Tôi 20 ++ Chương 11

Chương 11
Xe đạp

Tôi biết đi xe đạp khá sớm. Cái thời tôi học cấp một, bạn bè hầu như chưa đứa nào biết đi xe đạp. Một là vì chẳng phải gia đình nào cũng dư dả để mua xe đạp cho con. Mà cũng bởi vì bọn tôi học ở trường rất gần nhà nên toàn đi bộ.

Cuối năm lớp ba, cũng là lúc mẹ đi học nghiên cứu sinh ở Nga về, mẹ mua cho tôi một chiếc xe đạp. Tôi vẫn nhớ, đó là chiếc xe đạp nhỏ màu xanh lá cây, của hãng gì đó của Nga hay của Tiệp mà theo mẹ là rất “oách”, phanh bằng chân chứ không phải bằng

tay. Tức là, khi nào cần phanh xe lại, thì chỉ việc đạp ngược cái pedal về đằng sau. Tôi thích chiếc xe lắm và cũng tự hào về bản thân mình nữa, khoe với khắp bạn bè. Bạn tôi vẫn chưa đứa nào có xe. Nhưng thực ra chiếc xe chủ yếu cũng chỉ dùng những lúc tôi đi chợ hoặc ra nhà bà ngoại với mẹ, chứ trường tôi vẫn gần, đâu có cần đi xe.

Đến năm lớp bốn, tôi bắt đầu phải đi những nơi xa nhà hơn. Đầu tiên là lớp học bóng bàn, rồi đến lớp học tiếng Anh. Ngày đó, bố tôi vẫn còn đang ở nước ngoài, mẹ thì đi làm xa và bận, nhà neo người, chẳng có ai đưa đón, nên cuối cùng tôi cũng được tự đi xe đạp đi học một mình.

Thế nhưng, cái hào hứng lúc ban đầu của việc, mà khi đó mẹ đã gọi là “học cách cự lập” đã tiêu tan ngày từ buổi đầu tiên. Tôi bị trấn lột. Gọi là trấn lột cho ghê, chứ thực ra cũng chỉ là mấy thằng choai choai nhỉnh hơn tôi một chút giật của tôi cái mũ. Nhưng là cái mũ mẹ mua cho ở nước ngoài, nên tôi tiếc lắm. Ngày hôm sau, bằng mọi giá mẹ đưa tôi đi học và đón về. Mãi đến một thời gian sau, đến khi hai đứa bạn rất thân của tôi và học cùng tôi mấy lớp học đó cũng được mua xe đạp, mẹ mới cho tôi tự đi xe đạp lại để đi cùng chúng nó.

Sau này, khi tôi đã lớn rồi, mẹ mới kể lại, mẹ đã rất hồi hộp và lo lắng cái ngày đầu tiên cho tôi tự đi xe đi học, đến nỗi mẹ đã lén đi theo cho đến khi tôi đến tận nơi mới dám thở phào đi làm tiếp. Và mẹ cứ ân hận là đã không đến đón tôi lúc tôi tan học, để tôi bị trấn lột như vậy. Chưa kể là những nỗi lo ngã xe, tai nạn và một nghìn thứ lo lắng khác nữa. Mẹ chỉ yên tâm hơn, khi tôi có những người bạn đồng hành, và vì thực ra cuối cùng hoàn cảnh cũng không cho phép mẹ cứ đưa đón tôi mãi, mẹ mới đành tự trấn an mà cho tôi “học cách tự lập”.

Tôi bỗng nhớ đến chuyện này, khi ngày hôm nay nhà tôi có chút to tiếng về mâu thuẫn trong quan niệm vế việc làm, lối sống của tôi, mà nói chung là về tôi. Bố mẹ hốt hoảng khi tôi bỗng dưng bỏ ngang một công việc, mà theo quan niệm chung là khá tốt, để theo đuổi “một số thứ phù phiếm”. Nói chung là một chuyện mâu thuẫn nho nhỏ gia đình nào cũng có với cái gọi là khoảng cách thế hệ, chứ cũng chẳng phải chuyện gì mới. Bố mẹ nói rất nhiều, về công việc, về cuộc sống, về kinh nghiệm của bố mẹ, về quan niệm xã hội, nói c hung là rất nhiều thứ.

Và tôi chợt nhớ đến câu chuyện xe đạp.

Mẹ muốn tôi có một công việc ổn định, cuộc sống ổn định.

Giống như ngày xưa mẹ đã chọn cho tôi ngôi trường gần nhà, để tôi có thể đi bộ đi học, cho nó an toàn.

Còn tôi muốn thì lại nghĩ, đã đi bộ, làm sao có thể đi xa được. Mà tôi chỉ muốn đi xa hơn.

(Mẹ có nhớ là, ngày xưa mẹ buộc phải cho con tự đi xe đạp đi học xa, cũng chỉ vì cái lớp tiếng Anh đó rất tốt?)

Thế nhưng con đường mà tôi muốn đi lại khác biệt với những con đường mà bố mẹ đã quen thuộc, giống như khi tôi đi học xa nhà thì mẹ sẽ khó dõi theo tôi hơn là khi tôi chỉ đi bộ đi học gần nhà, vì thế mẹ càng lo lắng, càng sốt ruột và thật lòng là không muốn buông ra cho tôi đi theo con đường xa đó.

Thế nhưng mẹ lại không thể đi học thay con, hay cứ đưa đón con mãi.

Một mâu thuẫn muôn thuở.

Và cuối cùng của câu chuyện, tôi cũng chỉ muốn hỏi mẹ một câu: “Bao giờ mẹ mới sẵn sàng buông tay cho con tự đi xe đạp đi học xa nhà, một lần nữa?”.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t55045-toi-20-chuong-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận