơm trưa, bà mới phát hiện ra, rượu để trong tủ lạnh đã bị tráo thành trà chanh. Hóa ra Srednik đã giả danh thợ chữa nước để được thỏa sức chơi bời tại lễ sinh nhật mẹ. Anh ta đã giấu rượu trong túi xách của mình. Nhưng mẹ không hề biết.”
“Chính thế đó, mẹ ơi!” Tosia mừng ra mặt. “Chính vì thế mà con không muốn mời ai đến dự lễ sinh nhật thứ mười tám của con. Chỉ gia đình mình thôi.”
“Sao con lại không muốn?” Tôi ngạc nhiên. “Không mời ai cả hay sao?”
“Con đã nói với mẹ rồi còn gì, chỉ nội bộ gia đình thôi. Để mọi việc bình thường, sao cho chúng nó khỏi phá phách mọi thứ. Con làm như vậy có hay không nào?”
Một ý nghĩ chẳng dễ chịu gì vụt hiện trong đầu tôi: ngày sinh nhật thứ mười tám của Tosia, tôi chẳng những sẽ chung vui với gia đình cũ (bố mẹ tôi) mà còn với cả gia đình mới của chồng cũ.
“Mẹ hiểu, con muốn mời bố và… của bố.” Từ “vợ” không muốn chui ra khỏi họng tôi. “… và Jola chứ gì?”
“Không, mình bố thôi, mẹ ạ. Jola đi Krakow rồi, cô ấy đến đó thăm bố mẹ cô ấy một thời gian, bố đang ở nhà một mình. Con đã tính rồi, chỉ mời ông bà ngoại, bố, cô chú Agnieszka và Grzes, có thể cả dì Marylka nữa. Tối hôm đó cả nhà mình sẽ ăn mừng sinh nhật con trong không khí đầm ấm. Con sẽ giúp mẹ làm món gì đó ngon ngon… được không?”
Một buổi tối chung vui với Cựu Chồng trong khi Adam đang ở tận nước Mỹ suy đồi. Tôi tự hỏi rồi sẽ ra sao?
Sẽ chẳng ra làm sao cả. Tại sao Cựu Chồng không đi Krakow cùng cô vợ trẻ và đứa con mới sinh của anh ta? Sao anh ta lại chấp nhận chia lìa với cô vợ thân hình mảnh mai, dễ thương, không bị rỗ mặt và không có răng vàng? Sao anh ta lại để vợ đi một mình như vậy, sao anh ta xuẩn ngốc đến thế? Nhưng mặt khác, Tosia có quyền được có bố mẹ ở bên trong ngày trọng đại của nó.
“Được thôi, con gái ạ!” Tôi nói. “Con mời ai tùy con, và con sẽ có một lễ sinh nhật tuyệt vời! Con sẽ nhận được từ mẹ…”
“Mẹ đừng nói trước cho con!” Tosia nói toáng lên. “Con thích bất ngờ cơ! Con rất cảm ơn mẹ, con sẽ nói với bố. Mà mẹ ơi, tất nhiên sẽ có cả anh Jakub nữa, con xin mẹ đừng có nạt nộ anh ấy. Hôm đó anh ấy gặp Ewka chỉ là tình cờ thôi chứ không phải hẹn hò. Anh ấy bảo hôm anh ấy đến nhà để thanh minh thì mẹ vác dao ra đuổi anh ấy. Đó chỉ là hiểu lầm thôi.”
Tôi dọn bàn làm việc, dồn thư từ thành đống và ra ngồi trước máy tính. Đúng ra tôi phải mừng, vì mấy trăm con người lẽ ra sẽ đến làm khách tại ngôi nhà bé nhỏ của tôi giờ đã lùi ra xa với khoảng cách an toàn, nhưng không hiểu sao tôi chỉ thấy lo. Tất nhiên, tôi sẽ tổ chức sinh nhật cho Tosia. Biết đâu một ngày nào đó nó sẽ thấu hiểu sự hy sinh của tôi. Chỉ mong con bé hiểu cho một điều, tôi ly dị không phải để bây giờ lại gặp Cựu Chồng. Và có đúng là tôi đã can thiệp vào chuyện thằng Jakub không? Tôi nhớ là hôm nó đến tôi đang thái thịt, thế nhưng sao lại nói là tôi vác dao ra dọa nó?
Tôi sẽ không can thiệp vào chuyện thằng Jakub nữa đâu, với cả can thiệp để mà làm gì? Chúng nó thanh minh và vui vẻ với nhau, còn tôi hằng đêm không ngủ được, thật chẳng ra làm sao, tôi thở dài rồi bật máy tính. Một hồi lâu tôi cố nối mạng nhưng không được. Thế là tôi không hồi âm được cho Adam.
* * *
Hôm nay Cựu Chồng gọi điện cho tôi. Tôi đã mở miệng định gọi Tosia đến nghe máy, nhưng Cựu Chồng không để cho tôi kịp cất lời. Anh ta xin lỗi rối rít vì gọi điện bất chợt và nói rằng không phải anh ta gọi cho Tosia mà là muốn nói chuyện với tôi. Anh ta muốn tham khảo ý kiến của tôi về việc mua quà tặng cho Tosia nhân ngày sinh thứ mười tám của con bé. Anh ta rất vui và cảm ơn về lời mời. Cựu Chồng còn hỏi thăm bố mẹ tôi thế nào? Con Borys ra sao? Tôi sống ra sao? Vân vân và vân vân. Tôi sống đàng hoàng, xin cảm ơn. Tosia muốn chúng tôi tặng con bé một bộ dàn âm thanh và Cựu Chồng muốn được đóng góp phần nhiều hơn trong khoản chi phí này. Anh ta nói sẽ rất hay nếu như chúng tôi cùng nhau đi mua dàn loa đó, và rằng liệu cả hai có thể gặp nhau để bàn bạc?
Tôi ngồi lì ba ngày liền để viết bài báo mà phân nửa lời lẽ ý tứ chẳng hề mang chút lạc quan. Một chị viết thư đến tòa soạn nói rằng đã tràn trề hy vọng đổi đời. Tiếc rằng, ngân hàng cho chị ta vay tiền ngay lập tức đòi trả nợ, hình như có trục trặc gì đó, vân vân… Thế là chị ta không một xu dính túi, lại kèm theo một đống nợ. Kết quả là chị ta không thể hoàn thành dự án xây dựng nhà xưởng. Nếu thiếu cơ ngơi này, công ty chị ta sẽ không thể hoạt động và đứng trước nguy cơ phá sản. Trong thư, chị ta cầu mong được chúng tôi giúp đỡ. Thật là mừng, bây giờ vẫn còn có người tin vào sức mạnh của báo chí. Tôi định trả lời nhưng Cựu Chồng đang muốn gặp tôi ngay. Liệu tôi có nên dành thời gian đi làm cái việc ngu xuẩn là gặp gỡ anh ta hay không?
“Với cả anh muốn nói chuyện với em về Tosia.” Cựu Chồng thủ thỉ vào ống nghe, ngay lập tức tôi điên tiết. “Anh chẳng biết tại sao, hay là con bé cần được giúp đỡ. Dạo này nó là lạ thế nào ấy…”
Suốt mười tám năm ròng anh ta hầu như chỉ có một câu để hỏi, tùy thuộc vào tuổi của Tosia. Bảo là hỏi han thì có lẽ còn là quá nhiều, Cựu Chồng là một chuyên gia đặt toàn những câu hỏi vô duyên.
Hồi Tosia còn là đứa trẻ sơ sinh:
“Tại sao hết đêm này sang đêm khác con bé không chịu ngủ?”
“Tại sao những đứa trẻ con khác lại ngủ ngoan?”
“Tại sao con bé đau bụng?”
“Tại sao tã lót sặc mùi nước tiểu?”
Còn sau đó:
“Tại sao nó không làm bài tập?”
“Tại sao những đứa trẻ khác vẫn hoàn thành bài tập đúng hạn?”
“Tại sao con bé không có gì đẹp để mặc?”
“Tại sao con gái vô lễ với anh?”
“Tại sao con bé nấu cháo điện thoại lâu như vậy?”
“Tại sao con bé gặp gỡ thằng nhóc này?”
Tại sao, tại sao, tại sao… Đến bây giờ tôi đâm dị ứng với những câu hỏi “tại sao”. Đã thế, sau những câu như vậy sẽ là những câu đại loại thế này: Em phải làm gì đó với chuyện này đi chứ! Và tôi đã làm, giải quyết tất. Chẳng hiểu sao bây giờ bỗng dưng anh ta lại dành sự chăm sóc đặc biệt đối với một thiếu nữ đã trưởng thành. Tôi thấy lo ngại, vì có thể anh ta biết điều gì đó tôi không biết.
“Tosia? Là lạ ư?”
“Judyta ơi! Ta gặp nhau nhé, anh xin em!”
Chuyện nghe có vẻ nghiêm túc tới nỗi, tôi đồng ý hẹn gặp Cựu Chồng vào thứ Sáu. Thôi kệ, rồi Jola sẽ có chuyện mà kêu la, chứ tôi thì không.
Đáng tiếc không có Adam ở đây. Anh có thể khuyên tôi nên nói chuyện với Cựu Chồng như thế nào để khỏi tổn hại quan hệ mẹ con với Tosia.
Nhưng tôi còn biết làm gì khi không chịu nổi chồng cũ của mình?
* * *
Tôi lên xe lửa nội đô, đi đến tòa soạn. Tôi cầm trong tay đĩa mềm có chứa bài báo vừa viết xong. Đó là một bài báo không tồi, trong đó viết rằng khi bắt tay vào cuộc sống mới ta cần phải hết sức dè chừng. Ai cũng dễ bị ảo tưởng rằng có thể thay đổi tất cả, thế nên trong môi trường mới đừng sống buông thả, hãy biết chăm lo cuộc sống thường nhật.
Tôi nộp bài, công việc ở tòa soạn đỡ căng hơn một chút. Số tạp chí mới đã ấn hành, giờ tôi cứ việc đàng hoàng mà về sớm, khỏi cần giải thích cho bất kỳ ai. Tôi lên đường đi gặp Cựu Chồng.
Cựu Chồng vô cùng xúc động nói: “Em ơi, con gái của chúng mình đã là người lớn rồi đó. Có ai ngờ chứ, sao mà nhanh đến thế...”
Có ta, gã ngốc ơi, có ta nhận ra điều đó, trước giờ đã bao giờ nhà ngươi bận tâm đến con bé đâu.
“Giờ đây chúng mình có thể làm cho con bé vui. Hẳn Tosia sẽ rất mừng, vì vào ngày trọng đại của con bé, bố mẹ nó lại bên nhau và không còn giận nhau nữa...”
Giờ đây, trong đời ta, ta chẳng còn gì để nói với nhà ngươi nữa đâu. Ngay cả tức giận cũng không.
“Em nghĩ gì về thiết bị này?”
Không nghĩ gì hết. Mọi thứ rối rắm như máy móc, thiết bị đều xa lạ đối với ta, gã ngốc ạ.
“Chao ôi, đúng là đàn bà, cứ thích kiếm tìm những bộ dàn hào nhoáng và đẹp. Trong khi độ nét của giọng bass mới là quan trọng nhất thì không thèm để ý.”
Đôi tai mới quan trọng, gã ngốc điếc đặc ạ.
Tôi còn nhớ có lần bé Tosia đã tháo tung chiếc radio của anh ta. Chao ôi, một đứa trẻ mới tuyệt vời làm sao.
Tôi vẫn còn nhớ trận lôi đình cùng những tiếng sập cửa và câu hỏi vô tâm của anh ta: “Có ai dạy dỗ con bé không?”
Ta đây, chính ta dạy dỗ nó đấy. Tiếc rằng ta đã không dạy nó cách tháo gỡ tất cả mọi máy móc, thiết bị của nhà ngươi, gã ngốc ạ. Chẳng hạn ô tô, ti vi, sổ từ tính có ghi tên Jola... Mà thôi, nói ra làm gì. Không, ta không hề tiếc nuối.
Tôi cười ra vẻ lịch sự và thoải mái, vì tôi đâu cần gì ở anh ta. Adam mà đi cùng thì hay, chúng tôi sẽ có một buổi vui chơi thỏa thích. Tiện thể chúng tôi có thể ghé vào xem chiếc máy rửa bát. Adam cũng có thể nhanh chóng chọn được một bộ dàn. Về các thiết bị âm thanh thì anh là người sành điệu nhất. Chí ít là nhất làng tôi. Và anh khỏi cần tham khảo ý kiến tôi về việc này.
“Nhưng còn độ trong của âm thanh thì sao? Tôi và vợ muốn mua một bộ dàn ra trò nhân dịp sinh nhật lần thứ mười tám của con gái chúng tôi, anh hiểu chứ?”
Tôi và vợ cũ chứ, gã ngốc.
Tôi mỉm cười vui vẻ. Cựu Chồng ngắm nghía bộ dàn âm thanh, ra bộ sành điệu. Còn tôi nghĩ bụng, người đời nói chẳng có sai, đàn ông rất thích đồ chơi. Cho anh ta xem một thứ là lạ đang lập lòe ánh sáng và phát ra âm thanh thôi thì chưa đủ. Ít nhất, anh ta cần biết xem cái thứ đó chạy bằng điện hai trăm hai mươi vôn hay chạy bằng pin, bằng không đừng hòng anh ta bỏ qua một cách yên lành. Tôi thấy Cựu Chồng chẳng khác gì một con công đang khoe mẽ: đuôi cong tớn, lưng thẳng ra, cố ra vẻ am tường dàn máy để làm cho người bán hàng ngạc nhiên và múa may hòng làm cho tôi thích thú.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ về Adam.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!