Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 7


Truyện ngắn 7
Bài thơ kỷ niệm

Kể ra ở cái tuổi bốn hai như Liên mới được sống với một người đàn ông dưới mái nhà đầm ấm cũng không phải là chuyện "xưa nay hiếm". Nhưng lạ là ở chỗ, gần hai mươi năm nay dân thị trấn đảo ai cũng nghĩ Liên đã có một đời chồng với một người đàn ông nào đó, được một đứa con, thằng Tin bị tai nạn trong chuyến đi biển đầu vụ cá nam năm ngoái, sau do một chuyện đau buồn gì chăng hai người chia tay nhau. Bởi trong tâm thức của những người quen ăn sóng nói gió nơi đây, không ai nghĩ một người đàn bà mà sự hiền dịu, phúc hậu hiện ra trên nét mặt thế kia, lại có thể cho ra đời một đứa con hoang. Thế nên, ngay sau cái buổi chiều Liên dẫn người thương binh mù cả hai mắt lần lần bước đi trên con đường dốc lên Ủy ban làm giấy đăng ký kết hôn, thì dân thị trấn mới ngã ngửa. Té ra Liên chưa hề có đời chồng nào đúng với cái nghĩa thông thường, để mọi người có thể gọi họ là chồng vợ. Cuộc đời một con người kể cũng lắm éo le và nhiều uẩn khúc.

Năm Liên đang học năm thứ ba khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm thì Tưởng đến với cô một cách tình cờ. Anh chàng sinh viên khoa Sinh - Hóa lại không ngờ có tài làm thơ và ngâm thơ hay đến thế. Lần ấy nhà trường tổ chức cuộc thi sáng tác thơ mừng ngày nhà giáo. Liên cũng thích thơ từ ngày còn ngồi ghế trường huyện. Mấy năm học đại học cô vẫn âm thầm lặng lẽ ghi chép từng câu, từng đoạn thơ nảy ra trong giây phút xúc động đến không thể kìm nén sau cuộc nói chuyện với ai đó, hoặc một chuyến đi, một cảnh lạ bất chợt lần đầu. Lần ấy, trong sự cuốn hút của phong trào thơ nhà trường, Liên chọn bài thơ khá nhất trong sổ tay thơ của mình nộp cho chi đoàn, để khỏi bị kiểm điểm là "thiếu ý thức". Không ngờ, hôm công bố kết quả cuộc thi, bài thơ của Liên lại được giải nhì (không có giải nhất), và người liên danh giải thưởng với Liên lại là Tưởng, anh chàng sinh viên bị cả đám con gái tặng cho cái biệt danh "Tưởng nhà quê". Có lẽ vì nước da đen đúa, dáng người tồng ngồng, tính nết thật thà như đếm, nên Tưởng bị đám con gái bông lơn vậy, chứ Tưởng đâu phải "dân nhà quê", người phố chính tông. Khi hai người lên nhận giải, đám sinh viên ngồi chật hội trường reo hò đòi hai "tân khoa" phải tự trình bày tác phẩm của mình. Tưởng có giọng ngâm trầm lắng, cuốn hút đến say lòng, đã nhiều lần tự đọc thơ mình cho bè bạn nghe nên không ngần ngại bước đến trước micrô ngâm bài thơ vừa đoạt giải. Đến Liên, cô dường như không đủ can đảm đọc lên mỗi cái tên bài thơ, chứ đừng nói cả bài. Thấy Liên đứng như trời trồng trên sân khấu, mặt trông đến cắt không còn giọt máu, Tưởng lập bập đi lên, chìa hai tay ra phía Liên, nói nhỏ:

- Liên đưa tôi đọc cho.

Tức thì, đám sinh viên ngồi dưới reo hò tưởng đến vỡ


hội trường:

- Đúng rồi, Liên đưa Tưởng đi!

- Đẹp đôi lắm. Hôn đi...

Liên bỗng thấy đôi má nóng ran, vội dúi tờ giấy chép bài thơ của mình vào tay Tưởng, chạy vụt xuống phía dưới.

Ngay tối hôm ấy, Tưởng sang lán con gái tìm Liên. Tưởng dẫn Liên ra chân đồi sim, sau lán nhà ăn tập thể, đàm đạo thơ văn, hỏi han quê quán hay thổ lộ mối tình đầu, có trời mà biết. Chỉ biết từ đấy hai người trở thành bạn thân. Chỉ thân thôi, chắc thế, chứ đời nào con Liên nó yêu thằng Tưởng. Liên vào loại xinh đẹp, không nhất cũng nhì khoa. Tiếng là người nông thôn, nhưng Liên sinh ra ở một vùng quê vốn có nhiều con gái đẹp người đẹp nết nổi tiếng. Nước da trắng trẻo, khuôn mặt đầy đặn, với đôi mắt đen ánh, có hai hàng mi nhỏ như kẻ chỉ và làn môi lúc nào cũng phơn phớt màu hoa đào, trông Liên không ai nghĩ cô là con gái nhà quê sinh ra từ chân lấm tay bùn. Dưới con mắt của những kẻ hay xét nét pha chút miệt thị, một cô gái xinh đẹp đến ngần ấy không thể đem lòng yêu một chàng trai đen đúa, tồng ngồng với bộ mặt lúc nào cũng trầm lặng như ông từ vào đền thế kia.

Nhưng cái gì phải đến, tự khắc nó sẽ đến. Khi tiếng súng mở màn chiến dịch Quảng Trị xuân 1972 ầm vang bên kia vĩ tuyến 17, thì trong các lán dựng tạm thời nơi sơ tán của nhà trường, hàng trăm lá đơn gửi đến ban giám hiệu xin được "xếp bút nghiên theo việc binh đao". Và trong số những người được cái vinh dự lên đường nhập ngữ đợt ấy, có anh chàng sinh viên mê thơ và mê cả người làm thơ. Buổi tối, trước hôm lên đường, sau khi liên hoan với bạn bè ở lớp, Tưởng vội vã sang lán con gái. Mới tới chân dốc đã thấy Liên ngồi thẫn thờ dáng chờ ai, hai tay cuộn tròn tờ giấy nhỏ, hẳn xé từ sổ tay ra. Gặp nhau Liên không trách móc, giận hờn Tưởng về sự chậm trễ như bao cặp tình nhân mỗi lần chậm trễ hẹn hò, cô chỉ đưa cho Tưởng tờ giấy đang cầm trên tay:

- Mai anh lên đường, em chẳng có gì kỷ niệm, chỉ có bài thơ tặng anh.

Tưởng nói trong tiếng cười hân hoan như đứa trẻ được quà:

- Thế thì anh thuộc lòng ngay tắp lự. Em đọc lên xem nào.

Liên thành thật:

- Em không quen đọc to lên bài thơ của mình.

- Thì ít nhất là lần này, cho một mình anh.

- Thôi được.

Rồi Liên bâng khuâng, cất giọng đều đều:

Rất có thể là anh không quên em

Không quên những đêm nhạt nhòa mây trắng


Trên đồi sim hoang vắng

Tiếng thơ em - tiếng hát tự đáy lòng

Hát cho em và cả cho anh

Những tâm hồn chỉ biết có tình yêu chung thủy.

- Hay lắm! - Tưởng khẽ khàng như chỉ sợ làn gió cuốn đi hơi thở của Liên đang phả nhẹ nơi cổ anh - "Tình yêu chung thủy" em đã nói hộ lòng anh. Nhưng sao em lại dùng cái cụm từ trừu tượng "rất có thể" mà không dùng từ khẳng định "dứt khoát là".

Liên ghé sát đầu vào vai Tưởng, mấy sợi tóc của cô bay trên
má anh:

- Khẳng định thế còn gì là thơ, hả anh. Thơ cần sự trừu tượng, gợi mở để người đọc còn suy nghĩ vấn vương chứ.

Tưởng buột ngay một câu mà sau này, trên chặng đường hành quân xuống miền Đông Nam Bộ, mỗi khi nhớ đến Liên anh cũng không hiểu vì sao lúc ấy mình lại nói được một câu "có giá" đến thế:

- Anh bái phục tài thơ của em!

Và Tưởng cũng không ngờ cái câu nói buột miệng ấy lại mở ra một "bước ngoặt" trong tình yêu, và cả trong cuộc đời của hai đứa sau này. Tưởng vừa buông tiếng, Liên ôm choàng lấy anh, đặt lên môi anh những cái hôn đắm đuối. Con gái dễ yếu mềm, đôi khi chỉ vì những lời nói ngọt ngào đã làm cho trái tim xúc động đến nhũn nhĩn.Và rồi chính cái giây phút không kìm nén được ấy, Liên đã trao sự trinh trắng cho Tưởng một cách không đắn đo dè dặt, chỉ có sự yêu thương nồng cháy người con trai sớm mai phải chia tay kẻ Nam người Bắc không hẹn ngày gặp mặt cào xé trong lòng cô gái lần đầu tiếp xúc với da thịt đàn ông.

Sau ngày Tưởng lên đường được năm tháng, cả lớp phát hiện Liên có mang. Đầu tiên là cánh con gái cùng phòng, dễ mấy kỳ không thấy Liên tối tối lặng lẽ cắp cái chậu con ra một góc ngồi giặt như bao cô gái cùng lớp đến kỳ thấy kinh. Rồi đến anh lớp trưởng lấm lét theo dõi Liên từng bước đi, cứ thấy bóng cô lầm lũi ra mấy cái quán ngoài đầu dốc là len lén đi theo, nấp vào một chỗ nào đó, dõi nhìn. Nhưng chẳng lần nào thấy Liên rấm ráy quả chanh quả khế. Lạ! Sao các cụ bảo đàn bà có chửa con so là chúa hay thèm của chua. Liên không thèm của chua, chỉ thèm cháo. Liên có thể ăn cháo liền hai ba ngày, nhưng cứ ngửi hơi cơm là nôn nao hết cả người. Đúng là đàn bà mỗi người một máu, đến khi bụng mang dạ chửa mới bộc lộ hết sức lực cơ thể con người. Có tuần Liên ăn cháo suốt nhưng vẫn lên lớp, học bài, làm bài như thường. Mỏi mệt đến rã rời mà vẫn làm bộ tươi tỉnh. Có ai hỏi thì độc một câu: "Mình bị bệnh đường ruột từ bé, cứ vài năm lại bị một lần thế này". Liên cố giấu, nhưng giấu sao được. Cái cơ thể bé nhỏ cô đang mang trong bụng kia cứ mỗi ngày một phát triển rõ nét, làm thay đổi dáng hình, tính nết người đang mang nó. Cổ Liên cứ mỗi ngày một dài ra và dưới làn da trắng nhợt như nõn chuối nổi rõ hai đường gân xanh như hai cái đũa. Dấu hiệu của người đàn bà có thai đã hiện rõ trong li ti huyết quản. Đến nước ấy thì không thể im lặng chờ đợi một sự tự giác nào nữa. Cả lớp họp suốt ngày chủ nhật bắt Liên phải thành thật kiểm điểm đã "quan hệ bất chính với ai?". Nhưng Liên chỉ một mức: "Tôi làm tôi chịu, không thể để liên lụy tới người thứ hai". Ngoan cố quá chừng, phải xử lý ngay tức khắc để làm gương cho người khác. Ngay sáng thứ hai Liên được gọi lên phòng ông hiệu phó phụ trách hành chính tổ chức. Không phải để nghe một lời khuyên như cô chợt nghĩ đến trên đường từ lán con gái lên đây, mà để nhận một lời phán xử như sét đánh ngang tai: "Cô phải rời khỏi trường ngay hôm nay, không được thanh toán bất cứ một khoản gì. Đấy là nhà trường còn "chiếu cố" hoàn cảnh, không bắt bồi thường học bổng từ ngày vào trường đến nay. Cũng ngày hôm nay, tôi sẽ ký giấy gửi về địa phương và gia đình, nói rõ việc cô bị đuổi học là vì có quan hệ nam nữ bất chính, lại ngoan cố không chịu khai". Ông hiệu phó trừng trừng nhìn cô sinh viên ngang bướng, nói băm bổ. Liên điếng người, nhưng rất lạ từ phòng ông hiệu phó ra, Liên không thấy mảy may tủi hờn, xấu hổ. Chỉ cảm thấy ngại chuyện trò, gặp gỡ người này người khác. Trưa, Liên vẫn lẳng lặng vác bát xuống nhà ăn như thường ngày. Chiều, chờ cho các bạn lên lớp hết, Liên xách chiếc va li Tưởng để lại cho hôm anh lên đường nhập ngũ, lầm lũi đi tắt qua đồi sim ra ga Đồng Quang đón tàu về xuôi.

Suốt hai ngày đêm chờ xe đợi tàu mệt bã người, về đến bến Bính, Liên không xuống phà, dù biết chỉ qua con phà nhỏ và đoạn đường ngắn là về đến quê nhà, Liên lững thững xách va li xuống bến tàu thủy mua vé ra đảo Cát Bà. Ở đấy Liên có một cô bạn "hạt lạc tách đôi" từ ngày học cấp ba, đang làm công nhân lâm trường
ngoài đó.

Hân, tên cô bạn, vồn vã đón Liên với cả niền vui và sự nuối tiếc. Dù chồng đi bộ đội xa, ở nhà một nách hai con nhỏ, với đồng lương ít ỏi của một công nhân trồng rừng nơi đảo xa, Hân vẫn thu vén nhà cửa chu tất. Chung quanh nhà Hân trồng toàn lạc. Những khóm lạc củ sai như bện, hạt chắc đến nghiến răng nghiến lợi mới tách được vỏ. Tối hôm Liên đến, cơm nước xong, cho con đi ngủ, Hân soi đèn ra vườn nhổ mấy khóm lạc vào luộc. "Cho mày ăn thử giống lạc ngoài đảo, chúa sừng lắm", Hân nói khi ôm nắm lạc còn nguyên cả cây từ ngoài vườn vào. Hai chị em vừa tí tách bóc lạc, vừa thủ thỉ tâm sự. Hân bảo:

- Thôi, đã đến nước này thì mày ở đây với mẹ con tao. Về quê bây giờ các cụ gằn hắt cũng khổ lắm. Tiếng là hết thời phong kiến rồi, nhưng trong lời nói và việc làm của không ít người bây giờ còn trắng trợn quá phong kiến ngày xưa.

- Tao cũng biết thế, nên định ra đây nương nhờ mày. Chờ đến ngày mẹ tròn con vuông xong, tao sẽ tìm đường đi nơi khác.

- Không đi đâu nữa. Đẻ xong, tao xin cho vào lâm trường. Nam giới đi bộ đội vãn, Lâm trường đang thiếu người làm. Tiếng là đang chiến tranh, nay máy bay, mai tàu chiến nó bắn phá, nhưng mỗi năm chúng tao vẫn phải đốn tỉa, phát dọn và trồng mới hàng trăm héc-ta rừng, chứ có ít đâu. Nghe nói rừng Cát Bà là rừng nguyên sinh, còn nhiều loài cây quý hiếm lắm. Có khi sau này thành vườn rừng quốc gia cũng chưa biết chừng. Cứ yên trí ở đây với mẹ con tao. Ngoài đảo tuy xa xôi hẻo lánh, nhưng biết cách sống cũng chẳng thấy buồn tẻ lắm đâu.

Bốn tháng, sau cái đêm hai người đàn bà dở khóc dở cười ra nước mắt trong cái lán tre nứa được gọi là nhà của mẹ con Hân dưới chân dốc Khê Sâu, Liên sinh thằng bé khá bụ bẫm. Không hỏi ai nửa lời (kể cả Hân), Liên đặt tên con là Tin, "thằng cún Tin", Liên thường nựng con vậy. Hân cũng không hỏi Liên nửa câu "Sao mày lại đặt tên con là Tin", mà với cái nhảy cảm thầm kín của người phụ nữ, Hân hiểu Liên vẫn còn ôm ấp một niềm tin vào sự trở lại của một người đàn ông nào đó. Khi Liên vừa đoạn cữ, Hân xin cho Liên vào làm công nhân trong đội trồng rừng với Hân. Hai chị em mỗi vụ nhận một vạt đồi phát dọn cây dại, đào hố, đánh tỉa cây con mang lên trồng, tưới vun, chăm bón. Công việc cứ lặp đi lặp lại tưởng đến tẻ nhạt, nhưng lại đầy hứng thú với người trồng rừng. Bởi sau mỗi lần phát dọn rừng là một vụ gieo hạt, trồng sắn, tra lúa nương, lấy ngắn nuôi dài. Có vụ thu hái lạc, đào bới sắn về đổ đống chật nhà.

Thượng đế dường như cũng biết thương kẻ khó, cho Liên một đứa con đến là dễ nuôi. Cả năm thằng bé không một lần ấm đầu sổ mũi. Lên bảy tuổi nhiều hôm mẹ đi rừng về tối đã biết cho lợn ăn, đóng cửa chuồng gà, rồi chong đèn ê a tập đọc.

Năm thằng Tin thi chuyển cấp vào lớp mười cũng là lúc Liên phải nghỉ việc hưởng chế độ một lần, vì "dư thừa lao động". Hôm nghe mẹ nói cái tin đó, nó đang ngồi học ở chiếc bàn con góc nhà, vội chạy bổ ra giường, ôm choàng lấy mẹ:

- Thế thì mẹ dồn tiền mua cho con chiếc thuyền, con đi đánh lưới với mấy bác ngoài vụng.

- Tin, con đừng nghĩ quẩn thế!

 

- Con không nghĩ quẩn. Con đã đến tuổi "mười bảy bẻ gẫy sừng bò", không thể để mẹ vất vả vì con mãi thế này.

Liên rân rấn nước mắt, đưa bàn tay vuốt nhẹ mái tóc con. Thằng Tin càng lớn càng giống Tưởng như đúc. Cũng nước da đen đúa, tính nết tềnh toàng, trầm lặng đấy nhưng đã nói là như dao chém đá. Chị khẽ khàng như nói qua hơi thở:

- Con nghĩ lại đi. Mẹ chỉ có mình con!

Nhưng thằng bé đã quả quyết:

- Chính vì mẹ chỉ có mình con nên con muốn mẹ cho con được chia sẻ gánh nặng đường đời với mẹ.

Ai đã dạy thằng bé mười bảy tuổi chưa một lần được thấy mặt cha, thậm chí cái tên của bố cũng chưa một lần nghe nhắc tới, lại có thể nói những lời nhói tận tim gan người mẹ đến thế. Không nỡ chối từ con, Liên gom toàn bộ vốn liếng ky cóp bấy nhiêu năm, cùng với số tiền "chế độ một lần" mua cho con chiếc thuyền và bộ ngư cụ theo mấy bác ngoài vụng Tùng Dinh ra lộng.

Hơn năm trời thằng bé đi về trót lọt, không những hoàn vốn, còn dư dật mấy trăm nghìn đưa mẹ gửi tiết kiệm "để mai kia sửa lại cái nhà", như nó nói với mẹ lúc đưa tiền. Nhưng sự đời sao lắm éo le. Trong chuyến đi biển đầu vụ cá nam năm ngoái, thình lình một cơn lốc vần vũ ào qua lật úp chiếc thuyền của nó và hai chiếc thuyền nữa đang dong lưới ngoài cửa Lan Hạ. Mãi ba ngày sau, xác thằng bé theo gió nam dạt vào bờ Việt Hải. Liên ôm con khóc không thành tiếng, vật vã bên bờ biển. Mãi đến khi Hân thuê được xe chở quan tài ra liệm cho thằng bé, rồi xóc nách Liên dìu lên xe, Liên mới chợt tỉnh, ôm choàng lấy Hân cấu xé, gào thét: "Để tao đi theo nó. Tao còn sống làm gì nữa Hân ơi!".

Nhưng Liên vẫn phải sống. Bởi sau cơn phong ba bất thần cướp đi của Liên đứa con yêu, thì Liên lại mung lung thấy như có cái gì chưa tròn với Tưởng. Dẫu chiến tranh đã qua đi hàng chục năm, người chết đã có giấy báo tử, người còn sống dù què quặt hay lành lặn đều đã trở về. Nhưng Liên vẫn man mác một niềm tin rất vô cớ rằng Tưởng không chết, và anh cũng chưa về. Trong linh cảm của Liên, dù chỉ là giấc mộng, từ ngày Tưởng đi chưa một lần Liên thấy có điềm gì đến với cô. Còn nếu anh đã về, nhà ở ngay một phố nào đó trong nội thành kia thôi, sao lại không một lần gặp đứa nào cùng lớp, cái Thư hay cái Nhân chẳng hạn. Ai chứ hai đứa ấy gặp là chúng phô hết. Cái Thư công tác trên thành hội phụ nữ, năm nọ đi cùng đoàn tham quan ngoài đảo, tình cờ gặp mẹ con Liên đi dỡ lạc. Thư tách khỏi đoàn, ở chơi với mẹ con Liên một đêm. Chỉ toàn chuyện thời con gái, vui nhộn thật, nhưng cũng buồn nẫu ruột. Suốt từ lúc gặp đến khi chia tay, Thư không một lời cật vấn Liên về người cha đứa bé. Dường như Thư hiểu, nên không muốn chạm đến nỗi đau đã nằm sâu trong tim bạn.

Sau ngày giỗ đầu con, Liên mở quán bán hàng nước ngay đầu dốc thị trấn xuống vùng Tùng Dinh. Thị trấn đảo dân cư thưa thớt, người vãng lại ít, nên khách ra vào quán cũng vắng. Những hôm nước cường, tàu thuyền ngoài khơi trong lộng về kín vụng, cá to cá con đổ đống lớn đống bé trên bờ. Liên đóng cửa quán, chạy cá từ vụng ra bến tàu.

Một chiều, tàu thủy từ Hải Phòng ra đổ khách lên bến Bèo. Liên lễ mễ bê sọt cá xuống bến chào hàng mấy bà buôn vừa từ Hải Phòng ra. Chợt Liên đứng sững, đôi mắt đổ dồn về phía người đàn ông vận quân phục, đeo cái kính đen có đôi gọng sừng to như hai cái đũa cả vắt ngang hai bên thái dương, tay cầm cái gậy huơ huơ về phía trước, rờ rẫm lần từng bước ra cửa soát vé. Liên không còn đủ bình tĩnh để sọt cá ra vệ đường, đánh bịch cái sọt ngay dưới chân, giữa lối khách lên xuống ồn ào như chợ vỡ, rồi lao ra cửa khi người soát vé tùm lấy áo, nói như quát: "Đã lên còn xuống làm gì. Vé đâu?". Thì cũng vừa lúc người đàn ông đeo kính đen lần lần bước tới. Như không hề biết có người đang túm áo mình quát lác, và cũng chẳng mảy may để mắt đến người xung quanh, Liên ôm chầm lấy người đàn ông, gọi lạc
cả giọng:

- Anh Tưởng...!

Cả bến tàu ồn ào như ong vỡ tổ bỗng im phắc. Ai lấy đều lặng đi, đổ dồn mắt về phía hai người.

Mãi đến khi Liên dẫn Tưởng vào ngôi nhà con, một nửa kê chiếc giường đôi, một nửa làm nơi bán hàng, Tưởng vẫn còn bàng hoàng chưa phân biệt nổi thực hư. Người đàn bà gọi mình trên bến tàu, rồi dẫn lên xe ôm đi từ bến về đây, có đúng là Liên hơn hai mươi năm trước, hay chỉ là người quen nào thời học sinh. Đôi mắt bây giờ không còn giúp anh phân định rõ hình dáng, sức vóc người trước mặt. Một quả mìn cóc trong miệt rừng biên giới Tây Nam đã cướp đi của anh sự huyền diệu ấy của con người. Còn đôi tai ư, anh có thể hoàn toàn nghe rõ từng tiếng động nhỏ, cả đến con ruồi bay qua cũng cảm giác được. Nhưng giọng nói của người đàn bà dẫn anh từ bến tàu về đây, nghe thấy khác nhiều so với giọng nói của Liên ngày nào. Nó ồm ồm đến thiếu sự chuẩn xác trong âm tiết, chứ không dịu dàng, rành rẽ như giọng nói của người con gái anh hằng thương nhớ bấy nhiêu năm. (Mãi sau này Tưởng mới biết, hơn hai mươi năm sống ở đảo, Liên đã quen với giọng nói của người miền biển "ăn sóng, nói gió"). Tưởng thận trọng và dè dặt ngồi vào mé giường, chân buông thõng, chiếc gậy kẹp giữa hai đùi, ngửa mặt nhìn về phía trước mà cũng như không, cất tiếng hỏi một câu mà bất cứ ở đâu khi chưa nhận ra người đang nói chuyện với mình anh cũng hỏi như thế:

- Cô là ai nhỉ? Tôi chưa nhận ra.

Liên đang bưng cốc nước chanh vừa pha đến trước mặt Tưởng, nghe câu hỏi ấy bỗng bủn rủn cả người, chiếc cốc trên tay rơi ngay xuống chân. Liên lao vào lòng Tưởng, thiếu chút nữa cả hai đổ nhào ra giường, giọng lạc đi:

- Trời, anh Tưởng! Anh không nhận ra em thật ư. Em đây, Liên của anh đây!

 

Không biết có phải tàn tật dạy anh thận trọng từng đường đi nước bước, hay tình yêu chung thủy khuyên anh chớ vồ vập cả tin. Có lẽ cả hai. Nên nghe câu nói xúc động của Liên, anh chỉ thấy hai thái dương giật giật. Giọng anh có hơi lạc đi một chút:

- Vậy thì cô còn nhớ, khi chia tay hai người có kỷ niệm gì?

Liên thảng thốt, gấp gáp:

- Có. Một bài thơ. Anh còn nhớ?

Nhưng không đợi Tưởng trả lời, Liên vội đọc lên bài thơ mà có lẽ mấy mươi năm nay Liên chỉ đọc thầm những đêm thao thức, chứ chưa một lần đọc lên thành tiếng:

"Rất có thể là anh không quên em; Không quên những đêm nhạt nhòa mây trắng".

Mới nghe đến đấy, Tưởng đã dào lên niềm xúc động đến trào nước mắt. Rồi không một giây hồi tưởng, nghĩ suy, anh tiếp lời ngay như chỉ chờ có thế:

"Tiếng thơ em, tiếng hát tự đáy lòng; Hát cho em, và cả cho anh. Những tâm hồn chỉ biết có tình yêu chung thủy".

Liên xốn xang cõi lòng, gục đầu vào vai Tưởng. Những giọt nước mắt thấm ướt vai áo anh.

Lúc lâu, Liên ngước nhìn Tưởng cất giọng âu yếm pha chút
giận hờn:

- Bấy lâu anh đi những đâu, mà bây giờ mới ra đây?

Tưởng lần lần bàn tay Liên:

- Anh đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam rồi sang Campuchia. Mãi năm 87 mới được đưa về điều dưỡng ở Biên Hòa. Năm 90 được chuyển về trạm nuôi dưỡng thương binh nặng của thành phố. Hồi vào tới chiến trường, anh viết về trường cho em mấy lá thư, nhưng không nhận được thư nào của em. Chỉ nhận được mỗi lá của Thư báo tin em bị đuổi học, nhưng chẳng biết đi đâu, không về quê. Mãi thứ hai tuần trước tình cờ gặp Thư trong đoàn phụ nữ thành phố sang thăm và tặng quà anh em thương binh ở trạm nhân ngày thương binh, liệt sĩ, anh mới biết mẹ con em đang ở ngoài này. Thế con đi đâu, hả em?

Liên bỗng thấy nhói đau trong lồng ngực, ho rũ lên mấy tiếng. Một cơn ho dường như chưa bao giờ thấy ở Liên, dù cả trong những ngày "thân cô thế cô" mang nặng đẻ đau. Nhưng cũng chính cơn ho bất chợt ấy cho Liên có thời gian suy nghĩ cách trở lời câu hỏi đau lòng của anh. Sẽ nói, tất nhiên là phải nói, không chỉ về con, mà còn về cả em trong suốt năm tháng đằng đẵng xa anh. Nhưng nói vào lúc nào kia, khi sự yên tĩnh đã thay cho nỗi xúc động đến trào nước mắt trong phút giây gặp lại. Liên xây mặt vào sau lưng Tưởng, nói nhỏ một câu mà sau này chính Liên cũng không hiểu vì sao lúc ấy mình lại nói được một câu như thế:

- Con đi biển!

Nói rồi, Liên vội dụi đầu vào vai Tưởng, cố giấu đi mấy giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Rồi giục:

- Mà thôi, anh kể tiếp đi. Gia đình anh bây giờ thế nào?

Tưởng cất giọng buồn buồn:

- Dạo mới ở miền Nam ra, trạm có cho xe đưa anh về thăm nhà. Bố mẹ anh người mất do ốm đau, người mất vì bom đạn Mỹ đánh phá. Đứa em út lấy chồng ngoài Hồng Gai. Còn ông anh cả về mất sức, cùng ba đứa con trông vào cái quán hàng khô của bà vợ ngoài chợ. Cảnh nhà thế, chỉ Tết nhất anh mới về thăm, chứ trạm cũng không có ý định đưa anh về gia đình an dưỡng.

Liên hỏi một câu hàm chứa bao điều bấy lâu hằng ao ước:

- Thế anh có ý định không?

- Trước thì không. Nhưng từ hôm gặp Thư thì anh lại quyết đi tìm em. Dù có phải ra biển khơi đảo vắng anh cũng ra.

 

Hải Phòng, hè 1992

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84067


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận