Sa tiểu thư nói tiếp:
- Xung Tinh Kiếm Pháp của Hữu Hạnh Chân Nhân biến hóa không lường nhưng yếu điểm lại quá nhân từ. Kiếm chiêu không có sát ý thành ra mười phần giảm hết ba bốn uy lực! Xung Tinh Kiếm Pháp cũng như Từ Bi Đao của Nhất Cang Đại Sư Đại Lý Tự đều có chung yếu điểm. Nếu sanh tử giao đấu nhất định thua thiệt với địch nhân! Người từ bi nên kiếm thức đao thức cũng từ bi!
Văn Viễn lúc đầu đã nghe nàng ta bình phẩm về kiếm pháp của Hữu Hạnh Chân Nhân nên cũng không lạ lẫm. Ông dỏng tai chờ nghe nàng ta bình phẩm tiếp:
Văn Viễn cũng nổi tính hiếu kỳ đến gần hơn để nghe ngóng. Ông dù từng được nghe bà bà áo đen kể qua nhưng vẫn không hiểu hết được nội tình bên trong. Hơn nữa Văn Viễn biết mọi chuyện đều từ tên Cầm Điệp Cuồng Sinh mà ra. Ông hi vọng nàng tiểu thư họ Sa sẽ thuận miệng diễn giải thêm về kẻ đã khiến ông đi đâu cũng vướng họa vào thân.
Sa tiểu thư trong xe đương ghi chép, nghe hỏi liền đặt bút xuống. Nàng ta trầm ngâm:
- Không biết công tử muốn hỏi điểm nào của Tử Hà Thần Công ?
Quỷ công tử đáp:
- Ta muốn hỏi về lời đồn đại về bí mật chứa bên trong nó. Thực hư như thế nào ?
Sa tiểu thư ung dung với lấy một bọc lụa mở ra. Bên trong đầy những bức họa chân dung. Nàng ta lật xem từng bức họa mà nói:
- Mọi chuyện bắt đầu từ việc võ lâm xuất hiện một gã thư sinh ngoại hiệu Cầm Điệp Cuồng Sinh. Hắn với tiếng đàn kỳ dị đã gieo thù khắp nơi. Núi Côn Lôn đoạt lấy Vô Lượng Phổ. Núi Nga Mi cướp đi Bạch Liên Thư. Núi Thiếu Thất trộm Vạn Hoa Pháp Kinh. Hắn tuy chỉ vừa đi lại giang hồ không lâu nhưng kẻ oán hận hắn nhiều không đếm xuể! Sau, Cầm Điệp Cuồng Sinh lại kết giao bằng hữu với Vô Tình Kiếm Khách Hoàng Kỳ! Trong lúc say, hắn đã thổ lộ một bí mật. Theo lời hắn, ba bộ sách trên nếu để riêng rẻ chỉ là những cuốn kinh thư vô dụng. Tuy nhiên nếu đem cả ba bộ sách nọ đối chiếu từng dòng với tâm pháp của Tử Hà Thần Công sẽ được một bộ kỳ thư chi bảo. Kẻ nào luyện được thành tất nhiên là cao thủ đệ nhất. Lại còn thêm một bản đồ chỉ dẫn đến kho báu được chôn từ thời chiến quốc!
Quỷ Công Tử lắng nghe không thôi đăm chiêu sắc mặt. Ngọc Thủ Trần Quang trống ngực lại đập liên hồi mà lẩm bẩm:
- Thúc thúc ngày trước cũng đã kể cho ta nghe như vậy, nhưng ông vẫn cho rằng Cuồng Sinh nói bừa bãi do quá chén. Làm sao vị tiểu thư này lại thông thuộc?
Văn Viễn vốn có chuyện muốn hỏi vị tiểu thư họ Sa về tên Cầm Điệp Cuồng Sinh liền nhân cơ hội nàng ta đang bỏ lửng câu nói mà chen vào:
- Tiểu thư diễn giải rất cặn kẻ, tuy nhiên có điểm rất khó thuận tình!
Sa tiểu thư liền hỏi lại:
- Không biết có điểm nào không thuận?
Văn Viễn đáp:
- Cứ cho tên Cuồng Sinh kia nói là đúng. Nhưng Hoa Sơn, Nga Mi, Côn Lôn, Thiếu Lâm vốn không phải cùng một gốc mà ra. Kẻ tiền nhân nào lại tâm tư mà đem tuyệt học bảo điển cùng kho tàng chép riêng ra bốn bộ sách cho bốn phái trên ? Hơn nữa, nếu có ý truyền cho hậu thế sao lại không truyền vào một bộ sách có phải tiện hơn không ? Ví thử một trong bốn sách kia mất đi, bao nhiêu sắp đặt đổ ra sông ra bể hết ?
Thật sự Văn Viễn chỉ nói bừa. Ông nào đã biết Thiếu Lâm Tự to nhỏ thế nào, huống hồ chi Côn Lôn, Nga Mi. Văn Viễn cốt để lái sang chuyện khác hòng được nghe Sa tiểu thư diễn giải thêm. Ngờ đâu câu ông hỏi cũng là điều vướng mắc bấy lâu trong lòng Trần Quang. Quỷ Công Tử dường như cũng nghĩ như vậy liền gật gù:
- Tên này nói không sai! Ta thật sự cũng không nghĩ thông vấn đề này. Luôn tự cho có điềm trí trá bên trong!
Sa tiểu thư đáp:
- Tiểu nữ ngày trước cũng thấy được điểm này nên đã bỏ nhiều công sức khảo cứu. Hóa ra Côn Lôn, Nga Mi cùng phái Hoa Sơn tuy lập phái sau nhưng có từ gốc Thiếu Lâm Tự. Năm xưa một cao tăng Hành Giả sau thời gian dài vân du khắp bốn phương phát dương Phật pháp đã không quay lại Thiếu Lâm Tự. Cao tăng này chọn núi Côn Lôn làm nơi ẩn mình để tu đạo. Ông ta nhận ba đồ đệ tục huyền để truyền dạy kinh sách. Chính là ba tổ sư sáng lập các phái Côn Lôn, Nga Mi, Hoa Sơn về sau!
Sa tiểu thư ngưng một lát rồi nói tiếp:
- Vô Lượng Phổ thực sự dựa vào Chương cuối của Dịch Cân Kinh để chép ra. Bạch Liên Thư lại chính là tám Chương sau của Đạt Ma Hối Kinh và Tịnh Tâm Phổ. Bí kíp Tử Hà Thần Công lại được đích thân cao tăng Hành Giả Phật nọ sáng tạo. Cộng thêm Vạn Hoa Pháp Kinh, tính lại bốn bộ sách trên đều chung nguồn nhà Phật! Lại nói thời chiến quốc, nước Sở là nơi Tần bỏ nhiều năm và tốn binh hao tướng để diệt. Sở Vương sau bao phen chống đỡ biết vận nước đã cạn nên mới vội vàng gom hết tài bảo đưa cho tướng quân Hạng Thương đóng giả thương nhân mà vận chuyển khỏi kinh đô. Sở Vương muốn để lại kho tàng cho con cháu đời sau dựa vào đó chiêu binh mãi mã phục quốc. Không rõ Hạng Thương chôn kho báu nơi nào. Tuy nhiên, Chiến Quốc Ký của quan sử thời Ngụy có viết một chuyện lạ. Núi Phụng Kỳ sau một trận lũ lớn trôi ra không biết bao nhiêu là xác người đã chết trơ lại xương khô. Trong số xác trên còn lại được một thẻ bài khắc chữ Thương. Tiểu nữ nghĩ rằng, Hạng Thương sau khi cho chôn cất kho tàng đã giết hết những kẻ thân cận để khỏi lộ địa điểm. Chính y cũng tự vẫn!
Quỷ Công Tử liền hỏi:
- Phụng Kỳ Sơn của núi Côn Lôn ?
Sa tiểu thư đáp:
- Tiểu nữ đã từng nghĩ như vậy nhưng tra lại điển tích thì phát hiện quan sử thời Ngụy không viết về Phụng Kỳ Sơn của Côn Lôn. Nơi ông ta ám chỉ chính là đỉnh Lạc Nhạn của núi Hoa Sơn!
Trần Quang nghe xong tự nhiên thở một hơi dài:
- Vậy là đã rõ! Vậy là đã rõ! Bao năm qua ta cứ cho rằng gã Cuồng Sinh kia nói bậy. Thực sự đã tháo được gút cuối cùng!
Ngọc Thủ Trần Quang nghiến răng tự nói:
- Còn một chuyện ta cần kiểm chứng! Chỉ cần tìm ra thất đệ, tự nhiên mọi chuyện sáng tỏ!
Quỷ Công Tử nghe Sa tiểu thư nói xong lại hỏi:
- Nếu nói như vậy, bốn bộ sách trên phải có đủ mới có thể lần ra được bí mật bên trong ?
Sa tiểu thư đáp:
- Không sai! Vô Lượng Phổ, Bạch Liên Thư, Vạn Hoa Pháp Kinh, Tử Hà Thần Công, thiếu một cuốn cũng không được!
Văn Viễn chợt hiểu vì sao cả thảy phái Hoa Sơn đều bị giang hồ truy sát. Tất cả cũng từ bộ kinh thư Tử Hà Thần Công mà ra. Ông chợt nghĩ ra một vấn đề liền hỏi xen vào:
- Nói như tiểu thư chỉ có gã Cuồng Sinh nọ là nắm trong tay ba bộ sách trên. Nếu hắn có được Tử Hà Công của Hoa Sơn thì thành một tay ôm trọn độc chiếm chi bảo võ công lẫn kho tàng. Sao lại dại miệng nói cho kẻ khác biết ?
Sa tiểu thư ngồi trong xe lật xem một bức họa hình kiếm khách khí độ ngang tàng thở dài nói:
- Tên Cuồng Sinh kia cả đời chỉ phục mỗi mình Hoàng Kỳ. Tiểu nữ nghĩ có lẻ hắn coi trọng họ Hoàng như bạn hữu tri giao nên không ngại nói rõ mọi chuyện! Sau đó Cố chưởng môn đột nhiên bị người dùng chưởng pháp ám toán chết. Cầm Điệp Cuồng Sinh cũng tự nhiên mất tích như chưa hề tồn tại! Thành ra kẻ đương thế biết được ngọn ngành rõ ràng nhất không ai ngoài Hoàng Kỳ! Cũng có tin đồn họ Hoàng…
Sa tiểu thư bỏ lửng câu nói. Ngọc Diện Thiên Hồ từ đầu đến cuối lắng nghe mới đủng đỉnh tiếp lời:
- Có phải hàm ý Hoàng Kỳ giết bạn giết luôn sư huynh để một mình độc chiếm bí mật tàng thư cùng kho tàng ? Nực cười cho bọn vỗ ngực tự xưng chánh phái hành vi thật ti tiện hơn cầm thú!
Trần Quang nghe vậy liền nạt lớn:
- Hồ đồ! Thúc thúc ta quang minh chánh đại sao có thể làm ra chuyện kinh thiên hại lý như vậy ?
Y quay sang cổ xe ngựa mà nói:
- Tiểu thư kiến thức siêu phàm, nhãn quang hơn người lại đặt ra điều thị phi. Trần mỗ rất bất mãn!
Sa tiểu thư thở dài đáp:
- Trần công tử đừng trách tiểu nữ lắm lời. Miệng thế gian sao ngăn được tiếng ra tiếng vào? Chẳng phải họ Hoàng là kẻ gặp Cố chưởng môn sau cùng đó chăng? Cố Thiên Lượng luyện Tử Hà Công đến cảnh giới tột đỉnh làm gì có chuyện để người vô cớ ám toán được! Nếu không phải là bạn hữu thân thuộc không phòng bị thành ra trở tay không kịp? Công tử cũng luyện Tử Hà Công tất nhiên là hiểu rõ nhất!
Trần Quang nghe vậy thì không biết nói gì. Y trú thân ở Tuyệt Phong Cốc mấy năm ròng dưỡng thương vẫn không thể hiểu vì sao sư phụ lại dễ dàng bị người ám toán. Ban đầu y cũng từng nghĩ họ Hoàng ra tay. Nhưng thúc thúc y xuất thân là kiếm quyết Hoa Sơn nên chỉ chú trọng kiếm pháp rất chểnh mảng tu luyện nội công. Nói thúc thúc y dùng chưởng đánh tử thương Cố Thiên Lượng thật sự quá phi lý. Hơn nữa sư phụ của y đã luyện đến tầng thứ chín của Tử Hà Thần Công nên tự nhiên bản thân sanh ra luồng kình lực như bức màn hộ thể. Dù có bị người nhất thời ám toán cũng không thể gây ra tổn hại lớn nói gì đến nguy hiểm tánh mạng.
Trần Quang cũng đã từng điểm mặt hết các cao thủ thành danh về nội công còn đương thế. Y chỉ có thể kể ra ba cái tên có thực lực ngang ngửa với ân sư của mình là Huyền Minh Đại Sư, Hữu Hạnh Chân Nhân cùng Cung Chủ U Minh Cung. Tuy nhiên Trần Quang vẫn tin rằng ba người trên không thể ra tay được.
Năm đó Huyền Minh Đại Sư cùng Hữu Hạnh Chân Nhân đương tham gia đại hội võ lâm có đông đủ anh hào chứng kiến. Trần Quang đại diện phái Hoa Sơn tham hội đã tận mắt thấy rõ. Cung Chủ U Minh Cung cũng xuất hiện mà đánh một trận lớn với quần hùng. Cố Thiên Lượng thọ nạn đỉnh Lạc Nhạn núi Hoa Sơn. Trần Quang nghe tin đã tức tốc quay về cũng mất hết một ngày một đêm. Thành ra ba người trên không thể là hung thủ.
Quỷ Công Tử lúc này nói:
- Vậy chỉ cần có được Tử Hà Thần Công và lấy ba bộ sách kia từ tay Cầm Điệp Cuồng Sinh xem như là xong việc!
Sa tiểu thư tán đồng:
- Công tử nói rất đúng!
Quỷ Công Tử quay sang Ngọc Thủ Trần Quang đương trầm tư, cười nhạt:
- Ngươi đã luyện thành Tử Hà Công tất nhiên thuộc bộ tâm pháp trên không sót một chữ! Chỉ cần bắt ngươi về tự nhiên bí kíp Tử Hà Thần Công sẽ nằm trong tay U Minh Cung ta!
Văn Viễn nghe Quỷ Công Tử có ý gây hấn liền lo lắng. Ông biết Trần Quang vừa hao tốn rất nhiều sức lực. Giờ lại đánh nhau với tên công tử tóc bạc này tất nhiên sẽ khó lòng chống đỡ.
Sa tiểu thư ngồi trong xe bỗng nhiên lại cười khúc khích:
- Có bắt được Trần Quang cũng chưa có được Tử Hà Thần Công trọn vẹn!
Quỷ Công Tử cau mày hỏi:
- Sao tiểu thư lại nói vậy ?
Sa tiểu thư đáp:
- Tử Hà Thần Công theo tiểu nữ biết chia ra hai phần. Phần hạ của bí kíp này ghi chú tâm pháp luyện công. Phần thượng lại ghi chép yếu lượt dùng nội công luyện thành để cứu người. Nói cách khác phần thượng Tử Hà Thần Công chính là một bộ y thư. Trần Quang luyện thành nội công Tử Hà tất nhiên chỉ biết có phần hạ. Theo tục truyền chỉ có kẻ được chọn làm chưởng môn nhân mới luyện tâm pháp. Khi nào chính thức chấp chưởng môn hộ, tiền nhiệm chưởng môn mới truyền thụ cho phần thượng. Trần Quang dù được chọn nhưng chưa kế nhiệm nên nhất định y không thể nào thông thuộc cả hai phần thượng hạ!
Trần Quang tuy lòng bấn loạn nhiều mối hồ nghi nhưng cũng hiểu rõ rằng Sa tiểu thư đang nói đỡ cho y. Nàng ta tự tiện bịa ra chuyện thượng hạ cốt yếu không cho bọn U Minh Cung nhất là Quỷ Công Tử chú tâm gây khó dễ cho y. Quả nhiên Quỷ Công Tử nghe vậy liền hỏi:
- Vậy làm sao mới có được toàn bộ Tử Hà Thần Công ?
Sa tiểu thư đáp:
- Theo tiểu nữ được biết trước khi lâm chung, Cố chưởng môn đã chia đều Tử Hà Thần Công ra bảy phần mà phát riêng từng người trong Hoa Sơn Thất Hiệp. Tìm được bảy người họ tất nhiên sẽ có được trọn bộ bí kíp trên!
Trần Quang cau mày không hiểu làm cách nào nàng tiểu thư này lại biết rõ mọi chuyện. Cố Thiên Lượng trong cơn hấp hối đã gọi riêng bảy người Hoa Sơn Thất Hiệp tới cạnh giường. Cố Thiên Lượng tự biết không qua khỏi nên đã gọi riêng từng người để giao phó. Trần Quang về trể gặp sư phụ sau cùng. Chính y đã được Cố Thiên Lượng đưa cho hai Chương bí kíp Tử Hà, còn luôn miệng dặn dò không cho lọt vào tay kẻ khác kể cả đồng môn huynh đệ. Nếu không giữ được thì hãy tiêu hủy. Chờ qua cơn sóng gió mà gầy dựng lại môn hộ. Chuyện này ngay cả Hoàng Kỳ cũng không biết nhưng Sa tiểu thư lại thấu đáo như tận mắt thấy khiến Trần Quang rúng động.
Quỷ Công Tử cười lớn:
- Quả nhiên không uổng công ta một chuyến. Tiểu thư quả nhiên khiến ta thấu hiểu nhiều chuyện. Ta muốn biết tên Cầm Điệp Cuồng Sinh kia, có phải đã bị họ Hoàng hạ sát hay đương giấu thân nơi nào ?
Sa tiểu thư trong xe lại lật ra bức họa một kẻ đang đánh đàn. Sa tiểu thư nhìn bức họa mắt long lanh ra vẻ ngậm ngùi. Nàng ta bất thần như nhớ ra điều gì liền vội vàng vén rèm nhìn ra ngoài. Sa tiểu thư ban đầu không để ý. Nàng bây giờ nhìn lại mới thấy kẻ trong bức họa và Văn Viễn giống nhau như khuôn đúc. Chỉ có điều Văn Viễn bề ngoài nhìn ôn nhu còn kẻ trong bức họa lại đầy cuồng khí ngạo thế.
Nét mặt Sa tiểu thư từ kinh ngạc dần chuyển sang bàng hoàng. Nàng ta lắp bắp luôn miệng:
- Hắn…hắn là…Hắn vì sao lại có mặt ở đây? Hắn vì sao lại có mặt ở đây?
Văn Viễn thấy Sa tiểu thư đang trân mắt nhìn mình liền hiểu ngay mọi chuyện. Ông kêu khổ trong bụng:
- Thôi rồi! Nhất định nàng ta đã lầm tưởng ta chính là Cầm Điệp Cuồng Sinh. Phen này có dùng hết nước Hoàng Hà cũng không sao rửa sạch!
Sa tiểu thư tự nhiên cười mỉm:
- Thảo nào tên văn nhân này một hai bên vực họ Hoàng và Trần Quang! Ta thật sơ suất!
Nàng ta nói:
- Tiểu nữ vẫn cho rằng họ Hoàng nhất định không hạ sát bạn hữu. Cầm Điệp Cuồng Sinh vốn thấy có biến nên đã vội ẩn mình chờ thời cơ! Công tử muốn tìm Cầm Điệp Cuồng Sinh cứ hỏi vị văn nhân kia. Vừa rồi chính y đã dùng tiếng đàn ma quái của Cầm Điệp Cuồng Sinh mà trợ giúp Trần Quang! Tuy không bằng Cuồng Sinh nhưng hỏa hầu cũng đã đạt năm phần! Hơn nữa văn nhân này và Cầm Điệp Cuồng Sinh giống nhau như tạc!
Những kẻ đang đứng ở sân miếu thổ thần đồng loạt quay nhìn Văn Viễn. Ai ai cũng bán tín bán nghi. Trần Quang chưa từng gặp Cầm Điệp Cuồng Sinh nhưng nghe Hoàng Kỳ kể lại người này ngạo khí rất lớn hay ưa miệt thế. Y nhìn Văn Viễn từ đầu đến chân lời lẽ tuy có phần trí trá nhưng không phải là kẻ có thực tài ẩn giấu. Lại nói Văn Viễn là Cầm Điệp Cuồng Sinh thì càng không tin được.
Hắc Sát vội vàng đến cạnh Quỷ Công Tử thì thầm:
- Tên này vừa rồi đã dùng tiếng đàn rất quái dị mà công kích bọn thuộc hạ để cứu Trần Quang. Mong thiếu cung chủ tâm tư!
Văn Viễn thấy cả bọn đều chăm chăm nhìn mình chỉ biết thầm than trời trách đất:
- Phen này mạng ta chắc khó mà nguyên vẹn! Ở đây đều là cao thủ nhất nhì, ta thân không biết võ công sao chống đỡ được? Dù có lôi hết chữ nghĩa hóa thành Án Anh cũng không sao dùng lời mà giải nguy nỗi! Cuồng Sinh ơi là Cuồng Sinh! Ta cả đời chưa biết thù ai nhưng nếu Văn Viễn này có mệnh hệ gì thì có hóa ra ma ta cũng nhất định tìm ngươi mà tính sổ!