Con người đến với nhau trong cuộc đời theo lợi ích vật chất, tinh thần, tình dục và văn hóa. Tình yêu là một trong những trạng thái tác động vào những hoạt động này. Tình yêu có một hiệu lực lạ lùng, nó có tác dụng khác nhau với đàn ông và đàn bà. Đàn bà yêu bằng trái tim, còn đàn ông yêu bằng đầu, hay ngược lại. Đây là một điều bí hiểm, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, trình độ giáo dục và xã hội của từng người. Trong thời gian gần đây, đàn ông và đàn bà không có gì khác biệt, bởi vì sự độc lập đã tạo cho phụ nữ quyền tự do trong việc lựa chọn bạn đời, không còn ràng buộc bởi những phong tục cổ hủ, không còn phải theo cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nữa, và họ thấy tương lai sáng sủa hơn.
Trong mọi trường hợp thì quyền lực của sự quyến rũ là một vũ khí mà người ta dùng để hàng phục đối phương làm theo sở thích cá nhân của mình. Tình dục có vai trò quyết định để dẫn tới khoái cảm. Về điểm này có những cách ứng xử khác nhau tùy thuộc vào từng dân tộc, vào sự tự do của phong tục tập quán của từng quốc gia. Những hậu quả của chiến tranh và của hậu chiến tranh là điều chủ chốt làm biến chất cách hiểu về tình dục.
Tôi có thể kể ra những trải nghiệm của tôi trong quá trình rong ruổi trên thế giới. Mặc dù tôi tự biết, năm tháng đã làm thay đổi rất nhiều trong đời sống kinh tế xã hội ở những nước đó.
Ví dụ, vào năm 1950, những nước như Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Na Uy, Phần Lan và Ba Lan, phụ nữ cho không ở các hải cảng vì nghèo khó, chỉ cần một hộp xì gà là đã có thể có một người đàn bà. Hải cảng là nơi phụ nữ có thể tá túc và kiếm sống được, nơi đó họ có thể có cái ăn và có quà tặng. Những cuộc chia tay là những sự chịu đựng vì không phải họ nhớ nhung các thủy thủ hào phóng mà vì bỗng chốc họ mất đi nguồn sống, cũng có những trường hợp họ đau buồn bị mất đi một mối tình có thực.
Tôi quen Christine Ebert tại Hamburgo, một cô gái mười bảy tuổi, đầy quyến rũ. Cô bé thường xuyên có mặt tại quán cà phê Laussen trên đường Riperbalen thuộc quận San Pauli. Lúc đó tôi khoảng hai mươi ba tuổi và cũng chưa biết phân biệt điếm đĩ ngoại lai đã bắt đầu hình thành ở một cô gái bản địa. Trường hợp này tôi cũng hoàn toàn mù tịt. Chúng tôi đắm say trong cuộc tình, cho tới một lần, sợi dây tình kia được tháo bỏ. Tôi nhớ, hôm đó chúng tôi cùng thức dậy và được mẹ nàng chuẩn bị cho bữa sáng ngay tại nhà. Tôi được chăm sóc như một người hùng, mà thực tế tôi là ân nhân
Tôi góp cho họ cái gì? Đấy là những điếu xì gà, của hiếm trong chiến tranh. Khi ra đi, cả nhà họ đều rơi nước mắt. Nhưng tôi đi cũng không bao lâu, bởi nếu có điều kiện thì ba tháng sau tôi sẽ trở lại.
Khi tôi quay lại, thì Christine không còn sống chung cùng bố mẹ nữa, nàng đang ở số nhà 20 tại phố Hambrirgerber - gertrasse nhỏ bé. Nàng đẹp hơn. Nàng ăn vận đẹp hơn. Chúng tôi sống vui vẻ bên nhau ít lâu và rồi lại chia tay. Cuộc gặp lần sau thì nàng đã chuyển sang một ngôi nhà lớn hơn và đầy đủ tiện nghi hơn. Lần thứ ba tôi quay lại nàng đã lại chuyển đến ở tại một ngôi biệt thự sang trọng. Nhưng nàng không còn kiều diễm như xưa nữa. Nàng son phấn lòe loẹt hơn, không còn vẻ thanh nhã như lần đầu tôi gặp. Câu chuyện của nàng chỉ xoay quanh chuyện tiền nong nàng kiếm được. Và nàng đã mua được những gì trước kia nàng không thể. Nàng nói khách hùng của nàng tặng cho nàng bao thứ và nàng đã có thể giúp đỡ cha mẹ.
Tình hình địa lý, chính trị của nước Đức đã biến đổi nhanh chóng. Và quan niệm của người dân cũng dần dần đổi thay. Bây giờ các cô gái không còn phải sống dựa vào các thủy thủ nữa. Tôi rất buồn vì nàng làm hỏng khuôn mẫu vì kinh tế. Lần gần sau chót trở lại tôi không gặp nàng. Hỏi thăm bạn bè mà tôi từng quen thì được biết nàng đang nằm viện. Tôi mang một bó hoa đi thăm nàng. Nàng nằm trên giường, không cho tôi biết vì sao phải nhập viện nhưng tôi biết nàng mắc bệnh hoa liễu. Niềm vui rực lên trong đôi mắt xanh trong của nàng, cái sức sống còn lại duy nhất trên khuôn mặt không trang điểm của nàng, đôi mắt mà cả đời tôi không sao quên được. Có thể nàng cảm động vì cuộc viếng thăm của tôi, nàng cảm thấy nàng không bị bỏ rơi, và rất xúc động nàng hứa phần đời còn lại nàng sẽ dành cho riêng tôi. Tôi không tin, nhưng tôi làm như chia sẻ cùng nàng giấc mộng đó, vì như vậy cuộc chia tay bớt lâm ly và nàng còn hy vọng chúng tôi sẽ gặp nhau.
Chuyến trở lại cuối cùng của tôi thì nàng đã biến mất. Bạn bè nàng bảo nàng đã rời nước Đức cùng một người đàn ông Hy Lạp và không ai biết họ đi đâu.
Từ đó không bao giờ tôi biết tí gì về nàng.
Ở các nước Bắc Âu, đàn bà thì rực lửa, còn đàn ông thì lạnh lùng và bị rượu chi phối. Dân châu Mỹ La Tinh thì say đắm, mặc cho tình hình châu Âu đã được khôi phục tại phía Đông của bức mành sắt. Đâu là nguyên nhân của sự khập khiễng về dục vọng này? Đàn ông thì uống quá nhiều và không còn có thể chăm sóc được các bà. Có những người buộc phải chấp nhận sự ngoại tình của vợ, số khác thì có phản ứng nhưng cũng không mạnh mẽ. Những người đàn ông Italia bất chấp cơ hội này và chinh phục được một cách dễ dàng các bà không thỏa mãn tình dục, khiến họ căm hận những người đàn ông của nước mình và họ chọn cho họ những người đàn ông đáp ứng được nhu cầu của họ. Điều này tạo nên một làn sóng mâu thuẫn, những người đàn ông Bắc Âu muốn trục xuất đàn ông Italia ra khỏi lãnh địa của họ. Sau đó, những người đàn ông Tây Ban Nha xuất hiện, rồi đến dân Mỹ La Tinh, dân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là dân Thổ, dân bị người Bắc Âu và Tây Đức coi là chủng tộc thấp hèn, chỉ được sử dụng vào những công việc nặng nhọc mà họ không muốn làm và luôn dồn họ vào khu của người Do Thái. Không còn tồn tại sự phân biệt chủng tộc nặng nề của Hitle, nhưng nó được thay thế bằng một hình thái khác nhẹ hơn chút ít.
Bây giờ chúng ta dạo một chút qua thực tế của Argentina, hiện tượng những người phụ nữ lẻ loi, bị ruồng bỏ, bị đánh đập, những đứa trẻ không cha, không nơi nương tựa, không có cơm ăn, không được học hành xuất hiện ngày càng nhiều. Những kế hoạch xây dựng đều không hữu hiệu, không khả thi và không thực tế. Nhưng điều tồi tệ là cuộc sống không tình cảm giữa một xã hội đầy thờ ơ và thiếu nhạy cảm. Những thanh niên ngoài đường đang biến thành những tội phạm không phương cứu chữa bởi sự bất lực của những thế lực mại dâm.
Những đứa trẻ không cha là một chủng tộc mới được sinh ra từ những cuộc ly hôn, của những cuộc ly thân. Một đứa trẻ sinh ra cần có cả cha lẫn mẹ, thiếu một trong hai người đó khác gì nó là người cụt chân, cụt tay, khác gì mất một cánh tay. Nó sẽ mang thương tật đó suốt đời. Tôi đã từng trải qua cảm giác thiếu hụt này, không vì ly hôn mà vì năm tôi mười sáu tuổi thì tôi mất mẹ. Trước đó tôi sống một cuộc sống nhẹ nhàng, lãng mạn. Rồi cái cảm giác bơ vơ không nơi bấu víu ập xuống. Mẹ tôi là một người đàn bà nề nếp, bà chỉ biết có công việc nội trợ. Tôi là đứa con duy nhất nên là chỗ dựa của mẹ, và tôi có thể lựa chọn một nghề cho riêng mình, một nghề mà cha tôi hoàn toàn không muốn, bởi người đã có những phương án riêng cho tương lai của tôi. Cái chết của mẹ đã quyết định hướng đi của đời tôi. Tôi tự do lựa chọn và đã chọn làm một thủy thủ. Nhưng cũng không phải dễ dàng gì, tôi đã là một người hoàn toàn khác, tôi theo học nghề một cách miệt mài. Suốt bốn mươi mốt năm lênh đênh trên biển tôi hiểu ra rằng chẳng có gì tự đến cả, tôi đã phải cố gắng một cách phi thường để trở thành một thủy thủ lành nghề. Chỉ có một mình, không người trợ giúp, không có bóng dáng người cha. Sự thiếu hụt đó theo tôi suốt cuộc đời. Mặc dù mẹ chăm sóc tôi tận tình, nâng đỡ tôi, yêu thương tôi vô cùng nhưng cũng không lấp được chỗ trống hình bóng người cha. Tình trạng xảy ra phổ biến ở những trường hợp khi gia đình thiếu hụt một bộ phận quan trọng của cuộc sống vợ chồng.
Vì thế tôi rất khó hiểu là tại sao lại có những người cha sau khi ly hôn thì quên hẳn con mình, mặc chúng với người mẹ, không hề giúp họ chút gì để họ tiếp tục sống. Người phụ nữ phải chịu hai lần cơ cực: thiếu tình yêu và vật chất, ngoài ra họ còn phải bằng bất cứ giá nào để lo nơi ăn, chốn ở cho con, và nếu có thể họ còn phải hy sinh để con cái được học hành.
Cũng có những người đàn ông phải chịu cảnh tương tự, nhưng trường hợp này ít hơn so với phụ nữ, và không bao giờ họ có thể thay thế được tình mẹ.
Có những người đàn bà không cho chồng cũ gặp con mình bởi sự hận thù và muốn trả thù. Họ không biết rằng người chịu đựng nỗi đau chính là những đứa con của họ. Và chưa kể những đứa con riêng của cả hai người cũng đều chung số phận, những đứa con cùng cha khác mẹ. Đó là một bi kịch của thời đã qua. Còn ngày nay thì không thành vấn đề, những đứa trẻ sinh ra trong xã hội hiện đại đã quen với cảnh tái hôn của cha mẹ rồi. Tóm lại, những cuộc hôn nhân lợi dụng con trẻ như con tin để đạt mục đích trả thù có lợi cho mình là dã man. Và rất tiếc sự việc này lại luôn xảy ra, rất vô nhân đạo mà người ta không hiểu nổi.
Tình yêu với những đứa con là một thứ tình cảm tách riêng khỏi sự chỉ đạo của con người. Nguyên do của điều này còn đang là một ẩn số, rất khó có lời giải đáp. Ví dụ, tại sao người ta lại có con? Có phải chỉ để duy trì nòi giống hay không? Không hoàn toàn như thế. Tôi nghĩ rằng, việc có con là để có cầu nối tình cảm, để được yêu thương chúng, dạy dỗ chúng và dẫn dắt chúng trong đường đời. Và đó chính là nghĩa vụ của tất cả cặp vợ chồng hoặc những đôi đã cùng chung sống. Nhưng, người ta chờ đợi gì sau khi đã dồn hết yêu thương vào những đứa con, một sự dâng hiến và lo lắng cho cuộc sống ư? Một phần thưởng ư? Hay một sự đền đáp? Từ này là từ gốc của sự mong muốn của các bậc cha mẹ. Tôi cũng đã trao đổi với một người, họ cho rằng đối với con cái là cho vay không hoàn lại, nước mắt chảy xuôi. Bởi vì chúng ta sinh ra chúng chứ đâu phải chúng bắt chúng ta sinh ra chúng và chúng ta phải gánh trách nhiệm cả vật chất lẫn tinh thần với chúng. Chúng ta đang nói về những đứa con mà chúng ta muốn sinh ra chúng chứ không nói đến những trường hợp rủi ro. Có nghĩa là, cha mẹ đã ký một bản hợp đồng suốt đời để chăm lo con cái cho tới già. Đó là điều tất nhiên, nhưng tôi quan niệm việc nuôi con không phải là sự trừng phạt mà là tình yêu cần có cả từ hai phía. Cứ trồng đi rồi sẽ gặt, khi anh là một người cha tốt, không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho con mà còn làm tròn bổn phận của mình với cả xã hội mà anh đang sống.
Thật là tuyệt vời khi có một mối ràng buộc tinh thần sâu sắc, một tình yêu thương chan hòa, có thể chia sẻ với nhau cả dự định và ước mơ. Khi không có những điều này thì điều trái ngược sẽ xảy ra, sẽ nảy sinh tính ti tiện, sự đối kháng, oán giận và sự vô tình. Những người cha già thì bị bệnh lão hóa hành hạ và thường bị con cái bỏ quên. Người không biết yêu thương cha mẹ là người bỏ đi.
Điều mà người ta không hiểu là có bao nhiêu đàn bà lẻ bóng, không đôi lứa, nhu cầu tìm ở con cái tình yêu thương mà người đàn ông đã ruồng bỏ họ? Những trường hợp này đã tạo ra mối quan hệ độc lập bệnh lý giữa mẹ và con, mẹ muốn nhận và con thì cảm thấy bị mất đi cái mình có. Trong trường hợp với người cha thì không thể, mặc dù nỗi đau cũng như người mẹ nhưng hình như người cha chấp nhận sự mất mát này một cách thanh thản.
Không khí hòa hợp của gia đình bị phá vỡ là biểu hiện bại hoại của một nền giáo dục hời hợt, kém thông minh và thiếu những giá trị tinh thần xác thực.
Tuy vậy, không phải tất cả những điều nêu trên đều là màu xám. Có những người con được cha mẹ quan tâm săn sóc cho tới hơi thở cuối cùng. Và những người con ấy đau buồn khôn nguôi khi cha mẹ qua đời vì họ hối hận là không được chăm sóc lại cha mẹ.
Gia đình phải là nguồn gốc của tình yêu, tình yêu đó được tạo nên bởi nhu cầu của con người để cứu rỗi nhân loại, đấy là cách duy nhất và lý do duy nhất để cứu vớt sự cô đơn vô phương cứu chữa đang hiện hữu.