Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 1


Truyện ngắn 1
Bộ nâu sồng

Mới chạng vạng sáng, bà cụ đã dậy rón rén ra nhà ngoài. Khi bà cụ đến sát sau lưng, anh con trai mới giật thột, quay lại bảo, còn sớm, u dậy làm gì. Bà cụ kéo ghế ngồi, thủng thẳng, nằm cũng chả ngủ được. Nhưng này, u hỏi thật, anh có chuyện gì mà u thấy cả đêm không ngủ thế hả? Có gì đâu, anh con trai chậm rãi. Mà u cũng ngoài bảy mươi rồi, còn bận tâm đến công việc của chúng con làm gì cho nhọc lòng. Ừ, u thấy anh như có điều gì dằn vặt cả đêm không ngủ, u cũng muốn biết.

Nhưng bà cụ chưa kịp biết, nàng dâu từ buồng trong đã lẹp bẹp đôi dép đi ra. Có gì đâu, vẫn là chuyện ao chuôm thôi, u ạ. Nhà con mấy hôm đi miết, u biết đi đâu không? Sang bên Phú Xuân, cái chỗ nước khoáng ấy. Giờ người ta lập, cái gì nhỉ, mới nghe tối qua, giờ đã quên khuấy mất. Kìa, anh Trà, nói lại cho u nghe hộ em với. À, phải rồi, lập khu du lịch sinh thái làng quê. Dài dòng thế bố ai mà nhớ được. Nhưng u biết nhà con sang xem rồi về định làm gì không? Nhưng mặc, định gì thì định, con nhất định không cho làm. Bờ lậm đang tốt um chuối chăn, với dây lang bò lan kín bờ, khoai nước um tùm mặt ao thế kia, giờ lại bảo phá hết đi. Phá hết đi, định không nuôi lợn gà gì nữa chắc. Nhà nông không lợn gà, trâu bò lấy đâu phân gio trồng trọt, cấy hái. Thì cứ cho là mai kia ruộng nương chắc gì còn nổi mỗi khẩu một sào. Mới năm ngoái, năm nay, nội làng này nhà nước đã lấy mấy chục mẫu ruộng lập khu du lịch sinh thái. Lại còn sắp tới làm con đường gì rộng những trăm mét, chạy qua đồng Giữa, cắt đôi làng này với làng ngoài nữa cơ. Hòa, vợ Trà, như bực bõ với chồng cả đêm, giờ mới là lúc bày hết ruột gan ra cho mẹ chồng chứng giám, kẻo rồi, cơm chín chẳng sao, sống, lại hết đổ tại vung lại đổ tại nồi, có nói mấy cũng chẳng lại. Thà cứ ngửa bài trước còn hơn. Con là con hết nhẽ rồi đấy. U có can anh ấy hộ con, hay cứ để nhà con muốn làm gì thì làm, tùy u. Anh chồng nghe chị vợ xả một thôi một hồi, vẫn cứ lẳng lặng ngồi hút thuốc lào vặt. Còn bà mẹ nghe con dâu nói thế khác nào dồn bà vào chân tường. Bảo nàng dâu cứ để chồng mày nó làm, thì sợ nàng dâu phật ý. Mà bảo con trai hãy nghe vợ đi, đừng làm nữa, thì khác nào mẹ chồng dựng nàng dâu lên làm chồng. Có trời sập cũng không thế được, đừng nói thằng Trà. Bà đẻ ra nó, bà biết. Không trông đâu xa, chỉ nhìn ra cái ao ngoài kia thôi. Trước chỉ là cái ao tù chưa đến nửa sào. Thế mà cái năm giao lại ruộng cho các hộ, nó dám đổi hết diện rau cho mấy nhà có ruộng kề bên, để mở rộng ao. Ông ấy không đổi, còn mắng cho té tát. Giữa lúc bố con đang lời qua tiếng lại không bên nào nhún bên nào, ông ấy bực chẳng đã một hai định chia ruộng, cho vợ chồng thằng Trà ra ở riêng; thì hạnh ngộ sao lại có thằng cả dẫn vợ con về. Chẳng hiểu sao hôm ấy nó cũng nói cái câu giống thằng em vừa nãy nói với bà, ông gần bảy mươi rồi (năm ấy ông sáu tám), còn bận tâm đến công việc của chúng nó làm gì cho nhọc lòng. Ông cứ nghỉ cho khoẻ, trẻ quyền cha già quyền con, mặc nó, sức kham nổi nó mới dám kham. Ông xưa nay vẫn nể thằng cả, nghe nói thế, lại thấy vợ chồng dẫn cả hai đứa cháu đích tôn về thì vui ra mặt, giả tảng làm ngơ việc thằng Trà tự ý đổi diện rau lấy ruộng đầm để mở ao. Được thể té nước theo mưa, hôm sau, nó mượn hơn chục người phá tung bờ, mở thông ao với ruộng, rồi đóng cọc, cạp bờ, đào đất đổ lên. Chỉ mấy buổi đã biến bờ ruộng thành bờ vùng. Thế nên bây giờ, sau mấy đận dồn điền đổi thửa, cái ao tù đời cụ nội để lại, mới thành vùng ao rộng hàng mẫu, mà bờ lậm lại cao to như đường cái thế chứ.

Bà mẹ chồng nghe nàng dâu nói, u có can anh ấy hộ con, mà hai tai như có kiến bò lồng trong lỗ. Nói đằng nào cũng khó xuôi, nhưng cũng không thể không nói. Từ ngày ông mất, tiếng là đàn bà, nhưng nói như thằng cả, u vẫn là cây cột cái trong nhà, cho mỗi khi mưa giông gió giật con cháu có chỗ dựa. Giờ không mưa giông gió giật, nhưng nàng dâu nói thế là thể không can chồng được nữa rồi. Nhưng định làm thế nào, vợ chồng bàn soạn với nhau cho thấu nhẽ, người xưa đã dạy, thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn, anh chị ạ. Bà mẹ chồng đưa đôi mắt hom hem vì tuổi tác, dịu dàng nhìn nàng dâu. Nàng dâu như cảm nhận được cái nhìn của mẹ chồng, bất giác quay sang chồng đang ngồi trên ghế, miệng ngậm đầu xe điếu, một tay đón chiếc xe, một tay dặt dặt vào nõ điếu có những sợi thuốc lào đã cháy rạc, rít lấy rít để, làm chiếc điếu bát long lên sòng sọc. Không đợi chồng hút xong điếu thuốc, Hòa vội bảo, rít gì mà rít gớm thế không biết, người trông có khác gì con nhái bén. Câu nói của Hòa, vào vợ chồng nhà khác có khi thượng cẳng chân hạ cẳng tay, vợ nào có thói lại bảo chồng như con nhái bén. Nhưng với vợ chồng Trà thì chưa bao giờ. Không chỉ lần này, Hòa nằm trong giường từ lúc vợ chồng bàn nhau không xuôi, Trà bỏ ra ngoài. Hòa nằm lại một mình đầu cộm lên bao ý nghĩ. Nhưng vẫn dỏng tai chong mắt ra ngoài bàn nước, đếm không sót lần nào chồng la mồi thuốc vào nõ điếu, rồi châm đóm rít sòng sọc, lần này nữa là đúng ba bảy hai mươi mốt điếu thuốc lào, mới từ lúc canh hai đến giờ, thì còn gì là người mà không như con nhái bén. Nghe vợ nói câu ấy không biết bao nhiêu lần, cứ mỗi khi Trà có việc nghĩ ngợi lao lung, lại ngồi hút thuốc lào vô hồi kỳ trận, Hòa gàn không được, lại lôi con nhái bén ra, như ám chỉ dáng người nhỏ thó cao gầy của Trà, lại như đánh thức tận cân não ký ức chưa xa. Ký ức chưa xa vì gần gũi với hai người, chứ thực, đã hăm mấy năm rồi.

Bấy giờ Trà mười lăm, còn Hòa kém Trà hai tuổi, nhưng gái thập tam nam thập lục, Hòa đã biết rủ bạn nam đi chơi chỗ vắng người. Một tối sáng trăng. Hòa rủ Trà ra đồng dưa. Đến giữa ruộng dưa Hòa kêu mỏi chân, đòi ngồi xuống nghỉ. Trà lúc đầu cũng ngại, ngồi trong ruộng dưa thế này, nhỡ tổ coi đồng bắt được thì tình ngay ý gian, không khỏi bị khép tội ăn trộm dưa. Nhưng giọng Hòa nỉ non như hát hay, làm Trà cũng xiêu lòng. Hai đứa ngồi xuống rãnh luống dưa, rồi điều Trà chưa kịp nghĩ, hay chưa khi nào nghĩ, đã lập tức đến. Hòa ôm chặt lấy Trà, đưa cái miệng còn thơm mùi sữa ấp vào môi. Chỉ có thế cũng không còn gì để đến bây giờ, sau hai mươi mấy năm, nghĩa là từ ngày Trà mới mười lăm và Hòa mười ba, đến giờ cả hai đã ngoài bốn mươi mà nghe vợ bảo người như con nhái bén, Trà chẳng những không bực mà còn hềnh hệch cười, nhái bén hử, thử không có nhái bén xem. Đúng là có con nhái bén. Khi Hòa đưa cái miệng còn thơm mùi sữa ấp vào môi Trà, thì bộ ngực với hai cái vú đã chông chổng của Hòa áp sát vào ngực Trà. Bản ngã đàn ông, dù còn những một năm nữa mới sang tuổi thập lục, nhưng sự bừng dậy của đứa con gái chớm tuổi dậy thì đủ đánh thức sự tò mò ở đứa con trai. Trà đưa tay lần từng chiếc cúc áo, để phơi ra ánh trăng vồng ngực Hòa trắng nõn. Cùng lúc, Hòa luồn tay xuống dưới bụng Trà, nhưng bất ngờ bị Trà hất ra, miệng hét toáng, ối giời ôi, con gì! Rồi bật dậy. Thì ra con nhái bén trong ruộng dưa đi ăn sương, nhảy đúng vào bụng Trà. Sự hốt hoảng của Trà làm mấy người coi đồng ở chiếc lều phía đầu bờ nghe thấy, vội tá hỏa đi lùng. Họ bắt được hai đứa trong ruộng dưa, đưa về lều lập biên bản. Tội trạng đã rõ. Không sao đêm hôm đưa nhau ra ruộng dưa. Nhưng để họ kết tội ăn trộm dưa thì xấu mặt với làng xã. Mà nhận đưa nhau đi tâm sự thì cớ sao bờ đồng, đường cái không ngồi, lại chui lủi vào ruộng dưa. Thật là hư đốn, sa sút phẩm chất đạo đức mất rồi, phải lập biên bản gửi lên xã cho công an trị chúng mày mới được. Đến nước ấy thì không thể quanh co được nữa, hai đứa đang đứng nép ngoài cửa, Trà vội chui vào lều, nói với ông tổ trưởng. Dưa thì cháu thề không lấy quả nào, còn bác bảo hư thì cháu xin nhận là hư, nhưng sa sút phẩm chất đạo đức thì thực tình chúng cháu chưa đến mức ấy. Không sa sút phẩm chất đạo đức, sao lại kêu toáng lên, ối giời ơi, giữa đồng không mông quạnh như thế, ông tổ trưởng coi đồng vặn vẹo. Tức thì, Hòa đứng ngoài lều bỗng bật lên tiếng cười khùng khục. Trà hiểu ngay Hòa cười vì cái gì, cũng bật cười theo. Rồi mấy ông coi đồng chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cũng khung khúc cười. Trà thấy thế, vội giải thích, à, lúc ấy cháu kêu lên là vì có con nhái bén ở đâu nhảy vào cổ cháu. Nói trái đi thế, chứ không dám bảo nhảy vào bụng, để mấy người khỏi nghi. Nhưng cháu sợ quá, tưởng là rắn rết gì cơ. Ơ, thế ra thằng nhái bén à, ông tổ trưởng vội chêm lời. Mấy người nữa cũng ồ lên, thằng nhái bén, chỉ mỗi thằng nhái bén cũng sợ són đái ra quần. Thế là một đồn mười, loáng cái chuyện Trà ra đồng dưa, một con nhái bén mới nhảy vào cổ đã sợ són đái ra quần, bay khắp làng trong xóm ngoài, như biểu trưng sự nhút nhát ở một anh chàng chỉ tạng cao kều, chứ chẳng làm nên trò trống gì.

Chẳng làm nên trò trống gì thì lấy vợ, ở nhà làm ruộng. Nhưng Hòa không muốn cả hai ở nhà làm ruộng, thúc Trà phải thi, không đại học thì trung cấp. Trà thi đỗ trung cấp thủy sản. Học xong, ông anh định xin cho đi thoát ly, nhưng Trà một mực bảo em ở nhà trông nom ông bà, chứ hai anh em thoát ly cả, những khi ông bà trái gió trở trời, ai trông nom. Nói thế anh nào anh chả nghe. Vả lại dạo ấy Hòa đang mang thai đứa đầu lòng, một mình không thể cáng đáng nổi hai ông bà già, lại thêm hơn mẫu ruộng khoán. Thế là Trà cầm cái bằng tốt nghiệp trung cấp thủy sản về đưa cho vợ cất dưới đáy hòm đựng thóc. Ngỡ cất kín thế chẳng bao giờ lấy ra. Thế mà cái năm đổi ruộng dồn điền lập vùng ao, hai vợ chồng lại hì hục xúc hết mấy tạ thóc ra mới tìm được cái bằng. Vì cánh ruộng trũng của hợp tác phía ngoài ao nhà Trà chỉ có một mẫu một sào Bắc Bộ, nhưng có tới hai nhà, với Trà là ba, đăng ký đổi ruộng vàn lấy về đấy lập vùng nuôi thả cá. Dàn xếp gần hết buổi không ai nhường ai, bỗng anh cán bộ huyện về chỉ đạo dồn điền đổi thửa ở xã đứng lên, ba người đều muốn lấy cánh mẫu mốt, vậy xin hỏi, có vị nào biết kỹ thuật nuôi trồng thủy sản không? Biết thì hẵng lấy, không biết nên nhường người khác, chứ nuôi thả hàng mẫu cá mà không biết gì về kỹ thuật, có bữa mất cả chỉ lẫn chài, các vị ạ. Anh cán bộ huyện vừa dứt lời, Trà còn đang ý tứ nhìn bác Phong và anh Luân xem thế nào, thì Hòa vụt đứng dậy, có, nhà em có cả bằng tốt nghiệp trung cấp thủy sản nữa cơ. Rồi Hòa vừa xăm xăm bước lại chỗ chồng, vừa oang oang, không tin các bác chờ chúng em một tý. Đi mình ơi, ù về lấy mang ra cho các bác mục sở thị. Ngỡ cái bằng trung cấp thủy sản ngày nào đưa cho vợ cất tận đáy hòm, chẳng bao giờ moi lên nữa, thì đùng một cái năm dồn điền đổi thửa, nhờ có cái bằng mà vợ chồng Trà được đổi cả mẫu mốt ruộng trũng, để mở cái ao con thành vùng rộng như bây giờ. Rồi những năm tháng tối mắt với ao chuôm, cá mú làm Trà không còn thì giờ nghĩ đến tháng ngày hồn nhiên, tươi trẻ nữa. Duy biệt danh con nhái bén không nhắc đến thì thôi, nhắc đến là Trà lại nhớ cồn cào.

Thế nên nghe vợ cẳn nhẳn, mới từ lúc canh hai đến giờ đã rít sòng sọc hai mươi mốt điếu thuốc lào, còn gì là người mà không như con nhái bén, thì Trà cũng chẳng lấy thế làm giận, mà còn như một cơ hội, bắt ngay lấy, bảo Hòa, như con nhái bén mà ngày ấy ối đứa chết đấy. Hòa định nói câu gì, nhưng lại liếc nhìn mẹ chồng, rồi im bặt. Trà như được thể, dấn thêm, nói thế thôi, đây trông như con nhái bén nhưng cả năm đã đi bệnh viện ngày nào chưa. Trà không giận được ai bao giờ, bực đến chết cũng chỉ một lúc, rồi lại cười nói bô bô được ngay. Chỉ phải cái cả nghĩ hay lo, định làm gì thì lao lung nghĩ ngợi đến quên ăn, quên ngủ. Hòa từ nãy vẫn có ý hỏi, nhưng chưa gặp lúc, giờ thấy chồng xởi lởi, liền kéo ghế lại gần, nhìn thẳng vào khuôn mặt chữ điền với hai hàng mi dày, đôi mắt to, sáng lóng lánh của chồng dịu dàng hỏi, ừ thôi, cứ cho là cả nhà nhất trí rồi đi, giờ ba mặt một lời, có u nữa đây, anh muốn làm thế nào, nói lại cho cả u nghe đi, làm hết bao nhiêu, vay mượn ở đâu? Còn như hồi đêm bảo vay vợ chồng bác cả là em mặc anh đấy. Không, không phải là em tiếc mấy khóm chuối và đám khoai nước, khoai lang, mà thực tình cũng tiếc công bỏ ra bao năm mới được thế, chứ sao không. Nhưng thôi, em cũng nghe anh, vì con cái. Cái Hưởng học đại học ngoại ngữ mãi trên Hà Nội cũng tốn kém lắm, chỉ tiền thuê nhà trọ đã tháng năm, bảy trăm nghìn. Lại còn thằng Thăng lên lớp mười, đi học mãi trên huyện. Nghèo thì nghèo rồi cũng phải mua cho cái xe đạp, chứ chả lẽ con người ta xe đạp cả, con mình lẽo đẽo đi bộ mãi. Thôi thì em cũng nghe anh, vì con cái, một liều ba bảy cũng liều lần này nữa. Cầu mong các cụ hai bên nội ngoại phù hộ cho được như cái đận dồn điền đổi thửa mở rộng ao năm nọ, thì dẫu có phải ăn đói mặc rách mà vài năm thu về được vốn, cũng cam lòng. Gớm, em nói gì nghe thiểu não thế, Trà mở hộp thuốc lào vê vê mấy sợi đặt vào nõ điếu, chợt ngẩng lên bảo vợ, xưa nay các cụ vẫn dạy nuôi cá gá bạc, huống hồ mình lại dưới ao nuôi cá, trên bờ dựng chòi, làm lều cho người ta thuê ngồi chơi câu cá, lo gì không thu hồi được vốn. Khéo làm, chỉ vài năm có lãi. Nhưng cái việc dựng chòi, làm lều lại không lo bằng làm đường đi trên bờ ao. Tiếng là đường không rộng, chỉ chừng bốn mươi phân giữa bờ ao thôi, nhưng vùng nhà mình rộng hàng mẫu, nên chỉ cát đá, xi măng, mới tính sơ đã vài chục triệu. Chưa kể sắt thép, xi măng đổ cột bê tông dựng chòi xuống ao và tre, gỗ, lá làm lều trên bờ, cũng tốn mươi triệu nữa. Thế mà anh lại định vay tiền vợ chồng bác cả, Hòa nghe chồng nhẩm tính đến đấy vội nói chen, dẫu có, bác ấy cũng chẳng cho anh vay món tiền lớn thế. Lớn với mình, chứ ông bà ấy mấy chục triệu là cái gì. Dạo con Thu đỗ đại học, còn mua thưởng cho chiếc xe những ba mươi mấy triệu cơ mà. Mua xe cho con ba mươi mấy triệu đâu không biết, chỉ biết mới tháng trước u ốm nằm bệnh viện, vợ chồng bác ấy về cho u được đúng năm mươi nghìn. Với u còn thế nữa là vợ chồng mình, anh em kiến giả nhất phận, anh đừng có lên đấy vay, kẻo không vay thì còn, vay lại mất cả tình anh em. Trà ra ý bênh anh, vội nói trái, u là mẹ liệt sĩ, ốm đau nằm bệnh viện đã có nhà nước, chứ tốn kém gì nữa đâu mà cần tiền. Nhưng mẹ chồng nghe nàng dâu nói thế cũng là phải, tránh voi chẳng xấu mặt nào, bảo con trai, nếu nhất quyết làm thì liệu có thể vay mượn chỗ khác được không? Nàng dâu nói ngay, hồi đêm con cũng bàn làm đơn vay ngân hàng, nhưng nhà con còn ngại, vì vay ngân hàng là phải thế chấp... Mà thế chấp thì... Kìa, mình...! Nghe vợ nói đến đấy, Trà vội can không cho Hòa nói trắng ra rằng, vay ngân hàng là phải thế chấp nhà đất. Bởi lâu nay Trà vẫn ngại động đến chuyện nhà cửa, đất cát thổ cư ông cha để lại. Tiếng là vợ chồng Trà đang ở với mẹ và giỗ chạp, Tết nhất thờ cúng tiên tổ như cháu trưởng đích tôn, nhưng thực, Trà không phải là trưởng, cũng chưa bao giờ được ông anh cả giao cho thay mặt ông ấy ở nhà làm trưởng. Thế nên sổ hộ khẩu, đất cát thổ cư trước ghi tên ông, bà; sau ngày ông mất, bà vẫn là chủ hộ, chứ chưa sang tên cho anh nào. Tiếng giờ chỉ còn hai anh em, nhưng ông bà còn người con trai nữa ở trên Trà, đi bộ đội hy sinh trên biên giới, dẫu vợ đã xuất giá nhưng vẫn nuôi đứa con trai, cháu gọi Trà bằng chú ruột. Thế nên để không sao, thử động vào xem, không khéo mất cả tình anh em vì tí thổ cư. Nên nói đến vay tiền ngân hàng phải thế chấp nhà đất là không những Hòa, mà cả Trà cũng thấy bứt rứt, không nỡ. Bà cụ bảo con trai và nàng dâu, ừ, vợ chồng nghĩ thế cũng phải, nhưng theo u thì thằng Trà cứ lên thành phố hỏi anh cả xem. Nói đến đấy bà cụ như bỗng nhớ ra, hay là bây giờ còn sớm, vợ chồng nó chưa đi làm đâu, thằng Trà bấm điện thoại để u nói chuyện với anh chị ấy cho. Thế còn gì bằng, bác cả vẫn bảo u là cây cột cái trong nhà, có u nói cho một câu, bằng vợ chồng con nói bã bọt mép. Trà xăng xái đứng lên cầm điện thoại gọi. Dạ, em, Trà mà! Anh nói chuyện với u nhá. Không đợi con trai gọi, bà cụ đến bên đón chiếc máy nghe từ tay Trà. Trong lúc bà cụ nói, vợ chồng Trà như cùng ghé vào bên tai bà cụ đang nghe máy. Chốc chốc cả hai lại chỉ chỏ nhau cười, làm bà cụ có lúc như cố nói to trong máy, con nói lại đi, thế hả, anh em lọt sàng xuống nia, vợ chồng con giờ là người thành phố, thiết gì tí đất ở quê. Bà cụ nghe đến đấy bỗng đệt mặt ra, giây lát như bỗng nhớ ra có vợ chồng Trà đứng cạnh, lại nói tiếp, giọng nhỏ hẳn lại, thôi tùy con. Nhưng anh cũng nói với chị ấy cho em một câu. Thương em, nhưng cũng phải thuận vợ thuận chồng, con ạ. Thế ra mẹ cái Thu cũng đứng đấy à. Ừ, u chào con. Không chờ bà cụ úp máy, mới nghe đến đấy là vợ chồng Trà quay ra, rồi không nén được niềm vui, vội ôm chầm lấy nhau ngay trước mặt mẹ. Bà cụ nhìn con trai đang bế bổng nàng dâu lên như trẻ con, lòng bỗng man mác niềm vui nỗi buồn, nhưng không muốn để nàng dâu biết, vội mắng con, cha bố anh, phát cuồng rồi đấy. Không phát cuồng sao được, vợ chồng anh cả chẳng những đồng ý cho vợ chồng chú em thế chấp nhà đất, mà còn nói thẳng thừng, giờ là người thành phố, thiết gì tí đất ở quê, vậy thì thả sức cầm sổ đỏ, vay năm chục chứ trăm triệu ngân hàng duyệt ơ.

Thế nên, ngân hàng huyện mới chỉ nhận hồ sơ vay hôm trước, hôm sau Trà đã về hét vợ con nhổ hết khoai lang trên bờ, khoai nước dưới ao, rồi chuối chăn phá hết. Thay vào những khóm chuối tốt như rừng quanh ao, Trà mượn người, thuê ô tô sang trung tâm giống cây trồng tỉnh mua về trồng toàn một loại hồng không hạt. Mới đấy mà giờ cây nào cây ấy đã trĩu trịt quả. Những cây hồng với những phiến lá to ôm lấy quả đỏ tươi. Quanh vùng ao nhà Trà chỉ có rặt một loại hồng, cây chen cây đứng thành rừng hồng xanh mướt bốn mặt bờ ao, vào mùa quả chín cây nào cây ấy cứ đỏ ối cả lên. Không chỉ người ở xa, ngay người làng mỗi khi có việc đi qua cũng không thể không bị vùng ao nhà Trà hút tầm mắt. Còn người ở xa, chưa đến thì thôi, đến một lần lại muốn đến nữa. Bởi người ở xa đến thì không thể không dừng lại lâu, thả bộ quanh ao, nhìn rừng hồng trên bờ, ngắm con cá dưới nước. Ngay bờ ao cứ một đoạn, một đoạn Trà lại làm một cái lều, giống hệt cái lều tổ coi dưa năm đã lâu, cũng hai mái một nóc lợp rạ, trong kê chiếc chõng tre để người ngồi câu cá mà vẫn có thể ăn uống, chơi cờ tướng, tú lơ khơ, hoặc nằm nghỉ thoải mái. Lều trên bờ giống hệt lều người coi dưa, thì những chiếc chòi dưới ao lại làm giống kiểu nhà nổi trên mặt nước. Còn dưới ao thì khỏi nói, ngay từ ngày chưa cải tạo ao thành điểm du lịch đồng quê, dưới làn nước nhàn nhạt kia đã luôn xôn xao gợn sóng, bởi từng đàn cá trắm, chép, mè, trôi, rô phi lũ lượt kéo đi ăn mồi. Bây giờ vùng ao càng trở nên sinh động, nhất là vào thứ bảy, chủ nhật những người điều dưỡng và du khách bên khu nước khoáng nóng và du lịch sinh thái Phú Xuân từng tốp, từng tốp đưa nhau sang nhìn vùng ao, ngắm rặng hồng, có tốp thuê lều và cần câu ngồi câu cả buổi, được cá ngon là mua, bảo nhà chủ rán nấu, rồi ngả rượu bia ra uống ngay trên mặt nước bì bũm tiếng cá quẫy. Thế nên, ngày vắng khách không nói, chứ ngày đông thì hai vợ chồng, hai đứa con, lắm hôm cả bà cụ nữa, cứ tất bật ngoài vùng ao từ sáng đến chiều. Được cái dịp đông khách cũng là mùa hè, cái Hưởng, thằng Thăng được nghỉ học. Gì chứ việc đưa mồi câu, hướng dẫn khách đi xem ao thì thằng Thăng làm nhanh nhẹn. Chỉ khi khách là người nước ngoài đi hai, ba người, lại không có phiên dịch, thì thôi đấy, cả thằng Thăng, rồi bố Trà, mẹ Hòa đều ngớ ra, chẳng còn hiểu họ bi bô thế là nghĩa làm sao nữa. Cũng may những khách như thế không nhiều.

Nhưng cũng có lần. Hôm ấy may cái Hưởng ở nhà, có ba người khách Tây, hai nam, một nữ đi xe ôm đến. Tới nơi khách đi xem phong cảnh ao chuôm, cây quả ngay. Nhưng chưa hết lượt ao đã dừng chân, nói với nhau câu gì đấy, rồi cả ba đều quay lại. Trà đang đi sau đoàn khách bên Thái Bình sang, thấy thế vội quay lại, ra hiệu hỏi, quý vị cần gì? Ba người kia dừng lại, một người cao to, trông có lẽ nhiều tuổi hơn, dễ đến năm mươi ngoài, đưa chiếc túi khoác vai cho người đàn bà, dễ kém ông ta vài tuổi, rồi đưa hai tay lên ngang vai ra hiệu vuốt vuốt xuống bụng, lại xuống đầu gối. Trà hết nhìn ông ta lại nhìn người đàn bà, chợt hiểu là hai vợ chồng, còn người thanh niên đeo cái túi tổ bố như ba lô sau lưng, chắc là con trai họ. Chợt nghĩ họ là một gia đình, vội gọi sang phía bờ bên kia bảo con gái, đoàn khách ấy có phiên dịch rồi, con sang đây xem vợ chồng ông Tây này cần gì hộ bố với. Khi Hưởng sang đến nơi, hỏi, thì đúng là một gia đình, hai vợ chồng và cậu con trai, lần đầu đi du lịch sang Việt Nam. Còn khi nãy ông Tây ra hiệu muốn hỏi bố là nhà mình có bộ quần áo nào may kiểu rồng rộng, chùng chùng đến dưới chân không? Con thử hỏi lại ông ấy xem, quần áo gì lại vừa rộng, vừa chùng đến dưới chân. Cô con gái chuyển ngữ lời bố nói. Ông Tây vừa định ra hiệu lần nữa thì bà vợ chỉ tay vào trong sân, chắc là bảo vào trong kia cho dễ chuyện trò. Cả năm người liền đi vào sân. Bà cụ ở trong nhà ra, thấy thế bảo, sao bố con không mời người ta vào trong nhà ngồi uống chén nước mà lại đứng ngoài sân thế. Trà bảo con gái dịch lời mời hai ông bà và anh vào trong nhà ngồi chơi xơi nước với gia đình đã. Khi hai vợ chồng và cậu con ông bà Tây yên vị chỗ bàn ghế xa lông kê giữa nhà, ông Tây mới bảo con trai lấy trong ba lô ra quyển sổ tay. Ông cầm quyển sổ, cẩn thận rút từ trong bìa ni lông ra tấm ảnh, rồi giơ ra trước mặt bố con Trà. Thoáng nhìn Trà nhận ra trong ảnh là người đàn ông đang đứng bên cây cau, cạnh đó là cái chum, phía trên cái chum là tàu cau buộc ngang thân cây, có một đầu chõ vào miệng chum. Một cây cau có cái chum đặt dưới gốc hứng nước mưa, vài chục năm trước hay thấy ở làng quê. Ngay nhà Trà hồi ông cụ còn sống cũng có mấy cây cau trước cửa nhà, cạnh bờ ao hứng nước mưa vào chum vại. Nhưng Trà nhìn mãi không nhận ra người trong ảnh. Chỉ thấy một người đàn ông dáng tầm thước, khuôn mặt lưỡi cày, đầu đội mũ phớt dạ, vận quần áo nâu hơi cộc so với khổ người, chiếc áo có đủ hai túi ở hai bên vạt dưới, còn quần thì ở phía trước có hai cái đầu dải rút dài lõng thõng dưới vạt áo, kiểu ông già ngày xưa mặc quần lá tọa thường không giắt dải rút vào cạp quần. Nhìn kỹ người mặc quần áo ta trong ảnh, hình như lại không phải người ta. Cô con gái thấy bố nhìn mãi tấm ảnh, rồi buông giọng hồ nghi, vội quay sang hỏi vợ chồng ông Tây, ông bà có thể cho biết người trong ảnh là ai không ạ? Nghe Hưởng hỏi, ông khách tỏ ra khoái chí, nheo mắt cười, được, được. Rồi nhoài người qua bàn nước, nhận lại tấm ảnh từ tay Trà, nói chậm rãi như để ông ta nói đến đâu, cô con gái kịp dịch lại cho ông bố nghe đến đấy. Đây là cha tôi. Ông có sở thích đi đâu xa, khi về cũng mang theo vật gì làm kỷ niệm, khi là mấy tấm ảnh, khi là sản vật độc đáo của nơi ông đến. Một lần sang Việt Nam, ông được một đồng nghiệp người Việt dẫn đi chơi một làng ven đô. Khi vào nhà một người nông dân, thấy ông chủ vừa đi đâu về, còn vận nguyên bộ quần áo nâu, trông đẹp và nền nã quá. Cha tôi liền nhờ người bạn nói với ông chủ nhà cho mượn bộ quần áo, để cha tôi mặc chụp kiểu ảnh làm kỷ niệm. Ông chủ nhà mến khách và dễ tính, vào ngay trong buồng thay bộ quần áo khác. Lúc đưa bộ quần áo cho cha tôi, ông còn ra hiệu bảo cha tôi cứ tự nhiên vào trong buồng thay quần áo. Khi cha tôi đi ra với bộ quần áo như ông thấy trong ảnh, thì ông bạn đồng nghiệp của cha tôi và ông chủ nhà đang đứng gần chỗ cây cau, cạnh cái chum. Cha tôi bảo hai người lùi ra, rồi ông đứng vào đấy, bên cây cau, cạnh cái chum, như ông thấy đây, để ông bạn đồng nghiệp của cha tôi chụp cho kiểu ảnh. Bây giờ cha tôi đã đi xa, nhưng tấm ảnh người chụp trong bộ quần áo nông dân Việt Nam này, từ khi còn sống, cha tôi đã phóng to treo trong phòng khách như một vật kỷ niệm vô giá. Tấm ảnh này, ông khách một lần nữa lại giơ tấm ảnh về phía bố con Trà, chỉ là một trong những tấm cha tôi cho in ra để tặng mỗi khi khách đến nhà ngỏ ý muốn có tấm ảnh như một món quà kỷ niệm của gia đình tôi. Thế nên, lần này sang Việt Nam, tôi cũng rất muốn được mặc bộ quần áo giống như cha tôi đã mặc và đứng bên cây có cái chum như cha tôi đứng mấy mươi năm trước, để chụp tấm ảnh làm kỷ niệm chuyến du lịch sang đất nước ông. Trà nghe con gái dịch lại câu ông Tây nói mà cảm thấy ngỡ ngàng. Chụp một kiểu ảnh, với ba người khách không có gì khó, không những họ có máy ảnh, mà vùng ao nhà Trà, cả trên bờ, dưới nước đều có cảnh đẹp đáng thu vào ống kính. Thế nhưng một 1bc0 kiểu ảnh như ông ta vừa nói, thật khó có thể chiều. Trà quay lại định bảo con gái nói lại với ông Tây, rằng cha tôi vô cùng cảm động khi được biết ý định tốt đẹp của ông, nhưng mong ông thông cảm, vì bây giờ những bộ quần áo nâu sồng như thế rất khó kiếm. Bất chợt bà cụ từ dưới bếp xách siêu nước đi lên, nghe con trai nói với cháu gái thế, bà dừng chân ngay lối cửa bước vào, hỏi, quần áo nâu sồng làm gì mà bố nó lại bảo khó kiếm? Chả là ông Tây đây muốn mặc bộ quần áo nâu để chụp kiểu ảnh giống như kiểu của người trong ảnh này. Trà vừa nói vừa đứng dậy giơ tấm ảnh ra trước mặt bà cụ. Bà cụ à lên một tiếng, đưa siêu nước cho cô cháu gái đổ vào phích, rồi lững thững vào trong buồng. Giây lát quay ra, tay cầm cái gói ni lông bọc vật gì bên trong. Trà vội đi lại đón cái gói, nhưng đã nghe bà cụ nói, đây là quần áo của thầy anh, lúc sống ông ấy chỉ có mỗi bộ này là lành, vẫn cất đi, chỉ những khi có công có việc đi đâu mới mặc. Khi thầy anh về già, u giặt giũ, phơi phóng, rồi cất dưới đáy hòm. Nhưng nếu ông khách mãi từ đâu đến lại muốn có bộ quần áo nâu sồng để chụp kiểu ảnh làm kỷ niệm nơi quê ta, thì u nghĩ cũng nên cho ông ấy mượn, để ông ấy được toại nguyện, anh ạ. Trà đứng sững nhìn mẹ, giây lát đón cái gói từ tay bà cụ, cởi dây buộc, lấy ra bộ quần áo. Ông khách, rồi cả vợ con, dường như chỉ đợi có thế, vừa nhìn thấy bộ quần áo nâu nền nã buông xuống từ tay Trà, vội đứng bật dậy, lắp bắp câu tiếng Việt còn ngọng nghịu, Cam on, cam on. Trà cũng lắp bắp, không có gì, không có gì. Cô con gái dịch lại lời bố, nhưng ông Tây đã hai tay cầm gói quần áo giơ lên ngang ngực, như kiểu chắp tay vái, nhắc lại hai tiếng Cam on, cam on. Bà cụ như cũng hiểu lời ông khách, giục cô cháu gái bảo ông ấy xuống nhà tắm thay quần áo. Trong khi con gái dịch cho ông khách nghe câu bà cụ giục, thì Trà xăng xái đi xuống nhà ngang. Ông khách tinh ý liền đi theo. Giây lát, khách từ nhà tắm bước ra với bộ quần áo nâu thẫm, nhác trông không thể nhận ra là ông Tây, nếu không nhìn lên mái tóc vàng xoăn trên đầu. Bà vợ, rồi cậu con, nhìn ông mặc bộ quần áo nâu như cũng thấy lạ, liền bật lên tiếng cười rộn rã. Cậu con trai cầm máy ảnh vội chạy ra sân, bà mẹ cũng rảo bước đi theo. Nhưng cả ba cứ ngáo ngơ ở sân, người chỉ chỗ này, người ra hiệu đến chỗ kia. Thấy thế, con gái Trà chợt hiểu, họ tìm chỗ đứng chụp ảnh. Đúng, đúng, một chỗ đứng bên cái cây, giống cái cây cha tôi đứng trước kia đấy. Ông Tây quay lại thấy hai bố con Trà đang đi ra, liền nói với cô con gái. Trà bấy giờ mới để mắt nhìn quanh nhà, đúng là từ ngày xây lại nhà cửa khang trang, mở rộng ao chuôm to đẹp thì cau cũng chặt đi rồi, nước mưa cũng không hứng nữa. Không chỉ nhà Trà, mà giờ có đi khắp làng cũng chẳng còn nhà nào có cây cau, với cái chum hứng nước mưa như ngày xưa. Ngay cả bộ quần áo ông đang mặc kia, may bà cụ tôi còn giữ lại được một bộ của ông cụ tôi, chứ vào nhà khác bói cũng không ra bộ quần áo nâu sồng như thế nữa. Trà định bảo con gái dịch lại cho ông Tây biết để khỏi ngáo ngơ tìm chỗ đứng chụp ảnh có cây cau, chum nước như tấm ảnh ông ta vừa cho bố con Trà xem. Nhưng mới nghĩ đến đấy đã thấy nóng ran cả mặt, vội gọi giật con lại. Cô con gái học năm cuối đại học ngoại ngữ cũng tinh ý, nghe bố gọi giật lại liền hiểu ngay ra điều gì, vội bảo, hay là dẫn ông ấy ra ngoài bờ ao, đứng chụp kiểu ảnh bên mấy cây hồng chín đỏ ối cũng đẹp đấy, bố ạ. Đúng là chỉ còn mỗi nước ấy, con vào nói với ông ta, rồi dẫn cả hai ông bà và cậu con trai ra sau, bố ra ngoài ao trước để ngắm chỗ. Nhớ nói trước cho ông bà Tây biết giá cả hôm nay con nhá. Vào tham quan, vãng cảnh mỗi người mười đô-la, ba người là ba mươi đô-la, tính giá ban sáng bố xem trên mạng Internet thì một trăm đô-la ăn một triệu một trăm tám mươi tám nghìn đồng Việt Nam, cứ lấy tròn hai trăm nghìn tiền Việt một người; còn quần áo cho mượn, chỉ lấy tí đỉnh gọi là thù lao công giặt là, bảo quản, tất tật là bảy mươi đô-la nữa thôi, gộp hai khoản là tròn một trăm đô-la,  con ạ.

Trà ra bờ ao, không khó khăn mấy đã chọn được một chỗ đến chục cây hồng chín đỏ rực. Vợ Trà dẫn khách đi tham quan phía ao đằng kia về, thấy chồng đứng bên mấy cây hồng, định hỏi, làm gì lại đứng ngẩn ra ở đây, nhưng lại nghe tiếng chồng giục, mẹ nó vào bảo cái Hưởng dẫn khách ra đi, sao ở trong ấy lâu thế. Nhưng mẹ chưa kịp vào, con gái đã hớt hải chạy ra, gọi toáng lên, bố ơi, vào đây, mau lên! Trà vội chạy vào, đến đầu sân đã đứng sững, khi nhìn thấy ông Tây đã cởi bộ quần áo nâu mặc ban nãy, thay vào đó là chiếc quần bò và cái áo sơ mi kẻ sọc mặc lúc đến. Vợ và con trai đứng ở sân như chỉ đợi ông thay quần áo xong là đi ngay, vì cả hai đã ba lô trên vai, túi xách cầm tay, giày mũ chỉnh tề. Trà thấy thế bỗng đứng sững, miệng mấp máy mà không sao bật lên thành tiếng. Cô con gái đón bộ quần áo ông Tây đưa trả, quay lại nói với bố, ông ấy bảo rất thích bộ quần áo này. Nhưng chụp ảnh thì phải có cây cau với chum nước mưa nữa, mới đúng là đã sang tận Việt Nam mới chụp được kiểu ảnh giống như cha ông ngày xưa chụp. Nghe con gái nói, Trà, rồi cả vợ, chỉ còn biết đứng nghệt mặt nhìn vợ chồng và cậu con ông Tây đi ra ngõ, miệng lúng ba lúng búng như ngậm hạt thị, xúi quẩy, thật  xúi quẩy.

 

 Hải Phòng, 24-9-2009

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83572


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận