Hôm qua, Thủy bảo phải chuẩn bị cho việc cúng sao giải hạn, Tùng đọc được tâm trạng vợ. Anh nghĩ, có thể chín ngôi sao chiếu mệnh cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người thật. Nhưng cúng bái thì làm thế nào mà sao hung lại tha cho mình, để mình không bị hạn được nhỉ ? Chắc Thủy cho rằng, vụ vừa rồi là tại sao xấu chiếu mệnh nên mới tính tới việc cúng bái đây. Thôi, cô ấy tin thế thì cứ làm, nhưng mình cũng phải nói suy nghĩ của mình để cô ấy tham khảo. Nói thì cứ nói, chắc không nghe đâu.
- Anh nghĩ, vụ vừa rồi là tại em không mời đúng những chuyên gia cần thiết, có hiểu biết về chuyện chữ nghĩa, các nhà ngôn ngữ ấy. Anh chỉ là người thạo tiếng Việt thôi mà còn phát hiện ra, huống chi là họ. Số phận ta hay dở, tốt xấu đều do chính ta tạo nên, đâu phải vì sao nọ, sao kia chiếu mệnh.
- Anh không tin thì thôi. Đừng dây vào việc của em.
Tùng nhận thấy, dạo này ăn nói của vợ đã có phần xách mé. Dù cô ấý quyền cao chức trọng hơn, nhưng anh biết rõ năng lực, học vấn thực của vợ đến đâu, nên vẫn cứ phải nói cho khỏi áy náy, ân hận. Vì vậy, Tùng vẫn tiếp tục mạch lập luận của mình.
- Em biết câu này chứ: Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận. Cụ Nguyễn Du lại nói: Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Lại còn hai câu này nữa kia: Cho hay nhân định thắng thiền cũng nhiều và Đức năng thắng tưởng số. Em nên dành thời gian cho việc đọc, nghiền ngẫm thật kỹ những điều đọc được. Người ta nói thà dốt đặc cán mai còn hơn biết rỗng cán cuốc, anh thấy cấu này rất đáng suy nghĩ.
- Thế anh cho em là loại nào. Dốt đặc cán mai hay biết rỗng cán cuốc?
Thấy giọng vợ bắt đầu căng lên, như định gây sự, Tùng phải chùng xuống, dịu giọng:
- Là anh nói để biết thế thôi. Làm sao em lại là loại này hay loại kia được.
Nói thật nghiêm khắc thì vợ anh thuộc cả hai dạng trên. Nhiều cái dốt đặc cán mai, và rất nhiều cái lại chỉ biết rỗng cán cuốc. Anh bảo vợ chờ một chút, rồi lên phòng, tìm một tí. Rút ra một cuốn sách mang xuống:
- Đây này, có một cuốn sách cực hay viết về việc vợ chồng vừa đề cập đến: Mười điều làm nên số phận. Em nên đọc.
Anh đưa cho vợ. Chị hờ hững cầm lấy, cũng không xem qua bìa một, bìa bốn như thói quen của những người biết đọc sách, mà để ngay xuống bên cạnh. Nhìn cử chỉ ấy, Tùng ngán nghĩ chắc vợ sẽ không đọc. Những cán bộ không có văn hóa như vợ mình... vô vàn. Đừng bận tâm làm gì Tùng ạ.
- Em hay đi lễ chùa. Chùa thờ Phật mà Đức Phật chưa bao giờ nói đến việc đốt vàng mã, cúng sao giải hạn đâu nhé. Các vị đại đức chân tu nhiều lần khẳng định thế rồi.
- Thế sao các chùa vẫn làm?
Thủy vặn lại, giọng đã có vẻ cáu. Cô càng cáu thì anh càng mềm mỏng giải thích:
- Không phải chùa nào cũng làm, sư nào cũng làm. Anh biết có sư còn lái xe Mécxêđét, dùng điện thoại định vị toàn cầu, đi hàng trăm cây số đến nhà Phật tử làm lễ cầu siêu kia. Vì sao em có biết không?
- Anh cứ nói toạc ra đi !
- Nhiều người biết rằng, kinh doanh tôn giáo, tín ngưỡng mang lại nguồn thu cực lớn. Đấy là ý kiến của ông Phó giáo sư, tiến sĩ ở một viện nghiên cứu của Bộ ta chứ không phải của anh đâu. Thôi, có vẻ em khó chịu phải nghe rồi. Nhưng việc này liên quan đến công việc của em nên chịu khó nghe vậy.
Dẫu sao, cũng có ý thức trách nhiệm nghề nghiệp nên nghe thế, Thủy buộc phải để ý.
- Chuyện gì mà anh bảo liên quan đến công việc của em ?
- Đi lễ nhiều, em có để ý thấy đền chùa nào cũng có hòm công đức không?
Điều ấy thì ai chả biết. Không phải chỉ một mà nhiều hòm. Có nơi là hòm kính, phần lớn là hòm gỗ hay hòm tôn, hòm
sắt. Có nơi, người ta đề tiền cả vào bệ thờ, ban thờ, chân Phật,
tay Phật, chân bát hương .v.v… miễn là đống tiền ấy ở lại đấy.
Yên tâm thế là đức Phật từ bi bác ái nhận cho mình rồi. Có điều, phần lớn là tiền lẻ, nhiều nhất là màu đỏ nhạt của tờ năm trăm đồng. Các đồng mệnh giá càng cao càng ít. Rất ít thấy một trăm, hai trăm nghìn. Cũng có lần, nhìn kĩ vào một hòm kính, Thủy đã chỉ cho chồng thấy có một tờ năm trăm nghìn. Chắc là của một Việt kiều hay một đại gia vừa mới trúng quả đậm vì họ nghĩ đến cầu lộc bất tận hưởng và tin rằng nếu có tội, làm thế sẽ nhẹ tội đi. Một việc làm vui thích của các nhà đền, nhà chùa là đóng cửa lại, mở khóa hòm công đức, đổ ra chiếu, xúm lại phân loại, rồi đếm. Năng nhặt chặt bị, tích tiểu thành đại. Đầu năm xin lộc thánh. Lễ hội quanh năm suốt tháng. Cuối năm lễ tạ. Dân mình thì càng phú quý, càng năng cúng bái.
- Em nhớ đã có lần anh đưa em đến một chùa không có sư trụ trì, nhưng nghe nói rất thiêng, cầu gì được nấy nên Phật tử, khách thập phương đến lễ rất đông không? Ở ngôi chùa ấy, cứ vài ngày, đại diện ban quản lí di tích, nhân viên tài chính phường và công an phường lại có mặt khi mở hòm công đức. Đếm tiền mệt nghỉ. Thủy ạ, em có biết vì sao, vẫn đi lễ chùa với em, mà anh không cầu khấn không? Chắc chắn em, anh và mọi người đều tin vào luật nhân quả chứ gì?
Sao anh cứ hỏi những câu rõ như ban ngày thế nhỉ?
-Ấy đấy, cầu nguyện là đi ngược lại luật nhân quả, đúng ! Không làm hay, không làm giỏi, không tính toán kỹ mà lại cứ mong hưởng nhiều, lãi nhiều thì làm sao mà có được.
Thủy không trả lời được. Chị nghĩ rằng tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi người. Chị không biết, Tùng và rất nhiều người chỉ tin vào mình, vào lòng tốt của mọi người nên không cầu xin ai, kể cả thánh thần. Cầu nguyện, dù thành tâm đến đấu, tốn kém đến đâu cũng chỉ là vô vọng nếu không tự mình phấn đấu. Có ai cho không ai đâu. Kể cả đức Chúa Giêsu, Đức Phật Thích ca Mâu ni, các đức thánh của các tôn giáo khác, các vị thánh thần cũng chả thể cho chúng sinh cái gì. Bởi các vị ấy, xưa kia cũng là những con người bằng xương bằng thịt thôi. Chỉ nhờ đưa ra những triết lí sống hay và nhờ tu nhân tích đức, làm điều lành cho chúng sinh mà hiển thánh thôi. Đức thánh Trần chính là Trần Hưng Đạo đại vương. Còn người sáng lập ra Đạo Phật là Thích ca Mâu ni. Có nghĩa là Thánh của tộc Thích ca... gọi tắt là Phật. Phật có nghĩa là Người giác ngộ chân lí. Người sinh năm 565 trước công nguyên, tại Nêpan ngày nay. Người mồ côi mẹ từ bẩy ngày tuổi. Được người dì nuôi nấng trong một môi trường quý tộc giàu sang. Mười sáu tuổi lấy vợ, sinh hạ được một con trai. Năm hai chín tuổi thì xuất gia tu hành. Từng ngồi xếp bằng dưới gốc bồ đề suy nghĩ về những nỗi thống khổ của chúng sinh. Đến ba mươi nhăm tuổi thì đắc đạo và bắt đầu đi thuyết giáo suốt bốn nhăm năm. Ngài mất năm 485 trước công nguyên vì ăn nhầm phải thức ăn độc, thọ tám mươi tuổi.
Không chịu đọc nên Thủy không thể tin được Phật Thích Ca Mâu ni cũng là một người trần tục, cũng lấy vợ sinh con, lại còn chết vì... ngộ độc thực phẩm, cứ như bây giờ ta ăn phải thịt lợn mắc dịch tai xanh, hay gà mắc cúm H5N1 ấy.
Chị cũng không biết rằng, Bác Hồ đã có lần viết trên giấy trắng mực đen: Phật Thích ca Mâu ni là một người quý tộc người đã bỏ hết công danh phú quý để cứu vớt chúng sinh, tức là cứu vớt những người lao động nghèo khổ. Còn Chúa Giêsu lại là một người lao động. Người đã vui vẻ hy sinh tính mạng để cứu vớt những tầng lớp lao động nghèo khổ, chống lại bọn áp bức bóc lột. Mục đích của cả hai vị đều là cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do cho mọi người... Nếu chịu nghĩ thì Thủy cũng sẽ biết, đồng bào miền Nam có thiệt thòi là không được gặp Bác, nên ngay khi Bác mất, nhiều nơi đã lập đền thờ Người. Rồi, Bác cũng lại hiển thánh thôi. Ông Găngđi, người chủ trương bát bạo động để giành độc lập cho Ấn Độ, bị ám sát năm 1948, cũng là người bằng da bằng thịt, giờ dân nước này cũng gọi là Thánh rồi.
Một nhà tư tưởng đã giải thích, thần thánh là kết quả việc con người tách bản chất con người ra khỏi con người. Nếu chịu nghĩ, Thủy sẽ biết, đúng ra, các vị ấy chỉ cho chúng ra cái quý nhất là đức tin, để tin rằng, nếu ta làm điều thiện, đừng làm điều ác thì sẽ được ân đức, sẽ được phù hộ độ trì. Chả có ai cầu nguyện mà thành tài, mà giàu được.
Đã có lần Thủy kể với chồng về một chị bạn mình buôn bán bất động sản giàu lắm. Những ngày nghỉ dịp Tết, 30/4, 1/5 và 2/9 chị ấy toàn cho cả nhà đi du lịch nước ngoài thôi. Cả nhà vừa đi Ha oai về. Đấy, cái cắt móng tay, lại mở được bia chị ấy gửi tặng anh chả có chữ Ha oai là gì. Còn đèn pin, bóng đèn lét thì chị ấy bảo của Trung Quốc, nhưng loại hàng xuất sang Mỹ, chất lượng hơn hẳn loại xuất sang ta. Chị ấy gỉàu đến mức, nếu xếp đống trong nhà, tiền có thể đè chết người. Cái tủ lạnh nhà chị ấy to bằng cái tủ đứng nhà mình, mà cũng hai cửa dọc như hai cánh cửa tủ đứng ấy. Vợ một ô tô, chồng một ô tô, mà đều là xe năm cửa nhé!
Lúc ấy, Tùng không nghĩ ra ngay nên ngạc nhiên lắm:
- Sao lại xe năm cửa nhỉ ?
- Ông nhà báo ơi, một cửa trên trần nữa ông ạ. Bao giờ ông có xe đưa vợ đi chơi nhỉ . Xe... một cửa cũng được, không cửa cũng xong. Thế anh có biết bí quyết làm giàu của chị ấy là gì không?
- Anh chịu!
- Một là phải thành tâm thờ cúng, năng đi lễ đền chùa. Chị vợ anh Thứ trưởng bộ cũng vậy. Thứ hai, phải có duyên kinh doanh.
- Chuyện thành tâm thờ cúng, năng đi lễ mà làm ăn phát đạt thì không thể kiểm chứng được. Nếu những gì mình cầu xin mà được thì chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Em không thấy lạ lùng và buồn cười nữa khi lũ lượt con trai con gái vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám sờ vào đầu rùa đội bia tiến sĩ đê’ lấy chút may mắn trước kỳ thi đại học à? Một báo còn chụp cảnh lễ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô hiệu trưởng đứng chắp tay khấn khứa trước mâm cỗ to, có cả con lợn quay vàng rộm nằm phủ phục đợi... dao thớt không? Không lẽ em không biết mình bảo vệ luận văn cao học thành công là nhờ gì à? Đâu có phải nhờ cầu khấn, cúng bái ?
Thủy giật thót mình, đỏ mặt khi nghe chồng nói thế. Ý ấy ngẫu nhiên chen vào trong mạch nói của anh thôi chứ việc ấy làm sao Tùng biết được sự thật cũng như chị sẽ có bằng tiến sĩ sau đó. Tùng giảng giải mà như một trò chuyện
- Cái câu có thờ có thiêng, có kiêng có lành và câu có bệnh thì vái tứ phương đúng ra, không phải là vấn đề tâm linh mà chỉ là vấn đề tâm lí thôi. Nó làm cho yên tâm hơn, mà cũng chẳng tốn kém gì thêm. Dù là việc riêng của mỗi người nhưng cách nghĩ là nghĩ theo tâm lí đám đông đấy em ạ. Ngày bao cấp, xếp hàng cả buổi mới mua được cân cá đồng tiền mà mặt mũi đã hớn hở lắm rồi. Giờ lại ỏe họe, không ăn cá mực đầu tháng, không ăn thịt chó, thịt vịt đầu tháng... Đáng lo nhất là việc kiêng kị vớ vẩn này đang trở thành một nếp nghĩ phổ biến trong giới công chức cả nước. Điều nguy hại là, nó có thể trở thành tâm lí xã hội của mọi người không chỉ trong việc ăn uống, việc riêng, việc gia đình mà nó lan cả sang việc chung trong lĩnh vực hành chính, nghiên cứu khoa học hay quân sự. Em đừng quên, cả đơn vị thằng Lâm đã hy sinh chỉ vì thủ trưởng của nó đã chọn ngày tốt mới đổ bộ đấy nhé. Cụ Võ Nguyên Giáp mà cũng chọn ngày tốt mới nổ súng thì đã không có chiến thắng Điện Biên Phủ và cả Đại thắng Mùa xuân 1975. Với người có tư duy khoa học thì không có ngày tốt ngày xấu, không có chuyện may rủi. Ở nông thôn, chẳng có ai kiêng kị thế. Không mấy ai đốt vàng mã, cúng sao giải hạn. Đối với họ, cái hạn trời làm đã khổ, cái hạn người làm còn khổ hơn. Rầy nâu không đáng sợ bằng... giầy đen đâu. Anh đã nghe một bác nông dân nói thế đấy em ạ.
Thủy không có khả năng phân tích nên không thể phân biệt được đúng sai phải trái. Tâm lí đám đông là chỗ dựa duy nhất để chị phản bác lại chồng.
Ai cũng đã nói thế, ai cũng làm thế mà anh lại bác bỏ thì cả thế gian này sai chỉ mình anh đúng chắc?
- Lẽ phải không phải bao giờ cũng thuộc số đông. Có một câu từ xửa xưa các cụ đã nói, giờ rất nhiều người vẫn nói thậm chí người ta đặt tít cho cả bài báo, em cũng vẫn nói, vô cùng phi lí mà vẫn không nhận ra mới kỳ quặc.
- Câu gì mà anh bảo kì quặc?
- Nói trước bước không qua.
- Chả thế là gì.
- Giời đất ạ! Con người hơn con vật là ở chỗ biết tư duy. Con vật làm theo bản năng, theo tập tính. Khác con vật, con người phải nghĩ trước khi làm, bắt buộc phải nói ra như lên kế hoạch. Công nghệ thông tin gọi đó là lập trình trước rồi mới tổ chức thực hiện. Việc cá nhân thì có thể nói hay không nói nhưng, vẫn phải nghĩ trước. Còn thành hay không thành lại phụ thuộc vào nhiếu yếu tố. Em đừng quên thái độ hoài nghi khoa học và chủ nghĩa hoài nghi khác nhau lắm đấy.
Còn chuyện có duyên mua bán thì anh giải thích được.
- Đấy, thấy chưa. Bây giờ anh cũng phải thừa nhận rồi nhớ!
Thủy không giấu được vẻ thích chí, nói như reo lên.
Rất thong thả, Tùng giảng giải:
- Cái duyên mua bán, như em nói, cái duyên số, cái duyên nọ duyên kia là cách nói thì cũng được, chứ là cách nghĩ thì không đúng. Ngoài phố người ta nói hàng phở này, hàng cơm kia, hàng bún nọ... đắt hàng... là bởi có duvên bán hàng. Thật ra, đơn giản thôi. Phải biết bí quyết chế biến món ấy, để ngon hơn, ăn lãi ít đi một tí để rẻ hơn hàng khác. Người bán hàng
đã xinh đẹp, lại luôn cười như hoa, bưng bát phở hay nhận tiền từ khách đều bằng hai tay với lời cảm ơn... Nó thuộc về kỹ năng bán hàng, tâm lí bán hàng, nghệ thuật bán hàng, có trong sách cả đấy em ạ.
- Sách gì anh nói em nghe, hay anh cứ bịa ra đế thuyết phục em?
- Để anh nhớ xem đã, có xem qua thôi, vì nó là chuyên môn hẹp, anh không quan tâm, chỉ biết là có, nghĩa là nó trả lời được một câu hỏi trong nhận thức của mình... nhớ rồi: Kinh thánh của nghệ thuật bán hàng.
- Thế sao mọi người không đọc đê’ vận dụng. Chẳng lẽ những bà hàng phở, hàng bún đông khách... đã đọc nó à?
- Đọc hay không thì không biết. Có thể tự họ rút kinh nghiệm, sáng ý mà tự rút ra. Các trường lớp dạy kinh doanh, quản trị, các siêu thị, các nhà hàng nổi tiếng thế giới như Mácđônan, KFC v.v... chắc chắn phải dạy cho học viên, nhân viên của mình. Giới bóng đá nói cái duyên làm bàn. Lại có người nói ông này có duyên với giải thưởng... Người ngoài nói thế, thậm chí người trong cuộc cũng nói thế, như chị bạn em đấy. Nói cái duyên tức là nói cái gì đó kỳ bí, kì lạ, không biết được. Thật ra đều giải thích được. Hai hàng phở gần nhau, Bên này đông nghịt bên kia vắng tanh. Em thử vào ăn cả hai hàng xem, làm gì chả giải thích được.
- Chuyện ấy đơn giản, anh nói đúng. Những chuyện làm ăn lớn, chỉ những người có duyên mới làm được. Những người khác chịu chết.
- Chắc em công nhận, anh với em yêu nhau, bao đôi lứa yêu nhau là có duyên số chứ gì ?
- Quá đúng!
- Thế em có giải thích được vì sao em yêu anh và ngược lại không?
- Sao lại không giải thích được. Quá dễ! Hối ấy....
- Được rồi, anh nhớ, em cũng nhớ, cũng hiểu vì sao mình đến với nhau. Người ngoài cũng giải thích được. Nhưng có vô vàn trường hợp, người trong cuộc thì giải thích được, nhưng người đứng ngoài lại không thể giải thích được. Ví dụ khi một phi công trẻ lái máy bay bà già. Hoặc ngược lại, mộc cụ già tám mươi cưới một cô gái kém mình hơn nửa thế kỷ, không phải chỉ đẻ một, mà đẻ đến hai đứa con khỏe mạnh xinh xắn hẳn hoi. Lại có trường hợp chính người trong cuộc cũng không giải thích được. Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt/ Nhưng mà sao ta lại yêu em/ Đôi mắt em êm đềm như bẫy chuột/ Ta quàng xiên nên đã chót sa chân. là một ví dụ. Có rất nhiều người, vốn rất ghét loại người này, nhưng rồi lại lấy đúng loại người ấy. Thế mới có câu,ghét của nào trời trao của ấy, đúng không nào?
Phải nói, ông chồng mình chịu đọc, nên lắm chuyện hay. Nghe thì vui tai đấy. Nhưng nó vẫn thế nào ấy. Tùng thì vẫn say sưa thuyết lí giảng giải cho vợ.
- Phương Tây người ta lí giải được tất cả, người ta còn đúc kết thành loại sách công cụ, dạy các loại kỹ năng làm giàu Kỹ năng xây dựng thương hiệu, kỹ năng cạnh tranh.... Cả kỹ năng tình dục mà vợ chồng mình đã từng vận dụng đấy.
- Theo em, gì thì gì, ăn nhau vẫn ở may rủi. Các cụ bảo may hơn khôn mà !
- Không phải thế đâu. Thế em bảo hai đội bóng, hòa cả hai hiệp chính, hai hiệp phụ. Đến lúc thi đá luân lưu thì đội nào bản lĩnh hơn, tâm lí thi đấu vững vàng hơn, kĩ thuật sút phạt tốt hơn thì thắng chứ may rủi nỗi gì. Làm sao may mà thắng được? Một trận đấu bóng đá cũng vậy, một trận quần vợt cũng vậy mà một cuộc kháng chiến cũng vậy. Không có chuyện may thì thắng, rủi thì thua. Thế may thì ta thắng trong hai cuộc kháng chiến à? Rủi thì đối phương thua à?
- Nhưng vẫn có chuyện rủi ro chứ.
- Đã đành, nhưng ngay cả chuyện rủi ro người ta vẫn tìm cách khống chế nó. Đúng hơn là hạn chế nó.
- Anh nói cứ như thánh ấy.
Thủy không biết rằng, từ xa xưa, chính con người đà tìm cách hạn chế rủi ro đấy. Nghĩ ra cái nón, cái mũ chống nắng mưa là để không bị cảm nắng. Làm cái mũ bảo hộ lao động, đề phòng vật gì ở trên cao rơi trúng đấu, mũ đi xe máy để bảo vệ đầu không bị chấn thương lỡ ngã. Có một chuyện cả thế giới biết. Năm 1943, đoàn lãnh đạo cấp cao Liên Xô bay sangTêhêrăng (Irăng) họp với hai đoàn lãnh đạo cấp cao Mỹ, Anh bàn kế hoạch phối hợp gạ gục trục phát xít Đức, Nhật. Viên sĩ quan cao cấp phụ trách an ninh đoàn Liên xô, báo cáo với Nguyên soái Stalin, đoàn ta sẽ đi trên hai chiếc máy bay, chiếc này do viên trung tá lái, chiếc kia do vị thiếu Tướng lái, viên sĩ quan mời Nguyên soái lên chiếc máy bay do vị thiếu tướng lái. Đến gần cầu thang, bước chân Stalin chậm dần rồi dừng lại. Lấy hết can đảm, viên sĩ quan an ninh hỏi: - Thưa…vì sao đồng chí không lên máy bay ạ? Stalin trả lời,- Trung tá mới lái hằng ngày chứ thiếu tướng thì có mấy khi lái. Rồi ông lên máy bay kia. Một người làm những việc vô cùng to lớn, trọng đại, phức tạp, khó khăn, lãnh dạo cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đóng vai trò chủ yếu trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong thế chiến thứ hai mà vẫn biết tính đến những điều nhỏ nhất trong đời thường, để loại trừ bớt những rủi ro có thể xảy ra. Ông vĩ đại ngay cả trong việc bình thường.
Làm việc gì, người ta cũng tính đến tình huống xấu nhất nên bao giờ cũng có phương án, thậm chí vài phương án dự phòng. Đấy chính là nguyên lí của một ngành chuyên môn gọi là quản lí rủi ro. Không gì con người không tìm cách hóa giải nó, phục vụ cuộc sống của mình. Đấy là chuyện rủi ro, còn chuyện may mắn? Nó cũng có bí quyết. Chuyện trúng số độc đắc là ngẫu nhiên hoàn toàn. Lí thuyết toán xác suất chỉ ra rằng, nếu ngẫu nhiên trúng độc đắc mà chạy non không bao giờ chơi nữa thì được tất - trừ việc nộp thuế thu nhập đột xuất đặc biệt. Nếu quen mui thấy mùi ăn mãi mà chơi tiếp, chơi tiếp mãi mãi thì rút cuộc, số tiền bỏ ra mua vé và tiền thu được sẽ tiến tới bằng nhau. Cho nên, người hiểu biết không ai chơi xổ sổ chuyên nghiệp bao giờ.
- Về chuyện xổ sổ, lô đề thì em công nhận anh nói đúng.
Chơi đề ra đê mà ở. Bên họ nhà em ở quê. có bà chị phải tự tử vì chơi lô đề đấy.
Tùng giải thích:
May mắn là đối lập với rủi ro. Người ta cũng đúc kết được kinh nghiệm, nâng lên thành cẩm nang trong một cuốn sách là: Bí mật của may mắn.
Thủy không biết rằng, chuyện làm ăn, học hành của một người cũng thế, mà chuyện của đất nước cũng thế thôi. Chẳng có chuyện cầu nguyện cho quốc thái dân an nếu không biết vận dụng sáng tạo quy luật kinh tế thị trường vào triết lí mà Lê Quý Đôn đã đúc kết từ mấy trăm năm trước: phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi thương bất hoạt.
Thủy thắc mắc:
- Chẳng lẽ các vị lãnh đạo nhà mình không biết những điều anh nói? Sao mình vẫn lẹt đẹt trong số những nước nghèo thế giới ?
Chị không nhận ra điều đơn giản này, biết là một chuyện. Có làm không lại là chuyện khác. Làm theo cách gì lại là chuyện khác nữa. Ai cũng biết cách còn quan trọng hơn cái nhiều. Người ta đã chỉ ra rồi, nguyên nhân sự thất bại của một quốc gia trên con đường làm cho dân giầu nước mạnh có một phần vì địa lí, văn hóa, thiên nhiên. Nhưng nguyên nhân sâu xa là ở thể chế chính trị mà các nhà lãnh đạo đất nước ấy chọn. Chính thể chế chính trị quyết định việc lựa chọn thể chế kinh tế. Thể chế kinh tế nào huy động được mọi nguồn năng của nhân dân, làm cho công dân tham gia vào mọi hoạt động tạo ra của cải (cả vật chất và tinh thần) luôn luôn tìm cách thực hiện việc cũ cho hiệu quả hơn, để vừa ích nước vừa lợi nhà thì dân sẽ giầu, nước sẽ mạnh. Và nếu không loại trừ được kinh tế thị trường đen thì còn khó lòng mọc mũi sủi tăm lên được.
Tùng muốn kéo Thủy về để tài chuyên môn cua chị nên hỏi:
- Xem phim hình sự Mỹ, em có thấy, khi cảnh sát gọi cửa, nghi phạm không mở, thế là họ lùi ra mấy bước rồi lao vào, dùng vai xô cho cánh cửa bung ra. Vì sao họ làm được thế em có biết không ?
- Sao anh lại đặt câu hỏi này với em ? Nó liên quan gì tới em ?
- Liên quan đấy, liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp của em kia.
- Vừa vừa thôi anh ạ, cứ như fa9 em là trẻ con không bằng.
- Anh đang nói với bà Vụ trưởng Pháp chế đấy chứ. Cảnh sát ta không thể làm thế, vì rất nhiều trường hợp, người ta làm cửa mở ra ngoài. Mở ra ngoài thì cả bốn cạnh cửa đều áp vào khung, không thể xô vào thế được. Ở Mỹ, luật pháp cụ thể chi tiết tới mọi ngóc ngách đời sống. Trừ cửa sổ, tất cả cửa, dù cửa ngoài vào nhà hay cửa buồng đều phải mở vào trong, đề phòng có sự cố, người ngoài còn phá được, vào cứu được người bên trong. Nhiệm vụ của em đấy. Phải làm - cho không một hoạt động nào trong ngành mình không bị pháp luật điều chỉnh.
Có lần, Tùng rất khoái bài phóng sự của một đồng nghiệp, không nhớ ở báo nào: Đời vẫn còn cơ chế xin - chot thì dịch vụ tâm linh ngày càng nhiều. Thiếu tự tin mới cầu xin thánh thần, để tự trấn an mình, cung tiến thánh thần, xét cho cùng cũng là một dạng xin - cho, một dạng hối lộ. Số tiền hối lộ thì ít (thường chỉ năm mươi ngàn, trăm, vài trăm ngàn), nhưng mong muốn (trong lời khấn vái) thì nhiều. Cầm phiếu ghi công đức về, đặt lên bàn thờ, coi như một chứng từ minh chứng cho lòng thành của mình. Cũng nghĩ rằng,, số tiền ấy sẽ đến tay thánh thần. Dĩ nhiên! Nhưng trước hết, giá trị sử dụng của nó phải qua tay các Phật tử ngoan đạo để tồn tại đã. Rồi mới đến việc sửa sang, xây cất, trùng tu để hoằng pháp đạo Phật.
Tùng nhắc vợ:
- ... Em cần biết, ngành thuế, có một nguyên tắc bất di bất dịch là: đã có nguồn thu thì phải đóng thuế. Các đền chùa, miếu mạo đều có hòm công đức. Nguồn thu ấy sớm muộn phải đưa vào quản lí. Ai quản lí ? Quản lí thế nào ? Cấp nào quản lí? Sử dụng thế nào? Đóng thuế thế nào? Không sớm thì muộn, chính Vụ em sẽ phải tham gia với ngành thuế để giải quyết bài toán ấy. Em để tâm tìm hiểu, nghiên cứu đề xuất dần đi là vừa.
Gì thì gì, Thủy cũng phải công nhận chồng mình có tư duy rất được, có tầm nhìn xa. Chỉ có điều, khả năng phục thiện hạn chế, lại cho rằng mình oai hơn chồng nên dù anh nói phải chị cũng không nghe:
Ối dào, nước đến đâu bắc câu đến đấy. Việc đến đâu, âu đến đấy. Lo làm gì cho già người.
Giật mình, Tùng lo cho vợ, chết thôi, tư duy của một vụ trưởng thế này thì chết thật. Không nghĩ đi xa, chỉ nghĩ cách leo cao. Càng leo cao, ngã càng đau đấy đồng chí vợ ạ. Nghĩ thế chứ không dám nói ra. Anh biết mình không thuyết phục được vợ. Đành để Thủy muốn làm gì thì làm. Anh thấy chị viết ra giấy một danh mục dài rằng rặc những thứ cần mua sắm theo đúng hướng dẫn của Thầy cho lễ cúng sao giải hạn. Tùng chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.
Thôi đành!
Truyen8.mobi tiếp tục cập nhật đến bạn đọc chương tiếp theo một cách nhanh nhất. Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!