Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 5


Truyện ngắn 5
Thức dậy một mối tình

Buổi truyền hình của đài thành phố tối nay như có sự thay đổi. Vừa hết chương trình thời sự, mọi người a lên một tiếng, ngỡ được xem ngay buổi sân khấu tối thứ bảy theo lệ thường, thì màn ảnh nhỏ lại hiện lên hai chữ to đậm "Tin buồn". Kế đến là tấm hình một người đàn ông đóng khung đen, nhưng vẫn đủ nhận ra khuôn mặt chữ điền, đôi mắt to có hai hàng mi dày cum cúp, mái tóc đen mượt chải ngược ra phía sau. Mấy chục người xem ti vi ngồi chật hai gian nhà, dường như chẳng ai để tâm đến cái con người trong tướng mạo thế kia, lại bỗng dưng chết đột ngột vì tai nạn giao thông ở đâu đó. Duy có một người đang ngồi dựa lưng vào tường cửa, chăm chú nhìn lên màn ảnh, bắt gặp khuôn mặt người đàn ông kia, bỗng đứng vụt dậy như chạy ra ngoài cổng. Đấy là Vát, một người đàn bà chưa đến năm mươi tuổi nhưng trông khắc khổ, già đi trước tuổi dễ đến mười năm.

Vát đi như chạy xa khỏi cái màn hình. Hay đúng hơn, chị muốn chạy xa người đàn ông kia, dù chỉ là một tấm hình kiểu chân dung lướt thoáng trên màn ảnh nhỏ. Nhưng càng bươn bả xa bao nhiêu, chị càng thấy hiện về rõ bấy nhiêu dáng hình, cử chỉ của người đàn ông ấy. Những tưởng bấy nhiêu năm Vát đã quên hẳn con người ấy. Thì bây giờ, bỗng nhiên chỉ nhìn thấy cái hình đóng khung đen trên ti vi, chị đã thấy hiện về rõ mồn một như mới hôm qua, hôm kia thôi.

Nhưng cũng đã mười mấy năm rồi.

 

Ngày ấy, giặc Mỹ thả thủy lôi phong tỏa các cửa sông, bến cảng miền Bắc. Chẳng mấy hôm tàu chiến Mỹ không lảng vảng ngoài khơi. Có ngày đẹp trời, người đi trên đê chỉ bằng mắt thường cũng nhìn thấy tàu giặc chạy trên mặt biển. Trung đội nữ dân quân pháo binh bờ biển xã Thái Hưng cấp tốc được thành lập. Vát được cử làm trung đội trưởng. Tưởng không còn chọn ai hơn. Bởi, Vát không những là đảng viên duy nhất trong trung đội mà giữa hai mươi bốn cô gái tuổi sàn sàn nhau, hăm mốt, hăm hai có thừa hăng hái nhưng lại thiếu bình tĩnh, dạn dày chỉ có Vát là đứng tuổi hơn cả. Năm ấy, Vát hai mươi tám. Ôi cái tuổi ấy, giá không vào thời loạn lạc, hẳn Vát đã lấy chồng, đẻ con sớm hôm chăm chút cho cái tổ ấm gia đình. Nhưng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra trên miền Bắc đã mấy năm, bao nhiêu trai làng ở độ tuổi Vát đều lần lượt lên đường chiến đấu. Thế nên, hai mươi tám tuổi Vát vẫn chưa có chồng. Thậm chí chưa một lần biết cảm giác với hơi thở người đàn ông, dù chỉ là một cái hôn vội vã.

Trung đội dân quân gái xã Thái Hưng vừa hình thành thì huyện đội cử về hai cán bộ huấn luyện, trung úy Quảng, huyện đội phó, và một hạ sĩ trẻ dáng chừng là trợ lý huyện đội phó. Bởi, hễ thấy trung úy Quảng ở đâu là hạ sĩ Đức ở đó, lặng lẽ như một cái bóng. Mấy cô gái hay bông đùa nhiều lúc gọi Đức là "trung úy con". Đức chỉ cười, không chối bỏ, cũng không làm mặt giận. Trung đội dân quân tập luyện khẩn trương. Ngày cũng như đêm, hai mươi bốn cô dân quân với hai anh bộ đội không mấy lúc rời ụ pháo. Họ tranh thủ luyện tập, để tranh thủ lập công nhấn chìm tàu giặc. Nhiều hôm nắng như đổ lửa, trên mặt đê lèo tèo những cành lá ngụy trang đã héo khô, họ vẫn say sưa tập bắt mục tiêu di động trên mặt biển. Và, sự "khổ luyện" của họ đã "thành tài". Chẳng bao lâu sau khi thành lập, vào một buổi trưa nắng chói chang, trung đội nữ dân quân pháo binh xã Thái Hưng đã bắn cháy một tàu giặc lởn vởn gần đảo Hòn Giốc.

 

Tiếng tăm của trung đội bay nhanh khắp vùng. Cô trung đội trưởng được đi báo cáo điển hình hết huyện nhà lại sang huyện bạn, lên cả quân khu. Và ở đâu, khi đọc bản báo cáo do chính tay trung úy Quảng viết sẵn, Vát cũng đọc gần như thuộc lòng những dòng rất hùng hồn, văn vẻ về tài chỉ huy sắc bén và tinh thần hết lòng vì đồng đội của trung úy huyện đội phó. Đến nỗi, mấy anh nhà báo ngỡ như không có trung úy Quảng thì trung đội dân quân pháo binh gái xã Thái Hưng không làm nổi trò trống gì, nháo nhác lao đi tìm Quảng chụp ảnh, khai thác tài liệu.

Giữa những ngày tiếng tăm của trung đội dân quân pháo binh gái xã Thái Hưng do Vát làm trung đội trưởng, và trung úy huyện đội phó Quảng trực tiếp chỉ huy, đang nổi lên như cồn, thì một tối hai người đi giao ban cụm chiến đấu về đến cống Độc, trời sập cơn giông, gió ào ào như bão tố. Nền trời vần vũ những đám mây đen màu chì chụp xuống rất nhanh. Một mình đạp xe trên đê biển giữa cơn giông gió cấp năm cấp sáu đã khó, lại thêm một người ngồi đằng sau nữa, dẫu sức vóc đến mấy cũng không khỏi hất cả người và


xe xuống chân đê. Quảng đang gò lưng đèo Vát ngồi sau xe, vội
nhảy xuống:

- Không đi được đâu. Vào lều kia tránh mưa gió đã, em ạ!

Vát tần ngần đứng trên mặt đê, nhìn trời, lại liếc nhanh nhìn cái lều nằm im lìm bên cống Độc. Một thoáng dè dặt:

- Thôi đi bộ, anh ạ. Đằng nào cũng ướt rồi.

- Sao phải khổ thế, có chỗ tránh mưa gió lại cứ đi cho nước thấm vào người.

 Rồi dường như biết chắc Vát không thể bỏ anh ở đây mà đi bộ về một mình, Quảng xăm xăm dắt chiếc xe đạp xuống chân đê. Vát ngập ngừng giây lát, rồi cũng lần lần từng bước xuống theo. Nằm nép dưới chân đê có chiếc lều tre làm tùm khum của người coi cống, vào giờ này thường bỏ vắng về nhà cơm nước. Hai người chui hẳn vào trong lều. Quảng xăng xái hạ cái chõng con dựng cạnh vách lều xuống, bảo Vát:

- Em ngồi xuống đây cho khỏi ướt.

Vát ngồi ghé xuống đầu chõng, chiếc nón trên đầu nhỏ nước tong tong. Quảng đưa tay nhấc chiếc nón khỏi đầu Vát:

- Thì hẵng bỏ nón ra xem nào.

Cũng vừa lúc một tia chớp lóe sáng, đủ để Quảng thấy chiếc áo sơ mi trắng Vát đang mặc sũng nước mưa như dán vào da thịt, nổi rõ bộ ngực căng tròn. Ngoài trời vẫn mưa xối xả. Gió hào phóng rít lên ù ù. Mái lều lợp cói nhiều chỗ nước nhỏ toong toong. Ngay chỗ Vát ngồi, mái cói bị tốc một lớp, nhìn rõ nên trời tia chớp vừa lóe lên. Quảng quay lại kéo tay Vát:

- Em ngồi lui lại đây, không chỗ ấy dột quá.

Bị kéo mạnh, Vát ngã nghiêng người trên chõng, đầu đè lên đùi Quảng. Phút chốc, Quảng như có luồng điện chạy khắp người. Nhanh nhẹn và thuần thục, Quảng cúi rạp lưng ghé sát bộ mặt lún phún mấy sợi râu cứng như cước chà xát lên má Vát. Cũng nhanh nhẹn không kém, Vát đưa tay đẩy nhẹ đầu Quảng ra, Vát ngồi dậy:

- Đừng, anh Quảng. Đừng làm thế!

Quảng đờ người ra một giây. Rồi cất giọng nhỏ nhẹ:

- Anh có mến em thì anh mới làm hết sức mình, để em và đơn vị được nổi tiếng như thế chứ.

Vát chân thành:

- Em biết. Nhờ anh tận tình giúp đỡ, chúng em mới bắn cháy tàu chiến Mỹ.

Quảng tiếp ngay, giọng ra chiều hờn giận:

- Và em được đi báo cáo điển hình hết nơi này đến nơi khác. Còn anh, chỉ như con dã tràng.

- Anh đừng nói thế. Công lao của anh không bao giờ em quên.

Vát nói thật lòng. Lần nào đi hội họp, báo cáo điển hình dù ở huyện, ở tỉnh hay chỉ ở xã bên cạnh, sáng đi trưa về vội vã đến mấy, Vát cũng không quên mua bao thuốc lá làm quà cho Quảng. Có lần một chị ở huyện Đoàn cùng đi với Vát vào mậu dịch, thấy Vát mua cả tút thuốc lá Tam Đảo đã nói trêu: "Mày yêu anh chàng nào mà chiều quá thế vậy?". Nào Vát đã yêu. Nhưng biết anh nghiện thuốc lá, đi đâu về có bao thuốc làm quà cho anh là Vát thấy vui rồi. Vậy mà bây giờ, Quảng lại ví anh như "con dã tràng", nghe sao được. Vát đang mải đuổi theo ý nghĩ vừa chợt đến, thì nghe tiếng Quảng thảng thốt bên tai:

- Chỉ có quà thuốc lá mãi cũng chán lắm. Anh muốn em thưởng cho anh...

 Vát vừa mơ màng hiểu cái hàm ý trong câu nói gấp gáp ấy, thì Quảng đã ôm choàng lấy lưng chị ngả vào lòng anh. Cảm giác kỳ lạ của người đàn bà đã gần ba mươi tuổi lần đầu mới biết da thịt người đàn ông, bỗng cồn cào réo sôi trong lòng Vát. Bỗng chốc, Vát như quên hết mọi sự trên đời. Chỉ còn niềm cảm khoái lâng lâng và một ý nghĩ dẫu còn mung lung, nhưng lại là nỗi khát khao chờ đợi không biết đã bao lâu ở một người đan bà muộn đường chồng con như Vát.

Sau tối tránh mưa giông trong chiếc lều bên cống Độc được hai tháng hăm bảy ngày, Vát xởi lởi nói với Quảng:

- Em có tin vui rồi, anh ạ.

Mặt Quảng tỉnh khô, hỏi một câu như đã thành cửa miệng:

- Em lại sắp đi báo cáo ở đâu đấy?

Vát nói chân thật, đượm vẻ buồn buồn:

- Việc ấy bây giờ còn gì là vui.

- Thế tin vui gì?

 Vát ngả đầu vào vai Quảng. Trong ánh trăng thấy rõ khuôn mặt Vát ửng hồng và làn môi nở nụ cười mãn nguyện:

- Em có mang được gần ba tháng rồi nhá!

Bỗng Quảng hất mạnh đầu Vát khỏi vai mình, giọng như lạc đi:

- Thế thì cô giết tôi rồi! Phá, cô phải đi phá thai ngay, không thì mất... mất hết!

 

Vát bị hất mạnh, ngã người ra vệ cỏ chân đê. Hai hàng nước mắt túa ra. Chị khóc rấm rứt không thành tiếng. Khi cơn tủi giận nhôi nhoai, Vát trấn tĩnh lại thì không thấy Quảng đâu. Chỉ còn mình Vát ngồi đơn độc dưới chân đê. Và trước mặt là biển cả mênh mông với những con sóng ào ào xô vào bờ cát. Vát uể oải đứng lên, nhìn hút theo mặt đê. Phía bến cá đằng kia, trận địa pháo dân quân của Vát hiện lờ mờ dưới ánh trăng đầu tháng.

Hai tuần sau, Vát lên xã xin thôi chức trung đội trưởng. Rồi tự tay viết đơn lên Đảng ủy xin ra Đảng. Bí thư đảng ủy xã cũng là một phụ nữ có chồng đang chiến đấu ở chiến trường, chăm chú đọc đơn của Vát, rồi cất giọng buồn buồn:

- Đã trót thế này, em xin ra Đảng chị cũng ủng hộ thôi. Nhưng cùng cánh nữ cả, chị hỏi thật...

 Vát vội ngắt lời:

- Chị thật lòng thương em, xin chị đừng hỏi gì em nữa. Bây giờ chỉ còn cái thai là niềm an ủi em thôi.

Miên, người nữ bí thư Đảng ủy xã ngước nhìn Vát bỗng dào lên niềm cảm thông và nỗi tức giận mông lung. Một cô gái không vào loại xinh đẹp nhất làng, nhưng cũng không phải là xấu xí gì cho cam. Dáng người Vát dong dỏng cao, nước da đen giòn, đôi mắt lá răm dài và nhỏ với hai hàng lông mày cong cong cũng khá thanh mảnh. Chỉ phải cái khuôn mặt dài hơi gãy, có lẽ bởi đôi gò má nhô cao. Các cụ bảo con gái có gò má cao là vất vả đường chồng con lắm. Chẳng biết có đúng không.

 Miên hỏi, giọng nhỏ nhẹ:

- Hôm nọ chị ra trận địa, nghe mấy đứa thì thào với nhau về quan hệ giữa em với anh Quảng. Em nói thật với chị đi, có phải em có mang với trung úy Quảng?

 Vát ôm chầm lấy hai vai chị Miên, không thừa nhận cũng chẳng ra chối bỏ:

 

- Em van chị. Nếu chị thật lòng thương em, xin chị đừng nhắc đến người ấy nữa. Nhỡ đến tai cơ quan thì chẳng riêng người ấy bị kỷ luật, mà cả cơ quan người ta cũng mang tai mang tiếng với bàn dân thiên hạ. Lúc này thật không nên tí nào. Chị nghe em, cứ để mình em chịu. Có khổ thế này, chứ khổ thêm nữa mà được nuôi con em cũng chịu được.

Hôm biết tin Quảng được điều lên quân khu bổ sung cho đơn vị mới thành lập để vào chiến trường, chị Miên đi họp huyện ủy về vội đạp xe thẳng đến nhà Vát, định đưa Vát lên huyện đội "chia tay lần cuối" với anh chàng trung úy bạc tình. Nhưng Vát gạt đi: "Em không muốn trước lúc lên đường, anh ấy phải buồn phiền vì em. Vả lại, còn vợ con anh ấy ngoài thị xã. Nhỡ người ta biết". Vát âm thầm chịu đựng mọi lời gièm pha, mọi sự khổ đau, không hé răng với ai nửa lời về người đàn ông đã để giọt máu lại cho chị. Ngay cả Miên, khi còn làm bí thư Đảng ủy xã cũng như sau này nghỉ công tác, Vát vẫn coi như người chị tin cẩn, cũng chỉ biết lờ mờ, chứ tuyệt nhiên chưa một lần Vát kẻ ngọn ngành cuộc tình éo le và đau buồn ấy với Miên. Thế nên, hôm Vát sinh con ngoài trạm xá, chị Miên đích thân ra Ủy ban làm giấy khai sinh cho thằng bé. Vát dặn đi dặn lại: "Chị muốn đặt tên cho cháu là Quang hay là Gánh thì tùy, nhưng họ là dứt khoát phải lấy họ Vũ của em". Chị Miên gắt: "Mày đừng dở hơi. Con phải theo họ bố chứ". Nhưng rồi chính Miền lại đờ người ra, bởi chị cũng không nhớ chính xác cái ông trung úy huyện đội phó ấy họ gì. Vì lão ta có bao giờ nói rạch ròi về nhà cửa, vợ con, họ mạc. Thấy Vát im lặng Miên cũng không nỡ nói gì thêm. Và khi ra đến ủy ban, chị đành bỏ trống cột "họ và tên cha" trong tờ khai sinh của thằng bé.

Duy chỉ có một người, chẳng những biết mối quan hệ giữa cô trung đội trưởng dân quân xã Thái Hưng và anh trung úy huyện đội phó, mà còn hiểu rõ cả ngóc ngách tâm can Quảng sau ngày rời huyện đội vào chiến trường. Người ấy là Đức, hạ sĩ Đức, trợ lý huyện đội phó. Hồi đi với Quảng xuống chỉ đạo huấn luyện cho trung đội nữ dân quân pháo binh bờ biển Thái Hưng, hay bị các cô bông đùa là "trung úy con". Đức biết Quảng có tình ý với Vát từ ngày hai người còn công tác ở Thái Hưng. Nhưng khi nghe người ra đồn Vát có mang, bị đuổi ra Đảng và cách chức trung đội trưởng, thì hai lần chính trị viên trưởng huyện đội gặp riêng động viên Đức thành khẩn nói rõ quan hệ giữa Quảng và Vát như thế nào, để cơ quan có hướng giúp đỡ cô ấy khi sinh nở, Đức đều chối phắt: "Em không hề biết một tí gì". Khi Quảng được điều đi bổ sung cho đơn vị mới, Quảng xin bằng được cho Đức cùng đi. Và, có lẽ cũng do Quảng nói thế nào đấy, trước hôm lên đường, Đức có quyết định phong hàm trung sĩ.

Vào tới chiến trường được hai tháng, có địa chỉ ổn định, Quảng giục Đức viết thư về Thái Hưng "nơi ghi sâu kỷ niệm không thể nào quên của người lính" - như lời Quảng đọc cho Đức viết thêm dòng tái bút. Đầu tiên Đức còn ngần ngại. Viết cho ai? Chị Vát thì đã bị kỷ luật, chị Nhung lên thay trung đội trưởng thì Đức lại không thân. Chỉ có Hà là người Đức cũng mên mến. Nhưng cô ta kiêu kỳ. Hôm rời Thái Hưng về huyện, hẹn đi chơi chờ cả buổi tối không đến, Quảng khích lệ: "Con gái đẹp đứa nào chả kiêu. "Bề trong như đã mặt ngoài còn e", mày cứ viết thư cho cái Hà. Tao dám chắc con bé sẽ mừng rơn, và viết trả lời mày năm mười trang thư ngay tức thì". Quả nhiên, Đức gửi thư đi chỉ hơn một tháng, thời buổi chiến tranh thế là nhanh, đã nhận được thư Hà gửi vào. Nhưng ngược với dự đoán của Quảng, thư Hà viết vẻn vẹn chưa hết hai trang giấy xé từ sổ tay ra, giữa trang còn nguyên vết xé vội rách một vệt dài. Thư không có một dòng, dù chỉ là bóng gió xa xôi, bày tỏ nỗi lòng nhớ nhung tha thiết của một cô gái hậu phương với chàng trai đang thầm yêu nhớ trộm nhớ ngoài mặt trận, như bao lá thư của đồng đội Đức được xem. Duy chỉ có một đoạn, Hà viết đến già nửa trang, Đức đọc xong vội kêu toáng lên: "Con trai rồi. Chị Vát đẻ con trai rồi, anh Quảng ơi! Lại thêm một nhóc lính con giống bố Quảng như đúc mới sướng chứ". Quảng đang nằm trên chiếc võng mắc giữa hai cây rừng, vội choàng dậy giằng thốc lá thư trên tay Đức, cắm cúi đọc. Nét mặt Quảng biến sắc dần, từ đen sạm sang tái tái, rồi bạc phếch. Đôi lông mày vốn đã cum cúp giờ lại như cụp hẳn xuống. Từ đuôi mắt, hai vệt trắng ướt lăn dài trên gò má, rơi xuống trang thư. Đức vừa ngẩng lên, bắt gặp nét xúc động ấy trên khuôn mặt Quảng, anh sững sờ nhìn Quảng một giây, rồi nói:

- Thôi, thế cũng là may. Mọi việc đến nay coi như trót lọt. Chị Vát sinh mẹ tròn con vuông, còn anh vẫn là một người hoàn toàn trong sạch, lý lịch không hề có tí khuyết điểm. Con đường công danh của anh tứ "tuần tự như tiến", tiểu đoàn trưởng, rồi trung đoàn đến nơi cũng chưa biết chừng đấy anh ạ.

Nghe Đức nói vậy, Quảng chẳng ra vui cũng không ra buồn, cứ mông lung một cái gì khi tỏ khi mờ lộn xộn trong đầu. Lúc lâu, Quảng cất giọng buồn buồn nói với Đức:

 - Chắc gì trót lọt hả mày. Sao cái con ranh Hà nó lại viết trong thư "một nhóc lính con giống bố Quảng như đúc"? Chẳng lẽ cô ấy đã khai ra hết cả.

 - Dẫu vậy, bây giờ anh đã cao chạy xa bay còn lo gì. Mới lại, ở đây chỉ có anh và em biết chuyện ấy, anh thì giữ kín như bưng, còn em có cạy răng bảy ngày cũng không bao giờ mở miệng. Vậy thì có thánh cũng không thể biết thượng úy Quảng có con hoang với một cô dân quân ở cái làng tận ven biển ngoài Bắc.

Một tháng sau hôm hai người nằm đọc thư Hà gửi vào với tâm trạng vui buồn lẫn lộn, tiểu đoàn được chọn hai người còn văn hóa tốt nghiệp cấp ba ra ngoài Bắc để đi học. Đức nằn nì Quảng - bấy giờ đang là tiểu đoàn phó - xin cho được ra Bắc. Quảng sốt sắng nhận lời. Phần vì thấy Đức cũng đủ tiêu chuẩn, phần không muốn Đức ở lâu cùng đơn vị. Biết đâu lại có lúc bốc đồng, nó mà buột ra cái chuyện hệ trọng ấy thì mình chỉ có tuột sạch. Chi bằng xin cho nó ra ngoài Bắc học, cũng là "nhất cử lưỡng tiện", vừa được ơn huệ lại vừa bịt được một cái mồm lợi hại. Hôm chia tay, Quảng đưa cho Đức mảnh dù xanh, nói nhỏ:

- Cậu có về quê tranh thủ xuống Thái Hưng đưa hộ mình cái này cho cô Vát. Bảo chiến trường chẳng có gì, chỉ có mảnh vải dù gửi về làm tã lót cho thằng bé. Nhớ dặn cô ấy đừng nói với ai là mình gửi về. Cứ bảo là cậu cho cũng được.

Đức cầm mảnh vải dù về đưa cho Vát, nói y như lời Quảng dặn, còn nhận rằng "chú Đức cho thằng cún Quang", chứ không dám bảo Quảng nhờ đưa hộ.

Sau lần ấy, Đức không trở lại Thái Hưng lần nào nữa. Nghe nói, chuyến ấy Đức ra thi đậu vào trường Đại học Y khoa.

Mãi đến tháng tám năm kia, thằng Quang bị giun chui ống mật, Vát đưa con cấp cứu lên bệnh viện thị xã mới lại gặp Đức. Thực tình, lúc đầu Vát cũng không nhận ra. Chị vừa dìu thằng con vào giường, đặt nó nằm xuống, quay ra thấy một người đàn ông ngoài bốn mươi đầu đội mũ vải trắng, mặc áo choàng trắng, cái ống nghe lõng thõng trước ngực, nét mặt lạnh như tiền cùng hai người đàn bà đi sau cũng mang trên mình toàn bộ trắng lững thững bước vào. Người đàn ông kéo áo thằng bé lên nghe nghe, nắn nắn hết vùng bụng lại lên vùng ngực. Rồi ngẩng lên nhìn tờ bệnh án, vừa được cô y tá kẹp vào sợi dây trên đầu giường thằng Quang nằm. Chợt anh ta quay lại, nhìn xoáy vào Vát một giây, rồi cất giọng ngàn ngạt:

- Chị người Thái Hưng à?

Vát hơi ngẩng lên, hờ hững nhìn người vừa hỏi, lẽ phép đáp:

- Dạ thưa bác sĩ, đúng em quê Thái Hưng đấy ạ!

- Chị có đúng tên là Vát?

- Dạ, thưa bác sĩ...

Người đàn ông im lặng. Tinh ý lắm mới nhận ra nét mặt anh ta hơi biến sắc. Bỗng anh ta quay đi, rồi cùng hai người đàn bà mặc áo choàng trắng bước nhanh ra khỏi phòng.

 

Còn lại một mình trong phòng với thằng con chốc chốc lại ôm bụng đau quằn quại, Vát mới chợt nhớ lại cái giọng nói rin rít qua kẽ răng của người đàn ông ban nãy. Thôi đúng rồi, tay Đức "trung úy con", đi với Quảng xuống chỉ đạo huấn luyện trung đội dân quân gái Thái Hưng năm nọ. Ngày ấy, cái Hà nó đã ỏng eo: "Cái tạng đàn ông nói giọng kim như tay Đức chẳng làm nên trò chống gì". Không làm nên trò trống gì mà giờ lại là bác sĩ. Nhưng chẳng lẽ Đức mà lại hờ hững, lạnh lùng đến vậy. Vát bỗng thấy man mác một nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng. Từ tối qua đưa con vào bệnh viện, người ta bảo phải mổ ngay để gắp giun ra, không ống mật có thể vỡ. Nhưng suốt
đêm qua, rồi cả sáng nay vẫn không thấy động tĩnh gì, ngoài hai
ống thuốc giảm đau. Chỉ có một lần vào đầu giờ sáng, cô y tá trực đến giục:

- Chị nên phòng nộp năm trăm nghìn đồng để bồi dưỡng
kíp mổ.

Vát ngỡ mình nghe nhầm, hỏi lại:

- Năm mươi nghìn hay năm trăm nghìn đồng hả cô?

- Năm trăm nghìn, chứ năm mươi nghìn thì ai người ta rỗi hơi mổ cho con bà.

Cô y tá dấm dẳng vậy. Rồi dáng chừng biết cái chị nhà quê này cũng chẳng có nổi năm trăm nghìn đồng nộp ngay bây giờ, liền bước nhanh ra cửa. Chờ cô y tá khuất hẳn, một chị chăm sóc chồng mổ ruột thừa ngồi giường bên mới quay sang, nói với Vát:

- Chắc họ biết chị người nhà quê nên chỉ đòi gọn năm trăm nghìn. Chứ nhà em mổ hôm qua cả bia bọt, bánh trái, chè thuốc và tiền bồi dưỡng tồn kém đúng một triệu đấy.

Vát nghe mà rủn cả người. Năm mươi nghìn đối với Vát lúc này cũng không móc đâu ra, huống hồ những năm trăm nghìn. Hôm đưa con đi bệnh viện, vay giật cả xóm mới được trăm nghìn, thì đã nộp tiền khám cấp cứu ở bệnh viện huyện hết hai chục, nằm đúng nửa ngày, rồi chuyển lên bệnh viện thị xã lại phải nộp ngay sáu mươi nghìn mới được nhập viện. Còn đúng hai chục nghìn, hai mẹ con ăn cũng không đủ những ngày thằng bé nằm viện. Đào đâu ra năm trăm nghìn. Mà chẳng lẽ không có tiền bồi dưỡng, người ta không mổ cho thằng bé thật? Vát chờ hết buổi sáng, rồi cả buổi trưa, đến đầu giờ chiều mới thấy một người đàn ông và hai người đàn bà mặc áo choàng trắng vào khám lại cho thằng bé. Nhưng khám xong người đàn ông quay ra hỏi Vát mấy câu về quê quán, họ tên vậy rồi lại đi, không ai hé răng nửa lời rằng khi nào thì thằng bé mới
được mổ.

Khi ba người thầy thuốc đã ra khỏi phòng, Vát ngồi bó gối nhìn con nằm co quắp như con tôm quay mặt vào tường mà nước mắt cứ túa ra. Mười mấy năm thắt lưng buộc bụng nuôi con, bao lời ong tiếng ve, bao đoạn trường khổ ải, Vát đều vượt được hết. Chỉ với một hy vọng, một niềm vui cứ lớn lên từng ngày, thằng bé sẽ là niềm an ủi, hạnh phúc và chỗ dựa tin cậy của Vát. Ấy vậy mà số phận còn không buông tha, lại định kéo tuột khỏi tay người đàn bà bạc mệnh này nguồn an ủi cuối cùng n 4aa0 a hay sao? Mà chỉ vì không có năm trăm nghìn đồng bồi dưỡng cho thầy thuốc! Thôi thì đành một liều ba bảy cũng liều, cứ đến chỗ hắn ta thử. Chẳng lẽ hắn ta lại cạn tàu ráo máng, làm ngơ trước tính mạng của thằng bé.

Vát nhờ chị chăm sóc chồng cắt ruột thừa nằm giường bên trông con hộ, rồi lững thững ra cổng bệnh viện. Chị lưỡng lự giây lát nửa định vào thẳng nhà, nửa định tìm đến cơ quan. Nhà thì Vát biết. Đi thẳng con đường sỏi trước cổng bệnh viện đây, vào đến chân núi kia thì rẽ tay trái, thấy ngay một ngôi nhà hai tầng dựa lưng vào sườn núi, mặt nhìn ra ngã ba đường là đúng nhà Quảng. Năm nọ Vát đi dự hội nghị những người chăn nuôi giỏi, tình cờ ngồi bên một chị cán bộ chi hội phụ nữ. Trên đường về, chị ta rủ Vát ghé vào nhà mình chơi. Hai người đạp xe đến ngã ba chân núi, bỗng Vát vội nhảy xuống, tay không còn làm chủ được ghi đông, chiếc xe đạp loạng choạng suýt đổ. Vát vừa nhìn thấy một người đàn ông mặc com-lê, đeo ca vát, mái tóc chải mượt hất ngược ra phía sau, chậm chạp đẩy chiếc xe máy màu cánh trả từ trong nhà đi ra. Dẫu cách ăn mặc có khác xa nhiều so với bộ quần áo xanh rêu ngày nào, nhưng cái khuôn mặt vuông chữ điền, hai hàng mi dầy cum cúp và mái tóc chải ngược ra phía sau của người đàn ông kia, thì không thể nhầm với người nào khác. Mười mấy năm trời nhiều khi nghĩ lại thấy đau buồn và căm giận người đàn ông bạc nghĩa phụ tình ấy đến khôn cùng, nhưng Vát vẫn nhớ như in khuôn mặt Quảng đăm chiêu, mơ màng nhìn Vát mỗi khi chị đi xa về đưa bao thuốc lá làm quà cho anh. Vát cất tiếng gọi đến lạc cả giọng: "Anh Quảng, anh Quảng ơi!". Quảng giật thót mình, ngẩng lên nhìn người vừa gọi. Một giây im lặng trôi nhanh. Vát lại cất tiếng hỏi, thảng thốt: "Nhà anh Quảng ở đây à?". Quảng vẫn im lặng, đưa nhanh cặp mắt vào trong nhà, không hiểu để tránh cái nhìn chằm chằm của Vát, hay ý tứ giữ gìn. Chỉ thấy trước cửa ngôi nhà hai tầng, một người đàn bà mặc quần áo ngủ, tay bế con khoảng lên ba, dáng chừng cháu nội, đang cầm tay cháu giơ lên dạy vẫy chào ông. Quảng quay nhìn lại Vát một thoáng, rồi nhảy lên xe rồ máy vù thẳng. Vát đứng như trời trồng giữa ngã ba đường, ức đầy lên đến cổ mà miệng không thốt ra được nửa lời. Chỉ bấm bụng nhủ thầm: "Từ nay không bao giờ bén mảng đến cái nhà này. Có chết cũng không thèm nhìn mặt hắn ta nữa". Vậy mà bây giờ Vát vẫn phải đến, vẫn phải tìm gặp Quảng. Đời thật trớ trêu! Nhưng không lẽ lại đến thẳng nhà. Vào giờ này chắc gì hắn ta đã về. Mà dù đã về cũng còn vợ con hắn ta, nói chuyện ấy ra sao nên. Chi bằng cứ đến thử cơ quan, chỉ có mình với hắn ta tiện hơn. Nhưng khốn nỗi lại chưa biết cơ quan hắn ta ở đâu. Chỉ một lần nghe chị Miên lên thị xã bế cháu cho vợ chồng con trai về kể lại: "Tao đang đi ở ngã tư Cầu Đất thì gặp thằng Quảng. Bây giờ nó làm giám đốc kinh doanh tổng hợp thị xã. Vừa gặp tao, nó kéo tuột vào cơ quan ở ngay ngã tư". Thế thì cứ hỏi đường đi ngã tư Cầu Đất, rồi tìm vào công ty kinh doanh tổng hợp, chắc cũng không xa.

Vát tất tưởi đến ngã tư Cầu Đất. Cũng không mất công tìm lâu. Một cái biển to tướng sơn nền đỏ chót, viết đậm dòng chữ vàng khè "Công ty kinh doanh tổng hợp thị xã", đập ngay vào mắt người qua đường. Vát bước ra cái cổng sắt mở một bên cánh, dừng lại một giây ngó nghiêng, rrồi đi thẳng vào phòng thường trực. "Chị làm ơn cho hỏi: ông Quảng làm việc ở phòng nào ạ?". "Quảng vật tư hay Quảng giám đốc?". "Dạ, em hỏi ông Quảng giám đốc". Ở phòng đầu. Phía cuối. Có chậu cảnh để trước cửa đấy". Vát chậm chạp quay ra, đi như đếm từng bước. Chị không sợ sáp mặt hắn ta, nhưng cũng chẳng xăng xái gặp lại con người ấy. Chẳng qua vì thằng bé bệnh tình hệ trọng, nhỡ có mệnh hệ nào... Vát dừng lại một giây trước thềm nhà, rồi bước dài lên bậc cửa. Qua tấm mành trúc, chị nhìn vào thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang ngồi trên ghế xa lông, cách nhau một cái bàn con để tách chén. Vát khẽ khàng vén mành thò đầu vào: "Tôi muốn gặp ông giám đốc Quảng". Quảng quay ra nhìn người vừa hỏi, bỗng nét mặt biến sắc. Người đàn bà ngồi ghế xa lông liếc nhanh nhìn Quảng, rồi soi mói nhìn người đàn bà vừa đến, ăn mặc rõ quê mùa, chiếc áo sơ mi ngả màu nước dưa, cái quần láng đen nhăn nheo nếp gấp, bỗng đứng lên: "Em về anh Quảng nhá. Khi nào anh cần cứ phôn sang chỗ em". Còn lại hai người. Vát nhìn thẳng vào khuôn mặt chữ điền với hai hàng mi cúp xuống, như lẩn trốn cái nhìn sắc như dao từ đôi tròng mắt Vát phóng ra. Một giây im lặng. Nghe rõ tiếng con thạch sùng tắc lưỡi trên trần nhà và tiếng những sợi trúc trên mành của lạch tạch run lên theo làn gió. Bỗng Vát phá tan sự im lặng, cất giọng
tức tưởi:

- Lẽ ra, sau lần gặp anh ngay trước cửa nhà anh năm nọ, tôi không bao giờ còn nhìn mặt anh nữa. Nhưng hôm nay, tôi buộc lòng phải đến tìm anh. Vì thằng bé bị giun chui ống mật, đang nằm chờ mổ trong bệnh viện thị xã. Tôi lo nhỡ mệnh hệ nào...

 

Quảng vội cắt ngang lời Vát, giọng khô khốc:

- Bây giờ người ta mổ gắp giun ra là thường. - Chợt mặt Quảng đanh lại, giọng hơi xẵng - Thôi, cô đi về đi. Kẻo anh em cơ quan
họ biết.

- Bao nhiêu năm nay anh đã trốn lủi mẹ con tôi, để được tiếng là người có phẩm chất đạo đức còn chưa đủ hay sao, mà bây giờ, bệnh tình của thằng bé như trứng để đầu đẳng, anh vẫn còn định lẩn trốn.

Quảng tím sầm mặt, giá như vợ con ở nhà, chẳng khỏi ăn mấy cái tát. Nhưng ở đây lại là cơ quan, hơn thế, Quảng biết Vát không thuộc loại đàn bà yếu mềm, hễ nghe tiếng quát lác của người đàn ông là co rúm lại. Quảng dằn giọng buông thõng:

- Cô nên giữ mồm giữ miệng. Bây giờ tôi là giám đốc, cai quản hàng nghìn con người. Cô hẵng về đi.

Vát giận đầy cổ, không thèm nhìn lại Quảng một thoáng, ngay ngoắt ra cửa. Rồi bươn bả ra cổng, Vát vừa lẩm bẩm như để cho hả cơn giận: "Hừ, giám đốc, một người còn phụ tình bạc nghĩa, huống hồ với hàng nghìn con người".

Vát trở lại bệnh viện. Bước chân vào cửa phòng thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng bỏ trong quần, đang ngồi trên chiếc ghế đầu cạnh đầu giường thằng Quang nằm. Dường như người đàn ông đang hỏi han, chuyện trò gì đó với thằng bé. Vát còn đang ngờ ngợ, thì người đàn ông như biết có người vào, chợt quay lại, nhận ngay
ra Vát:

- Trông chị thay đổi nhiều quá, hồi chiều tôi không sao nhận ra.

Vát ngồi vào mé giường, cạnh thằng con nằm, hai chân buông thõng. Nụ cười e dè hiện trên khuôn mặt buồn buồn:

- Tôi già đi nhiều phải không chú Đức.

Ngước nhìn lại Vát một giây, Đức khẽ gật đầu. Rồi như đã hiểu cảnh ngộ mẹ con Vát, Đức nói ngay:

- Chị chuẩn bị cho cháu mổ tối nay nhá.

 

Vát ngỡ mình nghe nhầm, nhìn thẳng vào Đức, hỏi gấp gáp:

- Mổ cho cháu thật à? Ngay tối nay hả chú?

- Vâng. Bảy giờ, chị đưa cháu lên gác hai, khoa ngoại.

Vát bỗng thấy nửa mừng nửa lo. Mừng vì người ta sắp mổ gắp giun khỏi ống mật cho con. Nhưng lại lo khoản tiền năm trăm nghìn bồi dưỡng kíp mổ, đến giờ này Vát vẫn chưa biết móc đâu ra, dẫu chỉ lấy một phần mười số đó. Từ hôm qua đưa con vào nằm viện, chị đã nghe người ta nói: "Không có tiền bồi dưỡng đưa trước, thì dẫu bệnh nhân đã lên nằm bàn mổ vẫn phải xuống". Vát bỗng sa sầm nét mặt, lòng nặng trĩu mối lo âu chẳng biết từ đâu đến cứ ào xô vào lòng. Chị quay nhìn con. Không hiểu Đức có an ủi động viên gì, hay vì đã biết chỉ tối nay thôi, người ra sẽ ra tay cứu nó khỏi thần chết mà nét mặt thằng bé tươi tỉnh, phảng phất một nụ cười thật hiếm hoi, kể từ hôm nó biết đích xác mình bị giun chui ống mật. Vát chăm chăm nhìn con, man mác một niềm vui tin vào số phận, thì nghe tiếng Đức nhỏ nhẹ:

- Chị cứ yên tâm chăm sóc cháu. - Rồi Đức ghé đầu xuống thằng bé, cất giọng vui vui - Chú "lính con" yên tâm nhé. Khoa học bây giờ hiện đại lắm, cháu ạ!

Nói rồi, Đức định quay ra. Nhưngg Vát đã kịp kéo tay lại:

- Chị em lâu ngày mới gặp nhau, lại vào lúc bệnh tình cháu thế này, chú thông cảm giúp tôi.

- Chị yên tâm, đừng nghĩ ngợi gì cả. Cứ tập trung chăm sóc cháu sau khi mổ cho khỏe đã.

- Nhưng tôi nói thật với chú, cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết vay giật ở đâu...

Nghe đến đây, Đức hiểu ngay Vát định nói gì, vội xỏa tay
ngắt lời:

- Tiền bồi dưỡng chị khỏi lo, tôi đã báo cáo giám đốc bệnh viện và nói với anh chị em trong kíp mổ để họ thông cảm. Vả lại tối nay đến phiên tôi trực. Tôi sẽ trực tiếp mổ cho cháu.

 

Vát không sao nén được xúc động, đôi môi mấp máy muốn nói lời cảm ơn, thì nước mắt lại lăn dài trên gò má xương xương đã hiện nhiều nếp nhăn trên da mặt. Đức chợt thấy cử chỉ ấy ở Vát, bỗng dào lên niềm cảm thông đến không thể kìm nén. Anh lẳng lặng bước nhanh ra khỏi phòng. Nhưng chỉ một loáng, Đức lại quay lại,
thảng thốt:

 - Anh Quảng cũng ở gần đây. Tôi định gọi điện cho anh ấy biết cháu đang nằm viện. Chị thấy có nên không?

Vát nhìn Đức, giọng dứt khoát:

- Không. Không nên chú Đức ạ!

...

Thế mà tối qua, mới nhìn thấy cái hình người đàn ông
đóng khung đen hiện trên ti vi một thoáng, Vát đã về nằm cả đêm không ngủ.

 Sáng chị dậy rất sớm, gọi cả thằng con cùng dậy. Nó chưa hiểu mẹ làm sao, ốm đau gì mà hình như cả đêm không ngủ, thì đã nghe tiếng mẹ chậm rãi:

- Con ngồi xuống đây, mẹ có chuyện muốn nói với con.

Cậu con trai mười chín tuổi không còn hồn nhiên đến vô tư, dường như cảm thấy có điều gì đang diễn ra trong lòng mẹ, nó lặng lẽ đến ngồi vào cạnh giường. Vát ngước nhìn con, từ khuôn mặt, đôi mắt, hàng mi, sống mũi đều giống như đúc ra cùng khuôn với người đàn ông thoáng hiện trên màn hình tối qua. Chị bỗng thấy cổ họng như tắc nghẹn. Đã bao năm nay, sau cái ngày thằng Quang giơ tờ giấy khai sinh ra trước mặt, soi mói hỏi: "Sao chỗ họ và tên cha lại để trống, hả mẹ?". Vát dằn lòng bảo: "Con đừng bao giờ hỏi mẹ như thế nữa. Lớn lên con sẽ hiểu". Thì từ đấy, thằng Quang không lần nào hỏi mẹ nửa câu "Bố con là ai" nữa. Trong tâm thức thằng bé, cái từ "bố" dường như chỉ gợi đến nỗi đau trong lòng nó, và cả trong cuộc đời của mẹ. Thế nên, nó như âm thầm nén chịu, và lặng lẽ nghe theo những lời chỉ bảo của mẹ gần như tuyệt đối. Có lẽ nó hiểu, đấy cũng là một cách không gây thêm buồn phiền cho cuộc đời còn ngắn ngủi của mẹ. Nên khi nghe mẹ cất giọng rời rạc: "Con chuẩn bị xe đèo mẹ lên thị xã. Nhớ ăn mặc cho gọn gàng, con nhá", thì nó chỉ hỏi mỗi câu:

- Có việc gì, hả mẹ?

Vát trìu mến nhìn con, cố nén xúc động, nói:

- Đến đấy con sẽ hiểu. Mẹ chỉ dặn: Con thương mẹ thì dẫu thế nào cũng phải làm tròn bổn phận người con. Đời người chỉ có một lần, nghĩa tử là nghĩa tận con ạ.

Cậu con trai đã đủ cảm nhận cái điều hệ trọng xảy ra qua giọng nói như hòa trong nước mắt của người mẹ.

Hai mẹ con đèo nhau đến Quán Cháy, thì thấy một chiếc ô tô trắng chạy ngược chiều. Vát nhìn thoáng đã nhận ra chiếc xe của bệnh viện thị xã. Hôm thằng Quang xuất viện, chú Đức cũng nhờ được chiếc xe này đưa mẹ con chị về tận làng. Bỗng chiếc xe dừng đột ngột. Rồi một người trong xe nhoài qua sau lưng người lái, thò đầu ra gọi:

- Chị Vát, chị Vát ơi!

Vát nhận ra tiếng người gọi, vội nhảy xuống xe. Từ chỗ chiếc xe chữ thập đỏ đỗ, Đức lao nhanh qua đường. Theo sau là một cô gái trạc ba mươi tuổi, chít khăn tang trắng. Vát bỗng hiểu tất cả. Đức bước lại gần, nói gấp gáp:

- Anh Quảng bị tai nạn...

Vát ngắt lời, như không muốn kéo dài thêm cái nặng nề đau xót:

- Tối qua xem ti vi, tôi có biết.

Đức nhìn nhanh hai mẹ con Vát, rồi nén xúc động cất giọng buồn buồn:

- Trước lúc lâm chung, anh Quảng cho tìm tôi đến, rồi gọi cả vợ con vào dặn rằng: "Khi anh ấy nằm xuống, thế nào cũng phải tìm
đến chị và cháu lên đưa anh ra đồng thì anh ấy mơi yên lòng nơi
chín suối".

Vát rân rấn nước mắt, cầm tay Đức nghẹn ngào:

- Giá như khi còn sống, con người ta ai cũng nghĩ, làm sao đến lúc chết được yên lòng nơi chín suối, thì đâu đến nông nỗi này, hả chú Đức!

Đức nắm chặt tay Vát, lòng xốn xang bao điều muốn nói, muốn tạ lỗi, hàm ơn cho mình, và hco cả người vừa khuất. Nhưng miệng như cứng lại, không thốt ra được một lời. Anh quay nhìn đứa con gái lớn của Quảng, đang đứng bên thằng Quang. Cả hai đứa cũng đang giàn giụa nước mắt.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83585


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận