Hình Phạt Nhân Đôi Chương 1


Chương 1
Đáng lẽ ra thì tôi đang ở chỗ khác.

Đáng lẽ ra, có nghĩa là nếu như hệ thống tâm thần học của Pháp không ở trong tình trạng tồi tệ một cách thảm hại thế này, thì tôi đã đang trên đường đi đến buổi dạ hội trong một lâu đài ở ven công viên Saint-Cloud. Mà tại sao lại không chứ? Tại sao một bác sĩ tâm thần trong khoa cấp cứu của bệnh viện lại không có quyền sống một cuộc đời riêng tư, uống rượu sâmpanh và mặc quần áo đẹp? Bởi vì ngày càng nhiều người có vấn đề. Không chỉ các bác sĩ tâm thần mới có vấn đề, mà những người bình thường cũng vậy.

Và trong khi tôi đang thương thuyết một cách gay gắt với Sheila thì các bóng đèn màu cũng tắt dần. Sheila là bà thư ký điều phối ở khoa cấp cứu vừa gọi điện đến số điện thoại trên xe ôtô của tôi.

- Tại sao lại là tôi? Ở Fleury họ không có bác sĩ tâm thần à?

- Ông ấy bảo là cần có sự giúp đỡ.

- Ai mà chẳng cần được giúp đỡ. Mà hôm nay tôi không phải trực đâu nhé. Bà gọi người khác đi.

 

Tôi không giải thích rằng tôi có ý tốt đưa bà chị mới ly dị chồng cùng đi đến buổi dạ hội này. Tôi sẽ làm gì với bà chị tôi đây? Chẳng lẽ tôi để chị ấy vẫy xe trên đường cao tốc? Hoặc đưa chị ấy cùng đi và bắt chờ cả đêm ngoài bãi xe của nhà tù?

Tối thứ bảy ở nút giao thông Vincennes. Ôtô nối nhau đi thành dòng chen chúc chật cứng, dãy đèn đường in lên nền trời màu tím sẫm như báo trước một đêm đầy hứa hẹn. Tôi lắng tai nghe Sheila thuyết phục Christian, bác sĩ mới vào làm việc ở khoa chúng tôi.

... Nghe giọng thì thào bực bội của Christian thì rõ ràng là anh ta đang có một ca phức tạp:

- Không được! Tôi đang có một vụ TT ở đây, tôi không đi được đâu.

- Ca này mã số 10.

 Sheila nhắc lại một cách nghiêm khắc.

- Được rồi. Tôi sẽ gửi đến cho bà một cánh tay. Đó là tất cả những gì tôi có thể.

 Christian tắt máy. Rõ ràng là anh ta quan tâm đến vụ TT (tự tử) hơn là tính khí của Sheila. Như thế là không thận trọng một chút nào. Mặc dù ở bậc thang cuối cùng trong khoa, nhưng Sheila hoàn toàn có khả năng biến cuộc đời của mỗi chúng tôi thành địa ngục. Với tư cách là thư ký điều phối, bà ta có quyền điều chúng tôi đi rất xa, rất muộn và dành cho những ca thật là khủng khiếp.

 Sau khi bị từ chối một cách phũ phàng như vậy, Sheila gọi lại cho tôi:

- Véra, ca này là của chị đấy. Có một vụ bắt con tin ở khu giam nữ tù nhân. Người ta đang chờ chị.

 Tôi đành chấp nhận. Tôi biết thế nào là mã số 10. Tôi quay sang Rosemarie đang tròn mắt vì ngạc nhiên. Chị tôi vốn là cán bộ công đoàn tích cực nhưng cũng không nhịn nổi nên đã bình luận:

- Chẳng nhẽ em lại chịu à?

- Rosemarie à, nước Pháp thiếu bác sĩ tâm thần. Đây không phải là lỗi của ai cả.

- Điều cần thiết là phải có những người đi đầu. Những người sẽ làm cho giới trẻ muốn theo nghề này!

 Câu này có nghĩa là tôi chỉ là một bác sĩ quèn!

 Xe vừa đến Cửa Italie phía Nam Paris, tôi lái xe ra khỏi đường cao tốc và giải thích cho Rosemarie:

- Chị sẽ gọi taxi đi tiếp nhé?

- Không, không thế được! Chị có quen ai ở nhà Markovich đâu! Em bảo chị đi cùng cơ mà!

- Chính chị mới là người xin cùng đi với em.

- Tất nhiên rồi! Chị có chỗ nào đi chơi đâu! Làm sao chị gặp ai được cơ chứ!

 Tôi thở dài một cái thật sâu. Tôi không muốn cãi nhau với Rosemarie mặc dù tôi biết là chị ấy đang rất muốn cãi nhau một trận thật đã. Nhưng trí óc tôi đã ở chỗ khác rồi.

- Em bảo này, - tôi cố gắng lấy giọng thật nhẹ nhàng –Chị cứ đi đi, như thế sẽ đỡ cho em hơn. Chắc chắn Hugo sẽ bực mình lắm đấy, chị nói với anh ấy là lúc nào xong em sẽ đến ngay.

 

Fleury-Mérogis là một thành phố ngoại ô Paris với những niềm vui, nỗi buồn, và một nhà tù rộng mênh mông. Bên ngoài là quang cảnh buồn bã thường thấy trên tivi, tường bêtông, chòi gác, lưới bảo vệ xung quanh các tòa nhà, tất cả đều trở nên đen tối hơn trong ánh sáng yếu ớt của buổi chiều muộn này.

 Tôi còn chưa kịp đỗ xe thì hai bóng người mặc quân phục đã ra hiệu cho tôi dừng lại. Một nhóm cảnh sát đến gần để kiểm tra giấy tờ của tôi. Chúng tôi trao đổi vài câu ngắn gọn, sau đó tôi được hộ tống đến cổng nhà tù. Xung quanh im lặng như tờ, chỉ thỉnh thoảng gió mới đưa một tiếng kêu từ trong vọng ra.

 - Phía này là nhà giam nam, - người cảnh sát hộ tống tôi giải thích - Tù nhân nam còn chưa biết chuyện, nếu không họ đã tranh thủ phá rối rồi. Rất may là cho đến giờ mọi việc vẫn ổn cả.

 Chúng tôi đi hết hành lang nọ đến hành lang kia. Cửa mở rồi đóng lại, không một lời nói; trong lúc này, tất cả phải làm như không có gì xảy ra trong khu giam nữ tội nhân.

 Đột nhiên, mọi thứ thay đổi đột ngột. Trong nhà giam nữ, tất cả đều thức và nghe ngóng đằng sau cánh cửa phòng giam. Họ chờ đợi, nghe ngóng. Hai nữ cai tù mặc váy xanh nước biển sẫm đón tôi và đưa tôi đến phòng tập thể dục, nơi đội an ninh đang chờ tôi. Tất cả mọi người đều im lặng, cảnh giác cao độ, chú ý đến từng tiếng động nhỏ.

 Đại úy phụ trách nhóm đặc nhiệm giới thiệu tôi với bác sĩ Ballisti, bác sĩ tâm thần làm việc trong nhà giam. So với một người đàn ông khoảng trên dưới năm mươi thì bác sĩ Ballisti có vẻ đã quá mệt mỏi. Ông quá béo, nhưng số cân thừa đó không phải do ăn uống phè phỡn, mà là của một người luôn bị stress đến độ quên chăm sóc bản thân mình.

Nước da trắng bệch và đôi mắt mệt mỏi đằng sau cặp kính tròn nhỏ cho thấy rằng ông tìm cách quên những chuyện buồn riêng bằng cách làm việc như điên.

 Không để mất một giây phút nào, bác sĩ Ballisti giải thích:

- Chuyện ấy xảy ra rất nhanh, vào lúc đóng cửa phòng giam và phát thuốc ngủ. Nữ tù nhân gọi cô cai tù quen vào trong phòng, trấn lột chìa khóa và khóa trái cửa ở trong phòng giam cùng con nhỏ của nữ tù nhân cùng phòng còn đi tắm chưa về. Tất cả đều được thực hiện một cách rất chính xác, chắc chắn đây là một việc đã được tính toán kỹ từ trước.

- Không có ai thấy gì à?

- Các nữ cai tù khác đang bận đưa các nữ tù nhân vào phòng giam để khóa cửa.

- Nữ tù nhân có vũ khí không?

- Súng của cô cai tù bị bắt làm con tin và một dao cạo râu. Không có tiếng súng nổ. Cô ta dọa là sẽ bóp cổ đứa trẻ nếu chúng ta định phá cửa vào.

- Đứa trẻ mấy tháng?

- Chín tháng. Nó khóc nhiều lắm, nhưng hình như nó đã ngủ sau khi được uống sữa, chúng tôi đưa qua cửa một bình sữa. Tôi hy vọng là nó ngủ...

 Tôi cũng vậy. Cả hai chúng tôi đều biết rằng nếu đứa bé không ngủ thì có nghĩa là nó đã chết.

- Thế còn nữ cai tù?

- Cô ấy kêu lên được một tiếng để báo động cho đồng nghiệp, nhưng quá muộn. Sau đó thì tôi không biết. Không ai nghe thấy gì cả.

 Đó cũng không phải là một dấu hiệu tốt đẹp.

 Lúc đó là 7h40 tối, một giờ sau khi vụ bắt con tin xảy ra. Tình hình đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu bị phong tỏa: phía bên kia cửa hoàn toàn im lặng, nữ tù nhân hoàn toàn không yêu cầu gì, đó là điều cho thấy tình hình có thể đang dẫn tới một thảm kịch. Tôi chia sẻ dự báo bi quan của bác sĩ Ballisti, nhưng bởi vì tôi đến đây để mang lại một tia hy vọng, nên chỉ nói:

- Cô ta không hề nói cô ta muốn gì à?

- Có. "Để cho cô ta yên thân".

- Chỉ thế thôi à?

- Cô ta chỉ nói thế khi chúng tôi hỏi qua cửa.

…Cô ta làm như bị làm phiền. Khá là kỳ lạ. Dường như cô ta tự khai trừ mình ra khỏi nhà tù. Tôi lập tức nghĩ là nếu người ta dùng đến bạo lực thì cô ta sẽ giết ngay đứa bé.

- Tất nhiên rồi. Anh đã bao giờ khám bệnh cho cô ta chưa?

Bác sĩ Ballisti lắc đầu, vẻ đau khổ:

- Tôi chỉ biết cô ta tên là Giselle Leguerche. Tôi chưa bao giờ gặp cô ta, cô ta không bao giờ để người ta nói về mình, không bao giờ xin thuốc ngủ hoặc thuốc an thần, không có gì đặc biệt để mở hồ sơ. Đối với tôi, cô ta chưa bao giờ tồn tại.

 Rõ ràng là bác sĩ Ballisti tự nguyền rủa mình, ông tự mắng mỏ mình vì đã không để ý đến tù nhân này. Ông tự phán xét mình, mặc dù hàng ngày ông phải khám đến năm mươi tù nhân, có nghĩa là một số lượng quá nhiều, mặc dù ông chịu trách nhiệm nặng nề của một bác sĩ ở nhà giam đến mức làm đau thận, mặc dù ông không thể nào lường trước được mọi việc. Tôi hỏi:

- Thế người bác sĩ đã khám cho cô ta thì sao?

- Sáu tháng sau khi đến đây, cô ta đã xin đi khám bệnh bởi hiện tượng mất kinh hàng tháng, nhưng anh ta không cho cô ta thuốc.

 Mà cũng phải thôi! Nếu tất cả các nữ tù nhân mất kinh đều được cho thuốc thì chắc là sẽ chẳng đủ thuốc nữa! Mất kinh, rụng tóc và mất ngủ là những triệu chứng tối thiểu trong nhà tù. Có nghĩa là không ai quan tâm đến Giselle Leguerche và cô ta không bao giờ quay lại bệnh xá nữa.

 Tôi hỏi nguyên nhân phạm tội.

- Cô ta đã giết một nữ đồng nghiệp. Cô ta ở đây đã được mười năm rồi.

- Không có tình huống giảm tội à?

- Theo tôi thì không. Nạn nhân là bạn thân nhất của cô ta và cô ta không tìm cách giải thích lý do phạm tội. Không ai hiểu điều gì đã xảy ra giữa hai người. Cô ta đã hoàn toàn thích nghi với kỷ luật nhà giam và được giảm án. Nhưng điều kỳ lạ nhất là đáng lẽ tuần sau cô ta sẽ được ra tù.

 Càng ngày mọi việc càng phức tạp! Trường hợp tôi cần giải quyết là một nữ tội nhân bị kết án giết người, nhưng vài ngày trước khi được ra tù thì lại quyết định tái phạm tội giữa thanh thiên bạch nhật với gần một trăm nhân chứng xung quanh.

 Đại úy cảnh sát kiên nhẫn chờ được khoảng mười lăm phút thì quyết định cắt đứt cuộc trao đổi của chúng tôi:

.....

- Thế nào? Chúng ta làm gì bây giờ?

 Tôi đưa ra đề nghị duy nhất mà theo tôi có thể thực hiện được:

- Tôi sẽ thử thuyết phục cô ta xem sao...

- Nếu chị không thành công thì tôi sẽ phá cửa.

 Bác sĩ Ballisti kêu to:

- Không được đâu!

 Tất cả mọi người đều quay lại nhìn chúng tôi. Ông hạ giọng:

- Cô ta chỉ chờ có thế thôi, cô ta chỉ chờ các anh phá cửa thôi! Cô ta sẽ giết đứa bé, mà đó sẽ là lỗi của anh!

 Người đại úy cảnh sát tuyên bố với một vẻ khinh miệt không giấu diếm:

- Đối với tôi thì đứa trẻ đã chết rồi!

 Anh ta chắc đang nghĩ thầm rằng bác sĩ tâm thần là một nghề vô tích sự và rõ ràng là bác sĩ Ballisti với ánh mắt vô thần và hàng chục kilô thừa kia không phải là người có thể làm anh ta thay đổi ý kiến.

 Bác sĩ Ballisti phản đối:

- Đứa bé vẫn sống. Nữ tù nhân đang chờ, cô ta chờ chúng ta phản ứng để hành động. Một hành động tội phạm cũng như một quả bom nổ chậm, cần phải có ngòi nổ.

 Ý của bác sĩ Ballisti là trong nhà giam này, ông đã chứng kiến biết bao chuyện. Ông cố gắng chống đỡ bằng nghị lực của một người thất vọng, yếu ớt bởi không tin vào khả năng chiến thắng. Người đại úy cảnh sát nhận thấy điều đó và cảm thấy tự tin hơn vào quyết định của mình.

 Anh ta quay sang tôi để thuyết phục:

- Bác sĩ Cabral à, chúng ta cần phải giải quyết thật nhanh trường hợp này. Nếu chuyện bắt con tin bắt đầu lan truyền trong nhà giam thì chúng ta sẽ phải đối phó với một cuộc nổi loạn...

 Được rồi. Anh ta có cảm giác là tôi đã hiểu điều quan trọng nhất. Tôi bảo:

- Anh chỉ cho tôi phòng giam đi.

- Chị có muốn bỏ áo khoác ở đây không?

 Tôi nhìn một cách nghiêm khắc như thể anh ta vừa đề nghị một điều gì đó xấu xa và trả lời:

- Không, cám ơn!

 Thật ra là tôi không muốn mọi người thấy rằng, trong một cuộc sống khác, trước khi được phái đến đây, tôi đang đi đến một buổi dạ hội với một bộ váy đen hơi ngắn và hở ngực khá sâu.

 Người đại úy cảnh sát đưa tôi qua hàng rào cảnh sát ngoài hành lang đang sẵn sàng tấn công. Anh ta ra hiệu cho họ lùi lại. Tôi cảm thấy sự hiện diện của các nữ tù nhân trong các phòng giam đóng kín, họ đang dán tai vào cửa nghe ngóng. Đó là lúc tôi hành động, như trong một vở kịch, chỉ thiếu có ba tiếng gõ truyền thống.

- Chúc chị may mắn! - Bác sĩ Ballistini thầm thì và chạm vào vai tôi.

 Tôi quay lại nhìn với vẻ biết ơn và bước vào hành lang.

 

 Bây giờ tôi chỉ có một mình trước cửa phòng giam ở giữa hành lang.

- Chị Giselle Leguerche? Tôi là bác sĩ Cabral. Chị có thể mở cửa cho tôi vào không? Tôi muốn nói chuyện với chị…

 Ở Trung tâm hỗ trợ tâm thần nơi tôi làm việc, chúng tôi luôn tự giới thiệu một cách rõ ràng: tên, tuổi, chức vụ, mục đích hành động. Bình thường thì kết quả có ngay lập tức. Nhưng hôm nay thì không.

 Tôi kiên nhẫn nhắc lại:

- Chị Giselle Leguerche? Tôi muốn vào nói chuyện với chị, xin chị hãy mở cửa cho tôi…

 Mỗi cửa phòng giam đều có một lỗ hổng để có thể nhìn vào kiểm tra phòng giam, nhưng chị ta đã dán kín từ phía trong. Tôi tiếp tục nói trong khoảng hơn một chục phút. Cuối cùng, một giọng nói gắt gỏng, thù địch, cất lên ngắt lời tôi:

- Đ. mẹ mày, mày có để cho bà yên hay không?

- Tôi sẽ còn nói đến lúc nào chị cho tôi vào.

- Thế tại sao mày muốn vào, con đĩ kia?

 Tôi từ bỏ những câu dài dòng và đi thẳng vào vấn đề:

- Tôi muốn biết chị muốn gì…Tôi không thể nói qua cửa thế này…Nếu đó là một vấn đề cá nhân thì tốt hơn cả là chúng ta phải nói chuyện bình tĩnh…

- Chẳng để làm gì! Chẳng có gì cá nhân hết!

- Thôi nào, Giselle…Phải có lý do gì thì chị mới làm điều đó chứ…

- Mày hiểu thế nào được! Mà mày là ai cơ chứ?

- Tôi là bác sĩ tâm thần. Tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân hành động của chị. Nhưng ở giữa hành lang này thì không làm sao được.

- Bọn cảnh sát kia đang làm gì?

- Họ đang theo dõi.

- Thế ra là bẫy à? Tao báo trước: nếu chúng mày định bẫy  tao thì tao sẽ cho đi đời thằng bé này.

 Tôi không dễ bị nhụt chí chút nào.

- Nghe này, chị cứ để tôi vào, chị hãy kể cho tôi nghe mọi chuyện, sau đó tôi ra giải thích cho họ, chúng tôi sẽ xem có thể làm gì giúp chị. Chị thấy thế nào?

 Tôi chưa kịp nói hết câu thì chị ta đã mở toang cửa nhưng nấp sau cánh cửa. Tôi chỉ vừa kịp phản ứng bằng cách bước vào phòng giam thì cánh cửa đã đóng sập lại sau tôi.

 Một người đàn bà cao to, khoảng bốn mươi tuổi, đứng chắn trước mặt tôi:

- Mẹ mày, sao mà mày khó chịu thế!

 

Thoạt đầu tôi chỉ nhìn thấy bộ ngực to thễu thện, nặng nề, bởi vạt áo quá chật của bộ đồng phục màu xanh. Thật kỳ lạ vì sức mê hoặc của một bộ ngực. Phải mất một đến hai giây sau tôi mới nhận thấy rằng tù nhân Giselle Leguerche đang mặc áo đồng phục lột từ xác chết của nữ cai tù nằm bất động dưới chân tôi. Cô ta không cài nổi cúc của bộ váy áo đồng phục vì quá chật, và đang gần như sắp bục tung ra. Tôi có cảm giác là cô ta hoàn toàn không mặc đồ lót và thân thể cô ta có một sức cuốn hút như hiện thân của nữ thần Venus thời tiền cổ.

 Ngoài mấy chi tiết đó ra thì nhận định của bác sĩ Ballisti là đúng: Giselle Leguerche không động đến súng của nữ cai tù. Cô ta đã chọn cách thủ tiêu như một đồ tể.

- Mày có thuốc lá không?

 Tôi lắc đầu. Trong phòng giam với hai giường cá nhân đóng vít vào tường, bồn rửa mặt, hố vệ sinh, nôi trẻ con, ảnh dán trên tường, một lô hộp cà phê, sữa, đường, bình sữa, hộp đựng bỉm, tất cả được xếp dọc theo tường một cách rất cẩn thận, không có một chỗ nào còn để trống. Một lỗ cửa nhỏ có song sắt, không kính, dùng làm lỗ thông hơi.

- Rất tiếc. Tôi không hút thuốc.

- Giá có thuốc thì tao cũng hút chơi. Nhưng con cùng phòng tao mới có thuốc. Nó có con mà còn hút thuốc, mày thấy có chướng không? Ở đây toàn là lũ vô lại... Chứ không như tao hồi có mang, tao bỏ thuốc ngay.

 Tôi không trả lời. Tôi vừa phát hiện ra rằng ở cổ đứa bé đang ngủ trong nôi có một nút thòng lọng. Đầu dây bên kia buộc vào cổ tay của Giselle Leguerche. Mỗi động tác của cô ta làm nút dây thắt chặt dần lại. Nếu cảnh sát tấn công, cô ta chỉ cần kéo một cái là đứa bé sẽ bị thắt cổ trong nháy mắt.

 Nghĩ đến thế, tôi toát mồ hôi, nhưng cũng chỉ thoáng qua.

 Giselle Leguerche quan sát thái độ của tôi một cách chăm chú từ sau những lọn tóc rủ xuống trước mắt, những lọn tóc màu nâu điểm bạc. Nét mặt khắc khổ sau nhiều năm ở tù, gò má cao như tạc vào đá. Tôi có cảm giác như trước mặt mình là một pho tượng, trừ đôi mắt nâu như có ánh vàng. Tôi bắt đầu hiểu tại sao cô ta mở cửa cho tôi vào. Chắc hẳn là cô ta bắt đầu buồn chán với cái xác chết ở bên cạnh.

- Con của chị ở đâu?

- Nó chết rồi. Bố tao giết chết nó. Mày có thể tưởng tượng nổi không? Bố tao giết con tao mà chẳng bị làm sao cả. Tao giết đồng nghiệp thì bị lãnh mười năm! Cuối cùng chỉ có tao là phải chịu thua thiệt!

- Thế cô cai tù này?

 Cô ta nhún vai:

- Chẳng sao cả. Thật ra cô ta cũng tử tế.

Tôi nhìn vũng máu bắt đầu đọng thành vệt đen xung quanh cổ và vai xác chết. Có cái gì đấy tôi không hiểu được, nhưng tạm thời điều đó không quan trọng. Tôi cẩn thận tránh vũng máu khi bước qua xác chết và ngồi xuống một cái ghế.

- Thế còn bây giờ?

 Cô ta đứng nhìn tôi một cách thách thức:

- Thế bây giờ cái gì?

- Chị muốn gì? Làm gì bây giờ?

- Mày có thật phải là bác sĩ không? – cô ta nói giọng nghi ngờ - Mẹ mày, mày chẳng có vẻ gì giống cả.

- Chị muốn ra khỏi đây hay muốn ở lại?

- Nếu tao bảo là tao đếch cần thì sao nào?

Tôi suy nghĩ một giây rồi kết luận:

- Thế thì nên ra thì hơn. Ở đây bắt đầu bốc mùi xác chết rồi. Chị không thể ở lại đây nữa.

 Cô ta đi dần về phía cuối nôi. Tim tôi thắt lại khi thấy sợi dây căng dần ra. Đứa bé động đậy một chút, nhưng không tỉnh dậy. Trong giấc ngủ sâu của trẻ thơ, nó không cảm thấy rằng nó thở khó khăn hơn.

 Đừng làm gì đột ngột. Làm như ta vẫn còn nhiều thời gian. Làm như sau cuộc đời này còn vô số cuộc đời khác và ta còn có vô số lựa chọn.

- Mày có nghĩ là chúng nó sẽ chuyển tao đi chỗ khác không?

- Tôi không biết. Nhưng tại sao chị lại hỏi thế?

- Mày không hiểu à? Mày học bao nhiên năm thế mà mày không hiểu gì à? Chúng nó chờ tao đấy.

- Ai cơ?

- Chuyện liên quan đến con trai tao. Vì vậy mà tao không chịu được. Đâu cũng toàn là dối trá. Đâu cũng lừa dối cả, trên đài, trên tivi, đâu cũng vậy...

 Đôi mắt ánh vàng nhìn tôi một cách van lơn. Chị ta xoa ngực một cách máy móc. Tôi đoán là chị ta cũng chẳng hiểu gì hơn tôi về những gì đang diễn ra với mình. Chị ta bối rối đến mức tự biến thành một điều bí ẩn đối với chính bản thân mình.

 Chị ta cười khẩy một cách buồn rầu:

- Mày đã thấy những gì tao làm chưa? Tao lại bắt đầu rồi. Chúng nó nhốt tao mười năm, chúng nó nghĩ là tao sẽ hiểu ra, nhưng tao chẳng hiểu gì cả. Tao không thể hiểu được. Tao không thể ra tù. Tao không phải là người nữa. Chỉ là một con thú thôi.

- Tôi không tin như vậy.

- Mày sẽ nói thế chứ?

- Chị muốn tôi nói với họ rằng chị không phải là một con thú à? Tôi sẽ nói. Tôi hứa với chị là tôi sẽ nói với họ.

- Ừ. Bây giờ tao đường cùng rồi, nhưng trước đây tao cũng là người đấy. Trước khi nó bắt tao làm việc ấy...

- Chị nói về ai vậy? Người ta bắt chị làm gì?

 Im lặng. Tôi đang định hỏi lại thì chị ta tuyên bố:

- Không phải tao giết con tao đâu. Mày phải biết là tao không tìm cách bào chữa đâu, vì đằng nào tao cũng giết nó. Nó làm tao ghê quá! Mày biết tao rồi đấy, mày biết là tao có thể làm điều ấy.

 Tôi thầm nguyền rủa Ballisti với những thông tin sai lầm. Tại sao ông ta không nói cho tôi biết về thảm kịch này? Người đàn bà này có thể được chữa bệnh nếu biết nguyên nhân bệnh lý. Vấn đề là không có người nào được giao phụ trách những trường hợp như của chị này. Không có gì lường trước được.

 Tôi cố mỉm cười:

- Giselle, chị không cần giết người để tồn tại. Tôi nghe chị nói. Tôi tôn trọng chị.

 Chị ta nhìn tôi một cách nghi ngờ. Rồi chị ta nói rất nhỏ:

- Ừ. Có lẽ, có vẻ thế thật.

 Tôi đứng dậy và nói nhẹ nhàng:

- Thôi, đi thôi nào. Bây giờ phải đi thôi.

 Cô ta lấy dao cạo cắt đứt sợi dây và đứng dậy. Tôi đập cửa để báo là chúng tôi sẽ ra. Cô ta bước theo tôi ra ngoài, không thèm nhìn lấy một lần cuối xác chết của người nữ


cai tù.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86436


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận